Hiện nay, nhiều người trong đó có cộng sản ,bọn tay sai, và bọn lưu manh mượn danh nhân đạo để thu tiền đồng bào. Trong khi đó cũng có rất nhiều người phát tâm từ bi, tâm tự do dân chủ , tranh đấu cho người sống và bảo vệ người chết.
Bà Carina Hoàng và một số thuyền nhân, cùng những con người chân tâm bác ái đã âm thầm tìm mộ và xây cất mộ thuyền nhân. Đó là những tấm lòng vàng chúng ta nên biết để cảm phục và cảm tạ.
Sơn Trung
Nữ thuyền nhân người Việt giúp hàn gắn vết thương chiến tranh
Hồi giữa tháng Tư vừa qua, bà Carina Hoàng, tức Hoàng Thị Oanh Oanh, đã cùng 16 người Úc, Ý, Nhật, và Thuyền Nhân Việt Nam vừa trở lại những hòn đảo thuộc khu vực Anambas của Indonesia, nơi đã từng cưu mang trên 40,000 thuyền nhân Việt Nam để tìm thăm mộ của một số thuyền nhân đã qua đời ở nơi đây. Nhưng đó không phải là chuyến đi đầu tiên của bà đến khu vực hẻo lánh và nguy hiểm này để giúp các gia đình người Việt tìm lại mộ của người thân mà đây là hành trình lần thứ năm của bà trong những năm qua.
Cũng giống như hàng trăm ngàn người tìm cách vượt biên ra khỏi Việt Nam sau khi cuộc chiến tranh kết thúc. Năm 1979, cô gái Hoàng Thị Oanh Oanh, khi đó 16 tuổi, đã cùng hai em và khoảng 370 người khác, trong đó có cả 75 trẻ em chen nhau trên một chiếc tàu gỗ lênh đênh trên biển trong suốt bảy ngày trong điều kiện thiếu thốn thức ăn và nước uống. Họ may mắn thoát được những tên cướp biển nhưng lại bị chính cảnh sát Malaysia cướp bóc. Cuối cùng họ cũng đến được một làng chài ở Indonesia nhưng rồi lại bị đưa tới một hòn đảo không người ở có tên là Kuku, nơi họ cùng hàng ngàn người tỵ nạn Việt Nam phải sống xa thế giới văn minh và phải tìm đủ mọi cách để sinh tồn.
Sau một năm trải qua một cuộc sống thiếu đói, bệnh tật rình rập khắp nơi, Oanh Oanh đã may mắn được qua định cư tại Mỹ. Tuy nhiên, với một cô thiếu nữ vừa thoát khỏi cuộc chiến tranh và trải qua một cuộc sống trong rừng xâu, việc sang sống tại một thế giới văn minh và hiện đại không hề dễ dàng gì. Cô nói rằng điều trớ trêu là cô cảm thấy việc thích nghi với cuộc sống văn minh ở đất Mỹ còn khó hơn cả khi cô vừa phải đóng vai trò là một người chị, một người Mẹ để bảo vệ cho các em cô, việc phải tự tay chôn cất những đứa trẻ và làm bà đỡ khi họ còn ở trại tị nạn.
Nhưng tất cả những khó khăn ấy không ngăn được cô từ bỏ ước mong cháy bỏng nhất đó là làm sao để gia đình được đoàn tụ ở Mỹ. Cuối cùng thì những cố gắng đó cũng được đền đáp khi cả gia đình cô được đoàn tụ vào năm 1992.
Con đường học vấn và sự nghiệp của Oanh Oanh trên đất Mỹ cũng thành công và cô đã có một cuộc sống sung túc cũng như một cuộc hôn nhân hạnh phúc cùng với một cựu chiến binh người Ý, quốc tịch Uùc, và cô con gái nhỏ. Họ đã chuyển qua Uùc định cư vào năm 2006.
Những tưởng đã có thể coi những nguy hiểm, những đau đớn và mất mát của cuộc chiến chỉ còn là câu chuyện của quá khứ, nhưng một chuyến đi trở lại Indonesia sau gần 20 năm để tìm mộ của người anh họ đã lại đưa Oanh Oanh đến với một cuộc hành trình đầy nguy hiểm khác.
Kể từ sau khi tìm được mộ của người anh họ, bà đã quyết định chia sẻ thông tin và giúp những gia đình khác tìm lại mộ của người thân như gia đình bà và chính bà cũng đích thân cùng gia đình họ vào nơi rừng sâu nguy hiểm để tìm lại ngôi mộ của những thuyền nhân xấu số năm xưa. Điều gì đã khiến bà quyết định làm công việc quá khó khăn như vậy?
“Thứ nhất là tại vì tôi thấy được nỗi đau khổ của bác tôi vì mất con và bao nhiêu năm con được chôn ở trong rừng mà không có dịp để thăm. Vì vậy, khi mà tìm được mộ của anh và đem được tro về thì bác tôi cảm thấy vui và nhẹ nhàng, tôi cảm thấy những gia đình khác cũng sẽ cảm thấy như vậy.”
Bà Oanh Oanh cho biết sau khi sau khi tìm được mộ của người thân, bà đã lập ra một trang web để chia xẻ hành trình và cung cấp thông tin cho những người có cùng hoàn cảnh và đã có có một người Việt Nam cư ngụ ở Hoa kỳ liên lạc và nhờ bà hướng dẫn cách đi đến Kuku để tìm mộ của Mẹ.
Đến tháng tư 2009, bà đã mời người bạn ở Hoa Kỳ tham dự chuyến đi thăm Kuku do Văn Khố Thuyền Nhân tổ chức và chính anh cũng đã tìm được mộ của Mẹ mình trước sự bất ngờ và xúc động của mọi người cùng đi.
Sau đó, bà tiếp tục đăng tải hình ảnh những ngôi mộ mà bà đã phát hiện trong chuyến đi và tiếp tục nhận được lời đề nghị giúp đỡ của các gia đình khác.
Mặc dù biết hành trình đó đầy những nguy hiểm và khó khăn, nhưng với sự ủng hộ của chồng cũng như của gia đình, bà đã đưa một số gia đình trở lại Letung và Kuku để tìm và xây mộ cho người thân.
Sau những năm tháng vất vả của thời thiếu nữ, lẽ ra một người phụ nữ như bà đã có thể hưởng thụ một cuộc sống đầy đủ vật chất và tinh thần bên chồng và con gái, nhưng bà đã không hề nghĩ tới điều đó. Bà không chỉ bỏ công sức và không ngại hiểm nguy của chính bản thân mình mà bà và người em trai còn tự mình chi trả cho những phí tổn của những chuyến đi đó vì bà tin rằng hành trình mà bà đã chọn có một ý nghĩa vô cùng to lớn.
“Thật ra mỗi một chuyến đi như vậy, nhìn được những gia đình vơi được nỗi khổ thì nó mang lại cho mình một sự hạnh phúc. Đồng thời bản thân tôi thấy mình làm được việc hữu ích thì tôi cũng rất mừng. Trong những chuyến đi như vậy tôi luôn cảm thấy sự linh thiêng của thế giới bên ngoài mà có thể giúp cho việc làm của mình có hiệu quả và an toàn.”
Mùa xuân năm nay, bà vừa cùng một số gia đình trở lại Indonesia để xây mộ cho thân nhân. Bà kể lại chuyến đi đầy xúc động đó.
“Lần rồi, có tất cả 4 gia đình đi chung và xây được 5 ngôi mộ. Đặc biệt có một bà cụ 87 tuổi từ California. Đây là lần thứ 3 bà đi tìm mộ chồng. Hai lần trước bà và con đi nhưng không tìm được đến nơi. Lần này chúng tôi đều rất thán phục và ngạc nhiên trước sự can đảm và sức khỏe của bà cụ 87 tuổi mà vẫn đi tìm mộ chồng. Bà đã xây được mộ cho chồng. Có người xây mộ cho Mẹ, người xây mộ cho em gái, người xây mộ cho em trai. Tôi có giúp một gia đình xây mộ cho em của họ tại vì sức khỏe nên họ không đi được. Ngoài ra, chúng tôi cũng tìm được những ngôi mộ còn bia mà còn có thể đọc được tên tuổi. Tôi sẽ gửi hình ảnh và tên tuổi của những tấm bia đó lên báo chí để thông báo cho những gia đình đang còn tìm người thân.”
Và bà sẽ tiếp tục hành trình này đến khi nào?
“Thật ra đi thì rất khó và rất là cực, nhưng tôi nghĩ là sức khỏe mình còn cho phép thì mình vẫn cứ đi. Thứ hai là mỗi lần gia đình người ta liên lạc mà nghe bố, mẹ khóc và muốn đi xây mộ cho con hoặc con cái muốn đi xây mộ cho cha, mẹ hoặc vợ chồng, những điều đó thôi thúc tôi giúp cho người ta, thì chừng nào sức khỏe tôi còn cho phép thì tôi còn đi, tại vì đây là điều mà trong cuộc sống không phải lúc nào mình muốn làm mình cũng làm được.”
Bà Oanh Oanh đã trở thành ân nhân của nhiều gia đình người Việt tỵ nạn ở nhiều nơi trên thế giới. Cho tới nay, bà đã giúp đỡ nhiều gia đình từ nhiều nơi ở Úc, Mỹ, Canada, Pháp và cả những gia đình ở Việt Nam tìm lại được mộ của người thân yêu.
Bà Hoàng Thị Oanh Oanh còn là đồng tác giả của cuốn Boat People, trong đó kể về những câu chuyện và trải nghiệm của thuyền nhân Việt Nam.
Quí vị có thể tìm hiểu thêm về việc làm đầy tính nhân văn cao cả của bà Hoàng thị Oanh Oanh trên trang web http://carinahoang.com/.
http://www.voanews.com/vietnamese/news/carina-hoang-boatpeople-04-28-11-120858759.html
No comments:
Post a Comment