Saturday, August 27, 2011

THẦN ĐỒNG PHẬT PHÁP


LTS
Nhiều bạn đọc gửi đến tòa soạn tài liệu và bài viết về bé Như Ý. Kẻ đoán già người đoán non. Chúng tôi cứ đăng tải vì nghĩ rằng giả chân, chân giả sớm muộn rồi chúng ta cũng biết.

Có nhiều nghi vấn, cho rằng đảng CS bày trò để phá Phật giáo Hòa Hảo hoặc lừa dối nhân dân Việt Nam. Hãyđề cao cảnh giác và từ từ mà quan sát kỹ càng.

THẦN ĐỒNG PHẬT PHÁP VÀ THƠ TRÊN ĐẤT ĐỒNG THÁP
Nguyễn Thị Ngọc Trâm

Riêng tôi thì ngạc nhiên và ngưỡng mộ vô cùng. Một cô bé 10 tuổi mà hiểu Phật Pháp như một vị sư. Vì những người thân của Búp Bê đang lo lắng sức khỏe của cô nên tôi tuy rất tò mò muốn hỏi thêm về cô bé nhưng vẫn dè dặt.

1

Thăm thần đồng Phật Pháp

Cuối tháng 12/2009, thật bất ngờ, tôi được duyên lành theo chân Thượng tọa Thích Phật Đạo viếng các chùa ở Long An, Tiền Giang, Trà Vinh. Cuối cùng là thăm bé Thùy Trang, thường được gọi là Búp bê. Đoàn đi còn có sư cô Pháp Hỷ ở Thụy Điển, hai Phật tử là Việt kiều Mỹ, còn lại là người của Saigon

Thùy Trang sinh ra cất tiếng khóc chào đời như hàng triệu đứa trẻ khác trên trái đất góp thêm một nốt nhạc trong bản trường ca bất tận của loài người. Đôi mắt to tròn đen láy hiền như chim câu, ngón tay dài hình tháp bút, da trắng như sữa mẹ, mái tóc mềm như lụa quê hương. Nhưng hình hài cô bé lại gây xúc động khôn lường cho những người thân trong gia đình.

Bé Thùy Trang hiện sống cùng với bà ngoại, nhà ở sát chùa Tòng Sơn, huyện Lấp Vò tỉnh Đồng Tháp. Đoàn hành hương vừa bước tới cửa đã nghe tiếng nói lanh lảnh phát ra từ amply, truyền đến lời chào trịnh trọng thân ái.

Một bó hoa tươi từ tay bà ngoại của Thùy Trang tặng thầy Phật Đạo. Vào trong nhà mới biết do Thùy Trang bị té đau nặng, nằm trên giường không ra đón khách được nên phải mời chào khách kiểu đặc biệt như vậy.

Cô bé nằm đó đôi mắt to chớp chớp mỉm cười dịu dàng, nhưng giọng nói rất mạch lạc và chững chạc: “Con xin lỗi đã không ra đón tiếp thầy Phật Đạo và các bác, các cô trên thành phố tới. Con thấy làm tiếc. Con xin thầy Phật Đạo và các bác, các cô thông cảm”. Giọng nói, thần sắc trên gương mặt cô bé 10 tuổi đĩnh đạc như một nữ chủ nhân lớn tuổi.

Gia đình Thùy Trang theo đạo Phật giáo Hòa Hảo. Phòng ngoài là một trang thờ có hương, hoa nhìn đối diện ra cửa. Trong gia quyến có nhiều người không lập gia đình, một lòng theo đạo tu tâm, tích đức, trọn đời hiếu nghĩa với tổ tiên, ông bà.

Trong một tuần lễ ăn, nghỉ tại nhà của cô bé, rất ít ai gọi tên thật của cô, mọi người đều gọi Thùy Trang là “Búp Bê” như một cái tên thứ hai. Búp Bê ít nói, ai hỏi thì trả lời, hầu hết là những câu hỏi về Phật Pháp.

Khi cô bé cất giọng thì ai cũng dỏng tai, nghiêng đầu lắng nghe. Riêng tôi thì ngạc nhiên và ngưỡng mộ vô cùng. Một cô bé 10 tuổi mà hiểu Phật Pháp như một vị sư. Vì những người thân của Búp Bê đang lo lắng sức khỏe của cô nên tôi tuy rất tò mò muốn hỏi thêm về cô bé nhưng vẫn dè dặt.

Giáp tết Canh Dần, tôi lại được xuôi miền Tây lần thứ hai, sư cô Pháp Hỷ đã về chùa Đại Bi Tâm ở Thụy Điển, nhưng lại có sư cô Pháp Nhẫn đã trên 70 tuổi cùng đi viếng các chùa ở Cần Thơ, chùa Địa Tạng ở Sa Đéc, và lại đến thăm Búp Bê.

Lần này Búp Bê đã khỏe, tỏ ra rất vui khi thầy Phật Đạo lại ghé thăm nên cười suốt ngày.

Gia đình Búp Bê thuê thêm một xe 16 chỗ cùng đoàn Thượng tọa Thích Phật Đạo, 2 xe đi về hướng Hà Tiên viếng chùa Hang rồi về vùng Bảy núi lễ chùa Vạn Linh trên núi Cấm. Ngôi chùa thật xứng với bề dầy lịch sử, uy nghi, lộng lẫy. Chùa Vạn Linh không những là một di tích văn hóa còn là danh lam thắng cảnh tâm linh của tỉnh An Giang


Đoàn viếng thăm nhà tưởng niệm thầy Hai Thanh Sĩ của Phật giáo Hòa Hảo lần thứ hai, nhưng lần này chúng tôi được mời dự ngày giỗ của Ngài.

Bữa cơm chay rất ngon từ những bàn tay chế biến tuyệt vời bằng những thực phẩm đặc biệt của miệt vườn An Giang. Người đến thăm viếng đông ngẹt thở, người người nhích chân từng tí một.

Búp Bê ngộp quá được bà ngoại ẵm ra bên ngoài trước. Thấy tôi thích ăn bánh tét, nhà bếp còn vui vẻ cho thêm một bịch nặng mang về. Chị Từ Nhẫn là Việt kiều Mỹ thích quá cười tít cả mắt. Còn tôi cảm động chẳng biết nói gì, hồn nhiên cầm bịch bánh tét ngoan ngoãn cám ơn như đứa trẻ ngô nghê.

Chúng tôi len chân ra bên ngoài chờ lúc lâu, chị Từ Nhẫn lo lắng, “Thầy Phật Đạo bị bao vây trong đó rồi, không ra được. Làm sao bây giờ ?" Tôi nói: “Để tôi vào phá vây mở đường cho thầy Phật Đạo đi ra. 12 giờ trưa rồi, nắng quá”.

Thấy tôi xuất hiện, thầy Phật Đạo hiểu ý đứng lên ngay. Tôi khoát tay mở lối, thầy Phật Đạo cứ việc bước ra. Nhưng chưa hết, bên ngoài rất nhiều Phật tử tiếp tục vây quanh thầy, mời thầy về nhà một Phật tử gần đó. Thầy Phật Đạo hoan hỷ nhận lời, sau khi ngâm một đoạn thơ của ngài Hai Thanh Sĩ, thầy Phật Đạo xin thoái vài lần mới trở ra được. Thật là vui.

Do ăn nghỉ tại nhà Búp Bê nên tôi có điều kiện tiếp xúc với bà ngoại của bé. Những gì nghe được về cách ra đời của Búp Bê thật kỳ lạ như trong chuyện cổ tích. Có lẽ vì những điều “kỳ lạ” mà gia đình rất tế nhị ít kể về sự ra đời của Búp Bê. Ngoại còn nói: “Trước đây cắt tóc ngắn cho Búp Bê, nhiều người tưởng là con trai nên Búp Bê thích để tóc dài”. Búp Bê để tóc dài là đúng, vì tóc cô bé rất mềm và óng.

Khi đoàn hành hương trở về lại thành phố Hồ chí Minh thì đã 28 âm lịch, giáp tết Canh Dần.

2.

Những điều kỳ diệu

Nhìn những đứa trẻ tiểu học khoác ba lô nhẩy chân sáo trong sân trường học mà không khỏi chạnh lòng nghĩ tới hình tướng của bé Thùy Trang. Khung xương phần ngực nhô lên phía trước, xương tay và xương chân dẹt, mỏng, chỉ sơ suất một chút là rất dễ bị gẫy.

Mới sinh ra, dựa trên hình hài và sức khỏe rất yếu của bé, bác sĩ khoa sản cho rằng bé sẽ không sống được lâu. Má của Thùy Trang bận rộn làm ăn sợ chăm sóc Thùy Trang không chu đáo nhỡ ra… thì ân hận nên đã nhờ bà ngoại và dì Hai Xuân trông nom.

Nhờ những bàn tay nâng niu, lòng thương yêu và tận tụy chăm sóc cẩn thận từng ly, từng tý nên Thùy Trang càng lớn càng khỏe và có trí tuệ thông hiểu Phật pháp khác thường.

Sự khác thường hơn nữa là cách chào đời của Thùy Trang. Còn ẩn nấp trong bụng mẹ, khi siêu âm phát hiện thai ngược, đến tháng ra đời phải mổ. Một hình hài tý hon chào đời, hai chân khoanh tròn, hai bàn tay xếp lên nhau ngay trước bụng, đầu hơi cúi xuống trong tư thế của một người đang… thiền.

Những người thân của bé đã mấy đời theo Phật, thấy vậy nên vô cùng xúc động. Hàng ngày nâng niu như hứng hoa, nâng trứng.

Khi 4 tuổi, bà ngoại bắt đầu cho Thùy Trang ăn mặn. Thế nhưng cứ ăn vào là ói… và ói. Thế rồi… bé ăn chay suốt tháng suốt năm cho đến nay.

Trước đó, khi mới 3 tuổi chưa nói sõi, một lần có nhóm Phật tử đi lễ Đức Phật thầy Tây An trên đường về ghé thăm “cốc” của Búp Bê. Trong khi uống nước, một vị cư sĩ muốn biết bé hiểu đạo Phật không nên hỏi thăm dò:

- Búp Bê ơi. Niệm Phật thế nào để nhứt tâm bất loạn ?

Chẳng phải suy nghĩ, Búp Bê đáp liền:

- Dạ thưa… Muốn niệm Phật nhứt tâm bất loạn thì phải buông bỏ nhân duyên.

Mọi người sững sờ nhìn nhau như không tin vào tai mình. Kỳ lạ quá, một bé gái 3 tuổi ngộ nghĩnh như búp sen non mới ló khỏi mặt nước mà sao đối đáp như một vị chân tu cao niên thao lược kinh Pháp. Cô bé khiếm khuyết về hình thể, không đi được, không tiếp xúc bên ngoài, không biết đọc, biết viết. Quả là một sự nhiệm màu đã tiềm ẩn trong bé từ kiếp nào ?

Sự kỳ diệu này cứ thế được chắp cánh bay đi khắp nẻo vùng quê An Giang, Đồng Tháp. Ngày ngày, người người từ các nẻo xa gần, thành thị đến thăm “Thần đồng” về Phật pháp. Trăm người là cả trăm câu hỏi khác nhau. Người hỏi về Pháp môn, người hỏi về Thiền định. Có người tò mò hơn lại hỏi” “Vì sao Búp Bê lại giỏi Phật Pháp như vậy ?” Cô bé bình thản nói:

- Có lẽ, nhờ nhân duyên từ một chứng đắc nội tâm từ kiếp trước mà đã đạt được.

Búp Bê thường trả lời ngắn gọn, xúc tích, không ề à nói quanh. Những Phật tử đến không chỉ xin tư vấn về Phật pháp, kinh nghiệm tu học mà còn bày tỏ cả những băn khoăn trong cuộc sống, về ứng nhân xử thế trong đời thường sao cho đúng đạo lý, cho đúng với cái tâm của một cư sĩ.

Nếu những vấn đáp này của các vị tu sĩ, của những Phật tử lớn tuổi thì chỉ là chuyện quá bình thường. Thế nhưng nó được ứng khẩu từ một cô bé đang ở độ tuổi măng non lại bị khiếm khuyết về hình hài, không đi lại được.

Vì thể lực yếu nên Búp Bê ăn rất ít. Có lần ngoại Tư trách yêu:

- Búp Bê ăn cơm ít quá. Ngoại bỏ… không lo nữa.

Cô Bé nói rành rẽ:

- Đức Phật, Đức Thầy độ tận chúng sanh cách này không được thì dùng cách khác chứ đâu có bỏ ai. Ngoại nói vậy là ngoại không làm đúng lời Phật, lời Thầy dạy rồi.

Ngoại cười hiền lành:

- Búp Bê nói phải quá. Vậy mà ngoại quên chứ. Cám ơn Búp Bê nha.

Khi Búp Bê còn ở “cốc” của dì Hai Xuân, phía trước có cái ao nở đầy hoa súng màu đỏ. Một lần mấy đứa trẻ hơn Búp Bê vài tuổi đang tha thẩn mon men bờ ao bắt ốc, bắt cua chơi. Búp Bê gọi:

- Mấy anh chị ơi. – Mấy đứa trẻ hóng cổ lên chưa biết là ai gọi – Búp Bê nói tiếp – Thả cua và ốc về với cha mẹ nó đi.

Ngoại Bảy ngồi gần đó, hỏi:

- Búp Bê nói câu đó bằng tâm gì vậy ?

- Là tâm từ đó – Bé trả lời gọn lỏn.

- Tâm từ do đâu mà có ? – Ngoại lại hỏi.

- Từ nơi chơn tánh đó, ngoại.

Thấy Búp Bê trả lời kinh Pháp đâu ra đó, ngoại Bảy lại hỏi tiếp:

- Thế nào là sống với chơn tánh ?

- Là không phiền não, sân, si là sống với chơn tánh.

Những lúc dì Hai Xuân đi vắng chỉ có ngoại Bảy ở nhà. Cả ngày chẳng lẽ không nói gì với nhau, nên thỉnh thoảng ngoại rủ rỉ trò chuyện với Búp Bê. Nhưng mỗi câu ngoại Bảy hỏi thì Búp Bê đều trả lời bằng ngôn ngữ từ kinh Phật, cho dù câu hỏi rất đời thường:

- Hàng ngày có đủ thứ chuyện, Búp Bê có nhớ hết chuyện này chuyện kia không ? – Ngoại Bảy hỏi.

- Tâm thanh tịnh thì không nhớ gì – Búp Bê đáp – Còn tâm bị vọng thì nhớ đủ thứ, mà không thứ gì thành thứ gì cả.

Riêng đối thoại này của Búp Bê thì giống như người từng trải ngoài đời. Ngoại Bảy như trong vai một trẻ mẫu giáo trước thầy của mình, hỏi tiếp:

- Vậy mình phải làm sao cho tâm hết nghĩ nọ kia ?

Lúc này thì Búp Bê không đáp, ngôn ngữ của Búp Bê cho ngoại hiểu bằng cử chỉ nhìn xuống, yên lặng của một người đang… thiền, và cũng tỏ ý chấm dứt đối đáp.

Thăm hỏi Búp Bê có nhiều đoàn khách Phật tử từ Saigon , miền Trung, miền Bắc, trong đó có Việt kiều từ các nước về quê hương cũng nghe tin lần lượt mà lận lội tới thăm.


Ngoài các chư Tăng – Ni – Phật tử có cả những người ngoài đạo. Kiến thức sống khác nhau, sự hiểu biết xã hội khác nhau, văn hóa sống khác nhau, tính cách, cảm xúc khác nhau. Ngay cả những vị Tu sĩ cũng mỗi người hỏi Búp Bê mỗi khác. Là đồng đạo đã hỏi Pháp thì không né tránh, có chăng ở những người tu học còn khiêm tốn thì cách hỏi cũng khiêm tốn. Phần nhiều khách đến thăm Búp Bê vì tò mò muốn trực tiếp biết khả năng của bé nói kinh Phật như thế nào ? Phần vì lòng ngưỡng mộ một thần đồng ở tận miệt vườn miền tây.

Việt kiều thì vượt qua hàng vạn dặm, người miền Bắc thì trải qua hàng ngàn cây số, người miền Nam thì cũng phải đi ô tô hết nửa ngày mới tới nơi. Đã cất công đến thì cũng cất công hỏi.

Cũng qua cách hỏi mà Búp Bê có thể qua đó thấy được tuệ giác của mỗi người mà tùy vào ý tứ, khả năng tu tập của người đó trả lời sao cho mỗi cá thể người hiểu được. Kể cả người biết rất ít về đạo Phật hỏi một cách vu vơ chẳng ăn nhập gì với kinh Phật. Cũng có những vị cao Tăng chỉ lẳng lặng ngồi nghe vì tất cả những gì Búp Bê đối đáp đã có trí huệ rồi. Hơn nữa nhiều người hỏi dồn một lúc sẽ làm cho Búp Bê mệt.

Ví như có bà hàng xóm, một hôm chẳng có việc gì sang nhà Búp Bê chơi, thật thà hỏi ngược xuôi nhưng không kém phần tò mò:

- Búp Bê là Bồ Tát hay sao mà mới 6 tuổi đã biết nói Pháp vậy ? – Cô hàng xóm chưa biết rằng Búp Bê đã biết nói Pháp khi mới 3 tuổi.

- Con đang học hạnh của Bồ Tát chứ không phải là Bồ Tát – Búp Bê đáp

- Nếu Búp Bê không phải là Bồ Tát, vậy có phải là “Ông lên, Bà xuống” hay không ? – Cô hàng xóm gặng hỏi.

- Dạ không.Con chỉ là người bình thường. Là một môn đệ của Đức Thầy

Dì Hai Xuân nghe vậy mỉm cười, hỏi chen vào:

- Những điều Búp Bê nói, có phải do dì Hai và bà ngoại dạy không ?

- Những lời giảng kinh là của dì Hai và bà ngoại. Còn những điều khác con tự nói ra là do trí tuệ.

- Vậy làm sao mà Búp Bê có trí tuệ ? – Dì Hai hỏi tiếp.

- Hàng ngày con lo niệm Phật, không có sân, si thì trí tuệ hiện.

Nhà văn Abutalip là người ở một nước cộng hòa trong khối Udơbêch của Liên Xô cũ đã có câu nói nổi tiếng: “Con ngưởi phải có 2 năm để học nói. Nhưng phải có 60 năm mới biết im lặng”. Còn Búp Bê ra đời trong một gia đình nghèo ở nông thôn, vùng quê chưa có điều kiện tiếp cận nhiều với khoa học, công nghiệp không phát triển. Hiện tượng Búp Bê mới 3 tuổi, nói còn chưa tròn âm, tròn tiếng đã biết trả lời bằng kinh Phật, không sai một từ.

Với người lớn có sức khỏe, có hình thể phát triển bình thường cũng hạn chế điều kiện trau dồi kiến thức như ở các thành phố lớn, huống chi một đứa bé không có sức khỏe, không tự đi được. Cho đến khi 6 tuổi vẫn chưa có điều kiện tiếp cận với con chữ. Vậy trí tuệ về kinh Pháp mà cố bé có được trau dồi từ đâu mà có sẵn khả năng đối đáp xuất chúng về Phật Pháp kỳ diệu như vậy ?

Những vị chân tu, những người tu hành, hàng trăm Phật tử tiếp xúc với Búp Bê đều cho rằng kiếp trước có thể cô bé đã từng là một vị tu hành, nay đã tái hiện trong niên kỷ này. Một điều mà máy móc của khoa học tiên tiến trong thời đại vũ trụ bay lên mặt trăng cũng không thể giải mã bằng hình ảnh và những con số, mà chỉ những người tu hành, học đạo tin vào tâm linh mới có thể tự tìm ra câu trả lời.

3

Bà ngoại

Một buổi sáng, Ngoại Bảy ẵm Búp Bê ra ngoài đường đón nắng sớm vàng như mật ong và hít thở không khí, thấy một người có thúng dâu chín mịn màng dưới nắng sớm. Ngoại nói như reo:

- Mèn ơi. Dâu tươi thấy mà ham quá hén – Rồi nheo mắt cười với Búp Bê, hỏi – Cái tâm của ngoại lúc này là tâm gì vậy, Búp Bê ?

- Cái tâm thích đó, ngoại.

- Cái tâm thích là tâm gì vậy ? – Ngoại hỏi tiếp.

- Cái tâm thích là tâm vọng nhiễm đó, ngoại ơi.

Hay quá, Búp Bê đáp câu nào ngoại nghe cũng vui, lại hỏi:

- Sao Búp Bê biết đó là tâm vọng nhiễm ?

- Bởi vì mới thấy cảnh là tâm động rồi.

Ngoại vẫn thấy Búp có thể trả lời thêm về ý này, lại hỏi tiếp:

- Làm sao mình biết tâm động ?

- Mình nhìn vô tâm thấy thích nên biết nó đông.

Nhỏ tuổi nhất nhà, bé nhất nhà, sức khỏe yếu nhất nhà. Nhưng ai ở trong nhà làm gì cũng đều hỏi cô bé góp ý nên hay không nên làm. Ngoài tình thân ruột thịt, Búp Bê được trong gia đình ai nấy cũng cưng chiều. Được Phật độ mầu nhiệm có sẵn kiến thức Phật Pháp, ngẫu nhiên Búp Bê có cái uy khiến cả nhà nể trọng.

Một lần ngoại đang nấu bếp, bỗng dưng nghe Búp Bê gọi:

- Ngoại ơi. Lấy viết và giấy ra ghi lại giùm con vài ý thơ.

Vốn là người quê chân chất có bao giờ nghĩ đến thơ văn, giờ lại nghe Búp Bê đòi làm thơ ? Cô bé đâu biết đọc, biết viết mà thơ với thẩn ? Ngoại nghe vậy chưa kịp hiểu ý Búp Bê muốn gì nhưng cũng lấy bút và tập ra ngồi cạnh chờ “nhà thơ nhí” ứng khẩu:

Tâm mây là phiền não
Nhớ dứt vọng tiêu tan
Cho Bồ Đề được sáng
Tâm ngộ mãi, ngộ hoài
Chuyên cần lo tu tập
Sẽ chứng quả Bồ Đề
Tâm như như bất động
Là được Phật hiện tiền


Lần khác, cả nhà đang ai làm việc nấy bỗng nghe Búp Bê nói rành rẽ từng chữ:

- Ngày nào chúng sanh trên quả địa cầu này hết chỗ, con mới xong bổn phận.

Nghe xong, mọi người dừng tay như một thước phim không cử động mà nhìn nhau. Có người xúc động đến lặng người không biết nói gì, tưởng chừng có Phật linh ứng ngay trong nhà.

Một thời gian sau, ngoại chợt nhớ câu nói như “Phật sống” của Búp Bê bữa trước nên đến bên nhẹ nhàng nhắc lại câu nói đó, rồi hỏi:

- Ai dạy con nói ? Hay con đọc kinh sách thấy Bồ Tát nên con nói vậy ?

- Dạ. Lúc đó con chưa biết chữ – Búp Bê trả lời .

- Vậy… sao con nói vậy ? – Ngoại thắc mắc.

- Vì lúc đó con lặng tâm.

Hoặc có lần ngoại Bảy lại hỏi:

- Búp Bê ơi. Ở đời, mình sống như thế nào mới gọi là có hạnh phúc ?

Cô bé nói nếu mọi người biết giác ngộ là hạnh phúc lớn nhất. Thỉnh thoảng ngoại phát hiện Búp Bê có tật nhỏ nói điều gì là hai chân mày hơi nhíu vào nhau, có lần ngoại hỏi Búp bê có biết điều đó không thì cô nói: “Không biết mình chau mày là mất cái tâm, nếu biết mình chau mày là không mất cái tâm”. Khi hỏi Búp Bê có khi nào ngủ mơ thấy thầy Hai Thanh Sĩ không ? Búp Bê nói có thấy khi tâm đang thanh tịnh. Ngoại hỏi ngược lại:

- Vậy là thấy trong tâm chứ đâu thấy ở ngoài ?

Búp Bê đáp:

- Không ở ngoài cũng không ở trong.

Trong gia đình thì Búp Bê ít tuổi nhất, bà ngoại cao tuổi nhất, nên Búp Bê thường lễ phép dạ, vâng. Nhưng khi nói về việc tu tập thì hai bà cháu bình đẳng trong quan hệ như đồng đạo. Một lần ngoại buột miệng thốt lên:

- Hàng ngày ngoại cúng, lạy, ngồi niệm Phật, nhưng vẫn còn sân, si hoài.

- Ngoại cúng, lạy Phật mà vẫn sân, si thì ngoại tự hủy rừng công đức. Vì thế ngoại cố gắng dẹp sân si.

Là đàn bà vốn hay lo toan việc sinh họat thường ngày, chẳng mấy khi để chân tay được nghỉ ngơi mà sa đà quá vào việc không đáng làm nên thường phiền não mỗi khi làm quá sức. Ngoại và dì Hai Xuân cũng vậy, thương ngoại và dì, Búp bê khuyên cả hai đã cao tuổi, nên giữ sức khỏe, vì cái thân giống như con thuyền, mình phải nương theo thuyền mới qua sông được. Hoặc khuyên ngoại muốn không cho tâm mình động thì phải quán mọi vật đều không.

Có bà con gặp bà ngoại chuyện trò những điều phải, trái xẩy ra trong làng xóm. Sau đó, ngoại lại hỏi Búp Bê là ngoại làm vậy có đúng không ? Cô bé nói: “Đức Lục Tổ nói rằng, người lỗi, ta không lỗi. Ta lỗi, bởi ta chê bai”, và khuyên bà ngoại nên tập: “Ghét, yêu, đừng để dạ. Duỗi cẳng, nghĩ thanh nhàn”.

Qua những đối đáp và tư vấn Pháp kinh thường ngày với người đời hay người trong nhà, Búp Bê tỏ ra là người có tâm Bồ Tát và hạnh Bồ Tát có thể nói ở cấp cao đẳng từ thân – khẩu – ý.

Ngoại là người tu theo Phật đã gần hết đời người nhưng vẫn bày tỏ như một người mới học đạo:

- Búp Bê ơi. Trong Sấm giảng, Đức Thầy có câu: “Ráng đem cho được Phật vào trong tâm”. Làm sao để đem được Phật vào tâm ? Lúc nào trong tâm mình mới có Phật ?

- Đó là tâm tịnh, tâm không si mê, tâm không phiền não, tâm không cười giỡn, không chê, khen. Lúc đó là có ông Phật tại tâm. Khi trong tâm còn phiền não, si mê, giận hờn, cười chê thì lúc đó ông Phật đã đi xa, tâm chìm địa ngục.

- Ngoại cũng cố gắng hoài nhưng không được. Vậy phải làm sao ?

- Thì xuống địa ngục – Búp Bê cười rung cả người.

Hôm khác ngoại lại nói:

- Ngoại cố gắng tu, nhưng sao còn vọng tưởng hoài. Phải làm sao Búp Bê ?

Búp Bê nhìn ngoại như một người khách mới tới, nói:

- Tu mà còn vọng tưởng là nghiệp chướng từ nhiều đời nhiều kiếp. Vậy phải đối trị bằng cách niệm Nam Mô A Di Đà Phật trong mọi thời đi, đứng, nằm, ngồi.

- Ngoại già rồi. Cơ thể mệt mỏi. Búp Bê tu giùm có được không ?

Nghe vậy, Búp bê không cười không được, tủm tỉm nói:

- Ai ăn nấy no. Ai ngủ nấy khỏe. Ai tu nấy đắc. Làm sao con tu giùm ngoại được.

Tuy được coi là thần đồng, nhưng ngoài đời Búp bê vẫn là một đứa trẻ. Thỉnh thoảng ngoại ẵm Búp Bê đến thăm nhà bạn cùng tu chơi thì có người cố tình chọc giận Búp Bê để thử xem cô bé có… nổi sân không ? Nhưng đâu phải bị chọc giận lần đầu nên Búp Bê không lạ. Ra về, ngoại hỏi lúc đó Búp Bê thấy thế nào ? Thì cô thản nhiên nói: “Cùng là người tu. Con nghĩ lời nói ấy là giả nên con phủi rồi”.

4

Với dì Hai Xuân.

Dì Hai Xuân không phải họ hàng, là đồng đạo với những người thân của Búp Bê. Khi Búp Bê còn quá non nớt đã được đưa về ở tại “cốc” của dì ở huyện Chợ mới – An Giang.

Hàng ngày dì Hai chăm lo cho Búp Bê thân ái như con cháu của mình nên trong gia đình coi dì như người ruột thịt.

Một buổi chiều có hai đứa bé gái trong họ hàng đến chơi với Búp Bê, tới bữa ăn dì Hai Xuân bưng mâm cơm ra cho mấy đứa trẻ ăn trước. Búp bê thấy trong mâm đã đầy đủ chén, đũa thức ăn rồi nên xúc cơm ăn, còn hai đứa trẻ kia ham chơi khi quay lại thấy vậy, một đứa la lên: “Búp Bê tham ăn”.

Búp Bê vẫn tỉnh queo như không nghe thấy, đứa kia lại la tiếp như chọc tức: “Búp Bê ích kỷ quá”. Ngoại mỉm cười nói:

- Búp Bê là học trò của ngài Duy Ma Cật – Chắc bà ngoại nói dựa theo ý của ngài Duy Ma Cật nói với ngài Xá Lợi Phất là “Hà tất phải ngồi sững như thế mới là tọa thiền?” Sau khi hai bé gái kia về rồi. Ngoại mới hỏi Búp Bê – Lúc đó… tâm Búp Bê thế nào ? Búp Bê nói: “Lúc đó con sống với tâm chơn”

Sau này Búp Bê mới được chuyển về ở nhà bà ngoại tại huyện Lấp Vò tỉnh Đồng Tháp. Thỉnh thoảng cô bé quan sát những người trong nhà xem ai làm gì. Một hôm, dì Hai Xuân thấy cái bóng đèn không tiếp xúc được với điện liền dùng tay gẩy nhẹ thử coi nó có sáng không. Thấy vậy, Búp Bê nhắc dì Hai coi chừng điện giật. Dì Hai vô tình đáp một cách chủ quan: “Có sao đâu”. Búp Bê nghiêm nét mặt, nói:

- Dì Hai phải bảo vệ cái thân mà lo tu hành, bộ dì ham luân hồi lắm ?

Thế là dì Hai không còn câu nào nói nữa chỉ mủm mỉm cười, cái cười như thay cho lời nhận lỗi và coi như học phí trả cho bài giảng ngắn cho thần đồng.

Dì Hai vốn hiền lành ít nói, có lần để một cái tô gần chỗ Búp Bê ngồi ngoài hành lang mà không nhắc. Búp Bê cùng bà ngoại hý hoáy lựa gạo khi xoay người ra đụng phải cái tô. Búp Bê nói với ngoại:

- Ngoại ơi

- Gì vậy Búp Bê

- Cái tô này mà bị bể thì dì Hai thấy cái tâm của mình liền.

- Thấy tâm là thấy chỗ nào ? – Muốn nghe Búp Bê trả lời thế nào, ngoại thường hỏi ướm thêm.

- Khi con làm bể tô thì tâm của dì Hai Xuân vắng lặng cũng là lúc dì thấy tâm.

Dì Hai Xuân là người tu tập trước Búp Bê trên mấy mươi năm nên thông hiểu Phật Pháp nhưng vẫn rất khiêm tốn, cũng hay trao đổi kinh Phật với Búp Bê.

- Dì Hai thấy pháp Tham Thoại Đầu là bực thượng căn, còn dì là người hạ trí. Phải không Búp Bê ?

- Dì Hai đừng tự hạ mình như vậy. Con mới 7 tuổi là nhỏ, dì đã 53 tuổi là lớn, nhưng nhân gian nói Phật tánh thì bằng nhau. Dì phải tự tin mình như Đức Phật Thích Ca ngày xưa cũng nhờ có tự tin mà thành Phật.

Dì lại than thở:

- Hai tu quá lâu mà sao không thấy được Phật.

Nhìn thẳng vào mắt dì Hai Xuân, Búp Bê nói:

- Dì có thấy con gà trống nó gáy hoài mà cục mồi bên cạnh lại không ăn ?

Ý nói Phật trong tâm mình tự bao giờ mà không tin lại đi hóng tìm ở đâu. Không chỉ dùng kinh Phật để giảng giải mà Búp Bê thường hình tượng hóa có tính văn học, người nghe vừa dễ hiểu vừa thấm thía ý nghĩa sâu xa, đối đáp vừa rồi của dì Hai Xuân và Búp Bê có thể chứng minh điều này.

Đàn bà ngồi với nhau thường to nhỏ chuyện nhà rồi đến chuyện hàng xóm, có lần Búp Bê thấy ngoại và dì Hai như vậy liền can thiệp:

- Thôi, ngoại và dì Hai đi quá xa rồi. Dừng lại đi, tốn tiền xăng lắm đó.

Ẩn ý trong câu góp ý này là chỉ nên đi loanh quanh trong nhà mình thôi, đừng nên tùy tiện vào nhà hàng xóm. Hoặc nói lỗi người khác thì tổn phước, tu còn lâu mới đắc đạo.

Cũng như dì Hai Xuân có lần kể chuyện dì Bảy sắp rời nhà đi nơi khác. Búp Bê cười nhắc khéo: “Dì Hai nên lo ngôi nhà tâm của mình, còn ngôi nhà đời đã có người lo”.

Nhà của Búp Bê rơi vào tình trạng bị ô nhiễm tiếng ồn khiến cho dì Hai Xuân khó chịu nổi thành ra phiền não. Búp Bê thấy vậy, nói:

- Dì hai ơi. Người ta thử mình đó. Cảnh dù có động nhưng tâm mình giữ, đừng động.

- Búp Bê thấy dì Hai tu thế nào ?

Cô bé lại cười, nói:

- Dì tu sao để tự mình thấy mà đừng nhờ ai khác thấy mình

Thấy Búp bê muốn uống nước, dì Hai đem ly nước tới. Búp Bê định uống thì nhìn thấy xác một con kiến lờ đờ dưới đáy ly liền gọi:

- Có con kiến chết trong ly nước dì Hai ơi.

Dì Hai Xuân hấp hay mắt dòm vào ly nước hỏi:

- Kiến đâu ? Sao dì không thấy ?

- Con kiến nhỏ, nó giống những vi tế trong tâm ta phải nhìn kỹ mới thấy.

Muốn tu tâm phải chặn được phiền não là chặn vô minh. Bởi phiền não tạo ra nghiệp. Có diệt được phiền não thì phải có từ bi cao cả, phải có trí huệ. Tất cả liên hệ với nhau, nên người tu tập lúc nào cũng phải chánh niệm. Những lúc bà ngoại loanh quang bếp núc và dọn dẹp trong nhà, Búp Bê chẳng có ai chuyện trò, ngồi một mình trên giường.

Ai ra, vô, làm gì, tác phong đi lại ra sao được coi như những “diễn viên” cho Búp Bê… ngắm. Nếu ai làm việc gì bị phân tâm là Búp Bê thấy ngay. Ví dụ, có lần dì Hai Xuân đang ở bếp bắc cái siêu đất lên bỏ thuốc vào sắc. Tự nhiên Búp Bê nói:

- Dì hai bỏ thuốc vào siêu mà không… thiền.

Dì Hai thật thà hỏi lại:

- Sao biết dì không thiền ?

Búp Bê ngó ra phía cửa la lên:

- Dì Hai, có khách.

Dì Hai Xuân quýnh lên hỏi nhanh:

- Đâu ? Khách đâu ?

Búp Bê cười thành tiếng, nói to:

- Đó… Nếu dì có chánh niệm đâu có bị con… gạt ?

Lúc này dì Hai chỉ còn cười huề, chứ biết nói sao.

Thương dì Hai Xuân. Búp Bê lại nhờ ngoại lấy bút ra chép giùm một bài thơ tặng dì.

Con xin chúc Hai Xuân
Bao nhiêu điều phiền não
Tiêu tan hết chẳng còn
Chỉ còn tâm vắng lặng
Nơi Tây phương sen vàng
Nhờ chứng nghiệm nội tâm
Mới đạt tới nơi ấy
Để cứu độ chúng sanh
Vượt qua vòng sanh tử.

Cậu Tư đến thăm ngoại, gặp Búp Bê không thể không hỏi vài câu, xem như là tranh thủ học Pháp.

- Ta từ đâu tới, vậy Búp bê ?

- Thưa cậu, từ vô minh tới.

- Vậy vô minh từ đâu có ?

- Thưa cậu. Từ một niệm ra

Đối thoại chuyển sang ý khác. Lần này Búp Bê hỏi lại cậu Tư:

- Tâm hiện tại – quá khứ – vị lai. Cậu Tư chọn tâm nào ?

- Tâm hiện tại – Búp Bê phủ nhận “Không đúng” – Cậu Tư hỏi – Thế thì tâm nào ?

- Không chọn tâm nào cả. Vì khi có ước, có muốn, có chọn cũng là một dạng vọng tưởng.

Hết chuyện tâm linh, cậu Tư lại hỏi đến chuyện dưới âm:

- Búp Bê thấy ma bao giờ chưa ?

- Ma thì con chưa thấy. Nhưng ma tâm thì có.

Những cuộc đối đáp 100% là ngẫu nhiên mà Búp Bê hoàn toàn không biết trước người đối diện sẽ nói gì, hỏi gì ? Dù đó là người trong gia đình nhưng ở cách xa đó hàng chục cây số hay người từ khắp mọi nẻo vùng, miền xa nhau về địa phận, khác nhau cả về giọng nói và tập tục sinh hoạt cũng chung một niềm cảm phục khả năng về Phật Pháp từ một cô bé Thùy Trang đã được nhân gian gọi là Búp Bê, là thần đồng.

Mỗi khi được hỏi không phải suy nghĩ, đối đáp ẩn ý sâu xa về kinh Pháp, để lại trong tâm những ai đã được vấn đáp với Búp Bê một cách “Tâm phục, khẩu phục” từ những câu hỏi được Búp Bê đáp như Automatic.

Một trí huệ như đã được lập trình sẵn ở tận kiếp đã công phu tu học kinh sử mà ứng nghiệm vào cuộc đời cô bé Thùy Trang để độ nhân gian. Chính đó là điều bất ngờ, là điều kỳ diệu cho bất cứ ai đã có duyên tiếp cận với cô bé.

Một nữ tu sĩ Phật giáo Hòa Hảo trong một lần thăm Búp Bê đàm đạo về một câu trong sấm giảng của Đức Thầy, có thể coi như “kiểm chứng” cho lời đồn về Thần đồng này. Nữ tu sĩ đọc đoạn sấm giảng viết: “Tu với tỉnh bảo toàn thân thể – Giữ đừng mòn linh tánh mới hay”, rồi hỏi:

- Vậy ta phải làm sao cho “đừng mòn linh tánh” như Đức Thầy dạy ?

- Thưa cô – Búp Bê nói mạch lạc – Muốn giữ đừng mòn linh tánh thì khi tiếp duyên đối cảnh mình không nói hay, không nói dở, không nói cao, không nói thấp, không nói đúng, không nói sai. Nhưng vẫn luôn có tánh Biết trong đó.

5

ĐỐI PHÁP VỚI CHƯ – TĂNG – NI – PHẬT TỬ

Ngày 13/7/2007, Thiền viện Minh Đức tại huyện Tân Thành tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức một buổi giao lưu giữa Búp bê với gần 300 vị Chư, Tăng, Ni, Phật tử.

Tất cả đại biểu đều ngồi ghế, riêng Búp Bê thân hình nhỏ nhoi được ban tổ chức đặt ngồi trên một cái bàn để mọi người có thể quan sát được diện mạo.

Bé ngồi đó với sắc thái bình thản, ánh mắt ngỡ ngàng vì chưa xuất hiện trước các vị Hòa thượng, các vị Chư, Tăng, Ni, Phật tử đông như vậy trong một ngôi chùa lớn.

Trông bé như một búp sen đang vươn thẳng giữa đầm sen vậy.

Chứng minh cho buổi giao lưu lớn và quan trọng này, có Hòa thượng Thích Giác Hạnh – Phó Trưởng Ban Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Tỉnh – Trưởng Ban Hoằng Pháp – Viện chủ các Chùa Hội Phước, Phước Duyên, Phước Lâm tỉnh Bà Rịa Vũng tàu; Hòa thượng Thích Nguyên Trực; Hòa thượng Thích Giác Cầu.

Thượng tọa Thích Minh Đức trụ trì thiền viện Minh Đức là trưởng ban tổ chức, đích thân dẫn chương trình.


Buổi vấn đáp về Phật Pháp này của Búp bê có thể nói là rất thú vị, tạo nhiều bất ngờ với những vị tham dự.

Một nhà sư chuyển lên ban tổ chức câu hỏi. Thầy Minh Đức đọc: “Tôi cả đời chỉ biết một chữ tu, từ 9 tuổi đã tham gia làm nhiều việc lành mà đến nay vẫn bị nghiệp chướng ngăn chính đạo, chừng nào tôi hết nghiệp chướng?"

Một cái micro không dây chuyển đến bàn tay bé nhỏ của Búp bê., bé nói:

- Dạ thưa. Trong nghiệp tu của mình muốn hết nghiệp chướng, phải sống với chính mình. Làm sao phải sống được với cái tâm của mình thì giải nghiệp chướng nhanh hơn.

Một câu hỏi khác được thầy Minh Đức đọc: “Ngày nay có thánh nhân ẩn dật, hay có xuất hiện để độ đời không?

Búp Bê trả lời ngắn gọn:

- Theo Búp Bê. Mình không cần biết điều đó, chỉ nên biết cái gì mình cần, mới biết.

Những câu hỏi dưới hàng ghế người tham dự liên tiếp chuyển lên. Thượng tọa Thích Minh Đức đọc tiếp: “Người tránh xa ngũ dục lạc có thề đắc quả trong kiếp này không?”.

Búp Bê đáp:

- Tránh xa ngũ dục chưa thể đắc đạo mà phải tránh xa phiền não tham sân si và nhiều cái nữa thì mới đắc đạo được.

Hỏi:

- Tôi đọc trong Lâm tế ngũ lực, khi một nhà sư có đến hỏi học đạo thì bị lấy gậy đánh mấy lần mà không giải một lời Pháp nào. Như thế là thế nào ?

Búp Bê ngánh về phía Thượng tọa Thich Minh Đức:

- Búp Bê xin nhắn với Phật tử đó là dừng ngay lại đừng hỏi thêm nữa.

Một số câu hỏi không liên quan đến lý tu thì Búp Bê nói “Không hiểu”.

Cách trả lời của Búp Bê không sử dụng câu chữ dài dòng mà ngắn gọn đúng trọng tâm là dừng. Hầu hết những câu hỏi do các Chư, Tăng, Ni, Phật tử thông hiểu kinh Pháp, đã lựa những câu khó trong kinh Phật mang tính “thử” Búp bê trả lời có được không.

Có người còn tò mò: “Cô có nhớ đến tiền kiếp của cô không? Xin cho biết họ tên và nơi sinh sống của kiếp vừa qua?

- Dạ, thưa Thầy. – Búp Bê ý nói với thầy Minh Đức – Người Phật tử đó dẹp bỏ những gì mình không cần, đừng tìm hiểu kiếp sống của người khác.

Hoặc có câu hỏi cũng có tính chất “thử” thế này: “Tại sao Búp Bê không đi như bao người khác?” Thì Búp bê trả lời gọn 5 từ:

- Đó chính là nhân duyên?

Câu hỏi trên có thể khiến ta nghĩ tới nhân vật Ngộ Tĩnh – nguyên là một vị tu hành trở thành thánh được phong Quyện Liêm ban bửu trượng chầu Hoàng thượng trên cung đình, lỡ làm bể lưu ly bị đày xuống sông Lưu Sa dưới hạ giới, lấy tên sông làm Pháp danh là Sa Ngộ Tĩnh, phụng lệnh Bồ Tát chờ Đường Tăng thỉnh kinh qua sẽ theo làm đồ đệ.

Khi gặp Đường Tam Tạng, Ngộ Tĩnh quỳ vái, Đường Tăng thấy vái giống người tu hành nên đặt tên là Sa Tăng.

Cho nên Búp Bê không phân tích dài dòng mà trả lời câu hỏi trên với 5 chữ “Chính là nhân duyên” là vậy.

Một thích nữ tì kheo, hỏi: “Làm thế nào thoát khỏi bệnh hôn trầm?”

- Vậy, phải định tâm. Định cách nào để hết hồn trầm, để kiến đạt đến con đường giải thoát – Búp Bế đáp.

Thầy Minh Đức đọc câu hỏi tiếp theo: “Căn cứ cơ sở nào? kinh sách nào? Kinh nghiệm nào mà Búp bê tham vấn với Phật tử về Phật Pháp?

Búp Bê thật thà, nét mặt biểu lộ hơi vui:

- Dạ thưa. Con sống cũng có cái gì đó… con cũng không biết nữa mà tự nhiên có năng lực… mà con có thể trả lời những câu về Phật Pháp…

Hỏi: “Có ai tư vấn cho Búp Bê trước khi tham dự buổi vấn đáp lớn như thế này không?”

- Thưa không, nếu có sự chuẩn bị thì Búp bê sẽ không trả lời được tự nhiên nên con đến đây trả lời các câu hỏi một cách tự nhiên thôi.

Các vị Hòa thượng đến chứng minh cho buổi vấn đáp này là người hỏi sau cùng. Hòa thượng Thích Giác Hạnh hỏi trước:

- Xin hỏi Búp Bê một câu: “Trong khi tu có 2 cái tâm: Tâm sinh diệt và tâm hiện tiền. Xin Búp Bê… chỉ cho để tu”.

Biết Hòa thượng muốn thử Búp Bê sẽ đối thế nào. Nhưng Búp Bê đã không đối mà ứng xử với một phong thái điềm tĩnh như một vị tu từng trải, nói:

- Thưa Hòa thượng. Theo con thấy, thì… – Khóat tay – Xin mời Hòa thượng uống nước – Rồi quan sát Hòa thượng – Cả hội trường bất ngờ vang tiếng cười ròn tan như gió ngàn ùa về lay động đầm sen. Mọi người quá rõ ý của người hỏi và ý ứng xử “Mời Hòa thượng uống nước” của người được hỏi – Búp Bê tủm tỉm cười rồi mới buông câu – Vì con không dám nhận.

Búp Bê nói: “Vì con không dám nhận” là do sau câu hỏi của Hòa thượng có thêm 4 từ “… chỉ cho để tu” thì với tư cách một em bé mới 6 tuổi chưa đọc kinh sách bao giờ làm sao có thể dám chỉ giáo cho một vị Hòa thượng, cho nên Búp Bê đã đối bằng cách… “Xin mời hòa thượng uống nước”.

Một Hòa thượng khác hỏi: “Con từ đâu đến ? Con biết không?” – Búp Bê không trả lời mà hỏi lại:

- Thưa Hòa thượng. Hòa thượng từ đâu đến ?

Và câu hỏi của vị Hòa thượng thứ ba: “Con sẽ đi về đâu?” Búp Bê bình tĩnh trả lời:

- Dạ… Thưa Hòa thượng. Con chưa đi nên con chưa biết.

Trước đó, trong gia đình Búp Bê có một lần cậu Tư tới thăm đã hỏi một câu tương tự như vậy. Nhưng ở đây câu hỏi đặt ra từ các vị Hòa thượng, câu, chữ, có vẻ giống nội dung nhưng cách nhả âm chứa đựng ẩn ý sâu xa đến phong thái của các vị Hòa thượng mà Búp Bê hiểu ý nên đã không trả lời. Cô có ý thức của người biết phép thứ bậc trong đạo Phật thì Búp Bê không cho phép mình “giảng” lại với các vị Hòa thượng.

Để tránh điều này nên cô bé đã khôn khéo… hỏi ngược lại trước mỗi câu hỏi của các vị Hòa thượng.

Xin trích dẫn một đoạn kinh sau có thể hiểu vì sao Búp Bê không trả lời các vị tiền bối: “Có lần Đường Thuận Tông hỏi thiền sư Phật Quang Như Mãn: Phật từ đâu đến? Tịch diệt đi về đâu? Nghe nói Phật thường trụ ở đời, bây giờ Phật ở đâu?

Thiền sư Như Mãn đáp: “Phật từ vô vi đến, tịch diệt trở về vô vi. Pháp thân như hư không, có trụ về vô trụ, đến vì chúng sinh đến, đi vì chúng sinh đi, thanh tịnh biển chân như, lặng lẽ thể thường trụ. Người trí khéo tư duy, chớ có sinh nghi ngờ”.

Vốn là thần đồng về Phật Pháp nên những câu hỏi của các vị Hòa thượng, Búp Bê dường như hiểu ý thâm sâu trong kinh Phật mà các cao tăng muốn dựa vào để thử Búp Bê đối sách thế nào.

Trước khi kết thúc buổi giao lưu, Hòa thượng Thích Giác Hạnh. nói:

- Qua những câu hỏi… Có những câu hỏi không đúng trọng tâm, chính tôi cũng không biết trả lời ra sao đừng nói đến Búp Bê. Một em bé chưa nghe giảng, không học hành gì nên kinh tạng chưa hiểu. Những đối đáp của Búp Bê, cho thấy là ứng khẩu, không phải người đã học bài bản.

Theo đạo Phật, có thể Búp bê là một chủng tử. Không phải tự nhiên mà có năng lực này, mà trước đây cũng đã có tu. Qua sự triển biến của luân hồi nên kiếp này không thể quên hết.

Mười phần đã tu, đã học kiếp trước thì nay nhớ được 8 phần, không quên hết Phật Pháp. Như các vị Lạt Ma tái sinh hầu hết cũng nhớ được 8, 9 chục phần..

Đây là trường hợp ngoại lệ còn rơi rớt trong tiềm thức…

6

Bốn tuổi chưa biết đọc, biết viết – Làm thơ

Cô bé Thùy Trang nay đã 10 tuổi, nhưng khi mới trên ba tuổi giọng nói còn líu lo như chim mới ra ràng, chưa biết đọc, biết viết, tâm hồn Búp Bê đã lấp ló ý thơ.

Mỗi lần muốn làm thơ, thi sĩ “nhí” phải gọi bà ngoại hý hoáy viết giùm.

Thông thường với một người trước khi trở thành thi sĩ phải có vốn sống, phải đi nhiều, tiếp xúc nhiều, đọc nhiều. Nhưng với một bé thơ bốn tuổi, thậm chí không đi được thì khai thác từ quỹ sống nào để tạo thành thơ ?

Sinh ra đã có sẵn trí tuệ Phật Pháp hơn người nên bé gieo ý gì trong thơ cũng nương vào tâm từ bi của Phật để sáng tác. Thơ của bé chỉ dành cho người thân trong gia đình, họ hàng và các Ni ở các chùa mà Búp Bê đã tiếp xúc, rất trong sáng, ngộ nghĩnh.

Chất liệu trong thơ của bé tuy thiếu vắng hình ảnh hương đồng, gió nội, hoặc mô tả nỗi vui, buồn thông thường của con người, mà tâm từ, chất hạnh của một người tu được làm tư tưởng chính trong thơ để tạo thành những cung bậc đủ để người đọc gật gù, mỉm cười thán phục một nhà thơ chưa đầy bốn tuổi, ngoài khả năng uyên thâm về Phật Pháp lại còn một khả năng nữa là … thi sĩ.

Xin giới thiệu 10 bài trong 19 bài thơ đầu đời từ một tâm hồn bốn tuổi.

BÀI KỆ

Phiền não trải qua rồi
Tâm như như bất động
Thấy các Pháp đều không
Như gương trong phẳng lặng

Nhìn văn vật trên đời
Thấy tâm vẫn trống không
Người nào tu định tuệ
Thấy tâm như trí huệ

Cuộc đời này tạm giả
Có ai biết chăng nào
Khi tâm ta được định
Thấy vạn vật như không

Khi mình nhìn vạn vật
Nhưng tâm mình không loạn
Tai nghe lời chửi mắng
Tâm vắng lặng như như
Khi tâm mình đối cảnh
Tâm yên lặng thanh nhàn

CHÚC BÁC NĂM

Con xin chúc bác Năm
Được thật nhiều trí huệ
Để gieo khắp duyên lành
Bồ đề tâm tỉnh ngộ
Sáng suốt tâm lành minh
Cho thật nhiều hột giống
Để gieo khắp mọi nơi
Cho mọi người sáng suốt
Để được nhiều phước thêm
Bồ đề tâm vững chắc
Đến đây con xin dừng


CHÚC ÚT LÀNH BẠN SEN

Con xin chúc bà Út
Được tâm minh huệ sáng
Cho phiền não chẳng còn
Phiền não ấy là giả
Nên thấy giả mà buông
Nếu biết giả đừng chấp
Nên buông đi nhẹ nhàng
Đừng chấp mắc chuyện gì
Mọi cảnh ngoài là giả
Nhớ thấy rõ nội tâm
Mới hiểu tới chỗ này
Nhớ niệm Phật hàng ngày
Sớm vãng sanh cực lạc


CHÚC DÌ NĂM BẠN SEN

Con xin chúc dì Năm
Tâm sớm khai trí tuệ
Để gieo khắp duyên lành
Cho mọi người sáng tỏ
Để được nhiều phước thêm
Thoát được cảnh luân hồi
Vãng sanh nơi lạc Quốc
Sẽ được Phật ban cho
Không còn sanh, tử nữa
Để dứt nghiệp trần mê
Cho Bồ Đề được sáng
Tâm ngộ mãi, ngộ hoài
Chuyên cần lo tu tập
Sẽ chứng quả Bồ Đề
Tâm như như bất động
Là được Phật rước về
Con xin chúc dì Năm
Đến đây xin tạm dừng
Nam Mô A Di Đà Phật

CHÚC SƯ CÔ Ở CHÙA AN HÒA

Con xin chúc sư cô
Được thật nhiều trí huệ
Cho tâm linh rộng mở
Được hưởng cảnh an nhàn
Để gieo duyên khắp chỗ
Độ tất cả chúng sanh
Xin tóm tắt bài kệ
Búp Bê chúc sư cô
Được thật nhiều sức khỏe
Tâm an nhiên vắng lặng
Thì liền đáo Tây phương
Tâm an cảnh định
Trí huệ phát khai
Vãng sanh cực lạc.


CHÚC QUÝ BÀ BÊN CẠNH CHÙA AN HÒA

Con xin chúc quý bà
Được ngày ngày thanh tịnh
Cho trí huệ mở ra
Tâm lành minh sáng suốt
Để được sống an vui
Bồ đề tâm vũng chắc
Không còn bị não phiền
Chuyên trì câu lục tự
Bao nhiêu điều khổ não
Chẳng còn ở nơi tâm
Mọi việc trần phủi cả
Để gieo rắc duyên lành
Cùng tất cả chúng sanh
Vượt qua vòng sanh tử
Đi thẳng tới Tây phương
Được gặp Phật Di Đà
Nỗi mừng vui khôn xiết
Vui mừng ấy tại tâm

Để tóm tắt bài kệ
Búp Bê có mấy lời
Xin kính chúc quý bà
Được thật nhiều sức khỏe
Sớm chiều lo phản tỉnh
Đẹp tâm, đẹp nết, đẹp người
Đẹp luôn duyên dáng cho đời soi gương
Cuộc đời như bọt nước trôi
Bao nhiêu tham nhục kéo lôi con người

CHÚC BÀ NGOẠI

Con chúc ngoại yên vui
Sống cuộc đời thanh thản
Cho tâm linh được sáng
Sẽ được Phật rước về
Chim phát xuất từ đâu
Rồi đâu chim lại chết
Cảnh vô thường biến đổi
Trong lúc tâm vô thường

Tu cho đạt lý mầu
Để thấu Pháp cao sâu
Vượt khỏi vòng sanh tử
Không còn đau khổ nữa

Được vĩnh viễn an vui
Tâm mãi mãi giải thoát
Tâm được định hoàn toàn
Được vãng sanh cực lạc


CHÚC BÀ NGOẠI NHÂN NĂM MỚI

Bước sang thềm năm mới
Con xin chúc bà ngoại
Đạo tâm luôn phấn khởi
Để hưởng cảnh an vui
Ngày ngày lo tu niệm
Sớm diện kiến Phật tâm
Lúc đi đứng ngồi, nằm
Thường soi tâm cho tột
Được thấy rõ tâm mình
Như gương trong phẳng lặng
Một màu không ô nhiễm
Phủi sạch hết bụi trần
Được an vui giải thoát
Sống thanh thản an nhàn
Không còn lo bận rộn
Là cực lạc thế gian
Con xin có mấy lời
Đến đây xin tạm dừng
Nam Mô A Di Đà Phật


CHÚC CÔ GIÁO PHỤNG

Được ngày ngày thanh tịnh
Cho trí huệ sáng ra
Để cuộc đời tươi sáng
Để được nhiều phước điền
Sống an vui thanh tịnh
Được ngộ quả giải thoát
Nhớ quán chiếu nội tâm
Đến đây xin tạm dừng


TẶNG THẦY GIÁO NHỰT ĐỨC

Thấy muôn Pháp đều không
Không, không, không tất cả
Đừng bị rớt nửa chừng
Cuộc đời nay là giả
Cùng tất cả chúng sanh
Vượt qua vòng sanh, tử
Đến đây xin tạm dừng
Nam Mô A Di Đà Phật


Sau này, Búp Bê tự học, tập đọc, tập viết ở nhà.

Lời kết

Trong đời thường, Búp Bê vẫn vô tư, vui vẻ và chơi đùa với những đứa trẻ hàng xóm sang chơi thì cùng đọc truyện, cùng chơi gì đó, có lúc Búp Bê chỉ ngồi trên giường loay hoay với những Phật cụ riêng của mình.

Chỉ khi nào có khách tới thăm muốn tham vấn về Phật Pháp, người ta lại thấy một Búp Bê đĩnh đạc, nét mặt nghiêm túc, giọng nói không trầm, không bổng, rõ ràng, ngắn gọn, chẩn xác, tự tin, “uy” như một thiền sư đang ngồi giảng.

Do sức khỏe, một phần chưa biết chữ nên chưa nghiên cứu kinh sách nên cách giải đáp không dùng các từ Hán – Nôm như những giảng sư. Búp Bê thường nói những gì cần nói một cách xúc tích, sâu sắc, đúng kinh Pháp, biểu lộ nhiều điều về phước, đức, gieo từ bi, người nghe dễ hiểu. Đã khiến mọi người chú tâm nghe, để lại ấn tượng sâu sắc, không bị thoát ra ngoài tâm. Góp phần khai thông trí tuệ cho người đang tu học.

Qua buổi tham dự vấn đáp với các Chư – Tăng – Ni – Phật tử tại Thiền viện Minh Đức, cho thấy Búp Bê tuy chưa có điều kiện nghe giảng Pháp, học hỏi kinh Phật, nhưng trong tiềm thức đã có sẵn kiến thức Phật học sâu rộng, có bản lãnh trả lời những câu hỏi, những thắc mắc của các vị đại biểu tham dự đặt ra.

Trong đó có một số câu hỏi có tính chất bắt bẻ của thính chúng, Búp Bê đã bản lãnh ứng xử một cách từ bi, bình đẳng. Luôn nương vào kinh Phật giải đáp giáo pháp một cách thực lòng để họ dễ hiểu và có thể thực hành, giống như người thầy thuốc tùy theo căn nguyên gây ra bệnh mà cấp toa thuốc vậy. Phật dạy: “Người Phật tử tu tập cũng tùy duyên” để trên bước đường tu, tâm không bị dao động mỗi khi gặp chuyện ngang trái cuộc sống hàng ngày.

Đặc biệt là khả năng làm thơ của Búp Bê cũng khiến người đọc ngạc nhiên, từng ý, từng từ vận dụng trong mỗi bài đều dựa vào chủ đề về tâm Phật. Trong bài thơ chúc bà ngoại, Búp bê đã dùng hình tượng cái gương làm sự phản chíếu cho người đang tu soi dọi, để tự nhìn vào tâm mình. Đó là sự độc đáo ở câu: “Như gương trong phẳng lặng Một màu không ô nhiễm…”.

Có lẽ ngoài đời chưa ai gọi là “mầu” gương, cũng chưa một nhà thơ nào lại coi mặt gương có “mầu” mà Búp Bê đã thăng hoa sự trong sáng của mặt gương là Một màu không ô nhiễm. Là sự sáng tạo của vần, câu, chữ trong thơ về đạo Phật của một cô bé 4 tuổi, chưa biết đọc, biết viết. Không thể gọi Búp Bê khác hơn là “Thần đồng”, cả về Phật Pháp và lĩnh vực làm thơ.

(Nguồn: http://www.phattuvietnam.net/7/11126.html)


xin nghe các bài thuyết giảng của Như Ý




















Xem thêm các video này, kể về cô bé hồi nhỏ và vân vân:




Và một vị Thượng Tọa từ Thụy Điển và một số nhà ngoại cảm VN tới thăm cô bé khi 8 tuổi:


No comments: