Các bài cũ của Sơn Trung Thư Trang - http://vanhoavn.blogspot.com
Sunday, March 15, 2009
HỘI NGHỊ G20 TẠI LONDON
Đôi nét hội nghị G20 ở London
Bộ trưởng tài chính khối G20 hiện còn có bất đồng
Các nhà lãnh đạo thế giới sẽ nhóm họp ở London vào ngày 02 tháng Tư để thảo luận về kế hoạch đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay.
BBC giải thích về lý do triệu tập hội nghị này và hy vọng sẽ đạt được điều gì.
G20 là gì?
G20 là nhóm những quốc gia mạnh nhất thế giới, chiếm 85% nền kinh tế thế giới. Nhóm này bao gồm các cường quốc công nghiệp như Hoa Kỳ và Đức, cũng như những thị trường mới nổi như Trung Quốc và Brazil.
Nhóm G20 được lập ra sau khủng hoảng tài chính châu Á năm 1999 đề bàn về hợp tác quốc tế giữa các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương.
Tuy nhiên, G20 có sứ mệnh mới do kinh tế thế giới chững lại và cuộc họp đầu tiên của giới đứng đầu chính phủ 20 nước đã diễn ra cuối tháng 11 năm ngoái tại Washington.
Tại lần nhóm họp này các nhà lãnh đạo đã cam kết phối hợp hành động để giải quyết cuộc khủng hoảng.
Nay Anh Quốc, hiện nắm ghế chủ tịch luân phiên của G20, đã triệu tập cuộc họp ở London để bàn tiếp các biện pháp đối phó với cuộc khủng hoảng.
Mục đích hội nghị ở London
Thủ tướng Gordon Brown tin rằng mục đích của hội nghị thượng đỉnh ở London không gì khác ngoài việc tái cấu trúc hệ thống tài chính thế giới.
Trước tiên, các nhà lãnh đạo muốn đạt được thỏa thuận nhằm phối hợp hành động để vực dậy nền kinh tế thế giới, bao gồm cả việc cắt lãi suất và chính phủ các nước tăng chi nhằm thoát khỏi cuộc khủng hoảng.
Thứ hai, sẽ có những nỗ lực để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng trong tương lai bằng cách tăng cường các quy định quốc tế đối với khu vực ngân hàng và các định chế tài chính.
Thứ ba, họ cũng hy vọng sẽ thống nhất được lộ trình cho cải cách trong tương lai, bao gồm thay đổi tại các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhằm tạo điều kiện lắng nge các nước nghèo nhiều hơn nữa.
Nói chung, người ta hy vọng rằng hội nghị thượng đỉnh ở London sẽ phòng xu hướng tiến tới việc bảo hộ kinh tế nội địa bằng cách thuyết phục các quốc gia rằng làm việc cùng nhau sẽ có hiệu quả hơn nhằm chống chọi với cuộc khủng hoảng.
Những trở ngại chính
Barack Obama hiện chưa tỏ rõ cam kết hợp tác quốc tế toàn diện
Có một số vấn đề trong nỗ lực đạt được thỏa thuận toàn diện về cải cách nền kinh tế thế giới.
Trước hết, các kế hoạch sẽ chỉ có kết quả với sự tham gia toàn diện của Hoa Kỳ, nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tân Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama hiện chưa tỏ ý rõ ràng về qui mô ủng hộ hợp tác quốc tế.
Người ta thấy có thể có bất đồng lớn về việc làm thế nào để điều tiết kinh tế thế giới, với Hoa Kỳ nhiều khả năng không đồng ý với một tiêu chuẩn mà có thể cũng áp dụng cho các lĩnh vực tài chính nội địa theo đề nghị của một số nước Âu châu.
Đề xuất cơ cấu lại các tổ chức tài chính quốc tế cũng nhiều khả năng gây tranh cãi vì tạo thêm quyền cho các nước đang nổi lên như Trung Quốc và Brazil. Tức là ảnh hưởng từ các nước Châu Âu trong IMF và Ngân hàng Thế giới sẽ bị giảm bớt.
Khả năng xảy ra
Với nhiều quốc gia đã đưa ra các kế hoạch kích thích kinh tế thì việc ủng hộ cho các biện pháp này về nguyên tắc là tương đối dễ dàng.
Nhưng hiện không rõ là cuộc họp sẽ thực sự đưa ra được cam kết mới của các chính phủ với kế hoạch chi thêm như mua lại nợ hay không.
Hơn nữa không rõ các thị trường tài chính có ủng hộ kế hoạch như vậy hay là không.
Hiện nhiều khả năng không có bất kỳ biện pháp cụ thể nào nhằm khống chế biến động tỷ giá hối đoái hiện đang gây ảnh hưởng lớn tới các nước đang phát triển.
Và các quốc gia nhỏ hơn có thể thất vọng vì tiếng nói của họ không được lắng nghe nhiều.
Rốt cùng, kế hoạch đưa ra một hệ thống mới quy định về tài chính toàn cầu có thể chỉ đi tới việc thống nhất được các biện pháp có tính khả thi.
Tức là trước hết phải đạt được đồng thuận trên nguyên tắc về qui định mới đó là gì và liệu qui định đó có thay thế các qui định hiện hành hay không. Chẳng hạn như thay thỏa ước Basel vốn khống chế các hoạt động trong khu vực ngân hàng.
Thành viên của G20 bao gồm Argentina, Úc, Brazil, Canada, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Ý, Nhật Bản, Mexico, Nga, Ả rập Saudi, Nam Phi, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ và EU.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment