Friday, November 12, 2010

GABRIEL GARCIA MARQUEZ





Gabriel García Márquez
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Bước tới: menu, tìm kiếm

Gabriel García Márquez

nhà văn, nhà báo, nhà hoạt động chính trị

Chủ đề Văn học

Gabriel José García Márquez (6 tháng 3 năm 1928 - ) là một nhà văn người Colombia nổi tiếng. Ông còn là nhà báo và một người hoạt động chính trị.

Nổi tiếng với các tiểu thuyết Tình yêu thời thổ tả (El amor en los tiempos del cólera), Mùa thu của vị trưởng lão (El otoño del patriarca), Tướng quân giữa mê hồn trận (El general en su laberinto) và hơn cả là Trăm năm cô đơn (Cien años de soledad), García Márquez là một đại diện tiêu biểu của nền văn học Mỹ Latinh. Tên tuổi của ông gắn liền với chủ nghĩa hiện thực huyền ảo. García Márquez được trao Giải Nobel Văn học năm 1982.



Gabriel José García Márquez sinh tại Aracataca, một thị trấn bên bờ biển Caribê, thuộc miền Bắc Colombia, trong một gia đình trung lưu 11 người con mà ông là con cả. Cha của Marquez là Gabriel Eligio Garcia, một nhân viên điện tín đào hoa có nhiều con ngoài giá thú cả trước và sau khi kết hôn. Mẹ của Marquez là bà Luisa Marquez. Gabriel García Márquez lớn lên, những năm tháng đầu tiên trong một đại gia đình, ông ngoại là Nicolas Marquez, một cựu đại tá theo phái tự do từng chiến đấu trong cuộc Chiến tranh Một ngàn ngày, bà ngoại là Tranquilina, cùng nhiều bác, dì...

Sau thời gian tuổi thơ, ông cùng cha mẹ chuyển đến Sucre, nơi cha của ông có một hiệu thuốc và hành nghề chữa bệnh bằng liệu pháp vi lượng đồng căn. Năm 1936, Marquez được bố mẹ gửi đến BarranquillaZipaquirá học phổ thông. Tới năm 1947, García Márquez tới Bogota, thủ đô của Colombia theo học tại Đại học Quốc gia Colombia và bắt đầu tham gia viết báo cho tờ El Espectador và bắt đầu những tác phẩm văn học đầu tiên gồm 10 truyện ngắn nổi tiếng. Năm 1948, ông tham cùng các sinh viên thủ đô tham gia biểu tình phản đối vụ ám sát Jorge Eliecer Gaitan, một chính khách tiến bộ, ứng cử viên tổng thống Colombia.

Sau khi học được năm học kỳ, García Márquez quyết định bỏ học rồi chuyển về Barranquilla thực sự bước vào nghề báo và viết tiểu quyết đầu tay La hojarasca (Bão lá). Ông cũng tham gia vào "Nhóm Barranquilla", một nhóm gồm các nhà báo xuất sắc và, thông qua họ, García Márquez bắt đầu tiếp xúc với các tác giả về sau có ảnh hưởng mạnh mẽ tới ông: Franz Kafka, James Joyce, đặc biệt là William Faulkner, Virginia WoolfErnest Hemingway.

Năm 1954, Mutis, một người bạn, thuyết phục García Márquez trở lại Bogota tiếp tục làm báo và ông đã có một số phóng sự nổi tiếng. Năm 1955, García Márquez đến Thụy Sỹ làm đặc phái viên của tờ El Espectador. Sau đó ông tới Ý tham gia học tại Trung tâm thực nghiệm điện ảnh rồi sang Paris, nơi García Márquez nhận được tin tờ El Espectador bị đình bản và nhận được vé máy bay về nước. Nhưng García Márquez quyết định ở lại Paris và sống trong điều kiện vật chất rất khó khăn. Trong thời gian này ông viết cuốn tiểu thuyết La mala hora (Giờ xấu), đồng thời tách từ cuốn này viết nên El coronel no tiene quien le escriba (Ngài đại tá chờ thư). Cùng với người bạn thân Plinio Apuleyo Mendoza, García Márquez tới một loạt các nước xã hội chủ nghĩaĐông Âu và viết nhiều thiên phóng sự về các quốc gia này.

Năm 1958, sau hai tháng ở London, García Márquez quyết định trở về châu Mỹ vì cảm thấy "những điều huyền thoại đang bị nguội lạnh"[cần dẫn nguồn] trong tâm trí. Ban đầu ông ở tại Caracas, thủ đô Venezuela, và làm cho báo Momentos cùng Plinio Apuleyo Mendoza. Chứng kiến vụ đảo chính chống nhà cầm quyền độc tài Perez Jimenez, García Márquez bắt đầu có ý định viết về các chế độ chuyên chế ở Mỹ Latinh. Trong một lần về thăm Barranquilla, García Márquez cưới Mercedes Barcha, người ông đã yêu từ trước khi sang châu Âu, sau đó họ có hai con trai: Rodrigo sinh năm 1959 và Gonzalo sinh năm 1960. Cũng ở Caracas, ông viết tập truyện ngắn Los funerales de la Mamá Grande (Đám tang bà mẹ vĩ đại).

Năm 1960, ngay sau khi Cách mạng Cuba thành công, García Márquez tới quốc gia này làm phóng viên cho hãng thông tấn Prensa Latina và làm bạn với Fidel Castro. Năm 1961, ông tới New York với tư cách phóng viên thường trú của hãng Prensa Latina của Cuba. Sau đó ông quyết định tới cư trú ở Mexico và bắt đầu với điện ảnh bằng việc viết kịch bản phim. Trong khoảng thời gian từ 1961 tới 1965, với văn học, García Márquez không sáng tác một dòng nào, hậu quả của "tâm lý thất bại" với các tác phẩm trước đây.

Từ đầu năm 1965, García Márquez bắt đầu viết tác phẩm quan trọng nhất của mình: Cien años de soledad (Trăm năm cô đơn). Sau 18 tháng đóng cửa miệt mài viết, khi tác phẩm hoàn thành cũng là lúc tình trạng tài chính gia đình đặc biệt khó khăn. Để có tiền gửi bản thảo cho nhà xuất bản Nam Mỹ ở Argentina, García Márquez đã phải bán nốt những vật dụng giá trị trong nhà. Năm 1967, Trăm năm cô đơn được xuất bản và ngay lập tức giành được thành công lớn, được cả giới phê bình và độc giả mến mộ. Sau đó García Márquez tách từ Trăm năm cô đơn một sự kiện và viết thành tiểu thuyết ngắn La increíble y triste historia de la cándida Eréndira y de su abuela desalmada (Truyện buồn không thể tin được của Erendira và người bà bất lương).

Từ năm 1974, García Márquez sống ở Mexico, Cuba, thành phố Cartagena của ColombiaParis, tham gia các hoạt động chính trị với tư cách một nhà văn nổi tiếng. Năm 1975 ông viết El otoño del patriarca (Mùa thu của vị trưởng lão) và năm 1981 cho ra đời Crónica de una muerte anunciada (Ký sự về một cái chết được báo trước). Cũng năm 1981, ông bị chính phủ bảo thủ Colombia vu cáo là đã bí mật cung cấp tài chính cho phong trào du kích cánh tả M-19, García Márquez phải sang sống lưu vong tại Mexico trong tình trạng thường xuyên bị đe dọa ám sát.

Năm 1982, Viện hàn lâm Thụy Điển trao Giải Nobel Văn học cho García Márquez. Trước đó ông cũng được chính phủ Pháp tặng huân chương Bắc đẩu bội tinh. Năm 1985, García Márquez xuất bản cuốn tiểu thuyết lớn tiếp theo của ông, El amor en los tiempos del cólera (Tình yêu thời thổ tả), lấy cảm hứng chính từ mối tình của cha mẹ ông. Năm 1986, García Márquez vận động thành lập Quỹ Điện ảnh mới của Mỹ Latinh và trực tiếp thành lập Trường điện ảnh San Antonio de los Banos ở Cuba, nơi hàng năm ông tới giảng dạy một khóa ngắn về viết kịch bản.

Năm 1989, García Márquez viết El general en su laberinto (Tướng quân giữa mê hồn trận), tiểu thuyết lịch sử về Simon Bolivar, một người đấu tranh giải phóng các nước Mỹ Latinh. Năm 1992, ông viết Doce cuentos peregrinos (Mười hai truyện phiêu dạt), một tập truyện ngắn dựa trên các sự kiện báo chí. Năm 1994, ông cho xuất bản tiểu thuyết Del amor y otros demonios (Tình yêu và những con quỷ khác), lấy bối cảnh là thành phố Cartagena và tình yêu giữa một thầy tu 30 tuổi và con chiên là một đứa trẻ mới 12 tuổi.

Cuối năm 1995, một nhóm bắt cóc đã thực hiện vụ bắt cóc Juan Carlos Gaviria, em trai cựu tổng thống với điều kiện là García Márquez phải lên làm tổng thống. Năm 1996, García Márquez hoàn thành cuốn Noticia de un secuestro (Tin tức một vụ bắt cóc), một thiên phóng sự được tiểu thuyết hóa về vụ những kẻ buôn lậu ma túy bắt cóc mười người, trong đó có tám nhà báo.

Năm 2002, mặc dù sức khỏe yếu, García Márquez đã hoàn thành cuốn hồi ký đầu tiên Vivir para contarla (Sống để kể lại) về 30 năm đầu của đời mình, trước khi tới châu Âu lần thứ nhất. Tháng 10 năm 2004, García Márquez xuất bản cuốn Memoria de mis putas tristes (Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi).

Năm Tác phẩm Bản dịch tiếng Việt
1954 La Hojarasca Bão lá, Bão lá úa
1961 El coronel no tiene quien le escriba Ngài đại tá chờ thư, Không có thư cho ngài đại tá
1962 Los funerales de la Mamá Grande Đám tang bà mẹ vĩ đại
1962 Ojos de perro azul Đôi mắt chó xanh
1962 La mala hora Giờ xấu
1967 Cien años de soledad Trăm năm cô đơn
1970 Relato de un náufrago Nhật ký người chìm tàu
1975 El otoño del patriarca Mùa thu của vị trưởng lão
1978 La increíble y triste historia de la cándida Eréndira y de su abuela desalmada Truyện buồn không thể tin được của Erendira và người bà bất lương
1981 Crónica de una muerte anunciada Ký sự về một cái chết được báo trước
1985 El amor en los tiempos del cólera Tình yêu thời thổ tả
1989 El general en su laberinto Tướng quân giữa mê hồn trận
1992 Doce cuentos peregrinos Mười hai truyện phiêu dạt
1994 Del amor y otros demonios Tình yêu và những con quỷ khác
1996 Noticia de un secuestro Tin tức về một vụ bắt cóc
2002 Vivir para contarla Sống để kể lại
2004 Memoria de mis putas tristes Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi

Tham khảo

  • Sống và kể lại - Nhà xuất bản TP.Hồ Chí Minh

Thư từ biệt

Gabriel Garcia Marquez, nhà văn nổi tiếng của Colombia (thường được biết đến với cái tên là "Gabo" tại quê hương ông), đã được trao giải Nobel văn chương năm 1982 - nổi tiếng với các tiểu thuyết: “Tình yêu thời thổ tả”; “Trăm năm cô đơn”… - nay đã rút lui khỏi đời sống công cộng vì lý do sức khỏe. Ông bị ung thư giai đoạn cuối. Ông đã gửi một bức thư từ biệt cho bạn bè và bức thư được lưu hành trên Internet. Rất nên đọc bức thư ấy vì thật cảm động khi thấy cách thức một trong những nhà văn tài giỏi và sáng chói nhất diễn tả chính mình ra cùng với nỗi buồn.



Gabo

Nếu trong một giây, Thiên Chúa quên là tôi đã trở thành cái gì, và cho tôi sống thêm một tí nữa, tôi sẽ dùng giây đồng hồ ấy trong mức khéo léo nhất của tôi.

Rất có thể tôi sẽ không nói ra tất cả những gì tôi có trong đầu, nhưng tôi sẽ để ý hơn đến tất cả những gì tôi nói… Tôi sẽ trân trọng các sự việc không phải vì giá trị của chúng, nhưng vì những gì chúng muốn diễn tả.

Hẳn là tôi sẽ ngủ ít hơn, hẳn là tôi sẽ mơ nhiều hơn, bởi vì tôi biết rằng cứ mỗi phút chúng ta nhắm mắt, chúng ta phí mất 60 giây ánh sáng. Hẳn là tôi sẽ bước đi trong khi những người khác thì dừng lại; hẳn là tôi sẽ thức trong khi những người khác thì ngủ.

Nếu Thiên Chúa cho tôi sống thêm một tí nữa, hẳn là tôi sẽ ăn mặc đơn giản, tôi sẽ đặt mình dưới ánh mặt trời, để không những thân thể tôi, mà cả linh hồn tôi trần trụi tha hồ cho ánh nắng rọi vào….

Cho mọi người, hẳn là tôi sẽ nói rằng họ quá sai lầm khi nghĩ rằng họ sẽ không còn yêu ai nữa khi họ đã già, mà không biết rằng họ trở nên già khi họ ngừng yêu thương….

Hẳn Ià tôi sẽ cung cấp các đôi cánh cho các em bé, nhưng tôi sẽ mặc các em tự học bay lấy.

Cho những người già, hẳn là tôi sẽ nói rằng cái chết không đến khi họ già đi, nhưng nó đến khi họ quên lãng và bị lãng quên.

Tôi đã học được quá nhiều với tất cả các bạn, tôi đã học biết rằng mọi người đều muốn sống trên đỉnh núi, mà chẳng hề biết rằng họ đạt được hạnh phúc là nhờ tiến bước trong cuộc hành trình và nhờ cách họ theo mà lên tới đỉnh đồi.

Tôi đã học biết rằng khi một bé sơ sinh đưa bản tay bé bỏng nắm lấy tay cha nó, là nó đã giam hãm ông trong phần còn Iại của đời ông.

Tôi đã học biết rằng một người chỉ có quyền và có bổn phận nhìn xuống một người khác, khi nào người kia cần được giúp đỡ để đi lên khỏi mặt đất.

Nếu tôi biết rằng đây là những khoảnh khắc cuối cùng tôi được thấy em, hẳn là tôi đã nói “Anh yêu em".

Cứ việc nói ra những gì em cảm thấy, chứ không phải những gì em nghĩ. Nếu tôi biết rằng ngày hôm nay là lần cuối cùng tôi được nhìn em thiếp ngủ, hẳn Ià tôi sẽ ôm ghì em thật chặt và sẽ cầu xin Chúa cho tôi được làm thiên thần hộ thủ của linh hồn em….

Luôn luôn có ngày mai, và cuộc sống lại cho chúng ta một cơ hội khác để làm các sự việc cho đúng, nhưng nếu tôi đã sai lầm, và hôm nay là tất cả những gì còn để lại cho tôi, tôi muốn nói rằng tôi yêu thương bạn biết chừng nào và tôi sẽ không bao giờ quên bạn.

Dù trẻ hay già, không một ai được bảo đảm về ngày mai. Ngày hôm nay có thể là lần cuối cùng bạn được thấy những người thân yêu, vì thế bạn đừng chờ; hãy làm ngay hôm nay, vì biết đâu ngày mai sẽ không bao giờ đến. Tôi chắc chắn rằng bạn sẽ tiếc vì phí mất cơ hội trao một nụ cười, một vòng tay ôm, một nụ hôn, và bạn đã quá bận để ban cho họ ước muốn cuối cùng.

Hãy giữ những người thân yêu gần bạn; hãy nhìn họ mà nói thẳng với họ rằng bạn cần họ và yêu thương họ biết bao. Hãy yêu thương họ và cư xử với họ cho tốt; hãy dùng thì giờ mà nói với họ “Tôi xin lỗi”, “xin tha thứ cho tôi", “xin vui lòng”, “cám ơn bạn", và tất cả những lời thân thương mà bạn biết!

Sẽ không có ai biết bạn nhờ tư tưởng thầm kín của bạn. Hãy xin Chúa ban cho sự khôn ngoan và sức mạnh mà diễn tả các tư tưởng ấy ra.

Hãy tỏ ra cho bạn bè và những người thân yêu biết họ quan trọng với bạn biết bao.

Hãy gửi bức thư này cho những người mà bạn thương mến. Nếu bạn không Iàm việc ấy hôm nay... ngày mai sẽ giống hôm qua, và nếu bạn không bao giờ làm việc ấy, cũng chẳng sao, vì giờ phút để làm việc ấy là BÂY GIỜ…

Hôn chào bạn


Gửi đến bạn, Với tất cả lòng quý mến,
Người bạn của bạn,
Gabriel Garcia Marquez

Dịch từ bản Anh ngữ: Têrêsa Ngọc Nga 31-5-2009




The Puppet

If for a moment God would forget that I am a rag doll and give me a scrap of life, possibly I would not say everything that I think, but I would definitely think everything that I say.

I would value things not for how much they are worth but rather for what they mean.

I would sleep little, dream more. I know that for each minute that we close our eyes we lose sixty seconds of light.

I would walk when the others loiter; I would awaken when the others sleep.

I would listen when the others speak, and how I would enjoy a good chocolate ice cream.

If God would bestow on me a scrap of life, I would dress simply, I would throw myself flat under the sun, exposing not only my body but also my soul.

My God, if I had a heart, I would write my hatred on ice and wait for the sun to come out. With a dream of Van Gogh I would paint on the stars a poem by Benedetti, and a song by Serrat would be my serenade to the moon.

With my tears I would water the roses, to feel the pain of their thorns and the incarnated kiss of their petals...My God, if I only had a scrap of life...

I wouldn't let a single day go by without saying to people I love, that I love them.

I would convince each woman or man that they are my favourites and I would live in love with love.

I would prove to the men how mistaken they are in thinking that they no longer fall in love when they grow old--not knowing that they grow old when they stop falling in love. To a child I would give wings, but I would let him learn how to fly by himself. To the old I would teach that death comes not with old age but with forgetting. I have learned so much from you men....

I have learned that everybody wants to live at the top of the mountain without realizing that true happiness lies in the way we climb the slope.

I have learned that when a newborn first squeezes his father's finger in his tiny fist, he has caught him forever.

I have learned that a man only has the right to look down on another man when it is to help him to stand up. I have learned so many things from you, but in the end most of it will be no use because when they put me inside that suitcase, unfortunately I will be dying.

translated by Matthew Taylor and Rosa Arelis Taylor

TRUYỆN NGẮN CỦA GABRIEL GARCIA MARQUEZ

Cụ già có đôi cánh khổng lồ

Trời mưa đến ngày thứ ba. Cua bị chết ở trong nhà rất nhiều đến nỗi Pê-la-đô phải lội qua sân nhà mình ngập nước để ra biển ném chúng đi, bởi vì đứa trẻ mới sinh cả đêm qua sốt cao quá và người ta liền nghĩ ngay rằng nó ốm là do nhiễm phải cái mùi khắm của xác những con vật chết. Ngay từ ngày thứ ba, khung cảnh làng thật buồn bã. Bầu trời và mặt biển đều xám màu tro.


Các bãi biển mọi ngày cứ vàng rộm chói chang dưới ánh mặt trời nay biết thành những vũng nước nổi váng bùn và rác rưởi. Ngay lúc đang trưa ánh sáng cũng lờ mờ yếu ớt đến mức Pê-la-đô từ ngoài biển trở về phải lấy hết sức bình sinh mới nhìn ra ở cuối sân có một vật gì đó đang cựa quậy và rên rỉ. Anh ta buộc phải đến rất gần mới nhận ra được có một ông già ngã sấp trên mặt đất bùn và dù cố sức vùng vẫy đến đâu ông già cũng không đứng dậy nổi bởi hai cánh to, rất to cứ ghim cổ lại.



Pê-la-đô rất kinh hoàng, vội chạy đi tìm Ê-li-xen-đa, vợ anh đang pha thuốc cho đứa trẻ ốm và lôi chị đến tận nơi có ông già. Hai người vừa lo sợ vừa chăm chú quan sát ông già. Quần áo của ông rách như tổ đỉa. Trên cái đầu hói bóng lơ thơ sót lại mấy sợi tóc bạc kéo từ thái dương ra sau gáy và hai hàm răng cũng chỉ còn lại mấy chiếc khấp khểnh. Trông ông già trong tình trạng ấy thật là thiểu não. Đôi cánh của ông già giống như cánh gà, bê bết bùn trụi gần hết lông, cứ dính chặt xuống đất bùn. Do ngắm nhìn ông già quá lâu và quá quan tâm lo lắng cho ông già, cả hai người không cảm thấy sợ nữa và bắt đầu cảm thấy ông già gần gũi với mình hơn. Thế là họ bạo dạn đến nói chuyện với ông già và ông già đã trả lời họ bằng thứ ngôn ngữ địa phương khó hiểu nhưng giọng nói của ông sang sảng như giọng nói của thủy thủ.

Thế là, không kể đôi cánh kia gây cho họ cảm giác khó chịu, ông già đem lại cho họ một ý nghĩ đúng đắn. Họ nghĩ, đó là một hành khách đi trên một chiếc tàu ngoại quốc bị cơn bão đánh đắm và ông già đã dạt vào đây. Tuy nhiên, bọn họ đã gọi bà hàng xóm thông hiểu nhiều chuyện đời và chuyện bí ẩn của thần chết cùng đến xem ông già. Chỉ cần nhìn thoáng một cái, bà ta đã nói để an ủi hai người:

- Đó là một vị thần. Ta tin chắc rằng ngài đến để chúc mừng đức trẻ mới đẻ nhưng vì quá già nên đã bị mưa bão đánh ngã.


Đến ngày hôm sau, cả bàn dân thiên hạ đều biết rằng trong nhà Pê-la-đô có một vị thần bằng xương bằng thịt. Theo quan điểm của bà hàng xóm thông hiểu mọi nhẽ thì trong thời kì ấy các vị thần đều là những kẻ sống sót và phải chạy trốn cuộc nổi loạn trên thiên đường, cho nên dân làng không đang tâm dùng gậy mà đập chết ông già. Suốt buổi chiều hôm ấy, từ nhà bếp, Pê-la-đô dùng chiếc dùi cui ngồi canh chừng ông già.


Trước khi đi ngủ, anh ta lôi ông già trên đất bùn đến chuồng gà và nhốt ông già vào với bầy gà trong chuồng bưng lưới sắt. Đến nửa đêm, khi trời mưa tạnh, Pê-la-đô và Ê-li-xen-đa vẫn tiếp tục giết lũ cua bò trong nhà. Sau đó ít lâu, đứa trẻ thức giấc, hết sốt, đòi ăn. Thế là vợ chồng họ cảm thấy sung sướng và họ liền trở thành hào phóng, đã quyết định để ông già lên một chiếc máng cùng với nước uống và thức ăn trong ba ngày sẽ thả cụ ra ngoài biển phó mặc cho vận may rủi. Nhưng khi trời vừa hửng sáng hai vợ chồng ra sân thì thấy hàng xóm láng giềng kéo đến đông nghịt đứng trước chuồng gà mà trêu chọc vị thần già, mà ném cho ngài các thức ăn làm như thể vị thần già là một con người không bình thường mà chỉ là một con vật làm xiếc mà thôi.



Cha xứ Gông-xa-ra đến đây lúc bảy giờ. Cha được tin này, không chỉ có những người nhẹ dạ cả tin mà còn có những người chín chắn hơn cũng tò mò kéo đến nhà Pê-la-đô và họ thi nhau bình luận về tương lai của kẻ bị nhốt trong chuống gà. Những người đần độn hơn cả thì nghĩ rằng có lẽ ông già sẽ được bổ nhiệm làm quan thị trưởng của cả thế giới. Những người khác, những người có tinh thần bi quan lại nghĩ rắng ông già sẽ được phong tước năm sao để chiền thắng tất cả các cuộc chiến tranh. Những kẻ hay mơ mộng hão lại nghĩ rằng ông già sẽ được bảo quản và giữ gìn cẩn thận như con vật giống để gieo rắc trên trái đất này một loại người có cánh và thông minh để lãnh đạo cả thế giới.

Nhưng cha xứ Gông-xa-ra, trước khi là thầy tu đã là tay tiều phu lực lưỡng, dù đang chăm chú nhìn qua lưới sắt vẫn ôn lại cuốn sách giáo lí vấn đáp của mình và vẫn tiếp tục đề nghị mở rộng cánh cửa hơn để đến gần ông già đáng thương mang dáng dấp giống một con gà cộc già nua khổng lồ đang đứng ở giữa bầy gà ngây ngô. Ông già đang nằm ở xó chuồng, giữa đám vỏ hoa quả và thức ăn mà người ta ném cho từ lúc sáng sớm, để phơi đôi cánh khổng lồ giăng ra dưới nắng. Khi cha xứ Gông-xa-ra bước vào chuồng gà và dùng tiếng La-tinh chào vị thần thì ông già vẫn giữ vẻ thờ ơ mặc cho đám đông tò mò đang đứng trước của chuồng gà và hầu như ông già cũng chỉ ngước mắt lên và lẩm bẩm điều gì bắng thứ ngôn ngữ địa phương khó hiểu.


Khi cha xứ biết rằng ông già này không biết ngôn ngữ La-tinh, ngôn ngữ của Thượng đế là cũng không biết chào hỏi những đại diện của mình ở hạ giới thì cha sinh nghi. Sau đó, càng quan sát kĩ, cha càng thấy ông già giống người nhiều hơn giống thần, cũng có mùi hôi ẩm trong trận bão, có rêu xanh lè trong hai cánh, và những chiếc lông lớn cũng bị bão làm cho xơ xác và như vậy là không một biểu hiện bề ngoài nào của ông già này phù hợp với các thánh được vẽ trong tranh. Thế là đức cha ra khỏi chuồng gà rồi đức cha đọc một bài thuyết giảng vắn tắt nhắc nhở những kẻ tò mò hãy cành giác trước những ý nghĩ nông cạn và chớ nên vội tin vào những điều mà mình nhìn thấy.


Cha nhắc họ rằng quỷ dữ cũng thường ranh ma trá hình các thánh, trà trộn trong các vũ hội các-na-van để đánh lừa những kẻ nhẹ dạ cả tin. Cha còn lập lí rằng nếu đôi cánh kia không phải là yếu tố cơ bản để phân biệt con diều hâu với một chiếc máy bay thì lại càng không phải là điều kiện để thừa nhận ông già là một vị thần. Tuy nhiên, cha xứ hứa sẽ viết ngay một bức thư gửi lên đức giám mục báo cho ngài biết tin này để ngài viết thư lên đấng bề trên để đấng bề trên của ngài lại viết thư lên đấng bề trên nữa cho đến khi nào tới tay Đức Giáo hoàng và nhờ thế mọi người ở đây sẽ được đọc lời phán xét cuối cùng của tòa thượng thẩm.



Sự cẩn trọng của cha xứ là vô ích. Tin tức về vị thần bị nhốt trong nhà Pê-la-đô được lan truyền đi rất nhanh đến mức chỉ sau ít đó mấy giờ, sân nhà Pê-la-đô đông (…) kẻo họ làm đổ mất nhà. Ê-li-xen-đa, lưng còng hẳn đi vì phải cúi suốt ngày để quét rác chợ, lúc ấy liền nảy ra ý định rất đẹp: che sân nhà lại và bán vé với giá năm xu cho những ai muốn xem vị thần già có đôi cánh khổng lồ.


Những kẻ tò mò thích chuyện lạ từ đảo Mác-ti-ních cũng đến đây. Một gánh xiếc lưu động mang cả một gã làm trò nhào lộn cũng đến đây. Gã nhiều lần bay vù vù trên đầu đám dân chúng nhưng cũng không một ai thèm để ý vì đôi cánh của gã không phải là đôi cánh thiên thần mà chỉ là cánh của con dơi khổng lồ.


Những người bất hạnh nhất của cả vùng biển Ca-ri-bê đến đến đây để mong được chữa bệnh: một người đàn bà bị bệnh tim ngay từ thời ấu thơ lúc nào cũng đếm nhịp tim mình và bà ta đã đếm được rất nhiều, tới mức không còn đủ con số cho bà ta đếm; một bác nông dân Ha-mai-ca không tài nào ngủ được vì tiếng động của các vì sao cứ làm bác khó chịu; một kẻ mộng du ban đêm cứ đi lại ồn ào không cho ai ngủ và rất nhiều những người bị bệnh khác. Trong hoàn cảnh ồn ào chen lấn đến ngộp thở kia, Pê-la-đô và Ê-li-xen-đa cực kì sung sướng vì chưa đầy một tuần, họ đã thu được rất nhiều tiền và nhét chặt vào các phòng ngủ và hàng người chờ xếp hàng đến lượt vào xem vẫn dài lê thê đến tận chân trời.



Chỉ có cụ già kia là không tham dự vào chính sự kiện do mình gây ra. Trong lúc thời gian qua đi, vị thần già tìm cách nằm thoải mái trong cái ổ người ta làm cho mình mà chịu đựng cái nóng khủng khiếp nơi hỏa ngục do những ngọn đèn dầu và nến thắp sáng ngay bên cạnh gây nên. Thoạt đầu mọi người tưởng rằng vị thần già sẽ ăn lá long não, mà theo như lời bà hàng xóm thông thái nọ đó là món ăn đặc biệt của các vị thần.

Nhưng ngài không thèm ăn, cũng như ngài không đụng đến các thức ăn trưa của Giáo hoàng do các tín đồ dâng lên mà chỉ ăn lá nõn cây bê-rê-nhê-na. Kiên nhẫn đó là đức tính nổi bật của ngài, nhất là trong những ngày đầu, ngài rất nhẫn nại, cứ mặc nhiên thây kệ bọn gà thi nhau rỉa sâu bọ sinh sản trong đôi cánh ngài, thây kệ bọn ốm đau nhổ lông ngài để phết lên những chỗ đau, thây kệ những kẻ ném đá vào ngài để buộc ngài phải đứng dậy cho họ có dịp được nhìn ngắm toàn bộ thân hình ngài.

Chỉ có một lần duy nhất họ khiến ngài phải đứng dậy ấy là khi bọn họ dùng một con dấu sắt nung đỏ ấn vào mạn sườn ngài, vì họ nghĩ rằng ngài đã chết rồi. Thế là ngài thức dậy đầy hoảng hốt, miệng vẫn lảm nhảm một thứ ngôn ngữ rất khó hiểu, nước mắt lưng tròng, rồi ngài vỗ cánh liền hai cái khiến cho bụi và phân gà trong chuồng bay lên tựa như một cơn lốc.



Nhiều người tin rằng sự phản ứng của ngài không phải do ngài giận dữ mà là do ngài đau đớn. Thế là từ đó trở đi, người ta chăm lo cho ngài cẩn thận hơn, vì phần lớn đều cho rằng sự nhẫn nại chịu đựng được mọi phiền toái của ngài không phài sự nhẫn nại của người anh hùng mà là trạng thái nghỉ ngơi sau bao gian truân trong bão táp.


Cha Gông-xa-ra dùng những lời lẽ ngọt ngào để thuyết phục đám dân chúng đừng đến đây nữa mà hãy chăm lo công việc gia đình trong lúc đợi sự phán quyết dứt khoát của đấng bề trên về bản thể của kẻ bị giam giữ. Nhưng đường thư Rô-ma có lẽ không còn ý thức trách nhiệm trước tính chất khẩn cấp của lá thư. Trong lúc thời gian trôi đi thì mọi người bận tâm tìm hiểu xem cái vị thần già giam giữ kia có trốn không, tiếng địa phương của ông già có phải là tiếng A-ra-mê-rô hay chỉ đơn giản ông già là một người Nê-ru-ê-gô có cánh mà thôi. Những bức thư chậm trễ ấy cứ việc đi rồi về cho đến tận cuối các thế kỉ nếu như không có một sự kiện hiển nhiên xảy ra kịp thời chấm dứt những tham vọng của đức vua.


Quả nhiên, trong những ngày ấy có một sự kiện độc đáo xảy ra. Giữa những gánh xiếc lưu động đến làng có một gánh xiếc trình diễn tiết mục về một người con gái vì không nghe lời cha mẹ bị biến thành con nhện. Vé vào cửa chẳng những rẻ tiền hơn so với vé xem vị thần già mà còn trong khi xem người ta có thể hỏi rất nhiều điều về hoàn cảnh câu chuyện xảy ra. Người ta có thể phân tích kĩ càng câu chuyện cho đến khi nào không còn nghi ngờ gì về sự thật của nó. Đó là một con nhện khổng lồ to như con cừu và nó có bộ mặt trông như bộ mặt cô trinh nữ buồn tủi. Nhưng điều đáng thương tâm hơn cả là không phải cái hình thù xấu xí, nực cười của cô ả mà chính là thái độ ngây thơ chân thành trong khi cô ả kể lại chuyện đời mình với đầy đủ các chi tiết nhỏ nhặt nhất ngay từ khi còn là trẻ ranh, cô ả đã trốn cha mẹ để đi khiêu vũ.

Sau một đêm khiêu vũ không được phép của cha mẹ, trên đường về cô ta bị một tiếng sấm nổ rạch đôi bầu trời và một tia chớp xanh lè bổ xuống biến cô ta thành con nhện. Thức ăn duy nhất của cô ả là những viên thịt băm người ta vui vẻ ném vào mồm ả. Một tích truyện như thế tự nó mang một sự thật nhân bản và một bài học đáng sợ, nó đã đánh bại một cách không thương tiếc cái trò đi xem vị thần già nua không làm được trò trống gì ngoài việc đủ can đảm nhìn vào cái chết.


Ngoài ra, những phép màu hiếm hoi mà người ta cố gán cho vị thần già chẳng có sức thuyết phục, tỉ như phép màu mà ngài chữa bệnh cho một ông mù thì ông mù không lành mắt lại mọc thêm được ba răng, như phép màu ngài dùng để trị bệnh cho kẻ bị bại liệt thì kẻ này không khỏi bệnh mà lại suýt nữa trúng số độc đắc hoặc phép màu ngài dùng để trị bệnh cho một người hủi không lành bệnh mà lại thấy cây hướng dương mọc lên quanh những vết lở loét. Đúng ra những phép màu này giống như những lời đùa tếu bông lơn đã đánh tan thanh danh của vị thần già khi gánh xiếc có người con gái bị biến thành nhện đến làng. Đó là nguyên nhân khiến đức cha khỏi bệnh lẩm cẩm, giúp cho sân nhà Pê-la-đô trở lại khung cảnh vắng vẻ như cái hồi mưa ba ngày liền khiến cua thi nhau bò lồm cồm khắp các phòng trong ngôi nhà.



Chủ nhà chẳng có lí do gì để mà phải ca thán. Với số vốn lớn thu được họ làm một ngôi nhà hai tầng, có ban công và vườn hoa, chân nhà ốp gạch men để cho cua không thể bò được vào phòng trong những ngày mưa to gió lớn và tại các cửa sổ lưới thép được chăng lên để không một vị thần nào có thể chui vào trong nhà. Pê-la-đô còn cho lập một trại nuôi thỏ ngay cạnh làng và xin thôi không làm trương tuần nữa. Ê-li-xen-đa mua những đôi giày cao gót và khá nhiều váy lụa y hệt y phục các bà mệnh phụ thường dùng trong các ngày lễ tết. Chỉ riêng chuồng gà là nơi họ không thèm quan tâm.

Nếu như có vài lần họ cọ rửa và xông lá thơm bên trong chuồng thì không phải là để thờ phụng vị thần già mà chính là để tẩy uế cái mùi hôi thối lởn vởn khắp ngôi nhà như một hồn ma và nó làm cho ngôi nhà ngày một cũ đi. Lúc đầu, khi đứa trẻ mới lững chững biết đi, họ chú ý chăm nom nó, không cho nó đến gần chuồng gà. Nhưng rồi họ cũng quên đi nỗi sợ hãi và bắt đầu làm quen với cái mùi hôi khó chịu kia và trước khi đứa trẻ thay răng sữa, nó đã vào chơi ngay trong chuồng gà làm cho sắt gỉ rơi lả tả từng mảng một.

Vị thần khó chịu trước thằng bé hiếu động nhưng nhưng đã cố sức chịu đựng nó với tinh thần nhẫn nhục của một con chó đã rũ sạch mọi ảo tưởng. Cùng một lúc đứa trẻ và vị thần già đều bị bệnh thuỷ đậu. Viên bác sĩ lo điều trị cho đứa trẻ không thể kìm được lòng thương hại đã lấy ống nghe khám bệnh cho vị thần già và ông cũng cảm thấy rằng tim vị thần già đập nhanh quá và trong thận ông già có nhiều tiếng sôi khiến ông ta cảm thấy rằng vị thần già khó mà sống nổi. Tuy nhiên điều khiến ông ta ngạc nhiên hơn cả là tính chất logic của đôi cánh. Chúng rất tự nhiên trong cái bộ phận hoàn toàn người của vị thần già khiến bác sĩ không hiểu vì sao ở những người đàn ông khác lại không có cánh.


Khi đứa trẻ đi học, nắng mưa đã phá sập chuống gà từ lâu. Vị thần già lê đôi cánh đi lại đây đó như một kẻ mộng du. Vợ chồng Pê-la-đô vừa đuổi vị thần già ra khỏi phòng ngủ thì ngay sau đó lại thấy ngài có mặt trong nhà bếp. Dường như cùng một lúc vị thần già có mặt ở khắp mọi nơi trong ngôi nhà địa ngục đầy ma quái.

Vị thần già hầu như không ăn và đôi mắt trong của ngài lại ngầu đục và thế là ngài đi mà cứ va vấp hoài vào cột nhà, đôi cánh ngài trụi hết lông. Pê-la-đô lấy chăn đắp lên lưng cho vị thần già và cho ngài nằm trong nhà và chỉ đến khi ấy anh ta mới nhận ra rằng ngài lên cơn sốt suốt đêm và trong lúc lên cơn sốt ngài lẩm bẩm nói tiếng khó hiểu của người Nê-ru-ê-gô cổ xưa. Đó là một trong những lần hiếm có họ phải ngạc nhiên bởi ý nghĩ vị thần già sẽ chết và ngay cả bà hàng xóm thông thái cũng không thể bảo họ cần phải làm gì trước khi vị thần chết.



Tuy nhiên, vị thần già không những không chết trong ngày đông tháng giá mà còn tươi tỉnh khi mặt trời thức dậy. Nhiều ngày, ngài nằm im trong góc sân biệt lập, không mấy ai nhìn thấy ngài và vào những ngày tháng chạp bỗng trên đôi cánh ngài nở ra một ít lông to và cứng, đó là những chiếc lông của con chim già nua, chúng là biểu hiện của tuổi già lão. Nhưng có lẽ chính vị thần hiểu mình hơn ai hết về những lí do thay đổi ấy bởi vì ngài tự chăm lo mình cẩn thận hơn, để không một ai nhận ra ngài, để không một ai nghe thấy tiếng hát của những người đi biển mà đôi lúc họ như đang ca hát bên dưới các vì sao.


Một buổi sáng nọ trong lúc Ê-li-xen-đa đang ngồi thái hành chuẩn bị cho bữa cơm trưa thì nghe thấy một cơn gió hình như từ ngoài khơi lọt vào nhà bếp.

Thế là Ê-li-xen-đa liền thò đầu qua cái cửa sổ và cô ngạc nhiên thấy vị thần già đang chuẩn bị cất cánh bay. Lúc đầu là những cú vỗ cánh hãy còn ngượng nghịu cuốn bụi bay theo và suýt làm đổ cả mái hiên. Nhưng rồi cuối cùng, vị thần già đã bay được và ngày càng bay cao. Ê-li-xen-đa thở phào một cánh nhẹ nhõm khi chị ta nhìn thấy ngài hiên ngang vẫy đôi cánh vĩ đại của con đại bàng. Chị ta tiếp tục nhìn theo cho đến khi hình bóng vị thần già mất hút ở đường chân trời, ấy là khi chị thái hành xong, bởi vì lúc ấy không phải là lúc vất vả của đời chị mà đúng hơn lúc ấy là một điểm tưởng tượng trong đường chân trời ngoài biển cả mênh mông.

1968
(Trích trong Ga-bri-en Gác-xi-e Mác-két – 36 chuyện đặc sắc, NXB Văn học, Hà Nội, 2001)





Hồi ức Về Những Cô Gái điếm Buồn Của Tôi


Hồi ức Về Những Cô Gái điếm Buồn Của Tôi



Gabriel García Márquez được bạn đọc Việt Nam biết đến qua bản tiếng Việt chuẩn xác và giàu cảm xúc của cố dịch giả Nguyễn Trung Đức, với “Trăm năm cô đơn”, “Tình yêu thời thổ tả”, “Ngài đại tá chờ thư”, “Tướng quân giữa mê hồn trận”, “Giờ xấu”, “Mười hai truyện phiêu dạt”... Với tư duy nghệ thuật độc đáo, Márquez đã thể hiện trong các tác phẩm của mình một tình yêu vừa thơ ngây vừa sâu sắc, mãnh liệt đối với con người, với cuộc đời.

Ông đã nhận được nhiều giải thưởng lớn, trong đó có giải Nobel văn học vào năm 1982.

Có một lần G.G Márquez đã nói: “Trên thực tế, mỗi nhà văn chỉ viết một cuốn sách. Cuốn sách mà tôi đang viết là cuốn sách về “cái cô đơn”.

Quả thực, sau hơn 50 năm cầm bút, Márquez đã vẫn viết về cái cô đơn trong một câu chuyện khác, tác phẩm “ Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi”.

Đó là câu chuyện của một nhà báo già. Sinh ta trong một gia đình trung lưu nhưng ông sớm mồ côi cha mẹ. Trong căn nhà cũ kỹ, ông đã sống một cuộc sống hoàn toàn cô đơn, không vợ con, không bạn bè. Ông đã từng dạy ngữ pháp tiếng La Tinh và Tây Ban Nha. Sau đó, ông biên tập tin tức và viết bình luận âm nhạc cho một tờ báo địa phương đến năm 90 tuổi. Và chính trong buổi sáng kỷ niệm sinh nhật lần thứ 90 ấy, ông bỗng ao ước có một đêm tình ái nồng say với một thiếu nữ còn trinh nguyên.

Cái ý muốn kỳ lạ đó thôi thúc ông đến độ ông tìm cách liên hệ với một người đàn bà mối lái mà ông quen từ ngày còn trẻ, nhờ bà ta giúp đỡ bất chấp nỗi xấu hổ.

Ông đã đến nơi hẹn với một cô bé đang say ngủ. Khi ông ra về, ông đặt lên trán cô nụ hôn vĩnh biệt và lời cầu Chúa giữ hộ trinh tiết cho cô. Thế nhưng, chính sự cô đơn của tuổi già đã khiến ông nhiều lần nữa đến gặp cô bé. Mỗi lần, ông lại thêm yêu thương cô. Ông đem những bức tranh, những bó hoa, những cuốn sách… bày trong căn phòng để sớm mai, khi thức dậy, cô bé cảm thấy ấm cúng. Ông hát ru cô bé bài hát về Delgadina – cô công chúa út được vua cha yêu quý. Ông gọi cô là Delgadina. Ông nhận thấy sự hiện diện vô hình của cô trong căn nhà vắng lặng của ông. Cuộc sống nhàn tẻ, nghèo cực của ông như có một ý nghĩa, đó là niềm yêu thương, lo lắng cho tương lai của cô bé. Lần đầu tiên, ông nhận ra “Niềm thích thú thực sự khi được ngắm nhìn thân thể người phụ nữ ngủ say mà không bị áp lực của dục vọng hay bối rối vì ngượng ngùng”.

Tác phẩm “hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi” của G.G. Márquez khiến người đọc nhớ đến “Người đẹp say ngủ” của nhà văn Kawabata. Thật kỳ lạ cho cuộc gặp gỡ giữa hai nhà văn sống trong hai nền văn hoá xa nhau, khác lạ với nhau là Mỹ La Tinh và Nhật Bản. Những ông già - nhân vật trong tác phẩm của họ, trong cố gắng tuyệt vọng để tìm lại tuổi trẻ đã tìm thấy một tình cảm khác. Đó là niềm thương xót với con người, đặc biệt là những người phụ nữ. Nhân vật của Kawabata khi đến ngủ bên người phụ nữ đã có ý nghĩ: “Đến đấy ngủ giống như ngủ với Đức Phật nấp kín đâu đây vậy”. Trong một cách hành xử khác, một cách diễn đạt khác, nhân vật của G.G.Márquez cũng đạt được tình cảm thanh khiết đó.

No comments: