Friday, March 19, 2010

THIẾU TƯỚNG NGUYỄN TRỌNG VĨNH * TRUNG QUỐC XÂM LƯỢC

Nguyễn Trọng Vĩnh

Cảnh giác với thủ đoạn bành trướng mềm của Trung Quốc







Có thể nói bành trướng là một bản chất bất biến của những người cầm quyền Trung Quốc, một sản phẩm mang tính Đại Hán được kế thừa nguyên vẹn từ thế hệ này sang thế hệ khác và phát triển đến mức ngang ngạnh nhất cùng với Nhà nước Trung Hoa hiện đại

I. Thủ đoạn bành trướng cứng (bằng lực lượng vũ trang) của Nhà nước Trung Hoa thì Việt Nam cảm thấy rõ hơn ai hết. Năm 1974, họ dùng lực lượng mạnh hơn đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam . Năm 1979 họ đem nửa triệu quân xâm lược các tỉnh biên giới Việt Nam, tuy bị quân dân ta phản kích phải rút lui nhưng nhiều điểm cao sát bên kia thì vẫn nằm lỳ và giở chiến thuật lấn đất, đắp bờ kè trên sông, nhổ cột mốc thừa cơ cắm dịch sâu vào đất ta để tranh từng tấc sông ngọn núi của ta, khiến cuộc đàm phán về đường biên giới giữa hai nước biến thành một cuộc đấu tranh giai dẳng kéo dài – có thể nói là dài nhất trong lịch sử mọi cuộc thương thuyết biên giới ở Việt Nam từ trước đến nay – mà sự lỳ lợm ranh ma của đối phương trong việc hoạch định đường biên giới trên thực địa khiến các đoàn công tác của chúng ta nhiều lúc phải đối phó hết sức vất vả (xem Wikipedia: Vấn đề lãnh thổ biên giới Việt Nam – Trung Quốc).

Năm 1988 họ chiếm một số bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa, dùng chiến hạm đánh đắm tàu và giết hại 74 chiến sỹ Việt Nam ra tiếp tế cho quân đồn trú của Việt Nam giữ quần đảo Trường Sa của mình. Họ lại tự ý vẽ một cái “lưỡi bò” xâm phạm hải phận quốc tế và bao chiếm gần hết biển Đông. Như thế mà mồm họ cứ nói rất giẻo là Trung Quốc muốn bắt tay với các nước để xây dựng một thế giới hài hòa, làm sao mà ai nghe được.

Nhắc lại một lần nữa về quần đảo Hoàng Sa. Từ đời vua Minh Mạng thứ 15, đã có sắc chỉ ban cho Đội trưởng Hải đội quân Hoàng Sa, phái Hải đội ra Hoàng Sa tìm kiếm hải sản, coi giữ các đảo và cắm bia khẳng định chủ quyền của nước Đại Nam (Việt Nam ngày nay). Tại đảo Lý Sơn thuộc Quảng Ngãi hiện còn miếu Âm Linh, nơi đó dân chúng và Triều đình tế sống các thành viên Hải đội Hoàng Sa trước khi xuất phát. Thời Pháp thuộc thì Hoàng Sa do một phân đội quân Pháp đóng giữ. Thời Việt Nam Cộng hòa thì Hoàng Sa thuộc quyền cai quản của một phân đội quân VNCH. Thử hỏi có bóng dáng một người Trung Quốc nào trên bãi “cát vàng” này trong suốt những thời kỳ dài như vậy?

Cho dầu Trung Quốc có lục hết mọi kho thư tịch cũng không tìm ra được cứ liệu cổ xưa nào ghi danh Hoàng Sa thuộc lãnh thổ của họ. Ngay cả tấm bản đồ mà tướng Đặng Chung, Tổng binh trấn thủ Quỳnh Nhai (đảo Hải Nam) vẽ cũng ghi Hoàng Sa là thuộc An Nam (Việt Nam). Bí quá, gần đây họ lại bày trò “khảo cổ” khai quật Hoàng Sa “tìm thấy tự liệu văn vật Trung Quốc” hòng chứng minh cái gọi là chủ quyền. Nhưng tư liệu khảo cổ đâu có thể là tiêu chí để xác định chủ quyền quốc gia của bất cứ nước nào. Chưa nói là những “tư liệu văn vật” mà họ rêu rao, có ai chứng minh được là thật hay giả. Sự thật rành rành là vậy mà họ luôn luôn trơ tráo lu loa rằng Tây Sa (Hoàng Sa), Nam Sa (Trường Sa) và Nam Hải (biển Đông) thuộc chủ quyền của TQ “không thể tranh cãi”! Báo chí của Trung Quốc còn nói bừa rằng năm 1974 họ “phản kích” “giành lại” Tây Sa (Hoàng Sa), “đẩy lui” Việt Nam, Malaysia, Philippin “xâm chiếm”, “phá hoại” Nam Sa (Trường Sa) (?!). Rõ là giọng lưỡi kẻ mạnh “vừa ăn cướp vừa la làng”!! Tham vọng bành trướng cứng của TQ còn lộ rõ trên tạp chí Hoàn cầu thời báo ngày 18/03/2009 và trên “Đài Phượng Hoàng” của Trung Quốc ngày 09/12/2009, qua các bài báo của các tác giả Đới Hy, Mã đinh Thịnh, Tống hiếu Quân. Trích một đoạn sau đây:

Quân đội của chúng ta cần thiết lập căn cứ quy mô lớn tại Nam Sa (Trường Sa) để bảo vệ việc phát triển nguồn tài nguyên tại Nam Hải (biển Đông), thiết lập căn cứ quân sự trên quần đảo Nam Sa với các cơ sở dành cho máy bay trực thăng và các loại hình tác chiến khác… Tây sa (Hoàng Sa) có sân bay, máy bay vận tải, chiến đấu, tiếp dầu, có thể hạ, cất cánh tại đây, hệ thống ra-đa tiên tiến, là một căn cứ quân sự lớn, cộng thêm khi Trung Quốc có hàng không mẫu hạm thì toàn bộ khu vực Nam Hải (biển Đông) sẽ nằm trong sự khống chế của Hải quân và không Quân Trung Quốc. Như vậy có thể nhìn thấy tương lại Trung Quốc có thể thu hồi toàn bộ các đảo ở Nam hải rồi”. Dã tâm đến thế mà những người nắm quyền ở Trung Quốc vẫn luôn mồm nói “hữu nghị” ngọt xớt, nhất là đối với Việt Nam để phỉnh phơ những người nhẹ dạ. Ai trong số 85 triệu dân chúng và quan chức nước ta có thể mắc vào “mồi nhử” này được nhỉ?

II. Song song với bành trướng cứng, dựa vào khối dự trữ ngoại tệ rất lớn, những người cầm quyền Trung Quốc hiện đương triển khai thủ đoạn “bành trướng mềm” (bằng đô la). Họ tung tiền ra mua (hoặc thuê dài hạn 50 năm) đất đai, hầm mỏ, núi rừng của các nước nghèo ở Châu Phi, châu Á. Họ đưa người của họ đến khai thác trồng trọt, khai phá, làm nhà, đem vợ con đến hoặc lấy vợ người bản địa, 50 năm sinh con đẻ cháu sẽ thành những làng Trung Hoa, thị trấn Trung Hoa là lãnh địa của họ trong lòng nước sở tại, vô hình trung quốc gia hữu quan mất đứt một phần lãnh thổ. Khu kinh tế đặc biệt Bò Tèn thuộc tỉnh Luông Nậm Thà của Lào chỉ mấy năm lại đây có casino, khách sạn, nhà nghỉ, các cửa hàng… phần lớn là của người TQ, một số ít người Lào chỉ làm các việc như vệ sinh, dọn dẹp, khuân vác…


Với 97% dân số là người TQ thì tự nhiên huyện Bò Tèn trở thành một thành phố nhỏ của Trung Quốc, còn cựa vào đâu được nữa. Họ viện trợ không hoàn lại cho nước nghèo để được hàm ơn, từ đó dễ xâm nhập và chi phối. Họ còn nham hiểm đến mức “mua” cả người, là những người có chức quyền nào đó, hoặc có vai vế để dễ đàng hoạt động, bằng cách tặng, biếu, đãi đằng, phỉnh nịnh tâng bốc, nếu mua được những người đứng đầu quốc gia – cái đích ngắm lớn nhất của họ – thì họ tha hồ tự tung tự tác. Ở Việt Nam họ đã vào được Tây Nguyên, vị trí chiến lược xung yếu số một của nước ta để khai thác bauxite.


Gần đây họ lại cùng Hồng Kông, Đài Loan mua (hoặc thuê dài hạn 50 năm) 264 ngàn hecta rừng trong đó có cả một phần rừng đầu nguồn, của các tỉnh từ Quảng Ninh đến Bình Dương, nói là để trồng nguyên liệu. Chưa biết họ trồng nguyên liệu gì, có trồng hay không, nhưng đã mua được thì họ tự do chặt phá (trong khi ta phát động trồng rừng). Hàng mấy trăm ngàn hecta rừng nhất là rừng đầu nguồn mà bị chặt phá thì đến mùa mưa, lũ lụt vô cùng lớn chắc chắn sẽ gây tai họa khủng khiếp cho dân, phá hoại đường sá, cầu cống, mùa màng. Mùa khô, nước các sông sẽ cạn kiệt, hoa màu thiếu nước tưới, các công trình thủy điện thiếu nước khó hoạt động. Mặt khác cần phải nghĩ tới việc họ sẽ có thể khai thác tài nguyên khoáng sản quý dưới lòng đất mang về nước họ. Nhưng còn quan trọng hơn nữa là trong các khu rừng rộng lớn ấy sẽ chứa đựng bao nhiêu người Trung Quốc sang khai thác rừng và làm gì nữa, có vũ trang không, ai mà biết được. Trách nhiệm thuộc về ai trong mối hiểm họa vô cùng đáng sợ này? Chưa thấy những người cầm cân nẩy mực có câu trả lời.

Đây không chỉ là hành động bành trướng mà là sự phá hoại kinh tế, phá hoại môi trường, phá hoại đời sống của nhân dân và phá hoại an ninh đất nước một cách gớm ghê, thâm hiểm. Ở đồng bằng và ven biển nước ta, Trung Quốc sẵn sàng bỏ nhiều tiền ra cạnh tranh với các nước, đầu tư xây dựng công trình, xí nghiệp và một khi trúng thầu xây dựng nhiều công trình (trên thực tế họ đã trúng thầu khắp từ Bắc, Trung, Nam, nhưng hình như chưa một cơ quan có trách nhiệm nào thống kê xem con số là bao nhiêu), họ đưa ồ ạt lao động của họ vào, cộng với vô số người Trung Quốc vào theo đường du lịch.

Thế là từ trên rừng đến đồng bằng, ven biển có hàng vạn người Trung Quốc tự do cư trú, đi lại không kiểm soát được, tạo thành đạo quân thứ 5 của những người cầm quyền Trung Quốc. Mối nguy tiềm ẩn ra sao tưởng không cần phân tích cũng đã rõ! Trước những hành động của “Ông láng giềng hữu nghị” trên biển Đông cũng như trên đất liền Việt Nam , hàng triệu người Việt Nam yêu nước đang rất bức xúc và sôi gan. Chúng ta phải làm gì đây? Ngày 25-2-2010 Số 23, ngõ 5, Hoàng Tích Trí, Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội

@Bauxite Vietnam


*

No comments: