Sunday, May 13, 2012

BIỂN ĐÔNG


Chuyên gia Nhật nhìn an ninh Biển Đông

Cập nhật: 02:37 GMT - thứ năm, 29 tháng 3, 2012
Shinji Yamaguchi và Jean-Pierre Cabestan
Ông Shinji Yamaguchi (trái) và Jean-Pierre Cabestan ở hội thảo
Nhật Bản xem các tranh chấp lãnh hải gồm vùng Biển Đông là phép thử cho hướng đi tương lai của Trung Quốc trong khi hải quân Quân Giải phóng đang thực hiện chiến lược ba giai đoạn.
Một chuyên gia quốc phòng Nhật Bản cho biết như vậy trong buổi thuyết trình hôm 27/3 ở Hong Kong bàn về tham vọng trên biển của Trung Quốc.
Ông Shinji Yamaguchi phát biểu trong bối cảnh tiếp tục có căng thẳng giữa Tokyo và Bắc Kinh sau khi Nhật Bản đầu tuần này tuyên bố một đảo thuộc khu vực tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư là "tài sản quốc gia".
Tại cuộc thảo luận có mặt các nhà ngoại giao và học giả các nước như Mỹ, Pháp, Anh, Trung Quốc và Ấn Độ, ông Shinji Yamaguchi tóm tắt những ý chính trong báo cáo gần đây về hải quân Trung Quốc, đuợc công bố bởi cơ quan của ông, Viện Nghiên cứu Quốc phòng Nhật Bản (NIDS) - đơn vị có quan hệ mật thiết với Bộ Quốc phòng.
Sứ mạng của ông Shinji Yamaguchi ở Hong Kong dường như nhằm quảng bá quan điểm của giới chuyên gia quốc phòng Nhật và cũng để thử phản ứng dư luận trong vùng, đặc biệt là Trung Quốc.
Báo cáo của NIDS nói tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông bắt đầu căng thẳng hơn từ cuối thập niên 1960 và tiếp tục là một trong những yếu tố gây bất ổn ở Đông Nam Á cho đến nay.
Thái độ của Trung Quốc cũng thay đổi tùy thời điểm. Thập niên 1970 và 1980 chứng kiến Trung Quốc dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa năm 1974, bãi đá Gạc Ma năm 1988 và đảo đá ngầm Vành Khăn năm 1995.
Sang cuối thập niên 1990, Bắc Kinh thay đổi giọng điệu và bắt đầu bàn bạc với Asean, dẫn đến Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 hứa hẹn kiềm chế và không dùng vũ lực.
Tuy vậy, ông Yamaguchi ghi nhận, Trung Quốc lại trở nên cứng rắn hơn từ vài năm qua, cùng với sự tăng tiến hoạt động của các cơ quan Hải giám và Ngư chính. Ví dụ, tàu Ngư chính lớn nhất mang số hiệu 311 được điều ra Biển Đông từ tháng Ba 2009 và ngày càng có những hành động khiêu khích, mà điển hình là dính líu vụ cắt cáp tàu Viking 2 của Việt Nam hồi tháng Sáu 2011.
Tài liệu của NIDS cho biết Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc cũng chủ động diễn tập trên Biển Đông cùng các cơ quan giám sát hàng hải.
Mỗi năm đều có ít nhất một sự kiện như vậy kể từ 2009, trong đó có cuộc tập trận nhằm "giành lại đảo do quân thù chiếm đóng" hồi mùa hè năm ngoái.
Mục tiêu chiến lược
Dẫn lại báo cáo của NIDS mà ông là một trong bảy người hiệu đính, ông Yamaguchi cho rằng Trung Quốc có ít nhất ba mục tiêu chiến lược từ trung đến dài hạn ở Biển Đông.
Mục tiêu thứ nhất - giúp giải thích sự cứng rắn hơn của Bắc Kinh – là bảo đảm các lợi ích, đặc biệt là kinh tế, trên Biển Đông. Nhu cầu năng lượng của Trung Quốc ngày càng lớn, khi mà phụ thuộc vào dầu thô nhập khẩu đã lên đến 55.2% năm ngoái, cao hơn cả Mỹ (53.5%). Bắc Kinh ngày càng tin rằng sẽ tuyệt vời nếu khai thác được tài nguyên dưới lòng Biển Đông.
Điều đáng nói, các dự báo của Trung Quốc về trữ lượng ở vùng biển này thường cao hơn của nước ngoài. Một nghiên cứu của Trung Quốc cho rằng có 36.78 tỉ tấn dầu và 7.55 nghìn tỉ mét khối khí đốt ở nơi được gọi là "Vịnh Ba Tư thứ hai", trong khi phía Nhật Bản lại dẫn nguồn của Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ đoán chỉ có khoảng 3.78 tỉ tấn dầu, còn Husky Energy của Canada thì nói khí đốt tự nhiên gần quần đảo Trường Sa ở khoảng 170 tỉ mét khối.
Viện Quốc phòng Nhật giải thích Trung Quốc "ngày càng bất mãn với các nước có tranh chấp mà lại đang đi đầu trong khai thác tài nguyên ở Biển Đông". Bằng việc gia tăng tuyên bố chủ quyền và phô trương sức mạnh quân sự, Trung Quốc "cố gắng ngừng việc khai thác một chiều của các nước và kiếm tìm lợi thế trong vấn đề này".
Nhiều chuyên gia Trung Quốc, cả dân sự và quân sự, ủng hộ cách tiếp cận này, cho rằng cần đưa hải quân kiểm soát Biển Đông để từ đó chiếm phần hơn khi bước vào đối thoại và đàm phán. Học giả nổi tiếng Diêm Học Thông, Giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc tế của Đại học Thanh Hoa, tuyên bố Trung Quốc lâu nay nhường nhịn láng giềng nhưng lại bị lợi dụng và vì thế cần có những biện pháp trừng phạt.
Nằm ở Đông Bắc Á gần Bắc Hàn, Lực lượng Tự vệ Nhật luôn đề cao cảnh giác
Mục tiêu thứ hai là bảo đảm tuyến đường vận tải trên Biển Đông, trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc ngày càng gắn chặt với kinh tế toàn cầu. Trung Quốc đặc biệt phụ thuộc vào các tuyến đường vận chuyển đi qua eo biển Malacca - khoảng 60% tàu bè đi qua nút thắt cổ chai này treo cờ Trung Quốc hoặc là đang vận chuyển hàng cho Trung Quốc.
Phía Nhật nói Trung Quốc lo ngại việc các láng giềng tranh chấp như Malaysia và Việt Nam đặt mua tàu ngầm. Theo báo cáo, tàu ngầm là vũ khí thích hợp để phá vỡ các tuyến đường biển huyết mạch, và đây cũng là lý do để Trung Quốc đẩy nhanh sự hiện diện của hải quân trong vùng.
Mục tiêu thứ ba xa hơn là đối chọi với quân lực Mỹ mà một dẫn chứng là căn cứ tàu ngầm ở đảo Hải Nam.
Nhật Bản cho rằng nếu năng lực phòng thủ và tấn công ở Hải Nam được hoàn thiện, nó có thể "làm tăng khả năng đối phó với sự hiện diện của hải quân Mỹ ở vùng biển xung quanh Trung Quốc". Tàu ngầm từ Hải Nam sẽ không chỉ ra đến Biển Đông mà thậm chí đi xa tới tây Thái Bình Dương để hạn chế hoạt động của quân Mỹ.
Một tham vọng lớn của Trung Quốc là cố gắng chế tạo tên lửa đạn đạo đối hải có thể bay xa hơn 1500 cây số để bắn chìm tàu sân bay Mỹ trước khi quân Mỹ kịp vào Vòng phòng thủ thứ nhất (first island chain) trong trường hợp xung đột ở Đài Loan hay Biển Đông. Phía Nhật nhận định mặc dù Trung Quốc "có thể thành công" trong tương lai gần, nhưng hiện tại dự án này vẫn gặp nhiều trục trặc kỹ thuật.
Nhật tìm đối tác
Ông Yamaguchi cho hay là quốc gia có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Hoa Đông, Nhật Bản buộc phải quan tâm đến tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước ở Biển Đông. Trước mắt, khác với ở Biển Đông, Trung Quốc không khiêu khích Nhật Bản bằng những sự kiện như quấy rối tàu khảo sát nước ngoài hay tập trận đạn thật rầm rộ. Lý do chính có lẽ đơn giản là vị thế của Nhật cũng như rủi ro làm xấu đi quan hệ với Mỹ, vốn đang đặt căn cứ quân sự tại Nhật.
Tuy vậy, Nhật Bản cáo buộc ngày càng xuất hiện nhiều tàu Ngư chính và Hải giám của Trung Quốc ở khu vực quần đảo tranh chấp Senkaku, mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư. Năm ngoái, hai máy bay do thám của Trung Quốc cũng lần đầu tiên bay đến sát bãi đáp của Nhật trên đảo. Tokyo lo ngại nếu sức mạnh quân sự của Trung Quốc cải thiện trên cả Biển Hoa Đông, thì có thể Trung Quốc sẽ có thái độ cứng rắn tương tự như đã xảy ra ở Biển Đông.
Bản báo cáo của NIDS khuyên Trung Quốc rằng "gây áp lực với các nước tranh chấp ở Đông Nam Á có thể chỉ khiến các nước lo bảo vệ chủ quyền bằng biện pháp hung hăng hơn, mà kết quả là làm tăng căng thẳng khu vực". Theo họ, Trung Quốc cần hòa hoãn hơn và có những bước cụ thể để hoàn tất một bộ quy tắc ứng xử trên biển với các nước Asean.
Một chuyên gia về Nhật Bản, GS. Jean-Pierre Cabestan (Đại học Hong Kong Baptist), nói với BBC tại hội thảo rằng mức độ cạnh tranh hay hợp tác giữa Nhật và Trung Quốc sẽ phụ thuộc liệu Bắc Kinh có tôn trọng trật tự hiện nay ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nơi Nhật đã quản lý hành chính, hay không.
Chiến hạm Nhật Bản trong một chuyến thăm Hải Phòng
"Nó cũng phụ thuộc hai nước có tìm được cách cùng khai thác ở khu vực Shirakaba/Chunxiao. Đó sẽ là nguồn cảm hứng cho Trung Quốc và Đông Nam Á tìm kiếm thỏa thuận tương tự ở Biển Đông," ông nói.
Đó là hy vọng, còn thực tế gần đây giới học giả và dư luận Nhật ngày càng lo ngại về sự tăng cường quân sự của Trung Quốc. Khảo sát của BBC World Service năm 2011 cho hay 88% người Nhật có phản ứng tiêu cực trước viễn cảnh quân đội Trung Quốc trở nên mạnh hơn.
Chính phủ Nhật cũng đã chuyển trọng tâm từ Lực lượng Tự vệ trên Bộ sang trên Biển, đồng thời tái khẳng định liên minh Mỹ - Nhật, củng cố quan hệ với các nước "cùng chia sẻ giá trị" như Úc và Hàn Quốc. Tại Đông Nam Á, Tokyo cũng nhấn mạnh hợp tác đa phương, trong đó có với Việt Nam. Năm ngoái, Thứ trưởng quốc phòng Nhật tuyên bố nước này sẽ đóng vai trò "hợp tác cụ thể hơn" trong cuộc gặp với giới chức Asean bàn về Biển Đông.
Và nói như một phóng viên thường trú ở Tokyo, tin tức tại Nhật Bản hiện nay hình như chỉ xoay quanh hai vấn đề: sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc (mà Nhật và cả châu Á phụ thuộc), cùng các bài viết về đe dọa an ninh của Trung Quốc.
Mới nhất trong tuần này, Nhật Bản và Trung Quốc lại cãi vã sau khi Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Osamu Fujimura cho hay một trong bốn đảo ở khu vực Senkaku/Điếu Ngư được xếp vào tài sản quốc gia.
Bốn hòn đảo được Nhật chính thức đặt tên vào đầu tháng Ba. Đáng chú ý, theo báo Nhật, năm ngoái Tokyo tuyên bố kiểm soát 23 đảo trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, nhưng đã chừa ra bốn đảo trên để tránh kích động Bắc Kinh. Như thế, động thái liên quan bốn đảo này giờ đây phải được xem là sự cố ý đối đầu ngoại giao.
Sự cạnh tranh chiến lược Nhật - Trung có thể được một số nước tranh chấp Biển Đông ngầm hoan nghênh. Hôm 23/3 lần đầu tiên diễn ra Đối thoại Chiến lược cấp thứ trưởng giữa Nhật và Philippines. Theo truyền thông Nhật, Tokyo có gợi ý cho Philippines tàu tuần tra theo hình thức vốn vay ODA.
Nhưng Trung Quốc sẽ xem những động thái như vậy là sự bao vây. Không khó để hình dung tranh
Hình của Hải quân Nhật chụp tàu TQ gần Senkaku 16/3/2012
Nhật - Trung trong thời gian tới.chấp Biển Đông và Biển Hoa Đông sẽ là hai quân cờ lớn liên quan với nhau trên bàn cờ chiến lược 
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2012/03/120328_japan_security_scs.shtml

 

Biển Đông : Đấu trường của một cuộc chiến mới về khí đốt

Phó đô đốc Alexander Pama giới thiệu với báo chí tấm ảnh chụp ngày 10/04/2012, cho thấy một tàu hải giám Trung Quốc ngăn trở tàu chiến Philippines không cho bắt các ngư dân Trung Quốc đã xâm nhập khu vực bãi Scarborough.
Phó đô đốc Alexander Pama giới thiệu với báo chí tấm ảnh chụp ngày 10/04/2012, cho thấy một tàu hải giám Trung Quốc ngăn trở tàu chiến Philippines không cho bắt các ngư dân Trung Quốc đã xâm nhập khu vực bãi Scarborough.
REUTERS/Romeo Ranoco

Mai Vân
Dù chủ đề chính vẫn là những gì chờ đợi Tổng thống tân cử ở Pháp, vùng Biển Đông đang có dấu hiệu dậy sóng cũng không thoát khỏi sự chú ý của báo giới Pháp. Trên trang trang quốc tế, nhật báo Le Figaro có bài « Biển Trung Quốc (Biển Đông), đấu trường của một cuộc chiến mới về khí đốt » của thông tín viên Arnaud De La Grange, tại Bắc Kinh, nói về việc Trung Quốc và Philippines tranh chấp quyền kiểm soát một vùng có nhiều trữ lượng về nhiên liệu.

Tối thứ Hai vừa qua, nữ phát thanh viên đài truyền hình chính thức Trung Quốc đã nói nhầm khi khẳng định : « Tất cả chúng ta đều biết rằng Philippines là một phần lãnh thổ của Trung Quốc. Đó là một thực tế không thể tranh luận ».
Thực ra, phát thanh viên này muốn nói khu vực Bãi đá Scarborough, nơi đang có căng thẳng giữa hai nước từ nhiều ngày qua. Đoạn băng hình nói trên đã được đưa lên internet, kích động thêm các phần tử mang tinh thần dân tộc chủ nghĩa tại Trung Quốc và làm buồn rầu những người sử dụng internet tại Philippines.
Bài viết điểm lại vụ việc : Từ ba tuần nay, hải quân, tàu chiến Trung Quốc và Philippines đang trong tình thế mặt đối mặt một cách nguy hiểm ở Bãi đá Scarborough, mà Trung Quốc gọi là Hoàng Nham đảo, nơi được coi là có trữ lượng lớn về khí đốt tự nhiên.
Tất cả bắt đầu vào ngày 10/4 khi hải quân Philippines tiến hành ngăn chặn các tàu cá Trung Quốc xâm nhập nơi đây. Ngay lập tức, Bắc Kinh đưa hai tàu hải giám tới bảo vệ các tàu cá Trung Quốc. Từ đó đến nay, cả hai bên đều duy trì sự hiện của tàu chiến, tàu hải giám, ngư chính trong khu vực. Thậm chí, Manila đã huy động tàu hải quân lớn nhất của mình tới nơi này.

Bầu không khí mỗi ngày thêm căng thẳng. Hôm thứ Hai, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, bà Phó Oánh tuyên bố rằng Bắc Kinh chuẩn bị « đáp trả mọi leo thang », đồng thời, bà cũng nói là « ít lạc quan » về diễn tiến của tình hình Bãi đá Scarborough. Bắc Kinh còn cảnh báo các công dân của mình về các cuộc biểu tình chống Trung Quốc, dự trù được tổ chức vào thứ Sáu này ở Manila.
Các cuộc biểu tình này dường như được tổ chức bởi các nhóm thân cận với chính quyền, bởi vì ông Benigno Aquino đã đắc cử Tổng thống với cam kết phục hồi niềm tự hào dân tộc. Hôm qua, các công ty du lịch Trung Quốc ngừng đưa du khách sang Philippines.

Le Figaro nhắc lại những đòi hỏi về chủ quyền của các bên liên quan, ở Bãi đá Scarborough và trong vùng Biển Đông.
Bãi đá Scarborough cách đảo chính của Philippines 140 hải lý (230 km) về phía tây, tức là nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines, được quốc tế công nhận theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982. Chính vì vậy, Manila luôn luôn khẳng định chủ quyền của mình đối với Bãi đá này.

Trong khi đó, Trung Quốc viện dẫn cái gọi là « thực tế lịch sử » để đòi có chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông, do đó, Bắc Kinh có tranh chấp về chủ quyền với Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan.
Năm ngoái, Philippines đã tố cáo các tàu Trung Quốc ngăn cản hoạt động thăm dò dầu khí của nước này, thế nhưng, Bắc Kinh lại không chấp nhận đề nghị của Manila đưa hồ sơ tranh chấp này ra tòa án trọng tài quốc tế.
Trước sức mạnh quân sự của Trung Quốc, các nước trong khu vực tìm cách xích lại gần Hoa Kỳ vào lúc chính quyền Obama điều chỉnh chiến luợc, tăng cường sự hiện diện tại châu Á.

Trong tình hình nóng bỏng này, Hoa Kỳ, một mặt tránh những động thái gây thêm căng thẳng, mặt khác, tái khẳng định cam kết hỗ trợ Philippines trong trường hợp nước này bị tấn công, theo tinh thần hiệp ước quân sự được ký từ năm 1951. Trong năm 2012, viện trợ quân sự của Hoa Kỳ cho Philippines tăng gấp ba lần, đồng thời, Philippines còn đề nghị Mỹ giúp đỡ trang bị hệ thống phòng thủ của nuớc này.

Theo nhận định của Le Figaro, các tranh chấp ở Biển Đông không chỉ mang tính địa chính trị mà còn bao hàm cả nội dung kinh tế. Nhiều nước trong khu vực đẩy mạnh các hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí.
Một báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ năm 2008 đánh giá rằng vùng Biển Đông có trữ lượng lên tới 213 tỷ thùng. Theo tập đoàn dầu khí Anh BP, đây là trữ lượng cao nhất so với tất cả các nước trên thế giới, chỉ sau Ả Rập Xê Út và Venezuela.

Pháp : Các khó khăn rình rập vị tổng thống tân cử
Báo chí Pháp chạy tít trang nhất trên những chủ đề thời sự khá tản mạn, như Libération nói đến sự kiện Tổng thống Mỹ Obama tán đồng đám cưới người đồng tính, ông Hollande ở Pháp cũng vậy, cho nên tờ báo hóm hỉnh ghép ảnh hai Tổng thống tươi cười nhìn nhau trên phông nền màu cầu vồng với hàng tựa bên dưới : « Hôn nhân đồng tính : Họ trả lời thuận (Ils disent oui) ».
Nhưng chủ đề thời sự chính đối với các báo Paris vẫn là những gì chờ đợi Tổng thống tân cử ở Pháp. Le Figaro nhìn thấy quan hệ khó khăn với Đức : « Thủ tướng Merkel sẽ không nhượng bộ ông Hollande trên mặt siết chặt ngân sách », tít lớn trang nhất.

Về phần mình, Les Echos chú trọng đến thuế đánh trên lợi tức cao, thông báo là ông Hollande sẽ nâng mức thuế ngay từ mùa hè này. Tờ báo còn ghi nhận bối cảnh kinh tế ảm đạm của Pháp, không thấy tươi sáng một chút nào : tăng trưởng quý hai, theo Ngân hàng Trung ương Pháp sẽ ở mức 0 như vào quý một.

La Croix thì nhìn thấy mối đe doạ trên việc làm do kế hoạch sa thải người của các công ty, tập đoàn. Theo tờ báo, các kế hoạch đã được dời lại do cuộc bầu cử. Giới công đoàn đã lên tiếng tố cáo chính quyền mãn nhiệm đã can thiệp để các kế hoạch sa thải không được đưa ra trong thời gian vận động tranh cử. Giờ đây thì những kế hoạch như việc tập đoàn đại siêu thị Carrefour, sa thải từ 3.000 đến 5.000 việc làm, có nguy cơ được thực hiện.

Cam Bốt cảnh báo nạn thuốc giả
Trong bài báo tựa đề « thuốc giả tràn lan », nhà báo Arnaud Dubus của tờ Libération, cảnh báo về tệ nạn thuốc giả gia tăng với tốc độ chóng mặt trong 15 năm qua ở Cam Bốt, trong bối cảnh chính quyền Phnom Penh cố gắng ngăn chặn nhưng một cách trầy trật do việc thuốc giả mang lại lợi nhuận quá cao, vào lúc mà không thể kiểm soát hàng buôn bán trên mạng Internet.
Bài phóng sự mở đầu với cảnh tướng Sau Pan, đặc trách chiến dịch chống thuốc giả, đang ung dung chờ "phán xét" của chiếc máy tối tân Truscan, hoạt động bằng quang phổ, có thể phát hiện ra thuốc giả, thuốc thật trong không đầy một phút.

Ông đã đưa vào chiếc máy một viên Lipitor, giúp giảm mỡ trong máu, kết quả in trên màn ảnh của máy làm viên tướng sửng sốt : giả. Ông không thể ngờ những người làm thuốc giả tinh vi như vậy, và đến ông còn bị lừa.
Câu chuyện trên theo tác giả bài báo cho thấy tầm mức tệ nạn này ở Cam Bốt nói riêng và ở Đông Nam Á nói chung. Bài báo trích số liệu của viện Iracm, ở Paris, nghiên cứu về thuốc giả, theo đó 30% thuốc bán ra trong khu vực là thuốc giả hiệu.
Nhưng theo một số chuyên gia, tỉ lệ này trên thực tế cao hơn nhiều, vì khi một nhà thuốc bị kiểm tra để tịch thu thuốc lậu, thì những nhà thuốc khác rút giấu ngay những mặt hàng này.

Trên thị trường buôn lậu, thuốc giả được xem là mặt hàng mang lại lợi nhuận kếch xù nhất, cao gấp 10 lần so với bạc giả hay ma túy. Sản xuất thuốc giả không cần thiết bị gì tốn kém : chỉ cần vỏ bọc, bên trong thì nào là cát, hạt bụi…, về màu các viên thuốc thì họ sử dụng những loại màu nước.
Cho nên việc chống tệ nạn này không đơn giản chút nào vì nhiều lý do, trước tiên là đứng sau các đường dây là những nhân vật quyền thế.

Theo bài báo thì từ năm 2010, Pháp trợ giúp Cam Bốt trong vấn đề chống thuốc giả, và đã có 1.000 tiệm thuốc bị đóng cửa tại Phnom Penh. Nhưng tại các vùng sát biên giới phía Tây, như Paillin, hay Anlong Veng, vùng Tây Bắc, nơi được chính quyền Phnom Penh kiểm soát một cách lỏng lẻo, nạn này lan tràn. Dù có biết nhưng không ai dám nêu tên các thủ lãnh đường dây, nhưng mọi người đều biết đứng phía sau là chính trị gia hoặc quân nhân cao cấp.

Tướng Sau Pan cho biết là mỗi khi thực hiện một chiến dịch thì họ chỉ báo trước cho các bộ, ngành 2 tiếng đồng hồ mà thôi. Cho dù thế, trong số lượng hàng mà cơ quan ông khám phá, thì một nửa đã biến mất khi họ đến tịch thu.
Công việc của ông rất nguy hiểm đối gia đình ông. Con trai của tướng Sau Pan từng bị bắt cóc, được thả sau 20 ngày với tiền chuộc. Một số kẻ bắt cóc đã chạy sang Pháp, Thụy Điển, Thái Lan.

Theo bài báo những nơi sản xuất thuốc giả phần lớn ở Trung Quốc và Ấn Độ. Nhưng có khi chính những xưởng chế tạo thuốc nhãn hiệu đàng hoàng lại làm thuốc giả vào ban đêm.
Bài báo nhắc lại : Trong một vụ gần đây, thuốc giả mua tại Cam Bốt được gởi qua bưu điện đến Nhật Bản, và Tokyo đã báo động về những kiện hàng họ thấy không bình thường.

Theo bài báo, việc kiểm tra hàng ở hải quan, hay tại các hiệu thuốc hầu như không thể phát hiện thuốc giả, ngoại trừ gởi mẫu đến phòng thử nghiệm hay sử dụng chiếc Truscan, một chiếc máy trị giá 30.000 euro, mà cảnh sát Cam Bốt chỉ có một chiếc duy nhất và lại do viện bào chế Thụy Sĩ Pfitzer cho mượn.

Mối đau đầu lớn khác nữa cho giới chống nạn thuốc giả là mạng internet. Giới trẻ quen mua sắm trên internet, mua thuốc trên mạng với giá rẻ hơn nhiều so với giá ở nhà thuốc tây. Ngã béo bở này đã khiến ít nhất 50% thuốc bán trên mạng là giả. Việc kiểm tra các kiện hàng mua trên mạng hầu như là không thể thực hiện được.

Bài báo lấy ví dụ trong nhà kho bưu điện tại sân bay Roissy, những kiện hàng thuốc giả đến từ Lào, Cam Bốt, Việt Nam hay Ấn Độ hiện đang chất cao đến tận trần nhà.
Bài còn nhắc lại đối với Việt Nam, vào cuối năm 2011, sau những thương lượng gay go, Pháp đã có một thỏa thuận hợp tác với Việt Nam chống nạn thuốc giả, tương tự như với Cam Bốt năm 2010.
http://www.viet.rfi.fr/diem-bao/20120511-bien-dong-dau-truong-cua-mot-cuoc-chien-moi-ve-khi-dot
 

No comments: