Saturday, March 7, 2009

TIN TỨC TÒA THÁNH






Cuộc hội đàm khép lại, Toà Thánh đứng về phía những người tìm kiếm công lý và sự thật
VietCatholic News (20 Feb 2009 02:55)

Cuộc hội đàm gữa phái đoàn ngoại giao Toà thánh Vatican và giới chức ngoại giao Việt Nam đã khép lại sau hai ngày làm việc (16 - 18/2/2009). Kết quả của các cuộc hội đàm nhằm đưa tới việc bình thường hoá quan hệ giữa Vatican và nhà nước cộng sản Việt Nam, theo một nguồn tin nội bộ, là "chưa đi đến đâu cả ". Những nhà quan sát ngạc nhiên vì thời lượng của các cuộc hội đàm chỉ kéo dài chưa đầy hai ngày, trong khi thời lượng phái đoàn Toà thánh dành cho các cuộc viếng thăm một số giáo phận Miền Bắc nhiều gấp đôi. Với những người giáo dân Việt Nam, chuyện thời gian hội đàm ngắn hay dài không phải là chuyện quan trọng. Điều mà người giáo dân Việt Nam trong và ngoài nước quan tâm là Đức Thánh Cha luôn quan tâm tới tình hình Giáo hội tại Việt Nam, nên vẫn tiếp tục đối thoại với Nhà cầm quyền Việt Nam.




Ngay sau buổi hội đàm cuối cùng, một bản thông cáo báo chí được đăng tải. Đọc bản thông cáo, nhiều người chép miệng: "Những lời lẽ có cánh: đóng góp tích cực, tăng cường quan hệ đoàn kết giữa các tôn giáo và qua đó tiến tới khối đoàn kết toàn dân;.. chính sách nhất quán của Việt Nam về tôn trọng tự do tín ngưỡng... có vẻ nghe đã quen tai!"



Dù những cuộc hội đàm giữa phái đoàn Toà thánh Vatican và giới chức cộng sản Việt Nam đã khép lại và kết quả theo như nhiều nguồn tin cho biết là chưa thể có việc bình thường hoá quan hệ giữa Vatican và Việt Nam, nhưng các cuộc hội đàm này cũng đã làm hé lộ nhiều điều quan trọng.



Bản thông cáo báo chí được hãng TTXVN đăng tải có đoạn: "Về phía Tòa thánh, Thứ trưởng Parolin ghi nhận trình bày của phía Việt Nam về việc thực hiện chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo, thừa nhận những tiến bộ tích cực đã đạt được trong đời sống tôn giáo ở Việt Nam và mong muốn các vấn đề còn tồn tại trong quan hệ giữa Việt Nam và Vatican sẽ được giải quyết bằng thiện chí thông qua đối thoại chân thành." Theo những nhà phân tích, ẩn sau những lời này là thái độ thẳng thắn, dứt khoát của Toà thánh Vatican đòi buộc Việt Nam phải có những cải thiện xác thực về vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo nhằm tiến tới việc bình thường hoá quan hệ với Vatican nói riêng và với cộng đồng quốc tế nói chung.

Theo một nguồn tin nội bộ từ phái đoàn Toà thánh, chính đòi buộc xác đáng này lại đang là một thách thức lớn cho nhà nước công sản Việt Nam và cũng chính vì thế việc tiến tới mối quan hệ bình thường hoá sẽ còn "gặp nhiều khó khăn" đúng như nhận định của các hãng thông tấn.



Cũng liên quan đến các cuộc hội đàm giữa phái đoàn Toà thánh Vatican và giới chức ngoại giao Việt Nam, hãng thông tấn CNA nhận định có´ thể phái đoàn Vatican đã nghe Hà Nội nhắc về việc thuyên chuyển tổng giám mục Ngô Quang Kiệt, người đứng đầu giáo phận Hà Nội. Thực ra, theo nguồn tin đáng tin cậy từ một vị lãnh đạo của Giáo hội Việt Nam, giới chức ngoại giao cộng sản Việt Nam không hề đề cập đến chuyện liên quan tới Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt.

Cũng theo như vị lãnh đạo Giáo hội nhận xét, giới lãnh đạo nhà nước cộng sản Việt Nam không nhắc đến chuyện này, vì mấy tháng trước đây họ đã quá bẽ mặt với cộng đồng quốc tế khi thực hiện chiến dịch truyền thông bôi nhọ, hạ giá tư cách của một con người thực sự yêu nước, cương trực và ngay thẳng.

Nhiều người cũng đã đặt câu hỏi: biết chắc chưa thể tiến tới việc bình thường hoá quan hệ với một nhà nước cộng sản Việt Nam, vậy tại sao phái đoàn ngoại giao Toà thánh vẫn thực hiện chuyến viếng thăm này? Một linh mục thường tháp tùng phái đoàn khi phái đoàn viếng thăm các nơi, đã đưa ra nhận định rằng sở dĩ phái đoàn Toà Thánh sang thăm Việt Nam lần này cốt để thấy rõ hơn tình hình Giáo hội Việt Nam sau những tháng ngày sóng gió, đồng thời cũng để bày tỏ quan điểm của Toà thánh là đứng về phía người nghèo trên nẻo đường tìm kiếm công lý và sự thật.

Thiên Bình
==



Vụ đòi đất Tòa Khâm Sứ: Tiến bộ trong quan hệ Vatican-Việt Nam?23/01/2008


Nhiều tuần lễ qua, tu sĩ và giáo dân Công Giáo tại Hà Nội đã tập trung cầu nguyện trước Tòa Khâm Sứ Vatican cũ ở ngay trung tâm thủ đô Hà Nội. Đây là một trong số những tài sản của Giáo Hội Công Giáo bị chính quyền cộng sản do ông Hồ Chí Minh lãnh đạo tịch thu vào năm 1954.
Phóng viên Ben Stocking của hãng thông tấn AP trong một bài viết mới đây đã mở đầu rằng: 'diễn ra trong thầm lặng, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam lần đầu tiên thẳng thắn thách thức chính phủ theo chủ nghĩa cộng sản mạnh mẽ như vậy'.



Giáo hội đòi chính phủ Việt Nam trả lại Tòa Khâm Sứ tọa lạc trên khu đất rộng khoảng một hecta trại trung tâm thủ đô Hà Nội.
Mặc dù cuộc tranh chấp này khiến cho quan hệ giữa giáo hội và nhà nước đang trở nên căng thẳng, AP nói rằng diễn biến này cho phép dư luận đánh giá rằng quan hệ giữa nhà nước Việt Nam và Giáo Hội Công Giáo như vậy là đã có nhiều bước tiến bộ trong thời gian qua.
Nói một cách khác thì liệu năm hay mười năm về trước công an có để yên cho giáo dân Công Giáo tập trung bày tỏ đòi hỏi như vậy hay không.


Hãng tin AP trích lời ông Peter Hansen của một trường đại học Công Giáo ở Australia, rằng: 'Nay cái cảm giác là hai bên có thể chấp nhận nhau được đã xuất hiện. Bên giáo hội cảm thấy đã công khai bày tỏ được những bất bình, còn bên nhà nước cảm thấy có thể chấp nhận được những diễn biến như vậy'.
Diễn biến này sẽ tăng lên mức cao hơn vào thứ sáu này khi bên những người Công Giáo dự tính tổ chức một cuộc tập trung cầu nguyện lớn nhất, bất chấp yêu cầu của chính quyền là phải chấm dứt các buổi tập trung.



Các quan chức chính phủ Hà Nội từ chối trả lời phỏng vấn của báo chí nước ngoài về vấn đề này.
Các giới chức bên giáo hội nói rằng họ có đầy đủ giấy tờ chứng nhận tài sản này là của Giáo Hội Công Giáo, trong khi các giới chức chính quyền Hà Nội nói rằng một vị lãnh đạo giáo hội trước đây đã tự nguyện hiến tài sản này cho nhà nước vào năm 1960.



Một quan chức chính phủ nói rằng việc trả tài sản lại rất phức tạp. Sau khi Việt Minh chiếm lại chính quyền vào năm 1954, không chỉ tài sản của Giáo Hội công Giáo thôi, mà còn của những người mà chính quyền xếp vào loại điền chủ, tư sản... đều bị nhà nước tịch thu. Số tài sản này phần thì được chính phủ sử dụng, phần được giao cho các đơn vị, cá nhân khác nhau sử dụng trong suốt mấy thập niên qua.



Các nhà lãnh đạo Công Giáo tại Hà Nội thận trọng gọi diễn biến này là những 'buổi tập trung cầu nguyện', chứ không gọi là 'biểu tình'. Họ tổ chức cầu nguyện tại ba nhà thờ, nhưng điểm trọng tâm vẫn là nhà thờ thánh Giuse, tức là nhà thờ lớn nhất tại Hà Nội, nơi các thánh lễ thường thu hút đến hơn 2,000 giáo dân tham dự.



Tại các buổi cầu nguyện, hàng trăm giáo dân tập trung trước Tòa Khâm Sứ cũ, một biệt thự kiểu Pháp nay đã biến thành một trung tâm thể thao của giới trẻ.
Trong buổi tập trung cầu nguyện đầu tiên, các tín đồ đã kiệu đến một tượng Đức Mẹ Maria. Tượng này trước đây được đặt gần Tòa Khâm Sứ, nhưng sau đó đã bị chuyển sang một nhà thờ ở gần đó.
Hôm thủ nhật mới đây, một linh mục rước theo cây thánh giá đã dẫn đầu một nhóm khoảng 500 giáo dân đến tập trung tại đây. Họ hát lời cầu nguyện và hô khẩu hiệu trong khi không thấy có lực lượng an ninh mặc sắc phục xuất hiện.



Bản tin của Thông Tấn Xã Công Giáo Việt Nam nói rằng Đức Giám Mục Phanxicô Xavia Nguyễn Văn Sang, địa phận Thái Bình, sau các cuộc họp với các quan chức chính phủ ở Hà Nội mới đây cho hay phía chính quyền lo ngại những diễn tiến này gia tăng mức độ. Và các cán bộ trung ương hứa hẹn với nhà lãnh đạo tôn giáo này là họ đang tìm cách giải quyết, nhưng không thấy đưa ra một giải pháp rõ ràng nào.


http://www.voanews.com/vietnamese/archive/2008-01/2008-01-23-voa18.cfm






No comments: