Tuesday, March 23, 2010

TRẦN KHẢI THANH THỦY * TRUYỆN NGẮN

*

Tâm sự của chiếc ghế

Trần Khải Thanh Thủy

Tôi sinh ra vốn chỉ là thứ gỗ bình thường, do một bàn tay bình thường tạo nên như biết bao bạn bè cùng lứa khác. Trong thời quan liêu bao cấp, tôi đứng khiêm tốn, vững vàng trên bốn chiếc chân mảnh khảnh của mình. Mọi người thường gọi tôi là ghế tựa... Chuyển sang hạch toán kinh tế- tôi thay đổi cả về hình dáng lẫn chất lượng và trở thành lùn tịt như chính ông chủ của mình. Tên của tôi lúc này là sa lông.
Dù là gỗ gì - dổi, de, lát hay kiểu ngồi, kiểu tựa - sự hấp dẫn của tôi với loài người bao đời không hề suy giảm. Nhiều kẻ tìm đến tôi phải đi hết gần cả cuộc đời, một số ít kẻ may mắn, cơ hội hơn phải trả giá bằng sự tranh chấp, luồn cúi hoặc đấu đá sứt đầu, mẻ trán... Phần đông trong số họ. Cả trẻ, già, nghiêm túc cũng như cơ hội đều bị coi là "hiện tượng nhầm ghế", tuy thế khi bị phế truất, phải bỏ tôi mà đi còn tỏ ra ấm ức, nuối tiếc hậm hực, thậm chí còn căm giận tôi chán. Vì có số đặc biệt - không chỉ đơn thuần là... có giá trị sử dụng như những bạn bè cùng lứa, xấu số khác - tôi khó lòng tìm ra được ông chủ xứng đáng cho mình... điều này tôi nhận biết nhiều lần qua những cái nhún vai, lắc đầu, tròn xoe mắt ngạc nhiên của hầu hết cánh phóng viên nhà báo. Những người được coi là... tai, mắt của nhân dân.


Ông chủ đầu tiên của tôi - thường được gọi là "ngài đáng kính", gáy rất phẳng, bụng rất phệ, da dẻ nhờn nhợt màu... mỡ, còn các mạnh máu đỏ hồng màu bia. Thân thể ông lùn tịt và xoè rộng như chiếc ô sặc sỡ, nhớp nháp.
Cả ngày ông chỉ kịp ngó đến tôi có một lần vào lúc lái xe đến đón tại nhà và phịch đít đến tận cửa phòng thả ông xuống... Ngay sau đó ông lại tất bật ra đi... có trời mà hiểu ông đi những đâu, làm những gì mà đi khoẻ thế... khi ông trở về với tôi, người mệt phờ, mặt nhờn mỡ, đẫn đờ sau những cuộc truy hoan, rượu chè chúc tụng... Nhờ hạ thấp bốn chân, giá trị sử dụng của tôi đã được tăng lên đáng kể, song trong tôi vẫn canh cánh một nỗi lo... không đủ sức ôm gọn ông vào lòng - bởi cái bụng ông vốn đã béo phệ lại càng... xệ thêm, đến nỗi mỗi lần qua cửa hoặc cần xin lửa châm thuốc lá hút, ông đều phải... vén bụng sang một bên.


Câu đầu tiên khi ngồi vào lòng tôi bao giờ cũng là một câu than thở, sau một cái chép miệng dài, và ngáp đến... sái quai hàm "Rõ chán cái anh Việt Nam, lạc hậu bỏ mẹ, hễ động đến cỗ bàn là giò chả ngập lên tận... mặt, sợ thiếu nó không thành cỗ chắc?... Mà ăn thì bã bã bỏ mẹ, làm sao ăn quanh năm, suốt tháng được"? Chỉ qua vài lời độc thoại ngắn ngủi, tôi hiểu tính ông chủ rất khảnh ăn, chỉ gẩy gẩy vài đũa cho phải phép, còn chủ yếu ông nốc bia lon, bia 33, bia tàu, bia... Mỹ, rượu Heiniken. Bà vợ, mỗi lần cãi nhau, hoặc ghen bóng gió, lại rít lên:
- Lấy tôi ấy à? Gái quê thật đấy nhưng là gia đình có truyền thống cách mạng, nòi... có thế mới được "lên ông", "lên bà", còn lấy nó ấy à? Rơi vào cái vũng lầy đầy bùn mềm mại tiểu tư sản thành thị, lại dấp dính mồ hôi dân lành như thế, có mà ăn cám, ăn cám suốt đời, không ngẩng mày ngẩng mặt lên với ai được đâu (!).


Thì ông gắt:
Ô hay, biết không thể làm "thằng" suốt đời, tôi mới dám rước bà. Vừa xấu người lại xấu nết, nhưng... bà tưởng làm "đầy tớ nhân dân" sung sướng lắm à?
- Lại còn không - bà quyết không buông tha "đầy tớ thì đi La đa, bố con ông chủ ra ga vẫy tàu, đầy tớ thì ở nhà lầu, bố con ông chủ dãi dầu nắng mưa".
- Thôi, thôi...
... Thường ông chỉ ở lại văn phòng cơ quan vào những ngày cực kỳ trọng đại - tiếp cấp trên, thanh tra chính phủ hoặc các nhà báo đến tìm, thoảng hoặc đôi khi ông rơi vào trạng thái cực kỳ nhàn hạ, không có khách đến mời, không người đến để tán dương... Những hôm ấy, ông quát nạt, ông đập bàn ghế, đòi cách chức, trừng phạt cấp dưới rồi gọi điện thoại tứ tung, hành hạ nó kỳ cho đến lúc phải kêu... ro ro lên mới thôi. Với cấp trên hẳn ông có thái độ đặc biệt khác, ông chìa tấm thẻ có ghi tên... nhũn, họ... chi chi ra cho họ biết mà rộng lòng đối xử.


Một vài nhà báo được coi là khách quen của ông. Tất nhiên trong cả thúng thóc nếp cũng có một vài hạt thóc tẻ, và mọt, sạn. Càng trong thời điểm gạo nước đắt đỏ, khó khăn lượng gạo tẻ và sâu sạn lẫn vào càng lớn. Những kẻ ấy củng cố uy quyền địa vị, tài năng đức độ của ông bằng cái lưỡi của họ, để sau đó nhận về những phong bì dày cộp. Họ trắng trợn trao nhau trước mặt tôi lại còn bắt chân, lắc tay ra vẻ thân quý lắm. Thật đúng là những cái vô lý dẫu chưa phá hỏng cuộc đời này thì vẫn ngang nhiên hớn hở, chẳng cần che giấu.


Vài anh không rõ vì lý do gì - chỉ dăm câu ba điều đã bị ông tống thẳng ra khỏi cửa... trước khi đi họ liếc xéo qua mặt tôi với thái độ nửa bất lực, nửa căm phẫn, nửa ngạc nhiên. Qua thái độ phức tạp ấy tôi hiểu điều họ muốn nói: Đất nước còn những "quan đồng chí" kiểu sâu mọt và dốt nát, quái thai như thế này thì chủ nghĩa xã hội khó lòng qua khỏi thời kỳ... quá độ này. Đành rằng mỗi khi phải nhờ thư ký viết báo cáo ông đều nhấn mạnh những hô ngữ: "Năm qua xí nghiệp ta... đã tiến thêm một bước đáng kể...” phải, với đầu óc thô lậu, kiểu... gỗ lát đặc như tôi thì một bước với những người dài cẳng, quần áo chỉnh tề như những cánh kỹ sư, phó tiến sỹ có thể được... mét mốt, mét hai còn với những người lùn tịt, vướng bụng, hoặc mặc quần đùi, mặc váy thì một bước là bao nhiêu phân?... Cả một năm nhà nước tiêu tốn hàng tỷ đồng vào xí nghiệp chỉ để tiến lên một bước... chung chung ngắn ngủn thế thôi ư?


Chủ tôi vào tù

Thật may, trời kia còn có mắt - thời hoàng kim của ông trên lưng tôi đã hết. Những túi nhỏ, bọc to không còn trâng tráo trao trước mặt tôi nữa - những con số ma, giấy tờ tẩm mùi bia bọt, thịt bò cũng lần lượt rơi vào “nền văn minh toilet” thông qua chính con đường trao đổi chất "vào ngang" và "ra dọc" của ông. Tiền công, quỹ cơ quan cũng bỏ ông tìm đến tận cửa công đường đòi sử kiện... ông ngã ngất vắt ngang qua người tôi - mặt mũi trắng bệch nhợt nhạt như chính lòng trắng mắt ông, khi giữa cuộc đại hội công nhân viên chức - người ta lôi ông ra đối chất, bê tôi ra tranh cãi... Một cuộc náo động, ầm ĩ hệt như cuộc bạo loạn của Trung Quốc trong những ngày "Cách mạng văn hoá". Quần chúng đập bàn la ó, kể tội ông, đòi bỏ tù ông, thậm chí đòi xử tử hình ông vì những tội - biển thủ công quỹ, cá đói tham mồi, coi thường quần chúng- căn bệnh mà số đông những kẻ có chức có quyền vẫn làm, và không thể tránh khỏi.


Chỉ có điều, phải tìm ra người thay thế, để có thể vãn hồi được hàng núi công việc của xí nghiệp, để tăng năng xuất lao động, nâng cao thu nhập của chính họ lên thì họ hoàn toàn cảm tính và mù mờ, điều này càng chứng tỏ một điều - sau một thời gian bưng tai, nhắm mắt, chung sống hoà bình với sức ì nội tại của bản thân thì ý thức căm thù và truyền thống đấu tranh giai cấp của họ... bùng lên dữ dội và kiên quyết lắm... Nhưng "bó đũa chọn cột cờ" làm sao được khi tất cả mọi chiếc trong bó đũa ấy đều được sinh ra từ những cây tre trong búi tre làng cằn cỗi giống nhau. Cây nào mập mạp, to khoẻ có sức vươn cao hoặc sức sống mãnh liệt đều bị đào bới, chặt hạ tận gốc khi còn là đọt măng để xáo nước trong rồi. Vả lại càng ngây thơ hơn khi cứ cố tình chọn "cột cờ" trong cả "bó đũa" mốc meo, mối mọt vì thời gian và năm tháng ấy. Chả thế qua bảy tám lần đại hội công nhân viên chức cũng là bảy tám lần của những ông quan "nhất thời". Tất nhiên trong số những người tự nguyện bỏ tôi mà đi cũng có vị làm tôi bùi ngùi cảm động, họ đến với tôi một cách cao thượng, khiêm nhường và khi ra đi cũng vẫn bằng thái độ đáng tôn trọng ấy. Họ tâm sự - sau khi bóp trán đến thành u, thành biếu về nỗi xấu hổ của mình khi hàng ngày phải nhìn vào mặt tôi, đương đầu với tôi và sự bất lực trước hàng ngàn, vạn cái dạ dày với dung tích trung bình 1.200cm3 của anh chị em. Phải rồi... chuyển sang hoạch toán "hai bầu vú mẹ" đã teo lại cạn kiệt, nhăn nhúm nguồn sữa "bao cấp" không còn, bản thân họ là nạn nhân của tư tưởng sơ đồ hoá, cào bằng, chủ nghĩa trung bình, luôn luôn phải giấu cái tôi vào trong cái chúng ta nên không tự trang bị đầy đủ tri thức về tất cả mọi mặt nghiệp vụ, chính trị, xã hội, kinh tế cũng như năng lực quản lý lãnh đạo. Điều này đã được anh phóng viên báo nọ chia xẻ với giọng đầy cảm thông: "Đã tới lúc cần phổ cập tri thức đến một mức nhất định nào đó rồi trao quyền lực vào tay các anh mới hy vọng mang lại quyền lợi đích thực cho quần chúng".
Hiện tại tôi vẫn là nạn nhân của một sự hôn phối lầm lẫn với những anh nhân tình quê mùa, dốt nát, thô kệch. Nhưng tôi tin năm năm, mười năm, hoặc lâu nhất năm hai ngàn không trăm... không bao lâu nữa, tôi sẽ tìm được ông chủ đích thực của mình để mà tôn thờ, sùng ái, phục vụ chủ hết lòng... dù có là mức tổng mức phó hay gì gì đi nữa.

Hà Nội đầu năm 1989
Trần Khải Thanh Thủy
*
*

No comments: