Monday, February 1, 2010

TIN TỨC RFA * VIỆT NAM ĐÀN ÁP

*


Vì sao Việt Nam mở rộng chiến dịch đàn áp?
2010-01-31

Trong thời gian gần đây, VN xem chừng như trở thành trọng tâm chú ý của công luận khi những vụ đàn áp, giam giữ, kết án diễn ra gần như dồn dập trong nước trước sự làm ngơ của giới cầm quyền đối với phản ứng khắp nơi.

Photo: RFA

Bài “Những vụ kết tội nguy hiểm” của báo The Economist của Anh.

Câu hỏi được nêu lên là vì sao VN đột nhiên tăng tốc chiến dịch đàn áp như vậy. Tổng hợp thông tin liên hệ, Thanh Quang trình bày tình hình này sau đây:

Kể từ tháng 3 năm ngoái, VN xem chừng như mở rộng chiến dịch đàn áp nặng tay đối với giới tu hành và những nhà bất đồng chính kiến, tiến hành đợt bắt bớ mới nhắm vào các luật sư độc lập, bloggers, những nhà hoạt động cho dân chủ dám chỉ trích đường lối, chính sách của giới cầm quyền, khiến hằng chục tù nhân lương tâm gần như liên tiếp lâm vào cảnh lao lý sau những phiên xử bất công.

Và rồi những bản án tù nặng nề gần đây nhất với những tội danh thường thấy như “xâm phạm an ninh quốc gia”, “tuyên truyền chống phá nhà nước”, thậm chí “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, đã dành cho những người có tâm huyết với đất nước.

Đại hội đảng XI, tranh giành quyền lực

Khi đề cập tới tình trạng đàn áp tại VN, qua bài “Những vụ kết tội nguy hiểm”, báo The Economist của Anh có nêu lên nghi vấn rằng “không rõ tại sao VN phát động chiến dịch đàn áp nặng tay hơn trong thời gian gần đây”. Bài báo trích dẫn lời một số quan sát viên cho rằng tình hình căng thẳng này diễn ra vì sắp sửa có đại hội đảng lần thứ 11 vào năm tới. Trong khi những người khác tin là chính cuộc đấu tranh trong Bộ Chính trị - giữa phe thân Trung Quốc và phe thân Phương Tây - mới là thủ phạm. Theo bài báo thì tình trạng gọi là cởi mở chính trị tại VN có thể ví như chỉ số thị trường, trồi sụt theo thời gian. Nhưng bài báo khẳng định là chừng nào mà hệ thống giáo dục VN còn đưa thế hệ trẻ có khả năng đi du học nước ngoài, thì khi trở về quê, họ sẽ bị ảnh hưởng của những tư tưởng phương Tây.

Thái độ thù nghịch đối với tự do bày tỏ cảm tưởng và bất đồng chính kiến ôn hòa ngày càng trở nên trắng trợn trong giai đoạn trước khi có đại hội đảng vào năm tới.

Ông Brad Adams, Human Rights Watch

Tờ Wall Street Journal của Mỹ mới đây, qua bài tựa đề “Hà Nội đàn áp nhân quyền”, cũng nêu lên thắc mắc tương tự, rằng “Không rõ tại sao giới lãnh đạo VN bất ngờ áp dụng đường lối cứng rắn chống tự do bày tỏ cảm tưởng?”. Theo nhận xét của bài báo thì việc Hà Nội kết án 5 năm rưởi tù đối với cựu trung tá Trần Anh Kim về tội gọi là “thực hiện những hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” là một phản ứng hốt hoảng trước phong trào đối lập đang được sự ủng hộ của dân chúng”. Vẫn theo bài báo thì cũng có thể chiến dịch ngày càng nặng tay của giới cầm quyền là nhằm gởi một thông điệp cho phe cán bộ chủ trương cải cách, cũng như tìm cách đoàn kết lại các phe nhóm trong đảng trước kỳ đại hội toàn quốc vào năm tới. Bài báo kết luận rằng cho dù vì lý do gì đi nữa, thì hành động của VN gởi một thông điệp rõ ràng là mặc dù VN mong ước hội nhập chặt chẽ hơn với thế giới qua phương cách đối thoại về thương mại, chính trị, nhưng căn nguyên vấn đề là VN vẫn còn dưới thể chế độc đoán rất bấp bênh và lạc hậu.


Ngay sau vụ xử 4 nhà nhà dân chủ ở Saigòn, kể cả LS Lê Công Định và thạc sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Tiến Trung, tổ chức Ân Xá Quốc Tế trụ sở tại Luân Đôn, Anh Quốc ra một thông cáo báo chí, trích dẫn lời ông Brittis Edman, chuyên gia nghiên cứu về VN của Tổ chức Ân Xá Quốc Tế lưu ý rằng “Vụ xử này là một hình thức hoàn toàn chế giễu công lý, bất chấp những nhân quyền căn bản...”.


Vẫn theo viên chức vừa nói thì lẽ ra những nhà dân chủ ấy “không bao giờ bị bắt, chứ đừng nói tới chuyện bị buộc tội và lãnh án tù.” Vì sao, viên chức ấy giải thích, vì “phiên xử không cho bị cáo hưởng quyền được bào chữa đúng nghĩa, cho thấy rõ tình trạng VN thiếu tôn trọng tự do ngôn luận và bất đồng chính kiến trong ôn hòa, cũng như tòa án không được độc lập”. Bản thông cáo báo chí của Tổ chức Ân xá Quốc tế kết luận rằng phiên xử cũng chứng tỏ VN cần phải cấp bách cải cách những khuyết điểm nghiêm trọng trong Bộ Luật Hình sự năm 1999, những điều khoản mơ hồ dùng để kết tội những nhà bất đồng chính kiến ôn hòa – là điều đi ngược lại với nghĩa vụ của VN trong khuôn khổ luật quốc tế.

HRW-Vietnam-250.jpg
Human Rights Watch cho rằng Việt Nam gia tăng đàn áp các nhà dân chủ để chuẩn bị cho Ðại hội Ðảng lần thứ 11.


Tờ The Times ở Luân Đôn trích dẫn lời ông Brad Adams, Giám đốc Á Châu của tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch trụ sở tại New York lưu ý rằng “thái độ thù nghịch đối với tự do bày tỏ cảm tưởng và bất đồng chính kiến ôn hòa ngày càng trở nên trắng trợn trong giai đọan trước khi có đại hội đảng vào năm tới”. Và ông kêu gọi “VN phải chấm dứt hành động buộc tội và bỏ tù những người chỉ trích chính phủ chỉ vì họ thực thi quyền tự do ngôn luận, và VN cần phải bắt đầu tôn trọng nghĩa vụ của mình theo những công ước về nhân quyền mà chính Hà Nội đã ký kết”.

Theo tổ chức Ký Giả Không Biên Giới trụ sở tại Paris, Pháp Quốc, thì “những nhà dân chủ đấu tranh ôn hòa đang phải trả giá cho chứng hoang tưởng và những vụ tranh giành quyền lực trong nội bộ đảng cộng sản cầm quyền trước khi diễn ra đại hội đảng vào năm tới”.

Tổ chức Ký Giả Không Biên Giới lưu ý rằng “Làn sóng bắt bớ đó sẽ không chấm dứt được cuộc tranh luận về tương lai đất nước (VN)”. Theo tổ chức này thì những nhà bất đống chính kiến bị tù tội “...đã trở thành biểu tượng thúc đẩy cuộc đấu tranh cho tự do tư tưởng tại VN và hải ngoại”. và “cộng đồng thế giới phải lên án những bản án nặng nề và áp lực chính phủ (VN) trả tự do cho những nhà hoạt động dân chủ”.

Những nhà dân chủ đấu tranh ôn hòa đang phải trả giá cho chứng hoang tưởng và những vụ tranh giành quyền lực trong nội bộ đảng cộng sản cầm quyền trước khi diễn ra đại hội đảng vào năm tới.

Tổ chức Ký Giả Không Biên Giới

Qua tờ Wall Street Journal, luật sư quốc tế Robert Amsterdam có bài nói về “Ngôn ngữ nhân quyền, ngữ pháp công lý bị rơi vào tay những kẻ không thích hợp”, lưu ý rằng “một phiên xử mà không có quyền bào chữa nào cũng gọi là “phiên xử”, một sự kết tội nhận lệnh từ lãnh tụ độc đoán – chứ không phải quan tòa – vẫn gọi là “tội”, và rồi tiếp tục tồn tại một quan niệm sâu rộng và nguy hiểm rằng luật pháp và tòa án phối hợp hoạt động tốt đẹp...”. Vẫn theo luật sư này thì đối với những chính phủ độc tài, “việc áp dụng tội trạng là mục tiêu của họ hơn là thực trạng có tội, vì họ dựa vào quyền lực để xóa bỏ tình trạng được coi là vô tội khi chưa có án quyết. Họ biết rằng chỉ bằng cách gán cho những nhà bất đồng chính kiến hay đối lập là tội phạm, thì công chúng cũng sẽ xem những người này như vậy”.





2010-01-30

Sau 16 tháng bị tạm giam, hôm qua, 29 tháng 1, cô Phạm Thanh Nghiên, từng được Human Right Watch (Tổ chức Quan sát Nhân quyền Quốc tế), trao tặng giải Hellman Hammett hồi năm ngoái, đã bị tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt 4 năm tù kèm 3 năm quản chế, sau khi thi hành xong hình phạt tù.

phamthanhnghien-150.jpg
Cô Phạm Thanh Nghiên. Photo courtesy of ThanhNienLacViet


Trí thức nói riêng và người dân trong nước nghĩ gì trước bản án dành cho cô Phạm Thanh Nghiên cũng như những bản án khác, mà hệ thống tòa án đã tuyên đối với những người tranh đấu cho tự do, dân chủ tại Việt Nam? Trân Văn đã đem thắc mắc đó trao đổi với ông Nguyễn Thượng Long – một nhà giáo hưu trí, đang sống tại thành phố Hà Đông, nay thuộc Hà Nội. Cuộc trò chuyện này gồm hai phần. Phần đầu là về vụ án Phạm Thanh Nghiên...

Vừa buồn, vừa thất vọng

Trân Văn: Thưa ông, ông nghĩ gì về bản án tòa án Hải Phòng vừa tuyên?

Ông Nguyễn Thượng Long: Tôi cũng chờ suốt ngày hôm nay đấy. Người ta xử kín quá, tôi không thấy rò rỉ thông tin nào cả. Vừa rồi tôi được biết rằng là người ta đã xử cháu Nghiên với 4 năm tù giam, tôi bất ngờ và tôi rất là buồn. Tôi rất thất vọng về án phạt đó.

Trân Văn: Thưa ông, Hiến pháp Việt Nam minh định là công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí nhưng cô Nghiên bị bắt khi cô đang tọa kháng tại nhà với biểu ngữ "Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam" và phản đối công hàm do ông Phạm Văn Đồng ký mà cô cho là “bán nước”. Cô bị kết tội vì một vài bài viết mà cô đã gửi lên mạng Internet để chia sẻ những suy nghĩ của cô về hiện tình đất nước, thế thì công dân có thể thực hiện quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí mà hiến pháp đã minh định như thế nào?

Ông Nguyễn Thượng Long: Qua sự kiện này tôi cũng rất thất vọng. Điều 69 của Hiến pháp ở đất nước chúng tôi quy định những quyền tự do cá nhân cũng rất đầy đủ đấy! Trong đó người ta khẳng định những quyền hội họp, quyền lập hội, quyền biểu tình, rồi quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí và theo quy định của nhà nước thì tôi thấy một số việc làm của cháu Nghiên rất đúng với điều này. Ví dụ như là cháu làm đơn xin được biểu tình, thế rồi cháu cũng viết nhiều bài bày tỏ tư tưởng của mình một cách rất là đàng hoàng. Cháu cũng viết báo mạng. Tôi nghĩ là Nghiên không có gì sai sót về phương diện Hiến pháp của đất nước chúng tôi cả.

Nếu chúng ta soi vào Tuyên ngôn Nhân quyền thì chúng ta thấy là cháu cũng không làm điều gì vượt quá Tuyên ngôn Nhân quyền mà quốc tế đã kêu gọi và Việt Nam đã công nhận. Còn Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự, Chính trị và Xã hội thì cháu cũng không hề vượt quá những cái ngưỡng được phép.

Tôi nghĩ rằng việc cháu thực thi những quyền đó rất bình thường đối với các quốc gia dân chủ và các quốc gia văn minh. Rất tiếc là người ta vẫn có thể xử cháu được mà lại xử cháu ở mức án nặng nề như thế.

Ô. Nguyễn Thượng Long

Tôi nghĩ rằng việc cháu thực thi những quyền đó rất bình thường đối với các quốc gia dân chủ và các quốc gia văn minh. Rất tiếc là người ta vẫn có thể xử cháu được mà lại xử cháu ở mức án nặng nề như thế. Tôi rất là buồn. Tôi rất thất vọng.

Trân Văn: Thưa ông, trước đây ông đã từng gặp cô Phạm Thanh Nghiên chưa, hay ông chỉ biết cô qua những bài cô viết?

Ông Nguyễn Thượng Long: Tôi trực tiếp gặp cô Nghiên rồi, trong cuộc biểu tình trước cửa Đại sứ quán Trung Quốc. Hôm đó tôi vô cùng khâm phục, tôi vô cùng cảm động và ngưỡng mộ trước biểu hiện của một cô gái trẻ như thế.

Rất may là trong ngày hôm đó khi tôi quay trở lại nhà một người bạn mới quen biết của tôi thì tôi lại gặp lại cháu. Ở đó, tôi mới biết đầy đủ hơn về cháu Nghiên. Sau đó tôi thấy là những việc cháu làm thì tôi nghĩ là cũng không có cái gì là quá mức cả.

Sau lần đó tôi được biết là cháu có vào Thanh Hóa để thăm những ngư dân bị tàu Trung Quốc khủng bố trên Biển Đông. Sau đó một thời gian thì tôi thấy cháu viết một bài mà tôi rất xúc động. Đó là bài "Uất ức biển ta ơi!", trong đó cháu bày tỏ những đau xót của cháu khi đồng bào của mình bị hoạn nạn.

Một thời gian sau nữa tôi được biết là cháu đồng ký vào một cái đơn xin phép nhà nước cho tổ chức một cuộc biểu tình để lên án các tệ đoan, ví dụ như lạm phát, tăng giá, hay là tham nhũng tràn lan.

Thời gian sau thì tôi thấy hình như vì bức xúc, cháu có treo một khẩu hiệu là "HoàngSa - Trường Sa là của Việt Nam" và một khẩu hiệu về việc cháu không hài lòng với một công hàm ông Phạm Văn Đồng ký năm 1958. Cháu treo ở nhà cháu chứ cháu chẳng có gây rối ren gì cho xã hội cả. Cháu lặng lẽ tọa kháng với những điều mà cháu nghĩ, cháu viết như vậy.

Một thời gian sau thì tôi thấy báo chí đưa tin là cháu đã bị bắt giữ. Tôi rất là buồn, tôi rất là thắc mắc và tôi cứ theo dõi mãi. Mãi người ta chẳng đưa cháu ra xử, tới mười bốn, mười lăm tháng thì mới có vụ xử ngày hôm nay và cách đây độ đôi tiếng thì tôi mới được biết kết quả qua những người bạn bè của tôi ở các cơ quan truyền thông quốc tế. Đến bây giờ, trong nước rất ít người biết kết quả của phiên xử đó.

Đàn áp sẽ không hiệu quả

Trân Văn: Thưa ông, quan sát các diễn biến trong thời gian vừa qua, người ta thấy hình như những vụ xử và những bản án dành cho những người tham gia chia sẻ thông tin, bày tỏ những suy nghĩ của họ mang tính răn đe. Theo ông, liệu những bản án đó có đạt được mục tiêu răn đe mà chính quyền Việt Nam mong muốn không?

Ông Nguyễn Thượng Long: Tôi nghĩ rằng tham vọng răn đe người Việt Nam có lẽ là một cái ảo tưởng đấy!

tranhuynh-duythuc-250.jpg
Ông Trần Huỳnh Duy Thức, 43 tuổi, tại phiên tòa ở TP.HCM hôm 20-1-2010. AFP photo.


Tôi nghĩ rằng về phẩm chất thông minh, về ý chí quật cường là những phẩm chất tiềm ẩn từ xưa rồi. Cho nên nếu như chúng ta muốn khai thác khả năng răn đe một dân tộc đã có truyền thống như thế, tôi nghĩ rằng đó chỉ là một ảo tưởng thôi.

Tôi để ý là những án phạt đối với các trí thức trẻ như vừa qua và bây giờ là với cháu Nghiên thì có những hiện tượng mà tôi nghĩ rằng là không được bình thường lắm.

Tôi xin đơn cử ví dụ như là án phạt đối với doanh nhân - trí thức trẻ Trần Huỳnh Duy Thức. Tôi thấy là không bình thường. Vì thực ra Viện Kiểm Sát chỉ đề nghị phạt 12 năm nhưng có lẽ vì thái độ của anh Thức và anh Long nữa, không làm hài lòng những người có trách nhiệm xét xử nên người ta đưa lên đến mức án mà tôi ngạc nhiên là 16 năm đối với Trần Huỳnh Duy Thức.


Tôi nghĩ rằng có lẽ đấy cũng là một lời cảnh báo của nhà cầm quyền trong nước đối với giới trí thức, đối với những người có tư tưởng dân chủ.

Tôi nghĩ rằng những án phạt đó cũng có thể làm hoang mang những người không có một lý tưởng, không có thái độ sống một cách nghiêm chỉnh. Có lẽ là người ta có thể run sợ. Thế nhưng với những người mà người ta đã có một thái độ sống, người ta có một trí tuệ và một lý tưởng cho người ta thì tôi nghĩ là mọi biện pháp khốc liệt sẽ không có tác dụng, đối với những người đã đạt tầm mức như vậy.

Cho nên nếu như chúng ta muốn khai thác khả năng răn đe một dân tộc đã có truyền thống như thế, tôi nghĩ rằng đó chỉ là một ảo tưởng thôi.

Ô. Nguyễn Thượng Long

Tôi nghĩ rằng người Việt Nam chúng ta, những người có một ý tưởng, có một trí tụê và có một tấm lòng với đất nước như thế thì tôi nghĩ không ít đâu.

Cho nên nếu như chúng ta không nghĩ đến chuyện đối thoại với nhau, chúng ta không nghĩ đến chuyện chúng ta có thể trao đổi với nhau việc của người Việt Nam với người Việt Nam. Chúng ta không thể có cách ôn hòa hơn mà chúng ta cứ dùng những biện pháp khốc liệt như thế thì tôi nghĩ rằng cũng không có kết quả đâu.

Tôi thì tôi nghĩ như vậy còn không hiểu những người cầm quyền, những người đang quản lý đất nước thì họ nghĩ như thế nào?

Trên đây là phần đầu cuộc trò chuyện giữa Trân Văn và ông Nguyễn Thượng Long – một nhà giáo hưu trí về vụ án Phạm Thanh Nghiên. Mời quý vị tiếp tục xem tâm sự của ông Nguyễn Thượng Long, ở góc độ một người tham gia tranh đấu cho tự do, dân chủ ở Việt Nam, trong bối cảnh chính quyền đang thẳng tay đàn áp các nhân vật bất đồng chính kiến như vừa qua.





2010-01-31

Trong lần phát thanh trước, quý vị đã nghe ông Nguyễn Thượng Long, một nhà giáo hưu trí sống ở thành phố Hà Đông, thuộc Hà Nội, chia sẻ suy nghĩ của ông trước bản án mà Tòa án Hải Phòng mới tuyên đối với cô Phạm Thanh Nghiên, cũng như các bản án mà hệ thống Tòa án đã tuyên đối với những người tranh đấu cho tự do, dân chủ tại Việt Nam.

Photo courtesy of www.to-quoc.net

Phạm Thanh Nghiên ( bên phải, hàng trước ) trong một buổi hội ngộ

Lần này, mời quý vị nghe tiếp những tâm sự của ông Nguyễn Thượng Long với Trân Văn, dưới góc độ một người tham gia tranh đấu cho tự do, dân chủ ở Việt Nam, trong bối cảnh chính quyền đang thẳng tay đàn áp các nhân vật bất đồng chính kiến.

Giá của sự dấn thân

Trân Văn: Thưa ông, ông là một trong những người đã từng lên tiếng bày tỏ suy nghĩ, bày tỏ ý kiến của ông. Hình như là ông cũng có gặp một số rắc rối (?). Trong bối cảnh xã hội Việt Nam như hiện nay, khi mà có rất nhiều người đã từng lên tiếng bày tỏ ý kiến, bày tỏ suy nghĩ như ông phải nhận lãnh những hình phạt rất nặng, ông có lo âu không? Rồi thân nhân của ông có lên tiếng can gián không?

Ông Nguyễn Thượng Long: Thực ra thì tôi không phải là một hiện tượng đặc biệt đâu. Tôi cũng như những người Việt Nam bình thường khác thôi. Có lúc mình cứng rắn, cũng có lúc mình yếu đuối, có lúc mình lạc quan, cũng có lúc mình thất vọng, mình bi quan.

Thực ra đúng như là anh vừa mới hỏi tôi đấy, từ ngày tôi dấn thân vào chuyện cổ suý cho tư tưởng tự do - dân chủ - nhân quyền và tôi bênh vực những đồng bào của tôi bị hoạn nạn, những nỗi niềm mà người ta không nói lên được thì tôi nói giúp họ, tôi cũng gặp phải những hệ luỵ. Cái giá phải trả cũng tương đối là đắt đấy ạ.

Ví dụ như là con trai, con gái tôi, rồi con rể tôi đều phải nhận những áp lực của chính quyền. Thậm chí đến cả cháu gọi tôi bằng bác ruột, rồi em trai tôi, rồi bà chị tôi,…

Ông Nguyễn Thượng Long

Ví dụ tôi cũng phải làm việc với cơ quan an ninh, rồi gia đình tôi cũng có những lúc không phải là bình thường. Ví dụ như là con trai, con gái tôi, rồi con rể tôi đều phải nhận những áp lực của chính quyền. Thậm chí đến cả cháu gọi tôi bằng bác ruột, rồi em trai tôi, rồi bà chị tôi,… cũng đều có những tác động từ những người có trách nhiệm.

Thế rồi lâu lắm tôi mới về quê thì tôi cũng được nghe những lời mà thân tộc của tôi ở đó nhắc nhở tôi về những điều mà chính quyền người ta đã đặt vấn đề về tôi ở quê tôi. Tôi nghĩ rằng những áp lực đó đến với tôi về cơ bản có lẽ cũng không còn cái mức độ nào nữa đâu.

Một lọat các nhà đấu tranh cho dân chủ bị đưa ra xét xử gần đây
Một lọat các nhà đấu tranh cho dân chủ bị đưa ra xét xử gần đây


Tôi cũng chỉ biết nói với mọi người rằng, tôi đã sống theo đúng tiếng gọi của lương tri và tôi cũng mong là trước khi làm cái gì, trước khi khẳng định điều gì thì mình phải là một con người chân chính đã. Lời dạy đó tôi cũng mang ra dạy cho con tôi, cháu tôi, em tôi, nói với người thân trong gia đình.

Tôi cho rằng hãy làm theo tiếng gọi của lương tâm mình, lương tri mình, còn những cay đắng của cuộc đời, lúc này nó đến hoặc lúc khác nó đến thì mình phải bình tĩnh, chứ đừng mất bình tĩnh trước chuyện như vậy. Mà tôi cũng tin rằng lương tâm của tôi, thái độ sống của tôi và sự chân thực của tôi với cuộc đời này thì lúc này, có thể tôi gặp những điều cứ tạm coi là bất hạnh nhưng tôi nghĩ rằng, lịch sử rất công bằng, lịch sử sẽ không bao giờ để cho một người Việt Nam nào bị oan khuất.

Tôi nghĩ rằng những việc tôi làm, thái độ sống của tôi như thế thì tôi không hối hận. Tôi không hề hối hận vì tôi biết là tôi không sai. Còn bây giờ người ta xử sự với tôi như thế nào thì bên cạnh tôi có gia đình, thân tộc tôi. Nói thực, đồng bào của tôi cũng là một phần theo lý lẽ ấy. Nếu mà mình không nghĩ đến đồng bào, không nghĩ đến dân tộc mình nữa thì nó lại khác nhưng mà với anh em chúng tôi, bên cạnh người thân, bên cạnh gia đình, chúng ta còn có một gia đình lớn nữa, đó là đồng bào và dân tộc. Chính vì vậy mà trong nhiều vấn đề tôi đã xử sự khác với những người khác, trong những vấn đề tương tự anh ạ.

Giữa riêng và chung

Trân Văn: Thưa ông, năm nay ông bao nhiêu tuổi?

Ông Nguyễn Thượng Long: Dạ, năm nay tôi đã vượt quá cái tuổi phải lao động trong xã hội rồi.

Tôi nghĩ là xung quanh tôi còn có nhiều những bất công, còn quá nhiều những người mà người ta đang gặp phải những điều bất hạnh, người ta không nói lên được, thế thì tôi nói lên được thì tôi cứ bênh họ.

Ông Nguyễn Thượng Long

Tôi sinh sau Cách mạng tháng Tám và tôi trưởng thành từ các mái trường của chủ nghĩa xã hội. Thực ra thì tôi chẳng hiểu biết gì lắm về đế quốc, thực dân, phong kiến đâu. Từ khi tôi hoàn thành nghĩa vụ lao động với xã hội, tôi mới có thời gian để tôi suy ngẫm lại, tôi rà soát lại, tôi ngoái nhìn lại những việc mà tôi đã làm, những gì đã diễn ra trong cuộc đời mà tôi đã chứng kiến và tôi có một nguyện vọng là có điều gì mình nói được, mình viết được, mình nghĩ được mà nó có lợi cho số đông, có lợi cho nhân dân tôi, thì tôi không từ nan. Và cuộc sống đã đưa tôi đến những ngày tháng như thế này.

Trân Văn: Thưa ông, trên một số diễn đàn điện tử và trên một số blog, người ta nói nhiều đến chuyện trước hết phải sống có trách nhiệm đối với gia đình của mình và cách thể hiện trách nhiệm đó là không dây vào những yếu tố có liên quan đến chính trị, bởi vì sẽ gặp rắc rối. Hình như là ông không chia sẻ suy nghĩ đó của số đông?

Ông Nguyễn Thượng Long: Đúng là những lập luận và những lời khuyên răn của nhiều người đối với tôi cũng như điều anh vừa mới nói.

Nhiều lúc tôi cũng giật mình trước những lời khuyên đó. Tôi cũng rà soát lại xem mình đối xử với người thân của mình, với thân tộc, quê hương có điều gì không phải không. Tôi ngẫm nghĩ thì tôi thấy rằng cũng không hề có điều gì mà tôi có thể phải hối hận trước họ.

Còn những ý kiến kia, tôi tin họ cũng nói thật lòng thôi, chứ không phải là họ có ý không tốt, thế nhưng mà nghĩ đi, nghĩ lại thì tôi không tìm ra được những lỗi lầm của tôi để tôi phải tự dày vò, để tự dằn vặt mà phải sám hối, phải hối hận.

Tôi nghĩ là xung quanh tôi còn có nhiều những bất công, còn quá nhiều những người mà người ta đang gặp phải những điều bất hạnh, người ta không nói lên được, thế thì tôi nói lên được thì tôi cứ bênh họ. Tôi không biết là cuộc bênh của tôi nay mai nó sẽ như thế nào...

No comments: