Saturday, March 6, 2010

THƠ NGUYỄN HOÀNG BẢO VIỆT



*


Ngàn dặm xa qua mấy đại dương

Lê Thị Công Nhân

Cảm thương em chỉ biết nói thầm
Chị lưu vong em giam ngục tối
Em chào đời sau bảy mươi lăm
Em tuyệt thực đối đầu tội ác

Em kiệt sức ngất xỉu một mình
Em là người trước vô tri giác
Em sống sót nguyện với lòng tin
Xe chở em chạy suốt trung châu

Hướng Tây Nam biên giới Việt Lào
Hỏa Lò áp giải về Thanh Hóa
Bụi đường Hà Nội khuất đằng sau
Tù tắm ngoài trời bên giếng nước

Giếng nước sâu như nỗi bất công
Trận rét ba mươi ngày chưa dứt
Giường xi măng gió độc núi rừng
Trăn trở mãi nhiều đêm không ngủ

Nhớ Minh Tâm em gái diễm kiều
Mẹ ru con vòng tay ấp ủ
Anh Đài chị Thủy bạn thân yêu
Ngàn dặm xa qua mấy đại dương
Nuôi giùm em ý chí can trường
Thả giùm em chim lồng cá chậu
Nói lên lời thân phận quê hương
Genève chiều đông nhớ em
Chị đốt giùm bếp lửa đoàn viên
Chị sưởi giùm tâm hồn trong trắng
Cho đầm lầy thơm ngát hương sen
Đôi khi mơ thấy con chim nhỏ
Hót cho em nơi chốn lưu đày
Cho bạn tù dân oan khốn khổ
Hoàng hôn tới ghé đậu trên vai
Vầng trăng trải lụa hồ Léman
Phải chăng em gương mặt thiên thần
Thoáng hiện với nụ cười nhân ái
Đóa hồng đời em như Thiên Ân.

Nguyên Hoàng Bảo Việt (viết thay lời Ngọc Anh) Genève 6.3.2008


Những cô gái Việt Nam can trường

2010-03-02

Hình ảnh người phụ nữ Việt nam thường được hiểu là những người vợ, người mẹ dịu hiền. Ngày nay đã có một số phụ nữ giữ những chức vụ quan trọng trong chính quyền hay các công ty.

Bà Trần Thị Lệ, em gái Minh tâm, LS Lê Thị Công Nhân và cố tiến sĩ Hoàng Phương. Photo courtesy of vietnamxodus.org

Nhưng số phụ nữ dám đứng lên thách thức cả một chế độ vì lý tưởng và niềm tin của mình thì không phải là nhiều, nhất là khi tuổi đời của họ còn rất trẻ.

Ở Việt Nam, mỗi khi nói đến các nhà bất đồng chính kiến, đấu tranh đòi dân chủ, người ta không thể không nói đến hai phụ nữ trẻ tuổi là luật sư Lê Thị Công Nhân và cô Phạm Thanh Nghiên. Cả hai hiện vẫn đang phải chịu án tù do bị chính quyền kết tội tuyên truyền chống phá nhà nước. Cả hai đều được Tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế trao giải Hellman Hammett cho những người viết văn vì dân chủ nhân quyền.

Lê Thị Công Nhân

Lê Thị Công Nhân sinh ngày 20 tháng 7 năm 1979 tại Gò Công, là con giữa trong một gia đình có 3 chị em gái. Gia đình cô khi đó cũng gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế như biết bao gia đình khác. Cô đã sống ở miền quê đó khoảng 7 năm trước khi theo gia đình dọn ra Hà nội.

Cái tên của Công Nhân do mẹ cô, bà Trần Thị Lệ đặt, cũng xuất phát từ mong muốn của bà cho một xã hội công bằng và nhân ái. Và theo bà dường như cái tên đó đã vận vào tính cách của Lê Thị Công Nhân.

Bà Trần Thị Lệ: Tôi nghĩ nhiều khi tên bố mẹ đặt cũng vận vào con người mà theo những cái quan điểm triết học họ có nói. Sau khi sống trong xã hội và nhìn xung quanh mà một người có nhận thức về lẽ phải thì sẽ phải có những suy nghĩ. Mà Công Nhân ngay từ bé đã có suy nghĩ như thế. Tôi còn nhớ Công Nhân khoảng 8 tuổi thì nhà có TV, trẻ em thường xem chương trình thiếu nhi, còn Công Nhân xem thời sự quốc tế. Khi mà phát biểu nhận xét điều gì xảy ra trên thế giới thì Công Nhân nhận xét như người lớn, thì tôi nghĩ đó là bản tính trời sinh.

Bản tính của Công Nhân thể hiện rất rõ khi cô còn nhỏ tuổi. Cô lúc nào cũng muốn đứng ra tranh đấu cho sự công bằng. Trong các trò chơi với các bạn, cô luôn được các bạn bầu làm thủ lĩnh để phân xử đúng sai.

Khi còn nhỏ tuổi, cô đã cảm thấy bức xúc khi chứng kiến những người nghèo trong xã hội bị phân biệt đối xử. Và đây chính là nguyên nhân sâu xa khiến Công Nhân chọn ngành luật để theo học.

Hkg834324.thumb.jpg
Hình chụp từ TV luật sư Lê Thị Công Nhân tại phiên tòa phúc thẩm ở HN hôm 27/11/07. RFA photo
Trần Thị Lệ: Hồi mới ra Hà nội thì cũng có những người bán hàng rong. Hồi đó cái gì không phải nhà nước thì gọi là con phe con phẩy, và bị miệt thị. Công Nhân thấy những bà già gánh hàng rong bán bị xe công an hốt lên, các bà chạy theo lạy lục xin thì Công Nhân về kể và khóc. Vì thế lớn lên Công Nhân muốn học ngành luật để có thể đóng góp một cái gì đó, mang đến công bằng và công lý cho mọi người.

Năm 2004, cô tốt nghiệp luật sư và công tác tại bộ phận thư ký quan hệ quốc tế, văn phòng đoàn luật sư Hà nội. Năm 2005, cô thôi việc tại đây và về làm tại văn phòng luật sư Thiên Ân của luật sư Nguyễn Văn Đài. Cô tham gia khối dân chủ 8406, là phát ngôn viên công khai của Đảng Thăng Tiến. Cô viết nhiều bài nói về thực trạng Việt nam, phê phán chính phủ, trả lời phỏng vấn của các đài và báo chí ngoại quốc.

Cô cũng cùng với luật sư Đài tổ chức các lớp học về dân chủ và nhân quyền, vận động giới thiệu các tổ chức như Đảng Dân chủ, Đảng Thăng Tiến Việt Nam, khối 8406 cho các sinh viên, trí thức và người khiếu kiện tại văn phòng luật sư Thiên Ân.Khi dấn thân vào con đường đấu tranh cho dân chủ nhân quyền, Công Nhân đã tâm sự với mẹ.

Trần Thị Lệ: Khi Công Nhân ấp ủ để đấu tranh thì Công Nhân tâm sự với tôi một phần thôi chứ không tâm sự hết. Thành ra tôi biết Công Nhân muốn đấu tranh. Công Nhân nhìn ra cái gốc là sự độc tài toàn trị của cộng sản. Khi Công Nhân tâm sự hết thế thì tôi cũng sợ. Mà tôi cũng như bao nhiêu người mẹ khác thôi, tôi nói con ạ, con là con gái và còn rất trẻ, nếu con tham gia cái này thì con phải biết vấn đề tù tội ở ngay trước mắt. Công Nhân nói là con biết và con sẵn sàng, và con muốn má chuẩn bị tinh thần để nuôi con trong nhà tù.

Khi tôi tham gia các hội đoàn, viết những bài viết hay trả lời phỏng vấn thì nói chung là tôi thấy thoả mãn cái lý tưởng, cái hiểu biết và cái tính cách của mình, tôi cảm thấy thoải mái.
Lê Thị Công Nhân


Ngày 6 tháng 3 năm 2007, Công Nhân bị bắt và bị xoá tên khỏi danh sách đoàn luật sư Hà nội. Ngày 11 tháng 5 năm 2007, cô bị đem ra xét xử và bị kết án 4 năm tù và 3 năm quản chế.

Trước cơ quan công an, Công Nhân đã khảng khái trả lời: Khi tôi tham gia các hội đoàn, viết những bài viết như vậy, trả lời phỏng vấn thế nọ thế kia thì nói chung là tôi thấy thoả mãn cái lý tưởng của mình, cái hiểu biết của mình, và cái tính cách của mình, tôi cảm thấy thoải mái.

Ngày 6 tháng 3 tới cô sẽ ra tù. Khi được hỏi liệu cô sẽ tiếp tục con đường đấu tranh của mình không, bà Lệ nói: Khi Công Nhân về thì sẽ có nhiều khó khăn của 3 năm quản chế, sẽ có nhiều khó khăn cho gia đình, đi đâu hay làm gì cũng khó và như thế thì Công Nhân sẽ đấu tranh ở mức độ nào đó mà tôi nghĩ là phù hợp. Công Nhân sẽ mãi mãi đấu tranh, chỉ khi nào nước này có dân chủ nhân quyền thực sự, thì Công Nhân được sống trong một xã hội tốt đẹp mà mình có sự đóng góp vào để xây dựng nó.

Phạm Thanh Nghiên

Pham-Thanh-Nghien-200.jpg
Cô Phạm Thanh Nghiên. RFA photo
Được sống trong một xã hội dân chủ và công bằng nơi người dân được quyền cất lên tiếng nói của mình cũng là mong muốn của Phạm Thanh Nghiên, một người phụ nữ trẻ tuổi khác ở Hải Phòng. Người vừa bị chính quyền kết án 4 năm tù và 3 năm quản chế hồi cuối tháng 1.

Phạm Thanh Nghiên sinh tháng 11 năm 1977 trong một gia đình có 8 anh chị em, cô là con út. Bà Nguyễn Thị Lợi, mẹ của cô Nghiên kể về hoàn cảnh gia đình như sau: gia đình tôi từ trước tới giờ vẫn khó khăn, chả có đi làm cơ quan gì, mọi người cứ làm ngoài, không ổn định. Tôi trước cũng đi làm cơ quan xí nghiệp nhưng được nửa tháng con cái không có chỗ gửi nên phải ở nhà trông con, nó lớn thì tôi đi chợ, có gì buôn bán nấy. Ba Nghiên thì làm tàu chở hàng. Nói chung thời bao cấp thì nhiều người thiếu thốn, mà tôi đông con thì cũng thiếu thốn.

Sinh ra trong một gia đình, một xã hội gặp nhiều khó khăn đến vậy, tất nhiên Thanh Nghiên cũng phải chịu những thiệt thòi.

Bà Lợi nói: Con tôi ít học, khó khăn nên chả được học mấy. Chỉ học hết cấp 3 thôi, sau đó đi làm cứ làm bất cứ việc gì. Cụ thể cơ quan xí nghiệp chả xin vào được, chỉ làm vớ vẩn thôi, làm thảm len cho tư nhân. Bây giờ có một thời gian làm cho nhà máy len, nhà máy len vỡ nợ, nghỉ, lại đi làm thuê quét rác, làm vệ sinh.

Nó chỉ nói thật thôi chứ chả làm gì sai cả. Ví dụ Trường Sa, Hoàng Sa nó nhận thức được là của cha ông để lại, giờ nghiễm nhiên của mình hoá ra không phải.
Bà Nguyễn Thị Lợi

Phạm Thanh Nghiên được nhiều người biết đến khi cô viết bức tâm thư vào năm 2008 bày tỏ sự căm phẫn trước việc chính quyền bắt giữ các nhà dân chủ và nhiều người khác vì họ dám lên tiếng bảo vệ Hoàng Sa và Trường sa. Trong bức tâm thư này cô đã công khai phản đối bức công hàm ngọai giao do cựu thủ tướng Phạm Văn Đồng ký năm 1958 về lãnh hải Trung quốc, hiệp định về biên giới trên đất liền Việt Nam Trung quốc năm 1999 và hiệp định phân định lãnh hải Việt nam Trung quốc năm 2000. Cô viết:

50 năm trôi qua nhưng chúng ta không thể quên. Vì một phần thân thể của đất mẹ vẫn còn bị cắt đứt. Chúng ta không thể cúi đầu. Vì danh dự và tự hào dân tộc vẫn là một vết nhục chưa được xoá nhoà. Chúng ta không thể im lặng. Vì im lặng là đồng ý với hành động bán nước. Chúng ta không thể buông xuôi. Vì mọi sự thờ ơ và buông xuôi sẽ dẫn đến những hành động bán nước tiếp diễn trong tương lai.

Cô tuyên bố toạ kháng tại nhà từ ngày 14 tháng 9 năm 2008 để phản đối hành động mà cô cho là bán nước của chính phủ. Trước đó cô đã nộp đơn xin phép nhà nước được biểu tình theo đúng luật pháp nhưng bị từ chối.

Trước khi viết bức tâm thư và toạ kháng, Thanh Nghiên đã gặp và nói chuyện với nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, một nhà bất đồng chính kiến khác ở Hải Phòng, người cũng vừa bị kết án 6 năm tù và 3 năm quản chế vì tội tuyên truyền chống phá nhà nước.

Công an đến nhà cô yêu cầu bố mẹ cô không cho cô tiếp tục gặp các nhà đấu tranh cho dân chủ. Bà Lợi nhớ lại: Nói thật là em nó làm thì ở bên công an nói nó cứ đến chơi với ông Quận, ông Nghĩa, người ta đến góp ý. Tôi cũng đã cấm không cho nó đến chơi với hai ông, tôi giữ nó được ở nhà 3 tháng. Cuối cùng bên công an vẫn cứ để ý nó, đôi khi triệu tập nó lên.

201306217-200.jpg
Cô Phạm Thanh Nghiên. RFA photo
Tuy thế bà cũng không giấu nổi niềm tự hào khi lên tiếng bênh vực cho những gì người con gái mà bà nói là bướng bỉnh và quyết đoán này đã làm:

Từ trước tới nay, các cụ xưa cổ hủ, trọng nam khinh nữ, với thời đại bây giờ, phụ nữ cũng có quyền, thế giới cũng thế, Việt Nam cũng vậy, phó chủ tịch rồi là cũng phó thủ tướng, có đủ cả. Theo tôi hiểu thì phụ nữ giờ mà ai có trình độ gì thì có thể giúp được dân thì cứ giúp thôi, chứ không phải như trước.

Em nó hiểu được thì nó tham gia. Nó chỉ nói thật thôi chứ chả làm gì sai cả. Có sao nói vậy. Ví dụ Trường Sa, Hoàng Sa thì bây giờ ai cũng biết rõ như ban ngày. Nó nhận thức được là của cha ông để lại giờ nghiễm nhiên của mình hoá ra không phải của mình. Nó chỉ tham gia lên tiếng, nó nói sự thật thôi chứ không có gì giả dối cả.

Đấu tranh bất bạo động, nói lên chính kiến của mình, Phạm Thanh Nghiên đã bị chính quyền bắt giam vào ngày 18 tháng 9 năm 2008 khi đang tiến hành toạ kháng tại nhà. Sau đó cô bị đem ra xét xử tại toà án Hải Phòng vào ngày 29 tháng giêng năm 2010 và bị kết cùng tội danh giống như Lê Thị Công Nhân là tuyên truyền chống phá nhà nước.

Ngày 8 tháng 3 năm nay thế giới kỷ niệm 111 năm phong trào đấu tranh đòi bình quyền của phụ nữ. Hơn một 100 năm đã trôi qua, vai trò của người phụ nữ đã dần được khẳng định. Lê Thị Công Nhân và Phạm Thanh Nghiên cũng giống như nhiều người phụ nữ anh dũng khác đã chứng minh rằng họ không phải là những người chân yếu tay mềm.

Theo dòng thời sự:

No comments: