Sunday, March 29, 2009

DIÊN NGHI *THƠ THANH THANH


DIÊN-NGHỊ GIỚI-THIỆU THANH-THANH

với tập thơ

CƠN ÁC MỘNG




Một phần tư thế kỷ trôi qua. Ngày đầu thiên niên kỷ đã tới. Người đã rời xa đất nước, người còn lại giữa quể hương, ắt hẳn không nguôi quên cơn ác mộng tháng tư năm ấy.

Cuộc chiến dừng lại. Kết thúc. Người chiến sĩ miền Nam phải buông vũ khí đầu hàng, khi sức mạnh, tinh thần chiến đấu còn vững vàng tin tưởng. Thân phận nhược tiểu quốc đã phải đắng cay tuân phục bàn tay đặt để phù thuỷ của đồng minh. Họ có cả cây gậy thần để răn đe, củ cà-rốt phù phép để biếu tặng và sẵn sàng hy sinh, tàn nhẫn đẩy đưa tuyến đầu chống cộng sản vào cơn lốc hoảng loạn, tan hoang. Họ phủi tay, ngoảnh mặt trước làn sóng đỏ tràn ngập xã hội miền Nam.

Dân quân miền Nam có ai thoát vòng hệ luỵ? Nhà tù nhỏ, lớn nhan nhản mọc lên ba miền Trung Nam Bắc. Những đoàn người lần lượt bước vào cổng trại tù, mới hôm nào đây, hiên ngang, sừng sững trước trận tuyến, còn vang vọng lời thề sắt son để bảo vệ tự do.

Có người đã vượt thoát vòng vây, đã đến được nơi muốn đến. Cũng có những tai hoạ mở đường. Tháng tư oan nghiệt lịch sử, nước mất, nhà tan, tan đàn xẻ nghé, qua tâm sự của Thanh Thanh:

Bạn thoát. Còn tôi, tôi kẹt lại!

Thảm thay vận nước thuở suy tàn:

Miền Cao đã mất, Miền Trung mất;

Còn chút Miền Nam, khó vững an!

Nhận rõ thực tế, tình hình. Nhìn bản đồ quê hương, miền đất càng ngày càng thu hẹp. Sự thua thiệt gần kề. Phân vân giữa trách nhiệm và nghĩa vụ, người chỉ huy đơn vị đã đặt quan niệm rõ ràng trung tín:

Nếu chạy thì lo cho lính chạy,

Lời thề huynh đệ gió chưa tan.

Chỉ huy trước trận mà đào ngũ

Thì quá dơ danh cấp trưởng đàn!

Không đành bỏ nước ra đi, là chấp nhận đoạ đầy giữa cõi âm u tù ngục. Người chiến sĩ miền Nam có thể chịu đựng, bước qua khốn đoạ từng ngày. Những ngang trái, không chỉ có từ thái độ cư xử của kẻ thù, mà sự khiếp nhược, hèn nhát của “bạn” chỉ một sớm một chiều đã đánh mất danh dự, liêm sỉ con người:

Ở trong tù, có những lúc bầm gan

Không chỉ giặc, mà còn do phía “bạn”!

Mâu thuẫn xuất phát theo hoàn cảnh. Nghịch lý vẫn là nguyên lý để từ đó tìm được định lý giải quyết để có một đáp số cân bằng dung hợp giữa hoàn cảnh sống, giữa bản thể và tha nhân:

Trong đày đoạ, trong tận cùng thế luỵ,

Giữa đàn cừu, dưới móng vuốt sài lang,

Có những bạn tù, khí phách hiên ngang

Đã đứng dậy, khinh lờm phường độc giống.

Với tác giả, nhạy cảm trước gian manh, giả tạo cái gọi là “chính sách nhân đạo” của đối phương, lời hứa hẹn học tập vài tháng, đã kéo dài hàng chục năm. Lưu giữ thân thể người như một đồ vật, không luật lý xét xử, quyền sinh sát nằm trong tay của những con người đã mất hẳn tính người... và người tù chỉ biết rèn luyện nhẫn nhục đợi chờ:

Phần con: vẫn tội không toà xử,

Vẫn khổ sai tù chẳng án tuyên,

Nhưng vẫn nhẫn nhường qua hạn dữ

Đúng như lời Mẹ vẫn từng khuyên.

Ý thức đức tính nhẫn nhường chịu đựng, cũng là niềm hy vọng tồn tại. Thơ trong môi trường này là động lực thúc đẩy con người vươn dậy, phóng nhìn ra khỏi chu vi chật hẹp thực tại, giữa bốn bức tường cao, trở về với riêng tư cảm xúc, rút ra bài học quá khứ cho chính mình, cho đồng bạn, cho những ai còn mê lầm, nông cạn, đứng núi này trông núi nọ.

Thơ tôi đó, có người xưa, cảnh mới,

Từ trong tù, ra đất rộng, trời cao:

Có nghĩa mẹ hiền, bát ngát trăng sao;

Có tình chị quý, bao la đất nước;

Có anh, có bạn, có em lỡ bước

Theo đường tà rồi mới thấy sa chân;

Có chàng “đối-lập” ngưỡng-vọng thù-quân

Đợi địch đến mới vỡ lòng, sáng mắt;

Có nàng thiếu phụ, tay bồng, tay dắt

Tìm tự do, mơ ước vượt trùng dương;

Có chú tu hành cũng vướng tai ương

Phải nhập thế để giành quyền sống đạo;

Và, chế độ, với ngu đần, ngược bạo;

Và, đồng bào, trong kìm kẹp lầm than!

Cứ thế, sau cuối mỗi ngày, tiếng kẻng gắt gỏng nhà tù gióng lên, cánh cửa tù khép kín, người tù diện bích, hồi tưởng một quá khứ lùi xa, tiếc thương, cay đắng tình đời, tựa hồ đang viết một bản tự kiểm trung trực, một lời thú tội chân thành:

Thiên hạ nhiều phe, nhiều đảng lắm;

Mình không phe đảng, chịu cô thân!

Người ta tham nhũng, mình liêm khiết;

Họ sống xa hoa, mình túng bần!

Có kẻ ganh tài, người ghét mặt;

Có thù trước ngõ, oán trong sân;

Có trên nghi kỵ lòng trung nghĩa;

Có dưới dèm pha óc chính chân!

Nghĩ đến hình ảnh người vợ giờ này đang thân cò lặn lội, cưu mang đàn con bơ vơ, cũng do người chồng một thời nặng lý tưởng và liêm sỉ, chỉ biết phục vụ, quên mình và bằng lòng với hai chữ vàng liêm khiết, thà cam chịu dở gàn:

Bạn lứa: đô la với hạt xoàn;

Chồng người: đại phú với cao quan;

Chồng em thủ phận nghèo, cô thế,

Chẳng chịu chen chun, chỉ chịu gàn!

Người xưa đã dạy: “Nhà nghèo mới biết con hiếu, nước loạn mới biết tôi trung.” Lớp sơn đạo đức bên ngoài dù hào nhoáng cũng khó trùm che được bản chất vốn xấu xa của những kẻ tham lam, độc ác, và dĩ nhiên triết lý cuộc sống vẫn không bao giờ chấp nhận những giả nhân, giả nghĩa, ngược lại điều thật vẫn đuợc quý trọng, tôn vinh:

Và nếu thương trường mà náo loạn,

Mua gian, bán lận, lệch đòn cân?

Chợ đời chỉ quý khi còn gặp

Những kẻ ngay lành, những thiện nhân!

Khí tiết của người chiến sĩ trong loạn lạc là danh dự, cơ đồ có thể thành tro bụi giữa can qua. Cơ đồ còn xây dựng lại do sức mạnh, trí tuệ muôn người cùng chí hướng, cùng mục đích, nhưng con người khi đã để mất khí tiết thì chẳng khác chi cỏ cây hèn mọn:

Chiến-hữu vì mình mà bỏ mạng

Dưới cờ: chết ấy hùng hay oan?

Cơ đồ có thể thành tro bụi,

Khí tiết nghìn thu phải bảo toàn!

Tâm tư của người trong cuộc, trăn trở, ray rứt không nguôi. Biết thổ lộ cùng ai, một mình một bóng trong đêm dài tù ngục. Và biết nói sao cho vơi nỗi muộn phiền đau khổ, có chăng chỉ được tấm lòng. Giữa đôi nơi, đôi lòng cách trở, hy vọng thông cảm trong trùng trùng cách cảm:

Có rẽ chia nào không đớn đau?

Lấy lòng mà hiểu chút lòng nhau!

Những khi ngoài song sấm dậy, mưa chuyền, khi ngọn gió mùa chợt đến, cơn ác mộng lại vò xé, tra tấn thân phận cô đơn cùng cực người tù:

Cuộc đời đã ác với mình

Mà cơn mộng cũng đồng tình ác theo!

Đêm kia, bục đá nằm queo

Hồn nương theo ngọn gió heo về nhà:

Gặp nhau, mững rỡ khóc oà,

Lòng con tức tủi, lòng cha nghẹn ngào!

Cơn ác mộng quấn quít bủa vây. Đoạn truờng trăm mối, nhân sinh quan của Thanh-Thanh thể hiện từ niềm tin chính mình, với bản lĩnh vững chắc, nhân danh chiến sĩ trong hàng ngự tự do, nhân ái, nhà thơ không lạc quan, nhưng cũng không bi quan tuyệt vọng. Bằng nhãn quan sáng suốt, trung trực, phác hoạ những nét chính của cuộc đổi đời lịch sử, cho thấy tình người chân thiện là kỷ vật quý báu, và tác giả cũng bằng nguyện cầu cho đất nước sớm được đổi thay theo ước nguyện của dân lành từng cam chịu tai ương hoạn nạn:

Xin cầu nguyện cho trời quang, mây tạnh,

Chôn chuyện buồn theo thế kỷ hai mươi...

Thanh-Thanh trải qua nửa thế kỷ cống hiến cho văn học. Viết đủ thể loại, với thơ ký bút hiệu Thanh-Thanh, với văn ký Kiều Ngọc, với kịch ký Nguyệt Cầm, với luận ký Người Thơ, với phúng ký Tú Ngông. Đã có hàng chục tác phẩm xuất bản từ 1949 đến 1965 tại Việt Nam. Định cư tại Hoa Kỳ, Thanh-Thanh tiếp tục sáng tác và đã xuất bản “Về Vùng Chiến Tuyến,” hồi ký 1996 (nhà Văn Nghệ). Thanh-Thanh còn dịch và viết thơ bằng ngôn ngữ Anh. Ông là hội viên Hiệp Hội Thi Nhân Hoa Kỳ, hội viên trọn đời Hiệp Hội Thi Nhân Quốc Tế, thành viên Hàn Lâm Viện Thi Nhân Hoa Kỳ. Được bầu vào “The International Poetry Hall of Fame.” Nhiều cơ sở thi ca Hoa Kỳ đã chọn in thơ ông trong các tuyển tập:

“Wind in the Night Sky” - “Best New Poems”

“Outstanding Poets of 1994” - “Best Poems of 1995”

“Who’s Who in New Poems” - “Best Poems of the ’90s”



DIÊN NGHỊ

(Trích “Thời Báo” San Jose, số 2693, Thứ Bảy, Chủ Nhật 08, 09-01-2000)


TẬP THƠ “CƠN ÁC MỘNG”
của

THANH-THANH



http://en.wikiped

No comments: