Sunday, March 1, 2009

VƯƠNG TRẦN * LÀNG GIẢ SƯ NGHĨA ĐỒNG




Về thăm làng nghề... “giả sư” Nghĩa Đồng



Chủ nhật , 1 / 3 / 2009, 15: 23 (GMT+7) - Nghề... “giả sư” được xem như một thứ nghề “cha truyền con nối” ở xóm 5, xã Nghĩa Đồng (huyện Tân Kỳ , Nghệ An). Có người đã gọi đó là “làng nghề giả sư”... Xã Nghĩa Đồng nép mình bên dòng sông Con thơ mộng. Vậy mà ở xóm 5 của xã này lại có những người nông dân chân đất “đội lốt nhà sư”, đi khắp mọi miền của đất nước quyên tiền “công đức” cho vào... hầu bao mình. Có “sư” “làm ăn” đuợc trở nên giàu có, nhưng cũng có nhiều “nhà sư” phải rơi vào vòng lao lý.


Chiều về “sư” chật bến sông! Vừa đặt chân đến làng “giả sư”, anh bạn dẫn đường nói: “Làng tui có phong cảnh đẹp mê hồn đến nỗi cứ mỗi chiều các “nhà sư” thường hay về để vãn cảnh”. Tưởng đùa, ai ngờ đến bến sông Con, cảnh “nhà sư” vận áo nâu sòng “tím” cả bến sông. “Sư” đi xe máy, “sư” đi bộ... đứng chật bến đò. Với tính tò mò về các “nhà sư”, anh lái đò cười chóe miệng nói thầm: “Các “sư” hay về đường sông để trốn tránh, chứ “vãn cảnh” gì đâu. Nhà sư không về đường chính của xã mô. Họ tránh đám con nít chăn trâu. Bởi đám trẻ thấy là hát: ve vẻ vè vè, có bầy sư giả, đầu trọc lừa dân, có bỏ nghề không, về mà cày ruộng…”. Một sư giả ở Nghĩa Đồng đang trên đường "đi làm".



Thứ nghề này đối với rất nhiều người ở xóm 5, xã Nghĩa Đồng (Tân Kỳ, Nghệ An) là nghề chính của họ. Bởi "đầu tư" ban đầu không nhiều nhưng dễ kiếm tiền. Khỏe hơn nhiều so với nghề làm ruộng. Ảnh: Vương Trần ”Sư “rầy” (xấu hổ) quá phải tránh đường khác mà. Khi mấy “sư” vừa xuống đò, khuất bên cồn cát, anh lái đò nói toạc ra: “Toàn sư đểu đấy anh ạ! Chiều mô mà tui chẳng chở qua bến sông này, bình quân ngày chở trên 30 sư. Mà Tết Nguyên đán vừa qua, “sư” tứ tán khắp nơi đổ về chật cả bến sông, “sư” nào cũng máy điện thoại di động đời mới, trông xông xênh lắm!". Nói chung, cứ vượt qua dòng sông Con là các “sư” “chẳng vướng bụi trần”, lột “sạch đồ nghề”, nâu sòng, tay nải bỏ túi, mày râu, tóc tai vẫn “nguyên trạng”, cứ y như đi du lịch về ai biết là “sư”.




Về đến đầu xã Nghĩa Đồng vào quán bà T. uống nước hỏi chuyện sư sãi, bà T. chẳng giấu: "Nói thật với anh, cả xã Nghĩa Đồng này có nhiều người đi làm nghề “giả sư”, mà riêng xóm 5 bầy tui thì đông nhất". Xóm có 180 hộ dân, hơn 700 nhân khẩu thì có trên 200 nhân khẩu làm nghề này và đang “đi làm” trên phạm vi toàn quốc. Có nhà đi 2-3 người, cả anh em ruột, thậm chí cả mẹ con, bố con đều làm “sư”. "Sư" ở đây được chia làm nhiều loại, có loại đi kiếm ăn quanh năm, có loại “sư mùa vụ”, có nghĩa khi nông nhàn là xếp đồ nghề lên đường. Mà hấu hết là đi xe máy kiếm ăn ở các huyện chứ đi bộ “khất thực” loanh quanh ở các xã lân cận người ta đều “quen mặt”, có khi lại bị đuổi như... đuổi tà! Qua tìm hiểu, được biết nghề “giả sư" ở Nghĩa Đồng đã có lịch sử 20 năm rồi. Nghe nói “cụ tổ” của nghề này bây giờ đã là một cao niên râu tóc bạc phơ. Trước đây, ông ta hay về làng nhưng giờ không biết phiêu bạt nơi nào.




Từ chỗ lác đác một số người theo gót “cụ tổ”, xem ra kiếm ăn được, đâm ra nghề này rộ lên từ thập kỷ 90 đến nay. Nhiều người làng nhờ từ nghề “giả sư” mà giàu phất lên như diều gặp gió. Nổi bật có hộ Nguyễn Văn G. sinh năm 1964, chỉ mới dăm năm theo nghề “sư” mà G. đã xây được ngôi nhà cao tầng khang trang với đầy đủ tiện nghi đắt tiền. Hộ Võ Thị Q. cũng xây được nhà cao tầng. “Sư giả” thoát ly lên cao nguyên... làm ăn Mới đây, khi lên TP Buôn Ma thuột, anh bạn quê gốc ở Nghĩa Đồng công tác lâu năm ở đó đã dẫn chúng tôi tìm gặp các “sư giả” hành nghề trên cao nguyên. Anh hóm hỉnh: “Sư này là “sư thoát ly chuyên nghiệp đấy, một năm chỉ về thăm nhà một lần, còn chuyện đồng áng ở nhà đã có vợ con lo rồi, cứ miễn anh đi “sư” gửi nhiều tiền về cho vợ con là được”.




Anh dẫn chúng tôi đến Vườn quốc gia Yok Don và nói: “Sư sãi nằm ở đây cả đấy, chỉ toàn công nhân cuốc cỏ cà phê, nhưng hôm nào hết việc mùa vụ thì lại chuyển nghề “sư giả”. Hồi tôi vào đây mang tấm bằng đại học xin việc không được, thất thểu ngoài đường, vậy mà có “sư” của làng phát hiện được, kéo vào uống cà phê rồi hỏi: “Mi có “đi sư” không? Tau kiếm cho bộ nâu sòng”. Chiêu bài của các vị “sư” này là khoác áo nâu sòng, tay nải, mang theo túi xách đựng nhang. Đến bất cứ nhà nào cũng vận động mua nhang.





Đặc biệt khi hành nghề các sư thường đưa ra quyển sổ nhàu nát, trong đó thống kê các nhà “hảo tâm” mua nhang, để chứng minh là mình đi làm việc thiện, việc công đức nên nhiều người đã không ngần ngại bỏ ra số tiền rất cao để mua một thẻ nhang. Bữa “trúng quả” bán được 30 bó nhang thì có 600.000 đ. Có “nhà sư” ngày kiếm được tiền triệu, trong khi cuốc cỏ cà phê cật lực ngày chỉ được 70.000đ.



Chưa kể là một số sư vào nhà ai mắt cũng lấm la lấm lét, chỉ cần sơ hở là chôm liền. Thế mới có chuyện ở TP Buôn Ma Thuột có người dân phát hiện “sư” trộm cả điều khiển ti vi bỏ vào “tay nải”. Quá ngạc nhiên, người ta báo công an phường thì mới lộ diện là sư giả. K. – anh bạn am hiểu về nghề này đã dẫn chúng tôi thâm nhập được thế giới các nhà “sư giả”. Các “sư sãi” ở Nghĩa Đồng thường ở tập trung trong các lán trại. Có khi đi làm cỏ cà phê chỉ là hình thức chiêu nạp thêm đệ tử, ban đêm “tụng kinh gõ mõ”, tự mua các loại sách về giáo Phật để đọc thuộc lòng. Khi gặp đối tượng để bán nhang giọng cứ vanh vách sặc mùi giáo lý nhà Phật. Chân dung "Ni cô" giả Diệu Linh mà chúng tôi bắt gặp khi cô đang hành nghề ở Yên Thành, Nghệ An. Ảnh: Vương Trần “Họ nhanh lắm, có lúc trên đường làm cỏ cà phê về, áo quần đang lấm lem bùn đất, thế mà chỉ nhảy vào lùm cà phê một loáng là đã biến thành “sư”, và có thể hành nghề ngay” – anh K. có vẻ “thán phục” nói.



Có hôm ở Nghệ An, trời nắng như đổ lửa, tôi thấy có 2 “ni cô” dừng xe máy tại xóm 9 xã Xuân Thành, huyện Yên Thành. Một ni cô da ngăm đen thân hình phốp pháp đến đại lý bánh kẹo của chị Đào năn nỉ mua cho “nhà chùa” bó nhang làm từ thiện.

Chị Đào bảo rằng: “Nhà tui bán hàng đại lý, nhang cũng đang ế ra đó ai mua cho mà mua nhang của chị!”. Sau đó, do quá nể nả trước những lời “thuyết pháp”, chị Đào đành mua 2 bó nhang với giá 40.000 đồng, trong khi mỗi bó nhang bán chị bán chỉ có giá 500đ. “Thôi thì làm phúc ấy mà” - chị Đào tự an ủi. Thấy tôi xông vào chụp ảnh lia lịa, “ni cô” nọ giật bắn người. Tôi hỏi: "Ni cô tên gì và ở chùa nào thế?". Ni cô trả lời lắp bắp: "Ni cô tên Diệu Linh, thuộc chùa Pháp Linh ở Quảng Trị…”. “Ô, thế sao ở Quảng Trị lại đi xe gắn máy biển số 37 của Nghệ An?” - Tôi hỏi tiếp, ni cô lúng túng: “Thì ni cô mượn mà”. Cuối cùng, khi tôi hỏi đến thẻ, thì ni cô bảo rằng “quên mang theo rồi”. Vừa nói ni cô vừa gọi bạn rồi phóng xe đi trong làn bụi mịt mù. Các “nhà sư” vẫn... bị bắt! Một số “nhà sư” không may mắn đã bị công an tóm lúc hành nghề. Mới đây, Công an TP Vinh đã bắt được hai đối tượng là Vừ Thị Lan (SN 1977) và Phạm Thị Hợi (SN 1971), cùng trú tai xã Nghĩa Đồng. Công an đã tịch thu tại chỗ 1,5 triệu đồng, đây là số tiền một người dân vừa nạp từ thiện cho hai "ni cô". Hai “ni cô” này thừa nhận thấy nghề này “khoẻ ăn” nên đã dùng để kiếm sống. Một trong những ngôi biệt thự ở xóm 5, Nghĩa Đồng kiếm được do hành nghề giả sư. Tuy vậy, cũng có nhiều "nhà sư" không may vướng phải vòng lao lý. Ảnh: Vương Trần Tại Đồng Nai, công an cũng đã lật mặt được “nhà sư” Nguyễn Văn Tứ (SN 1965) tại Nghĩa Đồng, Tân Kỳ, Nghệ An. Tứ chưa đi tu ngày nào nhưng gã ta đã khoác áo tu hành, đi gõ cửa các nhà hảo tâm để quyên góp cho quỹ tình thương của nhà chùa và lừa bán nhang cho rất nhiều người khác.

Trước cơ quan điều tra, Tứ khai báo: Khi đang tìm việc ở huyện Long Khánh, Đồng Nai thì được “nhà sư” đồng hương truyền nghề cho. Ông này đã phát cho Tứ một bộ đồ nghề và 1 tờ giấy giới thiệu lưu hành của chùa Bửu Long (không có chùa này trong thực tế) do Hòa thượng Thích Thông Bảo ký với pháp danh Minh Ngọc. Từ đó Nguyễn Văn Tứ khăn gòi hành nghề quyên góp, bán nhang. Cao tay hơn, với chiêu “mua tượng Phật cho chùa”, Tú đã xin được hóa đơn đặt tượng 10 triệu đồng tại 1 cửa hàng điêu khắc. Sau đó Tứ mang hóa đơn này đến nhiều gia đình ở Đồng Nai, xin tiền quyên góp. Rất nhiều hộ gia đình đã cả tin đưa tiền mà không biết mình bị lừa. Tiếp đó, Công an TP HCM còn bắt được Dương Thị Thuỷ SN 1971, Dương Thị Nga SN 1970, Võ Thị Quỳnh SN 1980, Nguyễn Thị Phượng SN 1969 cũng ở xã Nghĩa Đồng khi đang hành nghề “giả sư”. Nạn sư giả đang hoành hành ở xã Nghĩa Đồng, nhưng xử lý thì còn lắm gian nan.




Ông Lê Công Hợi - Trưởng công an xã Nghĩa Đồng tâm sự: “Chuyện nhiều người hành nghề “giả sư” ở Nghĩa Đồng là có thật, các đối tượng không theo tôn giáo nào mà đều giả danh để lừa gạt, kiếm tiền. Tuy nhiên, xã cũng đang bất lực trong khâu xử lý, bởi qua kiểm tra thì hầu hết các đối tượng lại đều có thẻ “tăng ni, phật tử”. Thậm chí, xã còn cất công vào TP. HCM để tìm hiểu thì các chủ trọ nơi đây còn đứng ra “bảo lãnh” cho các công dân của Nghĩa Đồng hoạt động sư sãi giả danh”. “Cấp uỷ, chính quyền xã cũng đã tuyên truyền đến tận người dân nhưng xem ra không hiệu quả. Mấy năm nay xã đã phát thông báo cho một số tỉnh trong cả nước “cảnh báo hiện tượng sư giả quyên tiền công đức”. Xã rất mong các cấp ngành chức năng cần vào cuộc để giúp cho địa bàn Nghĩa Đồng sạch bóng sư giả” – ông Hợi nói tiếp. Vương Trần (Theo VNN )

http://60s.com.vn//index/1983212/01032009.aspx




No comments: