Saturday, August 11, 2012

TUYẾT MAI * NHẬT KÝ THÁI LAN


Lời giới thiệu- Đáng lẽ, chúng tôi cũng cần đôi ba hàng để giới thiệu những trang "NHẬT KÝ ThÁI LAN" dưới đây của tác giả TUYẾT MAI - HOUSTON, nay bạn Đức Quý Nguyễn Đặng Bắc Ninh đã làm hộ chúng tôi công việc này . Chúng tôi chỉ...

... xin được góp ý đôi lời : 1-Tác giả Tuyết Mai-Houston là cựu nữ sinh Trung Học Trưng Vương 1954-1961, đã là Trưởng ban tổ chức Đại Hội TV Hải Ngoại 2000&2010-2-Tác giả đã về hưu, không may, trước ngày quyết định đi làm việc thiện nguyện ở Thái Lan, tác giả đã bị té gãy chân ..và tác giả vẫn quyết mang cái "chân gắn toàn đinh với sắt" "lên đường" . Từ Thái Lan, tác giả đã gửi những dòng "bút ký" này đến các bằng hữu ở Mỹ-3.Khi, giờ này, chúng tôi khởi đăng hai phần đầu của "Nhật Ký Thái Lan" lên trang web , tác giả Tuyết Mai-Houston vẫn còn đang ở Thái Lan . Chúng tôi vừa liên lạc với nhau qua email.
Đấy là tất cả những điều làm chúng tôi vô cùng hãnh diện về tác giả Tuyết Mai và, xin chia xẻ cùng quí bạn đọc những trang"Nhật Ký Thái Lan" của tác giả Tuyết Mai-Houston .
Trân trọng,
Nhã Nhạc
********************
....À, T. có nhớ Phạm Tuyết Mai 54-61, hội trưởng TV Houston?
Bạn ấy đang làm thiện nguyện cho BPSOS (Boat People SOS) ở Thái Lan.
Tuyết Mai tội nghiệp lắm, 2 năm trứơc họp TV tòan cầu ở TX, Mai phải ngồi wheelchair vì ngã gẫy chân. Cả năm sau mới tạm lành, lại đi làm thiện nguyện giúp ngừơi Việt, con cháu ngăn cũng không đựơc. BT đã đọc mấy bài Ký của TM chưa? Mai góa chồng, hơn 70 tuổi, chân thì gắn tòan đinh với sắt mà cuốc bộ dưới nắng gay gắt để bớt đựơc $2 dành giúp ngừơi tị nan.
T. có đọc mấy bài Ký của Tuyết Mai chưa? Mình chuyển cho BT đây ...
Thân ái,
DQ
*******************
                     CHUYỆN KỂ TỪ THÁI LAN 1                                   Tác giả: Tuyết Mai (Houston)
Tôi đang ở Thái Lan, chuyến đi Thái Lan lần này của tôi đã làm ngạc nhiên nhiều người, vì không phải là tôi đi du lịch, mà là đi làm việc thiện nguyện.

Tại sao lại sang tận Thái Lan làm thiện nguyện?
Là thế này: Cuối năm vừa qua, BPSOS gửi bản tin về đồng bào tị nạn CSVN đang trốn tránh ở Thái Lan và kèm theo những hình ảnh đồng bào đang vất vả đối phó với lụt lội bên đó để kêu gọi mọi người tiếp tay giúp đỡ. Nhìn cảnh tang thương này, tôi chảy nước mắt và ước mong mình có thể làm gì giúp người tị nạn. Thế là tôi kêu gọi gia đình, các con các cháu, các bạn bè đó đây đóng góp giúp đỡ và còn gửi lời kêu gọi đến những địa chỉ Email nào tôi có. Sau đó, tôi nghĩ xem tôi có thể làm thêm được gì nữa.
Tôi nghĩ tôi đã vể hưu, nhà tôi thì đã về với Chúa, các con đều có gia đình riêng và tự lo được cả, bây giờ tôi chỉ cần lo cho tôi được bình an khỏe mạnh là các anh chị và con cháu tôi yên lòng rồi. Tôi đã từng đi đó đi đây, đủ để thấy mình cũng được biết nơi này chỗ nọ, bây giờ, thay vì tiếp tục hưởng thụ cho riêng mình thì tôi nghĩ là tôi có thể xử dụng chút khả năng còn lại cho những việc hữu ích khác. Vì thế, thay vì đi du lịch thì tôi tình nguyện sang Thái Lan để giúp cho những người đang cần giúp. Chỉ giản dị thế thôi.
Việc chọn đi Thái lan của tôi chỉ có gia đình và một nhóm bạn thật thân biết. Tội nghiệp, anh tôi buồn và chị tôi thì khóc quá. Các con tôi cũng đưa ra những tin đáng lo ngại về an ninh để tôi suy nghĩ lại, rồi thì tụi phá hoại lại nổ bom 3 nơi ngay Bankok khiến tôi phải hứa là cho đến ngày tôi đi mà có thêm 1 vụ phá hoại nữa thì tôi sẽ ở lại. Nhóm bạn già TV yêu quí của tôi thì trách tôi điên khùng rồi đoan quyết rằng "bỏ cửa bỏ nhà, bỏ con cháu họ hàng mà đi như thế thì nhất định là phải có tình già hấp dẫn"! (Giá mà có thì cũng vui ).
Có ai trả phí tổn máy bay, ăn ở ... cho không?
Dạ không! Yếu điểm của tôi là để trái tim chạy nhanh hơn khối óc! Khi tình nguyện sang Thái Lan, tôi không lượng định vấn đề phí tổn. Thú thật là tôi cứ tưởng tốn độ 3-4 trăm một tháng nên nghĩ cũng không có gì trở ngại, và tôi đã nói chuyện với BPSOS để hỏi xem người tị nạn cần giúp gì ở bên đó. Tôi được biết họ cần:
1. Dạy học cho các em, tuổi từ 5 đến teenager, các em rất thèm học nhưng không được đến trường.
2. Cần người để tâm sự. Người tị nạn rất muốn nói chuyện và muốn nghe về đời sống bên Mỹ.
3. Cần người thăm viếng. Người tị nạn sống rất cô lập, nếu lâu lâu có người đến thăm thì họ rất vui.
Tôi nghĩ tôi có thể giúp được, và cho họ biết tôi muốn tình nguyện không điều kiện gì. Sau đó, tôi liên lạc với LS An Phong bên Thái Lan và hỏi về giá sinh hoạt cho 1 người như tôi ở bên ấy để chuẩn bị tiền đem theo thì mới biết là sẽ tốn trung bình khoảng 1 ngàn Đô một tháng, hơn kém tùy theo cách chi tiêu. Nghe cũng ngạc nhiên, không ngờ đắt thế, nhưng đã hứa rồi thì cũng phải cố gắng thôi. 
Tôi đi thì nhà để không nhưng tất cả mọi phí tổn vẫn phải trả, tôi phải vất vả thu xếp để mọi việc xuôi chảy như khi tôi ở nhà. Anh chị tôi thương nên cứ trách "Khi không lại tình nguyện vác thêm một mối lo!". Tôi tự an ủi "Mỗi năm mỗi tuổi mỗi thêm già, năm nay còn đi được mà không đi thì rồi vài ba năm sau, dù có muốn cũng chưa chắc còn đi được. Giúp được cho người cần giúp cũng là niềm hạnh phúc vậy, sau này ngồi một chỗ cũng còn có kỷ niệm để nhớ lại mà vui". Với tâm tình đó, tôi không nghĩ lui và chuẩn bị cho cuộc hành trình. 
Những điều khó quên:
Các con tôi thấy tôi không đổi ý thì bắt đầu quan tâm lo cho tôi những gì tôi cần cho chuyến đi và hậu hĩnh “lì xì” cho mẹ. Vợ chồng con lớn của tôi thì hắng hái đề nghị lo hết mọi phí tổn trong suốt thời gian tôi sống xa nhà và đòi đưa tiền ngay cho tôi đem theo. Tôi may mắn có được người con dâu hiền đức và con trai rất có lòng, hai vợ chồng rộng rãi hỗ trợ tôi trong mọi việc từ thiện, cần lần nào giúp lần nấy và bao giờ cũng đưa nhiều hơn tôi hỏi. Lần này thì tôi thấy tôi còn lo được nên không muốn phiền con thêm, 
Anh lớn tôi năm nay đã 87 tuổi, cứ bùi ngùi khi nói đến chuyến đi của tôi. Nhìn anh chị già nua yếu ớt tôi sót sa lắm và cầu xin ơn trên ban bình an cho anh chị trong thời gian tôi xa nhà. Cũng mừng là có cháu tôi ở ngay bên cạnh và các cháu lo cho bố mẹ rất cẩn thận cho nên tôi mới yên tâm mà đi.
Chị gái tôi thì bắt các con sửa soạn đủ thứ thuốc cần thiết cho tôi mang theo kẻo “sống xa nhà, lỡ đau ốm thì ai lo, phải có thuốc sẵn mà dùng”. Chị tôi nhân hậu đối với mọi người, đối với tôi thì còn hơn thế nữa, chị lo cho tôi không khác gì lo cho con của mình. Các cháu cũng lo cho tôi như lo cho mẹ, sợ chân tôi đau khi đi nhiều nên đã vội tìm mua cho những đôi giầy tốt nhất. Cô cháu ở tận Trung Đông cũng không quên hậu hĩnh “lì xì”.
Các bạn quí của tôi cũng vậy, can ngăn không được đành phải đưa đi ăn "bữa tiệc ly" để tạm biệt, thôi thì đòi gì được nấy cứ y như là tôi “một đi không trở lại”. Mấy bạn già còn lọm khọm làm cho bao nhiêu là ruốc, là gừng nhào mật ong, lả mứt quất ... "để mà ăn kẻo tội nghiệp", “khi ho nhớ mà ngậm” …! Đưa quà còn dúi theo cả tiền để “mua kẹo cho học trò”. Dặn dò đủ thứ rồi cuối cùng cũng lại nói tôi mau mau về! Nghĩ đến là tôi chảy nước mắt!
Chỉ tội nghiệp cho lũ cá, cho mấy cây hoa, cây chanh Hà Nội, cây quất cây cam cây bưởi của tôi, không biết cậu con của tôi có giờ mà đến cho chúng ăn uống không!

Ngày đi & Nơi ở:
Tôi mua vé đi đúng vào ngày 7 tháng 3, nhóm bạn quí của tôi cứ lo cho thân già dặm trường, thấy số 7 và 3 thì mừng lắm, hí hửng nói "chỉ được 3-7-21 ngày thôi”! Để trấn an gia đình và bạn bè, tôi đã hứa là tôi sẽ về ngay trong trường hợp tôi cần phải về. Tôi mua vé khứ hồi mà!

Chuyến đi từ Houston lên Dallas, từ Dallas đến Seoul không có gì trở ngại. May mắn là tôi dùng xe lăn nên làm các thủ tục giấy tờ đều được ưu tiên (nhưng ngồi trên xe cho người ta đẩy đi cũng ... ngượng quá!). Đến chuyến bay từ Seoul sang Bankok thì có trục trặc vì Agent bán vé chọn cho tôi 2 chuyến bay quá gần nhau, không thể đổi kịp. Cũng may là tiếp viên hàng không họ nhận ra và kịp thời giúp tôi liên lạc mấy nơi để đổi sang chuyến bay sau đi Bankok (chậm gần 2 giờ). Phải công nhận là chiêu đãi viên hàng không của Đại Hàn rất đẹp và lịch sự, cung cách của họ đã nói lên văn hóa của họ, thật là đáng nể!

Có điều trở ngại là cô bé Anna đến đón tôi ở Bankok thì không biết sự thay đổi này mà tôi thì không có trong tay phone hay địa chỉ của cô ấy để nhờ họ liên lạc. Tất cả tài liệu này tôi lại để trong va li gửi đi rồi. Chỉ sợ cô bé chờ lâu rồi bỏ về thì không biết là tôi sẽ bị kẹt như thế nào, một chữ tiếng Thái không biết, đường đi không biết!

Lúc máy bay tôi đến Bankok thì đã gần nửa đêm. Chờ lấy hành lý mất nửa tiếng nữa. Khi có hành lý rồi, tôi vội tìm điện thoại liên lạc với Anna thì may quá, cô bé đã chờ cả gần 3 tiếng mà không bỏ về. Anna đưa tôi về đến chỗ ở thì đã quá nửa đêm. Cô bé cũng cẩn thận đem sẵn chuối và nước cho tôi và còn dặn dò đủ thứ rồi mới về phòng. Nhà ai có phúc quá, có cô con gái vừa xinh đẹp vừa biết quan tâm cho người khác!
Chỗ tôi ở là một căn phòng nhỏ trong 1 chung cư ở ngay Bankok. Phòng sạch sẽ, vừa đủ rộng cho 1 giường, 1 tủ quần áo, 1 bàn computer nhỏ, 1 tủ lạnh và 1 TV. Có nhà tắm nhưng không có bếp. Nước luôn luôn ấm ở nhiệt độ trung bình để tắm thoải mái, dù muốn nóng hay lạnh hơn cũng không được. Chỉ thế thôi mà giá mỗi tháng tới 285US$ chưa kể điện nước (khoảng 70$US, mùa nóng còn hơn nữa. Từ hôm đến tôi đều phải vặn máy lạnh 24/24, tôi lại sợ bóng tối nên để đèn cả đêm, không hiểu tiền điện sẽ bao nhiêu nhưng ở mát quen rồi, nóng không chịu nổi!). Không ngờ thuê nhà ở đây đắt thế. Họ nói ở các vùng phụ cận thì rẻ hơn nhưng vì không hiểu rõ tình hình thế nào nên đành ở đây vậy.

Cả ngày ngồi dài trên máy bay nên đầu óc tôi lơ mơ như đang “Ru với gió”. Chưa buồn ngủ nhưng mệt. Tôi dẹp tất cả mọi chuyện, tắm cho mát rồi lăn ra ngủ một giấc thật say.

Mấy ngày đầu ở Thái:
Hôm sau (9 Mar) Anna đưa tôi đi đổi tiền và mua những thứ cần thiết. Giá 100 USD = 3000$ Thái (giấy càng nhỏ hơn 100 Đô thì giá càng ít hơn, tôi không biết nên đem tới mấy ngàn tiền lẻ, tưởng là để tiêu cho dễ!). Buổi chiều về đến nhà thì buồn ngủ quá chừng, cố thức cho quen giờ ở đây cũng khó quá. Giở Thái Lan cách giờ Houston đúng 12 tiếng, bên này là ngày thì bên đó là đêm, cùng một giờ. Sau khi ăn tối, tôi đi bộ quanh sân của chung cư. Trời ở đây bắt đầu khí hậu của mùa Hè, nóng quá. Hương hoa thoang thoảng lại càng làm buồn ngủ thêm, tôi cố đi bộ khoảng hơn nửa tiếng rồi cũng phải về phòng đi ngủ.

Ngủ một giấc dài, lúc trở dậy thấy đã tỉnh táo như ban ngày, xem đồng hồ thì thấy mới 1 giờ! Tôi không tin, lại lên Google tìm giờ địa phương thì đúng là 1 giờ sáng. Nhìn ra ngoài thấy trời còn tối, cảnh vật yên tịnh như đang ngủ. Một giờ sáng mà tôi tỉnh như sáo sậu, ngồi nhâm nhi ruốc với nước lạnh và đọc emails cho đến lúc trời sáng hẳn.

Sáng Thứ Bảy (10 Mar) Anna đưa tôi đi chợ trời. Chúng tôi đi Subway, chỗ tôi ở gẩn trạm xe nên cũng tiện, mất có 18 Bạt (60 cents) một lần. Chợ lớn quá, chỗ nào cũng na ná giống nhau nên rất dễ bị lạc. Chợ trời bán đủ thứ hàng hóa chứ không phải bán những thứ cũ như garage sale. Tôi tìm mua cái mũ trước nhất. Tôi không quen phơi nắng và cũng dễ bị cảm. Mấy hôm đi nắng mặt tôi đã đen bóng lên rồi!

Chúng tôi đi vào chợ, lướt qua bao nhiêu hàng quán rồi đến khu hàng ăn. Có một điều buồn cười là khi xem hình ảnh những xe bán đồ ăn bên lề đường hoặc những quán ăn trong chợ, tôi liên tưởng đến cách làm thiếu vệ sinh của hàng quán ở Việt nam sau này và cũng thấy ngài ngại, không nghĩ là mình sẽ mua. Vậy mà khi đến đó rồi thì lại thấy cái gì cũng hấp dẫn, mùi thức ăn thơm lừng, thấy người ta ăn mình cũng mua ăn thoải mái, quên cả e dè. Cơm chợ mỗi phần khoảng hơn 1$US trừ các món đặc biệt. Có điều order món ăn Thái thì phải cẩn thận vì họ ăn cay lắm. Ngưới Thái cũng ăn ngọt hơn mình nhiều, nước sinh tố hay các loại chè họ làm mình phải pha thêm nhiều nước mới uống được. Chúng tôi mua mỗi người 1 quả dừa nướng, vừa đi vừa uống vừa xem chợ. Xem thêm 1 khúc chợ nữa rồi về cho Anna làm việc. Mấy lần đi chợ tôi tìm mua 2 thứ mà không thấy, đó là Sầu Riêng và Cà Cuống, có lẽ chưa đến mùa?
Tôi định sẽ có một ngày lang thang một mình để đi hết chợ xem có gì lạ. Chỉ sợ là đi không nổi. Chợ vừa lớn vừa đông, người đi chật ních. Đây cũng là 1 trong những địa điểm du khách thích đến nên tôi thấy có nhiều người nước ngoài. (Tụi phá hoại mà nổ bom chỗ này thì phiền lắm!)
Buổi chiều tôi lại buồn ngủ. Muốn quên giấc ngủ quen nên tôi đi chợ gần nhà tìm mua thêm mấy thứ cần thiết. Taxi thì nhiều, lên xe là bắt đầu phải trả 35 Bạt rồi theo đồng hồ tăng mà tính tiền. Tôi không thấy có xích lô. Lần này tôi thử đi xe ôm vì cũng gần nhà. Chỉ cần nhớ tên chợ, giá xe ôm và địa chỉ của mình là không sợ lạc đường về. Những người lái xe ôm ở đây mặc áo khoác ngoài màu cam như đồng phục, đằng sau có hàng chữ Thái. Họ chạy xe nhan nhản ngoài đường ngõ, chỗ nào cũng thấy. Giá rẻ nên người ta đi nhiều, một đoạn đường cũng lên xe. Thú thật là đi xe ôm tôi cũng ngán lắm, chân ngồi vắt vẻo, nhiều lúc có xe chạy qua tưởng như họ sẽ quẹt vào chân mình. À, còn điều này nữa, ở Thái Lan họ lái xe bên trái như bên Anh.
Dân Thái Lan có vẻ hiền lành và khiêm nhường. Họ luôn cúi mình chào đón và mỉm cưởi với khách hàng. Nhưng tìm mua thứ gì mà phải hỏi thì vất vả vì khó tìm được người biết tiếng Anh ở chợ. Có lúc giải thích với họ một hồi rồi cả người nói lẫn người nghe lại ngẩn ngơ nhìn nhau cười! Sau cùng, tôi mua 1 cuốn Tự Điện Anh-Thái và tìm chữ tiếng Anh rồi đưa cho họ đọc bên giải nghĩa tiếng Thái mới tạm qua được.
Về vấn đề ăn uống thì tôi theo mấy cô bé bên này, ăn ở ngoài, vì chỗ bán cũng gần, cơm bình dân cũng rẻ và ăn cũng được lắm. Giá trung bỉnh mỗi đĩa 1 bát cơm và 1 món ăn đủ để mình ăn hết cơm thì 1.5US$ trở lên, tùy món ăn và tùy tiệm lớn nhỏ. Như thế cũng tiện, đỡ mất thì giờ nấu nướng. Nhìn thấy họ nấu cũng như mình nên hy vọng không đến nỗi nào.
Chiều Chủ Nhật (11 Mar) An Phong đến thăm, đây là lần đầu chúng tôi gặp nhau. An Phong là luật sư, vừa trẻ vừa đẹp. Ba chúng tôi, Anna, An Phong và tôi đi ăn ở quán mì gần nhà. Họ làm cũng được lắm, tôi lại quên không dặn nên họ làm cay quá, vừa ăn vừa xuýt xoa. Tôi quên hoài nên bị ăn cay hoài! Bây giờ thì nhớ rồi, người Thái ăn rất cay, hơi cay cay của họ đối với mình là cay lắm rồi đó.
Ba cô cháu vừa ăn vừa bàn vể công việc định làm để giúp người tị nạn, tôi nghĩ nếu thực hiện được thì rất tốt. Tôi định tuần tới sẽ bắt tay vào việc. Phải mừng là BPSOS đã may mắn có được 2 cô bé này giúp đỡ, vừa giỏi lại vừa xinh đẹp dễ thương nữa.
Đi gặp nhóm nạn nhân Cồn Dầu:
Chiều Thứ Hai (12 Mar) tôi theo Anna đến thăm bà con nhóm Cồn Dầu và gặp thày Huyền Việt ở Houston sang. Sau chặng đường xe điện ngầm và 1 chuyến Taxi, chúng tôi đến điểm hẹn rồi từ đó chờ người Cồn Dầu ra dẫn đường vào. Trong khi chờ đợi, tôi đi loanh quanh xem người ta bán hàng ở dọc vỉa hè. Ở đây buôn bán vui thật! Chỗ nào cũng có quầy bán hàng. Chỉ là những xe nho nhỏ, nhưng có đủ mọi thứ cho người thích ăn vặt. Nào trái cây tươi rói trông là muốn ăn, nào những quán nướng cá cua sò ốc, quán nướng tôm, nướng thịt, nướng mực ... ngửi khói thôi cũng đủ muốn ngồi ngay xuống ăn thử. Toàn là những món tôi thích.

Chờ 1 lát thì có người ra đón. Phải đi xâu vào trong xóm mới đến nơi bà con mình ở. Là một xóm nghèo, cỏ hoang mọc đầy vùng đất trước chung cư. Nơi này kỳ lụt vừa qua bị ngập nước rất cao. Họ trốn ở đây. Mấy gia đình ở chung một hộ. Anh dẫn đường cho biết vì họ ở không hợp pháp cho nên hễ bị động là lại phải trốn đến nơi khác. Nếu để cảnh sát Thái bắt được là họ bị giữ lại để chờ người nộp tiền chuộc (thường là do Sơ Lita tìm cách giúp), không thì bị tù hoặc sẽ bị trả về Việt Nam. Đã chạy CS rồi mà bị trả về là sẽ bị đánh đập, bị tù đày khó có ngày được tự do, có người bị hành hạ đến chết! Bà con Cồn Dầu đã phải di chuyển 5 lần mới đến chỗ này. Anh cũng cho biết đại diện của tất cả các gia đình Cồn Dầu ở đây đang tụ tập ở 1 căn nhà để gặp thày Huyền Việt và chúng tôi.

Họ ở gần cuối dãy. Những phòng họ thuê ở tận trên tầng cao nhất, các tầng dưới thì người Thái ở. Nhà sâu và hẹp. Nhìn mấy tầng cầu thang vừa cao vừa nông, chỗ bước lên không đủ giữ chiều dài một chiếc dép, lại lát đá men nên có nước là trơn, có chỗ lại không có tay cầm, thú thật là tôi ngần ngại! Nhà nào cũng có con nít, làm sao trẻ con lên xuống cho an toàn được nhỉ?!
Nghĩ đến cái chân bị gãy còn tùm lum đinh với sắt, quả thật tôi rất ngại ngùng! Nhưng làm sao đây, mọi người đang chờ cả trên ấy. Sau cùng, tôi đành phải thận trọng bước từng bước để lên đến nới. Vừa leo vừa nghĩ đến các em nhỏ, tôi thấy thương và lo cho họ quá!

Cuối cùng tôi cũng leo được đến nơi để gặp mọi người. An Phong đã có mặt ở đó, đang chuyện trò vui vẻ. Tôi thấy đông quá. Họ cho biết có đủ đại diện của tất cả các gia đình Cồn Dầu ở đây, đa số đang quây quần ở phòng trong nghe thày Huyền Việt nói chuyện. Các bà thì sửa soạn bữa ăn bên ngoài. Bà con thấy có người mình đến thì vui mừng lắm. Tôi nhìn thấy được niềm hy vọng trong ánh mắt của họ.

Tôi đến chào thày Huyền Việt và giới thiệu thêm việc thày đã làm để giúp đỡ bà con, mọi người vỗ tay hoan hỉ. Thày Huyền Việt yêu cầu mọi người hát và bà con đã hát bài Giáo Dân Cồn Dầu của họ, nghe thật là sót sa! Nhân đấy tôi cũng nói mục đích của tôi là muốn giúp họ và muốn họ hội ý với nhau để cho tôi biết họ muốn hỏi, muốn giúp việc gì để từ đó, tôi sẽ sắp xếp các đề tài, sẽ tìm câu trả lời và làm thành từng buổi nói chuyện chung. Về việc dạy học cũng vậy, tôi muốn biết số trẻ em cần học và trình độ của các em. Người lớn cũng muốn học. Hiện có Sơ Lita người Philippine và 1 cha người Thái đang giúp, nhưng vì họ không nói được tiếng Việt nên bà con mình không hiểu. Tôi định sẽ đến gặp cha và Sơ để xem tôi có thể tiếp tay được gì trong việc giảng dạy cho con em người tị nạn.

Sau khi nghe thày Huyền Việt nói chuyện và nghe tôi dặn dò, bà con mời mọi người ăn tối. Bữa ăn được bày trên sàn vì họ không có đồ đạc! Mấy chục người ngồi quanh, mỗi người một tô bún rau, trên có mấy miếng thịt nướng. Có thêm vài đĩa chả giò nhỏ, vài đĩa rau, vài bát nước chao chan bún. Thế thôi. Nhưng với người tị nạn chỉ được có 1$ một ngày thì đây chính là một bữa tiệc. Họ cũng phải cắt xén đâu đó để có bữa ăn này đón những người khách quí. Sức đàn ông có lẽ ăn thế không đủ vì chính tôi cũng còn có thể ăn thêm.
Chúng tôi vừa ăn vừa nói chuyện rất vui, một bữa ăn giản dị mà thân tình, thày Huyền Việt tìm được chút gì quen thuộc của quê nhà vì thày là người cùng xứ. Ăn uống xong xuôi mọi người lại bắt đầu ngồi nói chuyện và đưa ra nhửng điều thắc mắc. Có bà kể cho tôi nghe cuộc sống kinh hoàng trước khi phải chạy trốn. Tôi lắng nghe nhưng không hỏi thêm, tôi muốn dành việc này cho những lần gặp tới.

Ngồi thêm một lúc thì tôi bị chóng mặt và nhức đầu quá, phải từ biệt thày và bà con để về. Lần này thì Anna phải gọi Taxi về thẳng một mạch chứ không hà tiện chuyển qua Subway nữa. Cũng tại tôi bị ốm. Cám ơn Anna.
Tôi bị cúm từ hôm đó đến cuối tuần vẫn chưa khỏi. Nằm mãi cũng không khá, hôm qua tôi dậy đi chợ để thay đổi không khí. Tôi mong là tuần tới tôi sẽ bắt đầu làm được một việc gì hữu ích.
Bây giờ thì xin dùng ngày hôm nay để kể chuyện về cuộc hành trình này để bạn bè cùng biết. Hy vọng các bạn sẽ chúc lành cho tôi.

Tuyết Mai (Houston)
*****
                                  CHUYỆN KỂ TỪ THÁI LAN 2
Thư trước tôi đã kể chuyện từ lúc khởi sự cho đến khi tôi bị ốm. Hôm nay kể tiếp nhé.
Bắt đầu một tuần mới:
Tuần trước tôi bị cảm nắng chứ không phải bị cúm. Sau gần cả tuần nghỉ ngơi, hôm nay tôi đã khỏe. Sáng sớm tinh mơ tôi đã dậy, dậy trước cả lũ chim vẫn ríu rít đánh thức tôi mỗi buổi sáng. Tuần này tôi bắt đầu chương trình làm việc, công việc này do tôi lựa chọn và sắp xếp. Các bạn biết không, không gì thú vị hơn là được làm những gì mình mong muốn và chờ đợi.

Việc đầu tiên là tôi nhờ An Phong liên lạc với sơ Lita và nhóm Cồn Dầu để hẹn gặp. Sơ Lita là người giúp cho các nạn nhân đang tị nạn ở đây. Sơ cho biết là Thứ Sáu có thể găp được và tôi gọi đại diện nhóm Cồn Dầu để xác định giờ gặp họ vào sáng Thứ Sáu.


Hôm nay có một điều mới nữa là tôi nhận được email của Luật Sư bên Asylum Access ThaiLand (AAT) nhờ giúp thông dịch cho buổi phỏng vấn một nạn nhân CS chạy từ Việt Nam qua. Luật Sư AP đã giới thiệu tôi cho họ. Tôi không muốn nhận vì ngại là không biết đủ những tiếng chuyên môn để mà dịch cho đúng, nhưng LS bên AAT vẫn cố thuyết phục nên sau cùng tôi nhận lời giúp lần này để thử xem có thể làm được không. Cuộc phỏng vấn vào lúc 2:30 chiều Thứ Sáu này. Tôi cẩn thận liên lạc để nhắc người sẽ được phỏng vấn về giờ hẹn, nhắc mang đầy đủ giấy tờ và tài liệu liên hệ đến trường hợp chạy trốn của anh ta.
Như vậy đến Thứ Sáu này là tôi được bận rộn rồi, Buổi sáng gặp Sơ Lita và nhóm Cồn Dầu, buổi chiều thông dịch cho Asylum Access Tháiland. Nghĩ đến việc làm đầu tay này tôi thật là vui, tuy có chút lo lắng.

Thăm đồng bào Thượng:
Sáng Thứ Ba tôi theo Anna đi thăm mấy gia đình đồng bào Thượng. Họ ở Bangwai, ngoại ô của Bankok, từ chỗ chúng tôi đến chỗ họ thật là xa. Lần đầu đi taxi mất một trăm mấy chục Bạt, đến nơi mới biết là không đúng chỗ, lại đi thêm một lần taxi lâu như vậy nữa mới tới điểm hẹn. Chỗ này là bãi đậu xe của một chợ khá lớn, ở đấy đã có người chờ sẵn để đưa chúng tôi đến nơi họ trú ngụ.
Chúng tôi phải đi bộ trên đường nắng chang chang thêm cả cây số rồi phải đi luồn dưới gầm cầu để qua đường và đi vào một con đường hẻm nữa mới tới. Cũng là xóm nghèo. Một dãy lầu được xây sơ sài để cho thuê. Ở đây có hơn 3 chục người Thượng. Khu nhà còn nhiều chỗ trống, chung quanh vắng tanh, tôi chỉ thấy có người Thượng ở.
Mục đích đến thăm họ hôm nay là để trao tiền mà thày Huyền Việt gửi cho họ. Chỉ có hai gia đình được, một gia đình mới chạy từ Lâm Đồng qua, người vợ có bầu bụng đã khá lớn, một gia đình chạy từ Gia Lai đến, hai vợ chồng có 5 đứa con, nhỏ lít nhít, trước khi chạy người chồng bị Công An đánh đến nội tạng bị xuất huyết! Họ cho biết ốm đau không có tiền đi bác sĩ, không được vào nhà thương chữa bệnh cho nên họ hết sức lo lắng.
Tôi chưa kịp hỏi thì họ đã kể cho nghe là ở quê nhà họ cũng có gia sản, có vườn có ruộng, lý do họ phải bỏ tất cả mà đi là vì càng ngày họ càng bị đàn áp tôn giáo, bị ngăn cản không cho đến nơi thờ phượng. Họ theo đạo Tin Lành. Không hiểu sao Việt Cộng cấm Tin Lành. Khi họ họp nhau để phản đối thì bị ghép vào tội chống lại chính quyền. Họ bị bắt vào tù, bị đánh đập nên đã phải bỏ chạy. Người chồng trốn sang đây lần đầu bị đuổi về và khi về Việt Nam thì lại bị chính quyền CS bỏ tù, hành hạ dã man hơn. Đến lúc không còn chịu đựng nổi họ đành phải trốn đi. Họ chạy qua đường rừng núi, qua Lào, qua Cam Bốt, chịu đói khát có lúc tưởng chết, khổ sở tận cùng mới đến được đất Thái. Họ biết cuộc sống trốn chạy khốn khổ như vậy nhưng vẫn chấp nhận vì ở lại Việt Nam thì họ không còn tự do mà mỗi lần bị Công An tra hỏi là mỗi lần bị đánh, khó mà sống nổi! Vợ có bầu cũng bị Công An đánh. Người cha già đến tù thăm con cũng bị đánh đến chảy cả máu đầu. Họ thì hiền lành mà Công An CS thì tàn ác, họ không thể sống bình an.
Họ kể khi mới sang, có nhiều ngày không có gì ăn phải ra đường mương bắt ốc về nấu cháo, phải hái rau mọc bên vìa đường về luộc ăn đỡ. Cũng may có mấy người Thái thấy hoàn cảnh tội nghiệp nên đem cho quần áo, cho đồ ăn và giúp họ đi rửa chén, đi quét giọn cho các nhà hàng ngoài chợ. Công việc này cũng không có nhiều nên họ phải chia cho nhau làm để ai cũng có chút tiền mà sống. Có nhiều lần họ đã bị đói!
Tôi chỉ nghe sơ sơ thế cũng đủ sót sa rồi! Nhìn đám trẻ quanh quẩn bên nhau không có lấy một chút đồ chơi thật đáng thương quá! Anna đưa tiền cho họ và hẹn sẽ gửi thuốc cho nhưng chúng tôi cũng khuyên họ không nên dùng thuốc nhiều, nhất là với trẻ em và người đang mang thai.
Thấy có 3 gia đình ngồi đó mà chỉ có 2 được tiền nên tôi lặng lẽ bỏ ra 1500 Bạt cho con của gia đình còn lại, đây là chút quà của bạn tôi. Anna cho tôi biết còn nhiều trường hợp rất tội nghiệp, rất cần được giúp, họ là dân tộc thiểu số, không được đồng bào hải ngoại quan tâm giúp đỡ. Tại sao thế nhỉ? Hay là đồng bào không được biết?

Buổi tối tôi viết thư về hỏi thăm anh chị tôi và kể sơ về tình cảnh đồng bào bên này. Con của chị tôi cho biết ba anh em sẽ gửi tặng 2 ngàn Đô và nhờ tôi đưa cho những người tị nạn. Chúa ôi! Tôi mừng như chính mình được tặng! Vâng, tôi sẽ dùng tiền này để giúp cho những người đang cần được giúp đỡ nhất.

Buổi hướng dẫn đầu tiên:
Sáng Thứ Sáu tôi dậy thật sớm, nấu mì ăn sáng rồi sửa soạn “đi làm”. Hôm nay là ngày đầu tôi giúp nhóm Cồn Dầu. Nghĩ đến công việc này là tôi thấy vui, lòng phơi phới như lần đầu có job.
Hẹn gặp họ lúc 9 giờ nhưng từ 8 giờ tôi đã ra ngoài đường chờ xe. Ai cũng bảo không biết đường thì đi Taxi là chắc nhất. Biết thế, nhưng giá đi xe bus được thì rẻ hơn nhiều. Giờ này là giờ người ta đi làm nên đông quá, chờ mãi mới có được 1 xe trống. Tôi gọi điện thoại cho người Cồn Dầu chỉ đường cho ông Taxi. Ông tài xế biết tôi là người mới tới nên cười thiện cảm. Nhân cơ hội ông thích nói chuyện tôi đã học được vài tiếng Thái, biết nói cám ơn, hỏi giá, biết từ 1 đến 10, biết nói rẽ trái rẽ phải, đi, đi thẳng, đi vòng lại, chạy, ngừng lại. Mới biết thế thôi nhưng cũng đủ làm tôi vui rồi.
Điểm hẹn cách chỗ tôi ở cũng khá xa, đi Taxi hết hơn 100 Bạt. Tôi đến đó rồi gọi người ra đón. Tôi được đưa vào nhà từ thiện do Linh Mục Jun (?) và Sơ Lita điều hành. Hai người rất vui khi biết tôi sang đây để giúp. Ở đây giúp đỡ cho tất cả những ai cần giúp, không phân biệt tôn giáo, chủng tộc. Có một số ân nhân gửi tiền giúp nơi này và Sơ đã mấy lần phải nhờ đến tiền này để chuộc đồng bào tị nạn chưa có giấy đã tờ bị cảnh sát bắt.
Sơ đưa tôi lên lầu để xem chỗ người ta may, có mấy cô Miền Điện và một cô người mình đang ngồi may những hàng do Sơ nhận về cho họ làm. Họ cho biết ai may nhanh thì một ngày kiếm được khoảng 100 Bạt (hơn 3US$). Trong số người tị nạn có lẽ nhóm Cồn Dầu là may mắn nhất vì được ở gần nơi này và được Sơ Lita tận tình giúp đỡ. Đồng bào thiểu số thì đa số ở rải rác và cô lập, ít người biết đến!
Đến 9:30 thì nhóm Cồn Dầu đã tề tựu để nghe tôi nói chuyện như đã hẹn. May quá, Sơ cho xử dụng phòng lớn, chỗ này có sẵn bàn ghế và có cả quạt trần. Mấy chục người hiện diện đều là người lớn, hầu hết là đàn ông. Họ cho biết mỗi gia đình chỉ có một đại diện đến học rồi khi về họ sẽ bảo lại nhau để tránh bị cảnh sát để ý lúc đi lại.
Đây là buổi nói chuyện về đời sống bên Mỹ nên mọi người có vẻ hứng khởi lắm. Tôi chia đế tài làm 2 phần, phần đầu tôi trả lời những vấn đề người ta muốn biết và phần sau tôi nói về những gì người ta nên biết khi sang định cư bên Hoa kỳ.
Mở đầu, tôi khuyến khích họ nêu lên những thắc mắc. Họ lần lượt hỏi về vấn đề học hành của con em, về điều kiện để được đi học, về tiền sách, tiền trường…
Họ hỏi về sự trợ cấp của chính phủ, sự giúp đỡ của các hội đoàn, về phúc lợi cho người cao niên, về công việc làm, về tiền nợ, tiền lời… vvv.
Tôi lần lượt trả lời những câu hỏi của họ theo những gì tôi biết. Khi mọi người không còn thắc mắc thì tôi bắt đầu nói về những điều họ nên biết để chuẩn bị tinh thần, vì những khác biệt giữa các nước Đông Tây có thể làm họ bỡ ngỡ.
Trước hết tôi cho họ biết là khi mới sang Mỹ, người lớn có thể là sẽ rất buồn vì đường phố, xóm giềng lặng lẽ, ít người qua lại, không ồn ào náo nhiệt như ở đây. Thêm nữa, ngôn ngữ giới hạn, phương tiện di chuyển không dễ dàng.
Rồi tôi nói về sự khác biệt văn hóa, về đời sống gia đình, về sự tự do cá nhân, về xã hội, về sự kỷ luật và chế độ pháp trị ở Mỹ. Tôi cũng nói về đặc điểm tôn trọng sự thật, tính thẳng thắn, tin người, đúng giờ của người Mỹ, và, tôi nhắc để mọi người nhớ điều quan trọng, là đừng bao giờ để người ta mất lòng tin.
Cuối cùng, để mọi người không thất vọng, tôi cho họ biết là ở Mỹ nếu chịu khó làm việc thì không thể đói được, đó là đất vàng, nhưng phải bỏ công ra đào mới có. Họ sẽ được thấy nước Mỹ cho người ta cơ hội học hỏi, cơ hội tiến thân, cơ hội sống theo ý mình và quí hơn hết là cho tự do, nếu mình không phạm pháp thì cả đời chính quyền cũng chẳng hỏi đến mình. Chính vì những ưu điểm này mà bao nhiêu người trên thế giới dù ghét Mỹ cũng vẫn chọn đến Mỹ lập nghiệp.
Thời gian qua mau, nói xong thì đã hết 2 tiếng đồng hồ. Ai cũng rất hồ hởi và yêu cầu tôi dạy cho họ tiếng Anh. Họ muốn học đàm thoại nhửng câu thông dụng để khi cần đến họ có thể dùng, còn trẻ em thì sau này học cũng không muộn. Tôi hẹn sẽ tìm tài liệu để giúp họ. Mọi người ra về rất vui và tôi thì cảm thấy như vừa làm được một điều gì thú vị lắm.

Làm thông dịch:
Về đến nhà, tôi chỉ kịp ăn trưa rồi lại sửa soạn cho cuộc hẹn lúc 2 giờ chiều.
Chiều nay tôi sẽ làm thông dịch cho một cuộc phỏng vấn của LS bên AAT.
Tôi đã cẩn thận đi sớm, nhưng ông tài Taxi lại không rõ đường! Đi loanh quanh rồi cuối cùng tôi phải gọi lại văn phòng AAT để nhờ họ chỉ đường. Cũng may là đến nơi vẫn chưa muộn.
LS Terence Shum ra gặp tôi là người Hồng Kông và còn trẻ như học trò. Chúng tôi ngồi nói chuyện xã giao rất thoải mái. Trong khi chờ người được phỏng vần đến, Terence nói chuyện về công việc của một thông dịch viên và thuyết phục tôi chính thức nhận lời giúp họ (with pay đấy). Tôi ngại ngùng nhưng rồi cũng đồng ý vì nếu sau này không làm được thì tôi vẫn có thể từ chối mà.

Ở bên đây đa số nạn nhân người Việt đã nhờ BPSOS giúp vì các nhân viên nói được tiếng Việt. Tôi không biết AAT sẽ cần đến tôi bao nhiêu lần mà họ cũng có contract đàng hoàng. Tôi giúp họ cũng như giúp cho nạn nhân người Việt đến đó phỏng vấn mà thôi. Còn tiền thì làm việc vài ba tiếng có đáng là bao. Nhưng bao nhiêu cũng được, tôi đã có chỗ để xử dụng rồi.


Đến 2:30 thì người được phỏng vấn đến. Anh là một thanh niên còn trẻ. Anh hỗ trợ các đoàn thể tranh đấu cho nhân quyền ở VN nên đã bị chính quyền CS bỏ tù 6 năm thêm 3 năm quản chế, mất hết cả tuổi thanh xuân! Tại sao anh phải chạy? Tôi không trả lời được vì đây là vấn đề tôi không được nói ra. Tên tuổi và những hoạt động của anh cũng khá quen thuộc với cộng đồng người Việt hải ngoại vì anh đã được các đài phát thanh phỏng vấn và đăng trên mạng nhiều lần.

Cuộc phỏng vấn diễn tiến bình thường, anh biết Anh ngữ nhưng nghe hơi chậm và tôi giúp anh lúc nào anh không hiểu hoặc không nói được. Cũng có lúc tôi quên cả mấy tiếng rất thông thường, lại phải giải thích quanh co cho họ hiểu. Buổi phỏng vấn kết thúc tốt đẹp, chỉ có tôi là còn chút áy náy.
Trước khi ra về, Terence đưa cho tôi ký vào tờ giấy để cuối tháng “lãnh lương” và đưa mấy xấp tài liệu liên quan đến công việc, trong đó có 5 trang “home work” gồm những tiếng chuyên môn mà họ thường dùng khi phỏng vấn để tôi về nghiền ngẫm. Rõ chán! Bỗng dưng lại phải làm học trò!
Không biết tôi sẽ nhớ được bao nhiêu trong những xấp tài liệu này, nhưng cảm nghĩ là mình đã giúp được một chút khi người ta cần khiến tôi mỉm cười thoải mái, lòng thơ thới ra về.


Kinh nghiệm đi xe bus:
Thật ra từ văn phòng AAT về chỗ tôi cũng chỉ mất có 6,7 chục Bạt, nhưng hôm nay tôi thấy vui và muốn đi xe bus về. Tôi hỏi cô thư ký về đường xe bus, cô cho biết chỗ chờ xe rất gần và sẵn sàng chỉ cho tôi. Tôi mừng quá, theo chân cô bé liền. Ai ngờ đi mãi đi mãi, qua mấy chỗ rẽ rồi mới tới! Thì ra trẻ khác già là ở chỗ ấy, xa thế mà cho là rất gần! Cuối cùng rồi tôi cũng đến nơi và ngồi ngay vào ghế đá chờ xe tới.
Chờ khoảng 15 phút thì có mấy xe đến. Giờ tan sở nên xe nào cũng đông. Tôi được cô bé dặn là phải đi xe số 92. Có 2 xe số 92, tôi theo đoàn người trèo lên được 1 xe đã mừng. Xe chật nhưng tôi rất hài lòng vì vẫn còn chỗ đứng. Người ta bảo tiền vé có 12 Bạt. Có thế chứ, bõ công tôi đi bộ.
Xe chạy qua đến 3 chạm thì người thu vé tới chỗ tôi. Tôi đưa tiền và cẩn thận lấy địa chỉ ra chỉ chỉ cho họ biết. Người xoát vé mỉm cười nhìn tôi ái ngại và líu lo một hồi, tay chỉ chỉ sang phía bên kia xa lộ. May quá có người biết chút tiếng Anh đứng cạnh đã giải thích cho tôi là địa chỉ chỗ tôi thì phải đi xe chạy phía bên kia xa lộ, ngược chiều với xe này, và tôi phải chờ xe này ngừng ở chỗ có cầu bắc ngang 2 xa lộ thì xuống và leo qua cầu sang bên kia đường để chờ xe 92 ở đó! Tôi ngẩn người, chỉ biết cám ơn họ rồi chờ xuống xe. Ôi cái cô bé thư ký dễ thương đã vô ý chỉ sai chỗ chờ xe rồi!

Một lát sau thì xe ngừng ở ngay chân cầu bắc qua 2 xa lộ cho người bộ hành đổi đường. Tôi xuống xe và leo cái cầu cao để sang bên kia đường chờ xe. Chỉ chờ khoảng 10 phút thì có xe, cũng là số 92, nhưng xe này đi về phía tôi ở. Lên xe, tôi cẩn thận đưa ngay địa chỉ cho ông tài, ông nhìn tôi cười rồi gật gật, thế là tôi yên tâm đứng quanh quẩn gần đó để khi đến nơi ông sẽ cho biết. Tiền vé có 12 Bạt thật, thôi cũng đỡ!
Xe chạy quanh co và ngừng nhiều trạm mới tới khu của tôi, nhưng xe này lại là xe đi bên nhà số lẻ, tôi ở bên số chẵn, lại phải leo qua cầu sang bên kia đường mới về được! Nhìn cầu cũng ngại quá, may là chỗ này không đến nỗi xa lắm!
Thế là lại trèo cầu sang đường! Đi bộ về đến nhà thì quả thật là tôi đã thấm mệt! Hôm nay có lẽ tôi đã đi bộ được đến mấy miles. Xem nào, lần này tôi hà tiện được bao nhiêu nhỉ? Được 55 Bạt, tức là được gần 2 Đô đấy.
Bây giờ thì tôi nhớ rồi, ở đây họ chia như thế này, 1 bên đường là số chẵn, 1 bên là số lẻ. Nếu muốn đến địa chỉ số lẻ thì phải chờ xe bên đường số lẻ, nếu muốn đến địa chỉ số chẵn thì phải chờ xe bên đường số chẵn, nếu chờ sai thì … mệt lắm!
Những “hẹn hò” mới:
Về đến nhà chưa kịp nghỉ ngơi thì tôi đã nhận được điện thoại của mấy người gọi đến tâm sự. Đây là job mà An Phong và Anna muốn tôi giúp vì cả hai rất bận, không có giờ để nghe người ta than thở.
Tâm sự nào cũng có nhiều điều để nói. Mới nghe được một người kể thôi cũng đã hết cả hơn một tiếng! Quả thật khi nghe cô bé khóc tôi không nỡ ngưng nửa chừng, nhưng cuối cùng tôi cũng hẹn được đến tuần sau sẽ gặp mặt. Tuần này thì xin tạm ngừng ở dây và xin cấu chúc tất cả được bình an hạnh phúc.
************* (còn tiếp)*************

No comments: