Tuesday, February 2, 2010

HÀN LÂM NGUYỄN PHÚ THỨ * NĂM DẦN

*


NĂM DẦN NÓI CHUYỆN CỌP

(Canh Dần từ 14-02-2010 đến 02-02-2011)

Hàn Lâm Nguyễn-Phú-Thứ



Sau khi năm Kỷ Sửu chấm dứt, thì đến năm Canh Dần được bàn giao từ giờ giao thừa bắt đầu giữa đêm thứ bảy, 13-02-2010 để cầm tinh đến 24 giờ đêm 02-02-2011. Năm Canh Dần này thuộc hành Mộc và mạng Tùng Bách Mộc, năm này thuộc Dương, có can Canh thuộc mạng Kim và có chi Dần thuộc mạng Mộc. Căn cứ theo luật thuận hạp hay khắc kỵ của Ngũ Hành, thì năm này “Can khắc Chi” tức Trời khắc Ðất . Bởi vì: “ Mạng Kim = Canh khắc mạng Mộc = Dn (mạng Kim tức Trời được khắc xuất, mạng Mộc tức Ðất bị khắc nhập) . Do vậy, năm này xem như tổng quát rất xấu, bởi vì bị Trời khắc Ðất giống như các năm : Giáp Tuất (1994), Nhâm Ngọ (2002), Mậu Tý 2008 đã qua. Ðược biết năm Dần vừa qua là năm Mậu Dần thuộc hành Thổ, nhằm ngày thứ tư, 28-01-1998 đến 15-02-1999.

Căn cứ theo Niên Lịch Cổ Truyền Á Ðông xuất hiện được minh định quảng bá từ năm thứ 61 của đời Hoàng Ðế bên Tàu, bắt đầu năm 2637 trước Công Nguyên, cho nên chúng ta lấy 2637 + 2010 = 4647, rồi đem chia cho 60 thì có kết quả Vận Niên Lục Giáp thứ 77 và số dư 27 năm bắt buộc rơi vào Vận Niên Lục Giáp thứ 78 bắt đầu từ năm 1984 cho đến năm 2043. Do vậy, năm Canh Dần 2010 này là năm thứ 27 của Vận Niên Lục Giáp 78.

Năm Dần tức Cọp cũng là Hổ, cho nên trong bàn dân thiên hạ cũng thường nhắc nhở luôn trong sinh hoạt xả hội hằng ngày, từ đó mới có những từ ngữ liên quan, xin trích dẫn như sau :

Dần là con Cọp đứng hạng thứ 3 của 12 con vật trong Thập Nhị Ðịa Chi, tuy là chúa tể sơn lâm, nhưng lại thua con Trâu to con, có cặp sừng trên đầu, đi đứng nặng nề chậm chạp và con Chuột lanh lợi nhỏ con đến trước.

Giờ Dần = là giờ từ 03 giờ đến đúng 05 giờ sáng hôm sau. Người xưa cũng có ghi vào sách đáng cho chúng ta suy ngẫm như :

Nhứt niên chi kế tại ư Xuân,

Nhứt nhựt chi kế tại ư Dần.

一日之

(Muốn thực hiện kế hoạch: 1 năm phải sắp đặt bắt đầu vào mùa Xuân và 1 ngày phải sắp đặt vào giờ Dần tức giờ Cọp thức dậy nhìn mặt trời vào bình minh sáng).

Ðó là kế hoạch của người đặt ra, còn loài người sanh ra ở hội Dần, bởi câu : “Nhân sanh ư Dần

Tháng Dần = là tháng Giêng đầu năm âm lịch, người ta cũng thường dùng chữ Dần Nguyệt để chỉ tháng Giêng.

Cọp hùm = Loại thú dữ hơn hết, nên thường gọi chúa sơn lâm.

Vấu lưng Cọp = Móng vút Cọp.

Cỡi lưng Cọp = Người ta mà cỡi lưng Cọp là người liều mạng, không dám xuống sợ Cọp ăn thịt.

Ngọc Cọp = Người ta nói là ngọc trong miệng Cọp, người có ngọc ấy thì thú dữ khác sợ phải tránh xa.

Ðặc biệt, có những Tục Ngữ và Thành Ngữ, xin trích dẫn như sau :

Cọp chết để da, người ta chết để tiếng.

Hổ tử lưu bì, nhân tử lưu danh

,

Cọp cha dũng mảnh, đẻ ra Cọp con cũng dũng mảnh (tức Cha nào Con nấy).

Hổ phụ sanh Hổ tử

Sợ Cọp sợ cả cứt Cọp.

Cọp cha đẻ ra Chó con... v.v (tục ngữ).

Cọp Khánh Hòa ma Bình Thuận.

Treo thịt trước miệng Cọp.

Nhục huyền Hổ khẩu.

Nam thực như Hổ, nữ thực như Miêu.

,

Sa vào miệng Cọp.

Rừng nào Cọp nấy.

Tránh hùm mắc Hổ.

Dưỡng Hổ di họa (*)

Dưỡng Hổ thương sanh (**) ... v.v (thành ngữ).

(*) di = để lại. (**) thương sanh = hại mạng mình.


Ngoài ra, chúng ta còn thấy tên Hổ = là loại Hùm Cọp hoặc loài Rắn Hổ, xin trích dẫn như sau :

Hổ lang = Hùm sói.

Hổ cốt = Xương Cọp.

Hổ bì = Da Cọp.

Hổ huyệt = Hang Cọp.

Hổ bộ = Bộ tướng hùng dũng như Cọp.

Gươm đầu Hổ = Gươm tra cán chạm đầu Cọp.

Hoạ Hổ hoạ bì nan hoạ cốt = vẽ Cọp chỉ vẽ được da, không thể vẽ được xương Cọp (ý nói biết người chỉ biết mặt, khó biết lòng)... v.v

Ø Riêng loài rắn cũng có tên Hổ, chúng nó rất độc và nguy hiểm đáng sợ như sau :

Rắn hổ = là thứ rắn độc lớn con.

Rắn hổ đất = là thứ rắn hổ độc có màu đen sám như màu đất, cho nên có tên rắn hổ đất để phân biệt các rắn hổ khác.

Rắn hổ ba khoang = cũng là thứ rắn hổ màu đất, nhưng nó có ba khoan.

Rắn hổ ngựa = là thứ rắn hổ, nhưng nó chạy mau như ngựa, thường ở trong bụi rậm hay rượt người ta, cho nên có tên rắn hổ ngựa.

Rắn hổ mây = là thứ rắn có vảy lớn, màu đen trắng lẫn lộn, giống da trái mây, cho nên mới có tên rắn hổ mây.

Rắn hổ hành = là thứ rắn có vảy màu hơi xanh; nó rất hôi hành, cho nên mới có tên rắn hổ hành, loại rắn này ban đêm thường đến những chuồng Gà Vịt cận kề nhà để bắt ăn.

Rắn hổ chuối = là thứ rắn có vảy màu xám.

Rắn hổ mang = là thứ rắn độc hay ở khe suối, khi gặp người hay thú vật khác, nó phùng mang ngẩn đầu cao phóng tới, cho nên mới có tên rắn hổ mang. Loại rắn này thường thấy nhiều ở nuớc Ấn Ðộ.

Trong khi đó, chúng ta còn thấy các cây cỏ mang tên Hổ hay Cọp, xin trích dẫn như sau :

Hổ mướp = Loại mướp có nhiều sọc rằn như da Cọp.

Hổ phách = là chất nhựa cây tùng hay thông cổ sống lâu năm, mọc thành rừng ở Âu Mỹ đã bị chôn vùi dưới đất trong các mỏ than hay dưới biển, chất nhựa này rất cứng rắn, có màu vàng ửng đỏ, thường dùng làm đồ nữ trang. Ngoài ra, thời xưa người ta lấy hổ phách đun nóng để làm thuốc chống co thắt dưới dạng thuốc xông hay rượu thuốc, có mùi thơm tỏa ra dễ chịu lại hết bịnh.

Hổ kế = cây Ô Rô, trong dân gian thời xưa dùng cây này làm thuốc như : chảy máu cam, thổ huyết ... xem như loại thuốc cầm máu. Từ đó, lấy lá cây này đem đốt để lấy tro pha với dầu Dừa để trị ghẻ.

Hổ cao = cây Hy Thiêm, trong dân gian thường hái lá khi cây chưa có hoa, rồi đem phơi khô dùng để trị bịnh chân tay tê bại, phong thấp, đau lưng, nhức mỏi tứ chi hoặc lấy lá đâm nát rồi đắp chỗ mụt nhọt để trị.

Ðơn lưỡi Hổ = Lưỡi Cọp cũng có người gọi cây Cam Xũng thường mọc hoang ở rừng núi, lá rễ hái về phơi khô để trị bịnh thổ tả hay trị bịnh dị ứng.

Hổ thiệt = Lưỡi Cọp (bởi vì, cây này giống như Lưỡi Cọp) hay Lô Hội, trong dân gian ngày nay thường dùng cây này để làm dầu gội đầu hoặc làm kem thoa mặt, thoa da. Bởi vì, đặc tính của nó làm cho mềm mại tóc hay da.

Hổ trượng căng = Trong dân gian thường lấy rễ để trị bịnh tê thấp hoặc trị những vết thương khi bị té ngã... v.v

Ðó là, những tên Hổ hay Cọp có liên quan đến các thực vật, đã trích dẫn đơn cử đại khái, không thể kể hết ra được, xin tạm ngưng ở đây.

Ðối với 11 con vật trong Thập Nhị Ðịa Chi đã dẫn vừa qua, mỗi con vật đều có huyền thoại liên quan đến con vật đó.

Riêng năm Canh Dần do con Cọp cầm tinh này cũng có huyền thoại liên quan, xin trích dẫn như sau :

Tại sao Cọp có bộ lông rằn ?

Thuở xưa, khi thú vật còn biết nói chuyện tiếng người, có một hôm Cọp là chú tể sơn lâm, đi đến gần bờ ruộng, thấy Trâu đang bị người dùng roi điều khiển cày ruộng, Cọp thấy việc lạ đời, bởi vì:

C Người thì nhỏ con hơn Trâu nhiều.

C Người không có móng vuốt sắc bén, trong khi Trâu có cặp sừng rất nhọn.

Nhưng không hiểu tại sao Trâu phải bị lệ thuộc người? cho nên Cọp muốn biết con người có đặc điểm gì hơn con Trâu? Vì thế, đành chờ cho người và Trâu cày ruộng xong, rồi mới đến gần Trâu để hỏi nhỏ, thì Trâu rất sợ Cọp ăn thịt, cho nên Cọp mới hứa là không ăn thịt Trâu với điều kiện Trâu phải cho biết tại sao người hơn Trâu? Trâu trả lời: “Loài người có vẻ yếu đuối ở bề ngoài hơn thú vật, nhưng loài người có trí khôn hơn thú vật. Ðó là, vũ khí mà thú vật chúng ta phải đáng sợ”.Từ đó, tôi khuyên ngài là chúa tể sơn lâm cũng nên trốn đi khỏi nơi này cho mau, kẻo trễ. Nghe Trâu nói, Cọp tức giận, rồi nói: Ta sẽ kêu người đưa trí khôn cho ta, ta không bao giờ hèn nhát trốn chạy đâu hết, rồi Cọp liền phóng mình đến gần người và thét lên rằng: “Người kia, ta nghe nói ngươi có một vũ khí phi thường là trí khôn.Có thật hay không? Nếu đúng thể hay đưa cho ta ngay, nếu không ta sẽ ăn thịt ngươi ngay” Người nói với Cọp : “Hỡi chúa sơn lâm, thật là hân hạnh cho tôi được dâng trí khôn của tôi cho ngài, nhưng ngài hãy nhẫn nại giây phút, vì hiển nhiên tôi không có đem một vũ khí quý báu như thế ra đồng vì tôi đã cất kỹ nó ở nhà. Tôi cần phải đi về nhà để lấy nó cho ngài”.

Việc này thật bất tiện cho Cọp, nhưng nó không làm sao hơn. Nếu Cọp muốn lấy được trí khôn của người, thì phải chấp nhận điều kiện của người đưa ra là : Cọp phải bị trói, nếu Cọp không bị trói thì người sợ Cọp ăn Trâu, còn đi theo người về nhà để lấy trí khôn cho chắc chắn ăn, thì Cọp sẽ bị dân chúng trong làng sẽ ùa ra nào gậy gộc, gạch đá ... tấn công rồi giết chết Cọp. Do vậy, Cọp đồng ý theo người là chịu trói bằng dây rơm bện vào một gốc cây và Cọp còn căn dặn người phải đi cho thật nhanh để Cọp khỏi chờ đợi lâu.

Sau khi, người đã trói Cọp vào gốc cây chắc chắn xong, người mới lên tiếng nói với Cọp rằng : “Người hơn thú vật là trí khôn, mi là đồ súc vật ngu đần “ rồi người nông dân xuống bãi cỏ đem thức ăn ra hâm lại để tiếp tục ăn, vì Cọp xuất hiện nên việc ăn trưa tạm ngưng để tiếp Cọp. Còn con Cọp vẫn bị trói gần đóng rơm, trong khi lửa hâm thức ăn bị gió tạt, nên cháy sang đóng rơm rồi lan dần qua nơi Cọp bị cột, cháy luôn sợi dây trói Cọp ăn sâu vào bộ lông làm cho Cọp quá đau đớn, nên cố sức phóng mình chạy thoát thân vào rừng. Từ đó, Cọp có bộ lộng rằn đen và sợ lửa kinh khủng.

Trong khi Trâu có kỷ niệm đáng nhớ về việc Cọp ngu đần, vì trí khôn của người và Trâu cười đến nỗi té trên đá gãy mấy cái răng cửa ở hàm trên. Từ đó, giống Trâu chúng ta không thấy có răng cửa ở hàm trên.

Bài này là một huyền thoại nói về Cọp tại sao có bộ lông rằn. Nhưng nó có ý nghĩa sâu xa, khuyên chúng ta đừng bao giờ ỷ mình có sức mạnh xem thường kẻ yếu mà sẽ thất bại như Cọp.

Còn con người ? mãi đến ngày hôm nay vẫn còn trí khôn trong đầu hơn loài thú vật.

Cọp mắc bẩy không ai thèm cứu :

Cọp là chúa sơn lâm, nhưng cũng phải bịnh, nên suốt ngày không đi hỏi hang để săn thức ăn, lương thực dự trữ ăn cũng đã hết, các thú nghe tin chúa sơn lâm đau, lục đục đến thăm viếng. Cọp thì đang đau lại đói, nên kiếm cớ để bắt lỗi kẻ đến thăm mà ăn thịt. Chú Nai tơ vào thăm, thì Cọp bảo Nai lại gần và hỏi rằng : “Chú Nai thấy ta đang đau, người của ta thơm hay thúi ?”. Nai ngay tình trả lời : “Thưa thúi”. Cọp lại bắt lỗi Nai, ta là chúa sơn lâm mà dám nói ta thúi ? Cọp liền lấy hết sức mình chụp Nai để ăn thịt, nhưng Nai chạy thoát ra ngoài và than khóc kể rõ sự tình cho các thú khác nghe. Kế đến, Chồn lại thăm Cọp, thì cũng bị Cọp hỏi câu tương tợ là : “ Chú Chồn thấy ta đang đau, người của ta thơm hay thúi ?”, nhưng Chồn đã nghe Nai kể lại việc đi thăm Cọp, nên trả lời : “Thưa thơm”.Cọp nỗi giận nói : “Thằng này nịnh ”, nên cũng nhảy tới chụp Chồn để ăn thịt, nhưng Chồn cũng chạy thoát và Chồn cũng kể rõ việc đi thăm Cọp cho Chuột nghe . Ít hôm sau, có Chuột đến thăm Cọp, bởi vì không thăm Cọp thì sẽ có lỗi với chú sơn lâm, hơn nữa Chuột đã nghe Nai và Chuột nói việc đi thăm Cọp rồi, nên đã có rút kinh nghiệm, yên chí trong bụng khi đến thăm Cọp, Chuột cũng được Cọp hỏi giống nhau như Nai và Chồn vậy, nhưng kỳ này Chuột trả lời: “Thưa cũng không thơm mà cũng không thúi”. Cọp nói : “Chú nói ba phải” bèn phóng tới chụp Chuột để ăn, nhưng Chuột cũng chạy thoát thân. Thời gian ít lâu sau, Chuột đi ngang qua cánh

rừng, gặp Cọp bị mắc bẩy, cần vọt lên cao, Cọp thấy Chuột thì kêu cầu cứu, Chuột trả lời : “Tôi nhỏ con có thể bò ra đầu cành cắn dây treo cho đứt xuống là xong, nhưng tôi sợ ông sẽ chụp tôi ăn thịt, nên tôi sợ lắm”. Nói xong đi luôn cùng các thú khác, cho nên Cọp mắc bẩy không ai thèm cứu là thế đó.

Câu chuyện cũng có ý nghĩa bao quát đáng cho chúng ta suy ngẫm ở đời là: “Dù lời nói thật hoặc nói sai hay nói huề vốn cũng không vừa lòng người ”. Bởi vì, con người : “Khôn cũng chết, dạy cũng chết, biết mới sống ”.

Cáo mượn oai Cọp :

Con Cọp là chúa sơn lâm nên các thú vật trong rừng điều khiếp sợ. Một hôm Cọp bắt được con Cáo, thì Cáo la rằng : Không được chạm đến mình ta mà chết không kịp ngáp. Ta được Trời sai xuống đây để cai trị tất cả thú vật. Ngươi mà xâm phạm đến ta, thì Trời sẽ trừng phạt ngươi ngay, không tin ngươi cứ đi theo sau ta một vòng, ta đi trước đến đâu, thì các thú sẽ bỏ chạy hết vì sợ ta, quả nhiên lời nói của Cáo đúng sự thật và Cọp nghĩ Cáo có đã được Trời sai xuống để cai trị tất cả thú vật, chớ đâu có ngờ các thú vật sợ Cọp đi sau Cáo. Do vậy, Cọp cũng không dám chạm đến mình Cáo, nên Cáo được thoát thân.

Câu chuyện này có ý nghĩa: Kẻ tài hèn thường mượn uy quyền người khác để hống hách doạ nạt thiên hạ.

Viết về huyền thoại Cọp còn nhiều lắm, nếu từ từ trích dẫn thì có thể thành quyển sách nhỏ, nói về chúa tể sơn lâm này, nào là :

C Con Chồn với con Cọp.

C Con Cọp chửa trị bị cho các con bằng lá cây đa để rồi chú Cuội bay lên Trời.

C Con Cọp với con Cốc tía và Con Khỉ.

C Con Cọp bị đá.

C Con Cọp bị mắc đuôi trong bụi Dừa Nước.

C Con Cọp rình nhà với kẻ trộm nhà.

C Con Cọp mắc mưu Thỏ để cứu Voi.

C Con Cọp nhân từ.

C Thái Tử hóa thành Cọp.

C Cọp Thủ Thiêm.

C Con Cọp và Con Mèo...

Kế đến tìm hiểu giống Cọp? lợi hại về Cọp như thế nào? Cọp trong lịch sữ và văn chương Việt-Nam ... v.v. cho nên xin tạm ngưng ở đây, khi có dịp sẽ nối tiếp.

Trước khi tạm kết thúc bài này, tôi xin trích dẫn thời gian 10 năm những năm con Cop vừa qua và sắp tới có Hành như thế nào? để cống hiến quý bà con đồng hương nhàn lãm hoặc xem mình có phải sanh đúng năm Dần hay không như dưới đây :

Tên Năm

Thời Gian

Hành Gì?

Nhâm Dần

08-02-1902 đến 28-01-1903

Kim

Giáp Dần

26-01-1914 đến 13-02-1915

Thủy

Bính Dần

13-02-1926 đến 01-02-1927

Hỏa

Mậu Dần

31-01-1938 đến 18-02-1939

Thổ

Canh Dần

17-02-1950 đến 05-02-1951

Mộc

Nhâm Dần

05-02-1962 đến 24-01-1963

Kim

Giáp Dần

23-01-1974 đến 10-02-1975

Thủy

Bính Dần

09-02-1986 đến 28-01-1987

Hỏa

Mậu Dần

28-01-1998 đến 15-02-1999

Thổ

Canh Dần

14-02-2010 đến 02-02-2011

Mộc

Nhân đây, kính chúc tất cả gia đình quý bà con đồng hương bước sanh năm mới Canh Dần được mạnh tiến như Cọp Vạn Sự Cát Tường suốt năm.

Hàn Lâm Nguyễn-Phú-Thứ

(Trích dẫn tác phẩm Tử-Vi & Ðịa-Lý Thực-Hành từ 561 đến trang 574 của Nguyễn-Phú -Thứ)

No comments: