Thursday, August 30, 2012

SƠN TRUNG * CẬU TÁM KIỂNG

CẬU TÁM KIỂNG

Cậu Tám Kiểng ở Bạc Liêu, con nhà gia thế. Gặp thời loạn lạc, giặc cướp lên nắm quyền cai trị trong xứ. Cậu không theo chúng nên chúng tức giận. Chúng đã bắt tôi tớ trong nhà làm nội ứng và vu khống cho cậu tội "phản quốc", "phản động". Chúng cướp vàng bạc, nhà cửa, ruộng nương của cậu, rồi đuổi cậu ra khỏi nhà.

Chán nhân tình thế thái và thời cuộc, cậu bèn về quê vợ ở Định Tường nương náu. Cậu vốn đã học châm cứu với Bảo Định thiền sư ba năm ở Đông Thành. Khi về quê vợ , cậu bèn mở phòng châm cứu, ai trả tiền hay không trả tiền chàng đều không quan tâm.

Một hôm có một người ăn mày từ nơi khác tới, ống chân lở loét nằm ngoài đường, máu mủ bê bết, hôi tanh không thể tới gần. Dân làng sợ y chết, mỗi ngày cho ăn một bữa cầm hơi. Cậu Tám thấy thế thương xót, sai người dìu về, cho ở chái bếp. Gia nhân chê hôi tanh chỉ bịt mũi đứng xa xa, Cậu đem ngải ra, đích thân chữa cho, hàng ngày cho ăn cơm rau. Được vài hôm y đòi ăn canh, tên đầy tớ tức giận quát mắng, cậu nghe thế lập tức sai cho y ăn canh.

Chẳng bao lâu, y lại xin rượu thịt. Tên đầy tớ chạy lên báo: "Thằng ăn xin kia thật buồn cười, mới đây còn nằm ngoài đường, chỉ mong mỗi ngày một bữa còn không được, nay thì ngày ba bữa còn chê khó nuốt, cho ăn canh lại đòi rượu thịt. Thứ người tham ăn này chỉ đem bỏ ra ngoài đường là phải!"

Cao hỏi chân y ra sao, đáp :"Đã tróc vảy dần dần, xem ra đi đứng được rồi, nhưng vẫn giả rên rỉ làm như đau đớn lắm". Cậu nói: "Thì có tốn kém bao nhiêu đâu? Cứ cho y rượu thịt đến ngày lành hẳn đi, có khi y không oán giận ta”. Tên đầy tớ giả vâng dạ nhưng rốt lại vẫn không đem rượu thịt cho người ăn mày, mà cứ có dịp kháo chuyện với đám tôi tớ lại cùng nhau cười ông chủ khờ dại.

Hôm sau Cậu Tám đích thân xuống thăm người ăn mày. Y khập khiễng đứng lên cảm ơn, nói: "Đội ơn nghĩa cao dày của ông, cứu sống người đã chết, đắp thịt lên xương khô, công ơn như trời che đất chở. Nhưng chỗ lở mới lành, chưa lại sức hẳn nên thèm ăn mặn thôi".

Cậu nghe biết tên đầy tớ không tuân lệnh hôm trước, gọi ra đánh cho một trận nên thân rồi lập tức sai dọn rượu thịt cho người ăn mày. Tên đầy tớ căm hận, nửa đêm phóng lửa đốt chái bếp rồi la ầm lên. Cậu Tám thức dậy xem, thì chái bếp đã cháy rừng rực, than rằng "Thôi rồi anh ăn mày!", rồi đốc thúc mọi người mau mau dập lửa, vào nhìn thì người ăn mày vẫn ngủ say giữa đám lửa, ngáy vang như sấm. Gọi dậy thì y làm ra vẻ kinh ngạc hỏi “Nhà cửa đâu rồi?”, mọi người mới bắt đầu hoảng sợ. Cậu Tám càng kính trọng, cho y lên ngủ trong phòng khách, may cho quần áo mới, hàng ngày trò chuyện. Hỏi họ tên, y nói là Hoàng Hạc.

Được vài hôm, mặt mày y càng thêm sáng sủa, ăn nói rất phong nhã, lại giỏi đánh cờ, lần nào đánh Cậu Tám cũng thua, bèn ngày ngày xin theo học, lĩnh hội được nhiều chỗ hay lạ sâu kín. Như thế nửa năm, người ăn mày nói xin đi, và xin mời chén quan hà. Cậu nói :-"Quen biết nhau rất vui, sao lại chia tay? Vả lại ông làm sao có tiền mua rượu, nên cũng không dám phiền ông mời tiệc”. Hoàng cố mời, nói:- “Một chén rượn thì có gì là tốn kém”.
Cậu hỏi:- “Uống ở đâu?" Hoàng đáp trong vườn. Bấy giờ đang giữa mùa đông, Cậu ngại ngoài vườn lạnh lẽo, Hoàng quả quyết là không sao.

Cậu Tám bèn theo vào vườn, chợt thấy không khí ấm áp như vào đầu tháng ba, vào tới trong đình lại càng ấm. Trong vườn chim lạ hàng đàn, líu lo ríu rít, mường tượng như vào lúc cuối xuân. Trong đình thì bàn ghế đều khảm ngọc lưu ly, có một cái bình pha lê trong suốt có thể soi gương, trong có khóm hoa đong đưa, hoa thì đóa nở đóa rụng không đều. Lại có con chim trắng như tuyết nhảy nhót qua lại bên trên, đưa tay vỗ nhẹ thì chợt biến mất hết. Cậu Tám ngạc nhiên hồi lâu, ngồi xuống thấy con két đậu trên giá gọi "Dọn trà ra!", trong chớp mắt thấy con phượng đỏ từ phía đông ngậm một cái khay ngọc đỏ đặt hai cái chén pha lê đựng trà thơm bay tới đáp xuống, ngẩng cổ đứng thẳng. Uống xong, đặt chén vào khay, chim phượng liền ngậm lấy, cất cánh bay đi. Con két lại gọi "Dọn rượu ra!", lập tức có loan xanh hạc vàng từ trong mặt trời chấp chới bay xuống, con ngậm bầu con ngậm chén bày ra khắp bàn. Giây lát có bầy chim vỗ cánh lui tới không ngớt, tấp nập dâng thức ăn lên, món ngon vật lạ trong chớp mắt đầy cả bàn, đồ ăn thức uống đều là những vật phẩm phi thường.
Hoàng thấy Cậu uống rất hào bèn nói: “Tửu lượng của ông rất cao, phải lấy chén lớn mới được". Con két lại gọi "Đem chén lớn ra đây!" Chợt thấy vành mặt trời chớp chớp, có con bướm lớn bấu một cái cốc anh vũ to bằng cái đấu nhẹ nhàng đáp xuống. Cậu nhìn thấy bướm to hơn con nhạn, hai cánh sặc sỡ, dáng vẻ rực rỡ, khen ngợi hết lời. Hoàng gọi “Bướm mời rượu đi?", con bướm xòe cánh bay một vòng biến thành một giai nhân áo thêu phơ phất, bước tới dâng rượu. Hoàng nói “Không được mời rượu suông thôi đâu!", cô gái bèn thướt tha múa lượn. Rồi hát rằng:

Thế sự thăng trầm quân mạc vấn
Yên ba thâm xứ hữu ngư châu
Vắt tay nằm nghĩ chuyện đâu đâu
Ðem mộng sự đọ với chân thân thì cũng hệt
Duy giang thượng chi thanh phong,
dữ sơn gian chi minh nguyệt .
Kho trời chung, mà vô tận của mình riêng
Cuộc vuông tròn phó mặc khuôn thiêng
Kẻ thành thị kẻ vui miền lâm tẩu .
Gõ nhịp lấy, đọc câu « Tương Tiến Tửu »
« Quân bất kiến Hoàng Hà chi thủy thiên thượng lai,
Bôn lưu đáo hải bất phục hồi »
Làm chi cho mệt một đời !

Uống rượu say, cậu Tám lăn ra nằm ngủ. Tỉnh dậy thì thấy trong đình không còn ai. Trên bàn chỉ có một phong thư đề mấy câu thơ:
Ta đây là một Cáo già,
Nhờ ông cứu giúp mà qua tai nàn.
Ta xin cảm tạ thâm ơn,
Nguyện xin kết cỏ ngậm vành về sau!

Cậu Tám ngẩn ngơ. Người ta cho rằng loài hồ dối trá, gian xảo nhưng sự thực thì có những con hồ rất nhân nghĩa, còn con người lắm kẻ đại ác, đại gian, nhất là những kẻ ba hoa hô hào bình đảng, dân chủ, tự do!

BACK

No comments: