Sunday, November 7, 2010

PHAN LẠC TIẾP * QUÊ HƯƠNG MIỀN BẮC TRONG HỒI TƯỞNG




PhanLacTiep.JPG (16924 bytes)



A.TIỂU SỬ

Ông sinh năm 1933 tại Sơn Tây, Bắc Việt. Di cư vào Nam năm 1954 sau Hiệp định Geneve.
Sĩ quan Hải Quân VNCH. Di tản năm 1975 khi chính quyền miền Nam thất thủ.
Suốt những năm từ 1975 - 1985s, khi làn sóng người Việt vượt biển lên cao độ, ông đã tích cực tiếp tay trong công tác Cứu Người Biển Đông và đã cùng Tiến Sĩ Trần Hữu Xương lập ra ‘SOS Committee for Boat People’.
Định cư tại San Diego California USA.

Tác phẩm
:
+Bờ Sông lá Mục (truyện 1969, tb 1998)
+Quê nhà, bốn mươi năm trở lại


B. PHÊ BÌNH VĂN HỌC

Nguyễn Thiên Thụ
Đọc Quê Nhà Bốn Mươi Năm Trở Lại



Quê Nhà Bốn Mươi Năm Trở Lại viết xong tháng 2-1995, xuất bản 1995, tái bản 1998, có thêm và sửa chữa, dày 310 trang. Tác phẩm này mang chủ đề tình quê hương. Tác giả đã trở lại Việt Nam ngày 2-4- 1994 thăm quê Sơn Tây và ghi lại những quang cảnh Sơn Tây nói riêng và Việt Nam nói chung, cùng cảm tưởng và tâm trạng của tác giả.

Quê Nhà Bốn Mươi Năm Trở Lại của Phan Lạc Tiếp mang tính cách tình cảm, trong đó mạnh nhất là tình yêu quê hương, làng xóm, bạn bè. Về quê nhà, Phan Lạc Tiếp đã thăm Hồ Gươm, Văn Miếu, nhìn thấy núi Tản, thăm chùa Thầy. Ông cũng đã đi thăm lại mái nhà thi sĩ Quang Dũng, gặp Hoàng Cầm. Quá khứ cũng đã trở về, ông nhớ quan Thiếu, ông cử Bình, anh Tr., cậu giáo. Nhưng cảm động nhất là khi ông về nhà cũ, gặp đầy đủ những người thân.

Những anh em, họ hàng của ông đã tấp nập tới thăm, và kín đáo canh gác quanh nhà để cho hai vợ chồng ông được ngủ yên và bình yên ở nơi quê nhà vào cái lúc mà nhân tâm thế đạo chưa được thuần nhất (152-167).

Quê Nhà Bốn Mươi Năm Trở Lại mang tính cách tố cáo: Việt Minh chém, giết người trong thời kháng chiến. Chính thân phụ tác giả đã bị bắt, và các ông chú, ông bác cũng đã bị hành hạ trong bàn tay của cộng sản. Phan Lạc Tiếp đã kể cho chúng ta nghe về cái chết oan ức và thảm thiết của anh Tr. nhà ở tỉnh , tản cư về thôn quê bị Việt Minh giết ( Người đàn bà nhan sắc). Cái chết của anh Tr. tiêu biểu cho bao cái chết tức tưởi trong thời Pháp trở lại và Việt Minh nắm quyền:

Đến năm 1949, lúc mặt trận tràn về, cả làng hết đường chạy. Một hôm Tây về, cả làng tụ lại trong chùa. Đàn bà, con gái bôi mặt nhọ nồi, mặc áo rách ngồi quay mặt vào lưng các ông Phật. Bà già và đàn ông ở ngoài. Và Tây về thật. Chúng chỉ độ trên 10 đứa. Dẫn đầu là một tên đội. Chúng chĩa súng vào đám dân làng. Cả làng khiếp vía.[. . ]. Có người bảo' ai nói được tiếng tây thì bảo nó ngưng. Cần gỗ thì lấy cột cờ, ván đình, cửa đình mà làm. . '' . Ý kiến hay, và anh Tr. chồng chị B bị đẩy ra''để nói tiếng tây hộ cả làng. Chỉ sau vài câu xã giao, tên đội tây tỏ ra thông cảm, đổi hẳn bộ mặt, và bắt tay anh Tr. nói mẹc-xì' hoài.. . .


Ban ngày tây về. Ban đêm du kích xã còn ở lại, và xuất hiện. Họ đến nhà anh Tr. nói rất lễ độ:
-Ủy ban mời anh đi họp.
Và họ dẫn anh đi. Tới nơi hẹn, có vài người nữa. Trong đó có ông T. Họ dẫn tất cả đi về phía núi Sài Sơn, cách làng độ 2 km.[. . ].. Đêm ấy, trước sự chứng kiến của một số người, họ đọc bản tử hình anh Tr. và sai hai người dùng thừng thắt cổ anh Tr., chồng chị B (79-80).


Quê Nhà 40 Năm Trở Lại là một tập truyện ngắn, mà hay nhất có lẽ là truyện đầu tiên Hà Nội sau 40 năm xa cách. Tập truyện này cũng mang tính cách hiện thực. Ông cũng nói sơ về tình hình sinh hoạt Hà Nội, về người Việt Nam sống tại Liên Xô, về nghề nuôi chó và lớp trưởng giả mới (92), về các biệt thự có lính đứng canh , là dinh thự các 'ông lớn của chế độ ' (99). Phan Lạc Tiếp đã viết về những cảnh sống rất thực của Hà Nội. Đây là cảnh 'đổ thùng' một đặc sản của Hà Nội băm sáu phố phường:

Thành phố cứ thế lặng đi độ 1, 2 giờ đêm, có tiếng đập cửa 'đổ thùng'. Cái này thật khổ. Khổ từ phòng khách đến phòng trong. Đôi khi có khách từ'nhà quê' ra, gia nhân, đày tớ nằm cả lối đi. Lúc ấy, 'đổ thùng' tới, là dậy tất cả. Nằm trên lối đi, dậy đã đành. Nằm trên sập gụ, trước tủ chè, cũng nào có ngủ được. Phu đổ thùng, họ vào rất nhanh, ra rất chóng, nhưng mùi xú uế đến khẳn đi thì đầy nhà. . . (95).

Phan Lạc Tiếp đã viết về Hà Nội, so sánh xưa và nay:
Ngoài những sinh hoạt ồn ào về ăn uống, Hà Nội như chưa có một sinh hoạt nào nổi bật. Hàng Đào xưa óng ả vải tơ, nay vẫn còn là một dãy phố buồn tẻ, xưa cũ và xiêu vẹo.[.. ]. Phố hàng Vải xưa chật ứ vải và vỏ nhuộm nâu, nay vắng hẳn. . .Duy chỉ có phố hàng Mã được coi là vẫn giữa được phần nào hình ảnh cũ. Xưa bày đầy hình nhân, ngựa giấy. Nay cắm nhiều lá cờ ngũ sắc bằng giấy và các cửa hàng mở cửa tấp nập khách ra vào (92).

Đoạn tả hàng Mã Hà Nội cũng thế. Phan Lạc Tiếp đã ghi lại một mẩu đối thoại giữa kẻ bán người mua đồ mã:
-Thưa cụ, cụ cho con ba bộ quần áo.
-Mà có cấp bậc gì không?
-Cháu nó là trung sĩ khi nhà nước báo tin trên bằng liệt sĩ.
-Ừ để tôi tính.
-Mà cho cháu cái đồng hồ có hai bơi chèo.
-Được.
-Cho cháu cái đài. . .
-Gì nữa không ?

-Dạ, đa tạ cụ. Nhà cháu nghèo, nghĩ đến cháu nó hy sinh tại B mà thương quá. Suốt đời nó ao ước có được cái đồng hồ và cái đài, và cái xe đạp. .
-Thế có muốn đặt cái xe đạp nữa không?
-Muốn mà sức nhà cháu không chịu nổi. ..
Khi khách hàng đã không thêm bớt gì nữa, cụ chủ nhà mới gọi vào phía trong:
-Này anh cả nó ơi, đem ra cho Bầm hai bộ quần áo bộ đội, cấp bậc trung sĩ, với lại. . . Bà đi đâu, độ một giờ quay lại lấy tất cả nha. . .(93).

Nhà cầm quyền Hà Nội như một bà già dở hơi, luôn tráo trở. Họ để cho buôn bán nhưng bất chợt một hôm đẹp trời nào đó lại cho công an bao vây, đột nhập tư gia và cửa hàng xét hỏi, tịch thu và bắt phạt, bắt giam. Bởi vậy, tại hàng Mã, hay tại một vài cửa hàng khác, người ta phải giấu hàng, chỉ khi nào khách hỏi, và phải là khách quen thuộc, người ta mới đem hàng cất giấu từ một nơi bí mật nào đó cho khách hàng.. Phan Lạc Tiếp đã giới thiệu nhân vật 'anh cả' con bà cụ hàng mã như sau:

Trong nhà, anh cả, con cụ, tuổi đã ngoài 60, tráng kiện.
Suốt đời anh cả, con lớn cụ, đi theo kháng chiến. . .Rồi sau chiến thắng Điện Biên, người thanh niên thủ đô trở lại thủ đô. ''Năm cửa ô đón mừng đoàn quân đã về'' . Đến cuối đời, khi đất nước thống nhất, 'anh cả' được cho về phục viên ( giải ngũ), với cấp bậc đại tá, và chức vụ cuối cùng là Sư trưởng. .. Bây giờ, người đàn bà thủ đô, yêu anh bộ đội áo trấn thủ đã bỏ đi, để lại cho anh một chuỗi ngày vắng lặng. 'Anh cả' về với mẹ già, và ngày ngày dán hồ trên các hình nhân mang sắc phục Quân Đội Nhân Dân. . . kèm theo cái đài, cái đồng hồ, là một mơ ước suốt đời của các chiến sĩ ngoan cường, không thực hiện được, đành phải nhờ người sống gửi theo (94).


Cho đến nay, Phan Lạc Tiếp đã có bốn tập truyện, và tất cả tác phẩm của ông đều rõ ràng, trong sáng, đều mang hai chủ đề: chiến tranh và quê hương. Tất cả bốn tập truyện đều mang hai tính chất: tính chất nhân bản và tính chất tố cáo. Ông đã tố cáo cộng sản tàn ác. Ông cũng không quên tố cáo người Mỹ đã sửa soạn sẵn, làm kiệt quệ khả năng tự vệ của miền Nam ( Nỗi Nhớ, 137) bởi vì trước đó, các cố vấn Mỹ đã bắt các đơn vị quân đội bắn hết đạn mà sau đó không tiếp đạn mới. Văn phong của ông thung dung bình dị phản chiếu con người nhân hậu của ông luôn nồng đượm tình người dù trong cảnh chiến tranh đen tối hay nơi quê người tuyết băng lạnh giá.

Trích Văn Học Hiện Đại của Nguyễn Thiên Thụ


C. TRÍCH LỤC CÁC TRUYỆN NGẮN CỦA PHAN LẠC TIẾP


Hoá Vàng

Tác giả: Phan Lạc Tiếp


Có lẽ đó là năm 1943.
Trước sân một dãy các đồ mã đã được bày ra. Rất nhiều vàng hồ có gắn những mảnh kính óng ánh. Sau đó là những sấp giấy đủ mầu, được coi là các thứ vải để người quá cố may quần áo. Hai cô hình nhân, ăn mặc theo lới quê, áo tứ thân, yếm trắng, thắt bao hoa lý, tóc bỏ đuôi gà là những người "đỡ chân, đỡ tay cho cô ấy". Kế đến là hai cái hòm, có khoá đồng bằng giấy trang kim, óng ánh như thật. Sau chót là cái xe cao-su, tức là cái xe kéo, có mui dương lên, cụp xuống được, hai bánh có nan hoa gắn vào trục, kéo đi đẩy lạo quanh sân được. Nệm xe trắng tinh, trên đó có con mèo tam thể nằm, hàng mã mà khéo như con mèo sống đang lim rim ngủ. Vì người quá cố là chị Hân, con gái độc nhất của bác tôi, mất năm ngoái, người rất yêu quý mèo. Hôm nay là ngày giỗ đầu.

Khi còn sống chị Hân ở ngoài tỉnh, lâu lâu chị Hân mới về thăm mẹ. Thường thì chị đi xe Sơn (tức xe chạy đường Sơn Tây-Hà Nội), rồi tơí ngã ba Quai Chè, chị lấy xe cao-su về nhà. Xe chị đỗ ở sân, ngay trước cửa vào buồng. Chị bước xuống, quần sa tanh trắng sột soạt. Chân chị đi hài cườm có thêu hai con chim phượng. Chị mặc áo dài nhung, quàng khăn san và vấn tóc trần. Chị đi đến đâu mùi nước hoa sực nức đến đấy. Độ này chị về luôn. Có khi đi xe ô-tô nhà, mầu tím, đậu tại Ngã Ba. Mùi ét-xăng thơm nồng. Chị quả là một người đến từ một cõi nào xa lạ và sang trọng quá. Rồi có tin chị lấy chồng. Chồng chị là một ông giáo ở gần đây. Vợ cả ông mới mất, nhưng ông đã có vợ lẽ và mấy đứa con. Đám cưới dồn dập đến. Cỗ bàn nấu theo nửa tỉnh nửa quê. Khách khứa đông lắm. Khách ở tỉnh về đi xe tay, xe đạp và có cả xe hơi. Đó là khách nhà gái. Khách nhà giai cũng toàn là dân có học cả, hầu như tất cả là nhà giáo. Họ nói chuyện với nhau khi thì bằng tiếng ta, khi thì bằng tiếng Tây.



Chị Hân về nhà chồng bằng mấy chục chiếc xe cao-su. Đồ dẫn cưới là những cái gối thêu và cái chăn bông mầu hồng. Nghe nói của hồi môn lớn lắm. Chú rể, lúc này tôi được phép gọi là Anh Giáo, mặc áo sa, đi giày dôn bóng lộn. Quê chồng chị là làng Hoàng Xá, cách làng tôi độ 3 cây số mà thôi. Bác gái tôi thương con gái, nên cho một chị-ở đi theo để "đỡ chân đỡ tay cho cô ấy". Vài tuần sau chị Hân về, mới gặp mặt bác tôi đã oà khóc. Việc người lớn, tôi trẻ con, đâu có biết gì. Rồi Anh Giáo đi xe đạp lên, tươi cười chào bác tôi, một lời "thưa mẹ", hai lời "thưa mẹ" thật là lễ phép. Bác tôi dặn dò hai vợ chồng rồi cho gọi một chiếc xe-sắt để đưa chị về. Anh Giáo đi xe đạp bên cạnh.

Đùng một cái, một buổi sáng sớm, chị-ở hốt hoảng chạy về, vừa vào đến cổng đã oà khóc lớn: "Bà ơi, cô con mất rồi...". Bác gái tôi cuống quýt. Rồi các anh, các chị tôi từ ngoài tỉnh về. Bác trai tôi về. Thôi thì rối mù, bận rộn. Người ta bảo chị Hân bị đánh thuốc độc chết, thưa kiện ầm ĩ. Nhưng dù thế nào thì chị Hân cũng đã chết rồi. Chị Hân chết, bác gái tôi buồn lắm. Suốt 49 ngày, bác gái tôi đều cúng cơm và nhờ ông thầy cúng hàng ngày đến tụng kinh cầu siêu. Có những buổi chiều lúc chập tối, bác gái tôi đứng trước hiên nhà, nhìn ra mặt ao, thấy một đàn đom đóm lập loè ở hàng tre, bác tôi mở to đôi mắt nhìn qua. Rồi bác tôi vào trong nhà, thắp hương lên đủ các bàn thờ ông vải, khấn vái la liệt. Sáng hôm sau thế nào bác tôi cũng kể lại giấc mơ gặp chị Hân đêm qua. Lúc thì bác thấy chị Hân khóc, lúc thì thấy chị lăn lộn trên giường lúc lâm chung. Nỗi thương nhớ, đau sót về cái chết của chị Hân như chẳng khi nào dứt trong giòng suy nghĩ của bác gái tôi. Bây giờ là ngày giỗ đầu. Thương con, bác đặt đồ mã đầy đủ như thế. Riêng cái xe cao-su phải thửa từ phố Hàng Mã, Hà Nội. Hôm đem về, hai cái bánh xe được tháo ra.


Cái xe hàng-mã ấy ngự ngon lành ở hàng ghế sau chiếc xe ô-tô nhà của bác tôi. Sau mấy lần tụng kinh, khấn vái đã xong, đã đến lúc hoá vàng. Tất cả các thứ mà bác tôi cố gắng, chi ly nghĩ ra để "cô ấy sẽ không thiếu một thứ gì dưới cõi âm", bác tôi đã thửa hàng mã làm đủ cả. Bây giờ tất cả đồ mã được gom lại. Cái nhà Tây hai từng được nhóm lửa đầu tiên. Lửa bắt vào những mảy giấy phất phơ là màn cửa, rồi lửa bùng lên thiêu đốt căn nhà, hệt là một đám cháy. Các "xấp vải" được vất vào. Này là hòm quần áo. Này là hình-nhân. Cuối cùng là cái xe cao-su được kéo sát lại ngọn lửa.

Lửa bắt vào mui xe. Bỗng lưỡi lửa như reo vui, chùm lớp cả lòng xe. Ở đó có con mèo tam-thể nằm trông y như thật, bị ngọn lửa bập bùng ôm kín. Đốt xong cái xe cao-su, ngọn lửa lụi dần. Một người lấy cái gậy ngắn khơi từ đống tro, các xấp giấy bết lại không cháy hết, giờ lại bùng lên. Hình đôi hài cườm, cái đế còn nguyên không cháy được, giờ chỉ còn là một mảnh như chiếc lá, đen ngòm. Tôi nhìn mà tiếc lắm. Hình hai con phượng lung linh những hạt cườm đã cháy tiêu. Đống tro đã được bới qua bới lại cho cháy hết. Lúc ấy bác gái tôi đem tất cả những ly rượu trên bàn thờ, lần lượt tuới xuống đống tro.



Vừa tưới bác tôi vừa khấn. Hơi rượu nồng hoà với mùi khét của lửa than bay đầy cả mảnh sân rộng. Khi đống tro đã tắt, bác tôi sai người nhà đem đổ xuống ao. Tro giấy nhẹ nổi dật dờ trên mặt nước. Một làn gió từ đâu tạt về, phả xuống mặt ao, thổi ngược lên, đem theo một số mảnh tro bay tạt về phía bác tôi. Bác tôi bỗng hốt hoảng kêu lên: "Con ơi, con ơi! Thế con giận mẹ ư. Con không nhận các thứ mẹ đốt cho con ư. Hay là còn thiếu thứ gì khiến con giận mẹ..." Bác tôi tức tưởi khóc, mếu máo: "Khốn khổ con tôi, chết oan, chết uổng...".



Mảnh sân sau lễ hoá vàng nóng hổi. Người nhà lấy nước tưới lên, khói bay nghi ngút từ những mặt gạch xám đen. Các hòn gạch cháy xám đen này còn mãi, chẳng phai nhoà những năm sau đó, như nỗi nhớ thương không nguôi về cái chết oan khuất của chị Hân, con gái bác tôi.

Bây giờ, bây giờ là tháng 4 năm 1994, sau nửa thế kỷ xa cách chia lìa, tôi đã từ Hoa Kỳ trở lại Việt Nam, về thăm quê cũ. Bước xuống Hà Nội. Hà Nội như bé lại, chật hẹp và nghèo nàn. Chỗ nào nhìn cũng chan chứa những xót sa. Nhưng ở phố Hàng Mã thì khác. Cờ ngũ sắc cắm đầy. Xưa là những con ngựa giấy, là những cái mũ ông-công, là chiếc xe cao-su làm y như thật. Bây giờ là quần áo bộ đội, là các xấp tiền của Xã Hội Chủ Nghĩa và có cả những xấp tiền đô-la Mỹ. Một vài hàng còn bày bán chiếc xe Honda nữ làm to và khéo như thật, có thể dắt đi lòng vòng được, như xưa kia người ta đã làm chiếc xe cao-su.



Có lẽ xe Honda là món hàng mẫu, đắt giá, nên được bọc kín trong bao nylon, để ở trong nhà, tránh cho trẻ con mó máy, làm hư. Quả là thời đại đã đổi thay. Hà Nội cũng đổi thay. Nhu cầu của người chết cũng đổi thay theo nhu cầu của mực sống hàng ngày. Từ cái xe Honda nữ, khiến tôi nhớ đến mảnh sân cháy xám, vết tích của cuộc hoá vàng ngày cũ. Mảnh sân ấy có còn không. Một vùng những hòn gạch cháy xám giữa mặt sân gạch đỏ au. Tôi náo nức muốn về quê ngay. Tôi muốn nhìn lại mảng sân ngày cũ.


Khi về đến quê, đến nhà, tất cả đã đổi thay, nhưng cái nhà cũ vẫn còn. Này là cái cổng ngoài, hai cánh gà xây vòng như một vòng tay mở đón mời, còn đấy, nhưng lớp vôi ngoài long lở, phô những hòn gạch-chỉ nằm ép vào nhau, giữa những lớp vôi hóm sâu tả tơi. Hàng chữ triện ở trên cao còn, nhưng rêu phủ đen ngòm.



Này là cổng trong, cái cổng làm theo lối Nhật. Hai cánh cổng có những thanh gỗ tréo ở trên như biểu hiệu của ánh mặt trời, giờ cái còn, cái mất. Này là ngôi nhà từ-đường đã phá mất từng trên trong dịp tiêu thổ kháng chiến. Giờ lợp lại qua quýt. Tám cánh cửa ở gian giữa, giờ phải thật khéo mới mở ra được. Mối mọt và những bản lề hư gãy với thời gian. Ở ngoài đã như thế, nói gì đến những đồ thờ, câu đối rực rỡ một thời xa.


Trong cái ồn ào xúc động, lòng tôi ở một góc kín, tôi muốn nhìn lại mảnh sân xưa. Mảnh sân có những viên gạch xám đen bởi cuộc hoá vàng. Không còn nữa. Nền sân lún, gạch vỡ. Tôi đi đi, lại lại. Tôi dừng chân ở nơi hoá vàng ngày cũ, mong thấy chút hơi ấm ngày xưa. Không còn gì. Mặt đất im lặng, lạnh ngắt. Tôi đứng khá lâu. Từ sâu thẳm trong lòng sân, như có một sự cựa mình, nhưng vi tế quá, tôi hình như chỉ thấy tự tâm tôi. Tôi bước những bước rất từ tốn trên mặt sân. Mỗi bước chân tôi đặt xuống nhẹ nhàng, êm ả, chỉ sợ đất buồn. Tôi vẫn cố lắng nghe, mà như đất khô già quá, đất lặng lẽ nín câm.



Tới cuối sân, tôi dừng lại. Nhìn qua bức tường đổ, qua mảnh ao cạn, bên kia ao là một bụi tre. Lá tre thưa nhè nhẹ đong đưa. Xưa ở đó có cái cầu ao gạch ong nằm ngay đầu bếp nhà chú Thư-Ký. Một buổi trưa lặng lẽ, bỗng có tiếng kêu thảng thốt: "Làng nước ôi! Cứu cháu tôi..." Một người đàn bà ra bờ ao, thụt tay xuống nước, kéo lên đứa bé lên hai. Đứa nhỏ một mình ra ao chơi, sa chân chết đuối. Tiếng kêu hốt hoảng ấy vỡ ra giữa buổi trưa vắng lặng với tất cả sự kinh hoàng, đã ám ảnh tôi, dính chặt vào trí nhớ tôi như một vết chàm, không tài nào tẩy xoá đi được. Từ đó, mỗi buổi tối đến, nhìn những con đom đóm lập loè trên những cành tre, tôi càng sợ hãi.


Phải chăng hồn em bé đã nhập vào bụi tre này. Trong niềm ưu tư đó, một cơn gió nào ở đâu thổi tới làm tôi ghê gai, se sắt đôi tay. Làn gió này có giống làn gió nào bao năm xa cũ. Lòng tôi như một sợi giây đàn mỏng manh muốn run lên theo từng đổi thay nơi quê hương cũ. Tôi bồi hồi lặng lẽ. Bao nhiêu oan trái của chiến tranh, đã có bao nhiêu người ra đi, oan uổng bỏ mình. Ôi những anh linh của kẻ Nam, người Bắc, đã chết oan cho cuộc chiến thật buồn. Lúc nhắm mắt giã từ cuộc sống, họ có nhớ về một ngọn tre nơi làng cũ. Ở quê nhà, cứ mỗi lần gió thoảng, lúc chiều rơi, có những đốm hương đốt lên để tưởng nhớ những người đi biền biệt, chẳng về.



Có lúc vì nhầm lẫn, tên tôi đã được đăng lên trên mục chia buồn ở một số tờ báo ở Sài Gòn, và cũng được đọc qua các làn sóng điện lan đi khắp bốn phương trời. Trong lặng lẽ của thinh không, tin dữ ấy cũng đã lọt qua những cách trở của chiến tranh, về đến tận nơi này. Anh cả tôi, các em tôi, cô chú tôi cũng đã lặng lẽ thắp hương và khóc, tội nghiệp cho tôi đã không bao giờ có thể trở về được nữa. Vậy mà bây giờ cuộc chiến đã tàn, tôi còn sống, tôi lại còn về được đây. Tôi đang đi trên nền sân cũ, và bỗng nhớ quá những đợt khói hương, hơi ấm của buổi hoá vàng.



Cái nghi lễ lạ lùng, huyền hoặc mà người dân miền Bắc đã không bỏ được. Phí phạm và vô lý quá chăng. Nhưng nó lại như một sợi giây liên lạc, mơ hồ giữa hai cõi âm dương. Thôi thì như một lời nói của người xưa: Tâm động quỷ thần tri. Lòng ta thành thì thần thánh biết, ma quỷ biết. Lòng ta nghĩ đến, biết đâu chẳng như một giòng điện, dù vi tế thế nào, cũng gây nên những chấn động tới ngàn xa, nơi có cùng tần số ấy. Mà ở đời có tần số nào mạnh mẽ như tần số của thương yêu. Có nỗi niềm nào mãnh liệt, sâu bền sánh được với sự mong chờ mòn mỏi giữa mẹ con, chồng vợ, giữa những người rột thịt với nhau! Nghĩ thế và tôi thấy trong cái không gian tịch mịch này như có đầy ứ những niềm vui.



Tôi ngửa mặt nhìn lên bầu trời cao rộng, chi chít những vì sao. Thầy mẹ tôi, bác tôi, những người thân yêu, và cả những bạn bè một thời, những người đã sang thế giới bên kia, đang thấp thoáng hiện về. Họ ở trên cao nhìn xuống. Họ mừng vui thấy tôi trở lại. Tôi đang đi trên mảnh sân xưa, nơi những người ấy một thời cũng từng bước đi như thế, trên mảnh sân này. Chân tôi đang đặt lên những bước chân của họ. Lòng tôi và hồn họ đang cùng nhau thổn thức. Đêm thật đẫm và lòng tôi cũng thật đẫm.



Nước mắt tôi chan hoà mà lòng tôi thì vô cùng yên ả. Tôi đã về. Tôi đã thấy lại quê hương. Quê hương trong lòng tôi còn đầy ứ. Tôi cúi đầu bước vào nhà, nhìn lên bàn thờ gia tiên, tuy có xưa cũ đi nhiều, nhưng vẫn giữ được phần nào hình ảnh của bao năm trước. Hình bà nội tôi để ở giữa, hai bên, thấp hơn là hình của bác tôi, thầy tôi. Tôi thắp một nén hương. Khói bay toả nhẹ nhàng. Tôi đứng yên trước bàn thờ và thầm khấn: "Xin tổ tiên phù hộ cho con cháu . . .".
2004-05-23 10:30:14




CÂY KHẾ NGÀY XƯA


Tôi nhìn quanh bầu trời, sao bát ngát, chị bảo "mỗi ngôi sao cầm tinh cho một con người". Lâu lâu có một ngôi sao đổi ngôi, bay loè ra thành một vệt dài, chị bảo "thế là có một người mới mất đấy". Ôi chao, sao nhiều quá đếm chả nổi, thì chị bảo cách đếm: "một ông sao sáng, hai ông sáng sao, ba ông sao sáng......" Tôi đếm như thế, thả hồn mình vào bầu trời bát ngát, cao rộng rồi chìm vào giấc ngủ. Nhiều hôm trời chuyển mưa, có khi có bão, sấm chớp ầm ầm, tôi sợ lắm, nhất là mẹ tôi lại đi chợ vắng nhà. Nằm trong chăn, nhìn qua cửa sổ, bầu trời vần vũ, tối đen, tôi thắc mắc không biết những ông sao bây giờ ở đâu. Những lúc như thế chị vào nằm cạnh tôi cho tôi đỡ sợ và chị hát, giọng hát ngọt ngào bát ngát:

"Đêm qua chớp bể mưa nguồn
Hỡi người tri kỷ (a) có buồn hay (a) không?"...

Nghe chị hát, tâm hồn tôi trở nên yên ổn và tôi chìm vào giấc ngủ hồi nào không hay. Những hôm trời nắng, chị lấy cơm nguội với tôm khô kho khế, đem ra gốc cây khế cho tôi ăn. Cơm nguội bùi, tôm ngọt đậm, các lát khế chua chua. Tôi chạy nhảy tung tăng, chị bưng bát cơm chạy theo tôi. Có khi chị ngồi trên hòn đá dưới gốc cây khế, hoa khế tím rơi đầy trên nền đất mịn. Chị nhìn lên cây khế, cành khế gió thổi xôn xao, chị lại hát:

"Trèo lên cây khế nửa ngày
Ai làm chua xót (a) lòng mày khế ơi..."

Có khi chị lấy cái sào dài khoèo quả khế chín vàng ở trên cành cao cho tôi ăn. Tôi ăn một tị là chán. Chị xé từng cánh khế, chấm muối ớt ăn thật là ngon. Chị xít xoa, đôi mắt long lanh và có khi chảy cả nước mắt, mà chị vẫn cười.

Tháng tám đến, mẹ tôi mua cho tôi một ông tiến sĩ giấy, loại vừa vừa, mặt vẽ bằng giấy nhưng có vạt áo dài xoè ra, hai tay là hai vòng giấy xun xun vòng trước ngực. Tôi bày ông tiến sĩ vào cái mâm chõng bằng tre. Các em gái tôi đứa thì được cái đèn con thiềm thừ, đứa thì được cái đèn con cá, đôi khi còn có cả một đàn con giống bằng bột nhuộm màu xanh, đỏ. Mắt các con giống là những hột cườm.



Đẹp thì có đẹp, nhưng tôi không thích các thứ đó. Tôi thích cái tàn, cái tán như lũ trẻ con hàng xóm, cắm quanh cái kiệu bát cống có trạm những đầu rồng. Nhưng nhà tôi nghèo, nhưng thứ đó đắt lắm. Để bù lại, chị Đan mua thêm cho tôi một quả bưởi đào, lột vỏ xoè ra như một bông sen, bày bên những quả hồng ngâm xanh ngắt. Đến hôm rằm, lúc trăng sáng nhất, trẻ con nhà giầu đem kiệu ra rước ở Ngã Ba. Tiếng trống rước to nhỏ rập rình như ngày mở hội làng.



Những đèn nến, đèn lồng thắp sáng lung linh. Các kiệu ấy trở nên đẹp lạ lùng. Vì ngoài ông tiến sĩ to, mặt là cái vỏ trứng gà điểm nhãn sắc sảo, môi son, áo mão bằng trang kim lóng lánh, để giữa những tàn, lọng, bát bửu hệt như ở sân đình những ngày tế thần hoàng. Chị Đan dẫn tôi đi xem. Chị bảo: "Ai học giỏi, thi đỗ tiến sĩ thì được hàng tổng, hàng huyện đón rước như thế đấy. Em cố mà học cho giỏi, đỗ cho cao cho chị mừng..." Rồi chị kể chuyện hai vợ chồng anh học trò nghèo qua câu hát:

"Sáng giăng giải chiếu hai hàng
Bên anh đọc sách (chứ) bên nàng quay tơ."

* * *

Năm tôi lên sáu thì chị về nhà chị. Tôi tấm tức, khóc hoài vì nhớ chị. Bây giờ tôi ngủ chung với hai đứa em, đắp chung một cái chăn bông rộng mêng mông như che kín được cả trời. Buổi đầu hôm ba anh em bò từ cuối giường lên đầu giường, đùa vui, cười rúc rích. Khi đã mệt và bắt đầu buồn ngủ, tôi lại nhớ chị quá. Quanh tôi như trống trải, thiếu vắng thế nào. Tôi bồi hồi nhớ chị. Tôi nhớ những lời chị hát, nhớ mùi bồ kết, mùi chanh toả ra thơm ngây ngất từ làn tóc chị.... Tôi như " chột" đi khi không có chị.

Ngày Tết đến, đêm ba mươi trời tối đen như đặc lại. Tôi đi từ nhà trên xuống bếp như ôm cả cái náo nức chờ đón mùa xuân vào lòng. Mẹ tôi ngồi bên bếp lửa. Ánh lửa bập bùng. Có thể đó là một nồi cá chép kho cùng với thịt để ăn với bánh chưng. Có thể đó là nồi măng khô ninh với chân giò. Trên gác bếp có treo mấy cái giò mỡ, kẹp chặt trong những thanh tre dài. Mỡ thấm cả ra ngoài lá chuối xanh, đọng lại trắng ngần. Trên nhà trên, đèn nến lung linh, ánh lên các nét chữ sơn son thiếp vàng ở những bức đại tự.



Cảnh con hạc soải cánh bay đi, còn ngoảnh cổ lại để nhìn cành tùng khẳng khiu trơ vơ chờ đợi, trên nền câu đối vải. Thầy tôi trong áo the, khăn xếp, đi đi, lại lại, thấp những tuần hương lên khắp các bàn thờ. Những lúc như thế, giờ của năm cũ sắp qua, năm mới sắp đến thì chị Đan đến. Chị mặc áo dài tứ thân, thắt bao hoa lý. Chị bưng cái mâm gỗ có đậy lồng bàn. Chị đặt mâm lễ vật trước bàn thờ, mở lồng bàn ra. Đó là một mâm chè lam. Những thỏi chè vuông dài màu xám có rắc một làn bột bỏng màu trắng ở xung quanh.



Chị lễ phép thưa: "Mẹ cháu bảo để đem chút lễ vật đến cúng ông bà bên ngoại..." Thầy tôi cười: "Bác Đồ cẩn thận quá. Năm nào cũng nhớ đến các cụ..." Chị nhìn tôi, cười và bảo: "Mai, à sang năm mới chứ, em nhớ đến xông đất nhà chị nhá..." Tôi chỉ đợi có thế, tôi mừng là chị chẳng bao giờ quên tôi. Chị về. Những bước chân chị bước trên lối ngõ có lờ mờ hình cái cung vẽ bằng vôi trắng mà anh cả tôi mới vẽ hồi chiều. Đêm đen thẫm bưng lấy mắt, lạnh ngọt. Tiếng những cái khánh đất va vào nhau kêu cung kinh ở trên ngọn cây nêu dựng ở sát tường hoa gần cổng, những âm thanh rời rạc, khô cứng như phát ra từ một cõi nào mơ hồ, huyền hoặc.


Sáng mùng một đầu năm, sau khi lễ ông bà ở nhà và đã được thầy mẹ tôi mừng tuổi, tôi muốn đến nhà chị Đan ngay. Anh cả tôi dắt đi. Tôi mặc cái áo dài mới. Cái áo gọi là mới, chứ thực ra cái áo này anh tôi đã mặc rồi, đã cũ, mẹ tôi "soạn" lại, cắt ngắn đi cho tôi mặc và mới được nhuộm thâm lại ngày trong năm. Quần chúc bâu trắng sột soạt, đi đôi guốc, bước lóc cóc trên đường gạch, tôi đến nhà chị. Dọc đường gặp biết bao nhiêu là người, ai cũng mặc quần áo mới, có người đã bắt đầu đi lễ ông vải. Có những anh lớn hơn tôi độ vài ba tuổi cắp cái cháp đen đựng trầu cau, theo người lớn đi lễ các nhà thân thuộc. Ngoài chùa vẫn còn lặng lẽ. Tiếng chuông êm ả chuyền đi. Qua góc ao đình, nơi có cây bàng nằm lả ngọn ra mé nước, rẽ trái là lối vào nhà chị. Dinh cơ của các ông bá, ông lý ở phía trong, tường gạch cao ngất.

Nhà chị, nhà tranh nằm ngay phía ngoài, đầu con ngõ. Hai cánh cổng có dán hai bức tranh thiên bồng vẽ hai ông tướng mặt đỏ, râu dài, cầm gươm canh cửa. Tôi chưa gọi chị đã mở cổng đón tôi. Anh tôi dứng đằng sau. Chị bảo: "Thôi chú về đi, lát nữa tôi đem trả em..." Anh tôi cười rồi về. Tôi sà vào lòng chị. Chị mặc áo mới, yếm mới. Tóc chị thơm thật là thơm. Chị hôn lên má tôi. Rồi chị vạch túi áo cánh trắng ra, đưa cho tôi một đồng xu đồng mới tinh, đỏ au. Tôi sướng lắm, cầm vào lòng bàn tay thật chắc. Chị lại hôn tôi nữa rồi mới dắt tôi vào nhà, lên nhà trên mừng tuổi bác Đồ Gái. Bác Đồ Gái ngồi sẵn trên phản ở gian giữa, bác cười: "Lớn rồi đấy, sắp đi học rồi đấy cháu nhỉ... Cháu tôi lên mấy rồi nào..." Bác Đồ Gái mừng tuổi cho tôi một đồng chinh màu vàng mỏng mảnh.


>Cám ơn Bác Đồ xong, tôi lại chạy ra với chị. Chị nhìn tôi, ôi đôi mắt chị sao mà âu yếm thế. Tôi sà vào lòng chị và quên mất đồng xu, đồng chinh tôi đã buông ra, rơi ở đâu rồi. Chị vuốt tóc tôi. Chị nói: "Em được nhiều tiền mừng tuổi quá nhỉ..." Lúc đó tôi mới hoảng hốt nhớ đến các đồng tiền mừng tuổi, không biết tôi đã để đâu rồi.



Tôi khóc thì chị cười. Chị xòe bàn tay ra, đồng xu và đồng chinh mừng tuổi nằm giữa lòng bàn tay chị. Chị lấy giải yếm lau nước mắt cho tôi, rồi chị lấy giải rút quần của tôi xâu các đồng tiền, buộc lại. Buông tà áo dài của tôi xuống, chị kéo tôi vào lòng chị. Hơi ấm hoà trong mùi tóc của chị thơm nồng bay tỏa bao phủ quanh tôi, chị nhẹ nhàng ghì cằm chị vào đầu tôi và chị đọc những câu thơ mà sau này tôi mới biết là của Nguyễn Bính:

...Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan đã nát dưới chân giầy
Hội chèo làng Đặng về ngang ngõ
Mẹ bảo mùa xuân đã cạn ngày...

Lời thơ dịu dàng, lãng đãng ru tôi vào giấc ngủ. Khi tôi tỉnh dậy, bác Đồ Gái nói đùa: "Con trai lớn rồi đấy. Sắp lên bảy rồi. Tuổi cắp sách đến trường rồi."
"Vâng, năm nay tôi lên bảy. Tôi đã lớn. Tôi không chơi đùa lêu lổng như những năm còn bé..." Đó cũng là đoạn văn đầu tiên, sau khi tôi đã học hết vần bằng, vần trắc trong cuốn Quốc Văn Giáo Khoa Thư lớp Đồng Ấu.

Buổi học đầu tiên của tôi chị Đan cũng đưa tôi đi. Tôi học ở nhà chú Phương, con cụ lang. Chú Phương mặc quần áo trắng hồ lơ, tóc chải ngược về phía sau và cài lại bằng một vòng giây thép uốn. Chú đi guốc, gót cân đỏ chót. Ngồi bên cạnh tôi là Cái Gái. Cái Gái đã lớn lắm, cao bằng chị Đan, là con Cô Thầy. Cái Gái bị tật từ nhỏ, chân đi khòng khoèo, tay cầm bút thật là vụng, viết mãi chẳng được một chữ, nước rãi còn chảy ra nhoè cả mặt chữ. Cái Gái phải gọi tôi bằng anh, vì họ hàng sao đó, "bé bằng củ khoai, cứ vai mà gọi".


Cái Gái gọi tôi bằng anh ngọt sớt. Học được mấy hôm tôi đã viết đủ các mặt chữ cái kể cả "chữ in" cũng như "chữ viết". Và chỉ độ một tháng tôi đã học hết vần bằng và vần trắc, tôi đã đọc được các bài ngắn mà bài đầu tiên là bài "Hôm nay tôi đi học..." Dưới bài bao giờ cũng có câu cách ngôn như: Ăn vóc học hay.


Cái Gái lúc ấy vẫn còn lết bết với mấy chữ n, m mà mực tím nhoè nhoẹt vì nước rãi. Hàng ngày tôi phải viết hộ Cái Gái cho hết trang. Bù lại Cái Gái bao giờ cũng trả công cho tôi rất hậu. Khi thì một quả chuối tây, khi thì một cái kẹo bột. Và chẳng bao lâu tôi đã viết ám tả được rồi. Tôi thích lắm, tôi viết các câu thơ của Nguyễn Bính vào một cuốn sổ nhỏ. Các câu thơ này trước đó tôi đã thuộc lòng qua các câu hát của chị Đan và của anh tôi nữa.



Cô Thầy là mẹ của Cái Gái. Cô Thầy làm nghề Thầy Bói, hai mắt mù cả. Nhà cô ở tận Ngõ Đồng Mát, cuối con đường gạch, lối đi ra đồng. Cô rất là đông khách. Nhất là các ngày ba, ngày bảy là ngày phiên chợ Nủa, khách phải ngồi đợi ở sân. Nhà cô tuy là nhà gianh nhưng cất cũng đẹp, có nhà trên, nhà ngang và nhà bếp như hình chữ U mà các cụ bảo là hình chữ Môn. Gian giữa để bàn thờ ông vải. Gian bên có hình con cá hoá long mầu tím vẽ thẳng vào tường. Những vảy cá xanh tím ẩn hiện trong lớp thuỷ ba.


Gần nóc nhà là bàn thờ Thổ Công, cái mũ giấy óng ánh trang kim. Bên cạnh là bàn thờ Ngũ Hổ, có hình vẽ năm con hổ năm mầu thật là dữ ngồi quanh cái hộp vuông như cái hòm ấn vua ban. Sát bàn thờ chính là cái ghế ngựa, nơi cô làm lễ và tiếp khách. Tuy là ở nhà nhưng Cô Thầy ăn mặc rất chỉnh tề, áo cánh bên trong, áo dài bên ngoài, cô còn thắt lưng dài to bản mầu tím.
Bắt đầu buổi xem bói bao giờ cô cũng ôm theo cái cháp đen. Mở cháp ra, cô bày những đồng tiền xám xịt mà người ta bảo đó là những đồng tiền lấy từ trong mả người chết, gọi là tiền cải mả, nên rất linh thiêng. Cô sờ lên mặt những đồng tiền, xếp úp các đồng tiền lại. Rồi cô cười và nói với thân chủ:


- Nào cho tôi biết ngày sinh tháng đẻ nào?...
Người khách trịnh trọng xưng tên tuổi. Cô lấy ngón tay cái bấm lên những đốt tay, giương đôi mắt chỉ có lòng trắng như nhìn vào một cõi xa xăm huyền bí nào. Nếu là người trẻ, thường thì cô cười và nói: "Cô đây xem về tình duyên phải không?..." Người khách thưa "vâng". Cô đốt một nén hương, đặt ngang miệng đĩa đựng các đồng tiền cải mả và tiền đặt quẻ, lâm râm khấn "...thất thập nhị hiền thu nhập tiền nhang..." Cô hạ đĩa tiền xuống, lấy những ngón tay sần sùi bốc những đồng tiền trên đĩa, dơ cao rồi buông xuống đĩa. Cô nói: "Sơ vi đơn". Mỗi lần như thế gọi là một lần gieo quẻ.



Tùy theo những đồng tiền xấp, ngửa, ba lần gieo là một quẻ. Căn cứ vào đó mà cô đoán quẻ cho thân chủ. Với những cô còn trẻ, mới lấy chồng, tôi thường thấy cô nói: "Số cô trắc trở. Tưởng là chuột sa chĩnh gạo lại hoá ra chuột sa chĩnh nước đây, phải không cô..." Thân chủ chỉ biết "vâng". Cô Thầy lại nói: "Thật là vui từ trong cửa vui ra, buồn từ ngã bảy ngã ba buồn về đấy cô ạ."

Nếu là người già cả xem gia đạo, Cô Thầy cũng gieo quẻ như trên, nhưng thường là "Động mả ông tam đại đây bà ạ. Mà như là có cái rễ cây nó đâm vào ngôi mộ của cụ nhà đây..." Người đàn bà thân chủ chỉ còn biết "lạy thánh mớ bái, xin Thầy chỉ bảo cho." Lúc ấy thường thì Cô Thầy bảo thí chủ ra ngoài bờ rậu, ngoảnh mặt về phía đông, ngắt một cành lá đem vào cho Cô xem lại. Cô đếm những chiếc lá để định quẻ và thí chủ phải đặt quẻ lần nữa. Vì động mả rất là quan trọng, nên Cô thường nói: "Phải lễ Phật trước, lễ quỷ thần sau". Người xem bói chỉ còn biết nghe theo lời Cô dạy, sửa một cái lễ khá cầu kỳ, "Phải lấy đủ đất đình, đất chùa, đất chợ, đất ngã ba và đất giếng; nước vang hoà với nước vôi; chín cái kim làm xương.


Tất cả trộn vào nhau, nặn thành hình con rùa, đem táng ở đầu ngôi mộ ông tam đại. Nước vang hòa với nước vôi rảy quanh mả một nửa, còn một nửa hắt qua mái nhà gian giữa..." Ngoài ra còn phải sửa một cái lễ: "mâm trên xôi chuối, vàng tốt một trăm, mũ vàng một chiếc; mâm thứ hai cơm canh..." Sợ gia chủ không nhớ được, Cô thường bảo "Phải viết ra, và có thằng cháu tôi đây, nó học giỏi lắm, viết cho bà..." Thường thì Cô bảo lấy cái bao hương xé ra, lộn mặt trong, viết các lời chỉ dẫn, và bao giờ tôi cũng đươc 5 xu. Đó là những đồng tiền đầu tiên tôi kiếm được trong đời. 5 xu của những năm đầu 40 mua được mấy cái bánh tẻ. Khi khách đã về, Cô thường nói: "Biết khi nào Cái Gái mới viết được thông thạo như cháu."

Từ khi tôi đi học thì chị Đan không còn ở nhà tôi nữa. Bác Đồ gái ra bảo với mẹ tôi rằng: "Thím cho cháu nó về. Em bé cũng đã lớn, mà cháu nó cũng gần 20 rồi đấy, thì cũng phải có thời giờ cho người ta trông vào..." Chị Đan về nhà chị. Chị giúp Bác Đồ Gái dệt cửi. Những hôm tan học sớm, tôi ra nhà chị. Thấy tôi bao giờ chị cũng mỉm cười, ngừng tay thoi và thế nào cũng có cái gì cho tôi ăn. Khi thì một quả hồng ngâm, khi thì bát cơm nguội ăn tép kho. Ăn xong tôi đọc cho chị nghe các bài học thuộc lòng mới nhất, như:



Xuân đi học coi người hớn hở
Gặp cậu Thu đi ở giữa đàng
Hỏi rằng sao đã vội vàng
Trống chưa nghe đánh đến tràng làm chi
Thôi hãy gượm đừng đi anh ạ
Này con khăng tôi đã sẵn rồi...

Tôi lớn dần lên với các bài học ấy và tôi cũng dần xa chị. Chị chỉ ra nhà tôi "làm giúp" khi nhà tôi có giỗ ông, giỗ bà mà thôi. Năm ấy, năm Ất Dậu 1945, đêm mùng 9 tháng 3, có tiếng súng lốp bốp từ miệt trên tỉnh vọng về. Sáng ra người ta kháo nhau rằng Nhật nó đảo chính Tây rồi. Ở Ngã Ba, gia đình ông Tây Ký Rượu đã đóng cửa trốn đi đâu mất tăm. Rồi máy bay hai mình của Đồng Minh bay trên bầu trời cao vút, thật nhanh.


Nhanh gấp mấy lần những chiếc máy bay của Tây bốn cánh vuông vức kêu ò oè, bay chậm rì mãi chưa qua khỏi vùng trời làng tôi. Lúc ấy tôi vẫn hay ra nhà chị Đan, nhưng có khi không gặp chị. Hỏi Bác Đồ Gái, bác bảo: "Ấy độ này cô ấy cứ ăn rồi lại đi. Bạn bè thậm thà thâm thụt, bác cũng chả biết..."

Một hôm trước phiên chợ Nủa, chị ra nhà tôi chơi, lúc về chị nói nhỏ cho tôi nghe: "Mai em ra Ngã Ba, có cái này hay lắm..." Tôi hỏi gặng chị thì chị bảo: "Cứ ra Ngã Ba thì sẽ biết." Hôm chợ Nủa, lúc phiên chợ bắt đầu đông, từ phía Cổng Chợ Bò có một đoàn người đi đến. Dẫn đầu là một người vác một lá cờ đỏ sao vàng thật lớn. Theo sau là đoàn người, toàn là trai trẻ, và có cả đàn bà nữa, họ ăn măc thật gọn ghẽ. Người thì vác con dao phạt bờ, người thì vác cái giáo, cái mác.

Mặt ai cũng hằm hằm rất là dữ. Vừa đi họ vừa dơ những nắm đấm lên cao và hô vang những câu:
- Đả đảo phát xít Nhật!
- Đả đảo lũ tay sai phong kiến!...
Và đi cuối cùng có một anh tay cầm khẩu súng lục, mắt sáng quắc. Hình như anh ta nhìn thẳng vào mắt tôi và tôi sợ. Đoàn người đi qua mặt tôi thật nhanh, đông không biết bao nhiêu mà kể. Họ đi qua chợ. Chợ đang đông, muốn vỡ. Nhưng họ không rẽ vào chợ. Họ đi tuốt ra Cổng Giếng, rồi tụ lại ở Gò Gai, hô vang những khẩu hiệu tại đó, rồi họ tản đi rất nhanh, biến đi đâu tài quá. Chợ lại họp như thường. Các vị chức sắc trong làng lo lắng. Có người bảo: "Phải đi cáo quan huyện. Chứ để thế này có ngày oan gia..." Từ đó trong làng người ta bàn tán, người này "ở trong bóng tối", người kia được "móc nối", toàn những tiếng thật là mới mẻ.


Rồi những người đi buôn từ ngoài tỉnh về bảo: "Ở ngoài tỉnh Mặt Trận đã cướp chính quyền rồi..." Cả làng rộn rã. Một buổi tối, thay vì mõ rao, là một người cầm loa, đến những đầu ngõ lúc nửa đêm, bắc loa gọi: "Alô, alô. Ngày mai, từ sáng sớm, tất cả nam, phụ, lão, ấu tập họp tại sân đình để đi biểu tình..." Đó là một đêm thật lạ. Cả làng như cùng thức dậy với tiếng loa. Mới sáng sớm, mọi người ra đình đã thấy có một lá cờ đỏ sao vàng, buộc vào một cáo sào dài, dựng ở giữa sân cỏ. Cả làng tụ lại.



Có mấy anh thanh niên, nghe đâu từ trên huyện về, có súng lục giắt ở cạp quần. Các thanh niên này mời mọi người xếp hàng tề chỉnh, sẵn sàng gậy gộc, giáo mác để lên huyện cướp chính quyền. Trong đám thanh niên đứng ra hô hào ấy, tôi thấy có cả chị Đan. Chị Đan của tôi. Người đã bế ẵm tôi, đã hát ru tôi những ngày tấm bé. Chị buộc tóc sau gáy. Quần túm lại. Nhưng oai nhất và khiếp nhất là chị cuốn quanh bụng một cái bao lớn, và giắt ở đó một khẩu súng lục, lòi cái chuôi súng ra ngoài.


Chị leo lên cái bàn, dơ nắm đấm lên cao và hô "bài phong, phản đế". Tôi nhìn theo chị, vừa thấy xa lạ, vừa có phần hãnh diện với những đứa nhỏ đứng xung quanh: "Chị Đan của tao đấy". Khi đoàn người xuất hành, chị nhìn thấy tôi, mắt chị như dịu lại một khắc và như mỉm cười, rồi chị khuất đi rất nhanh theo đoàn người đi cướp chính quyền.

Từ đó nhà Bác Đồ Gái chỉ có mình bác. Có người bảo: "Cái Đan nó làm to thế mai kia tha hồ mà nhờ." Bác Đồ Gái chỉ cười và đáp: "Ối chao, nhờ đâu chả thấy, chỉ thấy mất tăm mất hút. Lâu lâu vác xác về, cả bè cả lũ, ăn hại chứ báu gì..." Từ đó cuộc sống mới đã cuốn hút chị Đan của tôi và những thanh niên cùng lứa tuổi đi khỏi lũy tre làng. Chị từ giã cây khế, quên các bài ca dao tình tứ thuở nào. Chị đi theo "đời sống mới để giành cơm áo". Cũng từ đó tôi lớn dần. Cuộc chiến bùng lên với bao nhiêu oan nghiệt, khủng khiếp.


Cuộc chiến đã hút tôi ra khỏi xóm làng, đưa tôi vào Nam, đã đem tôi tới những vùng biển rộng. Những đêm trăng sáng, biển lặng, ở trên con tàu chiến lênh đênh, nhìn về núi non, đất nước, lòng tôi chất chứa những bồi hồi. Tôi nhớ những người thân, nhớ con đường cũ, gốc đa xưa, tôi nhớ đến chị Đan, nhớ đến Cái Gái, nhớ những người bạn một thời thơ ấu cũ, nhớ cây khế của một thuở nào xa... Rồi cuộc chiến đột ngột tàn và đem tôi ra khỏi đất nước với bao cay đắng, ngậm ngùi. Những năm sau 75, tôi sót xa tự hỏi: "Càng lúc ta càng xa đất nước, làng xưa. Có bao giờ trở lại? Chắc là vô vọng..."

Vậy mà tháng tư năm 94, tôi đã trở về quê cũ, làng xưa. Sau bao nhiêu ngậm ngùi tái ngộ, tôi có hỏi đến Cái Gái, mới hay "Ồ Cái Gái, con Cô Thầy đó hả, chết lâu rồi". Tôi hỏi đến chị Đan thì "Bà ấy đã mất. Chúng em có chuyển quà của bác cho con gái bà ấy". Mỗi người nói một câu về chị Đan. Cuộc đời của chị được chắp nối lại như một huyền thoại đã xa, đầy bùi ngùi, chua xót: "Ấy lúc đầu là thế, mọi người cuồn cuộn ra đi. Cô Đan tham gia cách mạng từ trong bóng tối, rồi thoát ly, bỏ làng đi và đi mãi.


Chỉ những lúc đau ốm mới tìm về. Bà Đồ đã già, bao năm còm cõi có một mình một bóng, lại phải cặm cụi săn sóc cô ấy. Ăn trả bữa được ít ngày rồi cô ấy lại ra đi. Nói ra dài lắm. Tình duyên thì trắc trở. Cũng buồn. Xưa cô ấy vui là thế, ở tuổi già thì lặng lẽ, ốm đau. Đôi lúc nhớ đến những ngày còn trẻ, bà ấy vẫn thường nhớ đến và hỏi thăm bác. Vâng, những lúc như thế bà ấy thường lặng im, rớm lệ... Đất nước hoà bình được mấy năm thì bà ấy được nghỉ hưu. Cũng chả ai biết rõ trước đó bà ấy đã làm gì, ở đâu. Nghèo khó còn hơn ngày xưa. Sống trong lặng lẽ được mấy năm thì bà ấy mất, tính ra cũng đã trên mười năm rồi. Tiếc rằng khi bác gửi quà biếu bà ấy thì bà đã không còn nữa để mừng vui, để nhận..."


Trong nỗi bùi ngùi của ngày đoàn tụ, của nhớ thương, xúc động, tôi luôn phải tự nhủ: "Hãy bình tĩnh, bình tĩnh..." Bình tĩnh, nhờ đó tôi đã vượt được nhiều xúc đông như muốn vỡ oà ra. Nhưng đêm chót ở quê nhà, trước khi cả nhà đi ngủ, các ngọn đèn đã được tắt, bầu trời bỗng hiện ra tối đen. Những con đom đóm ở đâu hiện về, lập loè bên những ngọn tre. Tôi như vừa được vứt từ bầu trời xuống, tôi như vừa sống lại, thấy lại những đêm như thế này từ trên năm mươi năm cũ, những năm tôi còn bé.


Bầu trời chi chít những vì sao. Những vì sao lấp lánh, như chào hỏi, như mời, như gọi, như chớp mắt ngậm ngùi. Tôi bàng hoàng vô hạn. Một làn gió lạnh tạt qua, lòng tôi se sắt. Tôi vẫn nhìn lên bầu trời. Hình ông Thần Nông hiện ra đang "cúi đầu cấy lúa". Giải mũ dài là hai hàng ngôi sao bao đời vẫn y như thế. Tôi nhớ chị Đan quá. Tôi cứ nhìn mãi lên bầu trời. Thấp thoáng có một ngôi sao ánh lên, sa xuống rồi tắt. Một ngôi sao đổi ngôi. Có phải một người nào vừa mới mất? Lúc chị Đan mất, có ngôi sao nào rơi lạc như thế không?...


Sáng hôm sau theo chương trình đã định, chúng tôi phải sẵn sàng để có xe từ Hà Nội về đón. Nỗi vui đoàn tụ chưa qua, nỗi buồn chia xa đã đến. Trên xe chật ních những người. Khi xe bắt đầu chạy, tôi bỗng thấy trong xe có thoảng mùi thơm của tóc ai mới gội. Mùi bồ kết tan trong mùi chanh phảng phất đâu đây. Tôi nhớ chị Đan quá. Xe chạy qua cánh đồng làng, ven đường có giải đất chi chít những nấm mộ. Những cọng cỏ xanh trên chóp mộ ngả nghiêng đùa đùa theo làn gió thổi, tiệp với mầu lúa xanh bát ngát đang thì con gái. Trong các nấm mộ ấy, nấm mộ nào là mộ chị Đan, nơi chị đã lặng lẽ gửi tấm xương tàn.


Tôi lặng đi, buồn. Nỗi buồn chỉ một mình tôi biết. Ngoài trời nắng vẫn nhạt nhòa mênh mang. Tôi nói nhỏ, nói thầm, lời nói bay tan theo làn gió thổi: "Chị Đan, em xin lỗi chị. Bao nhiêu năm chị em mình xa nhau, nhớ nhau. Vậy mà từ ngàn trùng xa cách em về thăm quê, em đã không đến thăm mộ chị được..." Nước mắt tôi ứ lên đầy mắt. Trong không gian bỗng như vang động tiếng hát của chị Đan. Chị đang hát trong làn gió mát dưới gốc cây khế của bao năm nào đã xa, quá xa. Chị cười mà hai hàng lệ chảy:

Trèo lên cây khế nửa ngày
Ai làm chua xót lòng mày khế ơi!

Chị Đan ơi!...

1999






Lên Đồng



Chú Châu tôi là con út của ông trẻ tôi. Ông trẻ và các chú lớn đi làm ăn xa, tận trên mạn ngược, đâu như Hà Giang, Bắc Mục. Những địa danh xa tít, đầy lam sơn trướng khí, mịt mù huyền hoặc. Lâu lâu gia đình ông trẻ tôi mới về. Lúc nhỏ chú Châu có theo gia đình lên trên đó. Sau chú bị báng, bụng cứ to ra, da bủng và vàng ệch. Người ta bảo là chú ngã nước. Có người lại bảo tại chú nghịch ngợm sao đó bị ma nó ốp, bị người Thổ họ thư. Vì thế chú về lại làng uống thuốc. Khi khỏi bệnh chú không lên mạn ngược nữa, sợ ma nó nhớ, nó bắt. Tuy theo vai vế chú gọi thầy tôi là anh, nhưng chú chỉ nhỉnh hơn anh hai tôi đâu có một hay hai tuổi gì đó, nên chú xưng với thầy tôi là "em" và gọi thầy tôi là "bác".

Chú nhập bọn với các anh lớn của tôi và các con của cô tôi. Tất cả năm, sáu người ở tuổi mười lăm, mười sáu, cười đùa rinh rích, nhưng mỗi khi thầy tôi lại gần, cả bọn lại im như không, như là ngoan lắm vậy. Nhưng cả bọn không dấu được tài ăn của họ. Họ ăn nhanh và ăn nhiều quá. Nhà có giỗ chạp gì, mâm của họ, thức ăn không bày ra đĩa, mà xúc vào bát lớn. Mới bày ra, loáng cái đã nhẵn bóng. Các bàn trên, các cụ vừa ăn vừa nhâm nhi câu chuyện, thức ăn còn lại "thôi đưa xuống cho bọn trẻ", ngoảnh đi ngoảnh lại đã hết veo.

Thầy tôi bảo "Quái. Tụi này ăn nó không nhai chắc.". Đấy là vừa ăn vừa nói. Họ nói với nhau bằng những tiếng lóng, chả ai hiểu họ nói gì, chỉ thấy chốc chốc lại phá lên cười. Tôi đoán là có nhiều điều "láo lếu" lắm đây. Mà thật. Một điều láo lếu mà tôi biết, biết mà phải giữ kín, nín thinh trong bao nhiêu năm. Đến khi có thể nói ra được thì tôi đã ở xa quê quá đỗi. Các người trong cuộc kẻ mất người còn mà vai chính là chú Châu. Câu chuyện thế này...


Giỗ chị Hân đã xong. Lễ hoá vàng cũng đã xong. Tro cũng đã được hốt đổ xuống ao, nhưng bác gái tôi vẫn bồi hồi nhớ chị Hân. Chị chết oan uổng, đau đớn. Bác gái tôi cho gọi ông thầy cúng đến để phụ đồng chị Hân lên. Bác tôi mong rằng sống khôn thác thiêng, bác muốn hỏi cho ra lẽ về cái chết của chị. Trời đã tối. Mảnh sân hoá vàng còn nóng hôi hôi hổi. Bác gái tôi cho bày một bàn thờ riêng ở gian bên, có hình chị Hân trên bàn thờ. Hình chị Hân tô mầu cu-lơ, chị mặc áo nhung, đeo kiềng vàng, vấn tóc trần. Quanh ảnh chị có hoa tươi, trà, một đĩa xôi đậu, một con gà luộc. Mỏ gà cắp một đoá hoa hồng, ngắt ở ngoài vườn.

Hai cây nến trắng lung linh, bát hương nghi ngút khói. Đặc biệt có một mâm bồng cam Bố-Hạ. Thứ cam to, mỏng vỏ, ngọt mát mà ngày xưa chị Hân rất thích ăn. Ông cung văn và cô đồng đón đâu từ xa đến, được bác tôi đãi ăn rất hậu. Bác tôi còn hứa "nếu hồn về trót lọt, trả lời xuông sẻ, tôi sẽ còn thướng thêm".


Cơm nước xong, trước bàn thờ, ông cung văn ngậm cái tăm trên miệng, nhẹ nhàng ngồi vào góc chiếu lên giây đàn: phừng phừng. Phừng phứng phưng... Những ngón tay dài khẳng khiu nắn buông trên các phím, phô cái khuỷu tay áo the đã rách. Mọi người đã tề tựu. Bác gái tôi đã có mặt. Cô đồng được mời vào. Cô đồng trạc độ trên dưới 40, là vợ của ông cung văn, nổi tiếng là người có căn, hồn dễ nhập.

Cô được mời ngồi vào giữa chiếu. Đèn măng-xông thắp sáng. Cô e dè ngồi lê dần vào vị trí trước bàn thờ. Ông cung văn phủ lên đầu cô một cái khăn đỏ rộng chùm đầu, che kín cả vai và lưng. Trên đầu cô, một bát nhang được nhẹ nhàng đặt lên. Cô đồng từ từ dơ hai bàn tay lên, run run, úp vào mặt. Cung văn bắt đầu hát: "Ơ cô. Cô đẹp cô xinh... Ấy a hồn rằng hồn thác ban ngày. Thương cha nhớ mẹ (chứ) hồn dày thác đêm".


Bác gái tôi bắt đầu tấm tức khóc. Không lễ, vì cha mẹ không phải lễ con, nhưng bác tôi nói nho nhỏ: "Sống khôn thác thiêng, con có điều gì oan khuất thì xin nhập vào đồng, nói cho mẹ biết". Ông cung văn vẫn cao giọng vừa đàn, vừa hát. Mắt ông không dời nhìn vào cô đồng. Vì theo kinh nghiệm thông thường, hát chưa xong một khúc, đồng đã đảo. Nhưng khúc hát đã chuyển mà đồng vẫn cứ lặng yên, chỉ thấy hơi run run như lo, như sợ. Hết khúc hát khen, ông cung văn chuyển sang khúc tán. Giọng ông lúc cao vút như gió gió cuốn trên ngàn, lúc lại chùng chùng xuống như thác đổ đầu gềnh. Cô đồng vẫn ngồi im như cũ. Bỗng cô đồng buông tay, đỡ bát nhang trên đầu xuống, để ở trước mặt. Tháo khăn phủ đầu xuống.

Ông cung văn cũng bỡ ngỡ, bỏ dở tiếng đàn, tiếng hát. Cô đồng mặt mày nhợt nhạt, cúu đầu, chấp tay lễ hai lễ, rồi lễ phép thưa: "Xin cụ bỏ lỗi cho. Nhà cháu không hợp căn, hồn không nhập được". Mọi người ngơ ngác. Ông cung văn cũng hạ cây đàn xuống, để dài trên chiếu. Chiêu một ngụm nước lớn, lấy tay gãi nách, rồi thưa: "Hồn cô cao lắm, nhà cháu không hợp căn cơ, không đậu được hồn về. Ở đây có ai ngồi được xin mời vào ngồi hộ cho". Trên bàn thờ, nhang đã cháy hết một nửa. Hai ngọn nết vẫn lung linh, leo lét. Bỗng có ai tắt bớt ngọn đèn măng-xông. Bàn thờ bỗng trở nên u linh, huyền hoặc. Hình chị Hân trên bàn thờ lúc sáng lúc mờ theo ánh nến. Ông cung văn lại nhắc: "Ai có căn xin ngồi hộ.


Ông cung văn chiêu một nhụm chè mạn đặc, nhưng nét mặt ông lo lắng thấy rõ. Như thế là tiếng tăm của cô đồng mất, việc làm của vợ chồng ông sẽ xa sút chăng. Đợi một lúc, ông cung văn lại hỏi: "Ở đây ai có căn cơ hầu đồng được thì xin ngồi hộ đi". Ngoảnh đi ngoảnh lại không thấy ai. Sau một tuần trà nước nữa, cuộc hầu-đồng tưởng đã bỏ ngang, thì cửa phòng bỗng mở. Một luồng gió tạt vào, lạnh toát. Chú Châu tôi xuất hiện, khẽ nói: "Nếu không có ai thì để tôi ngồi thử xen sao". Có ai đáp "phải đấy". Cô đồng lê ra cạnh chiếu, nhường chỗ cho chú Châu tôi ngồi vào giữa chiếu. Đầu chú phủ khăn đỏ, và không quên để bát hương lên đầu. Hai tay chú bưng mặt. Tiếng đàn lại nổi. Tiếng hát của ông cung-văn lại cất.

Lúc đầu đầu đồng quay nhè nhẹ, rồi theo nhịp đàn, theo tiếng hát, đầu đồng quay rộng vòng hơn, ngả ra phía trước, ngả ra phía sau. Tiếng đàn hát mỗi lúc mỗi thêm hưng phấn. Mọi người trố mắt dõi theo vòng đảo chao chát của đồng. Bỗng tiếng đàn như chùng, tiếng hát nhẹ như ru, như dỗ: "Chẳng mấy khi xa loan giá ngự về đ.. ồ..n.. g.".


Bây giờ đồng đảo mạnh, mềm như không có xương, rạp xuống phía trước, ngả ra phía sau, vậy mà bát hương trên đầu đồng không đổ. Mọi người ngồi xung quang im phăng phắc, nét mặt ai nấy đăm chiêu, sợ hãi. Bác gái tôi thì xuýt xoa. Đồng đảo một vòng rất sâu rồi từ từ ngưng lại. Tiếng đàn thưa thớt theo lời như khấn, như dỗ dành: "Đêm có khuya, ngày có rạng. Xin đồng ngả tay đồng xuống để ăn trầu uống nước...".

Đồng chìa bàn tay run run ra phía trước. Mọi người nín thở. Hai tay đồng đón bát hương trên đầu xuống, trịnh trọng để ngay trước mặt, rồi nhẹ nhàng vén mảnh vải đỏ ra. Mọi người nín thở. Chú Châu bây giờ khác hẳn. Mặt mày đỏ ửng, hai mắt khép hờ, rồi từ từ mở ra, thất thần như đang còn chìm vào một cõi huyền hoặc nào xa.


Đồng đảo mắt một vòng rồi bỗng oà khóc. Khóc như mưa, chan hoà, nức nở. Bác gái tôi thì có vẻ sợ mà nước mắt cũng đầm đìa. Tiếng đàn lại nổi, và giọng ông cung văn như dục, như mời: "Xin hồn hãy bớt lo toan, đừng khóc nữa. Hồn có điều gì oan khuất thì có mẹ hồn đây, hồn có thể giãi bày vài lời cho thoả..."


Hồn vẫn khóc, khóc lớn hơn. Bác gái tôi trong nước mắt nghẹn ngào: "Con ơi, con chết oan chết uổng, khổ sở thân con. Mà con có biết hôm nay là ngày gì của con không..." Hồn khẽ gật đầu, nói: "Biết. Ngày giỗ đầu của con." Thế là bác gái tôi oà khóc và hỏi: "Mẹ có thửa mã cho con đủ cả. Nhà Tây, xe cao-su, hài thêu, quần áo, người hầu, không thiếu một thứ gì. Con có nhận được không." Hồn lại khóc và khẽ đáp: "Con chỉ nghe được tiếng trống cúng xa xa thôi. Vì lũ quỷ nó cướp mất cả, con chả được gì." Thế là bác gái tôi lại khóc nấc lên não nuột: "Khốn khổ con tôi. Thế con đã ăn uống gì chưa."

Hồn lắc đầu và ra chiều buồn bã quá. Hồn nhìn lên bàn thờ mình, trong lúc tiếng đàn của ông cung văn lại nổi lên rộn rã, reo vui: "Hồn đói, hồn khát, thương quá hồn ơi..." Thế là bác gái tôi bảo đem con gà luộc trên bàn thờ xuống, xé cái đùi gà ra chặt vội vã bày trước mặt hồn. Hồn ăn một miếng thịt gà rồi lại khóc. Bác gái tôi lại hỏi: "Thế con làm gì ở dưới âm ty". Hồn đáp: "Con nghèo khổ quá, phải đi buôn rau buôn chè". Đó là nghề ít vốn mà những người cùng quẫn của làng tôi mới làm. Nghe thế bác gái tôi lại khóc và nói: "Khốn khổ quá con tôi...".

Ông cung văn vẫn hát, hồn khen "hát hay" và bảo "hồn cần tiền để thưởng cho ông cung văn." Bác gái tôi liền móc túi lấy mấy đồng bạc đưa cho hồn. Hồn cầm tiền bỏ cả vào túi, chỉ lấy ra có mấy xu thưởng cho ông cung văn. Ông cung văn đón lấy tiền thưởng và cao giọng hát tiếp, ý chừng sẽ còn nhận được thêm tiền thưởng:
Âm dương cách trở đôi đàng
Khuất oan hồn cứ thực lòng kể ra
Này anh, này mẹ, này cha
Này là chú bác toàn là người thân.
Tiếng đàn càng trở nên quấn quýt, rộn rã như thục dục, như tươi vui:
Á à a hồn ơi, hồn chớ ngại ngần...


Có ai đó lấy từ trên bàn thờ xuống một quả cam Bố-Hạ đỏ au, vỏ mỏng như giấy, bóc ra đưa cho hồn. Hồn nhận và cho vào miệng một lần 4 múi. Quả cam vừa hết, mọi người hy vọng hồn sẽ thổ lộ thêm về cái chết oan khuất của hồn thì hồn bỗng lăn ra và... thăng. Ông cung văn hốt hoảng ngưng đàn hát. Bác gái tôi thì xững sờ, hai tay quơ quơ như muốn bám víu, muốn giữ hồn ở lại. Chú Châu tôi lồm cồm ngồi dậy, mắt nháo nhác như vừa tỉnh một cơn mê.

Chú vái vội vàng mấy vái trước bàn thờ rồi nhanh chân lui ra. Mọi người còn ngơ ngác. Bác gái tôi mếu máo: "Thế là nó đi. Mẹ con âm dương cách trở, mới gọi được hồn lên, chưa hỏi đươc ngọn ngành nó đã thăng....".


Trong cái không khí bàng hoàng đó, chú Châu đã nhanh chân lẻn ra ngoài. Anh cả tôi chạy theo. Tôi cũng chạy theo xem sao. Trời đêm tối như mực. Đom đóm đâu đó kéo về bay nháo nhác đầy sân. Chú Châu vỗ vào túi áo, nói nhỏ với anh cả tôi: "Đi. Đi ăn phở". Chú cho tôi đi theo và nhắc khẽ, lời nói sắc, gọn như chỉ lọt qua kẽ răng: "Câm. Phải câm nghe không". Vâng, lúc ấy vì sợ chú, vì bỗng dưng được đi ăn phở, tôi đã "câm", không dám hở cho ai hay.


Hình ảnh chú Châu bao giờ cũng vẫn thế, như lời thầy tôi nói: "bao giờ cho đứng đắn đây". Rồi cái tuổi "láo lếu" ấy cũng qua đi, chú Châu lấy vợ. Vì cụ Trẻ Ba đi làm ăn xa, không có mặt ở nhà, nên thầy tôi phải "quyền huynh thế phụ", thay mặt cụ Trẻ Ba, đại diện nhà trai lo liệu. Hôm đi "đánh tiếng" chú sang nhà tôi khi thầy tôi vừa ăn cơm xong, chú nói: "Bác mặc cái áo dài vào đi lại nhà gái cho em...". Thầy tôi bảo: "Để anh uống ngụm nước cái đã". Chú dục: "Thế nào nhà gái cũng mời mình uống nước mà".


Đám cưới chú Châu như tất cả các đám cưới khác trong làng, tôi chỉ nhớ được mấy điều. Khi nhà trai mang lễ vật đến nhà gái, có cụ Từ Vang mặc áo thụng xanh cầm hương đi đầu. Sau là mấy người trai trẻ bưng các mâm cau, trầu và những chai rượu Văn Điển. Kế đến là chú rể, phù rể và họ hàng nhà trai. Khi đám đón dâu rẽ vào xóm Ngõ Mắm, cái ngõ có lát gạch nhưng hẹp dí. Tụi trẻ con trong xóm đã căng mấy giây mùng tơi để cản đường đám đón dâu.

Mùng tơi là một thứ dây leo mềm, rất dễ đứt, tượng trưng cho tình nghĩa vợ chồng, phải nương nhau mà gìn giữ. Cũng vì thế sợi giây căng ra cản đường mà không ai dám động vào, sợ đứt thì không nên, không tốt. Cũng chẳng ai dám bước qua. Trẻ con biết thế, cứ căng ra để mè nheo, đòi tiền chăng-giây. Kỳ kèo, nhì nhằng một lúc cho có lệ, tụi trẻ cũng mở giây để nhà trai tiếp tục đi.


Đến cổng nhà gái, thì cổng đã đóng chặt. Tụi trẻ con nhà gái giữ cổng lại đòi tiền mở-cổng. Lại nhì nhằng mà cả mãi, cổng mới được mở ra. Đám đón dâu ùn lại trễ đến nửa giờ. Khi cánh cổng nhà gái vừa được mở ra, một bánh pháo Điện Quang buộc ở cành na, trước sân bắt đầu nổ vang đì đùng. Khói pháo mù mịt. Cụ cầm hương xêng sang bước tới. Chú rể và họ nhà trai quần áo chững chạc bước vào lòng sân gạch còn đầy xác pháo hồng và mù mịt khói thơm. Khi hai họ đã tề tựu, lễ vật đã được bày trước bàn thờ gia tiên, có một bà cô nào đó bên nhà gái đỏng đảnh ngỏ lời:


"Thay mặt cho nhà gái, chúng tôi muốn được biết đồ dẫn cưới gồm những gì đây..." Áo dài, áo cánh, váy lụa, sà-tích bạc và một gói tiền được bày ra. Bà đại diện nhà gái lại nói: "Nói trên có các cụ bỏ lỗi cho, chứ cháu gái tôi đáng giá có ngần ấy thôi sao?" Tuy biết đây chỉ là lời đối đáp theo thủ tục cho có lệ, nhưng cũng làm cho mọi người khựng lại. Chú Châu tôi đứng ở hàng sau, nóng mặt nói lớn: "Không nhận lễ thì con gái để đó mà làm mắm à..." Mọi người bỗng cười ồ. Nhà gái vội nhận lễ vật và đem vào buồng cho cô dâu thay áo mới.


Cô dâu bước ra, áo dài tứ thân bên ngoài, áo cánh nâu non bên trong, yếm trắng tinh, thắt lưng hoa lý, giây xà-tịch bạc buông dài bên gối, đủng đỉnh, thẹn thùng. Nhờ có mấy người đẩy, cô dâu mới bước tới ra chào hai họ. Lúc ấy thì bà đại diện nhà gái lại tươi cười lên tiếng trước: "Dạ, trên có các cụ hai họ, dưới là tất cả gia đình hai bên. Cháu gái tôi được về làm dâu họ Phan là một điều sung sướng. Nhưng cháu nó có nhớn mà chả có khôn. Thôi thì khôn thì các cụ dạy ít, dại thì các cụ dạy nhiều...". Tiếp sau đó là các bà dì, bà cô, họ hàng sà vào, tíu tít: "Dì thì nghèo. Dì chả có gì nhiều cho cháu, gọi là có, dì cho cháu cái thoi...

Cô tuy có tiếng mà chả có miếng, cô có tấm vải cô cho cháu đem về làm dấn làm vốn..." Sau mục họ hàng cho quà, cỗ bàn được bày ra. Ngoài những bát canh, bát om, đĩa thịt mỡ thái quân cờ như thường lệ ở làng, cỗ cưới bao giờ cũng có một gói nem. Nem là bì thịt lợn trộn với thính, được gói bằng lá chuối xanh vuông vức, buộc bằng hai cái lạt màu đỏ, để ở cạnh mâm như một thứ trang trí rất đẹp, rất vui mắt. Những tay xính rượu, trước khi đi dự đám cưới đã thủ sẵn một nhúm lá ổi non để nhắm với món mem này.


***


Sau bao nhiêu năm xa cách, trước phút vợ chồng tôi lên đường ra phi trường từ Mỹ để về thăm Việt Nam, anh Hai tôi từ Úc gọi qua, anh dặn thêm: "...như thế là chu tất. Có điều em nhớ thăm chú Châu cho anh. Nhớ biếu chú một món quà cho anh..." Tôi vâng lời mà lưỡng lự. Anh tôi hiểu ra và tiếp: "Sở dĩ anh nhắc em điều ấy là vì anh em mình chịu chú một cái ơn..." Câu chuyện thế này. Lúc ấy là cuối năn 1954, hiệp định Geneve đã ký. Ai muốn đi Nam thì đi, ai ở lại cũng được. Anh Hai tôi lúc ấy là Trung Uý, thường gọi là Quan Hai.

Sau mấy tuần nằm nhà thương vì bị trúng đạn ở chân trong một trận đụng độ khá ác liệt đâu như ở Thái Bình, Phủ Lý gì đó, nhờ có khả năng ngoại ngữ, anh Hai tôi được chỉ định ở lại Hà Nội, phụ trách việc liên lạc với Hải Quân Hoa Kỳ trong việc đưa đồng bào vào Nam. Trung Uý trẻ, được phát một cái xe jeep mui trần mới tinh, sau giờ làm việc, buổi chiều lái loanh quanh Hà Nội. Anh Cả tôi và hai cô em gái từ quê ra bảo: "Chú ở lại đi. Đi Nam làm gì. Hai năm nữa tuyển cử mà. Ở lại không sao đâu, họ bảo thế."

Anh Hai tôi chỉ cười, nhưng lòng cũng hoang mang. Cho đến những ngày cuối phải giao Hà Nội cho Việt Minh, chú Châu tôi từ quê ra tìm gặp anh Hai tôi và hỏi: "Quan Hai, có xe ô tô riêng oai nhỉ. Thế vào Nam họ có cho lon Quan Hai nữa không ?". Anh Hai tôi cười và nói: " Vẫn thế và có thể còn từ từ lên cao hơn nữa chứ...". Nghe thế, chú Châu nói nhỏ bảo anh tôi: "Chú nói thật. Chạy đi. Ở lại không được đâu. Đi đi. Tin họ thế nào được..." Nhờ lời nhắn nhủ đó, anh em tôi đã có mặt ở trong Nam suốt 21 năm.

Chúng tôi, như đa số đồng bào từ Bắc vào Nam, nhờ chịu khó, hầu như ai cũng có cuộc sống no đủ. Riêng anh em tôi, chúng tôi, ngoài nỗi nhớ quê nhà, nhớ Hà Nội, chúng tôi đã có cơ hội đi học lại, học thêm và thăng tiến. Ở Miền Nam, dù chúng tôi không thuộc đảng phái nào, cũng đã được xã hội đối đãi đầy thương mến. Chúng tôi có bằng hữu, có những chân tình giữa đồng đội, xóm giềng. Nhiều lần khi còn ở Việt Nam, anh em tôi thường nói với nhau: "Miền Nam hiền hoà, đơn giản. Miền Nam đã rộng lòng bao bọc chúng ta". Chúng tôi cũng đã hết lòng làm một công dân lương thiện. Chúng tôi cũng đã cố gắng làm tròn nhiệm vụ của mình. Tôi nghĩ rằng đại đa số người Bắc vào Nam năm 1954 đều có ý nghĩ như tôi.

Nhưng xa hơn một chút, nếu không có chú Châu lặn lội từ quê ra Hà Nội nhắc "đi đi..." thì chưa chắc chúng tôi đã quyết liệt đi như thế. Bao nhiêu năm xa cách. Bao nhiêu chia lìa, tan tóc, giờ cuộc chiến đã tàn. Những gian lao cơ cực của người tỵ nạn lúc đầu với tôi đã tạm qua. Chúng tôi đã có cuộc sống ổn định. Các con, dù rất chật vật, chúng tôi cũng đã nuôi dạy, học hành coi như xong. Tốt nghiệp đại học, có công ăn việc làm, không còn tuỳ thuộc vào cha mẹ nữa. Tôi tạ ơn Miền Nam, và cũng xin tạ ơn miền đất mới xa lạ này. Tất nhiên tôi không thể quên lời nhắc nhở của chú Châu. 40 năm xa cách, khoảng thời gian quá dài.

Tôi nhắm mắt lại để cố hình dung ra chú Châu. Chắc chú đã già, râu tóc đã bạc, nhưng chú có còn cười đùa, nghịch ngợm như xưa? Chịu. Hình ảnh chú Châu với tôi chỉ là một thanh niên ngoài 30 tuổi, đùa nghịch, nghịch tinh và như thầy tôi nói "biết đến bao giờ mới đứng đắn đây". Ở Hà Nội mấy ngày rồi chúng tôi về quê. Sau những gặp gỡ, lễ lạc chính, tôi bảo chú em "cho anh thăm chú Châu..." Chú em tôi như một thoáng ngỡ ngàng: "A, cụ Châu. Vâng thì mình hãy thư thả". Sợ quên, nhất là lời dặn của anh Hai tôi, tôi nhắc: "Cứ cho anh thăm cụ Châu trước, sợ rồi bề bộn công việc...". Chúng tôi đi theo con đường chính giữa làng.

Xưa tôi thấy nó thêng thang đỏ au gạch chỉ, nay sao nó bé quá, hai bên nhà cửa chen chúc mọc đầy, khác hẳn quanh cảnh ngày cũ. Nhưng khi đi qua bờ ao Hậu thì tôi nhớ ra rồi. Con đường này, ngày đám cưới chú Châu, hai họ đã đi qua đây. Cụ cầm hương mặc áo thụng xanh đi đầu. Khói hương bay lượt thượt. Chú rể áo the, khăn lượt vừa đi vừa cười. Cô dâu nón thúng quai thao, bao xanh hoa lý, xà-tích bạc óng ả, thẹn thùng đi giữa các cô phù dâu. Cạnh ao là dinh cơ của bác Tham tôi. Một dinh cơ cất theo lối mới nhưng vẫn là "thượng gia hạ trì", nhà trên ao dưới, tường hoa phủ kín hoa tường vi vàng ối. Nay dinh cơ ấy vẫn còn mà sao bề bộn, cũ kỹ quá. Dọc theo chiều dài bên kia ao là nhà thờ Quan Bác.

Những năm cụ Thiếu về quê ăn Tết, nhà Quan Bác sửa soạn nhà thờ từ trong năm. Dù, lọng óng ả. Bát bửu, y môn, câu đối được lau lại, treo lên thật rực rỡ, uy nghi. Giờ là một căn nhà tối đen, thấp tè ẩn hiện qua mấy khóm tre um tùm mọc ở mé ao. Tôi vừa đi vừa nhớ lại. Những vết tích cũ đều đã phai nhoà, tàn tạ, khiến lòng tôi buồn bã bâng khuâng. Đang miên man suy tưởng thì chú em tôi nói: "Dạ xin bác vào đây..." Tôi theo chú em rẽ vào một con ngõ nhỏ, tường gạch ong đen, hai bên cống rãnh dật dờ, mùi hôi phảng phất. Chúng tôi dừng lại trước một căn nhà nhỏ. Một bà cụ mặc áo cánh nâu bạch thếch, đầu vấn tóc trần nhìn ra. Chú em tôi lên tiếng trịnh trọng, to tát: "Thưa cụ, bác cháu từ Mỹ về lại thăm hai cụ".


Tôi cúi đầu chàu "thím". Bà cụ ngỡ ngàng một chút, dơ hai tay lên trời và kêu lên: "Ấy cháu...". Tôi nắm lấy đôi tay bà cụ. Đôi cánh tay gầy bọc trong hai ống tay áo bạc màu, đã rách. Rồi bà thảng thốt nói lớn vào phía trong: "Ông ơi ! cháu nó từ bên Mỹ về...". Tôi cúi đầu bước vào nhà. Căn phòng ánh sáng mập mờ. Một cụ già từ trong góc chiếu đưa đôi tay quờ quạng ra phía trước: "A ờ, cháu về thật à..." Đôi mắt cụ kém, tay run run và cái đầu lúc lắc không yên. Tôi nắm bàn tay "chú", cố tưởng tượng ra hình ảnh ngày xưa, một ông chú trẻ luôn đùa nghịch mà đành chịu. Trước mặt tôi là một cụ già mà sức khoẻ cũng như tinh thần đã lụn, đã tàn. Trước chỗ ngồi là những ly nước chè đóng váng cáu đen. Cái điếu bát đầy tàn thuốc...


Tôi ngồi xà xuống bên cạnh chú. Chú vòng tay qua ôm lưng tôi. Một chút hơi ấm pha mùi thuốc lào cay nồng. Thật là hết, hết hẳn hình ảnh chú Châu ngày cũ. Tôi nhắc lại chuyện cũ, nhắc lại lời anh Hai tôi nói cám ơn chú, chú chỉ "ờ ờ...". Đôi lúc chú lại nắm lấy cổ tay tôi và nói: "Cháu, cháu thật à...". Tôi nhẹ nhàng bỏ một phong thư vào túi áo chú. Chú cười cười. Tôi nói đùa: "Để chú ăn phở". Chú lại cười, khoe hai hàm răng chỉ còn có lợi.


Trên đường về nhà trời chiều đã tối. Những căn nhà nhô ra, thụt vào lấp loáng ánh đèn. Người đi kẻ lại, nói cười, chào hỏi mà tôi không nhìn rõ mặt, chẳng nhận ra ai là ai, như bóng dáng của những người từ một thửơ nào đã mờ xa, không thật. Bước những bước chập choạng lạ lùng trên con đường cũ bao năm xa cách, tôi thấy mình như đang chìm ngợp giữa một cơn mê chập chờn qúa khứ và hiện tại mờ nhoà không phân định. Ở cuối tầm mắt, ẩn hiện sau một tàn cây đen sẫm, ngôi sao hôm xanh ngắt, lấp lánh như một ánh mắt của ai cũ e lệ, kín đáo dón dén đón mừng.
2007-12-22 04:02:50


No comments: