2011-08-05 | Trần Nhân | Chuyện Trong Tuần
Gần đây, cuộc xung đột trên Biển Đông xẩy ra dồn dập. Trong và ngoài nước xôn xao. Nhiều câu hỏi cất lên : Liệu Trung quốc sẽ gây chiến với Việt Nam ? Làm như Tôn Sĩ Nghị sắp vượt biên giới vào Thăng Long.
Thật là lo voi chết không hòm. Quanh quẩn mải trên hình cong chữ S, người ta ít nghĩ ra chuyện.
Đành rằng Tây phương không có đồng bộ chính trị. Cùng là những quốc gia dân chủ, phi Cộng sản, nhưng ông Pháp đi với Hà Nội 80%, ông Mỹ 50%, ông Đức 40%, v.v… Các số này giả tưởng để nói rằng dù chống Cộng, các ông vẫn thản nhiên giúp Hà Nội. Không như người chống Cộng mơ ước.
Tây phương cùng nhau tranh ăn, mở ra thị trường béo bở, mộ nhân công lương rẻ như bèo. Thế thôi.
Nhưng khi Tây phương bị đánh ngã, họ liền đứng thành khối chống trả. Đồng Minh chống trục Đức Ý Nhật là một ví dụ. Sau Yalta, Đồng Minh Tây phương lại kết đoàn đánh ngã anh khổng lồ Xô Viết.
Ngay nay là anh khổng lồ Trung Hoa.
Trong vòng 30 năm tới, Trung Hoa chưa thể gây chiến. Vì lực lượng quân sự không đương đầu nổi Hoa Kỳ. Trong khi đó, liên minh Ấn Nhật trên đường hình thành chống chủ nghĩa Đại Hán.
Việt Nam sẽ là lá chắn Trung Hoa bước xuống Đông Nam Á chăng ? Câu hỏi được trả lời bằng sự nắn gân thông qua những biến động Biển Đông.
Cho nên nói lo voi chết không hòm, là mối lo chưa thể xẩy ra lúc này. Xáp chiến làm gì khi người của Trung Cộng nằm chình ình trong Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt. Thử nhìn vài ví dụ về sự điều khiển Việt Nam đối ngoại của Trung Cộng :
- Giữa năm 1954, Chu Ân Lai triệu Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp sang Liễu Châu nhằm chỉ thị bắt Phạm Văn Đồng không được đòi hỏi Pháp thái quá tại hội nghị Genève. Đồng đòi cắt Việt Nam ở vĩ tuyến 13, đành kéo lên vĩ tuyến 17.
- Bắc kinh triệu tập Phạm Văn Đồng sang Thành Đô tháng 9 năm 1990 để o ép Hà Nội chấp nhận giải pháp thân Mỹ về Cam-bốt của Trung quốc. Lúc ấy cũng như bây giờ Trung quốc cần Mỹ hơn Mỹ cần Trung quốc.
- Ngoại trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch chỉ muốn thương thảo với Hoa Kỳ để thoát cảnh cấm vận, thế mà đã bị Bắc Kinh cách chức vào năm 1991.
Do cuồng tín ý thức hệ mà lãnh đạo Hà Nội đánh mất quan điểm dân tộc, nên bó tay trước các vấn nạn. Hà Nội khăng khăng xem Bắc Kinh như đàn anh lãnh đạo Xã hội Chủ nghĩa để chống đế quốc. Trong khi quan hệ Bắc Kinh với Việt Nam chỉ là thân nhưng không gần, sơ nhưng không xa, đấu tranh nhưng không đánh nhau - thân nhi bất cận, sơ nhi bất viễn, tranh nhi bất đấu !
Vấn đề Trung quốc ngày nay là chuyện cho toàn thế giới.
Cuộc thăm dò qua 27 quốc gia của Đài BBC Quốc tế Vụ tháng 3 đầu năm nay cho thấy cảm tình người dân Tây phương gia tăng đối với Trung quốc. Anh quốc đứng hàng thứ 8 sau Hoa Kỳ, Pháp đứng hàng thứ 5. Tại Phi châu, 85% dân chúng Nigeria có cảm tình nồng hậu với Trung quốc. Hơn cả người dân Trung quốc vốn chỉ có 77%.
Nhờ đâu có sự gia tăng này ? Những năm 60, Bắc Kinh xuất cảng chủ nghĩa Mao, biến trí thức Tây phương thành người Mao-ít như Jean Paul Sartre, mở ra những phong trào du kích thành thị ở các đại học.
Nay Trung quốc xuất cảng ông Khổng Tử. Hiện có 322 Viện Khổng Tử thiết lập trong 96 nước trên năm châu. Tân Hoa xã phỏng vấn cựu Thủ tướng Pháp Jean-Pierre Rafarin cuối năm ngoái, ông này cho biết vợ ông đang theo học Hán ngữ từ 4 năm qua tại Viện Khổng Tử rộng bốn nghìn mét vuông ở Paris quận 8. Viện Khổng Tử ở Poitiers, vùng ông ở, dựng lên với số tiền một triệu Euros, Bắc kinh góp thêm 792.000 Euros. Tiền người dân Pháp đánh thuế dùng cho việc tuyên truyền của Bắc Kinh. 14 Viện Khổng học tại Pháp thu hút 260.000 học viên.
Không bằng súng đạn, mà bằng văn hóa, tức Quyền Lực Nhuyễn, Trung quốc xâm lăng thế giới.
Giáo sư Sử học ở Đại học Oregon Hoa Kỳ, Glenn Anthony May báo động hiện trạng này qua bài viết “Quyền lực nhuyễn (Soft power) của Trung quốc tại các đại học Hoa Kỳ”. Hoa Kỳ có 70 Viện Khổng Tử. Giáo sư May cho biết hiệp ước ký kết giữa hai đại học Hoa Kỳ và Bắc Kinh bó buộc Viện Khổng Tử ủng hộ đường lối chính trị của Bắc Kinh. Tại các đại học Hoa Kỳ, giáo sư và sinh viên tự do thảo luận mọi vấn đề, kể cả chính sách của Hoa Thịnh Đốn. Thế nhưng nay tại các Viện Khổng Tử ba chữ T trở thành cấm kỵ (Taiwan, Tibet, Tianmen – Đài Loan, Tây Tạng và Thiên An Môn).
Trung quốc xuất cảng hàng hóa ra toàn thế giới cùng lúc với nạn kiểm duyệt khắc khe ở Bắc Kinh. Hiện đang có 250 đơn xin lập Viện Khổng Tử gửi về Bắc Kinh. Người ta vui vẻ đón mời chiếc dây thòng lọng thắt vào cổ mình.
Đây chính là cuộc xâm lăng không tiếng súng.
Làm gì trước hiện trạng xâm lăng bằng văn hóa ? Biểu tình phản đối ư ? Đốt các Viện Khổng Tử ư ? Nhưng đốt viện này Bắc Kinh lập viện khác, lớn hơn, đồ sộ hơn.
Phản ứng tự nhiên của kẻ yếu là chống và đối đầu, như con chuột dưới móng vuốt mèo vờn. Sao không bày ra một thế cờ khác ? Chẳng hạn Việt Nam sẽ dựng lên những Viện Hùng Việt để thu phục cảm tình thế giới và lòng người Việt ? Mở ra một trận địa văn hóa khác, vượt thoát văn hóa nô dịch Tàu.
Nhưng làm sao hình thành những viện ấy khi người làm văn hóa tại Việt Nam đang nhúng chàm vào nền văn hóa vong thân Mác-Lê-Hồ, chẳng có chút truyền thống dân Việt từ thưở các Vua Hùng ?
No comments:
Post a Comment