Phát biểu vào lúc mở ra cuộc họp kéo dài hai ngày, hôm nay và
ngày mai, ngoại trưởng Hillary Clinton, không nêu danh ông Trần Quang
Thành, nhưng đã tuyên bố là
"tất cả các chính phủ phải đáp ứng nguyện vọng công dân mình về phẩm giá/ phẩm cách và nhà nước pháp quyền".
Hôm qua Ngoại trưởng Mỹ đã khẳng định Washington sẽ theo dõi việc Bắc
Kinh thực hiện cam kết trên vấn đề bảo đảm an toàn cho luật sư mù Trần
Quang Thành, đã đồng ý rời đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh sau 6 ngày tạm trú.
Chủ tịch Hồ Cẩm Đào trả lời bằng cách kêu gọi hai cường quốc kinh tế
hàng đầu thế giới hợp tác trong tinh thần tôn trọng lẫn nhau. Chủ tịch
Trung Quốc cảnh báo, nếu quan hệ hai bên xấu đi, điều đó sẽ tác động
"nghiêm trọng" đến thế giới.
Ông nói : «
Do bối cảnh quốc gia khác biệt, Hoa Kỳ và Trung Quốc
không thể nào đồng ý trên tất cả các hồ sơ ... Nhưng hai bên phải tôn
trọng quyền lợi của nhau, những mối quan tâm của mỗi bên ... Hai bên
phải làm việc với nhau cho dù diễn biến tình hình nội bộ như thế nào
chăng nữa... phải xử lý những bất đồng một cách thích ứng, qua đối thoại
để hiểu nhau hơn. »
Chủ tịch Trung Quốc cho rằng
"hợp tác giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ
mở ra những khả năng to lớn cho hai nước và cho thế giới, còn một cuộc
đối đầu sẽ gây hại nghiêm trọng cho mọi người."
Cuộc đối thoại chiến lược là dịp để Hoa Kỳ và Trung Quốc trao đổi
trên những hồ sơ lớn song phương cũng như quốc tế. Theo chương trình dự
kiến các hồ sơ lớn quốc tế như Syria, chương trình hạt nhân Iran, Bắc
Triều Tiên, Soudan sẽ được phiá Mỹ đề cập trong cuộc họp lần này. Trung
Quốc có ảnh hưởng lớn đối với các quốc gia trên.
Bà Clinton đã hoan nghênh việc Bắc Kinh hậu thuẫn cho nghị quyết của
Hội Đồng Bảo An, thông qua tối qua, yêu cầu Soudan và Nam Soudan chấm
dứt tranh chấp trong vòng 48 tiếng đồng hồ nếu không muốn bị trừng
phạt.
Ngoài hồ sơ nhân quyền, còn một cái gai khác mà phía Mỹ đã gợi lên
hôm nay, đó là vấn đề tranh cãi cố hữu trên tỷ giá đồng Nhân dân tệ. Bộ
trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner kêu gọi Bắc Kinh tiếp tục thả nổi
giá đồng tiền của mình so với đồng đô la và thực hiện một số cải cách
cần thiết.
Ông Geithner công nhận là Trung Quốc có nỗ lực, đồng Nhân dân tệ đã
có tăng giá, 13% từ khi Trung Quốc có mở rộng biên độ tỷ giá hàng ngày
từ tháng 6/2010. Nhưng theo ông Geithner, điều đó chưa đủ, Trung Quốc
phải cố gắng hơn nữa. Một đồng Nhân dân tệ mạnh, theo bộ trưởng tài
chính Mỹ, sẽ giúp Trung Quốc "hướng sản xuất về những mặt hàng có giá
trị thặng dư cao, cải tổ được hệ thống tài chính và khuyến khích được
tiêu thụ nội địa."
Hoa Kỳ trông đợi gặp lại ông Trần Quang Thành
Các giới chức Mỹ nói đang tìm cách gặp lại
ông Trần Quang Thành, nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc, hiện đang xin
sang Hoa Kỳ tỵ nạn sau khi rời khỏi tòa đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh. Rắc rối
trong vụ ông Trần xảy giữa lúc Ngoại trưởng Hillary Clinton lại đang có
mặt tại Trung Quốc dự các cuộc hội đàm về an ninh và kinh tế.
Hình: Reuters
Ông Trần Quang
Thành nói chuyện với vợ và con trong một bệnh viện ở Bắc Kinh với sự
hiện diện của Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc Gary Locke và Trợ lý Ngoại
trưởng Hoa Kỳ Kurt Campbell hôm 2/5/12
Ông Mark Toner, phó phát ngôn viên Bộ ngoại giao cho biết các giới
chức Mỹ đã điện đàm với ông Trần hai lần hôm thứ Năm, và gặp mặt vợ ông
nhưng họ vẫn muốn gặp thẳng nhà bất đồng chính kiến khiếm thị. Ông Toner
nói:
“Tôi lập lại một lần nữa, tôi không có thêm thông tin nào ngoại trừ việc chúng tôi muốn gặp ông ấy trong những ngày sắp tới.”
Một
giới chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ nói “có một vài chỉ dấu” cho
thấy giới chức Hoa Kỳ sẽ có thể gặp ông Trần vào thứ Sáu.
Ông
Trần rời khỏi đại sứ quán Hoa Kỳ hôm thứ Tư, với một thỏa thuận cho phép
đưa gia đình tới một chỗ khác và để cho ông theo học ngành luật tại một
trường đại học Trung Quốc. Nhưng chỉ trong vài tiếng đồng hồ, sự việc
lại bắt đầu khác đi.
Ông Trần nói với các ký giả nước ngoài trong các cuộc điện đàm rằng
bây giờ ông muốn xin qui chế tỵ nạn cho ông và gia đình tại Mỹ, bởi vì
ông không còn tin rằng quyền và sự an toàn của ông có thể được đảm bảo
tại Trung Quốc.
Ông Toner nói không rõ tại sao ông Trần thay đổi ý định như vậy:
“Tôi chỉ có thể nói chúng tôi muốn tìm hiểu xem ý định thật sự của ông thế nào.”
Ông
Trần, đã tự học về môn luật, và bị tù 4 năm sau khi trưng ra các vụ
phá thai cưỡng bách và triệt sản, do các giới hữu quyền về kế hoạch hóa
gia đình Trung Quốc gây ra. Ông vẫn bị quản chế tại nhà sau khi được ra
tù vào tháng 9 năm 2010.
Câu chuyện về sự đào thoát khỏi nhà,
việc ông Trần bí mật tới đại sứ quán Mỹ, và thỏa thuận cho phép ông ra
khỏi sứ quán, cùng yêu cầu xin tỵ nạn mới đây, đã phủ một bóng đen lên
những cuộc hội đàm giữa các giới chức Trung Quốc và Hoa Kỳ trong đó có
bà Clinton và Bộ trưởng Tài chánh Geithner.
Ông Toner nói, sự
kiện trên cho thấy sức mạnh của bang giao Mỹ Trung, có thể đối phó với
điều ông gọi là “những vấn đề cực kỳ khó khăn trong những ngày qua”,
đồng thời vẫn tập trung vào những quan ngại bao gồm Syria, Sudan, Bắc
Triều Tiên và Iran. Ông nói:
“Chúng ta đang có mối bang giao cực
kỳ rộng rãi, cực kỳ đa dạng với Trung Quốc. Ngoại trưởng Hillary Clinton
cũng như Tổng thống đều nói mối bang giao này quan trọng biết bao nhiêu
trên phương diện chiến lược, cho dù liên quan đến Iran, hay các vấn đề
quốc tế quan yếu khác. Và chúng ta sẽ tiếp tục theo đuổi đường hướng
đó.”
Ông Toner nói, trong lúc cuộc đối thoại chiến lược và kinh
tế diễn tiến, Hoa Kỳ sẽ không né tránh việc nêu lên những vấn đề nhân
quyền với Trung Quốc.
http://www.voanews.com/vietnamese/news/us-china-chen-5-3-12-150102875.html
Ông Trần Quang Thành không hề xin tị nạn
lúc ở trong Đại sứ quán Mỹ
Hình: AP/US Embassy Beijing Press Office
Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Gary Locke đưa ông Trần Quang Thành đến một bệnh viện ở Bắc Kinh
Các giới chức Hoa Kỳ đã bác bỏ những tin nói rằng một nhà hoạt động
Trung Quốc khiếm thị từng ẩn náu tại đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh gần 1
tuần đã bị buộc phải ra đi.
Ông Gary Locke, đại sứ Mỹ tại Trung
Quốc nói với các ký giả hôm thứ Ông rằng ông Trần Quang Thành chưa bao
giờ xin tỵ nạn và ông đã chọn ở lại Trung Quốc sau khi chính quyền tại
đó hứa bảo đảm an toàn và đối xử nhân đạo với ông và gia đình ông. Ông
Locke nói:
“Một lần nữa, ông ấy chưa bao giờ xin tỵ nạn trong lúc
trú ngụ trong đại sứ quán, và ngay trong video do ông công bố, ông
tuyên bố muốn là một nhà đấu tranh cho tự do ngay tại Trung Quốc. Và
ngay những người bạn hoạt động mà ông tiếp xúc trước khi đến tòa đại sứ
cũng khẳng định rằng ông không muốn đi Mỹ. Nhưng sự việc là, có vẻ ông
Trần đã nghĩ lại sao đó, và chúng tôi muốn giải quyết chuyện đó, cho nên
chúng tôi muốn ngồi lại cùng ông và gia đình ông, cả vợ ông nữa, xem
thực sự họ nghĩ sao, và cùng tìm hiểu các chọn lựa với họ.”
Ông
Trần đã rời tòa đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh hôm thứ Tư, không lâu trước khi
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton tới Trung Quốc hội đàm về vấn đề đẩy
mạnh quan hệ kinh tế và chiến lược song phương.
Ông đã được đưa tới một bệnh viện gần đó để điều trị bàn chân bị thương khi trốn khỏi nhà nơi bị quản chế.
Trong
vòng vài giờ ông nói với các ký giả và bạn hữu là ông muốn rời khỏi
Trung Quốc vì lo sợ cho mạng sống và sự an toàn của gia đình ông.
Bà
Victoria Nuland, phát ngôn viên bộ ngoại giao Mỹ, cho biết các giới
chức Mỹ đã nói chuyện hai lần với ông Trần và vợ ông hôm thứ Năm và rằng
“gia đình họ đã đổi ý về việc có nên lưu lại Trung Quốc hay không.” Bà
nói họ cần phải nói chuyện nhiều hơn với ông Trần để tìm hiểu mọi chọn
lựa.
Trung Quốc đã phủ nhận những cáo buộc họ đã đe dọa vợ ông
Trần. Một phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc, ông Lưu Vị Dân, nói
công dân Trung Quốc được đối xử theo luật của quốc gia.
Trong khi
đó, chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Ngoại trưởng Clinton khai mạc các cuộc hội
đàm thường niên tại Bắc Kinh về các vấn đề kinh tế và an ninh.
Cả
hai không nói thẳng vào những rắc rối ngoại giao trong bài diễn văn
khai mạc, nhưng ông Hồ kêu gọi hai chính phủ hãy tìm ra điểm chung và
tôn trọng sựï khác biệt của mỗi nước.
Về phần bà Clinton, bà
nhấn mạnh tầm quan trọng của nhân quyền và các quyền tự do cơ bản mà
không đề cập thẳng về trường hợp ông Trần.
Trung - Mỹ gặp khó vụ Trần Quang Thành
Cập nhật: 16:38 GMT - thứ năm, 3 tháng 5, 2012
Những cơn thịnh nộ đã nổ
ra tại một bệnh viện lớn tại Bắc Kinh chiều 3 tháng 5 khi cảnh sát
Trung Quốc ngăn cản BBC tiếp cận với nhà bất đồng chính kiến Trần Quang
Thành.
Với một chân bị thương trong cuộc chạy trốn ly
kỳ hồi tuần trước, ông Trần Quang Thành đã được giới ngoại giao Hoa Kỳ
đưa tới bệnh viện sau khi đạt thỏa thuận với Trung Quốc để ông được khám
chữa và sau đó được tự do.
Khi BBC gặp Trần Quang Thành và vợ ông ở trong kia, bà nói bà và hai con đều khỏe còn ông Trần đang được khám bệnh.
Luật sư mù đã trở thành biểu tượng của sự trấn
áp nhân quyền ở Trung Quốc sau khi ông phơi bày vụ hàng ngàn phụ nữ bị
cưỡng bức phá thai.
Trong bảy năm trời ông bị giam cầm trong căn nhà
này, bị đánh đập dã man và bị canh gác suốt ngày đêm. Nhưng ông đã
thoát khỏi sự giám sát. Giờ dường như Bắc Kinh đang dùng gia đình ông để
mặc cả.
Ông Trần nói ông được sứ quán Hoa Kỳ cho biết Trung Quốc dọa sẽ đánh vợ ông cho tới chết nếu ông không rời đại sứ quán.
Trả lời phỏng vấn với BBC qua điện thoại, ông
Trần nói ông phải ra khỏi đại sứ quán Hoa Kỳ vì lo ngại cho sự an toàn
của vợ và con nhưng giới chức Mỹ bác bỏ điều này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói Hoa Kỳ
không nói gì với ông Trần về đe dọa pháp lý hay bạo lực và phía Trung
Quốc cũng không nói gì với giới chức Mỹ về chuyện này.
Nhưng quan chức Hoa Kỳ có nói với ông Trần về chuyện vợ và con ông sẽ bị đưa lại quê ông ở Sơn Đông nếu ông vẫn ở trong sứ quán.
Truyền hình Trung Quốc nói việc Hoa Kỳ giúp ông
Thành là can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc và đòi xin lỗi.
Hoa Kỳ nói họ sẽ không xin lỗi.
Bà Hillary Clinton hiện đang ở Bắc Kinh trong
hội đàm thường niên. Hoa Kỳ cần sự hợp tác của Trung Quốc cho dù là để
giải quyết vấn đề kinh tế toàn cầu hay chấm dứt đổ máu ở Syria.
No comments:
Post a Comment