Các bài cũ của Sơn Trung Thư Trang - http://vanhoavn.blogspot.com
Friday, March 6, 2009
VŨ THỊ THIÊN THƯ * NHẬT KÝ
VŨ THỊ THIÊN THƯ
NHẬT KÝ VƯỢT BIỂN
Ngày... tháng...
- Tầu về, sẽ khởi hành tối nay, đã chuẩn bị xong chưa?
- Chị đem mấy cái tập vở này theo làm gì? Nặng nề chật chỗ, không lo xếp quần áo vào.
- Nhưng bỏ lại không đành, chỉ còn lại bấy nhiêu...
- Chị lẩm cẩm quá, mạng sống biết có giữ được không ở đó mà tiếc mớ giấy mong manh.
Tôi tự nhủ lòng thân còn chưa biết có giữ được hay không thì chữ nghiã còn lại có gì mà tiếc rẻ, tất cả rồi cũng chỉ là cát bụi phù du, bao nhiêu là sách vở, bao nhiêu là bút mực... ngày qua ngày, đêm thâu đêm... Có gì thương tiếc nữa? Sống không có thấy ngày mai, chết chưa biết mồ mả...
Ngày... tháng...
Đêm tối đen như mực, xoè bàn tay không thấy ngón. Chân lần dò khấp khểnh, tiếng chó sủa xa xa thật rợn người. Như bầy mù theo nhau, bước dăm bước chân dừng lại nghe ngóng. Đêm tĩnh lặng đến tê người...
Mảnh ván mỏng oằn oại theo bước chân, từ bờ xuống nghe như vạn dặm, chỉ có cây sào tre làm gậy chống, một tiếng động nhỏ vang trong đêm yên, như tiếng đại bác những ngày nằm trong căn gác ven đô, bao giờ còn nghe tiếng đạn réo ngang trên đầu là biết mình vừa thoát...
Tiếng người rơi bõm xuống nước, tiếng kêu nuốt vội vào cổ họng, tiếng quần áo sào sạc, bàn tay ướt run rẩy nắm bàn tay, tiếng tim đập cuống cuồng trong lồng ngực, tiếng nói thì thầm:
- Phải cởi áo ướt ra, mặc tạm cái áo len này cho đỡ lạnh.
- Khẽ thôi, tiếng động trên sông vang xa lắm.
Tôi nắm bàn tay em trấn an, hai đứa ngồi sát nhau trong khoang cố gắng chia cho chút hơi ấm. Tiếng sào chống xuống nước nhịp nhàng, cuối cùng rồi chiếc ghe cũng chuyển động, từ đây ra sông lớn còn bao xa? Dù có bao xa thì cũng không còn đường trở lại, ghe đã tách bến rồi.
- Sợ quá, bao lâu nữa mới ra sông?
- Sắp ra sông rồi, khẽ thôi.
Cố gắng giữ lại tiếng hai hàm răng lạnh khua nhau, âm thanh nhỏ nhoi cũng đủ kinh động đất trời. Bên kia sông ánh đèn lập loè phía Tân Đông, Tân Tây, dưới nữa là O Môn, Bình Thủy, Trà Nóc, qua khỏi Cần Thơ trời chưa rạng sáng, thở được rồi, lồng ngực thoi thóp từ đêm qua, bao nhiêu dây thần kinh trong đầu đều căng cứng, chỉ cần một giao động nhỏ cũng đứt. Gần tới Cái Vồn, bên dòng nước xoáy, chiếc tam bản trong sông chèo ngang chặn đầu, cái nón lá che khuôn mặt, tiếng nói vội vàng, nghe rụng rời thất vọng:
- Về, phân tán mỏng, chia nhau các ngả, lên bến xe đò, tìm chuyến khác nhau mà đi.
- Tàu bể hộp số, đã kéo về ụ nằm, tất cả phải phân tán mỏng, chờ thời điểm khác.
Ngày... tháng...
Có lệnh công tác, sắp tết rồi mọi việc như dầu sôi. Làm sao đi được, hỏng chuyện hết, lấy lý do gì để từ chối bây giờ?
- Chị cứ đi, có gì về cũng kịp mà.
- Biết chị đang ở đâu mà nhắn.
Tàu phải chờ sửa cho xong con heo dầu mới có thể chạy thử, phụ tùng vẫn chưa mua được, chưa biết đến bao giờ mới có thể ráp vào.
Ngày... tháng...
Đêm nằm ở bãi sau có tiếng nói thì thầm, xa xa ánh đèn như bóng ma chơi, nhớ những ngày nằm ở Bãi Dương, Phụ Tử, Hà Tiên... Cũng biển sóng thì thào, cũng gió khuya tê buốt, đem lửa trại với tiếng hát chất ngất trong tim.
- Chị vào đi chứ, lại bị kiểm thảo bây giờ, đôi mắt cú vọ cứ theo chị mãi.
- Chị biết, nhưng biển đêm nay thật bình yên, chị muốn uống tất cả...
Qua bao nhiêu là chặng đường, hãy cố mở mắt ra, hãy cố thu cho đầy những ngăn tim óc. Quê hương, như vết dao đâm, như vết thương muối xát, làm sao mà nhớ hết đồi núi trùng trùng, làm sao mà ghi đầy biển xanh ngát, bờ cát nối bờ cát, ghềnh nối ghềnh, núi tiếp núi, mỗi địa danh như một đóa hoa, mỗi con đường như một mạch máu, bao nhiêu bài hát, bấy nhiêu bài thơ, ngôn ngữ nào diễn đạt?...
Ơi Tuy Hòa! Ơi Hồng Lĩnh! Non nước nào còn sống mãi trong những câu ca? Ơi Hải Vân mây ngàn, Ơi Tam Giang nước bạc! Bóng hoàng thành rêu phong buồn ủ rũ, đài Nam Giao lặng lẽ một mầu tang, tang khó đã bao lâu, nhớ thương ngọn Cờ Vàng ngày nào bao máu xương cố giữ.
Ngày... tháng...
Tất cả xếp hành trang, gói đôi đòn bánh tét, ngồi chờ con đò vô định, nắng lấp lánh theo nhau, nắng vàng vọt sắp tàn, như tượng đá trăm năm. Sao chưa thấy người dẫn đường đến đón? Từng giây phút trôi qua, như nghìn ngày mòn mỏi...
Trở về ngôi nhà thân quen, mắt mẹ đỏ hoe, mấy chồng áo dài xếp lại phẳng phiu, sách vở nằm bên nhau lặng lẽ.
- Mẹ tưởng con đã đi rồi.
- Chờ mãi không thấy tàu lớn đến đón, sợ lộ con phải qua về.
Sáng ngày ra điểm hẹn, lại ngồi chờ miên man. Người xưa bảo nhất quá tam, bao nhiêu lần quá tam rồi, không còn can đảm đếm. Chiếc xuống máy nhỏ như lá trúc, cái giỏ bàng chứa mấy trái quýt chín khô khốc, mấy đòn bánh tét cúng trên bàn thờ, bà cô theo ra tận bến đò, dúi vào tay chiếc nhẫn vàng mong manh:
- Con đi bình an, Bà cầu nguyện hằng đêm, hãy nhớ.
Nắng như thiêu, chiếc xuồng tam bản gắn máy đuôi tôm ì ạch, lốc máy trơ trụi, tuổi đời chẳng biết đã sống đi chế lại bao nhiêu lần, nhìn xác xơ như con chó ốm, người chủ quấn mấy vòng dây, giựt mãi mấy tiếng ho he không nổ, tôi ngồi căng mắt nhìn lại sau lưng, mấy khóm lục bình hờ hững trôi xuôi theo dòng, bóng bà cô đứng dưới trại lá bên bờ sống nhỏ dần, mờ dần.
Anh Tuấn không ngừng tay tát nước, hai cái lỗ nhỏ tí ti cũng đủ làm nước đầy khoang, cử dộng nhịp nhàng anh tát nước trong nỗi xôn xao lo lắng. Mặt anh đỏ như ráng chiều, mấy đôi mắt e dè không dám nhìn nhau, nỗi sợ hãi mênh mang... Đi nửa ngày đường vẫn chưa thấy bến đỗ, bóng tối chưa kịp về, phương đông đã thấy ánh trăng lấp ló.
Lại thêm một đêm nữa nằm trong lòng tàu nghe từng nhịp tim đập, chung quanh đầy người lạ, người quen, nhìn nhau lặng lẽ, không dám mở miệng chào nhau, từng ghe nhỏ đổ thêm người. Còn bao nhiêu nữa, trong hầm tầu chật như nêm, người ngồi bó gối sát bên nhau, nhịp thở lo âu ngột ngạt, tiếng tim đập sợ hãi, mặt đầy nỗi bâng khuâng.
Tiếng người thì thào, nước ròng, phải chờ con nước lên tàu mới ra cửa được, đã có bao nhiêu tàu đi không ước lượng được mực nước chưa lên cao, nằm mắc cạn chỏng chơ trên cồn cát. Chín cửa sông Cửu Long, phía bên dòng sông Hậu luôn bồi đắp phù sa, chỉ cần đi lệch một chút thôi là vướng vào bãi cạn, chỉ sớm trễ một chút thôi là cỡi lên cồn cát mới nổi. Trăng non nhảy múa trên mấy ngọn dừa dọc theo bờ sông, tiếng máy tàu dẫn đường khi xa khi gần, khi to khi nhỏ.
Trong bóng tối chập choạng, tiếng người nói trên buồng lái:
- Đèn bão đâu, có thấy ngọn đèn trước mặt không?
- Chẳng thấy bóng tàu dẫn đường đâu hết, đi lạc rồi, ở đây chờ hay đi tiếp tục.
- Cứ đi chầm chậm, hãm máy lại, khúc sông này cạn lắm, coi chừng vướng cồn.
Tàu ngừng lại, bao nhiêu đôi mắt mở to trong bóng tối, lo âu nhìn nhau, tiếng thở dài nghẹn ngào, thần kinh căng thẳng. Tiếng cầu nguyện thì thào, bàn tay lần chuỗi không ngừng, lườn tàu trườn lên bãi cát ngầm...
Lạy trời, xin cho cồn cát lặn đi, cho con nước mau lớn, Bảy Giá còn bao xa? Không qua được thì phải trở về lần này, lại đối đầu với bao nhiêu là gian nan, chưa biết có vượt được đám công an đánh hơi lũ lượt như ruồi nhặng vây quanh... Chưa biết giải thích thế nào với xếp? Bao nhiêu ngày vắng mặt không lý do... Thôi không muốn nghĩ đến những điều không dám nghĩ.
Tiếng người trên boong lồng lộn, con tàu run rẩy, ì ạch, bên phải bên trái, có lúc nghiêng người, có lúc oằn oại, trăng non khuất dần, rạng ngày lấp ló, tiếng cầu kinh không ngừng, cầu cho nước lên, nỗi chờ đợi thấp thỏm, chờ đợi thiết tha, sự sống chết treo trên ngọn thủy triều...
Ngày... tháng...
Nắng nhảy múa, nắng ca hát, nắng xôn xao... qua một ngày một đêm lênh đênh, không thể diễn tả được, hơi thở nén lại trong lồng ngực suốt đêm, con tàu như chim sổ lồng, vừa ra khỏi cửa sông là chạy trối chết, chạy bán mạng, chạy điên cuồng trên biển cả mênh mang...
Lượn sóng đầu tiên vỗ vào thành tầu bấp bênh, tiếng nôn oẹ cùng lúc bao nhiêu người, ban đầu còn mấy cái bọc nylon, lần lượt cũng hết, trong hầm tầu nồng nực mùi bệnh hoạn, mùi mồ hôi người, mùi dầu chai trét vỏ tàu... tất cả như tử khí ám ảnh theo đuổi, ký ức mệt nhoài, tim khô cạn kiệt, bờ đâu, bến đâu?
Đôi môi khô mặn đắng, chỉ thấy bốn bề biển xanh ngút ngàn.
- Em khát nước.
- Cố gắng lên, thấm mấy giọt cho cổ họng bớt khô. Ngồi dựa lưng vào đây, thở một chút gió biển trong lành.
Nhìn em thiếp đi trong nắng sớm, khuôn mặt nhỏ ngây thơ, nhớ lại dáng mẹ đứng trước hiên nhà, dưới mấy hàng cau, trời sáng mờ mờ không nhìn được mấy giọt nước mắt long lanh...
Mẹ đã nguyện bao đêm??
Ngày... tháng... .
Đêm ngày không còn ý nghĩa, sức cùng, lực kiệt, sự sống chết, lẽ vô thường... sao lại bận tâm...?
Ngày... tháng...
Kula Trengganu, Malaysia, nỗi vui mừng đến bến bờ bình an chưa kịp nở, đêm trên bãi bó gối nhìn nhau, con tàu đã chìm dần khuất dạng từ lâu, một nửa đồng hành đoàn xe vận tải xúc đi đâu mất, con đường bụi mù quanh quẩn sau những rặng cây xanh, bóng đèn thấp thoáng của thành phố ẩn hiện xa xa, những bóng nhà thấp cao như bóng ma chập chờn mời gọi, đêm với tiếng sóng vỗ như thét gào, như giận dữ, cố ngồi gần lại với nhau, manh áo che chung, sương đêm thấm dần, muối bám vào môi, vào chân tóc, vào thịt da mặn đắng xót xa...
Ngày... tháng...
Merang, hàng chữ ngả nghiêng trên tấm bảng gỗ, mấy nóc gia thấp thoáng sau hàng dừa, tiếng sóng biển xa xa... Xe ngừng lại, đoàn người bước xuống như bầy cừu ngơ ngác theo nhau, qua con đường bụi mù, trên chiếc xe cam nhông như con ngựa hoang lồng lộn, đôi chân như treo đá nghìn cân, người đàn ông bên cạnh viên cảnh sát mặc sắc phục bước ra, cất tiếng Việt chào nhau ngọt ngào bỡ ngỡ: Đây là Pulau Besar, xin chào tất cả quý vị.
Có phải đây là chặng cuối của con đường, qua những cánh rừng xanh ngút ngàn, qua những sợ hãi cuống cuồng, qua những khắc khoải lo âu. Tên bây giờ là thuyền nhân, là dân tị nạn, không còn quốc gia không có sổ thông hành, chẳng còn chứng minh nhân dân... những tờ giấy úa vàng, tờ khai sinh tơi tả, cái thẻ sinh viên bèo nhèo, hay cái mặt ngơ ngác trong tờ căn cước bọc nhựa cũ... Trong sổ bộ của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc chỉ còn số tàu làm đơn vị, trong trại tạm cư chỉ có số lều cư ngụ và khu trại theo trình tự A, B, C... mưa nắng qua ngày...
Ngày... tháng...
- Bên kia sườn đồi cạnh bờ cát có mấy nấm mộ cuả ai vậy?
- Mộ của người vượt biên đắm tàu.
- Có biết thân nhân là ai không để báo tin?
Trên nghĩa trang ở Trengganu cũng có chín ngôi mộ người bị đắm tàu chôn ở đó. Chuyện vượt biên chết sống khó lường, mồ yên đã là hạnh phúc. Vượt biển đi tìm sự sống bằng con đường chết, xác nằm đây hay đại dương, còn có nghĩa lý gì?
Ngày... tháng...
Buổi sáng nắng chưa lên cao, bờ biển lác đác những người đi tắm sớm, tất cả khu trại chỉ có vài cái giếng nước, hàng ngày nối đuôi nhau để chờ nước nấu ăn đã là chuyện nhiêu khê, tắm giặt chưa dám nghĩ, từ trại ra biển chỉ cách một đoạn đường, dù có ngại ngùng cũng phải theo nhau sáng chiều ra bãi tắm.
Ngày... tháng...
Tháng giêng, con đường đi về giữa hội trường và căn lều tạm trú nắng mưa, nắng như thiêu đốt, nắng như ngọn đèn pha cực mạnh chiếu thẳng vào đôi mắt, mưa như xối nước lên đầu, đi một phút trong mưa ướt loi ngoi như rơi xuống nước. Túp lều dựng lên đơn sơ, mái lợp bằng lá dừa nước, mấy anh em theo nhau qua bên kia chiếc giường con, mấy gốc cột tràm khẳng khiu đóng thờ ơ xuống nền cát, những ngày mưa giông, mỗi đứa ra ngồi ôm một góc lều, cái sức mạnh trăm cân có là bao mà hòng mang ra làm neo giữ lại?
Đêm mấy chị em nằm sát vào nhau như cá hộp trên cái giường năm mảnh ván tí teo, chỉ sợ trở mình rơi xuống cát, trời tối đen như mực, rắn rết bò lang thang... Hằng ngày nắm níu nhau làm công tác vệ sinh ở bìa rừng nhấp nhổm bước rón rén chỉ ngại vô tình kinh động rắn rết, sâu bọ rừng Malaysia...
Ngọn hải đăng đứng bơ vơ trên đỉnh đồi, dưới chân là con đường mòn vòng quanh bờ cát dẫn vào làng đánh cá bên kia sông, thủy triều xuống phơi bãi cát vàng lóng lánh ánh mặt trời, hàng dừa cao như cổ thụ, lá reo vui với gió biển rì rào.
Làng Merang chỉ có mấy nóc gia xơ xác dân cư hiền lành, phía đầu làng, có một khu đất trống nơi chợ phiên nhóm họp mỗi tuần hai lần, hàng hóa bầy bán trên những sàn xe cũ kỹ, cạnh đó có mỗi gian hàng tạp hóa bán từ cây kim đến chiếc phi thuyền... và cũng là quán nước, nơi khách dừng chân, uống tách trà đường pha chút sữa dê, nhấm nháp miếng bánh bột mì nướng trên chảo nóng, thức ăn đơn sơ, đời sống giản dị, cho đến khi những chuyến xe cam nhông chở đầy dân tị nạn đổ xuống bán đảo bên kia bờ sông...
Ngày... tháng...
- Chị chờ em một chút, em mượn nồi về cho chị nấu cơm.
- Mượn của ai bây giờ?
- Bên vợ chồng anh Trác chỗ hội trường, hay đằng bác Năm bên khu E cũng được.
Mấy đứa em chia nhau tất tả đi tìm phương tiện để sinh sống hàng ngày, từ cái nồi nấu cơm cho đến gạo, muối, thức ăn, dao rựa đi đốn củi, thùng chứa nước ăn... Nhất nhất đều trông cậy vào sự giúp đỡ của người đến trước.
Cuối khu E, nằm lẻ loi ở bìa rừng, túp lều nhỏ thật khang trang, nơi cư trú của năm cụ già tóc bạc, họ là dân đánh cá vùng Rạch Sỏi, bị cướp tàu và chở tuốt sang đây. Họ ở đây từ lâu, nhiều lần Cao Ủy đến phỏng vấn, họ chỉ muốn quay về quê nhà, bọn trẻ gọi đùa họ là chúa đảo. Bác Năm, người lớn tuổi nhất nhìn lũ chúng tôi như con mồ côi sống chung nhau lây lất, khi lưới được con cá, lúc bắt được con kỳ đà, cá sấu con... Cái thứ gì có thể làm thức ăn là mang sang cho bọn trẻ.
Bác Năm đan cho manh lưới nhỏ, dạy cách giăng lưới ở cuối gành, biển Malaysia đầy cá mập, cá thu, những con cá nhỏ bơi rất gần bờ, đó chính là nguồn thực phẩm của dân chài bên kia sông và luôn cả chúng tôi, mấy bàn tay học trò, khi xưa còn ăn bám vào bố mẹ, sang đến đây vốn liếng đầu đời chỉ nằm trong bao nhiêu khóa huấn luyện thanh niên... những trò chơi lớn ngày cắp sách tới trường, bây giờ mới thực sự mang ra ứng dụng tranh đấu cho sự sống còn.
Chung quanh trại cách bờ sông nhỏ là khu rừng lá, tràm đước và cây mắm mọc tràn lan, nhờ vào những cây tạp này làm củi đốt để nấu nướng hàng ngày, ban đầu còn tìm được tràm con, cho đến lúc không còn thì cây mắm hay bất cứ cây gì đốn được. Tháng tư, đầu mùa mưa dai dẳng, củi đốn hàng ngày, phơi gối đầu chưa kịp khô, mỗi lần nhóm lửa nấu cơm giọt nước mắt vắn dài...
Ngày... tháng...
Có phái đoàn Canada vào trại. Cả trại xôn xao, hội trường dập dìu như Tết, mọi người xúng xính trong bộ quần áo xếp cẩn thận còn nguyên nếp, trẻ con tóc tai chải gọn gàng. Phái đoàn chỉ có hai người và chồng hồ sơ, họ đến làm thủ tục cho những gia đình có thân nhân thật sự đã định cư ở Canada muốn xin đoàn tụ, một số khác nạp đơn với hy vọng bị “xù”.
Có những tin tức truyền miệng rất nhanh trong trại tị nạn, người hoang mang kẻ vô định. Những người muốn xin định cư trên đất Mỹ, nếu không có thân nhân bảo lãnh thường gọi nhau là con bà phước, muốn xin đi Mỹ ít nhất phải có hai quốc gia từ chối. Những mẩu chuyện hàng ngày, bên lề chợ búa: phái đoàn Canada và Australia chỉ nhận những thanh thiếu niên nam nữ độc thân, hay gia đình nhỏ ít con. Phái đoàn Pháp nhận người có thân nhân, phái đoàn Thụy Sỹ nhận gia đình có người tàn tật, nhất là trẻ con, vì lý do nhân đạo...
Ngày... tháng...
Thêm một chuyến xe đổ người vào trại, mực ghi danh sách chưa kịp khô, ban y tế gọi bác sĩ trực lên hội trường băng dùm nạn nhân một vụ đánh ghen, người đàn ông hôm nọ và cô vợ hờ dắt nhau đi, người vợ kèo cột và bầy con thơ vừa theo tới đảo, anh chồng chưa kịp phân trần thì đã đổ máu vì đòn ghen...
Ngày... tháng...
Ban đại diện, những người tình nguyện làm công tác tổ chức điều hành, nhân số lên ào ạt từ những chuyến tàu chở hàng trăm người. Trại phát sinh nhiều tệ nạn, đánh nhau, tranh giành quyền lợi vì chia xẻ không đồng đều, thanh toán nợ nần cũ mang theo từ quê nhà, hàng quán mọc lên chung quanh hội trường, nơi mọi người tụ tập nghe ngóng tin tức. Ban đêm cũng là nơi ca nhạc tụ họp. Cảnh sát Malaysia có một trạm gác bên kia sông, chỉ liên lạc khi gặp những trướng hợp cấp cứu, thương tích trầm trọng, sinh nở...
Ban y tế gồm nhiều bác sĩ làm việc với hội Hồng Thập Tự, nhưng phương tiện rất thô sơ, hầu hết những bệnh nặng đều phải đưa về bệnh viện lớn ở thành phố Trengganu.
Ban trật tự gồm những cựu quân nhân của các lực lượng đặc biệt, người nhái, hay những võ sư thuộc các võ đường, tổ chức tuần hành ban đêm. Giải tán các vụ đánh nhau, hay tranh giành quyền lợi, gìn giữ an ninh trật tự khi các phái đoàn vào trại...
Ban xã hội lo tiếp đón các thuyền nhân mới nhập trại, lập danh sách, khai báo nơi tạm trú, phân phát thực phẩm, hàng hóa, quần áo, do hội Hồng Thập Tự hay các phái đoàn mang vào.
Các phái đoàn vào phỏng vấn tị nạn thường mang theo quà cáp, thuốc men, giấy bút... để tặng cho thuyền nhân. Tháp tùng với phái đoàn của các quốc gia hay Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc còn có một vị linh mục. Cha vào làm lễ cho giáo dân trên đảo, và mang các thứ quà cáp, tiền bạc do thân nhân gửi vào từ các xứ tự do, đồng thời mang thư từ trong trại ra cho thân nhân, bạn bè bên ngoài, thông báo tin tức...
Ngày... tháng...
Bên cạnh những lo âu, những chờ đợi, trong cái khuôn viên bán đảo tí teo chứa hàng ngàn người, mỗi đơn vị gia đình là mái lều cất san sát nhau có những mảnh vườn con con, có những luống hoa nho nhỏ. Chuyện trong nhà không trình ngoài ngõ đã hay.
Ban trật tự tất tả chạy giảng hòa chuyện trong nhà khu C, chuyện đánh ghen khu E... Trưởng trại nửa đêm phải vào hội trường phóng loa sang đồn cảnh sát xin phương tiện cấp cứu... Ôi! Đã chạy lấy mạng sống sang đây mà còn mang theo máu Hoạn Thư làm náo loạn đêm thâu, rung chuyển ngày dài...
Dân số trong trại tăng theo những chuyến đổ người ào ạt. Vào trại, không có những phương tiện truyền thông, có một số xin được cái radio của thân nhân bắt được làn sóng ngắn, tin tức giới hạn, thỉnh thoảng có đội viên cảnh sát người Malaysia nói tiếng Quảng Đông mang hàng hóa vào buôn bán, có được bản Anh ngữ của tờ nhật báo nào là xúm nhau đọc và thông tin cho cả trại.
Phái đoàn Hoa Kỳ vào trại mang theo máy phát điện nhỏ để xử dụng hệ thống loa phát thanh, làm cái đọc chút tin tức bên ngoài, đọc danh sách người được vào phỏng vấn và chạy mấy cái quạt nhỏ xua bớt cái nóng bức của mùa hè nhiệt đới Mã Lai.
Mấy anh Mỹ to cao kềnh cành lau mồ hôi nhỏ giọt, làm việc cả ngày chưa thanh toán được một nửa chồng hồ sơ cao như núi. Những khuôn mặt tị nạn buồn thiu chờ từ rạng sáng cho đến lúc mặt trời ngả về tây... Những cái bóng cao ngả dài trên cát, bước liêu xiêu xuống tàu về bên kia sông, dáng bơ phờ mệt mỏi, bao nhiêu đôi mắt đợi chờ cả ngày thất vọng nhìn theo bóng chiều đổ xuống, mặt cát nóng sa mạc cũng lạnh tanh...
Ngày... tháng...
Luồng sóng tịn nạn như bão táp, dân số trong trại tăng nhanh hơn sức chứa đựng của bán đảo bé tí như bàn tay, thuyền nhân lấn ra khu rừng thấp xung quanh phạm vi hội trường dựng lên những chòi lá thô sơ, từ khu A, B, C tăng lên D, E, F cùng với nhịp gia tăng, sự hỗn loạn không tránh được và sự phong tỏa của chánh quyền Mlaysia, sinh ra những chuyến vượt sông buôn lậu hàng hóa, khiến cuộc sống hiền hòa của dân làng bên kia sông bị đảo lộn, hàng rào cô lập xiết chặt, lệnh cấm sang sông, nguồn thực phẩm và các thứ cần dùng chỉ chuyên chở bằng những chuyến tầu mỗi tuần, chỉ có bệnh nhân trầm trọng cần được cấp cứu và đưa đi bệnh viện được phép sang sông cùng đi với bác sĩ trong trại.
Giữa những bối rối đó, sự trông chờ càng dai dẳng, ngày qua ngày...
Ngày... tháng...
Mỗi lần có danh sách đi định cư là một lần đưa nhau sang sông không trở lại, những thân quen thấp thoáng, những nỗi buồn chia ly. Rồi cũng đến lúc thực tế chia tay, mấy chị em dì cậu, một đôi đứa bạn bè... về nam bán cầu, Australia... chia tay nhau ở bờ sông, nước mắt đôi dòng. Thủa trốn chạy triền miên, thủa khó khăn cấm đoán, thoát được gông cùm thở được không khí tự do, cũng là lúc chia ly ngàn trùng.
Trở về mái lều trống trải, nhìn mấy mảnh khăn xếp lại, cái thân phận bị “xù” nằm chờ các phái đoàn vào phỏng vấn, nhớ câu hát ngày nào... đời chia như nhánh sông...
Ngày... tháng...
- Chị, em vớt được mấy tên này.
- Em đang lang thang ngoài hội trường thì thấy thằng cao giò, mừng quá! Biết chị đi lâu rồi mà không biết ở đảo nào, thấy nó là biết ngay, nó đứng ở trong đám đông cao hơn thiên hạ cả cái đầu.
- Tụi em đi mấy hôm rồi?
- Gần một tuần trên biển, Phương chỉ đưa em đi gặp Liêm, Nguyên kéo lên tàu luôn, giờ sang đây chỉ có bộ quần áo trên người...
- Không cần phải lo, các em đã sang đến đây rồi, thôi cứ tạm trú với chị, Sơn ơi ! Em đi nhặt thêm một ít thứ cần dùng, còn quần áo cho Phương thì chị sẽ tìm cách
Ngày... tháng...
- Chị à, em chỉ còn một tháng nữa là tới ngày sinh.
- Lần trước em sinh bé Hoàng có gặp gì trở ngại không?
- Em có bà bác ở Bình Hòa giỏi lắm, bác hộ sinh cả bao nhiêu năm, con đầu mà em chỉ đau có một ngày thôi.
- Cầu trời cho em được bình an nhanh chóng như lần trước. Chị chẳng biết gì hơn để giúp em.... Mai chị đưa em lên ban y tế xin khám bệnh và hỏi bác sĩ Tuyết Mai, chị ấy ở sản khoa, hy vọng sẽ giúp em.
Ngày... tháng...
- Em muốn đặt nó tên là Minh Tâm, chỉ mong sau này dù có định cư ở bất cứ quốc gia nào nó cũng không quên nguồn cuội, luôn có một trái tim trong sáng dẫn dắt cho mọi hành động...
Ngày... tháng...
Những lần ra hội trường đón tìm người thân, đọc cái danh sách lê thê không có tên mình, lặng lẽ trở về lều, bao đêm chong đèn thức trắng. Trại hoàn toàn phong tỏa, nghe nói tất cả thuyền nhân vào lãnh hải Malaysia sẽ bị tập trung vào một hoang đảo ngoài khơi. Pulau Bidong, buồn bi đát...
Sau bao nhiêu ngày chờ đợi, cuối cùng được cầm tờ danh sách trên tay, như giấc mơ. Ngày mai, sang sông!...
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment