Tuesday, May 17, 2011

LÀNG CỰ ĐÀ




Làng Cự Đà

Từ WikiHanoi - Từ điển bách khoa mở Hà Nội



Cổng làng Cự Đà - Ảnh: Internet

Giới thiệu

Làng Cự Đà (xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội) từ bao đời nay đã có nghề làm tương nếp và nghề làm miến nổi tiếng. Làng cổ Cự Đà là một làng quê điển hình của đồng bằng Bắc bộ.

Lịch sử hình thành

Theo PGS TS Trịnh Sinh (Viện Khảo cổ học Việt Nam) làng đã được hình thành cách đây 2000 năm (Đã tìm thấy những viên gạch có hoa văn đắp nổi hình ô trám, hình đồng tiền, gạch múi bưởi được xếp từng hàng lớp khi tu sửa nền chùa làng Cự Đà đã phát hiện ra. Những viên gạch đặc trưng này của các ngôi mộ thời Bắc thuộc cách đây hai mươi thế kỷ).

Cự Đà là một làng phất lên nhanh chóng từ những năm 1920-1940 thế kỷ trước, nhờ có địa lợi là cạnh bến sông Nhuệ, thuyền bè đi lại tấp nập chở lúa gạo, hàng hóa về làng rồi lại lan tỏa đi nơi khác. Người Cự Đà khi đó có đầu óc làm ăn, buôn bán, lại sớm thành lập nhiều doanh nghiệp có tiếng ngoài Hà Nội.

Làng Cự Đà còn là một làng nghề nổi tiếng xa gần bởi 2 đặc sản:

Nghề làm tương - Ảnh: Internet
  • Nghề làm tương truyền thống

Tương nếp Cự Đà có vị ngọt và hương thơm rất đặc biệt. Hiện giờ, đến chợ nào trên địa bàn Hà Nội đều có thể mua được tương nếp Cự Đà.Để có được vị ngọt dịu và hương thơm cần có một quy trình chế biến rất công phu. Đối với gạo, phải chọn loại gạo nếp cái hoa vàng không lẫn với gạo tẻ. Về đậu tương cũng phải là đậu tương leo, khi chín hạt vẫn nhỏ và có màu vàng nhạt. Khi đã chọn được gạo, đậu tương vừa ý mới bắt đầu công đoạn phức tạp và khó nhất là thổi xôi và rang đậu. Làng nổi tiếng với nghề làm tương, nhưng chủ yếu tập trung vào 5 dòng họ Đinh, Vũ, Trịnh, Vương, Nguyễn. Mỗi ngày mỗi gia đình làm tương ở Cự Đà tiêu thụ vài trăm lít, đến dịp gần Tết nguyên đán thì phải lên tới hàng nghìn lít.


Nghề làm miến - Ảnh: Internet
  • Nghề làm miến truyền thống

Nghề làm miến xuất hiện ở Cự Đà vào những năm 1950-1960 đã đứng vững trong thị trường, đem lại lợi ích kinh tế khá tốt cho người dân. Hiện nay việc làm miến vẫn còn tiếp tục được phát triển, cả làng Cự Đà hiện này có khoảng 400 hộ trong đó có phần lớn là theo nghề làm miến, mỗi ngày cho ra thị trường khoảng 17 - 20 tấn miến. Miến Cự Đà nổi tiếng khắp các tỉnh thành cả nước.

Thông tin thêm

  • Lai lịch Cự Đà và chuyện gắn số nhà

Làng Cự Đà cổ là tên gọi của 1 trong 3 thôn bao gồm: Khúc Thủy, Khe Tang, Cự Đà thuộc xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây. Trong 3 thôn của xã thì Cự Đà là thôn có tuổi đời lâu nhất, vì hiện nay theo những di tích còn để lại có niên đại khoảng 400-500 tuổi. Nằm tiếp giáp với con sông Nhuệ, Cự Đà là một dải đất hình tam giác, một phần tiếp giáp với thị xã Hà Đông, còn phần kia giáp với huyện Thanh Trì (Hà Nội). Người Cự Đà đảm đang, khéo léo, giỏi làm ăn, giàu rất nhanh, lại ở địa thế “nhất cận thị, nhị cận giang” nên Cự Đà phát triển kinh tế nhanh hơn các làng khác ở trong vùng. Ông Trịnh Văn Cơ - một nhà giáo nghỉ hưu, kể cho chúng tôi nghe về lai lịch của làng: Vài thế kỷ trước, do có sông Nhuệ chảy quanh nên những người lái buôn, làm ăn lớn ở các nơi mỗi khi đi qua đây đều tập kết ở bến Cự Đà. Lâu dần, nơi đây thành một cảng buôn bán, nhờ buôn bán mà người trong làng trở nên giàu có.


Những người Cự Đà tha hương đi buôn bán làm ăn ở nơi khác, trở thành những doanh nhân cự phách, những điền chủ tiền nhiều như nước, nổi tiếng ở khắp nơi. Họ bắt đầu trở về kiến thiết nhà cửa xây dựng quê hương. Những kiểu nhà sang trọng nhất thời đó ở đâu có, thì người Cự Đà có “máu mặt” đều mang về xây ở làng. Thời Pháp thuộc, Cự Đà cũng nổi tiếng là một trong những nơi có nhiều doanh nhân thành đạt như Cự Phát, Cự Doanh, Vũ Từ Đặng... quan hệ khá thân thiết với những nhà tư sản nước ngoài.


Nói đến những doanh nhân thành đạt của Cự Đà phải kể đến bà Cự Chân và thân phụ cụ Cự Doanh - một trong những người được ví là thủy tổ của nghề dệt kim đông xuân ở nước ta. Cụ Cự Doanh đã có một hệ thống cơ sở sản xuất, xưởng dệt may được lập nên ở phố Hàng Quạt những năm đầu thế kỷ XX (tiền thân của Cơ sở dệt kim Đông Xuân sau này). Cùng với việc buôn bán, nhiều người Cự Đà còn mua ruộng ở khắp nơi để mở đồn điền trồng cấy. Để giao dịch thuận lợi, họ đã xây những khu nghỉ ở quê để vừa tiếp khách, vừa là nơi nghỉ ngơi. Năm 1929, Cự Đà là thôn đầu tiên ở tỉnh Hà Tây có điện để phục vụ cuộc sống.


Theo hồi ức của nhiều người thì khi ấy Cự Đà chẳng khác gì một khu phố thu nhỏ của Hà Nội phục vụ nhu cầu cuộc sống cao của tầng lớp trên... Cứ vào những chiều cuối tuần, các doanh nhân giàu có lại lái xe hơi về quê để hưởng cái không khí thanh bình nơi thôn dã. Do giỏi làm ăn nên người Cự Đà bôn ba khắp nơi. Họ chỉ trở về quê vào những dịp lễ tết hoặc những sự kiện trọng đại trong làng, xã... Theo những người già kể lại, người dân gốc Cự Đà đến nay chỉ còn khoảng 50%, số còn lại vốn trước đây là “con sen, người ở”.


Do phải làm ăn xa, vì thế mọi việc trong nhà những người buôn bán phải trông vào người làm. Hàng năm cứ đến ngày 14 tháng Giêng người dân làng lại tôt chức hội làng, người dân làng Cự Đà dù ở đâu và làm gì thì cũng nhớ ngày đó mà về hội làng, tưởng nhớ tới quê hương cội nguồn. Cổng làng, miếu và đình làng, chùa trong làng có niên đại từ 500 - 600 năm được xếp là Di tích Quốc gia. Đáng chú ý nơi đây còn có di tích đàn tế bằng đá xanh mà người dân vẫn gọi là đàn tế trời đất, một dạng của đàn Xã Tắc thuộc loại đẹp nhất nước.

Bên cạnh vẻ đẹp cổ, làng còn có vẻ đẹp cận đại. Đó là những ngôi nhà cổ và công trình kiến trúc được xây cất từ những năm 1920-1940 trông rất "Tây". Ven sông còn để lại một cột cờ cao vút được xây dựng năm 1929, các di tích nhà Hội đồng, nhà Thọ từ (trường học). Các nhà có kiến trúc theo kiểu nhà Tây giống với nhà Tây ngoài Hà Nội còn lại khoảng năm chục chiếc ở ngay trong làng. Vào thời đó, Cự Đà còn là thôn duy nhất của cả vùng có đường điện thắp sáng.



Đôi nét về làng Cự Đà


Làng Cự Đà (xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Tây) từ bao đời nay đã có nghề làm tương nếp nổi tiếng. Tương nếp Cự Đà có vị ngọt và hương thơm rất đặc biệt. Hiện giờ, đến chợ nào trên địa bàn Hà Nội đều có thể mua được tương nếp Cự Đà.

Để có được vị ngọt dịu và hương thơm cần có một quy trình chế biến rất công phu. Đối với gạo, phải chọn loại gạo nếp cái hoa vàng không lẫn với gạo tẻ. Về đậu tương cũng phải là đậu tương leo, khi chín hạt vẫn nhỏ và có màu vàng nhạt. Khi đã chọn được gạo, đậu tương vừa ý mới bắt đầu công đoạn phức tạp và khó nhất là thổi xôi và rang đậu. Xôi thổi chín phải dẻo, không nát, tất cả hạt xôi phải còn nguyên hình gạo để có thể lên mốc dễ dàng. Còn đậu tương rang không được sống, không được cháy, hạt đậu phải vàng đều và tróc vỏ. Khi mốc của xôi đã đều, có màu vàng óng thì đem ủ với đậu tương rang và một lượng men, mà loại men này chỉ người làng Cự Đà mới làm được. Nước ủ tương cũng phải là nước mưa hay nước giếng khoan được lọc đi lọc lại nhiều lần.

Theo thống kê của xã Cự Khê, cả xã hiện có 350 hộ sống bằng nông nghiệp, chỉ có khoảng 20 hộ làm tương. Qua trao đổi với một số hộ thì giá bán tương Cự Đà 10 năm trở lại đây đều ổn định với mức giá trên dưới 3.000 VND/lít. Giá bán thì ổn định như vậy trong khi giá nguyên liệu ngày càng lên. Một lít tương kể cả công, nguyên liệu thì có giá gần 2.000 VND và như vậy mỗi lít tương người sản xuất lãi khoảng trên 1.000 VND. Hiện nay, tìm kiếm thị trường tiêu thụ tương là vấn đề không dễ, mỗi hộ làm tương đều phải tự tìm cho mình một mối khách hàng. Thị trường chủ yếu của tương Cự Đà là Hà Nội, rồi từ Hà Nội phân bổ đi các nơi. Người dân Cự Đà xác định làm tương chỉ là nghề phụ, tranh thủ lúc nông nhàn, còn thu nhập chính vẫn là từ nông nghiệp.

Một làng nghề lâu đời như Cự Đà nhưng chưa được chính quyền tỉnh Hà Tây công nhận là Làng nghề Truyền thống vì chưa hội đủ điều kiện mà Tiêu chuẩn Làng nghề Truyền thống của tỉnh quy định. Anh Vũ Văn Chung - Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Cự Khê tâm sự với chúng tôi: "Cự Đà đang phấn đấu để được công nhận là làng nghề truyền thống. Ước mơ của những người làm tương Cự Đà chúng tôi là tạo được cho mình một thương hiệu chính thức. Tới đây chúng tôi sẽ thành lập Hiệp hội Tương Cự Đà, để tổ chức sản xuất có quy mô hơn, có khả năng vay vốn đầu tư, tạo uy tín và mở rộng thị trường. Người dân Cự Đà quyết nắm chặt tay nhau để bảo vệ và phát triển nghề truyền thống

The vnexpress.net

Chúng tôi với Cự Đà

Chúng tôi những nhiếp ảnh gia nghiệp dư đã cùng nhau đi sáng tác tại làng Cự Đà để tôn vinh vẻ đẹp làng quê Việt Nam. Muốn tận dụng cái nắng sớm mai chúng tôi quyết định đi sớm . Đúng 06giờ00 đoàn chúng tôi xuất phát đến Cự Đà, sau khi đi qua con cầu nhỏ bắc qua sông Nhuệ và men theo dọc theo con đường nhỏ ven sông chúng tôi đã Cự Đà.


Ấn tượng đầu tiên của tôi đối với làng đó là những nét đẹp vốn dĩ của một làng quê cổ kính đã bị phai nhạt đì khá nhiều, rõ nhất là qua những bức tường vôi ve mới quet, và những bức tranh mới được tô lại tại những ngôi đình cổ, đường làng ngõ xóm đã được đổ bê tông, xen với nhứng ngôi nhà cổ là nhứng ngôi nhà mái bằng với lối kiến trúc cách tân và điều thất vọng nhất là con sông nó đã bị ô nhiễm quá nhiều ,có quá nhiều rác thải trên mặt sông tôi chợt thấy buồn buồn, không còn cái hình ảnh dòng sông quê mà tôi vẫn hình dung qua câu thơ của Tế Hanh
"...Quê hương tôi có con sông xanh biếc
Nước gương trong soi bóng những hàng tre
Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè
Toả nắng xuống lòng sông lấp loáng..."

Tuy vậy vào sâu trong làng thì sự thất vọng của tôi giảm dần, những vẻ đẹp đích thực của làng quê Việt nam đã dần xuất hiện trở lại nhiều hơn và chúng tôi đã dừng lại ở cổng làng ..



Cổng Làng
Chiếc cổng làng cổ kính luôn là nỗi nhớ của những người xa quê. Vì khi ra đi chúng ta ngoảnh lại nhìn nó lần cuối, khi về nó là cái đầu tiên ta nhìn thấy.




Cổng Xóm
Chiếc cổng xóm naỳ là kiến trúc tiêu biểu của làng, bạn sẽ thấy nhiều những chiếc cổng liên tiếp thế naỳ từ đầu làng cho tới cuối làng




Ngõ Nhỏ
Cứ cách bốn năm nhà lại gặp một cổng ngõ như thế này




Bến Nước
Có lẽ con sông đã làm cho làng Cự Đà nên thơ hơn, cứ một đoạn lại có một bến nước như thế naỳ, chỗ này không chỉ để cho thuyền đậu mà còn là nơi rửa chân tay, giặt chiếu...
"Quê hương ai cũng có một dòng sông bên nhà con sông quê gắn bó với tuổi thơ đời tôi ..." câu hát cứ văng vẳng bên tai tôi trong lúc tôi bấm maý.




Nắng Sớm
Có nhứng lúc tôi như tìm thấy một góc phố cổ ở đây, ở làng vẫn còn một số nhà giữ nguyên kiến trúc cổ kiểu Pháp.




Nắng mai đến bên của sổ
Những tia nắng sớm chiếu lên nhưng cánh cửa sổ nâu trầm tích, đằng sau ô của sổ là cuộc sống lam lũ , bình dị của ngưòi dân Cự Đà...một ngày mới lại bắt đầu.



Trưa Hè
Chiếc phản gỗ cũ kỹ , nơi người mẹ ru em bé ngủ trong những buổi trưa hè "Ầu ơ, con cò mày đi ăn đêm, đậu phải cảnh mềm lộn cổ xuống ao, ông ơi ông vớt tôi nao, nếu có lòng nào ông hãy xáo măng..." câu hát ru của người mẹ nghe văng vẳng đâu đây.




Góc Nhà
Người nông dân luôn lam lũ quanh năm, luôn vất vả nhọc nhằn, luôn nghèo...nhìn góc nhà thì thấy ngay




Góc Bếp
Cái góc bếp luôn gắn bó với hình ảnh người phụ nữ họ gắn bó với bếp đến 1/4 cuộc đời . Tôi luôn nhớ hình ảnh bà tôi ngồi trong bếp nhìn chúng tôi ăn , các cháu ăn ngon là bà vui rồi




Chum Tương
Một góc nhà làm tương




Đẹp Lão
Bà lão tóc bạc phơ cười rất đôn hậu, hôm nay hai bà đi lễ chùa , các chú về làng chup ảnh đấy à ? tý nữa vào chùa mà chụp cảnh đẹp lắm. Người làng quê luôn thân thiện và cởi mở...Lời chào cao hơn mâm cỗ




Chết cười
Tôi phải pha trò mãi hai cô bé mới chiụ cười, trước đó hai cô bé trông thấy chúng tôi là nhảy lên xe đạp chạy mất.




Trẻ em Cự Đà
Không giống mấy cố bé kia 02 cậu bé này rất thích chụp ảnh.




Hoài Cổ.
Những tia nắng vàng lung linh trên nền gạch cũ rêu phong là một đề tài muôn thủa.


Tôi có hỏi một bác trong làng về nghề làm tương, thì bác nói gần đây nhiều gia đình đã bỏ nghề để đi làm việc khác do nghề không đủ sống.
Tôi bỗng thấy buồn cho làng, không biết trong năm mười năm nữa làng có còn giữ được cái nghề vốn quí này không ? ngay cả làng Bát Tràng mặt dù người nước ngoaì đến mua hàng nườm nượp, các chủ gốm xuất hàng liên tục ra nước ngoaì mà cũng còn đang trong tình trạng báo động về nghề truyền thống, phương pháp truyền thống đã bị bỏ qua hoặc bớt đi để định hướng thị trường , vậy làng Cự Đà liệu có phát triển và bảo tồn được không ? Liêu những vẻ đẹp hiếm hoi mà tôi đã thấy hôm nay sau năm hoặc mười năm nữa có còn không ?...Mong sao làng mãi mãi vẫn là làng chứ không phải là "Phố" như ai đó đã ví von về làng Bát Tràng.

"...Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều...
_________________
Hãy luôn là chính mình và đừng bao giờ ngừng mơ ước !

http://www.hanoicorner.com/phpBB2/viewtopic.php?t=5103&sid=0958a41702a5a4363e9600184575e7e5




Cự Đà - Làng cổ đang mất dần
22/06/2010 07:03

(HNM) - Sau làng cổ Đường Lâm thì làng Cự Đà, xã Cự Khê (Thanh Oai) là một trong số hiếm hoi các làng của vùng Đồng bằng Bắc bộ còn giữ lại được nhiều ngôi nhà và các công trình văn hóa cổ, có giá trị.

Tuy nhiên, những di sản quý giá này hiện vẫn do người dân tự ý thức giữ gìn. Nếu không được cơ quan chức năng quan tâm thì những tinh hoa trong vốn cổ quý của Thủ đô liệu có được bảo tồn?

Tài sản vô giá…

Làng Cự Đà có cách đây hơn 2.000 năm, thời kỳ phát triển cực thịnh nhất là những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Theo sử sách ghi lại ông Vũ Văn Bằng, Trưởng ban Văn hóa xã Cự Khê cho biết, sông Nhuệ ngày nay chính từ một con sông nhỏ chảy qua địa bàn, nên từ xưa bến Cự Đà đã trở thành nơi giao thương sầm uất. Người trong làng đi làm ăn, buôn bán ở khắp nơi, nhiều người giàu có đã trở về kiến thiết nhà cửa, xây dựng quê hương. Hiện, Cự Đà còn nhiều ngôi nhà cổ trên 100 tuổi mang đặc trưng kiến trúc vùng Đồng bằng Bắc bộ, ngói mũi hài, cột gỗ lim, các hoa văn trên gỗ được chạm trổ cầu kỳ, tinh xảo.

Cổng vào một ngõ xóm của làng cổ Cự Đà. Ảnh: Bá Hoạt

Một trong những ngôi nhà còn lưu giữ lại những nét cổ kính nhất của làng là nhà ông Trịnh Thế Sủng. Đây là ngôi nhà ngói 5 gian với 35 cột gỗ. Theo niên đại ghi ở trên nóc (năm 1864) thì ngôi nhà này đến nay là 146 tuổi. Nhà được dựng bằng gỗ xoan theo kiểu "7 tiền, 7 hậu, cửa võng bức bàn" với nét chạm trổ rất cầu kỳ và điêu luyện trên từng thân cột, xà, vách gỗ. Chủ nhân của ngôi nhà cho hay: Trước đây, mỗi gian trong ngôi nhà có một chức năng khác nhau, nơi dành tiếp khách, nơi gia chủ nghỉ ngơi, chỗ dành cho kẻ ăn người ở, phòng dùng để ăn cơm, uống trà... Nhà trên và nhà dưới được nối với nhau bằng sân gạch Bát Tràng đến nay đã nhuốm màu thời gian. Cùng với 50 ngôi nhà cổ thuần Việt, trong làng còn có 25 nhà biệt thự cổ theo kiến trúc pha trộn giữa Pháp và Việt rất độc đáo.

Ngoài "kho tàng" về nhà cổ, Cự Đà còn có chùa, miếu đã được xếp hạng di tích quốc gia đều là các công trình kiến trúc cổ. Đáng chú ý, trong làng hiện vẫn còn đàn Xã Tắc bằng đá xanh được xây vào đầu thế kỷ XX để hằng năm tế lễ, cầu mưa thuận gió hòa. Năm 1929, Cự Đà là thôn đầu tiên ở tỉnh Hà Tây (cũ) có điện phục vụ sinh hoạt. Thời gian này, các ngõ, xóm và nhà dân cũng đã được đánh số chẳng khác gì nhà phố. Ngày nay, ở đây còn lưu giữ nguyên được chiếc cổng làng có gắn chiếc đồng hồ được xây dựng từ đầu thế kỷ XX, dọc 12 xóm của thôn đều có cổng vòm và điếm tuần là nơi trước đây giữ an ninh trật tự trong làng. Bên bờ sông, hiện còn cột cờ được dựng năm 1929 và nhiều di tích khác như nhà Hội đồng, nhà Thọ từ... có giá trị.

… Đang mất dần

Đó là những tài sản vô giá mà làng Cự Đà vẫn còn lưu giữ khá nguyên vẹn cho đến ngày nay. Song đáng tiếc là thời gian trôi đi, nhiều ngôi nhà do quá cổ đã có nguy cơ xuống cấp, nhiều gia đình có điều kiện rất muốn tu sửa hiện đại, tuy nhiên các cụ trong làng, chính quyền thôn thì đau đáu muốn bảo tồn làng cổ. Tuy rất nhiều đề nghị, rất nhiều các cuộc tiếp xúc cử tri, các ý kiến về bảo tồn làng cổ đã được người dân và chính quyền địa phương kiến nghị lên cấp trên, nhưng Cự Đà vẫn chưa được công nhận là làng cổ và chưa nhận được sự quan tâm của ngành chức năng trong bảo tồn di sản. Ông Vũ Văn Bằng, Trưởng ban Văn hóa xã cho hay: Nếu như năm 1970 trở về trước làng Cự Đà có hơn 100 ngôi nhà cổ thuần Việt và nhiều biệt thự theo kiến trúc Pháp thì đến nay nhà cổ còn lại chừng 50 ngôi, số nhà biệt thự cũng giảm nhiều. Cách đây không lâu, một ngôi nhà được xem là cổ nhất ở Cự Đà có 300 năm tuổi đã bị phá dỡ để lấy chỗ làm nhà mới. Đó là ngôi nhà của cụ Hai Chiếu được xây dựng từ thế kỷ XVIII. Phải phá bỏ ngôi nhà cổ là điều xót xa đối với gia đình cụ, song không còn cách nào khác bởi ngôi nhà đã quá "già nua" xuống cấp trầm trọng không bảo đảm cho cuộc sống của gia đình. Ngay ngôi biệt thự của ông Đinh Văn Tường vốn là một biệt thự kết hợp theo lối kiến trúc Á - Âu độc đáo và cổ nhất ở Cự Đà cũng đã được sửa sang nhiều. Ông Tường cho biết, ông mua lại ngôi nhà này cách đây 25 năm, chủ nhân cũ ngôi nhà là cụ Tư Bảng, một trong những điền chủ giàu có nhất, nhì ở Cự Đà. Cụ đã chọn một vị trí khá đẹp để xây dựng ngôi nhà của mình, đứng đầu ngõ An Lạc, hai mặt giáp đường làng và ngõ xóm, quay mặt ra sông Nhuệ.

Chứng kiến tận mắt, chúng tôi nhận thấy hầu hết các ngôi nhà cổ ở Cự Đà đều đã xuống cấp nghiêm trọng, để bảo đảm cuộc sống, người dân đã tự ý sửa chữa nhiều hạng mục công trình trong các ngôi nhà. Cự Đà lại vốn là một làng nghề, do chưa quy hoạch được điểm sản xuất xa khu dân cư nên người dân vẫn sản xuất ngay trong chính những ngôi nhà cổ. Vì nhu cầu mưu sinh, một số hộ đã buộc phải phá nhà để làm chỗ phơi miến, làm tương. Nhiều người hoài cổ trong làng đã không khỏi xót xa bởi những đoạn đường lát gạch xếp nghiêng, nhưng giờ đây đã bị thay thế bằng đường bê tông, cây cột điện đầu tiên của làng được xây dựng từ năm 1929 cũng đã không còn nữa. Cứ đà này, chỉ vài năm nữa những ngôi nhà cổ này sẽ dần mai một.

Không giấu nổi những băn khoăn, Chủ tịch UBND xã Cự Khê Đặng Xuân Tỵ nói: Chỉ từ nay đến cuối năm 2010, đầu năm 2011, toàn bộ hơn 330ha diện tích đất nông nghiệp của xã sẽ phải thu hồi nhường cho khu đô thị mới. Trung bình mỗi hộ sẽ nhận được khoảng 3-4 tỷ đồng tiền đền bù đất nông nghiệp, hộ nhiều ruộng tiền đền bù GPMB có thể lên tới 5-6 tỷ đồng. Có tiền, người dân rất có thể sẽ lại phá nhà cũ, xây nhà mới, bởi chưa có bất cứ một cơ quan chức năng nào "ra tay" bảo tồn quỹ nhà cổ ở đây.

Trong lúc nhiều cơ quan văn hóa đi xây dựng lại mô hình làng Việt mới toanh ở đâu đó, thì trớ trêu thay, làng Việt cổ Cự Đà còn nguyên đặc trưng thì lại chưa được chú ý đúng mức; các di sản kiến trúc trong làng có nguy cơ đang dần bị xóa sổ bởi trào lưu đô thị hóa.


Nguyễn MaI AddThis

http://www.hanoimoi.com.vn/newsdetail/1000_nam_thang_long/342652/cu-%C4%91a--lang-co-dang-mat-dan.htm

No comments: