Thursday, February 18, 2010

TỔNG THỐNG OBAMA TIẾP ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA

*





*

Ý nghĩa cuộc gặp giữa Tổng thống Obama và Đức Đạt Lai Lạt Ma?
2010-02-17

Ít giờ đồng hồ nữa tại Nhà Trắng, Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama sẽ tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma, vị lãnh tụ tinh thần của nhân dân Tây Tạng.


Photo: RFA
Đức Đạt Lai Lạt Ma vị lãnh đạo tinh thần nhân dân Tây Tạng

Có rất nhiều tranh cãi xảy ra trước ngày hai khôi nguyên Nobel Hòa Bình ngồi xuống nói chuyện với nhau, khởi đầu là tranh cãi hồi tháng 10 năm ngoái khi ông Obama không gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma trước ngày công du Trung Quốc, và tranh cãi hiện giờ là phản ứng đến từ Hoa Lục cho rằng buổi gặp gỡ có thể tạo ảnh hưởng xấu cho quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh.

Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, Ban Việt Ngữ chúng tôi hân hạnh tiếp xúc với Giáo Sư Winston Yang, một chuyên gia về quan hệ Trung Quốc-Hoa Kỳ. Giáo sư Yang hiện đang giảng dậy tại Đại Học Seton Hall, tác giả nhiều bộ sách nói về tầm quan trọng chiến lược của Trung Quốc đối với Châu Á cũng như với Hoa Kỳ. Cuộc phỏng vấn do Nguyễn Khanh thực hiện.

Trung Quốc và Tây Tạng

Khanh Nguyễn: Liệu tôi có thể xem đây chỉ là cuộc gặp gỡ thuần túy giữa 2 khôi nguyên Nobel Hòa Bình được không?

GS. Winston Yang: Được chứ. Ông có thể xem như thế nhưng ông Obama sẽ đón khách với tư cách Tổng Thống Hoa Kỳ và Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ vào Nhà Trắng với cương vị của người lãnh đạo tinh thần nhân dân Tây Tạng, chứ không phải chỉ là cuộc gặp giữa hai khôi nguyên Nobel Hòa Bình.

Khi có mặt tại Trung Quốc, Tổng Thống Obama có nói rõ với Chủ Tịch Hồ Cẩm Đào ông sẽ tiếp vị lãnh đạo tình thần của nhân dân Tây Tạng vào đầu năm 2010
GS.Winston Yang

Nguyễn Khanh: Mùa Thu năm ngoái, Nhà Trắng giải thích rằng Tổng Thống Barack Obama thấy không thuận lợi nếu tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma trước ngày sang thăm Bắc Kinh, vì e ngại cuộc gặp gỡ sẽ tạo nên những bất lợi cho quan hệ giữa hai bên. Giáo sư nghĩ gì về lời giải thích đó?

GS. Winston Yang: Tôi nghĩ rằng trước khi ông Obama sang thăm Bắc Kinh, chính phủ Hoa Kỳ muốn xây dựng một mối quan hệ song phương tốt đẹp hơn giữa hai nước. Washington không muốn Tổng Thống Obama phải đối phó với bất kỳ trở ngại nào trước khi ông lên đường sang Bắc Kinh.

Thành ra theo quan điểm của Nhà Trắng, hoãn cuộc gặp với Đức Đạt Lai Lạt Ma lại là điều hữu lý. Nhưng khi có mặt tại Trung Quốc, Tổng Thống Obama có nói rõ với Chủ Tịch Hồ Cẩm Đào ông sẽ tiếp vị lãnh đạo tình thần của nhân dân Tây Tạng vào đầu năm 2010.

Nói cách khác, Hoa Kỳ không che đậy, không dấu diếm chuyện này, và chuyện Tổng Thống Mỹ gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma sau khi gặp Chủ Tịch Hồ Cẩm Đào cũng cho Trung Quốc hiểu rằng đối với Washington, chuyện Trung Quốc được xem là quan trọng hơn chuyện Tây Tạng.

Hoa Kỳ không che đậy, không dấu diếm chuyện này, và chuyện Tổng Thống Mỹ gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma sau khi gặp Chủ Tịch Hồ Cẩm Đào cũng cho Trung Quốc hiểu rằng đối với Washington, chuyện Trung Quốc được xem là quan trọng hơn chuyện Tây Tạng.
GS.Winston Yang

Quan hệ Mỹ -Trung?

Nguyễn Khanh: Giáo sư bảo là Hoa Kỳ xem chuyện Tây Tạng không quan trọng bằng chuyện Trung Quốc, nhưng mới tháng rồi ông Obama thông báo sẽ bán võ khí cho Đài Loan, tháng này lại tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma ngay ở Nhà Trắng. Chuyện dồn dập tới như thế thì bắt buộc Bắc Kinh phải nghĩ là Washington muốn đối đầu với họ chứ?

Tổng thống Hoa Kỳ  Barack Obama
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama.AFP photo


GS. Winston Yang: Đương nhiên đó là quan điểm của Bắc Kinh. Các quyết định của chính phủ Hoa Kỳ chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc bực bội và họ đã từng lên tiếng phản đối, họ phản đối quyết định bán võ khí cho Đài Loan, họ cũng đang phản đối việc Tổng Thống Mỹ đón tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Nhưng dù phản đối ầm ĩ như vậy, chính phủ Trung Quốc vẫn rất thận trọng khi đưa ra những quyết định mang tính trã đũa. Bằng chứng rõ nhất là dù lên tiếng phản đối việc làm của chính phủ Mỹ, nhưng cách đây mới 2 ngày Bắc Kinh lại hân hoan thông báo cho hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ ghé cảng Hồng Kông.

Vài ngày trước đó, báo chí Trung Quốc đều đăng tải lời phát biểu của Thủ Tướng Ôn Gia Bảo nói rằng Bắc Kinh đánh giá rất cao quan hệ với Mỹ và sẽ tiếp tục xây dựng mối quan hệ này. Thành ra tôi tin là chuyện bán võ khí cho Đài Loan và đón Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ không gây ảnh hưởng gì đến mối quan hệ song phương, nếu có thì chỉ là tạo nên một vài trở ngại thôi.

Dù phản đối ầm ĩ như vậy, chính phủ Trung Quốc vẫn rất thận trọng khi đưa ra những quyết định mang tính trã đũa. Bằng chứng rõ nhất là dù lên tiếng phản đối việc làm của chính phủ Mỹ, nhưng cách đây mới 2 ngày Bắc Kinh lại hân hoan thông báo cho hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ ghé cảng Hồng Kông.
GS.Winston Yang

Nguyễn Khanh: Trở ngại như thế nào, thưa Giáo Sư?

GS. Winston Yang: Trở ngại đầu tiên tôi nhìn thấy là chương trình trao đổi quân sự sẽ bị gián đoạn, có thể trong vòng 6 tháng hay một năm. Kế đến là có thể cuộc thảo luận chiến lược kinh tế mà hai bên đã bắt đầu cho thực hiện từ thời Tổng Thống George W. Bush cũng sẽ hoãn lại trong một thời gian.

Nhưng điều cần phải để ý tới nhất chính là chuyến viếng thăm Washington của Chủ Tịch Hồ Cẩm Đào dự trù diễn ra vào tháng Tư tới đây.

Nếu ông Hồ Cẩm Đào vẫn sang thăm Mỹ như đã dự tính thì chuyện Đài Loan, chuyện Tây Tạng chẳng ảnh hưởng gì quyết tâm xây dựng quan hệ vững mạnh của hai nước, còn nếu ông Hồ Cẩm Đào hoãn chuyến đi thì rõ ràng quan hệ đôi bên có vấn đề. Tôi thì tôi tin ông Hồ Cẩm Đào sẽ sang thăm Mỹ.

Hoa Kỳ minh định rõ Tây Tạng là một phần lãnh thổ của Trung Quốc, Hoa Kỳ không can dự vào chuyện nội bộ của Trung Quốc. Thành ra tôi không nghĩ chuyện Tây Tạng sẽ được nói đến trong buổi gặp gỡ giữa Tổng Thống Obama với Đức Đạt Lai Lạt Ma.
GS.Winston Yang

Nguyễn Khanh: Câu hỏi cuối xin gửi đến Giáo Sư. Khi gặp nhau ở Nhà Trắng, Tổng Thống Mỹ và vị lãnh đạo tinh thần của nhân dân Tây Tạng sẽ nói với nhau những gì?

GS. Winston Yang: Tôi không nghĩ hai vị sẽ nói chuyện nhiều về chính trị, thay vào đó tôi nghĩ là Tổng Thống Obama và Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ nói với nhau về chuyện hòa bình của thế giới, sẽ bàn đến vấn đề tôn giáo, tâm linh.

Tại sao tôi lại nghĩ như vậy? Câu trả lời đơn giản lắm. Hoa Kỳ minh định rõ Tây Tạng là một phần lãnh thổ của Trung Quốc, Hoa Kỳ không can dự vào chuyện nội bộ của Trung Quốc.

Thành ra tôi không nghĩ chuyện Tây Tạng sẽ được nói đến trong buổi gặp gỡ giữa Tổng Thống Obama với Đức Đạt Lai Lạt Ma. Tôi cũng không tin Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ vận động ông Obama ủng hộ cuộc tranh đấu đòi độc lập của người dân Tây Tạng.

Nói cách khác, hai vị sẽ chú tâm vào chuyện hòa bình, chuyện tôn giáo, và tránh nói chuyện chính trị.

Nguyễn Khanh: Xin cám ơn Giáo Sư.

*

Đức Đạt Lai Lạt Ma phấn khởi hội kiến Tổng thống Obama

Nhà lãnh đạo tinh thần của người dân Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma, cho hay ngài rất phấn khởi trước cuộc hội kiến với Tổng thống Hoa kỳ Barack Obama tại thủ đô Washington vào cuối tuần này.




Ông Chime Chhoekyapa, Thư ký riêng của Đức Đạt Lai Lạt Ma, cho hay cuộc hội kiến tại Tòa bạch ốc sẽ là một tín hiệu an ủi những người dân đang sống tại Tây Tạng.

Phát ngôn nhân của Đức Đạt Lai Lạt Ma, ông Tenzin Taklha, người sẽ tháp tùng trong chuyến viếng thăm Hoa kỳ lần này nói rằng, dù lời tuyên bố ra sao, Trung Quốc vẫn e ngại ý kiến của cộng đồng quốc tế.

Ông nói thêm, vấn đề chính là sự hưng thịnh của 6 triệu người dân Tây tạng. Tuy nhiên, ông từ chối trả lời những câu hỏi của các ký giả về cuộc gặp sắp tới này.

Trung Quốc vẫn thúc giục Hoa kỳ huỷ bỏ cuộc gặp của Tổng thống Obama với nhà lãnh đạo tinh thần Tây tạng, nói rằng việc này sẽ làm ảnh hưởng đến mối quan hệ Mỹ-Trung.

http://www.rfa.org/vietnamese/VietnameseNews/InternationalNews/Dalai-Lama-says-he-s-happy-to-meet-Obama-this-week-02162010173934.html

*

No comments: