Tản mạn về “Người và Trời”Chuyện tản mạn là chuyện hư đó, thực đó. Xin đọc với tinh thần dễ dãiTrần Bình NamNgười và Trời hình như không hợp nhau. Và một cái gì đó tiên báo sẽ xẩy đến cho con người? Trước hết là tinh thần và tâm lý con người thay đổi. Những chuyện được xem là không thể tượng tượng có thể xẩy ra trên thế giới (unthinkable) thì đã xẩy ra, và con người - vì lý do này hay lý do khác - hình như mất khả năng phản ứng. Thí dụ vụ diệt chủng tại Darfur, nước Soudan. Thế giới làm ngơ chỉ vì quyền lợi dầu hỏa. Tại Mexico, những băng đảng buôn bán ma túy bất chấp luật lệ quốc gia, mua chuộc cảnh sát, giết bất cứ ai hợp tác với chính quyền để ngăn chận tội ác của họ. Tại Bắc Hàn, một chính quyền cộng sản cha truyền con nối đè nén gần 24 triệu dân trong vòng thiếu thốn khổ cực. Tại Miến Điện một chính quyền quân nhân đàn áp 48 triệu dân bất chấp luật lệ quốc tế và vẫn là thành viên của Hiệp Hội Asean.
Tại Việt Nam, đảng Cộng Sản, một thời cầm đầu ngọn cờ chống Pháp giành lại độc lập, nhưng sau khi cướp được chính quyền và thống nhất đất nước trở thành một đảng cướp có môn bài làm băng hoại dân tộc trên mọi phương diện giáo dục, y tế, đạo đức và xã hội, biến một dân tộc vốn kiên cường trở thành một dân tộc hèn nhát trước ý đồ xâm thực của đế quốc Bắc phương.
Tại Hoa Kỳ, cái nôi của tự do, dân chủ và nhân quyền, cũng có dấu hiệu mệt mỏi. Những vụ vô cớ nổ súng bắn giết giáo sư, sinh viên, học sinh, nhân viên phục vụ tại các trường trung học, đại học từng làm cả một nước xúc động và phẫn nộ như những vụ giết người bừa bãi tại đại học Texas năm 1966, vụ trường trung học Columbine tại Colorado năm 1999 và vụ đại học Virginia năm 2007 đã không còn được truyền thông và dân chúng Hoa Kỳ quan tâm lắm.
Vụ mới nhất, ngày 12/2/2010 nữ giáo sư đại học Amy Bishop dùng súng bắn chết 3 đồng nghiệp tại đại học Alabama ở Huntsville và làm bị thương 2 đồng nghiệp khác chỉ được báo chí và truyền hình nhắc thoáng qua rồi thôi xem như là chuyện thường ngày.
Về chính trị, các dân biểu nghị sĩ không coi việc ra tranh cử là để phục vụ cho dân mà là để thăng quan tiến chức. Bằng chứng là tại cả hai viện quốc hội (Thượng và Hạ viện) các cuộc tranh luận đều nhuốm màu sắc đảng phái, phủ bênh phủ huyện bênh huyện. Trừ một số rất ít trong đó có Thượng nghị sĩ Evan Bayh, thuộc đảng Dân Chủ vừa tuyên bố về hưu vì ông hết chịu nổi trò chơi phe đảng trong quốc hội làm tê liệt quốc gia.
Bộ luật cải tổ bảo hiểm sức khỏe đảng Dân chủ muốn thông qua nhưng lại đưa ra những tiêu chuẩn mị dân không thể thực hiện được cùng một lúc như (1) bảo hiểm cho mọi người mà (2) không ai bị thiệt thòi và (3) tuyên bố giảm chi tiêu v. v… làm cho dân chúng nghi ngờ thiện chí của đảng Dân Chủ và đảng Cộng Hòa dựa vào đó để đánh sập cho kỳ được dự luật (*)
Còn dân thì thành phần có lợi trong cuộc cải tổ lại thấp cổ bé miệng không ảnh hưởng bao nhiêu đến những vị đại diện dân, trong khi những thành phần bị mất quyền lợi nếu luật cải tổ được thông qua như giới bán bảo hiểm, giới chủ nhân các bệnh viện, giới bào chế thuốc, giới bác sĩ thì có tiếng nói rất mạnh nên đủ sức trì hõan để tối hậu cho dự luật đi vào quên lãng. Nói tóm lại từ dân đến chính phủ đến quốc hội ai cũng lo cho quyền lợi của riêng mình và chiếc ghế. Không ai có cái tâm lo cho nhân quần xã hội.
Vấn đề lớn trước mắt của Hoa Kỳ là thâm thủng ngân sách quốc gia đang đạt đến mức báo động cũng ở trong tình trạng để đó. Thâm thủng ngân sách quốc gia trong mức độ vừa phải như từ 3% đến 5% GDP không phải là một bệnh nan giải. Khi kinh tế phồn thịnh thuế thu vào sẽ cân bằng lại ngân sách. Nhưng khi độ thâm thủng quá cao (như hiện nay chiếm 10% GDP) thì một cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh làm quốc gia tê liệt có thể xẩy ra bất cứ lúc nào. Ngân sách quốc gia giống như ngân sách của một gia đình. Nếu tiêu nhiều hơn tiền làm được thì ngân sách gia đình thâm thủng phải vay mượn (nếu còn nhà băng để vay mượn và cầm thế). Tạm thời đắp đổi thì không sao. Nếu biết tiện tặng (giảm chi) và kiếm thêm lợi tức (như kiếm việc lương cao hơn, đầu tư buôn bán khôn ngoan hơn …) thì ngân sách gia đình sẽ lại cân bằng và ổn định. Nếu không gia đình sẽ phá sản và kết quả là ly tán.
Sự thâm thủng tại Hoa Kỳ hiện nay đã đến mức báo động. Giải pháp trước mắt là một phép cộng trừ đơn giản: Giảm chi và tăng thu. Chính phủ cần giảm chi các chương trình chiếm một tỉ số cao trong ngân sách như chương trình An Sinh Xã Hội, Medicare cho người già và Medicaid cho người nghèo, và tăng thuế. Cả hai cách đòi hỏi sự hy sinh của toàn dân nên không một chính khách nào dám làm từ ông tổng thống dân từng đặt nhiều hy vọng như tổng thống Obama đến các nghị sĩ dân biểu của cả hai đảng. Thành ra ngày qua ngày từ tòa Bạch ốc đến Quốc hội chỉ đưa ra những giải pháp vá víu không chữa được bệnh. Thái độ chung là chờ vì dù sao “trời vẫn chưa sập”.
Quay qua chuyện khí quyển nóng dần do con người thải khí các bon nit ngăn không cho nhiệt lượng của ánh sáng mặt trời tỏa vào không gian thì cả thế giới đều công nhận là một đe dọa cho môi trường sống cũng không quốc gia nào chịu thiệt thòi giảm độ thải vì ảnh hưởng đến sản xuất kinh tế. De dọa này chỉ là những trận bão lụt, giá tuyết càng năm càng dữ dội hơn nhưng cũng không làm ai lo sợ. Nói cách khác ngày vẫn lại ngày, Đông tàn Xuân đến chưa có gì phải hoảng hốt.
Đó là chuyện Người. Chuyện Trời cũng không có dấu hiệu gì để yên tâm. Mùa Đông năm 2010 Haiti động đất giết 250.000 người. Tiếp theo tuyết xuống ngập trời cả vùng Đông Bắc Hoa Kỳ dày nhất như chưa từng thấy trong 90 năm qua làm tê liệt chính phủ Liên bang trong 3 ngày liên tiếp. Rồi động đất ở bang Illinois, một hiện tượng làm mọi người ngạc nhiên. Dấu hiệu trời đất trở chứng làm cho dân California lo sợ trận động đất lớn các nhà địa chấn tiên đoán sẽ xẩy đến cho vùng Nam California trong vòng thời gian từ bây giờ cho đến 30 năm nữa có thể đã gần kề. Trời nóng thừơng là mùa động đất, nên mỗi mùa hè là một mùa lo âu cho cư dân trung nam California.
Trời và Người hình như đều cùng đồng quy đến điểm hủy diệt môi trường sống – tinh thần cũng như vật chất - của con người và sẽ thay đổi khung cảnh kinh tế và chính trị của thế giới chăng? Trời cảnh báo bằng sự đột ngột thay đổi thời tiết vào cuối thập niên 1990’s. Theo hai ông Art Bell và Whitley Strieber, đồng tác giả cuốn “The coming Global Superstorm” (do Pocket Books xuất bản năm 2000) thì thời tiết được ghi nhận thay đổi khác thường từ năm 1996 và các năm 1997, 1998, 1999 sau đó mỗi năm thời tiết càng khắc nghiệt hơn. Tháng 3/1999 các nhà khoa học tại các đại học Arizona và Massachusetts công bố kết quả nghiên cứu độ nóng của quả đất và cảnh báo bầu khí quyển nóng dần một cách đáng lo trong khoảng 50 năm qua (Chương 1 - Present Danger). Đáng lo vì trái đất nóng dần làm thay đổi mưa nắng, gió bão, lụt lội và đến một mức độ nào đó có thể đe dọa sự sống trên trái đất.
Công bố của các nhà khoa học không làm ai lo ngại vì sự đe dọa có tính lý thuyết và xa vời, nghĩ rằng con người chẳng có thể làm gì để thay đổi.
Nhưng sự cảnh báo của trời đất càng lúc càng thúc bách. Giả thuyết của một trận siêu bão (superstorm) với gió cấp 10 do hai tác giả cuốn “The coming Global Superstorm” nêu ra (Chương 14- Beyond Gale Force 10 ) do tác dụng tích tụ của bầu khí quyển nóng dần sinh ra sẽ hủy diệt hầu hết sinh vật trên trái đất và xoá đi nền văn minh hiện có càng ngày có tính hiện thực với những cảnh báo của sóng thần, của động đất và bão tuyết. Và còn gì nữa nếu một mùa hè nào đó trời đất giận dữ giáng một trận động đất cấp 8 trên độ đo Richter chôn vùi một phần đất nam California vào đại dương!
Câu chuyện có những nền văn minh từng rực rỡ trên trái đất rồi bị chôn vùi để con người chui ra từ đống tro tàn xây dựng lại nền văn minh ngày nay không phải chỉ do trí tưởng tưởng viễn vông. Những gì còn lại tại các sa mạc Ai Cập như tượng đá Sphinx hình sư tử đầu người ở Giza, như một khu canh tác hoang tàn chằng chịt sông ngòi có khả năng nuôi hằng triệu người tại Brazil tìm thấy từ lâu và các nhà khảo cổ vẫn chưa tìm ra cách giải thích nó được xây dựng từ thưở nào. Và mới đây năm 1988, các nhà khảo cổ thuộc đại học Ryukyu, Okinawa tìm thấy ngòai khơi đảo Yonaguni (một hòn đảo nhỏ nằm phía tây nam cách đảo Okinawa 120 km) một kiến trúc chìm 25 mét dưới mặt nước.
Và tại khu hoang tàn Nan Madol tại đảo Ponape thuộc Micronesia trong vùng lòng chảo Thái Bình Dương người ta tìm thấy những trụ bằng phún thạch nặng 50 tấn nằm rãi rác trên 90 hòn đảo nhỏ phủ một diện tích hơn 300 km2. Không có một dấu vết nào chứng minh được các dấu tích nói trên do ai xây dựng, được xây dựng từ bao giờ, với những phương tiện cơ giới nào và để làm gì. Chỉ có một giả thuyết được đứng vững là quả đất đã trải qua một thời hay nhiều thời văn minh (hơn nền văn minh chúng ta hiện có) rồi bị hủy diệt tòan bộ bởi thiên tai do sự thay đổi của môi trường sống (Chương 5 – A lost World, “The coming Global Superstorm”).
Người và Trời biến chuyển theo những chu trình dài ngắn rất khác nhau về thời gian. Nếu có một nền văn minh cổ đại bị thiên tai chôn vùi giữa sa mạc hay biển cả thì hiện tượng đó ước lượng cách chúng ta hằng trăm ngàn năm nếu không muốn nói cả triệu năm. Trong khi nền văn minh hiện tại ước lượng được xây dựng chừng 6000 năm.
Chu trình khác nhau nên cơ nguy đồng quy quá nhỏ. Quá nhỏ nhưng không có nghĩa nó sẽ không đến vào một thời điểm nào đó. Và có thể thấy trước được điều này nên đức Chúa nói về một ngày Tận Thế, và đức Phật nói về một thời Mạt Pháp. Và những tín đồ quá khích của đức Mohammed nói đến sự tiêu diệt những người ngoại đạo, nguyên nhân của khủng bố và chống khủng bố hiện nay. Chuyện Trời chúng ta bất lực. Nhưng còn chuyện Người thì sao? Câu trả lời cũng không mấy lạc quan. Vì nhân lọai đang lâm vào tình trạng liệt kháng! Trần Bình Nam Feb. 23, 2010 binhnam@sbcglobal.net www.tranbinhnam.com
(*) Hôm 22/2/2010 tổng thống Obama đưa ra một số tu chính bộ luật bảo hiểm sức khỏe đề nghị tăng một số thuế và giảm chi phi Medicare. Nhưng có thể đã quá trễ để thuyết phục đảng Cộng Hòa hợp tác.
*
No comments:
Post a Comment