Wednesday, August 29, 2012

SƠN TRUNG * TRÍ TUỆ CON NGƯỜI


TRÍ TUỆ CON NGƯỜI

Quyển Luân Lý Giáo Khoa Thư là một quyển sách rất giá trị, do cụ Trần Trọng Kim và các nhà nho thuở ấy như Bùi Kỷ,Trần Lê Nhân soạn thảo để dạy luân lý cho các trẻ tiểu học và các lớp nhỏ hơn. Quyển này cũng như quyển Cổ Học Tinh Hoa, Thơ Ngụ Ngôn của La Fontaine, truyện ngụ ngôn của Aesope là những bài dạy triết lý, tâm lý, là túi khôn của loài người, và là những bài học xử thế..


Luân Lý Giáo Khoa Thư ăn sâu trong lòng thế hệ học sinh 1930 - 1945. Thuở nhỏ tôi cũng thích Luân Lý Giáo Khoa Thư mà trong đó có bài nói về trí khôn của loài người là tôi thích nhất. Tôi quên mất tên truyện. Truyện kể rằng một nông dân ra đồng cày ruộng. Anh ta đặt cái ách lên cổ con bò rồi cầm roi đánh vào lưng bò để thúc nó làm việc. Con bò đi chậm, con bò đi không thẳng hàng đều bị đánh một vài roi. Thậm chí con bò làm việc tốt, anh nông dân vẫn luôn miệng quát thét “tắc”, “rì” , “hò” và quơ roi vun vút trong không khí để hăm dọa. Một con cọp ngồi trên bờ, thấy vậy, thương con bò to lớn thế mà bị thằng người nhỏ nhoi cầm roi ánh đập, quát tháo. Nó chờ dịp, đón con bò hỏi chuyện:
Này, Bò! Mày to xác thế mà sao lại bị thằng người đánh đập mày suốt ngày?
Bò buồn rầu trả lời:
-Thưa ông cọp, tôi tuy to xác nhưng không làm gì đuợc loài người vì họ có trí khôn.
Con cọp nghe nói lạ lùng, không hiểu trí khôn là cái gì mà ghê gớm thế. Nó có thể giúp con ngưòi chinh phục thiên nhiên, chế ngự loài vật, bắt loài vật phải làm nô lệ cho loài người. Cọp bèn đón đường hỏi người nông dân:
-Nghe nói mày có trí khôn. Đâu đưa tao xem thử một tí!
Người đáp: Tôi để trí khôn ở nhà, không mang theo đây.
-Mày về lấy cho tao xem ngay.
- Tôi không thể về được, vì tôi phải trông coi con bò cho nó ăn cỏ.
- Mày cứ về đi, để tao trông con bò cho.
- Tôi không tin ông. Lỡ ông ăn thịt con bò của tôi thì sao? Nếu ông bằng lòng, cho tôi trói ông lại thì tôi mới an lòng về nhà lấy trí khôn cho ông xem.

Vì nóng lòng muốn biết trí khôn của loài người như thế nào cho nên cọp đồng ý cho bác nông dân trói lại. Người nông dân bèn lấy dây thừng trói con cọp lại, và tháo bắp cày ra đánh cho cọp một trận, và nói: “ Trí khôn của tao đây”! “Trí khôn của tao đây”!
Câu chuyện chỉ kể đến đây thì chấm dứt. Và lúc đó tôi rất thích thú. Và tôi bao năm
vẫn thích thú câu chuyện này, và sinh thêm lòng tự hào về con người khôn ngoan, trí tuệ.
Nay tuổi đời đã cao, bỗng nhiên tôi nghĩ đến câu chuyện này. Tôi cứ thắc mắc. Không biết sau trận đòn, con cọp bị giêt hay đuợc thả ra. Và sau trận đòn, nó có hiểu trí khôn là gì không.
Câu truyện trên cần phải được xét lại. Con cọp ỏ đây rất nhân hậu, biết thương yêu loài vật. Con cọp ở đây cũng thân thiện với con người, không phải là kẻ thù bất cộng đái thiên như mối tương quan giữa người và cọp ngày nay. Cọp nói chuyện với người, tìm hiểu con người, tìm hiểu sự vật, nó rất thành thật, không ác tâm hại người. Trong khi đó con người gian trá, xảo quyệt. Trí khôn là vật vô hình, không phải là vật hữu hình như cái dao, cái nón, cái cuốc mà bảo là để ở nhà. Đó là lời nói dối. Con người đã dùng mưu mô xảo quyệt để hại cọp. Khi cọp chịu trói thì người trở mặt đánh cọp. Đó là một thái độ tàn bạo, độc ác, thiếu sự thành thật trong giao tế xã hội. Và khi đánh cọp, người nói: “Đây là trí khôn của tao”.
Vậy trí khôn của loài người là cái gì? Trói được người ta, đánh được người ta là khôn sao? Lừa đảo được người ta là khôn sao? Có lẽ đa số con người nghĩ vậy. Họ cho rằng lừa được người tức phải là khôn, và kẻ bị lừa tất nhiên là ngu dại. Nhiều người quan niệm rằng kiếm được tiền bạc, đạt được vinh hoa, phú quý là khôn ngoan, tài gỉỏi. Trong chính trị, ai lắm mưu kế , ai lừa bịp nhiều thì được tôn là giỏi như là Khổng Minh, Tào Tháo. Về quân sự, những ai giết người nhiều, tàn hại sinh linh, phạm tội diệt chủng thì được khen là anh hùng như đại đế Alexandre, Thành Cát Tư Hãn. Người Tây phương dùng súng đạn giêt người, cuớp của, cứơp đất đai, bắt các dân tộc Á Phi làm nô lệ thì được khen là văn minh, tiến bộ và giàu mạnh. . . Có một số khen Hồ Chí Minh là giỏi vì ông ta lắm thủ đoạn tàn ác. Trước đây vài chục năm, đa số kính phục lẫn sợ hãi Lênin, Stalin, và Mao Trạch Đông. Không một nhà tư tưởng, nhà chính trị nào viết được một luận thuyết kết án Marx và đảng cộng sản.

            Trí , hay khôn, hay trí khôn là tiếng Việt, chữ Hán là trí. Khôn, trí khôn hay khôn ngoan trái nghĩa với ngu đần, trì độn, dốt nát, dại dột.
Thanh Nghị giải nghĩa trí khôn ( intelligence, lesprit) là cái khôn, thông minh. Đào Duy Anh định nghĩa trí là hiểu rõ sự lý- thông minh, và trí tuệ là thông minh, linh hoạt. Tự điển tiếng Anh định nghĩa thông minh là khả năng thấy, học, và hiểu. Còn spirit là phần bất tử trong con người giúp ta cảm giác và suy tưởng. Nói chung, trí khôn hay trí tuệ là khả năng giúp ta cảm xúc, suy nghĩ, hiểu rõ, và hiểu nhanh. Khi đã hiểu rõ sự lý, khi đã nhìn thấy vấn đề thì ta phải hành động, phải giải quyết vấn đề. Tuy nhiên không phải lúc nào tri và hành cũng đi đôi. Có khi ta biết mà không thể làm được, vì ta không có khả năng hoặc thời cơ chưa tới.
Như vậy phạm vi của trí khôn rất lớn, bao gồm mọi khả năng tri và hành của con người. Trí khôn hay trí tuệ là khả năng tuyệt vời của con người. Nó giúp con người sáng tạo văn học, âm nhạc, xây dựng kinh tế, kiến tạo quốc gia, nhất là phát minh khoa học. Đó là thành quả tốt đẹp của con người, là khả năng tuyệt diệu của con người. Cũng có nhiều hành động mà con người khó lòng nhất trí, kẻ này bảo thế là khôn, người khác lại chê là dại:
Thế sự đua nhau nói dại khôn,
Biết ai là dại, biết ai khôn.
Khôn nghề cờ bạc là khôn dại,
Dại cái văn chương, ấy dại khôn.

         Mưu trí hay mưu kế cũng thuộc khả năng của trí khôn.Nhưng mưu kế thì có nhiều kiểu, mưu kế của thằng ăn trộm, mưu của mấy tên bợm. Tục ngữ có câu: « mưu con đĩ, trí học trò ».
Đứng về phương diện đạo đức, ta có thể chia làm hai loại mưu kế: mưu quân tử và mưu tiểu nhân. Mưu quân tử là mưu cao thượng, mưu tiểu nhân là mưu hèn hạ, bỉ ổi. Kẻ lưu manh sống nhờ mưu kế xảo quyệt.Và bọn này luôn luôn sống bằng mưu kế độc ác hoặc hạ tiện. Loại khôn ngoan này không nên đề cao. Loại mưu kế này chỉ đem lại đau khổ cho quốc gia, dân tộc, cho thế giới. Nó là tai họa, là vết nhơ của con người, không phải là một thành quả tốt đẹp đáng ca tụng. Cái khôn ngoan của con người dùng để lừa gạt là hành động vô đạo đức, không có gì đáng tự hào.
Loại trí khôn đáng ca tụng, cần phát triển đó là loại trí khôn giúp đời tươi sáng, gíúp loài người hạnh phúc và tiến bộ. Còn những trí khôn dùng trong việc chọi gà, đá dế, chơi cờ đều không ích lợi trong việc cứu nước giúp dân. Và loại trí khôn dùng để lường gạt, giết người, hại người thì cần phải bỏ.
            Hình như truyện trên xuất xứ từ nền văn học La Hy, mà sau bọn thực dân sưu tầm và dùng để biện minh cho việc xâm lăng các nước Á Phi và bắt dân da đen làm nô lệ!



No comments: