Thursday, February 4, 2010

VÕ THU TỊNH * ĐẠO GIÁO

*



GS. Võ Thu Tịnh
*

Tưởng niệm Giáo-sư Thu-Tâm Võ Thu Tịnh
02/7/1920 -- 01/2/2010


Đạo giáo du nhập vào Việt Nam

Võ Thu Tịnh

I.- Quá trình du nhập và hình thành

Đạo giáo từ một học thuyết trở thành một tôn giáo, thờ và tôn Lão-tử làm giáo chủ, gọi là Thái thượng Lão quân, coi như là hóa thân của Đạo giáng thế. Đạo giáo truyền sang Việt Nam, chia thành hai phái: Đạo giáo Phù thủy dùng pháp thuật trừ tà, trị bệnh giúp người dân quê khỏe mạnh, và Đạo giáo Thần tiên dạy tu tiên, luyện thuốc trường sinh bất tử cho giới quí tộc.

Đạo giáo du nhập vào Việt Nam từ khoảng cuối thé kỷ thứ 2. Theo Đại tạng kinh là Kinh thánh của Đạo giáo, sau khi vua Hán Linh Đế băng hà, xã hội Trung Hoa rối loạn, chỉ có đất Giao Châu được yên ổn, người phương Bắc sang lánh nạn tại đó, phần nhiều là các đạo sĩ luyện phép trường sinh theo cách nhịn ăn. Nhiều quan lại Trung Hoa sang cai trị nước ta, cũng dùng những phương thuật ấy và đáng kể nhất là trường hợp Cao Biền đời Đường, tương truyền ông đi lùng khắp nước ta để tìm cách yểm huyệt cắt đứt các long mạch không cho phát sinh đế vương và nhân tài, và đồng thời cũng khám phá các mỏ thần sa để luyện thuốc trường sinh.


1.- Đạo giáo Phù Thủy

Ngay từ khi đạo Nho chưa có cơ sở xã hội ở nước ta, thì Đạo Phù thủy nhờ sự tưong đồng với các ma thuật phù phép địa phương, nên đã bắt đầu phát triển rộng rãi từ đời Tiền Lê. Thời xa xưa, ngưòi Việt ta thường dùng bùa chú, họ tin rằng có thể trị tà ma, chữa bệnh, sai âm binh, tàng hình v.v. Cổ Sử Trung Hoa có ghi việc Hùng vương là người nhờ giỏi pháp thuật (phù thủy) mà thu phục được 15 bộ lạc lập nên nước Văn Lang. Về sau, đời Hồng Bàng có Chử Đồng Tử cũng giỏi về pháp thuật theo Đạo giáo thần tiên. Một số nhà sư ngày xưa cũng phải học phù phép, chữa bệnh, đuổi tà, gây uy tín trong dân gian để có thể truyền bá Phật giáo cho dễ dàng.




Bên cạnh Ngọc Hoàng Thượng Đế, Đạo Giáo Phù Thủy Việt Nam còn thờ nhiều vị thần khác của dân Việt, như Đức Thánh Trần (Trần Hưng Đạo, vị anh hùng dân tộc, 2 lần thắng quân Nguyên được dân chúng thờ như vị thần có tài diệt trừ yêu quái), Bà Chúa Liễu Hạnh, (tương truyền là một nàng tiên có nhiều phép thần thông, phù hộ dân, trừng phạt bọn hủ nho quen thói hiếp chọc nữ giới, và thắng cả quân lính nhà vua sai đến tiểu trừ phá hoại đền thờ bà). Ngoài ra, còn có tục lên đồng, thờ các Mẫu Tam Phủ (Mẫu Thượng Thiên: Bà Trời; Mẫu Thượng Ngàn: Bà Đất; Mẫu Thoải, âm đọc chệch đi từ chữ Thủy: Bà Nước) v.v... để hòa nhập với tín ngưỡng của dân chúng.


2.- Đạo giáo Thần tiên

Đạo giáo Thần tiên tại Việt Nam chia thành hai phái: phái nội tu và phái ngoại dưỡng.

a)-Phái Nội Tu

Vào thế kỷ 17, đời vua Lê Thần Tông (1619-1643), xuất hiện một giáo phái Việt Nam có quy mô lớn gọi là Nội Đạo. Người sáng lập là Trần Toàn, quê Thanh Hóa, nguyên là một quan to triều Lê, không theo nhà Mạc, từ quan về tu theo Đạo Giáo Thần Tiên, giúp dân trừ tà ma quỉ quái trong hai vùng Thanh, Nghệ, Tịnh. Tương truyền Lê Thần Tông bị bệnh mọc lông cọp, Trần Toàn dùng bùa và thần chú chữa khỏi. Phái giáo Nội Đạo phát triển vào Nghệ An phía nam, và ra Bắc, có đến 10 vạn tín đồ, đến thế kỷ thứ 20 còn tồn tại ở Thanh Hoá, Nghệ An, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội.


b)- Phái Ngoại dưỡng cho rằng con người có thể thành tiên sống lâu bất tử nhờ uống thuốc trường sinh (kim đan).

Sau khi vừa xuất tiện ở Nam Trung Hoa thì phái nầy du nhập vào nước ta ngay, vì dược liệu để chế kim đan là thần sa có nhiều tại các đảo Tràng sa (Vịnh Bắc phần), Cù lao Chàm (Quảng Nam) mà ngày xưa các lái buôn mua từ Giao Chỉ đưa về Trung Hoa. Mã Viện ngoài việc dẹp cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, còn có mục đích riêng là đi tìm các mỏ thần sa. Đời Đông Tấn (316-334) Cát Hồng đang làm quan tại triều Trung Hoa, xin đi làm tri huyện ở Câu Lâu (Hải Dương) để có dịp đi tìm thần sa ở nước ta mà luyện thuốc trường sinh cho mình.


Giới sĩ phu ta ngày xưa thường tổ chức 'cầu tiên' (hay phụ tiên) ở tư gia hay ở các đền như Ngọc Sơn (Hà Nội), Tản Viên Sơn Tây), Đào xá Hưng Yên ở miền Bắc. Ở miền Nam sau nầy, do các cuộc cầu tiên, mà Đạo Cao Đài ở miền Nam phát sinh, thờ cả ba giáo chủ Thích ca, Lão tử, Khổng-tử.

II. Ảnh hưởng của Đạo giáo tại Việt Nam

1.- Phạm vi chính trị

Các đạo sĩ ngày xưa được các vua chúa coi trọng không khác gì các cao tăng. Trong lịch sử nước ta, các vua Đinh, Lê, Lý, Trần đều chọn các tăng sư và đạo sĩ vào triều làm cố vấn: bên cạnh tăng quan có cả chức đạo quan. Đến đời nhà Trần, năm 1247 đời vua Thái Tông, có mở khoa thi Tam Giáo: thi về Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo. Theo sử gia Trần Trọng Kim, 'sự học vấn đời nhà Trần cũng rộng: Nho, Phật, Lão đều trọng cả. Nhưng không rõ cách học hành, và phép thi cử lúc bấy giờ ra thế nào, vì chỗ nầy sử chỉ nói lược qua mà thôĩ' (Việt Nam sử lược, trang 124).


Có sự hòa hợp ba tôn giáo như thế là nhờ vua quan, dân chúng ta thời xưa nhận thức Nho, Phật, Lảo là phương tiện bảo vệ luân lý làm người, hơn là những giáo thuyết siêu hình mở đường đến sự cuồng tín có thể gieo sự chia rẻ trong dân gian. Các vua ta, mỗi khi trong triều hay ngoài dân gian có phát hiện những hiện tượng mê tín, dị đoan, hay có kẻ lợi dụng tôn giáo để tham những, thì lập tức hạ lệnh ngăn cấm trừng phạt. Lý Thường Kiệt (1019-1105) thải hồi hơn nửa số thuộc hạ của ông về tội lợi dụng mê tín của dân chúng để trục lợi làm tiền. Như thế cũng chính là để bảo vệ luân lý.


Mặt khác, trong khi Nho giáo, bản chất là một công cụ tổ chức an ninh trật tự xã hội rồi trở thành vũ khí của kẻ thống trị, thì Đạo giáo xây dựng trên những tư tưởng phản kháng các nhà cầm quyền, đã được dân chúng, ở Trung Hoa cũng như ở Việt Nam, đã dùng làm vũ khí tinh thần chống lại kẻ thống trị. Ở Trung Quốc thời Tam Quốc (220-280) Trương Giác lập Thái Bình đạo, dùng phương thuật, bùa phép tập họp dân chúng khởi nghĩa Hoàng Cân (nghĩa quân chít khăn hoàng làm dấu hiệu) chống chế đọ cai trị đương thời (năm 184). Bị đàn áp, Thái Bình đạo tồn tại một thời gian, rồi một số tín đồ quy phục theo Ngũ đảu mể đạo (nộp 5 đấu gạo để gia nhập đạo)một thứ Đạo giáo phù thủy, do Trương Lăng tu luyện tại vùng núi Tứ Xuyên, lấy Lão Tử làm kỳ hiệu (Tên gọi Thái Thượng Lão quân phát xuất từ phái nầy) để tiếp tục vùng lên chống chính quyền.


Ở Việt Nam, thời Lý Nhân Tông (1072-1127), có Lý Giác là kẻ học được phép lạ tương truyền có thể biến cỏ cây thành âm binh, cầm đầu cuộc bạo động ở Diễn Châu. Năm 1379, đời Trần Phế Đế, ở Bắc Giang, Nguyễn Bổ tự xưng có nhiều phép thần thông, nổi lên lấy hiệu là Đường Lang Tử Y. Đời nhà Hồ, Trần Đức Huy dùng pháp thuật lôi cuốn đông đảo người theo, bị Hồ Quí Ly dẹp năm 1403.

Vào cuối thế kỷ 19, khi quân Pháp bắt đầu xâm chiếm nước ta, có Mạc Đỉnh Phúc (cháu 18 đời nhà Mạc) dùng thuật phép thuật để phát động cuộc khởi nghĩa năm 1895 ở các tỉnh miền biển Bắc phần, tuyên truyền mình có phép thần thông làm cho đạn Pháp bắn ra quay trở lại bắn quân Pháp. Năm 1916, Võ Trứ ở Bình Định và Trần Cao Vân ở Quảng Nam phò vua Duy Tân chống Pháp, nghĩa quân đeo bùa cho đạn Pháp bắn không chết. Nguyễn Hữu Trí ở Tà Lơn (sau núi Cấm, Nam phần) tôn Phan Xích Long làm Hoàng đế, đồn rằng ông là con vua Hàm Nghi, có nhiều phép lạ làm cho súng Pháp không nổ và lập nhiều hội kín ở Nam phần lôi cuốn hàng vạn người hoạt động chống Pháp.

2.- Phạm vi tư tưởng văn học

Về nếp sống và văn thơ, mặc dầu không mấy ai thật sự là tín đồ một phái nào của Đạo Giáo, nhưng hầu hết các nhà Nho Việt Nam, qua Đạo Đức Kinh, Nam Hoa Kinh, hay thi văn cổ Trung Hoa, đều chịu ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp những tư tưởng của Lão-tử, Trang-tử.
Trong những nhà Nho đã thoát ra khỏi cuộc đời, đi ở ẩn để tiêu diêu tự tại giữa thiên nhiên, trước hết có Nguyễn Trãi (1380-1442) một công thần giúp Lê Lợi đuổi quân Minh, giành lại độc lập cho nước ta. Sau khi vua Lê Thái Tông mất, bị gian thần gièm pha, ông cáo quan về ẩn tại Côn Sơn (Hải Dương). Ông cũng có nhiều câu thơ ca tụng thú thanh nhàn (một bầu phong nguyệt) tiêu dao tự tại giữa thiên nhiên, đúng với lời dạy bảo trong Đạo thường mà không còn nghĩ đến sự đua tranh:

Một bầu phong nguyệt nhàn tự tại,
Hai chữ công danh biếng vả về. (Quốc Âm Thi Tập bài số 155) (1)


...Chữ nhàn xưa chép lời truyền bảo,
Khiến chớ cho qua một Đạo thường. (Quốc Âm Thi Tập bài số 128)

... Ở thế an nhàn chẳng có sự,
Nghìn muôn tấn nhượng, chớ đua tranh! (Quốc Âm Thi Tập bài số 136)

Qua thế kỷ 15-16, Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), đỗ trạng nguyên năm 1535, thời nhà Mạc, làm quan 8 năm, xin về hưu (1544), đưọc vua Mạc phong tước Trình Tuyền Hầu (ngụ ý khen tài đức như Trình Y Xuyên, Trình Minh Đạo bên Trung Hoa) nên được gọi là Trạng Trình. Thật ra, ông đã theo phép xuất xử của Nho giáo (Gặp thời có chính nghĩa thì ra giúp đời, không thì đi ở ẩn: nhà Mạc vốn bị coi như là ngụy, tiếm ngôi vua Lê, có lẽ vì thế nên ông rút lui), mà cáo quan về ở ẩn, nhưng tư tưởng của ông lại thấm nhuần thuyết 'tính-tự-nhiên' của Trang-tử, như trong Bạch Vân Am thi tập có câu:

Làm người thìn (giữ gìn) được tính-tự--nhiên,
Dại dột nhìn ra có phận yên (BVATT bài số 53)

Tiêu diêu hưởng nhàn giữa cảnh hữu tình (thiên nhiên), không tranh đua, không cần ai khen chê:

Ngày ngày tiêu sái (thong thả) nhàn vô sự,
Tuy chửa là tiên, ấy ắt tiên. (BVATT bài số 22)
...
Rồi nhàn thì nhẫn (đạt đến) tiên vô sự,
Ngẫm ngợi cho nên cảnh hữu tình. (BVATT bài số 15)
...Nhàn được thú quê dầu bao nả (bao nhiêu)
Nghĩ xem thế sự biếng đua tranh. (BVATT bài số 17)
...Dữ lành, miệng thế mặc chê khen. (BVATT bài só 39)

Phụ chú (1)

Các bài của Trạng Trình và của Nguyễn Trãi đánh số theo Xuân Phúc (Nguyễn Bỉnh Khiêm Le Bạch Vân am quốc ngữ thi tập, Nguyễn Trãi Quốc Âm thi tập. Các bài thơ của các cụ ngày xưa thường không có đề)

Nhưng quan trọng nhất là Nguyễn Công Trứ (1778-1858), ra làm quan, bận rộn với việc khẩn hoang lập làng nuôi sống cho dân nghèo, cầm quân đánh giặc chống loạn Cao Miên, mà vẫn tìm cách sống theo các thuyết Đạo giáo, như 'tri túc, tiêu diêu xoay xở để hưởng nhàn' (ngao du sơn thủy):

'Tri túc, tiện túc, đãi túc hà thời túc? tri nhàn tiện nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn? (biết đủ thì có đủ, còn đợi cho đủ, biết bao giò mới đủ? biết nhàn thì có nhàn, còn đợi cho nhàn, biết bao giờ mới nhàn?) theo thuyết 'tri túc bắt nhục' của Lão tử: nghĩa là biết đủ, khỏi bị nhục (Đạo Đức K inh, chương 44),

'Cầm kỳ thi tửu với giang san...' và 'Tiêu dao nơi hàn cốc thanh sơn',
theo thuyết Tiêu Diêu hưởng lạc thỏa thích giữa thiên nhiên của Trang-tử (Tiêu Diêu Du),

'Được mất dương dương người thái thượng,
Khen chê phới phới ngọn đông phong'
...
'Người có biết ta hay thì chớ, chẳng viết, ta vẫn là ta.
Linh khâm bảo hợp thái hòa,
Sạch không trần tục ấy là thần tiên,
Ngang tàng lạc ngã tính thiên'
(Dù được, dù mất, ông vẫn bình thản như người thượng cổ, thiên hạ khen chê thế nào, ông vẫn là ông, trong tâm hồn có sự hòa đồng với vũ trụ, thoát tục thần tiên, vui thuận theo tính-tự-nhiên trời phú cho)

Phải chăng, Nguyễn Công Trứ là một nhà Nho đã dung hòa được cái hữu vi của Khổng giáo với cái vô của Lão Trang, trong tinh thần Việt hóa cố hữu của dân tộc ta.

Đến thế kỷ 19, Cao Bá Quát (1809-1854), bất mãn với Tự Đức mà ông cho là hôn quân, nên đang làm giáo thọ ở phủ Quốc Oai, ông bỏ theo làm quân sư cho Lê Duy Cự (1854), chống lại triều đình, thất bại bị xử tử. Nhiều bài hát nói, hay Đường thi của ông, cũng chịu ảnh hưởng Lão Trang:

Vắt tay nằm nghĩ chuyện đâu đâu,
Đem mộng sự đọ với chân thân thì cũng hệt.
Đời sống cũng giống như chiêm bao, cuối cùng chỉ còn có rượu và hưỏng nhàn mà thôi:

Đoạn tống nhất sinh duy hữu tửu,
Trầm tư bách kế bất như nhàn!

Đề tài đời và mộng lẫn lộn nhau, ảnh hưởng của chuyện Trang Chu chiêm bao làm bướm, đã được bao nhiêu văn thi sĩ lặp đi lặp lại, nhưng đặc biệt nhất có Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1888-1939) đã dông dài và sâu sắc hơn hết. Văn xuôi, ông có truyện dài 'Giấc mộng con' thuật lại một giấc chiêm bao thấy mình là một thanh niên, trốn sang Pháp để học hỏi thêm, làm quen với một thiếu nữ tên Chu Kiều Oanh 17 tuổi, cùng nhau ngao du khắp hoàn cầu, rồi lên đến thiên đình, bàn luận với các nhân vật Đông Tây. Tỉnh dậy, mới biết mình vừa chiêm bao, muốn viết thư cho Chu Kiểu Oanh, nhưng không biết gửi đi cách thế nào, đang mong được chiêm bao tiếp theo. Về thi ca, hiện nay bài 'Nhớ mộng' của ông còn được nhiều người truyền tụng:

Giấc mộng mười năm đã tỉnh rồi,
Tỉnh rồi lại muốn mộng mà chơi.
Nghĩ đời ngán nỗi không bằng mộng,
Tiếc mộng bao nhiêu lại ngán đời.
Những lúc canh gà ba cốc rượu
Với khi cánh điệp (bướm) bốn phương trời.
Tìm đâu cho thấy người trong mộng
Mộng cũ mê đường biết hỏi ai ?

3.- Phạm vi ứng xử với thời cuộc

Các nhà Nho ngày xưa thường theo chủ trương 'Công toại, thân thoái' (Đạo Đức Kinh, chương 9). Từ thời dựng nước, vị anh hùng cứu quốc Phù Đổng, sau khi ngăn chận xâm lăng thành công, liền phi thần mã rút lui không chịu hưởng công danh. Trong cuộc phò Lê Lợi kháng chiến chống quân Minh, lúc đầu Nguyễn Trãi cùng Trần Nguyên Hãn đến gặp Lê Lợi, Nguyên Hãn xem tướng Lê Lợi, cho đó là một nhân vật chỉ có thể cọng tác lúc khốn cùng, chớ không thể chung sống lúc thành công được, nhưng vì đại nghĩa kháng chiến cho độc lập quốc gia, nên cả hai đều theo phù giúp. Khi toàn thắng quân Minh, Trần Nguyên Hãn xin về vườn, nhưng một năm sau, bị vua buộc tội đồng lõa với phản loạn, ông nhảy xuống sông tự tử để khỏi bị chém đầu. Sau đó, Nguyễn Trãi xin về hưu ở Côn Sơn, nhưng cuối cùng vì vụ Thị Lộ mà cả gia đình bị tru di tam tộc (1442).

4.-Phạm vi tín ngưỡng

Ngày nay các phái Phù thủy, Thần tiên của Đạo giáo chắc là không còn tồn tại nữa. Các thành phần trẻ và có học nước ta cũng không ai tin tưởng những chủ trương vô vi nhi trị, trở về đời sống thái thượng dân số ít, dân trí kém do Lão tử đề xướng, nhưng rất có thể bị lôi cuốn theo lập trường không phân biệt thiện ác, sai đúng, khiến cho cuộc sống sinh ra bừa bãi, vô trách nhiệm, hoặc lẫn lộn hưởng nhàn với hành lạc sa đọa, hoặc theo gương Trang-tử, phản đối tất cả những luật lệ, thể chế chính trị, học thuyét, tín ngưỡng do người đời bày ra, đến mức có thể bị mất hết tin tưởng, sống ngoài lề xã hội, không biết quí trọng giá trị thiêng liêng của đời sống mà Trời đã phú cho.

Vì vậy các bậc đàn anh, có bổn phận giúp lớp hậu sinh tìm hiểu và đánh giá cho đúng mức những chủ trương, tư tưởng, học thuyết Trang-tử trong Đạo giáo để gạt bỏ những gì lỗi thời và tìm mọi cách Việt hóa những gì có thể giúp cho sự tiến bộ về tư tưởng cũng về khoa học cho dân tộc Việt Nam chúng ta.

Về bản năng Việt hóa của dân Việt, Paul Mus, một văn hào Pháp, đã nhận xét, "Ngay từ khi khai quốc, tất cả then chốt trong lịch sử Việt Nam biểu lộ ngay trong tinh thần chống đối luôn luôn hòa hợp, một cách trái ngược, với khả năng đồng hóa đáng ngạc nhiên những gì từ nước ngoài du nhập vào, tạo thành một tiềm năng quật khởi quốc gia, nhất định không chịu khất phục mặc dù phải bị thua trận, bị phân chia, và bị chinh phục. "

(Paul Mus, Viêtnam Sociologie d'une guerre: "Dès que commence le Viêtnam, le maître-mot de ses problèmes historiques paraît justement se trouver dans cet esprit de résistance qui associe, de façon paradoxale, à d'étonnantes facultés d'assimilation, une irréductibililé nationale à l'épreuve des défaites, des démembrements et des conquêtes").

No comments: