Saturday, May 26, 2012

ĐẶNG CÔNG * PHÊ BÌNH VĂN HỌC

HOẠT ĐỘNG LÍ LUẬN, PHÊ BÌNH VĂN HỌC Ở NAM BỘ ĐẦU THẾ KỈ XX

LTS: Tìm thấy bài này trên trang blog, tác giả đã có nhiều ý kiến sâu sắc, bản báo xin phép đăng lại để cống hiến độc giả một tài liệu về văn học miền Nam.

I.  PHẦN MỞ ĐẦU

Cùng với sự phát triển của nền văn học đầu thế kỷ XX, hoạt động phê bình văn học trong giai đoạn này cũng đã bước đầu phát triển và đạt được một số thành tựu nhất định. Tuy chưa xuất hiện nhiều tác phẩm xuất sắc, nhưng những nhận định, những đánh giá, những bài phê bình tác phẩm được thể hiện ở các bài báo đã góp phần đặt nền móng cho hoạt động phê bình văn học ở nước ta trong giai đoạn tiếp theo.
Trong giới hạn của đề tài, chúng tôi chỉ khảo sát những hoạt động lý luận phê bình văn học Nam Bộ những năm đầu thế kỷ XX ( 1900- 1930). Nhìn chung, hoạt động phê bình văn học trong giai đoạn này còn mang tính cá thể, chủ yếu là nhận xét chủ quan của cá nhân các tác giả. Khảo sát trên những tạp chí, những tờ báo được xuất bản những năm đầu thế kỷ XX như: Đông Phong Thời Báo, Nông Cổ Mín Đàm…cũng như Luận văn Thạc sĩ của Trương Thuỳ Linh, Luận văn Tiến sĩ của Lê Ngọc Thuý, có thể đánh giá hoạt động lí luận phê bình văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX tập trung ở một số nội dung như sau:


1. Nhóm ý kiến về vai trò, chức năng của hoạt động lí luận, phê bình văn học những năm đầu thế kỉ XX
2. Nhóm ý kiến về thể loại văn học.
3. Nhóm ý kiến về đề tài- chủ đề, lí tưởng thẩm mĩ, quan điểm sáng tác, nhân sinh quan trong tác phẩm văn học.
4. Nhóm ý kiến về sử dụng ngôn ngữ trong văn chương
5. Nhóm ý kiến về nhân vật văn học.
6. Nhóm ý kiến về kết cấu của tác phẩm.
7. Nhóm ý kiến phê bình các tác phẩm văn học Trung Đại.
8. Phê bình các tác phẩm văn học hiện đại

 II. NỘI DUNG

1. Nhóm ý kiến về vai trò, chức năng của hoạt động lí luận, phê bình văn học những năm đầu thế kỉ XX.
1.1 Vai trò của hoạt động phê bình văn học.
Một nền văn học phát triển không chỉ thể hiện ở hoạt động sáng tác văn chương với những tác phẩm xuất sắc, với số lượng các tác phẩm được sáng tác mà còn thể hiện ở hoạt động lí luận, phê bình văn học. Tuy mới được hình thành và chỉ được thể hiện trên một số nhận xét, đánh giá trên các bài báo, các tạp chí, nhưng các nhà lí luận, phê bình văn học thời kì này đã nhận thức được vai trò của hoạt động phê bình văn học. Tiêu biểu là một số nhóm ý kiến của tác giả Diệp Văn Kỳ, Ngô Tất Tố, Nhượng Tống..., đăng trên Đông Phong Thời Báo.
Khi mở mục Bình phẩm thơ văn trên Đông Phong Thời Báo, Diệp Văn Kỳ cho rằng : ‘’ Nước nhà không sách thì nguy, sách mà không có người bình phẩm thì lẽ cũng hoá ra vô vị.....Sự khen chê chính đáng là bổn phận của người bình phẩm đối với chư độc giả, mà cũng là một cái nghĩa vụ lớn lao của bổn báo đối với các bạn làm văn’’.( Số 635, 14-10-19720).
Ngô Tất Tố cho rằng : Nghề văn thơ của đất nước ta đã phát triển mấy trăm năm với nhiều tác phẩm xuất sắc không thua kém nước nào. Thế nhưng hiện nay không tiến bộ mà còn thụt lùi so với nhân loại nguyên nhân là do thiếu lời phê bình. ‘’ Vì không lời phê bình, cho nên cái rừng thơ văn mới thành ra lộn xộn. Chưa kể những hạng mới bắt đầu học ngâm, tập vịnh, miễn là nối cho đủ chữ, đặt cho có vần, thì gọi là văn thơ, thì in vào tòng thư, để kiếm lấy cái tiếng nhà văn, dẫn tới những hạng cao đẳng trong văn xã, cũng dùng những thủ đoạn ‘’loè người’’......Vậy mà không có ít lời phê bình, thì cũng ít khám phá được lối văn ‘’ngoài vàng ngọc, trong giẻ rách đó’’. Nghề văn thơ của ta mà phải thối bộ, cũng có một phần do ở cớ ấy.’’( ĐPTB, số 702, 31-3-1928).
Trước đó, rải rác ở một số bài báo đăng trên Đông Phương Thời Báo, các nhà báo đã ý thức được sự quan trọng của hoạt động phê bình văn học trong đời sống văn nghệ của một nước, xem phê bình lí luận văn học là một bộ phận không thể thiếu của nền văn học dân tộc.
1.2 Chức năng của lí luận, phê bình văn học.
Bàn về chức năng của hoạt động lí luận phê bình văn học, chúng tôi khảo sát và nhận thấy một số bài viết của các tác giả như :
Tác giả Diệp Văn Kỳ cho rằng, chức năng của lí luận phê bình văn học là tìm hiểu cái hay, cái dở trong tác phẩm thơ văn, nhằm giúp người đọc biết để đọc, giới thiệu sách cho các tác giả chứ không phải cố ý chê bai người khác. Khi mở mục Bình phẩm thơ văn đăng trên Đông Phong Thời Báo, ông viết : ‘’ Vậy xin các đồng nhơn hiểu cho rằng : nếu bản sách mà bổn báo đem vào mục bình phẩm dầu phải chê một, hai phần thì chẳng qua thể theo ý ‘’hiền giả trách bị’’ mà chánh là cốt để giới thiệu cho độc giả, đăng giúp cho bạn làm văn.
Còn chư độc giả lại phải hiểu rằng : mục này chẳng phải là mục rao hàng, mà chánh là giúp độc giả biết mà đọc, kẻo nhiều khi lầm phải lắm phải đồ vô nhĩa lý mà hại đến tâm lý xã hội thật nhiều.’’ ( Số 635, 14-10-1927).
Cùng quan điểm đó, tác giả Ngô Tất Tố cho rằng hoạt động lí luận phê bình văn học còn giúp vạch trần những kẻ viết văn giả tạo, ham tiếng nhà văn, viết văn chủ yếu để lòe thiên hạ, văn chương chải chuốt nhưng ý tứ sáo rỗng, không có thực tài. Vì vậy, người phê bình văn học cần phải chỉ ra những yếu kém đó, nhằm vạch trần những thủ đoạn lừa dối người đọc của một nhóm người này. Ông viết : ‘’ Vậy mà không có ít lời phê bình, thì cũng ít khám phá được lối văn ‘’ngoài vàng ngọc, trong giẻ rách đó’’. Nghề văn thơ của ta mà phải thối bộ, cũng có một phần do ở cớ ấy.
Nay bổn báo mở ra mục nầy, chuyên để bình phẩm thơ văn quốc âm xưa nay, tưởng là sự bổ ích cho người học đọc thi, đọc văn vậy....’’( ĐPTB, số 702, 31-3-1928).
Tác giả Nhượng Tống trong bài viết Một vài cái ý kiến về văn học phê bình trên Đông Phong Thời Báo, (số 290,22-5-1925), cũng đề cập đến nhiệm vụ của nhà phê bình trong đời sống văn học của một dân tộc. Nhà phê bình không chỉ đọc tác phẩm một cách bình thường, mà cần phải nhìn thấy trong tác phẩm những điều mà nhà văn muốn nói để phô bày cho độc giả thấy được cái hay, cái đẹp mà mình phê bình : « Cái chủ ý trong một quyển sách, một bài văn, lắm khi tác giả không tự phô bày ra, biểu lộ ra được chỉ để người xem tự hiểu một cách ngấm ngầm. Song không phải ai xem cũng hiểu được cả. Ai xem cũng hiểu được cả đó là nhờ ở ngòi bút phê bình.’’
Qua một số ý kiến đánh giá chức năng của hoạt động lí luận phê bình văn học vừa được thống kê, cho thấy các nhà văn trong thời kỳ này đều cho rằng chức năng của lí luận, phê bình văn học là phải tìm ra cái chủ ý mà người viết văn đề cập trong tác phẩm, làm rỏ cái hay cái dở của tác phẩm để người đọc hiểu được. Thông qua chức năng này, phê bình, lí luận văn học bằng những nhận xét, đánh giá của mình đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của hoạt động sáng tác văn chương cả về chất lẩn về lượng. Đồng thời cũng góp phần giới thiệu, quảng bá tác phẩm tiếp xúc với độc giả.
2. Nhóm ý kiến về thể loại văn học.
Về thể loại văn hoc, các nhà lí luận phê bình văn học trong thời kì này đã đưa ra lí luận phân biệt giửa thơ ca và văn vần, văn xuôi và tiểu thuyết. Có thể nhận thấy một số ý kiến tiêu biểu như sau :
Tác giả Nguyễn Mục Tiên – Sóc Trăng cho rằng : ‘’Thơ ca là biểu hiện cái tâm hồn của con người trong một lúc nên một dân tộc càng biết tư tưởng cao thời phải dùng văn xuôi (prose) mới phô toả ra hết đặng. Thơ ca thuộc về tình cảm, văn xuôi là thuộc về lí tưởng.’ ( ĐPTB, số 190, 10- 9- 1924).
Khẳng định nền văn học mới phải là văn xuôi dùng chữ quốc ngữ, hạn chế dùng thơ ca hoặc văn vần để sáng tác. Bởi thơ ca, văn vần là của thế hệ trước, nay đã là thời đại mới, thời đại cách tân thì chỉ có văn xuôi mới có thể thể hiện hết được tâm tư, nguyện vọng của con người. Cùng nhận định này là các bài viết Quốc văn sau này của Trần Huy Liệu (ĐPTB, số 235,5-1925), hay bài viết Cuộc tiến hoá của quốc văn của tác giả Nguyễn Mục Tiên- Sóc Trăng. ( ĐPTB, số 190, 10- 9- 1924).
Trong Bài của quan huyện Hồ Văn Trung, diễn thuyết tại Nam kỳ khuyến học hội đêm 17-5-1923, đăng trên ĐPTB từ số 7, ngày 23 tháng 5 đến số 24, ngày 4 tháng 7 năm 1923, đã viết “ Phàm viết văn xuôi kêu là “prose” thì cần phải viết cho rỏ ràng, cho dễ hiểu, nhưng mà phải ý tứ cho cao, lại phải chừa những tiếng thô tục không nên viết”.( Số 22, 19-6-1923).
Giửa cách viết văn xuôi và văn vần khác nhau rỏ ràng không thể nhầm lẫn. Trong tác phẩm Văn hay, tác giả Nguyễn Khắc Hiếu đã viết: “ Văn xuôi thời chỉ viết cho xuôi câu mà không có vần, văn vần thời như các lối thơ ca, chổ đó đã rỏ, văn xuôi thời phần nhiều trọng ở nghĩa, văn vần thời phần nhiều chỉ là văn chơi.” ( ĐPTB, số 643, 5-11-1927).
Thời kì này, các nhà lí luận, phê bình văn học đã có sự phân biệt giửa đoản thiên tiểu thuyết và trường thiên tiểu thuyết.
Trong bài viết Bàn về đoản thiên tiểu thuyết, tác giả T.D khẳng định: ‘’ Đoản thiên với trường thiên khác nhau bởi dài ngắn, ấy mới là phần hình thức thôi; còn khác nhau về tinh thần nửa, mà phần này lại trọng yếu hơn,một bài tiểu thuyết ngắn độ vài ba trang giấy, song ở trong nếu không có cái tinh thần của nó thì không đáng gọi là đoãn thiên tiểu thuyết được…, cái tinh thần của tiểu thuyết đoản thiên phải đem so với trường thiên thì mới thấy
Đại để: trường thiên tả cả phần nguyên, còn đoản thiên tiểu thuyết chỉ tả một phần lẻ. Tả phần nguyên nghĩa là chung cả, hoặc về sự biến động của một thời kỳ, như Tam quốc chí hoặc về phong tục của một xã hội, như Những người khốn nạn ( Les Misérables), hoặc về thân thế của một người, như Lục Vân Tiên, Kim Vân Kiều. Tả phần lẻ nghĩa là chỉ chú ý vào một sự gì đó mà phô bày nó ra cho hết vẻ, như Nước đời lắm nổi, tả sự ăn hiếp vợ của một anh chồng; Sống chết mặc bây, tả sự không biết thương dân của một ông quan.
Muốn lấy văn phong cho rõ thì làm trường thiên tiểu thuyết cũng như cất một cái nhà, mà làm trường thiên cũng giống như trau một cây cột, trường thiên như đốt pháo cả dây, tiếng nổ liên tiếp nhau, còn đoản thiên như đốt pháo từng trái một, trái nào có tiếng nổ của trái ấy.’’ (ĐPTB, số 752, 4- 8- 1928).

3. Nhóm ý kiến về đề tài- chủ đề, lí tưởng thẩm mĩ, quan điểm sáng tác, nhân sinh quan trong tác phẩm văn học.
3.1 Nhóm ý kiến về đề tài- chủ đề:

Về đề tài, do ảnh hưởng của văn học phương Tây mà cụ thể là văn học hiện thực phê phán Pháp nên các nhà văn ở nước ta thường hướng những sáng tác của mình đến với những vấn đề của cuộc sống hiện thực. Xu hướng này cũng được thể hiện qua các bài lí luận phê bình trong thời kỳ này. Cụ thể có các quan niệm về đề tài- chủ đề của văn học Nam Bộ đầu thế kỉ XX có những ý kiến như sau :
Trong lời tựa Thầy Lazaro Phiền, xuất bản năm 1887, Nguyễn Trọng Quản đã viết : ‘’Đã biết rằng dân ta xưa nay chẳng thiếu chi thơ phú văn truyện nói về những đấng anh hùng hào kiệt, những tay tài cao, trí cả rồi đó, mà những đấng ấy thuộc về đời xưa chớ đời nay chẳng còn nửa. Bởi đó tôi mới dám bày đặt một chuyện đời nay là sự đời có trước mắt ta luôn, như thế thì sẽ có nhiều người lấy làm vui mà đọc, kẻ thì cho quen mặt chữ, người thì đặng giải phiền một giây.’’
Tác giả Trần Chánh Chiếu trong lời tựa sách Hoàng Tố Anh hàm oan, đã viết : ‘’Nay tôi ngụ ý soạn một bổn nói về việc trong xứ mình,dùng tiếng tầm thường để mọi người dễ hiểu đặng. ‘’
Trên Đông Phong Thời Báo, số 408, ngày 15 tháng 3 năm 1926, khi giới thiệu tiểu thuyết Cay đắng mùi đời đã có lời nhận xét : ‘’ Tiểu thuyết này dùng điệu văn rất dung dị, mà chơn tả nổi đắng cay trong đời.’’
Tác giả Nguyễn Trân Châu tự Ngũ Lang (Rạch Giá), trong bài tựa tiểu thuyết Sử Chánh Tâm hàm oan viết : ‘’ Như bổn truyện này đây tuy là truyện do theo ý tưởng mà đặt ra, song sự tích mường tượng truyện xưa. Có đủ trung, hiếu, tiết, nghĩa nên tôi chẳng nệ học hỏi thô sơ, kiến thức hẹp hòi tác thành bổn này có ý cho người đời thấy gương lành mà bắt chước, gương xấu mà xa lánh.’’ (ĐPTB, số 153, 11- 6- 1924).
Trong thể lệ cuộc thi viết tiểu thuyết đầu tiên đăng trên Nông Cổ Mín Đàm, báo đã quy định tác phẩm dự thi phải : ‘’lấy trí riêng mà đặt ra một truyện tuỳ theo nhân vật, phong tục trong xứ, dường như truyện có thật vậy.’’
Trong cuộc thi viết truyện cho con nít đọc trên Đông Phong Thời Báo cũng đưa ra yêu cầu tác phẩm dự thi :’’ hoặc là nói về lịch sử, hoặc nói về địa dư, hoặc nói về cách trí, hoặc nói về luân lí của nước nhà’’ (Cái giải thưởng 400 đồng của Tân Lam Ngô Thị Quyên, ĐPTB, số 277, 20- 4- 1925)
Trong bài lí luận Lý thuyết sai lầm, tác giả Anh Võ đã viết : ‘’ấy vậy mà trước thuật củng (cũng) nên lấy ái tình mà đặt tiểu thuyết, mà tiểu thuyết ái tình cũng có thể hay được, cũng bổ ích cho xã hội chứ chẳng không.’’ (ĐPTB, số 80, 30-11-1923)
3.2 Nhóm ý kiến về lí tưởng thẩm mĩ của tác phẩm văn học.
Trong hoạt động phê bình văn học, các tác giả phê bình văn học giai đoạn này đã có những nhận xét, quan niệm sâu sắc đánh giá tiêu chí thẩm mĩ của một tác phẩm văn học, cũng như vai trò, đạo đức của nhà văn trong việc sáng tác văn chương. Một tác phẩm hay phải là tác phẩm hay cả về hình thức lẩn nội dung.
Trong bài viết Cuộc tiến hóa của quốc văn, tác giả Nguyễn Mục Tiên đã viết : ‘’ Một bài văn có hình thức nghĩ là lời văn đẹp trau dồi réo rắt, véo von, người đọc ngâm nga suốt cả ngày không nhàm mà kém tinh thần tư tưởng thời không đáng gọi là văn hay, độc giả có yêu mà không có kính, trang văn ấy có xác mà không hồn, có vỏ mà không ruột. Có tinh thần nghĩa là ý kiến hay, tư tưởng cao kỳ, có thể ảnh hưởng đến người đọc mà kém hình thức thời cũng không đặng hoàn toàn. Câu văn lạt lẽo, buồn cười làm cho độc giả thêm chán dầu có đọc hết bài văn mà hiểu thấu tâm lí tác giả, tức có kính mà không yêu, có hồn mà không xác thời lửng bửng lều bều không thể sống đặng’’. (ĐPTB, số 190, 10-9-1924)
Để phân biệt một bài văn hay, một tác phẩm có giá trị cốt là ở tư tưởng cao hay thấp, rộng hay hẹp. Tuy nhiên, ‘’ tư tưởng cao, rộng mà văn chương thấp kém thì không thể khiến người đọc hứng thú’’. (Cái khổ của nhà văn- Trương Quang, ĐPTB, số 225, 8-12-1924).
Trong bài viết Văn hay của Nguyễn Khắc Hiếu, tác giả cho rằng văn hay là : ‘’ một quyển sách, một bài văn, một câu thơ lập ý cao, dàn thế khéo, dùng chữ đặt có cốt cách, có tinh thần,có khí phách, có dáng điệu màu mè, có âm hưởng tiết tấu. Đọc lên khiến cho người nghe văn, mới nghe mà phấn khởi tinh thần mà ngẩm lâu càng thấy có ý vị, rồi xem mãi cũng không chán, rồi như lấy tinh thần, tâm sự của tác giả hoạt hiện ở trong văn, khiến cho người xem văn như đêm tinh thần, tâm sự mình mà theo tác giả ở trên thiên cổ, ở dưới cửu nguyên, ở dưới mặt nước chân mây, xa xa ngoài bốn biển, khiến cho người xem văn đang vui mất vui, đương buồn mất buồn, đương chán mất chán, đương gian ác mà động lòng lương thiện, đương hèn mà nổi dạ khích ngang, đương mê hoa nguyệt mà chạnh niềm tư ái quốc gia, đương say đắm lợi danh mà nghĩ đến ngàn thu sự nghiệp. Không đàn mà tơ, không sáo mà trúc, không chiến trận mà cờ bay trống giục, không pháp trường mà gươm tuốt chiêng kêu. Văn đến như thế đại khái là hay vậy.’’ ( ĐPTB, số 643, 5-11- 1927).
Ngoài tiêu chí về hình thức và nội dung, văn hay phải là một tác phẩm có sức tác động lớn đến tâm hồn người đọc, khơi dậy trong tiềm thức con người lòng yêu nước, truyền thống, đạo đức của dân tộc. Cho nên, ‘’ bây giờ ở các nước, đã gọi là văn hay thì phải giản dị, gọn gàng, khiến cho ai đọc cũng phải hiểu, tuy lời văn dễ dàng nhưng phải diễn được hết những tư tưởng về xã hội, về chính trị. ( Văn mới với văn cũ- H.T.N.B, TC, số 119, 12-6-1929)
Trong tác phẩm Nghề văn sĩ ở nước ta, tác giả Thanh Thủy đã viết : ‘’Một câu văn hay là một tiếng chuông chiêu hồn, dễ thức tỉnh người còn mê man, một món khí giới dễ bênh vực đồng bào khỏi tay cường quyền, một ngọn đèn lòa dễ dẫn dắt nhân dân vào con đường sáng sủa, khỏi lối tối tăm, nước mạnh khôn đều trông vào đấy cả’’. ( ĐPTB, số 470, 11- 8- 1926).
3.3 Nhóm ý kiến về quan điểm sáng tác, nhân sinh quan trong tác phẩm văn học :
Việc phát triển nền văn học dân tộc mà cụ thể là văn học bình dân cũng được các nhà lí luận phê bình văn học thời kì này chú trọng. Các tác giả đều có những bài viết cổ súy cho việc phát triển nền văn học bình dân, văn chương phải phục vụ cho đại đa số quần chúng, nhân dân lao động. Cụ thể là một số ý kiến như sau :
Tác giả Khải Minh Tử cho rằng mọi nền văn học đều bắt nguồn từ văn học bình dân. ‘’ Nền văn học nước nào cũng bắt nguồn văn học bình dân. Trung Quốc có Kinh Thi, là những lời quê góp nhặt mà tạo nên. Đừng coi rằng người bình dân không có văn học, văn học của họ là khởi nguồn cho mọi nền văn học dân tộc’’. Từ quan niệm đó, tác giả cho rằng muốn coi phong tục, điều kiện kinh tế, xã hội của một nước thì không có gì hay bằng xem văn học bình dân : ‘’ Nền văn học bình dân, lại tức là cái gương để soi mặt xã hội. Muốn tìm sử liệu của một thời đại nào hay là muốn rõ biết nhân tâm phong tục của một nước nào thì dò theo cái gì cũng không đúng bằng dò theo văn học bình dân vậy. Muốn xem phong tục, tập quán, điều kiện kinh tế, xã hội của một nước thì phải xem văn học bình dân. Vì trong nó phản ánh mọi mặt của đời sống xã hội. ‘’Muốn tìm lịch sử của một thời đợi nào hay là muốn biết rõ nhân tâm phong tục của một nước nào thì dò theo cái nào cũng không đúng bằng dò theo văn học bình dân vậy.’’. Chỉ có mảng văn học bình dân mới có thể phản ánh nỗi cơ cực thống khổ của người dân lao động. Hơn nữa, đây đã là thời đại mới, người dân cũng đã có được những tư tưởng tiến bộ, biết đọc sách, học hỏi những cái hay cái đẹp. Vì vậy, các nhà văn cần phải ‘’ bỏ cái phù hoa đi mà làm cho dễ hiểu và thật thà hơn......, không nên sợ theo lối văn học bình dân thì sẽ mất cái hay, cái đẹp mà không còn gọi là văn được nữa. ‘’ ( TC, số Tết, 7-2-1929).
Trong bài viết Văn chương qúy tộc và văn chương bình dân, tác giả Kim Ngô cho rằng văn chương quý tộc chỉ là loại văn chương phục vụ cho tầng lớp quan lại có học thức, có địa vị xã hội. ‘’ Văn chương quí tộc tức là văn chương cổ điển, nghĩa là một văn chương chỉ dùng những điển tích xa xôi, văn liệu ngoằn ngoèo mà đặt cho thành câu, xếp cho thành bài, chớ không nói thẳng đến sự thiệt......Các thứ văn chương như vầy, người viết đã phải học rộng, xem nhiều, mới có thể nặn nọt ra được ; mà người đọc cũng cần đèn sách 10 năm, học khắp kinh thiên vạn quyển, ít nửa thì sức học phải rộng hơn tác giả, hoặc bằng tác giả thì mới hiểu hết được ý nghĩa’’. Trong khi đó, văn chương bình dân là do người bình dân làm ra nên nó là loại ‘’ văn chương phổ thông, lời lẽ giản dị ý nghĩa bình thường, tư tưởng làm sao thì nói làm vây, sự thiệt thế nào thì chép thế ấy, không dùng điển tích xa xôi, không dùng văn liệu ngoắc ngoéo, một bài văn viết ra, ông tiến sĩ khoa văn nghe cũng vừa tai, kẻ dốt nhà quê đọc cũng hiểu nghĩa.’’ Huống chi xã hội Việt Nam đang thời loạn lạc, giai cấp bình dân chiếm phần đa số nên cần phải phát triển nền văn học bình dân, nhằm truyền bá tư tưởng hay, có ích cho nhân dân. ‘’ Mục đích của văn chương là để truyền bá tư tưởng. Như vậy thì viết văn tất phải bình thường, giản dị, gẩy gọn, rõ ràng, khiến cho hạng người nào cũng có thể hiểu được. Nếu lại dùng những điển tích cầu kỳ nói bóng nói bẩy, tuy rằng hay thì hay thiệt, song chỉ là viết cho mình xem, viết làm trò chơi, chứ không có ảnh hưởng gì cho xã hội. ‘’ ( Văn chương quý tộc và văn học bình dân- Kim Ngô, TC, số 53, ngày 20- 3-1929 đến số 54, ngày 21-3-1929)
Về nhân sinh quan, các nhà lí luận văn học đều có chung nhận định, văn chương có khả năng di dưỡng tính tình, phong tục, có tác dụng giáo dục con người. Cụ thể là các ý kiến như sau :
Tác giả Thanh Thuỷ trong bài viết Nghề văn sĩ ở nước ta đã viết : ‘’ một giới bênh vực đồng bào khỏi tay cường quyền, một ngọn đèn loà dễ dắt sinh linh câu văn hay là tiếng chuông chiêu hồn dễ thức tỉnh dân còn mê man, một món khí vào đường sáng dễ sủa khỏi lối tối tăm, nước mạnh dân khôn đều trông vào ấy cả ‘’.( ĐPTB, số 470, 11-8-1926).
Bút Trà Nguyễn Đức Nhuận trong bài viết Tiểu thuyết quan hệ đến toàn cục xã hội thế nào đã nhấn mạnh :’’ Tiểu thuyết đối với xã hội , thật không khác nào không khí, lúa gạo, ngày ngày ta cũng hô hấp, cũng ăn, dùng đến, không tránh được, không từ được. Nếu trong không khí mà có chất ô uế, lúa gạo ấy mà có chất độc địa thì người ăn ra, thở vào sao cũng hình dung tiều tụy, đau yếu và chết một cách trông rất hiểm nghèo ‘’. Vì vậy, ông kêu gọi những nhà văn ‘’ xin hảy lưu ý hai đường thiện ác. Một quyển tiểu thuyết mà có giá trị, có tâm lý học thì có thể tác phúc cho muôn triệu người ; một quyển tiểu thuyết mà không có giá trị , sa vào lối tà dâm, thì có lẽ lưu độc ngàn năm, trăm năm. Đáng quý hoá thay tiểu thuyết ! Mà đáng sợ thay cho tiểu thuyết ! Tiền đồ xã hội ta thế nào, chỉ nhờ trên tiểu thuyết, các ngài trở nên người ân nhân xã hội cũng do tiểu thuyết mà các ngài làm tội nhân cho xã hội cũng là do tiểu thuyết.’’(ĐPTB, số 141, 11-81926).
Tác giả Nam Kiều thì kêu gọi : « nhà viết tiểu thuyết, nhà dịch tiểu thuyết có lòng thương đời, thì không nên chìu theo xu hướng của đời, huống chi vào buổi giao thời này, phong hoá đảo điên, cương thường đổ nát ; tiểu thuyết không chỉ là người bạn kể chuyện giải trí mà lại nên là một người dụ dỗ quốc dân vào đường chánh đạo.’’ ( Lời tựa tiểu thuyết dịch, Mũi gươm của người hiệp khách - Nam Kiều, ĐPTB, số 317, 29-7-1925).
Tóm lại, về quan điểm lý tưởng đạo đức, thẩm mĩ, các nhà lí luận phê bình văn học đầu thế kỉ XX đã có những nhận xét sâu sắc về cái hay, cái đẹp của một tác phẩm văn học. Một tác phẩm hay phải có nội dung sâu sắc, hình thức, câu văn trau chuốt, chặt chẽ. Thông qua nhận định này, họ cũng lên tiếng phê phán một số nhà văn chỉ biết chạy theo hư danh, viết những tác phẩm vô bổ chỉ để lòe thiên hạ. Bên cạnh đó, là tinh thần tự hào dân tộc, đề cao nền văn học bình dân, phục vụ cho nhu cầu đại chúng. Từ những quan niệm này, mà văn chương trong những năm đầu thế kỉ XX đều có nội dung hướng đến những vấn đề mang tính xã hội, đề tài mà các nhà văn khai thác thường hướng đến cuộc sống bình thường, những phong tục tập quán của người nhà quê, hay nỗi thống khổ của người dân nghèo với những tình cảm bình dị nhưng chân thành, mộc mạc.
4. Nhóm ý kiến về sử dụng ngôn ngữ trong văn chương :
Với quan niệm xây dựng một nền văn học mới, một nền văn học phục vụ cho tầng lớp bình dân nên các nhà lí luận phê bình văn học ra sức kêu gọi sử dụng tiếng An nam ròng, sử dụng ngôn ngữ là lời ăn tiếng nói hằng ngày cho việc sáng tác văn học. Qua khảo sát có thể thấy một số ý kiến như sau :
Trong lời mở Chuyện đời xưa, tác giả Trương Vĩnh Ký đã viết : ‘’ Nay ta in sách nầy lại nữa : vì đã hết đi, cũng vì người ta dùng sách nầy mà học tiếng, thì lấy làm có ích. Vì trong ấy cách nói là chính cách nói tiếng Annam ròng ; có nhiều tiếng câu thường dùng lắm.’’
Trong lời tựa tác phẩm Thầy Lazaro Phiền, Nguyễn Trọng Quản viết : ‘’ tôi có dụng ý lấy tiếng thường mọi người hằng nói mà làm ra một chuyện hầu cho kẻ sau coi mà bày đặt cùng in ra ít nhiều truyện hay’’.
Trong bài viết Văn chương quý tộc và văn chương bình dân, tác giả Kim Ngô cho rằng :‘’ văn chương phổ thông, lời lẽ giản dị ý nghĩa bình thường, tư tưởng làm sao thì nói làm vậy, sự thiệt thế nào thì chép thế ấy, không dùng điển tích xa xôi, không dùng văn liệu ngoắc ngoéo, một bài văn viết ra, ông tiến sĩ khoa văn nghe cũng vừa tai,kẻ dốt nhà quê đọc cũng hiểu nghĩa.’’ Vì vậy, khi viết văn :’’ tất phải bình thường, giản dị, gẩy gọn, rõ ràng, khiến cho hạng người nào cũng có thể hiểu được. Nếu lại dùng những điển tích cầu kỳ nói bóng nói bẩy, tuy rằng hay thì hay thiệt, song chỉ là viết cho mình xem, viết làm trò chơi, chứ không có ảnh hưởng gì cho xã hội. ‘’ ( Văn chương quý tộc và văn học bình dân - Kim Ngô, TC, số 53, ngày 20- 3-1929 đến số 54, ngày 21-3-1929).
Trong tác phẩm Văn hay, tác giả Nguyễn Khắc Hiếu viết :’’ Văn hay là : ‘’ một quyển sách, một bài văn, một câu thơ lập ý cao, dàn thế khéo, dùng chữ đặt có cốt cách, có tinh thần,có khí phách, có dáng điệu màu mè, có âm hưởng tiết tấu.’’. Ông cũng phê phán những kẻ tập tễnh viết văn, sử dụng câu, chữ cẩu thả : ‘’ Tôi lại thấy nhiều người viết tiểu thuyết, tuy là dùng điệu văn xuôi, chứ không phải là văn vận như mấy bổn tuồng hát hoặc tiểu thuyết cổ của văn sĩ nước Pháp, hay như là bộ ‘’ Tái sanh duyên’’, bộ ‘’Tây sương’’, bộ ‘’Yên sơn ngoại sử’’ của Tào (Tàu), nhưng có nhiều đoạn tác giả lại viết bắt vần như kép hát bộ nói lối , nên văn chương không biết điệu nào mà nói’’. ( ĐPTB, số 643, 5-11- 1927).
Bên cạnh đó, việc khuyến khích dùng ngôn ngữ bình dân còn được thể hiện ở những bài phê bình các tác giả, tác phẩm thời đó. Cụ thể như :
Tác giả Nguyễn Tường trong bài viết Một mối cảm tình đối với nhà tiểu thuyết, khi bình luận tiểu thuyết Tỉnh mộng của Hồ Biểu Chánh đã viết : ‘’ Tiểu thuyết Tỉnh mộng đủ cả vừa tình vừa cảnh, vừa văn chương vừa tâm lý, lại tác giả khéo lựa câu, dùng chữ rất giản dị, hễ đọc đến thì hiểu nhận cảm hoá ngay...’’.( ĐPTB, số 203-204, 10-1924).
Tác giả Phạm Kiên với bài viết Giải chổ tưởng lầm ( ĐPTB, số 468, 6-8-1926) khi phê bình tiểu thuyết Tiền bạc bạc tiền đã khen Hồ Biểu Chánh cách dùng từ :’’ còn điệu văn thì ông chỉ dùng tiếng nói người ta thường nói, không chịu dùng tiếng phù ba, hạng người nào nói theo giọng ấy’’.
5. Nhóm ý kiến về nhân vật văn học :
Nghệ thuật xây dựng nhân vật văn học trong tiểu thuyết Nam Bộ được kế thừa từ văn học truyền thống Việt Nam cũng như văn học hiện thực Pháp. Những nhận định về nhân vật văn học cũng được các nhà lí luận phê bình đánh giá thông qua những bài bình luận các tác phẩm văn học.
Tác giả Nguyễn Tường trong bài viết Một mối cảm tình đối với nhà tiểu thuyết, khi bình luận tiểu thuyết Tỉnh mộng của Hồ Biểu Chánh đã khen tác giả tả hay, tả khéo về hai tuyến nhân vật đối lập một bên là Lý Kỳ Tâm, Yến Tuyết, một bên là Trường Xuân, cô Sáu Nhiễu.
‘’ Con người khuê các tuyết sạch giá trong, gái như cô Phan Yến Tuyết, thật là người đáng yêu đáng quý. Tác giả tả cái đẹp của cô không dùng chữ gì quá, song rõ thật là đẹp, ai đọc đến cũng thấy cái gương mặt, sọi tóc, ngón tay, gót cẳng của cô mường tượng trên tờ giấy.....Đoạn đó tác giả vẽ ra như cảnh, ai xem đến cũng bâng khuâng ngỡ mình là người trong giấc mộng vậy.
Lý Kỳ Tâm lúc mới ra đời, tuy áo quần lam lũ, song phong biểu đã lộ chút phi phàm.Đầu cầu hứng mát, chống tay trông mây, thuyền, xe chạy rần rần sau lưng, không thèm xây lại, gặp bạn quan sang hơn mặt giả làm người quên, tác giả khéo điểm tô diện mục cho người học trò lỡ vận và nâng cao cái giá trị của kẻ nghèo hèn lên. Xét trong những lời Kỳ Tâm nói, câu nào cũng nên ghi mà nhứt là câu này : ‘’ Thế thường thương thì nói tốt, giận thì nói xấu. Mà khi tôi vô làm tốt dùm bà là cầu vui,chứ không phải vì thương’’...Thiệt tân kỳ mà có ý phúng đời.’’ Đối lập với họ là Trường Xuân, một nhân vật phản diện mang đầy đủ những thói xấu của con người : ‘’ Trường Xuân là con người Sở Khanh , lại là chàng Thúc, đã sợ sư tử mà lại còn đeo theo mèo chó thậm chí còn làm dơ huể trong gia đình, cái phẩm cách một anh cai tổng như Trường Xuân vậy, thật là hèn hạ không chổ nói, chỉ khen cho tác giả tả chổ( chỗ) Trường Xuân khi nghi muốn đuổi Kỳ Tâm, mà ra tiệm lúa, lục hết sổ sách ra mà xem,dò từ số, cọng (cộng) từ hàng, xét từ tờ,xem từng hồi....Trong12 chữ đó đủ tả hết bụng dạ thù vặt của đứa tiểu nhơn.’’.(ĐPTB, số 203-204, 10-1924).
Tác giả Phạm Minh Kiên trong bài viết Bàn về tiểu thuyết Tài Mạng tương đố của Nguyễn Chánh Sắt đã nhận xét việc xây dựng nhân vật trong tác phẩm như sau : ‘’ Như quan phủ Từ Thế Anh vì ham giàu mà đem một đoá phù dung mới vừa hàm tiếu lá nàng Mộ Trinh con ông, trao về tay tục tử ngu dân là thằng Hai Chanh con ông Huyện Hàm Ngọt. Có phải vì bạc lúa mà không nghĩ đến vận mạng của con chăng ? Cho đến đỗi vợ khuyên lơn ông cũng không nghe, con từ chối ông cũng không chịu, vì lòng tham bạc của ông mà làm vợ buồn rầu, con than thở, rồi cái cảnh gia đình đương vui vẻ hoá ra cảnh u sầu buồn bực..’’(ĐPTB, số 481, 8- 9- 1926).
Bên cạnh đó là các ý kiến phê bình nhân vật của tác giả Tân Dân Tử trong bài viết Bình luận tiểu thuyết của ông Nguyễn Chánh Sắt hay tác giả Comis Cảnh trong bài viết Ít lời bình phẩm tiểu thuyết Tân Dân Tử. ( ĐPTB, số 473, 20- 8- 1926).
Bên cạnh việc miêu tả ngoại hình, viết miêu tả tâm lí nhân vật cũng được đề cập. ‘’ Phàm viết tiểu thuyết phải có văn chương có tâm lý. Có tâm lý mà không có văn chương thì không được mấy người vui đọc đến, có văn chương mà không có tâm lý thì dẫu đọc đến cũng không bổ ích gì, Viết tiểu thuyết thì phải đủ lối tả tình tả cảnh. Có tình không cảnh, thì người xem mất vui vẻ về cảnh vật, có cảnh không tình, thì người xem mất thứ ham ưa về tánh tình.’’ ( Một mối cảm tình đối với nhà tiểu thuyết- Nguyễn Tường, ĐPTB, số 203-204, 10- 1924)
6. Nhóm ý kiến về kết cấu của tác phẩm.
Về kết cấu của tác phẩm văn chương, khảo sát một số bài bình luận các tác phẩm tiểu thuyết, có thể nhận thấy các nhà lí luận văn học trong thời kỳ này đều có ý kiến khen ngợi việc xây dựng kết cấu tiểu thuyết mới lạ của các nhà văn. Bên cạnh đó, việc xây dựng kết tác phẩm cũng được quy định chặt chẽ trong những cuộc thi viết tiểu thuyết.
Trên báo Nông cổ mín đàm số 262 ngày 23-6-1906 có thông báo cuộc viết tiểu thuyết bằng chữ quốc ngữ với quy định về từ ngữ, kết cấu như sau : ‘’ Người Langsa gọi roman nghĩa là lấy trí riêng mà đặt ra một truyện tuỳ theo nhân vật và phong tục trong xứ, dường như truyện có thật vậy. Diễn dẫn ra một cuốn chừng 50 tờ giấy lớn. Chia làm 3 thứ ;
- Thứ nhất : gầy đầu nguồn căn nguôn (nguyên), lí lịch, kiết (kết) cấu.
- Thứ nhì : ân oán, sinh sự, buông lung, trần ai, lưu lạc...
- Thứ ba : cha con, vợ chồng hoà hiệp,ân báo ân, oán báo oán...
- Phải giử cho dừng lạc đề. Đặt tiếng thường, thanh nhã, dễ hiểu như truyện vậy.
Trong cuộc đời phải đem hết các việc quan hôn tang tế, thày thuốc thày chùa, thày phép...phải có can (cang thường), luân lí, nhơn duyên, thiện ác.
Không đặng dùng việc dị đoan, hễ chết mà còn muốn sống lại thì nhờ thuốc hay, thầy giỏi, chớ nói đến quỷ thần ; còn muốn phạt thì đau bệnh mà chết, hoặc lôi đả, súng xạ,gươm máy...’’
Trong lời tựa của tiểu thuyết dịch Mũi gươm của người hiệp khách (ĐPTB, số 317, 29-7-1925) nhận xét : ‘’ Xã hội ta gần nay ưa đọc tiểu thuyết Tây hơn tiểu thuyết Tàu, vì cho rằng tiểu thuyết Tây thì kết cấu li kỳ, ngôn luận dồi dào, mỗi tiểu thuyết như là một bức tranh vẽ khác nhau, không giống như tiểu thuyết Tàu đọc đầu biết cuối... ‘’
Phê bình kết cấu các tác phẩm của Hồ Biểu Chánh, hầu hết các tác giả phê bình văn học đều có chung nhận xét khen ngợi tác giả. Tác giả Nguyễn Tường trong bài viết Một mối cảm tình đối với nhà tiểu thuyết, khi bình luận tiểu thuyết Tỉnh mộng của Hồ Biểu Chánh đã cho rằng không ai hay hơn Hồ Biểu Chánh trong việc xây dựng kết cấu truyện thành hai tuyến nhân vật chính diện- phản diện đối lập : ‘’Tác giả không những có tài tả riêng từng hạng người, lại có tài tả chung thế cuộc. Đặt ra sự nôm đùm, tính mưu kia chước nọ, đã xấu mà còn làm ra tốt, ấy là cực tả thói đời giả dối. Dẫu ra anh chàng Tế Thế khi có việc mới tìm kiếm niềm nở đến người, mà có giúp cho anh em cũng chẳng qua vì bạc, ấy là cực tả về tình người ấm lạnh. Ta khi nào muốn xét qua nhân tình thế thái tưởng trong vào đó khác nào như trông vào một bức tranh thiên nhiên sơn thuỷ.’’
Tác giả Hồ Biểu Chánh lý giải cho việc phân chia hai tuyến nhân vật trong tác phẩm của mình như sau : ‘’ Tôi viết tiểu thuyết thiệt tôi chủ tâm công kích xã hội mà công kích là công kích những kẻ giàu sang, giả dối, công kích những người khinh danh dự, trọng tiền tài, chứ bậc lao động thiệt thà mà bị chúng khinh khi, hiếp đáp thì tôi bào chữa bênh vực luôn luôn.’’
Khi phê bình tác phẩm Giọt máu chung tình, tác giả Comis Cảnh viết :’’ Xét nét từng câu, suy nghĩ từng tiếng rồi thì thầm mà phán rằng : bánh tốt bởi bột nhiều, kiểu hay nhờ thợ khéo, lời văn tao nhã, lý tưởng cao sâu, chổ tả cảnh lúc động tình mường tượng tựa Du- ma ( Dumas), Sách – bia ( Shakespeare) thuở trước.’’
7. Nhóm ý kiến phê bình các tác phẩm cổ điển.
Khẳng định vai trò, những đóng góp của thể loại thơ ca trong lịch sử phát triển của nền văn học nước ta, hầu hết những ý kiến của các nhà văn khi phê bình các tác phẩm thơ ca cổ điển thường thể hiện những nhận xét về cái hay cái đẹp, ngôn ngữ bình luận cũng tỏ ra trân trọng, kính nể. Đặc biệt là những nhà thơ lớn của dân tộc như : Truyện Kiều của Nguyễn Du, Lê Thánh Tông, Bà huyện Thanh Quan.
7.1 Phê bình Truyện Kiều – Nguyễn Du
Tác giả Tô Văn trong bài viết Cũng là Kim Vân Kiều nhận xét như sau : ‘’ Lời đặt đã thanh cao, lại tiếng nói năng đủ cách. Như lời nói thường dùng là tiếng mà, chớ, cũng, càng....để đâu nhằm đó. Lại có nhiều lời nói rất thanh bai, người hữu học trong nước Annam thật chưa từng một ai biết nói. Ví như : đắp thảm quạt sầu, mưa tần gió sở, sớm mận tối đào,ấy chỉ là một chổ ít đại khái mà nghe, chớ nói hết sự hay của Kim Vân Kiều, thì kể biết bao cho xiết.’’ ( ĐPTB, Số 129,07- 04- 1924).
Phạm Quỳnh đọc bài diễn văn ca ngợi Truyện Kiều tại hội Khai trí Tiến Đức ngày 8 tháng 9 năm 1924 nhân lễ kỉ niệm ngày mất của cụ Nguyễn Du.
Tác giả Lê Sum trong bài viết Kim Vân Kiều tân giải đăng trên Đông Phong Thời Báo, ngày 10 tháng 9 năm 1924 đã ca ngợi văn chương, tinh thần, tư tưởng của tác phẩm, khẳng định giá trị vượt thời gian của Truyện Kiều. Đồng thời qua đó cũng ca ngợi tinh thần, nhân cách của Nguyễn Du. ‘’ Có một điều lạ là lúc cụ nguyễn Du viết Truyện Kiều thời quốc văn còn non nớt nghèo nàn lắm, không đủ dùng, còn chịu ách văn Tàu lắm. Thế mà cụ dùng tiếng nói của giống nòi ra công dồi mài đẽo gọt, rồi vẽ cái vết trong lòng một cách tài tình đến cực điểm. Tài liệu của cụ khiếm khuyết dường thế mà cụ cũng cất nổi ‘’ cái nhà vàng’’ cho cô Kiều ở,nay cô đã thành một nhân vật não nùng mà sống mãi trong tâm nảo người nước ta.Cho hay, người như cụ không thể cho thời thế hạn chế mà tự mình hạn chế thời thế. ‘’
Tác giả Hồ Văn Trung khẳng định : ‘’Truyện quốc âm ta như bộ Kim – Vân – Kiều, tả tính cách như vẽ, như thêu ; văn quốc âm ta như mấy bài văn tế xưa, càng đọc càng ngậm ngùi ; thi quốc âm ta như những bài thi cổ, ngôn ngữ lỗi lạc, tình tứ thâm trầm, dù ngàn năm cũng bất hủ.....’’ ( ĐPTB, số 21, 27-6-1923).
7.2 Phê bình các tác giả tác phẩm khác :
Trong bài viết Cuộc tiến hoá của quốc văn, trên Đông Phong Thời Báo, số 190, tác giả Hồ Văn Trung ca ngợi những tác gia cổ điển trước đây như sau : ‘’ Nước ta ngày xưa cũng có một thời kì văn vận cũng rất vẻ vang. Không kể cụ Nguyễn Du là ông tổ của văn Nôm, ta còn các nhà thi hào có một thiên tài rất đặc biệt như Bà Huyện Thanh Quan sành về lối thơ nảo (não) nùng như ngậm ngùi chan chứa một mối thầm mà không muốn nói ra hết, cô Hồ Xuân Hương sành về lối thơ hoạt kê mà có triết lí thâm trầm, cụ Yên Đổ giỏi về lối thơ vui biểu cái lạc quan của bọn nhà nho...’’
Tác giả Ngô Tất Tố trong bài viết Thơ vua Lê Thánh Tôn và thơ Hồ Xuân Hương, ( ĐPTB, số 705, 7 – 4 - 1928), qua hai bài thơ Con cóc và Dệt cửi, đã nhận xét Lê Thánh Tông là bậc minh quân đứng đầu thiên hạ nên thơ có khí vị của một bậc đế vương. Nhận xét về Hồ Xuân Hương với hai tác phẩm Trái mít và Núi Ba Đèo đã nói lên bà là hạng người dâm nữ nên lời thơ lả lơi, phóng túng. Cả hai tác giả có hai phong cách thơ khác nhau nhưng vẫn có cái gì đó khác đời nên ‘’ tâm tình, thái độ tất phải hiện hình ra khúc vịnh, câu ngâm’’.
Nhận xét về thơ của Bà Huyện Thanh Quan, Ngô Tất Tố cho rằng thơ thơ của bà có tài tả tình, tả cảnh vào bậc nhất, đọc thơ lại thấy cảnh hiện ra trước mắt. ‘’ những bài của Bà Huyện tả được tinh thần hoạt động khiến cho người đọc câu thơ mà tưởng đến cảnh trong thơ, đều như hiển hiện phô bày ở bên tai, trước mắt. Người nhà Đường khen Vương Duy là trong thơ có vẽ, ta cũng có thể khen trong thơ của Bà Huyện Thanh Quan trong thơ có phim ảnh’’. ( ĐPTB, số 713, 721, năm 1928).
Trong Bài thơ Bán than ( ĐPTB, số 702, 31-3-1928), Ngô Tất Tố khen tác giả Trần Khánh Dư có ‘’ khí khái hùng hồn. Mà lại tỏ ra tấm lòng kiên nhẫn, trung hậu, mà lời văn cũng thiệt hay’’. Qua bài thơ, tác giả nhận xét : ‘’ ông Trần Khánh Dư chẳng những là một danh tướng, mà cũng có thể gọi là một bậc thi gia’’.
8. Phê bình các tác phẩm văn học hiện đại
Hoạt động lí luận phê bình văn học các tác phẩm văn học trong giai đoạn này diễn ra sôi nổi. Hầu hết các tác phẩm lớn đều có bài viết phê bình trên các báo chủ yếu xoay quanh những nội dung như : cách sử dụng ngôn ngữ, lời văn, nội dung, kết cấu, tâm lí nhân vật. Cụ thể như :
8.1 Phê bình tác phẩm của Hồ Biểu Chánh :
Khảo sát trên Đông Phong Thời Báo có các bài như :
Một mối cảm tình đối với nhà tiểu thuyết ( Nguyễn Tường, ĐPTB, số 203-204, 10- 1924)
Đọc tiểu thuyết bật ra lời ( Việt Hải, ĐPTB, số 212, 05-11-1924).
Giải chổ tưởng lầm( Phạm Minh Kiên, ĐPTB, số 468, 6-8-1924).
8.2 Phê bình tác phẩm của Nguyễn Chánh Sắt :
Bàn về tiểu thuyết Tài mạng tương đố ( Phạm Minh Kiên, ĐPTB, số 481, 8-9-1926).
Bình luận tiểu thuyết của ông Nguyễn Chánh Sắt (Tân Dân Tử,
ĐPTB, số 496, 13-10-1926).
8.3 Phê bình các tác phẩm khác :
Ít lời phê bình tác phẩm Tân Dân Tử( Comis Cảnh, ĐPTB, số 473, 20-8-1926).
Bình phẩm sách mới : Tây phương mỹ nhân (Diệp Văn Kỳ, ĐPTB, số 473, 20-8-1926).
Chuông kêu chẳng đấm cũng kêu (Vân Kính, ĐPTB, số 193, 17-9-1924).
Bình luận tiểu thuyết Huyết lệ hoa ( Trần Năng Dung, ĐPTB, số 757, 18-10-1928).
8.4 Về phê bình thơ
Ngô Tất Tố với các bài viết : Thế nào là thơ dốt (ĐPTB, số 707, 14-4-1928), Mấy bài thơ trong cuốn sách thình lình vớ phải (ĐPTB, số 757, 18-8-1928), Mấy bài thơ trong cuốn sách thình lình vớ được (ĐPTB, số 764, 4-9-1928).
III. KẾT LUẬN
Như vậy, từ những năm đầu của thế kỉ XX ( 1900- 1930), các nhà lí luận phê bình văn học đã nhận thức được vai trò, tác dụng, xem hoạt động phê bình, lí luận văn học là một bộ phận không thể thiếu trong nền văn học dân tộc. Đồng thời, các tác giả cũng xây dựng nền văn học mới dùng chữ quốc ngữ, khẳng định nền văn học bình dân phục vụ cho quần chúng nhân dân lao động, xây dựng quan niệm về tiểu thuyết, đoản thiên tiểu thuyết.
Bên cạnh đó, hoạt động phê bình lí luận văn học còn tiến thêm một bước khi xuất hiện những bài viết phê bình cách sử dụng ngôn ngữ, văn lí, kết cấu tác phẩm, thậm chí phê bình cả tư tưởng, chủ đề của tác phẩm.
Tuy nhiên, hoạt động lí luận phê bình văn học trong thời kì này cũng còn những hạn chế nhất định. Hầu hết các nhà lí luận, phê bình văn học thường kiêm luôn vai trò của nhà văn nên việc phê bình còn thiếu khách quan, hoạt động phê bình còn thiếu chuyên nghiệp, chủ yếu là giới thiệu các tác phẩm, khen nhiều hơn chê. Các bài lí luận, phê bình văn học chủ yếu được thể hiện trên báo chí, chưa được lưu trữ thành tập sách. Song, với kết quả thu được, hoạt động lí luận, phê bình văn học đầu thế kỉ XX (1900- 1930) đã tạo tiền đề cho việc phát triển rực rỡ của mảng văn học này ở thời gian tiếp theo.
Đặng Công. 
Lớp Văn Học Việt Nam K17. Trường Đại Học Cần Thơ.

No comments: