Wednesday, August 29, 2012

LÂM CHƯƠNG * SOC CON TRĂNG

Sóc Con Trăng



Sóc Con Trăng. Cái địa danh lạ lùng, nằm về phía Tây Nam, sát biên giới Việt Miên. Nếu so với ngàn xanh mênh mông, Sóc Con Trăng chỉ là một trảng trống rất nhỏ giữa rừng già, thuộc mật khu Dương Minh Châu. Nhìn vào bản đồ quân sự, nơi đây có những vòng cao độ màu nâu thưa thớt, biểu thị một ngọn đồi thoai thoải. Ước hiệu bản đồ còn cho thấy, có chừng vài mươi nóc nhà nằm rải rác trong khu vực. Nhưng hiện tại, Sóc Con Trăng hoàn toàn hoang dã. Những nền nhà cũ của một thời xa xăm, đã mất dấu.
Sớm mai. Ðứng trên đồi nhìn ra bìa rừng. Sương mù kéo một vệt dài trắng xóa, như dải lụa bạch vây quanh chân đồi, che lấp cây xanh. Khi mặt trời vừa lên, sương tan rất vội. Phút chốc, cảnh vật hiện ra rõ nét, biến đổi không ngờ. Rồi sương chiều lại tụ, lúc mặt trời chìm khuất sau rừng cây yên ả. Cái yên ả đìu hiu giả tạm bề ngoài. Trời vừa chạng vạng, chim rừng thôi líu ríu trên cây. Mặt đất bắt đầu nhá nhem bóng tối thì từ trên đồi có những người đi xuống, xâm nhập vào rừng cây. Và ở một nơi bí mật nào đó, cũng có những kẻ âm thầm len lỏi, tiến sát về Sóc Con Trăng. Tất cả, họ là loài săn mồi ban đêm. Trong im lặng của rừng già, ẩn giấu biết bao điều hiểm nguy bất trắc. Những đôi mắt mở trừng không xuyên qua được bóng tối, họ vận dụng khả năng thính giác. Gióng lỗ tai nghe ngóng. Tiếng vỗ cánh của con chim đớp muỗi, cũng làm họ chú tâm lo lắng. Tiếng gãy đổ một cành cây khô, cũng làm họ giật mình hồi hộp. Súng luôn mở khóa an toàn, trong tư thế sẵn sàng khai hỏa. Tử thần không bao giờ nhân nhượng cho kẻ vô ý để mình bị đối phương phát hiện trước. Khó có cơ hội rút kinh nghiệm bản thân để sửa sai, sau lần đầu tiên lầm lỗi. Xác suất sống còn rất ít, khi đứng trước tầm đạn địch.

Một ngày giữa tháng Chạp. Tiểu đoàn được trực thăng vận vào vùng đất ấy. Vùng đất mà thời bình không ai thèm bén mảng. Nhưng trong thời chiến, đó là một yếu điểm, các nhà quân sự muốn chiếm lấy ưu thế, chận họng đối phương. Và đối phương lúc nào cũng cảm thấy khó chịu. Họ muốn móc cái xương vướng mắc trong cổ, để khai thông huyệt đạo từ Quảng Ðức, Phước Long, Bình Long xuống Tây Ninh, và từ Kampuchia vào mật khu Dương Minh Châu. Thế là Sóc Con Trăng trở thành chiến địa. Hai bên đổ máu, giành nhau từng thước đất trên ngọn đồi khô, đầy những cỏ dại phất phơ bông trắng. Dưới chân đồi cũng chẳng có gì hơn, ngoài loại cỏ tranh cao ngang bụng, trải dài ra tận bìa rừng.

Ngày đầu tiểu đoàn đến đây. Tình hình còn rất yên tĩnh. Có thể đối phương chưa kịp chuẩn bị để làm một cuộc tấn công. Nhưng vẫn phải đề phòng bị đánh úp bất ngờ lúc tiểu đoàn đang chân ướt chân ráo. Các toán tiền đồn, và tuần tiễu an ninh chung quanh khu vực, hoạt động ráo riết. Số còn lại, lo ổn định vị trí, bắt tay vào việc đào công sự phòng thủ. Bộ chỉ huy tiểu đoàn đóng trên đỉnh đồi, ngay trung tâm cái mỏ ác của những vòng cao độ. Từ đó, có thể nhìn bao quát được các đại đội nằm bao quanh dưới lưng chừng đồi.

Mọi người trong tiểu đoàn đều biết, nhảy vào Sóc Con Trăng là một thử thách lớn đối với địch quân, đông hơn nhiều lần. Hai công trường 7 và 9 của quân Bắc Việt đang áp sát biên giới, phía bên kia phần đất Kampuchia. Theo cái công ước quỷ quái gì đó, cam kết hai nước không xâm phạm biên giới lẫn nhau. Quân Bắc Việt lợi dụng lãnh địa an toàn này, làm căn cứ hậu cần vững chắc. Ðưa quân sang biên giới đánh đấm. Xong, rút về bên kia dưỡng quân. Tiểu đoàn bị ngăn cấm tuyệt đối, không được nã pháo qua Kampuchia. Không có cuộc chiến nào quy định những điều bất lợi lạ lùng như thế. Chịu thiệt thòi để giữ cái tình giao hảo của hai quốc gia. Thằng nào tức thì cứ chửi đổng, nhưng lệnh vẫn phải thi hành. Tòa án quân sự đang chờ đợi những ai vi phạm quân kỷ ngoài mặt trận, để tống vào quân lao. Tên nào cũng ớn!

Không qua được biên giới, người ta thả tiểu đoàn xuống Sóc Con Trăng, làm miếng mồi nhỏ, nhử đàn kiến lớn bu lại để tiêu diệt. Nhưng tiêu diệt bằng cách nào, chỉ có mấy ông tướng tư lệnh quân đoàn, sư đoàn biết. Anh em lo ngại, không khéo cả đơn vị sẽ phơi thây trên ngọn đồi này, nếu đối phương quyết tâm áp dụng chiến thuật biển người, tiền pháo hậu xung. Trong pho chiến sử đã từng ghi lại các trận đánh đẫm máu, lấy mười đổi một, chỉ với mục đích làm bàn thắng, gây tiếng vang và mặc cả trên bàn hội nghị. Sóc Con Trăng có quan trọng đến mức đối phương phải trả cái giá quá đắt như thế hay không? Ðâu ai biết. Dù gì đi nữa, một khi đã vào tử địa, không có con đường lựa chọn nào khác hơn là tử thủ, quyết liệt chiến đấu. Ai cũng muốn còn cái mạng trở về. "Giành sự sống trong nỗi chết". Câu nói hồi còn trong quân trường là châm ngôn duy nhất để giữ mạng mà thôi.

Tôi là trung đội trưởng. Một chức vụ nhỏ trong guồng máy lớn. Chỉ huy hơn hai mươi tay súng. Nằm tuyến đầu, trước mũi đạn. Chịu cái gian nguy của một khinh binh. Lại đèo thêm nhiệm vụ làm gạch nối từ đại đội trưởng xuống anh em binh sĩ. Sức ép của cả hai bên dồn lại, trung đội trưởng chịu đủ tiếng chì tiếng bấc. Anh em binh sĩ bê bối, đại đội trưởng khiển trách trung đội trưởng. Công tác cực nhọc, hành quân không có lúc nghỉ, anh em cằn nhằn văng tục, trung đội trưởng nghe. Những khi rỗi việc ngồi tán gẫu, bạn bè nói đùa ám chỉ trung đội trưởng là cầm cặc chó đái. Dù nói đùa, nhưng không phải không đúng. Làm trung đội trưởng, chẳng ăn được cái giải gì, chỉ khổ thân. Con nhiều cha, tụ về một mối. Mỗi người ương ngạnh một kiểu khác nhau. Không dễ chỉ huy. Hai năm làm trung đội trưởng, cho tôi nhiều kinh nghiệm đắng cay. Mềm quá, bị coi thường lờn mặt. Cứng quá, gây bất mãn. Tốt nhất là hòa mình cùng anh em đồng đội, nhưng có lúc cũng phải mượn kỷ luật làm răn đe những anh ba gai, hoặc tắc trách trong nhiệm vụ.

Hoàn cảnh gia đình để lại sau lưng, về đây làm những đứa con trung đội, chịu chung một tình huống. Bỏ đi những tị hiềm dị biệt. Nương tựa vào nhau mà sống. Tương trợ nhau mà đi qua những cơn lửa đạn. Không ruột thịt cũng thành thân thiết. Ðêm chiến hào, khum đầu trong nón sắt, chia nhau từng hơi khói thuốc. Rủ rỉ kể cho nhau nghe nỗi niềm tâm sự. Cha mẹ, vợ con, người yêu bé nhỏ đang chờ đợi nơi phố thị đông người, hay một miền quê nghèo nàn hẻo lánh nào đó.

Hồi chiều, lúc đang đào công sự phòng thủ, thằng Công hỏi: "Thiếu úy ơi. Con đào của tôi, nó hẹn về đi chợ tết. Tiểu đoàn mình, có ra khỏi cái nơi hắc ám này, trước tết không?"

Tôi nói: "Hẹn lại tết năm sau đi."

"Như vậy là mình ăn tết ở đây?"

"Ăn tết hả? Mày hỏi mấy con khỉ đột trong rừng, nó có chịu để yên cho mày hay không?"

"Ðánh đấm hoài, chán bỏ mẹ! Hết rừng núi, lại sình lầy. Không biết ngày nào hết khổ."

Nó than, như chính tôi là người làm cho nó khổ. Tôi bảo: "Lính nào cũng khổ. Chỉ có lính kiểng là sướng thôi, con ạ!"

Thằng Công im lặng, khi vị đại đội trưởng đi tới, đôn đốc và kiểm soát các trung đội đào hố cá nhân dọc theo phòng tuyến. Ông dặn, đào hố phải làm nóc kiên cố. Tình hình căng thẳng lắm. Nếu địch quân tràn ngập vị trí, pháo binh sẽ bắn nổ chụp ngay trên đầu. Thằng nào lười biếng, không làm nóc, là tự mình khai tử. Ông nhai lại điều này nhiều lần. Anh em phát bực.

Ðại đội trưởng đi khỏi, thằng Nhân nói: "Ðù mẹ! Chết sống có số. Khi đã tới số, thì chạy đàng trời cũng không khỏi nắng."

Thằng Tứ Ách, chống cán xẻng, phanh ngực áo, quạt phành phạch, cũng phụ họa: "Những thằng ở thành phố, đang nằm trên bụng vợ, bỗng ngã lăn ra chết vì thượng mã phong. Số trời đấy."

Lại một thằng nữa, tiếp theo: "Thế là sướng tới hơi thở cuối cùng. Tao thà chịu chết vì thượng mã phong, chứ không muốn ở đây chết chung với bọn mày."

Nhiều tiếng cười hô hố sau câu nói.

Tiểu đội trưởng, tên Nẫm, đang hì hục đào hố, ngẩng lên nhìn: "Chỉ lo tán dóc và cười. Cả buổi, mà quào cái hố chưa bằng cái lỗ đĩ. Khi đụng trận, thằng nào chạy qua hố tao núp ké, tao đạp văng ra ngoài."

"Ðất cứng quá, trung sĩ ơi."

"Lúc nào cũng rên. Muốn đi đầu thai sớm thì vất xẻng, khỏi cần đào hố."

Tôi đi dọc theo phòng tuyến, quan sát phần trách nhiệm trung đội. Giữa tháng Chạp, nhưng nắng của buổi xế chiều ở đây, vẫn còn gay gắt lắm. Ai cũng tháo mồ hôi. Ðào một cái hố cá nhân trên thế đất đồi khô cứng, không là chuyện dễ.

Biết vậy, nhưng tôi vẫn nói: "Khi mặt trời lặn, thằng nào chưa xong tao tống ra nằm tiền đồn."

Có tiếng đáp lại của Ðiền Ðô: "Dọa ai thì dọa. Chứ thằng này là dân chơi thứ thiệt, không ngán đâu. Ðừng dọa."

"Mày bảo tao dọa hả? Ðù mẹ! Có ngon thì ngồi hút thuốc, làm thơ đi con. Tối nay sẽ biết đá vàng ."

Ðiền Ðô im lặng. Nó biết tôi không đùa.

Tiền đồn cho một đơn vị là toán quân báo động, nằm ngoài tuyến phòng thủ. Do đó, toán tiền đồn thường đặt ở những nơi tiên liệu địch quân có thể xâm nhập áp sát đơn vị. Tiền đồn là toán chạm địch đầu tiên. Muốn tấn công một đơn vị, địch quân phải tiêu diệt cho được những toán tiền đồn chung quanh phòng tuyến, từ ngoài xa. Và như thế, đơn vị phòng thủ kịp thời chuẩn bị tác chiến, trước khi địch quân tiến đến gần kháng tuyến chính. Trong trận mạc, người ta chấp nhận hy sinh một số nhỏ, để bảo toàn lực lượng lớn. Ðóng quân ở những vùng bị áp lực địch nặng nề, dù là thằng to gan nhưng tới phiên vác ba lô, xách súng đạn đi làm tiền đồn cũng lạnh cẳng.

Anh em trong đơn vị, thường nói năng lỗ mãng, tưởng có thể ghét bỏ hại chết đời nhau. Nhưng thật ra, đó lại là điều thể hiện sự gần gũi thân tình của những thằng đi trận. Ðặt cho nhau những cái biệt danh quái gở để cười vui. Dần dần biệt danh trở thành quen thuộc, không còn gọi bằng nhau bằng tên chính thức nữa. Thằng Công khinh binh, biệt hiệu Công Ngủ. Thằng Ðức mang súng phóng lựu M79, gọi Ðức Cạp. Thằng Ðiền tiểu đội phó là Ðiền Ðô. Thằng Mai phụ xạ thủ đại liên, những lần về phép hay la cà nơi các động mãi dâm, anh em đặt Mai Ghế. Thằng Ty vác đại liên, thường khoe con cu của nó là một vưu vật lý tưởng trên đời, nên được tặng danh hiệu Ty Cai Dù. Những biệt danh này, được hiểu theo nghĩa nói lái. Còn có những biệt danh, chỉ đặc tính. Như thằng Minh mang máy truyền tin, hay đánh tráo bài ba lá, gọi Minh Ðiếm Chảy. Thằng Nhân cấp bậc hạ sĩ, viết thư về cho vợ, chưa gởi đi, bị anh em coi lén, thấy nó thay chữ ký bằng bốn con bài cơ rô chuồn bích. Từ đó, anh em gọi nó là Nhân Tứ Ách, để phân biệt với Nhân súng cối. Thằng này hay chửi thề nên có hỗn danh Nhân Ðù. Thượng sĩ trung đội phó, trước kia thuộc Sư Ðoàn 25 Bộ Binh, sau đổi qua Biệt Ðộng, mang danh Mai Chò Gãi. Mới đầu, tôi không hiểu ý nghĩa của cái tên kỳ lạ này. Anh em giải thích, "mai chò gãi" là tiếng lóng của dân bụi đời, chỉ con số 25.

Ðêm Sóc Con Trăng. Trời se lạnh. Trăng mù sương ẩm đục màu sữa. Không gian chìm lắng. Tiếng côn trùng sầu não bãi tha ma. Thỉnh thoảng, nghe khoen dây súng khua lách cách của đốc canh đi kiểm soát lính canh dọc tuyến phòng ngự. Những anh em khác, cuộn mình trong tấm poncho, ngủ mê mệt sau một ngày vất vả.

Nửa khuya. Tiểu đoàn báo động giả, tập phản ứng cho quen với vị trí phòng thủ mới. Hỏa châu cháy rực bầu trời, chói lòa xuống mặt đất, soi rõ từng bông cỏ dại trên đồi. Chúng tôi ngồi dưới hố cá nhân. Ðầu đội nón sắt, mình mang dây ba chạc đeo túi đạn, tay súng trong thế tác chiến. Bên ngoài vòng đai, đạn pháo nổ quanh chân đồi như sấm sét. Tưởng khó có một ai vượt qua lằn ranh đạn pháo mà còn toàn vẹn. Ðưa tiểu đoàn vào đây, người ta đã dự trù một trận đánh lớn. Nằm trong cái thế bị tấn công bất cứ lúc nào, tiểu đoàn được ưu tiên hỏa lực pháo binh. Tất cả những căn cứ trọng pháo trong tầm tác xạ, lúc nào cũng hướng súng về Sóc Con Trăng, sẵn sáng yểm trợ.

Khi chấm dứt báo động, mọi người đều tỉnh táo, khó dỗ giấc ngủ trở lại. Tôi và thằng Minh Ðiếm Chảy, ngồi chung trong cái hố đôi.

Nó cằn nhằn: "Thà địch kéo tới, đánh nhầu một trận cho xong. Chờ đợi và báo động hoài, còn ngủ nghê gì được."

"Mày là thằng chết đến đít, vẫn còn ham ăn ham ngủ."

"Thức khuya lạt miệng. Thiếu úy, cho xin điếu thuốc." Nó chép miệng.

Tôi nói: "Hút thuốc ban đêm. Coi chừng bị bắn bể sọ dừa."

"Không sao đâu. Em che trong nón sắt."

"Từ hồi chiều đến giờ, mày xin thuốc mấy lần rồi? Hút ghiền, thì phải lo thủ sẵn chứ. Tao đâu phải cái kho phát thuốc cho mày."

Nó cười giả lả, chìa tay ra: "Ðiếu thuốc giá đáng chi, mà nói những câu mắc mỏ. Thiếu úy?"

"Ðiếu này là điếu chót nghe mậy. Hút xong, ráng treo mỏ. Ðừng xin tao nữa."

Tôi rút một điếu cho nó. Nó khum đầu, xòe lửa trong nón sắt, hút vài hơi rồi trao cho tôi.

"Hút chung một điếu đi. Ðỡ hao."

Tôi rít một hơi dài, rồi nhìn mặt nó. Trong ánh trăng nhòa nhạt của đêm mù sương, mặt nó khắc khổ đăm chiêu.

Một lúc sau, nó nói nhỏ: "Buồn quá."

"Sao mày rên rỉ hoài vậy?"

"Con vợ của em..."

"Lại nữa. Mày nói chuyện này hằng trăm lần rồi. Nó bỏ mày đi lấy thằng khác chứ gì? Tao không muốn nghe."

"Nhưng nó còn nói xấu, rằng em mê cờ bạc."

"Cũng đúng thôi. Kỳ lương nào, mày cũng nướng hết vào sòng bạc. Ði phép, xách cái đít không, về nhà với bộ mặt đưa đám. Bảo sao nó không chán?"

"Nhiều khi tức, muốn trả thù."

"Ðừng có điên. Ở tù đấy, con ạ! Cứ bình tĩnh, rà rê kiếm con vợ khác. Làm lại cuộc đời."

"Không dễ. Ðàn bà con gái, đâu phải muốn chộp bắt lúc nào cũng được?"

Tôi an ủi: "Mày là thằng đẹp trai số một của trung đội. Lo gì?"

Nghĩ ngợi một hồi, nó nói: "Phải chi em được như thằng Ty Cai Dù, thì ngon quá."

"Ngon thế nào?"

"Nó bảo nhờ "cai dù" mà nó được cơm no bò cỡi."

Tôi gạt ngang: "Thôi. Bỏ chuyện bá láp đó đi. Lo ngủ. Mai còn công tác."

Nói xong, tôi lên khỏi hố. Nằm co, trùm bằng tấm poncho lạnh ngắt.

Ngày nào tiểu đoàn cũng mở những cuộc hành quân cấp đại đội quanh khu vực Sóc Con Trăng, và dọc theo biên giới. Chẳng thấy bóng đối phương. Nhưng ngày nào tiểu đoàn cũng bị pháo kích hai, ba lần. Nhất là những khi có chuyến không vận tiếp tế vào Sóc Con Trăng. Trực thăng vừa chạm mặt đất, pháo rót tới liền. Quân tiền sát của địch vẫn bám sát đâu đây. Rừng rậm quá, khó phát hiện được vài ba tên tiền sát ẩn núp giữa ngàn xanh. Mỗi lần, pháo chừng năm bảy quả. Súng cối 82 ly từ bên kia biên giới bắn sang. Tiểu đoàn vô phương phản pháo. Tuyệt đối tuân hành cái lệnh không xâm phạm biên giới giữa hai nước. Ðành ôm đầu máu, chịu trận. Kampuchia là nước trung lập, nhưng lại chứa chấp mấy sư đoàn quân Bắc Việt. Thật chó má! Anh em gào cái tên Sihanouk mà chửi.

Ban ngày là thế. Ban đêm cũng chẳng yên. Vài đêm lại có đụng độ ngoài các toán tiền đồn. Nhiều khi địch len lỏi qua khỏi tiền đồn, bắn vào vị trí phòng thủ. Tình trạng báo động liên miên. Nón sắt, và súng đạn đeo dính bên người. Hỏa châu soi sáng, và pháo yểm ầm vang một góc trời.

Tinh thần anh em sa sút trầm trọng. Mệt mỏi. Chán chường. Ba ngày tết của năm 1969, trôi qua trong quên lãng giữa rừng già. Dù chỉ mới có những cuộc chạm súng lẻ tẻ, nhưng tiểu đoàn đã tổn thất khá nhiều do pháo kích. Tiểu đoàn trưởng gọi về Bộ Tư Lệnh, xin ra khỏi vùng hành quân Sóc Con Trăng. Ðược trả lời rằng, chưa cần thiết tiểu đoàn có mặt ở những nơi khác. Nghe thế, mọi người đều bất mãn. Càng bất mãn càng chửi thề. Trung đội tôi, bây giờ, thằng nào cũng bắt chước Nhân Ðù. Mở miệng ra là có đù mẹ, đéo bà. Nghe mãi thành nhàm tai.

Sau một tháng trời ở đây, quân số tiểu đoàn hao hụt. Lớp chết, lớp bị thương. Bổ sung tân binh, mặt thằng nào cũng ngơ ngáo. Chưa quen chiến trường, mỗi lần bị pháo những tân binh quýnh quáng đến tội nghiệp.

Một buổi chiều. Tôi đi kiểm soát, thấy thằng Ngô tân binh gác ngoài phòng tuyến. Súng đặt ngang đùi. Nó ngồi bất động, nhìn ra bìa rừng. Rừng chiều, sương xuống âm u một màu ảm đạm. Tôi nhẹ nhàng lần đến sau lưng. Nó không hay biết. Tôi vỗ vai. Nó giật mình, quay lại nhìn tôi. Tôi thấy hai hàng nước mắt của nó chảy dài xuống gò má. Nó đang thổn thức. Nó quẹt nước mắt, cười gượng.

Tôi ngồi kế bên: "Tại sao mày khóc?"

Nó làm bộ ngạc nhiên: "Em có khóc đâu?"

"Mày đừng chối. Có ai hiếp đáp, bắt chẹt gì mày không?"

"Không." Nó lắc đầu.

"Thế sao mày chảy nước mắt?"

Nó ngó mông ra rừng. Không trả lời.

Tôi giục: "Nói thật đi. Thằng nào chèn ép mày?"

"Em chỉ buồn."

"Ở đây, tao cũng buồn như mày. Chịu đựng một thời gian, rồi tiểu đoàn mình sẽ chuyển đi vùng khác, đỡ hơn. Nhưng, tại sao mày chọn binh chủng này?"

"Thấy mấy anh lính đội bê rê, mặc đồ hoa về thành phố, trông rất oai hùng. Em thích, và tình nguyện về binh chủng. Mãn khóa, em chưa được về thăm nhà. Người ta bốc thẳng từ quân trường, thảy xuống đây. Hồi trước, em đâu ngờ đời lính gian khổ, hiểm nguy thế này. Em không tưởng tượng nổi..."

"Ðừng buồn nữa. Ngày nào ra khỏi Sóc Con Trăng, tao đề nghị cho mày đi phép về thăm nhà."

Nó mừng: "Thật hả, thiếu úy?"

"Tao nói thật. Dù tao biết mày về là đào ngũ luôn. Tao chỉ giữ thằng nào ở lại thôi."

"Không đâu. Em sẽ trở lại."

"Nếu mày kể cho má mày nghe cảnh này, dù mày muốn trở lại, bả cũng níu áo không cho mày đi."

"Em không đào ngũ, vì thương những người trong trung đội mình." Nó kể bằng chân tình. "Hôm trước, bị pháo kích. Chạy về hố không kịp, em chui đại xuống hố trung sĩ Nẫm, tiểu đội trưởng của em. Cái nón sắt em bị văng mất. Anh Nẫm chụp cái nón sắt của ảnh lên đầu em, đè em nằm xuống. Còn ảnh đầu trần, ngồi phía ngoài. Trong trung đội, ai cũng lo cho em. Mọi người đều có tình. Em không nỡ đi luôn."

"Mày biết thương anh em là được rồi. Ðời lính không phải khổ mãi thế này đâu. Mày về đơn vị nhằm lúc tiểu đoàn đang ở cái chốn khỉ ho cò gáy, nên cảm thấy buồn. Ráng một thời gian nữa thôi, rồi tiểu đoàn sẽ được chuyển vùng hành quân."

"Một thời gian nữa, là bao lâu?"

"Tao không biết. Còn phải chờ..."

Khi nói câu đó, tôi nghĩ đến một trận đánh lớn. Ngày nào chưa xảy ra một trận thư hùng, thì tiểu đoàn còn phải ở đây, để thực hiện cái kế hoạch làm mồi nhử đàn kiến.

Trận đánh lớn, trước sau gì cũng không tránh khỏi. Mới đầu, mọi người còn lo âu. Nhưng thời gian thấp thỏm đợi chờ với những cơn mưa pháo hàng ngày, những đụng độ lẻ tẻ về đêm làm anh em mệt mỏi nên đâm liều. Muốn đánh nhầu một trận cho xong, ra sao thì ra. Không có gì khổ cho bằng chờ đợi trong tinh thần căng thẳng. Pháo bắn vòng cầu, từ trên trời rơi xuống. Rớt trúng cái hố nào, người trong hố đó vong mạng. Chui rúc trong hang cũng cảm thấy không an toàn. Mỗi lần nghe bên kia biên giới, có tiếng vọng um, um, um... của súng cối, chúng tôi chạy vội về vị trí của mình, nhảy xuống hố ngồi nín thở. Cũng vừa kịp lúc đạn pháo nổ ầm, ầm, ầm..., vang động cả vùng đồi Sóc Con Trăng. Những lần núp pháo như thế, tôi thường trấn an bằng điếu thuốc. Phó mặc đời cho may rủi.

Ðể tránh bớt thiệt hại vì pháo, tiểu đoàn giảm quân số phòng thủ trên đồi. Ban ngày tung các đại đội ra hoạt động chung quanh. Ban đêm rút quân về, chừa lại một đại đội đóng quân lưu động trong rừng. Kế hoạch này có cái lợi, nếu địch tấn công mạnh vào tiểu đoàn, thì đại đội lưu động sẽ đánh bọc hậu đối phương.

Vòng đai phòng thủ, bây giờ thưa hơn, chỉ có ba đại đội. Nhưng bù lại, đạn dược dự trữ được tăng cường tối đa. Mỗi hố cá nhân, chứa sẵn một thùng hai mươi bốn quả lựu đạn, và hai thùng đạn nhỏ một ngàn viên. Với số đạn này, có thể bắn suốt đêm không lo bị thiếu.

Các sĩ quan trong tiểu đoàn được dặn dò nhắc nhở anh em binh sĩ phải hết sức đề phòng. Ý định của đối phương là quần cho tiểu đoàn mệt mỏi, rồi sinh ra lơ là chểnh mảng. Ðến một lúc nào đó, sẽ bất ngờ đánh úp, diệt gọn tiểu đoàn. Lời dặn dò này, không có tác dụng gì cả. Anh em chỉ mong sớm rời khỏi Sóc Con Trăng.

Ngoài những người thương tích do những cuộc chạm súng lẻ tẻ, hoặc bị pháo kích, đã có năm ba vụ tự hủy hoại thân thể. Sống trong tinh thần căng thẳng ngày đêm không ngớt, anh em cảm thấy quá khổ sở, và dám làm những điều bất chấp hậu quả.

Trưa hôm qua. Toán tuần tiễu của trung đội tôi, báo cáo có người bị thương. Tôi vội đưa toán khác ra thay thế, cho toán cũ khiêng thương binh về. Thằng bị thương là binh nhất. Khi tôi đến, nó không nhìn mặt tôi. Nó là thằng dễ thương của trung đội, sốt sắng trong mọi công tác. Lúc y tá lau chùi sát trùng vết thương, tôi thấy xương bàn chân nó bị bể, ngón cái và ngón kế bay mất. Vết thương không nguy hiểm, nhưng sẽ bị tật sau này. Y tá băng bó xong. Nó nằm nghiêng trên chiếc brancard, quay lưng về phía tôi.

Lúc chờ trực thăng tải thương dưới chân đồi, tôi hỏi: "Tiểu đội trưởng báo cáo, mày bị thương do giẫm phải bom bi. Ðúng không?"

Nó vẫn không nhìn tôi, trả lời: "Ðúng."

"Mày có thể qua mặt tiểu đội trưởng, nhưng không qua mặt tao được."

Nó im lặng.

"Mày hủy hoại thân thể."

"Không. Em đạp phải bom bi."

Tôi cười mũi: "Tao xem vết thương, biết chắc mày rút ngòi nổ ra khỏi quả lựu đạn, kẹp ngòi nổ giữa hai ngón chân, và cho kích hỏa."

Nó vẫn nói: "Không. Em đạp phải bom bi."

Tôi dọa: "Thôi được. Tao sẽ báo cáo, để sau khi trị thương, mày ra trước tòa án quân sự mà chối."

Nó quay lại. Ðôi mắt khẩn thiết nhìn tôi, van nài: "Thiếu úy ơi..."

"Không có thiếu úy con mẹ gì nữa hết. Mày muốn qua mặt tao."

"Em lỡ dại..." Nó khóc thút thít. "Em không chịu nổi cảnh này."

"Ừ. Thà rằng mày nói thẳng với tao như thế, còn nghe được. Nếu trước đây, mày cho tao biết ý định, tao sẽ chỉ cách cho mày. Gởi thư về, bảo người nhà đánh cái điện tín, báo cha đau mẹ chết gì đó. Rồi tao sẽ đề nghị cấp giấy phép, mày về thăm nhà. Nhân cơ hội đó, mày đào ngũ luôn. Như thế, có phải an toàn không? Còn mày hủy hoại thế này, cái chân sẽ mang tật suốt đời."

"Thiếu úy ơi... Trong lúc quẫn trí, em làm chuyện điên rồ..." Nó nói trong nước mắt.

Tôi thông cảm với nó. Chính tôi, lúc bất mãn cũng muốn đào ngũ. Nhưng bất mãn ai? Tất cả chúng tôi đều là nạn nhân, cớ gì mà bất mãn nhau? Những kẻ mưu đồ thế lực gây nên chiến tranh, không có mặt ở nơi này. Nguyền rủa ư? Thì cứ nguyền rủa, nhưng thằng nào tự tách mình ra khỏi cái guồng máy chiến tranh khốn nạn, ắt phải thân tàn ma dại như thằng em của trung đội tôi đang nằm đây nhức nhối.

Khi trực thăng tải thương đáp xuống, nó nói: "Em đi. Thiếu úy và anh em ở lại bình yên."

Tôi nói: "Ðược rồi. Mày về yên trí. Tao không hại mày đâu. Mày sẽ giải ngũ, và được lãnh tiền do bị thương ngoài mặt trận."

Một đêm, cuối tháng Giêng.

Trời đất lờ mờ. Ðứng trên đồi nhìn ra bìa rừng, chỉ thấy viền cây tối ám, chắn dưới chân trời mù đục âm u. Mọi người giật mình choàng tỉnh. Ðơn vị bị pháo dữ dội. Không phải bằng súng cối 82 ly, mà bằng nhiều khẩu đại pháo từ bên kia biên giới bắn sang. Ðồng thời các toán tiền đồn báo cáo, trong rừng có nhiều tiếng động bất thường. Tiểu đoàn ra lệnh thu hồi gấp rút tiền đồn trở về, tăng cường thêm quân số phòng thủ.

Ðây là lần đầu tiên, địch pháo kích ban đêm. Cường độ pháo thật khủng khiếp, nhưng một nửa đạn pháo lọt ra ngoài kháng tuyến. Tuy thế, mặt phòng thủ phía đông cũng tan nát, gần như tê liệt. Nhiều người chết và bị thương. Tiểu đoàn cho trung đội trừ bị từ đỉnh đồi, xuống trám ngay lỗ hổng phòng tuyến. Hỏa châu sáng rực bầu trời, cùng lúc với pháo yểm cho tiểu đoàn, vây một hàng rào sấm sét quanh chân đồi. Dưới ánh sáng hỏa châu, lớp lớp địch quân liều chết xông qua lằn ranh đạn pháo, và gãy gục khi chưa tới được phòng tuyến. Một trận thư hùng chờ đợi bấy lâu, có phải là đây? Tôi bắn liên thanh, rà đạn sát đất. Lựu đạn ném ra, cản bớt lớp người xông tới. Mùi thuốc súng nồng lên mũi. Tôi thở hổn hển. Tinh thần căng thẳng cùng tột. Hai bàn tay run lẩy bẩy mỗi lần rút chốt lựu đạn. Trước khí thế cường địch, tôi mất bình tĩnh. Tôi nghe nhiều tiếng la "Xung phong... G...i...ế...t" Tiếng "giết" kéo dài đẫm mùi máu, làm rợn xương sống. Giờ phút này, không bỏ chạy đi đâu được. Thằng nào phóng lên khỏi hố cá nhân, là tự phơi thân cho địch bắn. Chết sống gì cũng phải nằm lại đây. Và bắn. Và tung lựu đạn. Dọc theo công sự phòng thủ, nhiều chỗ bị B40 phá tanh banh bao cát chắn đạn. Nếu cứ cái đà xung phong ồ ạt này tiếp diễn mãi, địch quân sẽ tràn ngập vị trí.

Sau mấy đợt xung phong, không chọc thủng được phòng tuyến, đối phương ngừng tấn công, chỉnh đốn lại hàng ngũ. Trong khi đó, chúng tôi chịu thêm trận pháo thứ hai của địch, từ bên kia biên giới rót sang, khốc liệt hơn. Lần này, đối phương điều chỉnh lại tọa độ thật chính xác. Pháo rớt ngay đỉnh đồi. Bộ chỉ huy tiểu đoàn lãnh đủ. Tôi bò đi kiểm soát từng hố cá nhân, dọc theo phòng tuyến trung đội. Những người tử thương được lôi ra khỏi hố cá nhân, tôi điều động anh em khác thế vào. Những thương binh, phải tự băng bó vết thương của mình. Y tá trung đội đang quằn quại trên vũng máu. Thằng Ngô tân binh, nó đang hấp tấp nạp thêm đạn vào các băng trống.

Tôi hỏi: "Trung sĩ Nẫm bỏ phòng tuyến đi đâu rồi?"

Nó không trả lời, đưa ngón tay chỉ qua hố bên cạnh. Một cái xác úp mặt, nằm nửa trên nửa dưới hố cá nhân.

Tôi trấn an: "Mày đừng di chuyển khỏi chỗ này. Cứ ngồi đây. Không sao đâu."

Nó nói như van: "Thiếu úy ở đây với em."

Tôi làm bộ không nghe, tiếp tục bò đi kiểm soát trung đội.

Gặp tiểu đội phó, tôi dặn: "Trung sĩ Nẫm tiêu tùng rồi, mày ráng lo cho anh em tiểu đội."

Tôi chưa kịp quay về vị trí, đối phương mở cuộc tấn công lần thứ hai. Tôi nhào xuống cái hố của một thương binh. Thằng này không còn đủ sức chiến đấu nữa. Tôi giật cây súng, đẩy nó ngã lăn ra phía sau lưng. Bị chạm vết thương, nó đau đớn kêu trời. Tôi không còn thì giờ quan tâm đến nó. Trước kháng tuyến, từng đợt, từng đợt xung phong. Tôi bắn như điên khùng. Lựu đạn nổ sát phòng tuyến. Lớp này gục xuống, lại thấy lớp khác tràn lên. Sau lần thứ nhất bị tấn công, nhiều người trong đơn vị bị loại khỏi vòng chiến. Quân số khiển dụng còn lại ít hơn. Khả năng phòng thủ cũng yếu hơn. Tôi lo phòng tuyến bị vỡ. Theo kế hoạch dự trù, khi đối phương tràn ngập vị trí, pháo binh sẽ bắn nổ chụp ngay trên đầu, đạn nổ cao, cách mặt đất mười lăm thước. Miểng pháo tạt xuống. Mà miểng pháo thì đâu có phân biệt bạn thù. Và như thế, hai bên cùng chết. Không biết phía bên kia đồi, phòng tuyến bị vỡ hay chưa? Ðơn vị còn cầm cự được bao lâu? Trước sau gì, cũng bỏ mạng trên ngọn đồi này. Mồ hôi tôi ướt mặt. Bị đẩy tới đường cùng rồi. Tôi bắn, Tôi ném lựu đạn. Tôi thở dồn dập. Tôi cắn răng. Hình như tôi có gào thét những tiếng vô nghĩa gì đó. Tao chết, thì mày cũng phải chết. Thiên địa đêm nay nhập lại. Bạn thù chung cuộc tử sinh.

Ðang trong tình trạng tuyệt vọng, bỗng có tiếng phản lực cơ gầm rú trên không. Lẫn trong tiếng súng, tôi nghe nhiều tiếng la mừng rỡ của anh em đồng đội. Trái bom napan đầu tiên trải một thảm lửa dưới chân đồi. Ðối phương núng thế thấy rõ. Chúng tôi lên tinh thần. Chiến đấu bình tĩnh, và có hiệu quả hơn. Trước phòng tuyến, địch quân dội ngược. Những trái bom tiếp theo làm thành vòng đai lửa sát bìa rừng, quanh đồi Sóc Con Trăng. Phi tuần phản lực vừa dứt, thì trực thăng vào vùng. Rocket và đại liên nã xuống những luồng đạn lửa. Phòng không của địch bắn lên. Ðạn lửa vẽ lên bầu trời những lằn đỏ đan chéo vào nhau. Tôi thấy nhiều địch quân quay lưng, chạy tháo lui. Họ không còn cơ hội thoát thân nữa. Tất cả đều ngã xuống trước tầm hỏa lực từ phòng tuyến bắn ra, trực thăng bắn xuống. Ðối phương đang lo chống trả với những con diều hâu hung dữ, không còn áp đảo tiểu đoàn. Súng phòng không hướng lên trời. Hỏa tiễn AT3 nổ lùm bùm trên không như pháo bông ngày lễ. Ðã có hai chiếc trực thăng trúng đạn phòng không, chúi đầu xuống phía rừng xa xa.

Từ máy truyền tin, tôi nghe ông tiểu đoàn trưởng điều động đại đội đang nằm trong rừng, dàn quân làm nút chặn, ngăn đường rút lui của địch.

Từ giờ phút ấy trở đi, truy địch là nhiệm vụ của Không Quân. Nhiều phi tuần phản lực lên vùng oanh kích. Tôi nghe tiếng bom gầm càng lúc càng xa dần, về phía biên giới.

Sáng ra. Khi đang bận rộn sắp xếp việc tải thương, tôi chợt nghĩ đến thằng Ngô tân binh. Ngó

quanh, không thấy. Tôi hỏi tiểu đội phó của nó: "Thằng Ngô đâu rồi?"

Tiểu đội phó chỉ vào tấm poncho đậy tử thi. Nó không chờ cái giấy phép mà tôi đã hứa cho về thăm nhà, sau khi rời khỏi Sóc Con Trăng. Nó đi trước, bằng con đường khác.

Mặt trời lên cao. Những chuyến trực thăng tải thương đã hoàn tất. Quang cảnh trên đồi, trông điêu tàn thê thảm. Công sự phòng thủ bị phá vỡ nhiều nơi. Poncho, nón sắt, quần áo vấy máu còn bỏ rải rác, chẳng ai buồn dọn dẹp. Người nào cũng xác xơ tơi tả, mệt mỏi bơ phờ.

Trời đứng bóng, phái đoàn của những ông lớn xuống Sóc Con Trăng, thị sát chiến trường. Họ mặc đồ nhà binh ủi hồ thẳng nếp, mắt đeo kính râm, tay cầm ba toong, đi dọc theo phòng tuyến. Họ chỉ trỏ, bàn tán với nhau. Không hỏi han hoặc nói chuyện với anh em chúng tôi. Họ cho ông tiểu đoàn trưởng biết, theo tin tình báo, địch đem ba tiểu đoàn công hãm Sóc Con Trăng. Giờ này, biết điều đó cũng vô ích. Tin tình báo, bao giờ cũng là tin trễ. Các ông lớn rất chú ý đến con số thương vong của địch bỏ lại ngoài vòng đai, và một số khác bỏ thây trong rừng chưa kiểm được. Còn tổn thất của tiểu đoàn, họ không mấy quan tâm.

Lúc họ đi khỏi, thì trực thăng "đại lực sĩ ngựa trời" câu hai chiếc xe ủi đất màu vàng, đem đến Sóc Con Trăng. Một chiếc ủi những cái hố dài, sát bìa rừng. Chiếc khác, ủi xác người hất xuống hố. Họ rải lên xác một lớp bột sát trùng màu trắng, và lấp lại. Hai chiếc xe ủi chạy tới chạy lui, nện bằng mặt đất. Thời gian sẽ làm cỏ tranh mọc cao lên trên những nấm mồ tập thể. Như những cái nền nhà cũ của một thời xa xăm, đã hoàn toàn mất dấu.

Sớm mai. Ðứng trên đồi nhìn ra bìa rừng. Vẫn thấy sương mù kéo một vệt dài trắng xóa, che khuất ngàn cây. Mặt trời lên. Sương tan. Cảnh vật hiện ra rõ nét. Một vạt rừng bị cháy nám. Nhiều nơi cây cối xác xơ gãy đổ. Thiên nhiên bao giờ cũng im lìm, và tự làm lành những vết thương. Chỉ có con người, khi đã mất mát thì không thể nào tìm lại được sự bù đắp.

Những ngày sau trận đánh.

Chiều chiều. Ông thượng sĩ già trung đội phó Mai Chò Gãi thường đứng bâng khuâng trên đồi Sóc Con Trăng. Ông là người Nùng Việt Bắc di cư.

Tôi hỏi: "Có phải ông đang nhớ về rừng núi Lai Châu?"

Ông cười buồn, hỏi lại tôi câu khác: "Thiếu úy tin con người có linh hồn không?"

Tôi nói: "Tôi tin."

"Tôi cũng tin thế. Những chiếc nón sắt bỏ lại của người ra đi, hình như còn phảng phất linh hồn của anh em vấn vương chiếc nón." Ông đưa ngón tay chỉ. "Thử chú tâm nhìn cái nón sắt lật ngửa, đằng kia."

"Nhìn nó, tôi nghĩ đến người ra đi."

"Không cảm nhận được gì khác?"

"Không." Tôi lắc đầu.

Ông bảo: "Tôi có cảm giác rất mơ hồ rằng, linh hồn anh em vẫn còn quanh đây, trên ngọn đồi này."

Sau một hồi trầm ngâm tư lự, ông nói: "Hồi trẻ, tôi tưởng điều gì cũng biết. Khi về già, thấy rằng có những điều mình không thể hiểu."

"Ông muốn nói vấn đề gì nữa đây?"

"Bao nhiêu năm đi lính, sát phạt đã nhiều. Những người chưa từng quen biết, không hề ân oán, vừa chạm mặt là ra tay bắn giết nhau. Nghĩ cũng lạ! Chẳng biết phía bên kia, họ có thù mình không?"

Tôi nói: "Ông thắc mắc những vấn đề kỳ cục. Cứ hãy tưởng tượng vào thời trung cổ, người ta đưa hai tên giác đấu lên đài. Với điều kiện, sau trận đấu, chỉ còn một tên được quyền sống sót. Ðặt mình vào hoàn cảnh tên giác đấu, ông phải làm sao?"

Thượng sĩ Mai Chò Gãi khẳng định: "Giết đối thủ."

"Ðấy. Những thằng đi trận của cả hai phe, đều ở vào cái thế của tên giác đấu. Mình không giết nó, nó giết mình. Ðâu cần chi phải hận thù?"



Lâm Chương

No comments: