*
Hùng Cường Và Nhạc Sến
Nhiều người cho rằng nhạc lính "sến", không "sang" chút nào cả . Nhưng sang gì nổi, văn hoa gì nổi khi mà đối tượng của nhạc lính là lính, thân nhân của lính và những người yêu lính . Khi chiến tranh ở mức độ khủng khiếp nhất vào cuối thập niên 60, miền Nam có đến hơn một triệu người lính trong khi dân số chỉ trên dưới 20 triệu người . Nếu kể thân nhân và những người yêu lính thì đối tượng của nhạc lính phải đến mấy triệu người .
Dân trí của người Việt chúng ta lúc đó còn thấp kém lắm. Nhiều người không biết đọc, biết viết, trong đó có bà nội của BN. Đầu thập niên 60, cả miền Nam chỉ có một trường đại học.
Cũng như những nghệ sĩ khác, nhạc sĩ có biệt tài diễn đạt. Họ rung cảm trước nhiều sự việc. Họ còn hơn chúng ta ở chỗ thấy được cái đẹp trong mọi sự kể cả sự đau khổ, ruồng bỏ, bạc bẽo . . .
Cho nên họ đóng vai sứ giả của cuộc đời. Họ nói giùm ta những cảm giác hân hoan, hạnh phúc, chán chường, tuyệt vọng trong cuộc sống. Mà đã nói giùm đối tượng hay nói với đối tượng thì cũng phải để ý đến trình độ, dân trí của đối tượng. Nhạc lính không "sang" là vì thế . . .
Mà cần gì phải "sang" nhỉ . Sự hy sinh, đau đớn, chia lìa, mất mát mà người thấp cổ bé miệng, chân lấm tay bùn, những người nghèo, những người dân bình thường phải chịu đựng và vui vẻ chấp nhận trong một xã hội chiến tranh là một thiên hùng ca của dân tộc, một gia tài đồ sộ không tiền rừng bạc biển nào có thể tạo được. Nếu vậy thì phải nói là "giàu" mới đúng.
Thôi để BN kể cho các bạn nghe chuyện cố nghệ sĩ Hùng Cường nhé!
Hùng Cường đa tài lắm. Ông là một nghệ sĩ vọng cổ, điện ảnh, nhạc sĩ và đương nhiên là ca sĩ tân nhạc nữa!
Ông xuất hiện trong làng ca nhạc từ năm 1955. Trong thời gian đầu ông chỉ hát nhạc êm dịu và được giới yêu nhạc biết đến qua những bài như "Về Thăm Xứ Lạnh" (do chính ông sáng tác), "Người Nghệ Sĩ Mù" (Hoàng Thi Thơ), "Mấy Dặm Sơn Khê" (Nguyễn văn Ðông) .
Đầu thập niên 60, ông nhảy sang lãnh vực cải lương vì tân nhạc không đủ nuôi sống ông. Ông tập hát vọng cổ rồi đầu quân cho gánh cải lương nhỏ Ngọc Kiều. Chính ở lãnh vực mới này, tên tuổi ông mới đi sâu vào quần chúng. Giữa thập niên 60, tên tuổi ông sáng chói trên sân khấu của đoàn cải lương Kim Chưởng rồi Dạ Lý Hương. Người ta thường cặp đôi ông với cải lương chi bảo Bạch Tuyết.
Ông vẫn không bỏ tân nhạc và đã đi vào lòng dân tộc qua bài "Ông Lái Ðò" (Hiếu Nghĩa) và "Khúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp" (Nguyễn văn Ðông) .
Rồi ông xoay qua ngành điện ảnh. Ông đóng vai chính bên cạnh những ngôi sao sáng như Kim Cương (phim "Bạch Viên Tôn Các"), Kim Vui (phim "Chân Trời Tím"), Thiên Trang (phim "Điệu Ru Nước Mắt"), Thanh Nga (phim "Nắng Chiều", "Mãnh Lực Kim Tiền") .
Cuối thập niên 60 ông bắt đầu hát kích động nhạc chung với Mai Lệ Huyền và một lần nữa ông được dân chúng hưởng ứng nồng nhiệt. Có lần một ký giả nọ cắc cớ hỏi ông, đại khái như sau:
"Anh có giọng ca hay thiệt, sao lại đi hát toàn nhạc sến (thương mại) cho uổng phí đi ?!".
Hùng Cường không hề bị quê, đáp lại:
"Nếu giới trí thức đã có những ca sĩ như chị Thái Thanh, sinh viên có những người như chị Khánh Ly thì giới bình dân cũng phải có những người như Cường hát cho họ nghe chứ !".
Chàng ký giả nín thinh không dám hỏi tiếp.
BN có một cô bạn ăn diện sang lắm. Cô có dáng quý phái, trưởng giả nên chỉ có những y phục đắt tiền mới xứng đáng để khoác lên người cô Có lần BN hỏi: "Ăn diện sang như vậy chắc hồi mới đến khó chịu lắm phải không?"
Cô trả lời:
"Đâu có gì đâu . Hồi đó không có tiền thì mình xài đồbán xon, đồ rẻ tiền . Bây giờ đi làm có tiền thì xài sang hơn một chút . Vậy chớ em thương mấy tiệm bán đồ rẻ tiền lắm, đi shopping lần nào em cũng xem tiệm có còn không hay là ế khách nghèo đóng cửa mất tiêu rồi . Nếu hồi đó không có mấy tiệm này thì làm sao em có áo quần để che thân".
Bài hát "Mùa Sầu Riêng" nói về mối tình bạn giữa hai người con trai nhưng cả hai đều vào lính và . . . nằm chung chăn (một điều mà xã hội Tây Phương không tưởng tượng và chấp nhận được và cho là . . . đồng tính luyến ái) . Nhưng . . . đó là những gì rất thật, rất đơn sơ giữa những người không địa vị , không được may mắn học đến nơi đến chốn.
Họ chỉ biết vậy thôi . . . họ chỉ có tấm lòng . Nhiều khi cũng vì những lời lẻ đơn sơ không trau chuốt, không cầu kỳ mà những mối tình rất thật này và . . . nhạc lính bị cho là . . . "sến".
Thôi cũng được đi . Ta cứ "cười" cái "sến", cái mộc mạc của họ nhưng . . . ta không thể cười nét chất phác và thành thật của họ. Ngay cả Thượng Đế cũng không khi dễ sự chân thành, nghĩ thật, nói thật của con người.
Nói cho đúng hơn ta phải tôn trọng sự chân thật này của những người chấp nhận hy sinh, thua thiệt . . . trong khi một số người khác "vinh thân phì gia", ngất ngưỡng trong xa hoa, văn minh, phù phiếm ở thành thị mà sự an ninh của họ trong chiến tranh đã được bảo đảm bởi những người thấp cổ bé miệng mà đôi khi chúng ta lỡ lời gán cho chữ "sến" .
Xin cám ơn những người lính mộc mạc, phải bỏ dở dang việc học vào lính . . . để mạng sống và tương lai chúng em, chúng cháu, chúng con được bảo đảm . Có nhiều chú, nhiều anh ra đi không bao giờ trở lại, khi chết sử xanh ghi lại "Hạ sĩ X đã hy sinh tại . . . , binh nhì Y đã đền nợ nước . . .".
http://vantuyen.net/?view=story&subjectid=4526
*
No comments:
Post a Comment