Friday, August 31, 2012

HỒ TRƯỜNG AN * DƯ THỊ DIỄM BUỒN

dư th dim bun
tìm gp dư nh quê xưa qua
''Mt Góc Tri Thôn ''
''Thi Bin Lng Sông Trong''
H Trường An
Dư Thị Diễm Buồn là cây bút tình tự dân tộc. Chị chuyên viết về quê hương đất nước, nhất là những nơi chị định cư. Tuy nhiên ở truyện dài Ngoài Ngưỡng Chiêm Bao chị lấy bối cảnh trại tiếp cư nơi quần đảo Nam Dương dành cho các thuyền nhân vượt biên tìm tự do và chị lấy thành phố Chicago thuộc tiểu ban Illinois dành nơi định cư cho kiều bào làm bối cảnh cho tác phẩm này.
Những địa danh trên xứ sở Nam Kỳ Lục Tỉnh mà chị nói đến nhiều nhất là 2 thành phố Mỹ Tho và Cần Thơ cùng quận Cai Lậy. Thật ra, chị thích cái không khí tỉnh lỵ êm đềm và những vùng nửa chợ nửa quê thơ mộng. Chúng ta chưa hề gặp trong các tác phẩm chị một vùng nào quê rích quê rang, chó ăn đá gà ăn muối như miệt Năm Căn, Chắc Băng hoặc các vùng Cực Nam đất nước vào thuở tiền chiến.
Một Góc Trời Thôn Dã xảy ra vào thuở tiền chiến, có thể vào thập niên 20 hay thập niên 30, tức là vào khoảng thời gian mà tác giả chưa chào đời. Như thế, chị phải moi móc sưu tầm tài liệu vào khoảng thời gian ấy, tức là thuở mà trường Gia Long được dân gian gọi là trường Áo Tím và trường Trương Vĩnh Ký được gọi là trường Pétrus Ký. Vào thu đó, dù là dưới chánh thể Thuộc Địa của Pháp, hạng điền chủ bậc lớn hay bậc nhỏ đều sống phong lưu. Còn quyển truyện dài Thời Biển Lặng Sông Trong tiếp theo quyển đầu xảy ra vào thuở bình minh của chánh thể Đệ nhất Cộng Hòa dưới sự lãnh đạo của Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Thu đó, nhờ sự viện trợ dồi dào của Hoa Kỳ mà toàn dân Miền NamViệt Nam từ bên này sông Bến Hải tới mũi Cà Mau được sống sung túc an bình.
Truyện dài Một Góc Trời Thôn Dã là một truyện tình phản ảnh sự giao tiếp giữa thế hệ đàng cựu gặp hồi suy tàn và thế hệ tân học chỉ vừa như hoa chớm nụ. Nữ nhân vật chánh là Cẩm Hương sinh quán ở Lái Thiêu (thuộc tỉnh Thủ Dầu Một / Bình Dương) vừa tốt nghiệp trường Sư Phạm được bổ về dạy học ở Cai Lăy ( thuộc tỉnh Mỹ Tho). Nàng ở trọ tại nhà bà Tư Hiền, vợ bé ông Hai Cung. Ông này là chủ nhân nhà máy chà gạo. Nguyên bà Tư Hiền trước kia là cô thôn nữ nhà nghèo, phải đi ở mướn cho ông bà Hương Cả Cần, song thân của cậu Hai Cung. Cô lãnh phần chăm sóc hai cô con gái Kiều Lan và Kiều Liên của cậu Hai Cung. Cậu Hai dù có vợ nhưng vì không yêu vợ, vì mê cảm nhan sắc cô tớ gái xinh đẹp nên cưỡng dâm cô ta. Không ngờ Hiền có thai, rồi sanh đứa con trai đặt tên Thiện Tố. Bà Cả Cần phải tìm cách hợp thức hóa thân phận đứa con hoang của cậu quý tử của mình. Hiền phải cam tâm làm vợ bé cho cậu Hai Cung, phải chịu sự xéo xắt bắt nạt của người vợ lớn. Mụ này, sau đó ít lâu, sanh thêm đứa con trai đặt tên là Thiện Cảm.
Năm qua tháng lại, lũ con dòng lớn và đứa con dòng nhỏ trưởng thành. Kiều Lan và Kiều Liên chanh chua, xí xọn, hay ghen ghét cái hạnh phúc và cái may mắn của tha nhơn. Thiện Cảm thì đẹp trai, tánh nết lông bông, lười học nên thi hoài mà vẫn rớt bằng Thành Chung. Thiện Tố thì chăm học, đỗ bằng Tú Tài, rồi ở nhà làm quản lý cho cha để coi sóc nhà máy chà gạo đang hồi thịnh vượng.
Khi tác giả đưa độc giả vào một phần tư quyển truyện thì ông bà Hương Cả Cần đã qua đời. Kiều Lan và Kiều Liên đã có chồng và theo chồng ra ở riêng. Thiện Cảm cưới một cô vợ tên Hồng Ánh vốn đảm đang, biết phải quấy, cư xử mềm mỏng với mẹ con bà Tư Hiền. Thiện Tố theo mẹ ra ở ngôi nhà gần nhà từ đường của ông bà Hương Cả Cần.
Cẩm Hương trong thời gian ở trọ nhà ba Tư Hiền, được tiếp xúc nhiều lần với Thiện Tố, lúc đầu nàng hơi ác cảm với chàng, nhưng nàng không ngờ đó là mặt trái của tình yêu.
Chàng thanh niên nầy cao lớn, có khoảng 1 thước 75 phân chớ không chơi. Chắc là Từ Hải trong truyện Kiều bay vọt ra ngoài đời chớ gì? Vừa nghĩ tới đây, Cẩm Hương cảm thấy vui vui. Nhưng nàng vẫn bực vì nụ cười hắn ngạo nghễ, khuôn mặt hí hởn trong dễ ghét làm sao ấy! Hắn có dáng hiên ngang, vai rộng, mặt rắn rỏi, tay chân cứng cáp, đi đứng chững chạc. Đây là mẫu người vừa trí thức vừa phong trần. Nhỏ Ái Mỹ và nhỏ Ánh Nguyệt, Thục An thường ca tụng mẫu thanh niên như vậy. Ái Mỹ vo vảnh:
- Tao ưa tài ử Clark Gable trong phim ''Cuốn theo Chiều Gió'' vừa trí thức
vừa phong trần, trong có vẻ thạo đời. Đó mới là đấng quân vương trong mộng của tao.
Thục An lim dim cặp mắt ốc bươu:
- Tao cũng vậy Những thanh niên hiên ngang, hùng trai như vậy mà chịu
cưới tao, chắc tao ăn chay một tháng 15 ngày để cám ơn Trời thương Phật độ.
Ánh Nguyệt bình tĩnh hơn:
- Tao có đọc áo Ciné Miroir, biết được anh chàng Clark Gable đó học hành
dở ẹc và miệng mồm hắn có vấn đề, nên đạo diễn phải bắt hắn giữ vệ sinh tối đa khi đóng những màn cụp lạc hun hít với nữ diễn viên. Nhưng nếu gặp chàng có bằng Thành Chung mà bảnh trai, xinh trai, dễ thương trai, lại có cái miệng thơm mát, thì con Ánh Nguyệt nầy không niêm phong trái tim đâu nghen.
Bỗng dưng, hôm nay chợt nhớ tới lời ba con xảnh xẹ đó, Cảm Hương tức cười quá. Nàng vội nghiêm mặt kẻo ''đối phương'' coi thường mình. Nàng cũng nhận thấy tên nầy có cái mỉm cười láu cá, cặp mắt sáng ngời, nụ cười ngạo nghễ, trông hao hao giống Clark Gable thiệt đó. Nếu đứng bên cạnh hắn, nàng cảm thấy mình mềm mại như cây lệ liễu đứng bên cây thanh tùng hùng tráng. Nhưng nàng chợt thấy mình ví von như vậy là đề cao ''địch thủ'' quá đáng. Hắn mà là cây thanh tùng hả? Còn khuya! Hắn đâu xứng đáng làm cây có tên đẹp như vậy. Hắn phải là cây cốc, cây còng, cây môn ngứa, cây mù u... có tên xấu xí như vậy mới đúng chớ bộ!...
( MGTTD, các trang 53, 54)
Rồi Cảm Hương và Thiện Tố thông cảm nhau, yêu nhau say đắm. Kiều Lan và Kiều Liên từ lâu cay cú vì chị em họ không có khoa bảng trong khi Thiện Tố ăn học thành công. Nay, thấy Cẩm Hương trội hơn họ về nhan sắc, học thức và tánh nết nên họ quyết phá đám để cho mối lương duyên sẽ rả tan trước khi hình thành. Nhân trong xóm có cô Ngọc Huệ vốn là gái xinh đẹp, duyên dáng, tốt bụng, chánh trực dù có tật ăn hàng như chim mỏ khoét; cô ta trở thành công cụ để hai nàng Kiều ra tay phá hoại cuộc tình của thằng em khác mẹ kia:
Cô tươi mát trong chiếc áo dài nhung màu tím, cổ cao, quần lụa trắng. Tóc cô vấn bính, quấn nhiều vòng và kẹp bằng chiếc nơ bướm bằng nhung đen phía sau ót. Cô đeo suu bộ ngọc trai màu ngà voi, gồm có: bông tai, chuỗi, cà rá và vòng tay... Ngọc Huệ tô son hồng đào, giồi phấn sương sương, dậm phấn hồng phơn phớt. Trông cô đẹp hẳn lên.
Nhưng ai có thể ngờ sau cặp môi trái tim cười đẹp như hoa nở đó, lại là cái miệng ăn hàng hết chỗ chê! Cô ăn xàm xạp tối ngày. Thịt phay nhai ngấu nghiến, thịt gà thiến ăn tràn miệng vẫn còn thèm, chả nem ních sạch bách, tôm kho gạch cũng chẳng chừa, dừa cô cũng ưa, dưa cô cũng thích, mít cô không chê... Ai biết được đôi mắt viền đen kia sáng ngời lóng lánh khi nghe chuyện tiếu lâm, chuyện ngồi lê đôi mách... Đây là mẫu thiếu nữ hạnh kiểm thưa thớt, tánh tình bông lông nhưng tâm địa hiền lành, giàu lòng từ thiện, kẻ dữ người hiền đều mến chuộng:
(MDTTD, trang 338)
Hồi Thiện Tố và Ngọc Huệ còn nhỏ, trong cuộc chuyện trò thân mật, ông bà Hương Cả Cần có bảo ông nội bà nội Ngọc Huệ rằng khi cả hai lớn lên, họ sẽ cưới Ngọc Huệ cho Thiện Tố. Do đó, Kiều Lan và Kiêu Liên bảo Cẩm Hương rằng Ngọc Huệ là hôn thê của Thiện Tố. Cho nên Cẩm Hương đau khổ quyết chặt đứt mối tình với người yêu, dù Thiện Tố năn nỉ nàng cho tới cạn lời, dù ông Hai Cung và bà Tư Hiền đính chánh cho thế mấy đi nữa. Nhưng về sau, tình cờ gặp lại Ngọc Huệ, Cẩm Hương được cô ta cho biết rằng trong vòng ít lâu cô ta sẽ vu quy, người chồng tương lai cô ta trước kia ở Cai Lậy, gần nhà cha mẹ cô ta, về sau thiên cư về Vĩnh Long lập nghiệp. Đó mới chính là người yêu của cô ta, còn Thiện Tố chỉ là bạn cùng lớp hồi cả hai ngồi bậc tiểu học vậy thôi. Tới chừng đó, Cảm Hương mới yên lòng để cho Thiện Tố cưới nàng làm vợ.
*
Song song mối tình giữa Cẩm Hương và Thiện Tố, còn có lối sống thay đổi của Thiện Cảm. Vốn quen thói phong lưu, ăn chơi bạt mạng, Thiện Cảm vụt cảm thấy chán nản lối sống truy hoan của mình. Tình cờ đọc quyển Bùn Lầy Nước Đọng của Hoàng Đạo trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Chàng sanh ra cảm khái, quyết sống cuộc đời có ý nghĩa: giúp đỡ người nghèo khó, cải thiện nếp sống dân quê. Chàng viết văn theo tôn chỉ xây dựng cuộc tân sinh hoạt theo chủ trương của nhóm Tự Lực Văn Đoàn; chàng kiến tạo ấp mới theo bước chân của Hoàng Đạo. Hai công việc đó đều nhờ sự giup đỡ và khích lệ của vợ chồng Thiện Tố. Không ngờ chàng thành công trên văn đàn và rồi ấp mới của chàng được thực hiện đúng như niềm mơ ước của chàng.
Nghe vợ chồng Thiện Tố đi thăm ông bà nhạc ở xa và dự đám cưới cậu em út của vợ trở về chiều hôm qua, vợ chồng Thiện Cảm đến chơi, chồng khoe với Thiện Tố:
- Toa ơi, moa vừa mới lập cái ấp mới cho tá điền. Nhà nhà trong ấp đều
thoáng khí, mặc dù là vách bùn trộn với trấu hay rơm, mái lợp lá xé hay lá chầm, nhưng cũng che mưa che nắng được mấy mùa. Ở giữa ấp moa cất cái trạm để mỗi tuần có y tá vào phát thuốc cho dân, còn những thứ thuốc thông thường như chữa nhức đầu, đau bụng, trầy giò, đứt tay chảy máu thì lúc nào cũng chứa trong thùng để ở nhà ông trưởng ấp. Có lớp Bình Dân Học Vụ nữa. Hôm nào vợ chồng toa có rảnh, mời ghé qua, coi có góp thêm ý kiến gì không ?
Thiện Cảm đưa cho Cẩm Hương ấn bản quyển tiểu thuyết mới ra. Cẩm Hương ngắm nghía cái bìa màu lam có tranh vẽ cảnh thôn quê dưới vầng thái dương chói rạng, bảo:
- Cái tựa sách Ánh Sáng Đồng Quê của tác phẩm, chắc là muốn nói lên ánh
sáng văn minh tân tiến rọi đến cảnh đồng ruộng quê mùa chớ gì?
Hồng Ánh hớt chồng trả lời:
- Chị nói đúng đó. Cái ấp mới do chồng em chắt chiu xây dựng phần lớn
nhờ anh Thiện Tố đỡ đầu từ vật chất lẫn tinh thần Hôm nay tụi nầy đến đây ngoài việc tặng sách còn để báo tin ấp đã tạm xong và cám ơn anh chị.
Cẩm Hương vui vẻ hỏi:
- Thím có thai được mấy tháng rồi?
Hồng Ánh cười:
- Hơn 5 tháng nay thôi. Khi em sanh xong nhờ anh chị làm cha mẹ đỡ đầu
cho đứa nhỏ.
Cẩm Hương cười tươi, sốt sắng:
- Rất sẵn lòng
Cẩm Hương nhìn chăm chú Thiện Cảm rồi nhìn chồng. Hai anh em họ có vài nét giống nhau. Thiện Tố cao ráo, khỏe mạnh, hùng tráng bao nhiêu thì Tiện Cảm mảnh khảnh, văn thái tinh hoa tao nhã bấy nhiêu. Từ khi thành công trên con dường văn nghiệp, Thiện Cảm chững chạc hơn, không còn đía dóc ba hoa nữa. Chàng trầm mặc hơn. Nàng tự hào là vợ chồng nàng biết khơi dậy một thiên thần trong một con ngưòi hư hỏng.
Nàng nhìn qua Hồng Ánh. Cô ta biêt ăn diện chải chuốc để làm đẹp lòng chồng. Nhưng cô ta vẫn hồn nhiên giản dị, không kiểu cách điệu đà, không đánh lưỡi sửa giọng khi nói chuyện. Cô hồn nhiên, hịch hạc, cười nói véo von,
pha trò duyên dáng và có chừng mực.
Khi khách ra về, Cẩm Hương làm mặt lạnh và liếc xéo chồng rồi nghiêng bình tích rót trà ra uống. Thiện Tố áy náy nhìn vợ cười cầu tài, rồi ôm choàng lấy vai nàng. Nàng lách khỏi vòng tay chồng, mắt xoáy vào mặt chàng. Thiện Tố nhìn vợ ngập ngừng:
- Anh giúp Thiện Cảm làm em phật lòng sao?
Cẩm Hương ngún nguẩy:
- Hỏng biết!
Thiện Tố nắm tay vợ tha thiết, khổ sở:
- Xin lỗi em!
Thấy dáng điệu chồng thiểu não, Cẩm Hương bật cười thành tiếng:
- Sao anh lại xin lỗi? Anh đã làm những gì mà em định khuyên anh làm.
Anh biết không? Bấy lâu nay, thấy Thiện Cảm đổi tánh tình, làm việc thiện nguyện. Còn anh thì êm ru bà rù làm em mắc cở thầm. Bây giờ em mới cảm thấy thoải mái khi gặp Hồng Ánh. Anh làm em hãnh diện với chính mình không chọn lầm nguời chồng và còn là người bạn đồng tâm...
(MTTD, các trang 365, 366, 367)
Trong quyển Một Góc Trời Thôn Dã, có 6 cô cựu nữ sinh trường Áo Tím là Thục An, Ái Mỹ, Thụy Châu, Ánh Nguyệt hợp với Cẩm Hương thành nhóm Ngũ Nữ La Sát. Về sau có thêm Nguyệt Mi trở thành nhóm Lục Nữ La Sát. Sáu vai phụ ấy làm cho tác phẩm trở nên xôn xao tuổi dậy thì và gợi lại tuổi mộng mơ trong khung cảnh sân trường, lớp học, bảng phấn, cửa gương. Không khí tác phẩm trở nên sinh động khi tác giả dựng lên cảnh họp mặt của họ. Trong đó, Ánh Nguyệt hoạt náo nồng mặn duyên dáng nhất:
... Con chằng lửa Thục An bảo:
- Làm đờn bà thì phải thương chồng hơn cha mẹ. Ông bà mình thường
nói: ''Vông đồng trổ đỏ bờ sông/ Mẹ kêu con dạ, thương chồng con theo''.
Con ma nương Ái Mỹ tán đồng:
- Mầy nói đúng đó Thục An. Cha mẹ nuôi mình chừng 20 năm hoặc hăm
mấy năm thôi. Còn chồng mình thì nuôi mình tới già, tới chết.
Con nữ tặc Thụy Châu chợt nhớ ra:
- Mấy cô xẩm trước khi lấy chồng, cứ khóc ra rả trong buồng, khóc rống
lớn lên cho thiên hạ biết mình đau xót sắp xa cha mẹ...
Con hồ ly tinh Ánh Nguyệt trề môi dài cả thước :
- Lấy được ông chồng toại ý, tao đương thèm khóc. Còn kết hôn với cái thứ
ôn hoàng dịch lệ thì tao khóc rỉ rả, khóc nỉ non để trù ẻo cho đám cưới trở hành đám ma chơi !
Cẩm Hương cười ha hả :
- Ánh Nguyệt ơi, lòng da mầy hiền lành như bông bí, như dưa leo, như rau
lang rau muống luộc. Vậy mà mầy ăn nói nghe dữ tợn, gớm ghiếc không hà. Coi chừng mắc khẩu nghiệp đó nghen.
Ánh Nguyệt trề môi nói rán, nói thêm:
- Kệ em! Chớ sống với kẻ không yêu, bị nó nài hoa ép liễu thì em chỉ còn
có nước trù ẻo nó chết sớm để em rảnh nợ. Chôn nó rồi em đi xe kiếng.
Cả bọn trợn mắt hỏi đi xe kiếng để làm chi? Nhỏ cười ngỏn ngoẻn rồi cất giọng thẻo thợt hò: ''A ơi... Bước lên xe kiếng đi viếng mộ chồng'' / ''Mộ chưa cỏ mọc tron lòng thọ thai... à ơi...''.
(MGTTD, các trang 46, 47)
Kiều Lan và Kiều Liên cũng là hai nhân vật làm cho không khí câu chuyện trong tác phẩm sinh động hẳn lên. Tác giả dùng họ làm nhân vật phản diện để tạo sự mâu thuẩn cho cả một hệ thống tình tiết của câu chuyện và cũng để bày tỏ cái óc khôi hài tinh nhuệ của mình khi nhận xét tình đời. Hai cô Kiều ghen ghét cái hạnh phúc của thằng em khác mẹ đã đành mà còn không mấy hoan nghinh cái thành công của thằng em ruột:
Lúc hay tin Thiện Tố khéo tay trang hoàng ngôi nhà mới của mình, hai cô Kiều liền rủ Thiện Cảm tới thăm. Kiều Lan chê bai:
- Thằng Thiện Tố dại dột, lo trang Hoàng o bế sách vở, khong để dành tiền
mua gach tráng men lót nền nhà.
Kiều Liên phụ họa chị:
- Đúng rồi, gạch tàu dùng để lót sân đúng điệu hơn, chớ đâu để mà lót nền
nhà!
Bà Tư Hiền mời lũ con chồng uống trà. Thiện Tố không trả lời hai chị, vì trong mắt họ, có cái gì mà chàng làm tốt làm đẹp bao giờ đâu. Thiện Cảm săm soi tủ sách tắm tắc:
- Từ khi đọc sách của nhóm Tự Lực Văn Đoàn, tui mới biết quý sách báo.
Thật là tao nhã, tui thiệt tình phục lăn Thiện Tố!Thế nào tui cũng sắm cái tủ như vậy.
Kiều Liên nguýt thằng em ruột, mỉa mai:
- Thôi cho tao can đi. Dòng họ mình đã có một học giả rồi. Ai cần mượn
cái mặt mẹt mầy đóng vai trí thức rồi bày đặt viết văn. Mầy chẳng có bằng cấp nào lận lưng hết.
Thiện Cảm sừng sộ lại:
- Chị bớt chót chét lại đi. Bằng cấp có dính dáng gì đén việc viết văn? Có
bằng cấp mới viết văn được sao ? Thật là đầu óc nhỏ hẹp như cái vú cau!
Kiều Lan õng ẹo:
- Tui cấm chồng tui coi tiểu thuyết. Thời buổi nầy mấy ông bà văn sĩ hay
đề cao tình yêu. Chồng tui nhẹ dạ. Nếu rủi ảnh nhiễm tư tưởng lãng mạn trong tiểu thuyết, ảnh sẽ mềm lòng lõng dạ mỗi khi gặp con lành con lủng nào đó ở ngoài chợ thì phiền toái cho tui lắm. Lòng dạ tui chặt chịa, cứng cỏi thì tui có quyền coi tiểu thuyết.
Kiều Liên bị em nạt không cự lại, vo vảnh:
- A -di-đà Phật! Chồng tui thích coi đá banh thôi. Nhưng hễ ảnh gặp mấy
con lành tốt mã, mấy con lủng lẳng lơ thì cặp mắt ảnh chớp lia chớp lịa, thấy thật ứa gan!
(MGTTD, các trang 210, 211)
*
Trong Một Góc Trời Thôn Dã có thêm một vận sự: Trong tai nạn xe cộ, Cẩm Hương được người hành khách cùng một chuyến xe đò cứu giúp. Chàng ta yêu thầm nhớ trộm nàng, xây mộng lứa đôi với nàng. Nhưng mối tình đó chỉ là mối tình đơn phương vừa tượng tình mà chưa kịp thành tựu đến ngưỡng cửa hôn nhân thì phải tan rã vì Cẩm Hương báo tin nàng kết hôn với Thiện Tố. Nếu bỏ vận sự nầy cũng không sao. Còn có nó, tác phẩm thêm phần hào hứng đôi chút vì mối ẩn tình của người đồng hành cùng chuyến xe đò với Cẩm Hương không có gì đặc sắc lắm. Lại nữa, cuộc hờn ghen của Cẩm Hương kéo quá dài làm cho độc giả sốt ruột. Đáng lẽ tác giả để dành giấy viết về nếp sống và nhân sinh quan của hạng tân học vào buổi giao thời như hai cậu em của Cẩm Hương, của Nguyệt Cúc (hôn thê của cậu em út ) thì chị đào cho tác phẩm một chiều sâu đáng kể hơn.
Sự thành công của tác phẩm ở chỗ tạo cho mỗi nhân vật một cá tánh khác biệt, trừ hai chị em Kiều Lan và Kiều Liên như đúc từ một cái khuôn. Xin kể các nhân vật quan trọng xoay chung quanh hai nhân vật chánh (Cẩm Hương và Thiện Tố) và những nhân vật then chốt (hai cô Kiều, Thiện Cảm, Hồng Ánh và Ngọc Huệ). Bà Cả Cần tôn trọng huyết thống, ông Hai Cung dù đã sa ngã nhưng vẫn là người có lương tâm, bà Tư Hiền tuy hiền lành nhẫn nhục nhưng vẫn vướng tật chì chiết lúc tâm sự với Cẩm Hương, bà Hai Cung vẫn là người có căn tánh tốt đẹp chớ không hoàn toàn xấu xa ác độc, cha mẹ bà Tư Hiền hiền lành và chất phác.
Tác giả rất thích miêu tả: tả người, tả cảnh, tả tâm tình, tức là tạo đầy đủ chất liệu để đúc kết cái nền mống lẫn cái lâu đài văn chương vững chắc.
Về nghệ thuật tả người, xin cùng đọc đoạn hai cô Kiều phục sức và trang điểm trong dịp đám cưới Thiện Tố:
Kiều Lan và Kiều Liên muốn nổi bật hơn cả cô dâu nên trước đám cưới cả tháng, hai cô hẹn nhau xuống chợ tỉnh đặt may mỗi người một chiếc áo dài ''mốt'' bằng gấm đỏ, bâu áo cao chống cổ, tay phùng cao. Hai cô đều mặc trang phục giống nhau. Họ đeo bông tòn teng, dây cổ, dây tay bằng hột xoàn chiếu lấp lánh... Trông họ đẹp và lạ mắt thật. Nhưng áo quần và trang sức nầy nếu trên một thân hình có dáng dấp thanh cảnh thì tuyệt! Khổ một nỗi hai nàng Kiều đã nhiều lần sanh đẻ, ăn uống không giữ gìn, dù cái bụng không lớn lắm, nhưng thân thể lệch lạc, tướng đi hai hàng, ngó vào là biết hai mụ xề ngay. Trước đó cả tháng, hai nàng nhịn ăn đễ giữ eo thon, mông gọn. Nhưng khổ nỗi cái bụng dưới, tức là cái nây bụng phồng ra như có độn trái dưa hấu cắt đôi. Hai nàng còn nhờ thím xẩm Lầy Phá (Lệ Hoa), vợ bé ông Bang Quảng Đông dùng chỉ se trên da mặt để lấy lông mang, cùng tỉa cặp mày cong như viền trăng non, như cái mống chuồng vậy. Hai nàng biết tướng đi của mình không đẻo, nên uốn éo mình xà, mông đưa qua bên trái, rồi sàn qua bên mặt làm mấy bà mấy cô dọn đám dưới bếp có dịp nói hành nói tỏi rồi cười khúc khích.
(MGTTD, các trang 337, 338)
Tác giả Dư Thị Diễm Buồn rất khoái phần tả cảnh. Cho nên trong tác phẩm Một Góc Trời Thôn Dã, cảnh vật cứ nườm nượp hiện dưới ngòi bút liến thoắng và trơn tru của chị. Ít có nhà văn gốc Nam Kỳ có cái mẫn cảm với phần miêu tả như chị.
Trong những thủa ruộng loang loáng nước, ngăn cách nhau bởi những bờ mẫu ngoằn ngoèo chia ruộng ra có miếng hình vuông, hình chữ nhựt, hình xéo... còn rộng hay hẹp là tùy theo diện tích của mỗi miếng ruộng. Những bụi lúa mập, tua tủa lá vươn cao rậm rạp và xanh lặt lìa như đỡ nâng bông lúa đòng đòng ngậm sữa quằn nặng hột. Những bụi lúa trồng san sát nhau thành những hàng ngang hàng dọc thẳng tắp chạy dài đến tận chân vườn xa lắc xa lơ. La đà trên ngọn lúa, bầy chuồn chuồn xanh, đỏ, tím, vàng, cam, hồng... đủ màu sắc, bay qua lượn lại tìm bắt muỗi. Thỉnh thoảng cây lúa rung rinh, hay quặn lên làm chao động mặt nước do lũ cá rô, cá sặc, cá lóc... hám ăn nhào lộn, rượt đuổi nhau, hoặc tranh giành đớp mồi. Những chú cào cào, sâu, bọ vô tình rơi xuống. Những con ốc bươu đen, sùi bọt trắng đeo từng hùm từng đám trên cụm lác, cụm đuơng mọc từ đáy nước. Nước ruộng trong veo, nhìn thấy rõ bầy cá bãi trầu, cá lòng tong, cá bạc đầu lội nhởn nhơ.... Gió sáng mát rượi. Trên gò nổng xa xa, đàn vịt trời, le le, chằn nghịch... đang rỉa lông. Bầy chim áo dà, chích chòe gọi nhau bên chòm bông cỏ, bông gạo. Ven ao có hàng cây điên điển nở từng chùm hoa vàng phơi phới, nghiêng nghiêng in bón dưới lòng ao, mặt bằng phẳng nước.
(MGTTD, trang 179)
Cảnh nhà của song thân của cô thôn nữ Hiền dưới mắt bà Cả Cần đuợc tác giả trình bày như sau:
Bà Cả dòm khắp nhà. Tuy là nhà lợp lá xé, vách tre, nền đất nện, nhưng đâu đó đưọc quét tước sạch sẽ. Bàn thờ, bàn ghế, tủ áo, cái đi-văng... đóng bằng gỗ rẻ tiền như thao lao, mít, nhưng được lau chùi bóng láng. Chiếc bàn dài đặt giữa nhà, hai ghế trường kỷ đặt hai bên có vẻ tươm tất hơn. Ba con Hiền cho biêt, bàn ghế đó do người bác ruột qua đời để lại cho. Bàn thờ có bát cắm nhang tráng men xanh vẽ bát tiên ngồi chơi cờ bằng mực chàm đậm. Dĩa quả tử vẻ tám thứ trái cây ở thành dĩa: lệ chi (trái vải), long nhãn, phật thủ, đào tiên, mộc lý, mộc qua, lựu, trái xá lị. Bàn thờ không có lư hương, chân đèn, đèn lưu ly gì cả. Chỉ có bài vị thờ cha mẹ và ông bác sơn son thếp vàng. Trên bàn dài là bình trà bằng sành lớn, cỡ 4 bàn tay vòng có vẽ hình con đại cẩm kê (gà trống cồ, mồng đỏ, lông màu lửa, cổ và ức giát lông màu xanh). Trên khay có 6 cái tách sành lại vẽ gà tre, có lẽ không cùng một bộ với bình tích, nhưng nhìn chung thì tất cả như cùng chung một thứ men, cùng một kiểu vẽ. Trên 4 cột nhà ở giữa chỉ treo liễn kiếng Lái Thiêu. Còn trên vách thì treo liễn giấy bồi màu vàng nghệ, màu cánh sen, màu đọt chuối gợn sóng ngân nhũ. Trên nền ngân nhũ là bài thơ chữ Nho viết bằng lối chữ thảo. Mà con Hiền bảo là do ông bác để lại để vào ngày Tết trang hoàng nhà cửa. Trên mỗi tấm tranh là một bài cổ thi chúc xuân mà vợ chông bà không biết đọc chữ Nho nên không biết nghĩa thú trong thơ ra sao.
(MTTD, các trang 94 95)
Sự mô tả khung cảnh mộc mạc quê mùa của tác giả Dư Thị Diễm Buồn mang một ý nghĩa sâu xa. Chị muốn gợi lại khung cảnh gần gũi và thân thương cho những kiều bào cùng thế hệ hoặc cùng trang lứa với chị trở lên để tất cả cùng nhau trên nẻo thời gian tìm lại, được đắm hồn sống trong một chặng nếp sống cổ truyền của dân tộc đã từng ghi biết bao dấu ấn trong tình hoài cố hương vọng cố quốc. Trong lúc miêu tả, chị quăng mình trọn vẹn vào đối tượng, vào chủ đề một cách nồng nhiệt thành khẩn, bằng tâm tư hoài vọng.
*
Bước sang qua quyển Thời Biển Lặng Sông Trong, tác giả đưa câu chuyện lớp con của hai nàng Kiều, của Thiện Tố và của Thiện Cảm vào thời kỳ nước Việt Nam bị con sông Bến Hải ngăn đôi, dân Miền Nam Việt Nam được sống sung túc dưới chánh thể Đệ nhất Cộng Hòa. Thế có nghĩa là, chị bỏ qua thời kỳ chiến tranh Đông Dương giữa Pháp và Việt Minh, cái thời kỳ gay go nhất mà những cây bút phụ nữ sinh vào đầu thập nien 50 không thể nào thấu hiểu qua những chúng nghiệm máu xương của dân tộc.
Trong truyện này, đại gia đình ông Hai Cung có đủ con trai, con gái, dâu và rể sống cùng xã hay cùng quận Cai Lậy. Vợ chồng Kiều Lan, vợ chồng Kiều Liên và vợ chồng Thiện Tố từ quyển Một Góc Trời Thôn Dã đã ở riêng, chỉ trừ vợ chồng của Thiện Cảm vẫn ở dưới mái nhà thừa tự của cha mẹ. Về lũ cháu của ông Hai Cung, thì con của hai nàng Kiều Lan và Kiều Liên và con của Thiện Cảm đa số đã sinh cơ lập nghiệp ở phương xa, duy chỉ có hai cô con gái của cặp Thiện Tố & Cẩm Hương là còn ở với cha mẹ đầy đủ. Sống với vợ chồng của Kiều Lan chỉ có cô con gái út tên Kiều Nga. Sống với vợ chồng Kiều Liên chỉ có con gái út tên Kiều Phương. Sống với vợ chồng Thiện Cảm là cậu con trai áp út trong hàng ngũ lũ con tên Thiện Cần và cô con gái út tên Hồng Nguyệt.
Kiều Phương khá xinh đẹp, giỏi đóng kịch và ca hát trong những kỳ văn nghệ do nhà truờng tổ chức vào dịp phát lễ phần thưởng. Tố Tâm kiều nhược, hiền lành, khép kín với người lạ, nhưng cởi mở với người thân. Tố Tiên, khỏe mạnh, sinh động, cởi mở với tất cả mọi người, thường ao ước được du học ở ngoại quốc.
Kiều Nga hiền lành, thùy mị, có năng khiếu làm thơ từ thuở 13 tuổi. Hồng Nguyệt có văn tài tự bẩm sinh; nhưng cô tật ở chân, mặt rỗ. Nhưng cô thông minh và đôn hậu, biết khắc phục cái bất hảo của thể chất và ở dung mạo để thành công rực rỡ trên đường đời. Thiện Cần bảnh trai, liến láu, ưa bông đùa nghịch ngợm. Cậu giống cha ở chỗ đắc mèo, tán gái thành công, nhưng không thọ hưởng một chút văn tài nào của cha. Cậu là một điểm tươi sáng rực rỡ, gây cho không khí u trầm trong gia tộc một sinh dộng hào hứng.
Ngoài ra thân với chị em Tố Tâm và Tố Tiên còn có Tuyết Mai, bạn chung lớp với Tố Tâm. Cô này mồ côi mẹ, bị bà kế mẫu, các người con gái riêng của bà và lũ em cùng cha khác mẹ xéo xắt đày đọa. Cuối niên học năm đó, Kiều Phương, Tố Tâm, Thiện Cần và Tuyết Mai cùng đậu bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp, Còn Kiều Nga thi đậu vào lớp Đệ thất. Tố Tâm theo Tuyết Mai về chơi quê ngoại của bạn. Đó là làng Hòa Lộc thơ mộng nằm ven sông Mỹ Lương êm đềm. Tại đây, cả hai gặp Khải Tuấn, anh chàng sinh viên đẹp trai sắp tốt nghiệp trường Quốc Gia Hành Chánh. Nhưng Tố Tâm lẫn Tuyết Mai không cảm thấy mình bị cú sét ái tình. Tại làng Hòa Lộc cả hai được ăn những món thổ sản địa phương, được hưởng thú vui thôn dã như cảnh đập lúa trong đêm trăng. Trong chuyến thủy trình về Cai Lậy, chiếc tàu thủy bị chìm vì chở quá khẳm. Hành khách đều được cứu sống. Nhưng Tố Tâm làm cho bà nội, cha mẹ và cả đại gia đình phải một phen điêu đứng vì lo lắng. Nhưng chính nhờ tai nạn này mà Tố Tâm gặp được anh chàng Quận trưởng Đào Vũ Kỳ Trân để rồi cả hai gặp cú sét ái tình tuy không nổ ầm ỉ nhưng vẫn làm cho tim họ bàng hoàng dao động.
Trong dịp lễ phát phần thưởng cuối năm cho các học sinh ưu tú trường Đốc Binh Kiều, đạo diễn điện ảnh Hoàng Tâm chợt thấy các cô nữ sinh tham gia vào các tiết mục văn nghệ trình diễn rất vừa ý. Cho nên ông ngõ lời chọn một số nữ sinh mà ông ta cho rằng có thể đóng phim được, trong số đó có Tuyết Mai, Kiều Phương và hai chị cô Tố. Nhưng cả bọn phải lên Sài Gòn để trải qua cuộc thử test gay go theo cách thức dự một cuộc thi tuyển do hảng phim tổ chức. Tuy nhiên, Tố Tâm lẫn Tố Tiên từ chối vì cả hai muốn tiếp tục việc đèn sách. Chỉ có Tuyết Mai và Kiều Phương nhận lời. Tuyết Mai không có tiền sắm sửa y phục và các món trang sức trước khi đi dự thi tuyển lựa tài tử thì vợ chồng Thiện Tố và bà Tư Hiền bỏ tiền ra giúp cô . Vì ban giám khảo bị một áp lực nào đó do bạo quyền thúc đẩy nên vào kết quả cuộc thi thì Tuyết Mai đứng hạng nhì, Kiều Phương đứng hạng ba. Còn giải khôi nguyên thuộc về Nhan Như Thúy Ngọc, một cô thiếu nữ nhan sắc kém cỏi. Điện ảnh gia Hoàng Tâm bực tức lắm. Cho nên khi nắm vai trò vừa viết kịch bản vừa làm đạo diễn cho phim Tấm Cám, tuy ông phải giao vai Tấm cho cô Nhan Như Thúy Ngọc, nhưng khi viết kịch bản, ông cố tình đôn vai Cám do Tuyết Mai đảm nhiệm lên cao, tạo thêm một vai nòng cốt cho Kiều Phương. Kết quả: Nhan Như Thúy Ngọc chẳng những bị Tuyết Mai lấn át bóng sắc lẫn nghệ thuật diễn xuất mà còn bị Kiều Phương làm lu mờ ở nghệ thuật diễn tả hồn nhiên. Thế là từ đó tên tuổi Tuyết Mai và Kiều Phương lên vùn vụt như diều tung hoành trong gió lộng, còn cô Nhan Như Thúy Ngọc phải âm thầm rút lui vào bóng tối. Tuyết Mai và Kiều Phương còn luyện giọng để hành nghề ca hát nữa.
Trong buổi khánh thành Viện Dưỡng Lão do ông Tỉnh Truỏng tỉnh Định Tường (Mỹ Tho) tổ chức, Tuyết Mai được mời cắt băng khánh thành vì cô ta đã tặng cho ban thành lập viện một số tiền to. Tuyết Mai nhã ý mời gia đình Thiện Tố đến dự buổi tiếp tân lẫn dạ yến và dạ vũ tại dinh Tỉnh Trưởng. Chỉ có Cẩm Hương cùng Tố Tâm và Tố Tiên đến dự. Tố Tâm gặp lại Đào Vũ Kỳ Trân và Khải Tuấn. Trong khi nàng và Kỳ Trân xoắn xít nhau thì Tố Tiên và Khải Tuấn quyến luyến nhau. Nhưng sau đó, cả hai không liên lạc nhau. Tố Tiên học cho xong bậc trung Học Đệ Nhị Cấp và thi đỗ Tú Tài. Còn Khải Tuán thì ra trường, trở thành công chức và làm việc ở Sài Gòn.
Hồng Nguyệt trở thành nhà văn chuyên nghiệp, có kết bạn văn chương với một ký giả Pháp gốc người Ba-lan tên Ilya Polanski. Anh chàng này hành nghề tự do, không cộng tác nhất định với một tờ báo nào hay một hảng thông tấn nào, mà người trong nghề gọi là ký giả ''free lance''. Kiều Nga trong chuyến về thăm quê nội ở Bình Chánh, vào dịp dự lễ ở Thánh thất CaoĐài, gặp anh chàng Tây lai vốn là thợ nguội xuất thân ở sở Ba-son (Hải Quân Công Xưởng) có lương lậu cao. Mẹ chàng vốn có đạo Cao Đài nên chàng tháp tùng theo bà dự lễ. Cả hai bắt đầu yêu nhau và hứa hẹn thực hiện cuộc sống lứa đôi.
Đào Vũ Kỳ Trân ráo riết tìm cách chiếm đoạt trái tim của Tố Tâm và đi đến cuộc hôn nhân hạnh phúc. Hai người bạn thân của chàng là Lê Phước Nghiệp và Hoàng Khiết Tịnh về sau trở thành thân bằng quyến thuộc của Tố Tâm và Tố Tiên. Lê Phước Nghiệp kết hôn với Tuyết Mai. Hoàng Khiết Tịnh se duyên chỉ thắm với Kiều Phương dù chàng ta góa vợ và có con riêng. Còn Thiện Cần quyến rũ hai cô nữ sinh, tặng cho mỗi cô một cái bầu nên song thân cậu phải đem họ về nuôi. Cả hai ghen tương nhau, dậy giặc hà rầm làm cậu bực tức đau khổ, không biết cách nào làm cho cảnh nhà dược trong ấm ngoài êm.
Tố Tiên lên Sài Gòn lưu học và ở chung với Tuyết Mai. Tình cờ cô gặp lại Khải Tuấn. Cả hai yêu nhau say đắm. Nhưngsau bao lần bất đồng ý kiến, sau bao cơn cãi cọ vì tự ái, Tố Tiên qua Mỹ du học. Khải Tuấn vẫn bền lòng đợi nàng trở về.
Bốn năm sau, Tố Tiên hồi hương. Bà nội nàng ở ngôi nhà từ đường để săn sóc ông nội nàng vì bà chánh thê của ông đã qua đời. Kiều Nga đã kết hôn với anh chàng Tây lai tên Yves Ronsin mà cô ta gọi trài trại là Yêu Rồng Xanh. Hồng Nguyệt vẫn độc thân để tâm trí thảnh thơi phụng sự văn nghiệp đang hồi lừng lẫy của mình. Tuyết Mai vẫn hành nghề trình diễn ca nhạc và đóng phim. Kiều Phương giải nghệ để cùng chồng khuếch trương việc thương mãi đang hồi bành truớng và thịnh vượng. Riêng hai cô vợ không giá thú của Thiện Cần đều bồng con về cha mẹ ruột, lấy chồng khác, nhưng vẫn cho con mình lui tới với ông bố hào hoa lẫn đào hoa của chúng. Chàng cưới một cô vợ khác ôn nhu và hiểu biết hơn hai cô vợ sư tử Hà Đông kia. Chàng mở tiệm bán và sơn sửa xe gắn máy, tìm được hạnh phúc trong cuộc sống lứa đôi chung lòng chung hướng, đồng sàng đồng mộng cùng người vợ có giá thú.
Kết cuộc, Tố Tiên sau bao năm bôn ba trên con đường sự nghiệp, thành hôn với Khải Tuấn.
*
Trong tác phẩm Thời Biển Lặng Sông Trong, các nhân vật thuộc giai cấp trung lưu và thuộc thế hệ đang độ hoa niên vào 5 năm chót của thập niên 50 đã bước vào một thế hệ được ánh sáng văn minh tân tiến soi rọi. Phụ nữ đã ý thức sự bình quyền với các đấng tu mi nam tử, họ từ bỏ khuê phòng để ra đời mưu sinh. Khi lớn lên, họ không quá chú trọng vào công việc trao giồi công dung ngôn hạnh rồi đợi chồng đến cưới hỏi. Họ chọn ngành nghề để đeo đuổi trước khi kết hôn.
Vận hội mới bắt đầu. Các trường tiểu học đuợc mở mang khắp mọi quận lỵ và ở các xã ấp gần quận lỵ hay gần các miền ngoại ô tỉnh lỵ. Các tỉnh bậc trung đã có một trường trung học công lập và vài trường trung học tư thục. Còn các tỉnh lỵ nhỏ thì chỉ có một trường trung học tư thục mà thôi.
Quận Cai Lậy là một địa danh cách trung tâm thành phố tỉnh Mỹ Tho 23 cây số. Nó nằm bên Quóc Lộ 9, tức là trên tuyến đường quan trọng đưa đón du khách và các tay buôn bán xuôi ngược từ Sài Gòn xuống vài tỉnh vùng Tiền Giang và tất cả tỉnh miền Hậu Giang. Từ thuở bình minh nền Đệ nhất Cộng Hòa nó đã là một nơi thị tứ khá hoạt náo và phồn thịnh. Cư dân ở đây tiếp xúc khá nhiều nếp sống theo cao trào văn minh tân tiến nên họ không chênh lệch với thị dân ở Thủ Đô Sài Gòn bao nhiêu. Cho nên các nam sinh, các nữ sinh cùng các công chức ở đây đều là những kẻ thấm nhuần óc tiến thủ, đều có thể thu góp một cách dồi dào những kiến thức về một nền văn hóa trên đà phát triển thuận lợi.
Bởi đó, nữ sĩ Dư Thị Diễm Buồn thường tạo ra các nhân vật bậc trung lưu đù cấp bậc cao thấp lớn nhỏ. Chị không thích tạo những nhân vật nông phu cày sâu cuốc bẳm và những nhân vật thôn nữ chân lấm tay bùn. Tạo những nhân vật cổ lổ hay những nhân vật quê rít quê rang thì quá xa vời với cái xã hội và cái thế giới mà chị đã sinh ra và lớn lên. Những nhân vật chậm tiến như thế thì cái xã hội của họ dưới ngòi bút của chị không thể sinh động được; chị phải nhờ óc tưởng tuợng thêu dệt thêm ít nhiều chi tiết. Vả lại qua tác phẩm Một Góc Trời Thôn Dã và tác phẩm Thời Biển Lặng Sông Trong, tác giả muốn nói lên cái hay, cái đẹp của Miền Nam Việt Nam tự do. Lẽ dĩ nhiên, cảnh đồng quê chỉ nên lót nền mờ nhạt cho những cô cậu học sinh yêu nhau da diết chứ không nên xen nhiều lần, chui lắm lượt vào cuộc sống của họ. Họ phải được huởng ánh sáng văn minh để tình yêu của họ thêm mới mẻ như tình yêu của lớp thanh thiếu niên trong phim ảnh Hoa Kỳ đang chiếm rộng rải trên thị trường Việt Nam.
Dư Thị Diễm Buồn thương yêu cưng chiều những nhân vật hiền lương hoặc những nhân vật thông minh và biết cư xử vuông tròn, ăn ở phải đạo. Họ đâu thể nghèo hèn mà dẫu có nghèo như Tuyết Mai thì cũng không được dốt nát và phải có ăn học chút đỉnh hoặc phải có tài hoa. Nhất là họ phải có nhân diện và vóc dáng trội hơn bàng dân thiên hạ. Đào Vũ Kỳ Trân, Lê Phước Nghiệp và Tố Tâm dù có mảnh khảnh thì hai chàng kia vẫn được chị ca ngợi là đẹp rắn chắc theo kiểu trượng phu nam tử, còn nàng nọ cững được chị so sánh vẻ thướt tha của cây lệ liễu. Chàng Hoàng Khiết Tinh tuy mập mạp nhưng được tác giả tặng thêm vẻ bảnh trai như nam tài tử điện ảnh Rod Taylor. Còn cô Hồng Nguyệt có chân thấp chân cao và mặt rỗ hoa mè hồi nhỏ, nhưng vì cô ta hiền lành, tài hoa lỗi lạc nên tác giả thay thế Ông Trời cho cô gặp ông thầy bó ngải Chiêm Thành kéo dài cái chân thấp vài phân để nó xấp xỉ với chân cao, và chị đóng cho cô ta đôi giày đế mỏng đé dầy để cô ta có dáng đi thăng bằng, thướt tha và uyển chuyển. Chưa hết! Chị còn truyền lịnh cho những vết rỗ trên khuôn mặt cô ta phải theo thời gian mà lì đi để da mặt cô ta trơn láng.
Chân dung và cách phục sức của các nhân vật trong Thời Biển Lặn Sông Trong tuy không được miêu tả chăm chút, nhưng cũng khá chu đáo. Xin đọc đoạn hai chị em Tố Tâm và Tố Tiên đi dự cuộc dạ yến và dạ vũ tại Dinh Tỉnh Trưởng:
TốTâm Tố Tiên như cặp sanh đôi. Hai chị em có những đường nét khuôn mặt thanh tú và hao hao giống nhau. Hai cô chỉ khác Tố Tâm mảnh mai có mái tóc để dài lưng chừng lưng, còn Tố Tiên nồng nàn sinh lực với mái tóc đen ngắn đến cổ, vén gọn hai bên mép tai. Đêm nay hai cô ăn mặc và trang sức cũng giống nhau, áo dài tay phùng bằng gấm Thượng Hải màu hồng, nổi những cành bạch mai trên nền gấm rập rờn ánh bạc. Cả hai đeo bông giọt mưa bằng ngọc trai, vòng cổ, vòng tay bằng ngọc trai. Quần lụa trắng, mang giày bít mũi với gót cao. Mái tóc đen như nhuộm mực nằm trong chiếc ''băng-đô'' hồng xõa bồng trên bờ vai thon gầy mảnh khảnh của Tố Tâm. Làn da trắng của cô đuợc dậm lên lớp phấn hồng nhẹ, dưới ánh đèn điện trông cô hết sức bình thuờng. Nhưng trước cái vẻ cao sang và nét quý phái trời ban đó, ai trông thấy, cũng khó lòng mà quên đi trong giây lát.
Còn Tố Tiên dáng thanh thoát không bằng chị, cô hơi thấp hơn, nhưng có vẻ tươi mát hơn chị bởi nước da trắng như gà bóc, nụ cười vui tươi hớn hở đi với đôi mắt to ngời sáng. Cái nhìn vô tư cô đầy tự tin. Và lúc nào trên miệng cô cũng sẵn sàng chớm nở nụ cười càng lâu càng cảm thấy cô rất dễ thương tạo cho người đối diện nhiều mỹ cảm lẫn thiện cảm.
(TBLST, các trang 241, 242)
Còn chân dung của Khải Tuấn, một chàng thanh niên thuộc thành phần ưu tú của xã hội trung lưu cấp cao được tác giả phác họa như sau:
Khải Tuấn có tướng khỏe mạnh, cao ráo phải một mét bảy chứ không ít. Nước da ngăm, cái ngăm khỏe mạnh hồng hào như da rái lựu rám nắng. Mái tóc anh bồng bềnh trên vầng trán vuông, cao và rộng. Chân mày rậm. Cặp mắt to, tròng đen ngời sáng nhiều hơn tròng trắng như phớt màu xanh lợt của men sứ. Anh đi đứng thong thả, nói cười vui vẻ, tế nhị. Hôm đó, Khải Tuấn mặc chiếc áo tay ngắn màu kem, quần nâu sậm. Cái mốt thời nay, các cô cậu thường hay đeo dây chuyền mỏng, bằng vàng 18k, dài gần tơi rún và miếng mề-đai hình bầu dục có lồng ảnh giữa hai mặt kiếng. Chiếc đồng hồ mạ vàng lớn mặt, dây cũng mạ vàng gồ ghề tương xứng với mặt đồng hồ. Anh mang giày da bóng loáng, miệng luôn cười tươi, ưa pha trò nên trông trẻ trung hơn trong bộ veste màu xanh đậm đêm dạ tiệc năm nào.
(TBLST, trang 305)
Đặc điểm chót trong văn chương của Dư Thị Diễm Buồn là chị hào sảng với độc giả. Chị thết đãi các nhân vật trong mọi tác phẩm của mình những món ăn quốc túy quốc hồn rất thường xuyên, rất phong phú ê hề, không tiện tặn, không bỏn sẻn. Độc giả nhờ vậy cũng đuợc... ăn hàm thụ luôn. Nhưng có điều hơi lạ lùng là không bao giờ chị cho các nhân vật mình ăn bất kỳ món mắm nào. Hỏi ra, chị vốn dị ứng với món quốc túy quốc hồn đậm tình dân tộc này. Thỉnh thoảng, chị biểu diễn tài nữ công gia chánh của mình bằng chỉ vẽ cho độc giả làm một vài món ăn địa phương ( như các món ăn cỏ truyền ở quận Cai Lậy). Và cũng hình như chị chỉ đãi độc giả ăn các món ăn Nam Kỳ Lục Tỉnh chứ không đãi các món ăn miền Bắc hay các món ăn miền Trung. Có lẽ về ẩm thực, chị có dị ứng hoặc kỳ thị với các món ăn ngược lên hướng Bắc xa xôi chăng?
*
Trong truyện có thêm hai mối tình quan trọng nữa. Đó là mối tình giữa Đào Vũ Kỳ Trân và cô Thoại Hoa. Cô này có học thức, giỏi việc mưu sinh, thông minh, quyền biến, cư xử theo con nhà thượng lưu trong xã hội. Nhưng Đào Vũ Kỳ Trân chỉ thương mến cô ta, chứ không yêu đương say đắm như đối với Tố Tâm. Không hiểu Thoại Hoa có vì tự ái hay vì nhút nhát mà không chịu tỏ tình trước với Kỳ Trân? Nàng mòn mỏi đợi chàng bật đèn xanh trước, nhưng chàng cứ bật đèn đỏ, rồi bật đèn vàng, nên nàng đành đậu chiếc xe tình ái tại chỗ. Sau cùng,Thoại Hoa đi qua Pháp học tu nghiệp (tác giả không nói tu nghiệp về ngành nghề gì ) cốt nhờ không gian và thời gian chôn mối ẩn tình của nàng.
Mối tình thứ hai là mối tình giữa Khải Tuấn và nữ dược sĩ Vân Trang. Cô này là chị ruột của Vân Hạnh, mà cô Hạnh lại là bạn tâm đầu của Tố Tiên. Cả hai chia tay mà cả cô Trang lẩn Khải Tuấn chẳng ai ngậm ngùi lưu luyến huống hồ là đau khổ tổn thương? Mối tình này gượng gạo, lỏng lẻo, chẳng những không dậm chân tại chỗ mà coi bộ đang hồi suy thoái. Cho nên Vân Trang cương quyết cắt đứt cuộc tình phai thắm lạt hương kia đi. Có như thế, Vân Trang thảnh thơi đi lấy chồng, còn Khải Tuấn tha hồ vẫy vùng trong cuộc đùa bóng giỡn trăng với Tố Tiên để rồi trầm lụy si mê nàng.
Nếu bảo rằng Thời Biển Lặng Sông Trong là tiểu thuyết đồng quê theo trường phái văn chương hiện thực thì chưa chắc đúng. Ở đây, trong bối cảnh nửa chợ nửa quê, tác giả thăng hoa vào những giấc mơ danh vọng chói chang, những ước vọng đến những địa vị nguy nga tráng lệ dưới bóng mặt trời, rồi rủ rê độc giả bơi lội trong những ảo tượng lộng lẫy do chị un đúc, sản sinh . Những giấc mơ, những ước vọng ấy được thể hiện ở hai cô gái tỉnh lỵ, một liệt vào bậc trung lưu cấp thấp (Kiều Phương), một còn cựa quậy trong cảnh nghèo hèn (Tuyết Mai), nhưng bỗng dưng nhờ tài năng thiên bẩm vụt trở thành minh tinh màn bạc. Chúng còn thể hiện qua cô gái có tật chân và xấu xí từ lúc nhỏ (Hồng Nguyệt) và qua cô gái hiền lành khờ khạo, không có cá tính (Kiều Nga) ; rồi đó cô đầu trở nên một nhà văn lừng danh, cô sau trở thành một nhà thơ lỗi lạc. Hai cô gái lao vào vực văn nghệ trình diễn và hai cô gái lao vào môi trường văn chương thi phú, nếu không được trai tráng xun xoe ve vãn thì cũng lấy chồng giàu. Còn hai nữ nhân vật vai chánh là Tố Tâm và Tố Tiên đều lấy chồng nhà giàu, học giỏi, đẹp trai hoặc bảnh trai. Riêng cô chị thì đậu tú tài vào đầu mùa nền Đệ nhứt Cộng Hòa tại miền Nam Việt Nam, bằng đó rất hiếm quý vào thu đó, huống chi bằng cao học của cô em đa từng du học ở Mỹ.
*
Dư Thị Diễm Buồn vốn chủ trương văn dĩ tải đạo. Chị chịu ảnh hưởng nền luân lý cổ truyền của nhà sĩ Nguyễn Đình Chiểu: Trai thời trung hiếu làm đầu/ Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình. Nhưng vào thời đại nam nữ bình quyền, chị không đành lòng để cho nàng phục tùng chàng theo truyền thống gọi dạ bảo vâng. Lúc còn đá lông nheo với nhau, lúc yêu nhau và lúc hứa hôn với nhau, nàng có thể cải vả với chàng rầm rĩ, chì chiết chàng dằng dai bởi tự ái ổn thương, bởi ghen tuông sa đà. Nhưng khi cả hai nên vợ nên chồng rồi thì nàng trở nên mềm mỏng ngọt ngào với chồng.
Trong hai truyện dài Một Góc Trời Thôn Dã và Thời Biển Lặng Sông Trong ít có nhân vật gia nhập vào quân ngũ, trừ Đào Vũ Kỳ Trân, Lê Phước Nghiệp và Hoàng Khiết Tịnh vì thu đó dân miền Nam an hưởng thái bình, chưa có ngòi lửa chiến tranh ngún cháy khắp phần đất nước tự do nên chưa có lịnh Tổng Động Viên. Cho nên dù vốn yêu lính nhưng tác giả chỉ có thể tạo ra những lính kiểng lính huê, ngồi ngoáy bút ở văn phòng và họ chưa thể tỏ ra anh dũng trong các cuộc hành quân diệt địch.
Dư Thị Diễm Buồn cũng chủ trương luôn chuyện ở hiền gặp lành. Trong hai tác phẩm này, người ác đúng nghĩa rất hiếm. Bà Hai Cung xéo xắt đày đọa tình địch lúc đầu, nhưng về sau lại tỏ ra tử tế với bà Tư Hiền và đứa con của chồng. Hai nàng Kiều quyết lòng chia uyên rẽ thúy thằng em khác mẹ của mình vì mặc cảm hơn vì hiểm ác. Tuy nhiên khi con gái của Thiện Tố gặp nạn, cả hai tỏ ra thông cảm với Cẩm Hương, ân cần an ủi nàng.
Còn thêm một đặc điểm nữa, bao giờ các nhân vật chánh của Dư Thị Diễm Buồn cũng được trời ban thưởng: nam nhân vật thì hùng tráng ở sắc vóc và trượng phu ở cách sống, còn nữ nhân vật thì diễm lệ yêu kiều, tâm tánh hiền lương. Lại nữa, họ còn được Thượng Đế lì xì một hậu vận tốt đẹp hiển vinh giống như hậu vận các nhân vật chánh trong cổ tích, trong truyện thơ, trong các tác phẩm diễm tình của nữ sĩ Barbarra Cartland (Anh) hoặc của đôi uyên ương tiểu thuyết gia Delly (Pháp).
Dư Thị Diễm Buồn ưa viết những lới mắng mỏ và chì chiết với các nhân vật ác độc (nhân vật phản diện), ưa nói xóc hông xóc óc họ. Nhưng điều đó chứng minh tâm địa chị rất tốt lành, rất can đảm. Có lẽ chị nghĩ rằng mình chẳng cần các độc giả trí thức rởm rang khó tánh, hạng ưa chê bai văn chương nêu lên cái Thiện. Thứ văn chương dưới tầm mắt cao ngạo của họ là lỗi thời. Con đường văn chương tải đạo của chị đã mở sẵn từ khi chị bắt đầu cầm bút và chị tha hồ hăm hở xông pha lên đường, trối kệ những miệng lằn lưỡi mối được ngụy trang đó là miệng lưỡi thông minh uyên bác của bọn ngụy trí thức. Nếu chị nghĩ như thế thì các tác phẩm của chị lot vào quảng đại quần chúng dễ như bỡn và sẽ trường tồn với cảm quan trong sáng của hạng độc giả thuần hậu và đơn giản trong cách suy nghĩ.
Hồ Trường An
(trích Quê Nam Một Cõi)
đọc thêm:
Tiếng Thơ Luân Hoán:

No comments: