Tình Mẹ Qua Bài Thơ Đường : Du
Tử Ngâm
Sưu Khảo của Hải Đà - Vương Ngọc
Long
Thế giới của Đường Thi là một
thế giới siêu thoát, không bến bờ, bát ngát, triền miên và vô tận. Thời Đường đã
đưa Đường Thi lên đến tuyệt đỉnh của nền thi ca nhân loại. Vì là tinh-hoa của
nền văn hóa Trung Quốc , Đường thi đã làm rạng danh Đời Đường. Bộ Toàn Đường Thi
soạn thảo vào đời Thanh gồm khoảng 900 tập, với gần 2900 thi sĩ đã sáng tác
khoảng ngót 50,000 bài thơ, đó là chưa kể số lớn những bài thơ chưa thu góp lại
được. Thơ Đường rất phong phú :tả tình, tả cảnh, nói lên cái khí hạo nhiên của
con người, cái đạo Trung-Hiếu-Nhân-Nghĩa làm đầu .Thơ Đường chia ra nhiều thể
loại và đa dạng, nội dung khác nhau: những bài thơ thời chinh chiến tả cảnh biên
thùy, nỗi lòng người lính thú xa nhà, những bài thơ tả cảnh đồng quê dân dã, bốn
mùa xuân hạ thu đông, những thú tiêu khiển thiên nhiên, hưởng nhàn, đọc sách,
ngâm vịnh, câu cá, du thuyền, những bàithơ phơi bày thảm trạng chua xót của xã
hội, những bài siêu trần thoát tục, hệ lụy nhân sinh v.v...không sao kể xiết.
Tuy thế-giới Đường Thi lớn lao và đồ sộ như vậy nhưng chỉ có một số ít ỏi những bài thơ Đường ca tụng nghĩa Mẹ ơn Cha. Bài thơ Du Tử Ngâm là một bông hoa hiếm hoi đã vươn mình khoe sắc rực rỡ trong khu rừng Đường Thi trùng trùng điệp điệp.
DU TỬ NGÂM
Từ mẫu thủ trung tuyến
Du tử thân thượng y
Lâm hành mật mật phùng
Ý khủng trì trì quy
Thùy ngôn thốn thảo tâm
Báo đắc tam xuân huy
Mạnh Giao
KHÚC NGÂM CHO ĐỨA CON ĐI XA
(
DU TỬ NGÂM do Hải Đà dịch )
Bài 1 :
Tay Mẹ hiền se chỉ
Khâu áo người đi xa
Chắt chiu từng sợi kỹ
Sợ con lâu về nhà
Lòng cỏ nào đáp nổi
Nắng ba xuân đậm đa
Bài 2:
Mẹ ngồi se chỉ trên tay
Chắt chiu áo mỏng, đợi ngày con đi
Đường khâu mũi vá chi li
Băn khoăn lo lắng con đi lâu về
Hỏi rằng tấc cỏ lòng quê
Ba Xuân nắng ấm đền bù được chăng ?
ĐÔI DÒNG VỀ THI-SĨ MẠNH GIAO (751-814)
Thi-sĩ Mạnh Giao sống vào thời Trung Đường (cùng thời với Bạch Cư Dị, Hàn Dũ, Gia Đảo, Thường Kiến, Thôi Hộ...) MạnhGiao tự là Đông Dã, sinh quán tại Vũ-Khang, Hồ-Châu (nay là huyện Vũ-Khang, tỉnh Chiết-Giang). Công danh khá lận đận, đi thi nhiều lần không đỗ, mãi đến năm 46 tuổi mới đỗ được tiến sĩ và năm 50 tuổi mới được bổ làm huyện úy Lật Dương (tỉnh Giang-Tô), một chức quan nhỏ mà ông không màng tha thiết. Cảnh nhà nghèo túng quẫn, cuộc đời không lấy gì vui, nên thơ của ông thường châm biếm chê bai giới quý-tộc quan liêu, lột tả nỗi niềm ta oán của giới trí-thức không gặp thời như cảnh ngộ của ông, hoặc nỗi bất công của những người dân nghèo lao-động tay lấm chân bùn. Tác phẩm của ông còn lưu truyền cho hậu thế là "Mạnh Đông Dã" gồm 2 tập thơ . Thơ của ông gồm khoảng hơn bốn trăm bài nhạc phủ và cổ thi. Ông rất thận trọng, cân nhắc trong việc lựa chọn chữ nghĩa, ý từ, làm nhiều bài thơ rất khúc chiết, sâu sắc, khó hiểu. Bài thơ Du-Tử-Ngâm của ông là một ngoại lệ, là một bài thơ hay với lời lẽ giản-dị, chân thật và dễ hiểu. Hàn Dũ đã mô tả tài năng về thơ của Mạnh Giao như là con ngựa bất kham, thông suốt kim cổ.
CẢM NGHĨ VỀ BÀI THƠ DU TỬ NGÂM:
Với một ý thức hệ nho gia phong kiến, lấy "trung-hiếu" làm đầu, dựa trên nền tảng triết-lý nhân sinh đại chúng và đạo-lý cương thường xã hội, trong một chế-độ quân-chủ về chính trị và phụ quyền về xã-hội, tại sao rất it những bài thơ Đường ca tụng Tình Mẹ?
Phải chăng những nhà thơ Đường, trong cái sĩ-khí của nhà Nho, ngày đêm dùi mài kinh sử để mong đến ngày thi đỗ ra làm quan, thực hiện cái hoài bão "kinh bang tế thế, trị quốc an-dân..." hoặc nếu không thành-đạt như ý, họ bất lực chán nản buông xuôi và tự ẩn dật chìm mình trong tư-tưởng vô vi, hướng về những đề tài thiên nhiên, sơn thủy điền viên, với tư tưởng "lạc thiên tri mệnh" (vui trời biết mệnh).
Phải chăng họ đã mang mặc cảm ngại phơi bầy những tình cảm gia đình mật thiết riêng tư, những xúc động chân thành như tình mẹ, vì bị ràng buộc bởi quan niệm nghiệt ngã trọng nam khinh nữ,tam tòng tứ đức đè nặng trong xã hội hủ tục phong kiến, sợ người đời gán cho là kẻ yếu đuối, hèn nhác không phải là bậc đại-trượng-phu trong thiên hạ?
Hình ảnh người phụ nữ trong xã hội đó phải chăng
chỉ là những chiếc bóng âm thầm, tủi nhục, mang cái thân phận bèo bọt chồng chúa
vợ tôi, có nhiệm vụ tôi mọi nô bộc, chỉ biết đầu tắt mặt tối làm việc và không
được chia sẻ cái chân lý căn bản của lẽ sống gia-đình: hạnh phúc và tình yêu.
Thật là thảm thương khi ta mường tượng đến hình ảnh của người phụ nữ, một người
Mẹ, một người vợ trong cái xã hội quan- liêu bất công đó:
Loạn bồng vi mấn, bố vi cân
Hiểu đạp Hàn sơn tự phụ tân (Bạch Cư Dị)
Dịch:
Tóc tua cỏ dại rối bù
Dung nhan tàn tạ, khăn thô che đầu
Nắng mưa sương gió dãi dầu
Đầu non nặng gánh củi sầu thế gian (Hải Đà dịch)
Nói đến sự đề cao người phụ nữ hay vinh danh người Mẹ trong Đường Thi, thì ai ai
cũng phải nhắc đến bài thơ DU TỬ NGÂM. Đó là bài thơ với những lời lẽ chân tình,
giản dị, là những tiếng lòng tỏa ra những âm vang huyền diệu, những nỗi niềm tha
thiết dễ làm rung động người đọc, vì đó là nhừng lời lẽ phát xuất tự một con tim
chân thật, bộc trực của một người con rất có hiếu, nhà tuy nghèo nhưng đã được
Mẹ, hy sinh, tần tảo, dãi dầu nắng sương , chăm lo, nuôi nấng cho đến khi thành
tài, dù rất muộn màng mãi đến năm 50 tuổi, cái tuổi tri thiên mệnh mới được bổ
làm quan. Khi được làm quan , ông đã nghĩ ngay đến Mẹ già ở quê và vội vàng đón
Mẹ về chung sống với ông. Tác giả đã sáng tác bài thơ "Du Tử Ngâm" khi đón Mẹ
lên Lật Dương (Nghênh Mẫu Lật Dương tác, như lời chú giải của ông). Bài thơ có
nội dung ngắn gọn, nhưng mỗi từ ngữ trong thơ rất dạt dào, súc tích, tạo một sự
truyền cảm mãnh liệt đến người đọc. Chỉ nhìn những công việc nho nhỏ thôi, những
sợi chỉ trên tay của bà mẹ già, những giây phút thầm lặng, cúi đầu chăm chú từng
đường kim, múi chỉ để, may, khâu, vá áo cho con, chờ ngày con lên đường đi xa.
Qua bao dặm trường ngăn cách, trắc trở, qua bao cạm bẫy nguy hiểm của đường đời, Mẹ biết bao giờ con trở lại? Đợi ngày vinh qui bái tổ quá xa vời vợi trong trí tưởng của người Mẹ. Cái gì để gửi gắm cho con? Tấm áo khoác trên mình con trên khắp nẻo đường lãng du, dù ở một bến bờ nào đều mang tâm tình ấp ủ, khăng khít của lòng Mẹ. Lòng Mẹ thương con như sông rộng, biển đầy, mênh mang, bát ngát. Nước mắt chảy xuôi, có bao giờ chảy ngược? và người con có đền đáp lại được gì mà người Mẹ đã cho ? Cái tâm tình nầy đã trải rộng trong hai câu thơ kết:
"Thùy ngôn thốn thảo tâm
Báo đắc tam xuân huy?"
Ai có thể nói rằng tấc lòng của cỏ non đền đáp được ánh sáng của ba tháng mùa
Xuân nắng ấm? Đứa con là "tấc lòng của cỏ", còn Mẹ hiền là "nắng ấm của ba tháng
mùa xuân" khi mà những tia nắng đầu tiên xuyên qua kẽ lá, đã phả hơi ấm, làm đâm
chồi nẩy lộc những cọng cỏ co ro, ủ rũ, tàn héo, nằm rạp mình trong những ngày
đông lạnh lẽo, u ám. Cỏ cũng như những cánh én không tạo dựng một mùa xuân,
không đem lại nắng ấm mùa Xuân, nhưng chính những tia nắng ấm đó từ lòng Mẹ đã
làm cỏ thắm tươi, xanh ngát để hãnh diện khoe màu cùng vũ trụ. Chính Lòng Mẹ đã
hy sinh cho con, muốn cho con nên người, công thành danh toại hầu nở mày nở mặt
với thiên hạ.
Bài thơ Du Tử Ngâm đúng là một tuyệt tác diễn tả được lòng mẹ bao la, đã xuất phát tự con tim, đáy lòng như sự nhận xét của Tô-Thức "Thi tùng phế phủ xuất, xuất thiếp sầu phế phủ" (bài thơ xuất phát từ ruột gan, tâm can mà ra, và đã làm gan ruột phải bồi hồi xao xuyến).
Những điệp tự như "mật mật phùng " (mật = dầy, nhặt, gần, khít / phùng =may) đã đối lại với "trì trì quy" (trì = chậm, trễ, muộn, lâu / quy =về) tạo nên những giai điệu rất hài hoà, âm thanh tình mật thiết quyện vào nhau, đã diễn tả được những gì khăng khít nhất, những khắc khoải lo lắng bồi hồi của người mẹ, sợ con đi xa lâu trở về, trên bước đường viễn du không một bàn tay săn sóc, Mẹ chỉ mong sao cho manh áo được dầy, kín, để đủ sưởi ấm thân con trẻ trên bước đường tha phương lưu lạc.
Bài thơ với từ ngữ mộc mạc, giản dị, nhưng đã diễn đạt được cái tận cùng của một bản sắc dân tộc, một cội nguồn của nhân bản: Tình Mẹ, của một đời dầm mưa dãi nắng, của những chuỗi ngày triền miên, cay đắng, chịu đựng, và đợi chờ, khi những đứa con của Mẹ, phải làm "du tử" ra đi thời chinh chiến..., không hẹn ngày trở về ...
"Mẹ buồn thắp lửa hư vô,
Năm canh khắc khoải sững sờ đợi con"
để mà
"Đêm đêm trên cánh đồng khô,
Đôi tay vô vọng mẹ quờ trăng mơ" (Mẹ Trầm Luân , Thơ Hải Đà)
Hai câu cuối của bài thơ "Du Tử Ngâm" đã đi vào văn học Trung Quốc, đã tạo ra những thành ngữ trong tự điển Hán-Học như:
"Thốn thảo tâm"= tấc lòng nhỏ ví như tấc cỏ, lòng con hiếu thảo với cha mẹ
"Thốn thảo tâm bi" = tấc lòng của con thương cha mẹ
"Thốn thảo xuân huy" = Tấc cỏ và ánh sáng mùa xuân. Xin đem tấm lòng của con ví như một tấc cỏ mà báo đáp công ơn cha mẹ ví như ánh hồng của ba tháng mùa xuân.
"Xuân Huyên" = công cha nghĩa mẹ như trong Truyện Kiều của Nguyễn Du:
"Thẫn thờ lúc tỉnh lúc mê,
Máu theo nước mắt hồn lìa chiêm bao.
Xuân huyên lo sợ xiết bao,
Quá ra khi đến thế nào mà hay ! "
hoặc :
"Xuân huyên nhớ thuở đời tàn
Mẹ ta dầu dãi tảo tần nuôi con
Cha già cải tạo đầu non,
Giao thừa mắt mẹ lệ mòn phương nao"
(Nhắn Hỏi Xuân Đài, thơ Hải Đà)
Chuyện Kiều đã đề cập đến chữ Hiếu rất nhiều, hiếu thảo với cha mẹ là việc con
cái luôn mong ước được báo đền :
"Duyên hội ngộ, đức cù lao,
Bên tình bên hiếu , bên nào nặng hơn?
Để lời thệ hải minh sơn,
Làm con trước phải đền ơn sinh thành".
Nguyễn Du cũng đã mượn hai câu thơ cuối của bài Du Tử Ngâm để diễn tả nỗi lòng
tha thiết muốn báo hiếu cha mẹ, đền ơn sinh thành của người hiếu nữ Thúy Kiều dù
phải chịu đựng bao nhục nhằn đau khổ:
Đau lòng tử biệt sinh ly,
Thân còn chẳng tiếc, tiếc gì đến duyên!
Hạt mưa sá nghĩ phận hèn,
Liều đem tấc cỏ quyết đền ba xuân.
CHIẾC ÁO và TÌNH MẸ TRONG THI-CA VIỆT-NAM
Nghĩ đến chiếc áo do chính bàn tay mẹ may, chắc chắn bạn sẽ thích thú những câu thơ sau đây, tuy bình dị, giản đơn, không cao xa cầu kỳ, nhưng "trong mắt con Mẹ là tất cả", và còn là hình tượng của những chắt chiu, nhân hậu, chân thành, là những cảm xúc thân quen nhất, là những nét đẹp vĩnh hằng, của một trái tim đã rung lên muôn ngàn cung bậc, giữa khung đời xao động, trong khu vườn thơ ấu hồn nhiên và vô tư thuở nào. Hãy nghe những lời bộc bạch chân tình gửi gắm của đứa con lưu lạc xứ người:
Ngày xưa u mọi tối ngày
Làm rách cái áo, mẹ may cả tuần
Mẹ chong đèn vá, rưng rưng:
Trặc tay hay có bầm sưng chỗ nào?"
(MẸ, trong thi phẩm Mời Em Lên Ngựa của nhà thơ Luân Hoán)
Hãy mường tượng hình ảnh của "Mẹ Thường Hằng" giữa đêm dài hiu hắt, bên ngọn đèn khuya vàng vọt leo lắt, ngoài khung cửa là những cành cây khô xương xẩu, trơ trụi lá, bóng đêm bao trùm, khung trời lạnh lẽo ảm đạm, sụt sùi những hạt mưa ngâu tháng bảy.... Đó là hình ảnh của nụ hoa ân tình, của hương thơm từ lượng, của ánh sáng bao dung, của biểu tượng chân tâm và thực tánh:
Ngọn đèn dầu trên chiếc máy may cũ
Má còng lưng xem đường chỉ mũi kim
Ngoài trời khuya nghe thằn lằn chắt lưỡi
Bóng má trên vách như bóng bà tiên!
(Mừng Tuổi Má Bảy Mươi, thi-nhạc-phẩm Mẹ Thường Hằng của nhà nhơ Nghiêu Minh)
Cũng bàn về Chiếc Áo do chính bàn tay Mẹ may, khâu, vá, làm tôi chợt nhớ đến bài
thơ ÁO CŨ của cố thi sĩ Lưu Quang Vũ (Lưu Quang Vũ là người bạn đời của cố nữ-sĩ
Xuân Quỳnh, nổi tiếng với bài thơ phổ nhạc"Thuyền và Biển)
Bài Thơ ÁO CŨ (làm năm 15 tuổi -1963)
Bài Thơ ÁO CŨ (làm năm 15 tuổi -1963)
Áo cũ rồi, mỗi ngày thêm ngắn
Chỉ đứt sờn màu bạc hai vai
Thương áo cũ như là thương ký ức
Đựng trong hồn cho mắt phải cay cay
Mẹ vá áo mới biết con chóng lớn
Mẹ không còn nhìn rõ chỉ để xâu kim
Áo con có đường khâu tay mẹ vá
Thương mẹ nhiều con càng yêu áo thêm
Áo đã ở với con qua mùa qua tháng
Cũ rồi con vẫn quý vẫn thương
Con chẳng nỡ mỗi lần thay áo mới
Áo dài hơn thấy mẹ cũng già hơn
Hãy biết thương lấy những manh áo cũ
Để càng thương lấy mẹ của ta
Hãy biết thương những gì đã cùng ta sống
Những gì trong năm tháng trôi qua....."
(thơ Lưu-Quang-Vũ)
Và nữ-sĩ Xuân Quỳnh đã xúc cảm với tình Mẹ Con bao la của Quang Vũ , thổn thức
nói lên lòng mình:
"Phải đâu Mẹ của riêng anh
Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi
Mẹ tuy không đẻ không nuôi
Mà em ơn Mẹ suốt đời chưa xong "
Nói về "huyền thoại" của Tình Mẹ, đã có quá nhiều ngôn từ để diễn tả, và thật là
đơn sơ, giản dị, bóng Mẹ đã khởi đầu từ ánh lửa than hồng, bếp củi khi một ngày
chạng vạng mặt trời chưa tỉnh giấc; bóng Mẹ là những buổi trưa hè buồn ru tiếng
võng; Mẹ ru biển, ru sông, ru núi, ru trời, ru con chập chửng vào đời. Bóng Mẹ
là những đêm dài oi bức, vò võ năm canh thức đủ năm canh, là "miệng ru mắt nhỏ
hai hàng, nuôi con khôn lớn mẹ càng thêm lo". Mẹ là trái tim diệu ảo, ngọt ngào
như ngọn lúa say, mênh mang chiều ru tiếng sáo, chân tình như cỏ như cây :
Mẹ tôi tóc trắng bạc phơ
Chiều chiều tựa cửa đón chờ tin con
Bao năm lòng mẹ héo hon
Thương con vất vả, long đong tháng ngày"
(Lời Ru Của Mẹ, Thơ Vũ Hối)
Mẹ thân cò
lặn lội nắng mưa, gánh nặng vai gầy sương gió, lưng còng lam lũ nhọc nhằn. Mẹ là
bóng tre già phủ mái đầu xanh, là bàn tay xoa dịu những hôm trái gió trở trời,
là trái tim chan chứa tình người, hy sinh, chịu đựng, một món quà cho đi mà
chẳng bao giờ đòi lại. Món quà vô giá đó chính là chiếc áo "Du tử thân thượng y"
của Mẹ cho con những ngày dãi nắng, dầm mưa, những đêm đi gió về sương.... Và
trong những đường kim múi chỉ đó đã xen kẻ những khắc khoải, bồn chồn, ăn ngủ
không yên, phấp phỏm đợi chờ tin con ở nơi đèo heo hút gió, chốn biên thùy rừng
sâu nước độc, để bảo vệ quê hương muôn vàn yêu dấu:
Đây chiếc áo năm canh mẹ thức
Múi đan dầy ... ấm ngực con thơ
Đêm đêm giấc ngủ vật vờ
Con ơi Mẹ sợ đến giờ ....con đi
...Con ra đi, hề, mẹ nhớ mong
Con thành công, hề, lòng mẹ vui
Rừng phong lá rụng cát vùi
Núi xương lửa bốc con ngồi sao đang?
Mẹ tiễn con đi một dặm đàng
Không mong con đạt cảnh giầu sang
Công tâm con giữ khi hành sự
Mới tránh cho đời đổ máu xương
..... Con ra đi, hề, mẹ nhớ thương
Con thương Mẹ, hề, con buông cương
Anh hùng vó ngựa thênh thang
Dù khi chiếu đất màn sương cũng cười
Tiễn con rót chén ly bôi
Uống đi, nhớ Mẹ, nhớ lời sắt son...
(Lời Mẹ Hiền, thơ Thanh Phượng, trong thi-phẩm Vương Tơ)
Hình ảnh của người Mẹ Việt Nam chịu đựng trong cuộc chiến tranh tương tàn chẳng
có một ngôn từ nào để diễn tả đúng mức cái bứt rứt quằn quại the thắt nội tâm,
cái đau đớn thống khổ đè nén tâm linh, trong cảnh khói lửa triền miên ly loạn,
giữa tang thương đổ nát điêu tàn, những ngày tháng thê lương hoang vắng ảm đạm,
khi những người con du tử của Mẹ ra đi bảo vệ giải giang sơn gấm vóc, có thể là
những cánh chim bạt gió bay đi không hẹn ngày về.... Hình ảnh gươm dao xô xát,
súng nổ bom rền, chốn biên cương trắc trở, nơi trận mạc điên cuồng, đã hình tạo
những dòng suối lệ chua chát, ngậm ngùi vẫn chảy hoài chảy mãi trong đôi mắt Mẹ
hiền.
"Mẹ như ánh mắt trăng rằm,
Lệ từ bi chảy trăm năm chẳng mòn..."
Cuộc chiến đó đã trĩu nặng trên đôi vai cơ cầu của Mẹ, đã khắc nhiều vết hằn
thâm sâu trên trán Mẹ, và Mẹ phải chua xót, đau đớn nhìn hình ảnh những đứa con
Mẹ sau cuộc chiến:
"Con què, con quặt, con mù.
Con gông, con xích, con tù mục xương.
Con câm, con điếc bên đàng.
Con thân trâu ngựa, con tàn ma trơi "
và không phải chỉ những đứa con của Mẹ thôi đâu và còn là hình ảnh của những
người Cha thương tâm của con Mẹ nữa. Chúng ta hãy chiêm vọng bóng hình một người
mẹ cô phụ ngồi đan áo sau cuộc chiến:
Ngày đông mang gió lạnh về
Mẹ ngồi đan áo bên hè lá rơi
Ngày đông chất ngất mây trời
Mẹ ra gom lá cho mồi lửa lên
Ngày đông mưa nhỏ hàng hiên
Mẹ mang thùng hứng cho quên nỗi sầu
Mẹ làm mọi việc - cha đâu?
-Cha con tù ngục rừng sâu mịt mù!
(Ngày Đông, thơ Hoàng Minh Hùng)
Và chẳng có gì đổi được Tình Mẹ bao la trăm suối nghìn sông, dầu chỉ là một nụ
cười nho nhỏ, mộc mạc, đơn sơ trên môi Mẹ hiền, như một nhà thơ đã hoài vọng
thiết tha:
Nhắc chiếc phone lên bỗng lặng người
Giọng buồn hơn cả tiếng mưa rơi
Ví mà tôi đổi thời gian được
Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười....
(Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười Thơ Trần Trung Đạo)
và trong bầu trời thiên thu đó là những cay đắng, nghiệt ngã trải dài oằn lưng
Mẹ, là những khô héo trên đôi tay gầy guộc, những vết nhăn trên trán giữa chợ
đời gió bụi, những tàn phai ghi dấu thời gian chịu đựng trên mái đầu phơ phơ
bạc, những vết hằn nhẫn nhục trên gò má nhăn nheo, trầu nhai móm mém ....ù ơ
võng đời....Trong phồn hoa sôi động, Mẹ như lời kinh khuya giữa dòng đời u muội,
"Hồn Mẹ lúa trổ bông,
Mái tranh đồng xanh biếc,
Trúc họa tình phương Đông.
Lòng Mẹ sân thóc rộng,
Khói lam chiều tỏa hương,
Sáo diều vương sáo trúc,
Chim hót cội cương thường."
Mẹ là dáng dấp của Quê Hương nghìn trùng yêu dấu, là mãnh đất màu mỡ cho hạt
Nhân gieo vãi và nẩy mầm xanh bác ái, là những chứa chan ký ức rưng rưng gọi
về....
Buổi chiều gió thổi qua vườn mía
Mẹ đứng sau nhà, mắt đỏ hoe
Gió đuổi chạy dài trên sóng lá
Dòng đời nặng nghiến cuối hàng tre
Đã biết bao người không trở lại
Nên vườn mía ấy lắm bi thương
Đêm đêm trăng giải trên hàng mía
Nhạc dế ru buồn lạt tiếng sương...
(thơ Giang-Hữu-Tuyên Vườn Mía trong thi-phẩm Trời Mưa Đi Phát Báo)
Mẹ là bóng mát của dòng sông trí tưởng ngọt ngào và êm ái. Bơi lợi giữa dòng
sông sữa Mẹ đó, trong sóng nước bập bềnh của quê nghèo, là những kỷ niệm thơ ấu
vàng như mơ, sẽ trở nên chua xót và nghẹn ngào, chẳng bao giờ phai nhòa trong
ký-ức của một người con mất Mẹ
Gió gào và gió lặng thinh
Chia cùng con Mẹ trong im lặng này
Áo con mảnh vá còn đây
Còn mang hơi ấm bàn tay Mẹ luồn
....................................................
Vọng về như tiếng thì thào
Cố quên mà vẫn nao nao trong lòng
Đưa Mẹ con đưa trên sông
Thuyền trôi mấy dặm tới dòng chia ly
Quan tài áp má con tì
Tìm hơi hướng Mẹ - Mẹ đi sao đành
Trời xanh vẫn một màu xanh
Sông kia cũng xót chòng chành thuyền trao"
(thơ Trần-Thanh-Quang "Đưa Mẹ Qua Sông")
Khi Mẹ đã vĩnh viễn từ bỏ cái cuộc đời ô trọc, giả tạm, phù phiếm nầy để đi về cõi hư vô, vào một thế giới khác không còn hận thù, oán ghét, giả dối chia rẽ, và đố kỵ, gia tài Mẹ để lại cho con không là của cải ngọc ngà châu báu ngàn cân, không là những danh cao tước trọng bổng lộc tràn đầy, mà Mẹ đã để lại cho con một món quà cao quí: đó là một bông hoa từ ái, một tấm lòng vô ngã, một tâm hồn vị tha, một tình thương yêu dân tộc và quê hương nồng nàn, thắm thiết. Món quà đó là hành trang theo chân những người con tha-phương ở khắp chân trời góc bể.
"Khi xưa Mẹ dặn con rằng,
Quê người tráng lệ đâu bằng quê con,
Con đi mắt mẹ mỏi mòn,
Trông con chim nhỏ có còn nhớ Quê ? "
Hãy nghe một người con "du tử " nơi đất khách hoài vọng hình ảnh của bà mẹ già thân thương một thuở nào :
Quạnh vắng giờ đây bên bờ đất khách
Con lạnh lùng nhìn trăng sáng Tầm dương
Con xót xa sao đất trời cô tịch
Cõi lòng con che dấu suốt mùa đông
Hai mươi năm tròn chưa thăm mồ Mẹ
Lời trăn trối còn văng vẳng bên tai
Cỏ úa màu ướp thơm mùi Áo Mẹ
Nỗi vong niên con điên đảo cơn say....
(Tâm Tình Với Me của Trang-Thúy-Quỳnh )
DU TỬ NGÂM VỚI những dịch giả muôn phương
1- Bản dịch của Lương Thúc Ký :
Mảnh áo thân con trẻ
Đường kim tay mẹ già
Con đi mẹ may kỹ
Kẻo nữa lâu về nhà
Tấc cỏ dưới bóng xuân
Báo đáp đâu đặng mà
2-Bản dịch của Lê Nguyễn Lưu:
Áo ấy thân con mặc
Chỉ này tay mẹ khâu
Con đi mẹ nhíp kỹ
Mẹ sợ con về lâu....
Ai rằng lòng tấc cỏ
Đền được ánh xuân đâu !
3-Bản dịch của Khương Hữu Dụng:
Sợi chỉ trên tay mẹ
Tấm áo trên mình con
Kịp đi khâu nhặt mũi
Sợ về còn chậm chân
Ai bảo lòng tấc cỏ
Báo được ánh ba xuân ?
4-Bản dịch của Trần Trọng San:
Mẹ hiền sợi chỉ cầm tay
Khâu lên tấm áo trước ngày con đi
Đường kim khăng khít chinh y
Sợ con chậm trễ không về lại ngay
Ai rằng tấc cỏ lòng này
Mà đền đáp nỗi ánh trời ba xuân?
5-Bản dịch của Trần Trọng Kim
Mẹ từ sợi chỉ trong tay
Trên mình du tử áo may vội vàng
Sắp đi mũi chỉ kỹ càng
Sợ con đi đó nhỡ nhàng trễ lâu
Chút lòng tấc cỏ dễ đâu
Bóng ba xuân đáp ơn sâu cho người
6- Bản dịch của Vương Hồ
Trên tay sợi chỉ mẹ cầm
Thương con áo mỏng âm thầm mẹ may
Đường kim ấp ủ thân nầy
Đi lâu chắc Mẹ quắt quay tháng ngày
Lòng son tấc cỏ có hay
Nắng ba xuân đủ đong đầy ơn sâu?
7-Bản dịch của Đinh Vũ Ngọc:
Mẹ hiền sợi chỉ trên tay
Khâu vào thân áo con ngày ra đi
Chỉ khâu cẩn thận từng li
Ý chừng mẹ sợ con đi quên về
Tấm lòng một tấc cỏ quê
Ánh ba xuân ấy dễ chi báo đền
8- Bản dịch anh ngữ của Jennifer Hsu:
Song of a Roamer
The threads in the hand of a loving mother
The clothes for her son going on a long journey
Tightly stitched before he takes his leave
For fear that he would be late in coming home
How could the heart of a blade of grass ever repay
The warmth that the sun imparts to it in the spring?
8- Bản phỏng dịch anh ngữ:
A Roamer's Song
My benevolent mother
With thread and needle in hand
Mends the garment I have on,
Ere I leave my native land.
More stiches, ere I take leave
To hold the seams firm and fast
As itinerant worker,
To come home I 'd be the last
With what can I repay Ma?
Whatever others may say,
For what she has done for me,
Her, I can never repay!
THAY LỜI KẾT LUẬN:
Trên thế gian nầy có nhiều kỳ quan nhưng trái tim của Mẹ mới thật là đệ nhất kỳ quan. Vì trái tim của Mẹ là một thứ kỳ quan sống động linh hoạt. Trong khi các kỳ quan khác đều chết đứng bất động. Đối với kỳ quan nầy chúng ta không cần phải phí công tốn của để tìm kiếm quan chiêm, vì chính kỳ quan tuyệt bích ấy đã ở trong ta từ lúc mới tượng hình, và theo năm tháng kỳ quan nầy lại càng trở nên kỳ ảo, vĩ đại, vô tiền khoáng hậu. (Tình Mẹ của HT Thích-Hộ-Giác)
Và trái tim Mẹ bao dung nhân hậu đó chỉ có bốn ngăn thôi, và bốn ngăn đó là bốn mùa hiu hiu gió, man mác lời mẹ ru con ngủ, thoang thoảng hương thơm của bốn loài thụy thảo: mai, lan, trúc, cúc; là bốn phương trời đau đáu ánh mắt mẹ hiền dõi trông bước chân phiêu bạt của người con du-tử. Bốn ngăn tim đó chứa đầy bốn thể tánh vô- ượng của đất trời : Từ, Bi, Hỉ, Xả. Mẹ phải là một kỳ-quan vô-giá, kỳ-diệu nhất trong vũ-trụ vô thường và hữu hạn nầy...
Thôi hết rồi kỳ quan tuyệt vời nhất
Nơi viễn phương màu nắng cũng hoang sơ
Thành phố buồn từ khi xa vắng Mẹ
Trong lòng con hiu hắt cả trời thơ "
(Thơ Thái-Tú-Hạp "Thành Phố Buồn Từ Khi Xa Vắng Mẹ")
HẢI ĐÀ – VƯƠNG NGỌC LONG
Thơ Phổ Nhạc: Du Tử Ngâm
Thơ phóng tác: Vương Ngọc Long
(Du Tử Ngâm - Mạnh Giao)
Nhạc: Mai Đức Vinh
Đây chiếc áo năm canh dài Mẹ thức
Ngọn đèn khuya hiu hắt suốt đêm trường
Tay gầy guộc, run run luồn kim chỉ
Áo bạc màu nhưng đậm nghĩa yêu thương
Chiếc áo cũ theo đời con phiêu bạt
Trên bước đường giữa mưa nắng vô thường
Từng mũi vá nâng niu lời ru Mẹ
Những đường khâu khe khẽ tiếng yêu thương
Chốn tha phương mà lòng con lệ ứa
Mẹ quê nhà thui thủi giữa đêm sương
Mắt Mẹ đó lung linh ngàn tia sáng
Con lưu vong Mẹ dẫn dắt soi đường
Đây chiếc áo chắt chiu từng sợi chỉ
Múi đan dầy cho ấm ngực đêm đông
Tóc bạc trắng tháng năm chờ mòn mỏi
Con ra đi, con đi, mẹ nhớ mong
Mẹ là đó, là trái tim nhân ái
Đầy hy sinh nhẫn nhục chẳng ngại ngần
Lòng con đây thấm dâng từng tấc cỏ
Biết bao giờ đền đáp nắng ba xuân ?
No comments:
Post a Comment