Tuy nhiên, theo bà Aung San Suu Kyi, trước tiên hết cần phải nêu lên vấn đề là Miến Điện có thể đi đến một sự chuyển tiếp như thế nào, thông qua bao nhiêu giai đoạn.
Dù cổ vũ cho một vai trò tốt hơn của quân đội sau nửa thế kỷ nắm quyền, nhưng bà Aung San Suu Kyi cũng cho rằng một mình bà không thể buộc các tướng lãnh ngồi vào bàn đàm phán.
Theo các nhà quan sát, qua những tuyên bố gần đây từ khi được trả tự do, nhà đối lập Miến Điện cho thấy ước muốn thúc đẩy tập đoàn quân sự đi vào con đường dân chủ. Bà không bác bỏ chiến lược chính trị mới mà tập đoàn quân sự đưa ra sau cuộc bầu cử , và nói thêm rằng bà sẵn sàng ủng hộ nếu « chiến lược đó đi đúng hướng mà người dân mong muốn ».
Bên cạnh đó, bà Aung San Suu Kyi cũng lên án tệ nạn bè phái trong giới cầm quyền, mà theo bà, đã gậm nhấm một đất nước giàu có ở Đông Nam Á cách đây 50 năm, nhưng giờ đây có 50 triệu dân sống trong cảnh nghèo túng, trong lúc mà các thành phần lãnh đạo lại tiêu xài hoang phí.
Ngoài ra, lãnh tụ đối lập cũng kêu gọi chính quyền Miến Điện đàm phán với những nhóm sắc tộc để tránh những cuộc xung đột đẫm máu giữa họ với quân đội chính phủ.
Trả lời Reuters, bà Aung San Suu Kyi khẳng định ý muốn trở lại chính trường Miến Điện, vì bà là một lãnh đạo chính trị : « Tôi là một phụ nữ hoạt động chính trị, người ta đã kêu gọi đến tôi qua nhiều cách, tôi có vai trò lãnh đạo chính trị ».
Bà cho biết dự kiến đi hoạt động trở lại tại các tỉnh, gặp gỡ những người trong phe đối lập, trong đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, những người ủng hộ bà.
Trên bình diện ngoại giao, trả lời đài CNN trước đó, bà Aung San Suu Kyi kêu gọi Hoa Kỳ hãy thận trọng trong quan hệ với chế độ Mién Điện. Bà đánh giá tích cực đối thoại mà Hoa Kỳ đã bắt đầu tiến hành với lãnh đạo Miến Điện nhưng bà cảnh báo là không nên nhìn tập đoàn quân sự qua ‘’cặp mắt kính mầu hồng’’, mà với một cái nhìn thực tế, xem những gì ‘’thực sự diễn ra’’.
No comments:
Post a Comment