Monday, November 23, 2009

HẠ TRI CHƯƠNG * HỒI HƯƠNG NGẪU THƯ

**

LTS

Yêu quê hương, lòng hoài hương là một đề tài chung trong văn chương thế giới. Nhất là những kẻ phải bỏ quê hương ra đi tìm tự do thì lòng hoài hương càng mạnh. Bài thơ của Hạ Tri Chương được nhiều người dịch và bình luận. Chúng tôi xin phép đưọc tập hợp vào trang này để bạn đọc thưởng thức thơ và hiểu tâm trạng kẻ hồi hương.
Sơn Trung


**

TIỂU SỬ HẠ TRI CHƯƠNG

Hạ Tri Chương (chữ Hán: 賀知章; 659 - 744), tự Quý Chân, khi từ quan về làng tự xưng là Cuồng khách, là nhà thơ đời Đường, người Cối Kê, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc[

Đời Đường Trung Tông, Hạ Tri Chương đỗ tiến sĩ vào năm 684, được bổ làm Thái thường bác sĩ. Trong thời Khai nguyên, đời vua Đường Huyền Tông, ông làm Lễ bộ thị lang kiêm Tập hiền viện học sĩ, đổi làm Thái tử tân khách, rồi Bí thư giám. Đầu đời Thiên Bảo, ông xin từ quan về làm đạo sĩ.

Ông cùng với Trương Húc, Trương Nhược Hư, Bao Dung được người đương thời gọi là Ngô trung tứ sĩ (Bốn danh sĩ đất Ngô). Trong quyển Thơ Đường, Trần Trọng San cho biết: "Ở vào thời Sơ Đường, thơ của Ngô trung tứ sĩ không nhiều thì ít đều kế tục di phong phù mỹ của thời Lục Triều, nên được xếp vào phái thơ Ỷ mỹ phái." [2] Ông là bạn vong niên với Lý Bạch, từng gọi Lý Bạch là "trích tiên" (tiên bị đày). Hạ Tri Chương thích uống rượu, tính tình hào phóng. Ông còn để lại 20 bài thơ, trong đó bài Hồi hương ngẫu thư là nổi tiếng nhất. (WIKIPEDIA)



LAIQUANGNAM







Hạ Tri Chương



(賀 知 章)


1. Hạ Tri Chương là người Quảng?

Có một ông thi sĩ già tên là Chương, tên đầy đủ của ông là Hạ Tri Chương. Ông nói giọng Quảng khá nặng dù trong tiếng nói có đôi chút lơ lớ. Ông ra đi đã rất lâu, không ai biết vì lý do gì, nay cuối đời tìm về thăm quê nhà. Có ba bài thơ tường thuật chuyến về này, đời sau nay còn lưu giữ. Ông còn nhớ như in cái lần ngoái nhìn quê hương lần cuối trên bước đường “?” ; bây giờ “?” là “nửa muốn nhớ, nửa muốn quên” …

Tiễn người hoa lá vấn vương,

Đồng hoa nội cỏ ủ hương… nhớ người!






P I

Bài thứ nhất



Trở lại quê xưa …

Nội dung là bối cảnh làm động lòng của người ly khách (ông già Chương) trên bước đường trở lại quê nhà, xứ Quảng thân thương của mình, nỗi buồn xa quê đã lâu của người ly khách tự kể ở câu 1, và cuối cùng là tâm trạng của ông thay đổi theo từng phút giây đối mặt với người tưởng chừng đã quên. Bài này có lẽ do người dẫn truyện tường thuật, đang là người đồng hương thuộc thế hệ sau ông.


-o0o0-



Hồi hương ngẫu thư kỳ 1



1a) Nguyên tác



回鄉偶書其一

少小離家老大迴,
鄉音無改鬢毛摧1。
兒童相見不相識,
笑問客從何處來。


1b) Phiên âm



Hồi hương ngẫu thư kỳ 1

Thiếu tiểu ly gia, lão đại hồi

Hương âm vô cải, mấn mao tồi

Nhi đồng tương kiến, bất tương thức

Tiếu vấn :” khách tòng hà xứ lai”.



1c) Chú vài từ và tạm dịch nghĩa

(nntc), viết tắt của cụm “ngữ nghĩa như trong chữ …”



ngẫu (nntc) ngẫu hứng;

thư là ghi chép;

cải [改 ] là đổi, (nntc) cải thiện,cải cách ;

mấn là tóc;

tồi [摧 ] là rụng sạch, (nntc) tồi tàn;

tòng là từ đâu ra;

hà là sao, vậy.



Tạm dịch tiêu đề “Ghi chép ngẫu hứng trên đường hồi hương” .



1d) Dịch thơ quốc âm :



Hồi hương ngẫu thư

Tạm dịch :



“ghi chép ngẫu hứng khi tìm về làng xưa”.

1..Đi khá trẻ, về khá già !

2. Giọng quê nào đổi, bạc đà hơn râm.

3. Trẻ con bu lại hà rầm,

4. Rằng:“ Ông mô đến, hay lầm chỗ ni” ?

5. Hỉ .?

6. Hì! hì!.... Hì! Hì! Hì!



laiquangnam dịch



Theo người Đông phương, ai gắp được niềm hạnh phúc là những người “hạnh phúc“. Hạnh phúc đâu xa, “nó” đôi khi hiện ra trước mặt mình trong một phút giây bất chợt, khi ta trải lòng có lẽ dễ gặp hơn. Găm phiền não càng khó gặp lắm. Xin hãy xả lòng để cơ duyên có cửa “chui vào “ ...



1. Nắng hạn gặp mưa rào

2. Đất khách gặp người quen

3. Phòng hoa đêm hợp cẩn

4. Bảng vàng được đề danh



Và đây cũng là niềm hạnh phúc khác cũng theo quan niệm Phương Đông

1. Tha hương gặp đồng hương,

2. Thành đạt về cố hương .

3. Tuổi già không cô độc .



Ông già Chương đang thực hiện hai niềm hạnh phúc cuối :"Thành đạt về cố hương, & tuổi già không sống cô độc“. Người ta nói “về già ra con nít”, lòng mình mà được hồn nhiên phá chấp như con trẻ mới là chân hạnh phúc, cái làm cho mình mau xuống sắc chính là sự dằn vặt về tinh thần do bởi ngoại cảnh hay bởi chính ta.



Ý thơ từng câu :



Câu 1. Đi khá trẻ, về khá già !

Nếu đời người là khỏang cách A_B – 100 năm, lời của người ly khách kể với ta thành A_A’___B’_B, khá trẻ A’ cận dưới A, khá già B’ cận trên B -quãng cách A’__B’ gợi cho ta nghĩ đến một khoảng thời gian xa quê quá lâu. Người dịch không dùng chữ quá già, bởi quá già thì sinh lẩm cẩm, đi đứng chậm lụt, phản ứng chậm chạp, có khi lại bị nặng tai đâm ra mất vui; câu chuyện gồm ba hồi theo ông già̀ gân họ Hạ. Ông già Chương sống rất thọ, đến 85 tuổi tây, hay 86 tuổi ta, lúc ấy ông mới chịu từ giã cuộc chơi.



Câu 2. Giọng quê nào đổi, bạc đà hơn râm,

Sau khi thẩm định, người kể chuyện quả quyết : “Ông già Chương rất xịn. Ông đã giữ tốt tiếng nói của mình, một giọng Quảng khá nặng đặc trưng không sao lầm lẫn được. Đất Quảng có câu “Chưởi cha không bằng pha tiếng “. Ông ngon!. Chính vì vậy mà người dẫn truyện phán ra câu chắc nịch, "nào", Giọng quê nào đổi! (nghĩa là y chang 100%, xịn lắm đó! ).



Câu 3. Trẻ con bu lại hà rầm,

Người kể chuyện (có thể là lời tự hào của chính ông pha vói chút hài lòng), giọng người tường thuật cũng đặc sệt tiếng Quảng, ”trẻ con bu lại hà rầm”, "hà rầm" (là đông đúc, đông dầy, đông đen , ô là là… nhiều ơi là nhiều!), bu (là vây quanh, áp sát). Theo mỗi bước chân của người ly khách đâu đâu cũng là đồng hương.



Câu 4. Rằng: “ Ông mô đến hay lầm chỗ ni” ?

Đám con nít chưa biết giữ ý tứ, gọi ly khách là Ông, thay vì gọi bằng “Khách ” như người đàng ngoài, đám trẻ cùng quê, lại là nhà quê nên ”Ăn cục nói hòn”, “mô đến ?”, “chỗ ni” ; [ chú từ Quảng: mô là đâu, nơi đâu ; ni là chỗ này,]



Câu 5. Hỉ ? & Câu 6. Hì! hì!.... Hì! Hì! Hì!


“Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ”, Hỉ ? [ chú từ Quảng : Hỉ là làm sao, hỉ ? hàm ý làm ơn lặp lại dùm đi ]. Có lẽ ly khách hơi nặng tai, đã 84 rồi còn gì! Giọng ly khách đã khó nghe? Không biết giữa ông cháu họ đã đối đáp những gì, họ đã nói “cái chi chi” mà thấy họ cười rũ rượi. Hì! hì!.... Hì! Hì! Hì!. Có lẽ lũ trẻ tranh nhau nói, tranh nhau làm tài lanh tài khôn, con nít quê nhà thường như vậy. Thấy vui là xáp lại. Sao bọn trẻ quê Quảng mình dễ thương đến chi lạ! hồn nhiên ơi hồn nhiên !..

- Hì! hì!.... ! này của ai ? và Hì! Hì! Hì! này của ai? Tiếng cười “Hì! Hì! Hì! ” của ông cháu họ vang lên sặc trong không gian nồng mùi cỏ dại của làng mạc xứ Quảng, hòa lẫn trong tiếng xào xạc của lũy tre xanh. Họ cùng ngồi bệt xuống thảm cỏ, đúng là

Tiễn người hoa lá vấn vương,

Đồng hoa nội cỏ ủ hương… nhớ người!

Quá lâu, đến tận bây giờ mùi hương quê nhà mới chịu nhả ra để sưởi ấm lòng người ly khách.






P II
Bài thứ hai



Hạ Tri Chương

Xin kể tiếp cuộc hành trình.



Sau khi gặp đám trẻ nói trên, vài hôm sau ông đi tìm gặp ngay bè bạn lớp trước. Lớp bạn học, lớp bạn thời còn đổ nước bắt dế, thời còn xúc cá ngoài ao hay bẻ trộm mía, nhổ trộm khoai lang trên đường đi học về, tụi bạn cắc cớ hay kêu tên cha mình mỗi khi gặp mặt mình đâu đó mà mình không hề có chút giận hờn. Tâm tình trăm mối.



-o0o0-



Hồi hương ngẫu thư kỳ 2


2.1) Nguyên tác



回鄉偶書其二

離別家鄉歲月多,
近來人事少消磨。
惟有門前鏡湖水,
春風不改舊時波。


2.2.) Phiên âm



Hồi hương ngẫu thư kỳ 2

Ly biệt gia hương tuế nguyệt đa,

Cận lai nhân sự bán tiêu ma.

Duy hữu môn tiền Kính Hồ thuỷ,

Xuân phong bất cải cựu thì ba.



2.3.) Chú vài từ và tạm dịch nghĩa



tuế nghĩa là năm;

cận lai là gần đây;

Kính Hồ địa danh mà ngày xưa ông đã tham gia cất công chỉ huy đào; hồ Kính nay là hồ nhân tạo được dùng để tích nước tưới ruộng vườn;

cải là thay đổi, (nntc) cải thiện ;

ba là sóng, (nntc) phong ba bão táp.



2.4 ) Dịch thơ quốc âm :

Ly hương tính đã nhiều năm,

Bạn bè chừ điểm còn dăm ba người .

Ngoài song Hồ Kính mười mươi,

Gió xuân y thuở, sóng chừ y xưa !

laiquangnam dịch



Thì ra,….”.lần ngón tay ai còn ai mất” sóng vẫn lăn lăn tăn trên mặt Kính hồ trước nhà. Cảnh vẫn “y sì” như xưa, từ ngọn gió đến con sóng lăn tăn.”Tụi bay đâu rồi! Tau nì! ”. Im lặng!. Âm thầm có một giọt lệ lăn dài trên gò má hóp.

Tôi cố sống để xem Bạn Hiền có cầm được nước mắt khi trở về thăm lại quê nhà. Tôi e bạn sẽ 1trật “dụt” [là “vuột” trong nam ] khi lặng lẽ gắp cộng rau húng Trà Quế, tay thì cầm mãi miếng bánh tráng nướng bẻ tiếng kêu dòn rụm mà mắt cứ để tận đâu đâu, trước mặt bạn một tô mì Quảng vàng rườm, trái ớt nửa xanh nửa tím, lạnh ngắt, nhạt mờ sau làn nước mắt.







P III

Bài thứ ba

Xin mời Khách thơ tiếp tục bám theo bước chân ông đến tận cuối cuộc hành trình.



Ông già Chương sau khi về quê nhà, lớp bạn cũ hoặc đã từ giã cuộc chơi vì tuổi tác hoặc đã ly tán vì thời cuộc quá nửa. Theo dòng đời, Ông cũng có nhu cầu tâm tình, nhu cầu kết bạn chơi đi qua đi lại. Ông khéo quá và hồn nhiên quá.



3.1 ) Nguyên tác



題袁氏別業

主人不相識,
偶坐為林泉。
莫謾愁沽酒,
囊中自有錢。


3.2) Phiên âm



Đề Viên thị biệt nghiệp

Chủ nhân bất tương thức

Ngẫu tọa vị lâm tuyền

Mạc mạn sầu cô tửu

Nang trung tự hữu tiền1



3.3) Chú vài từ và tạm dịch nghĩa

(nntc) viết tắt của cụm “ như ngữ nghĩa trong chữ “



Đề là ghi, là viết, (nntc) đề thơ ;

thị là họ;

Viên là họ của người trong cuộc ;

biệt, (nntc) đặc biệt;

nghiệp,(nntc) cơ nghiệp;

mạn [謾] là lừa dối (lời nói dối) [ mạn có bộ ngôn (言)] (nntc) ;

mạc là đừng;

nang là túi, (nntc) cẩm nang.



Câu 3, “Mạc mạn sầu cô tửu” hàm ý “đừng dối lòng buồn vì uống rượu chỉ có một mình mình“, hàm ý rằng đừng nói buồn vì thiếu bạn rượu, hay đang vì lý do gì khác? cho nên ông sè sẹ đề nghị góp “?”….hóm hỉnh!

Câu 4, 1Nang trung tự hữu tiền, sẵn tiền trong túi; lấy ý từ nhà thơ trong thời Lục triều, bài thơ có viết với ý “một bụng đầy văn chương không bằng một túi sẳn tiền.”. Chí lý!. Có tiền nặng túi lòng người thường rộng mở, họ vào cuộc chơi, mạnh miệng kêu loại rượu ngon nhất mà lòng chẳng hề so đo, họ không hề nghĩ trong đầu rằng ai sẽ trả "độ" này. Càng rất đúng với người ly khách trong cuộc; thì ra “Mạc mạn sầu cô tửu” là vậy sao?


3.4 ) Dịch thơ quốc âm

Đề Viên thị biệt nghiệp, xin tạm dịch nghĩa



“Đề thơ riêng tặng nhà họ Viên”

Tình ta với chú2 chửa thâm,

Ngẫu nhiên cùng ngắm suối lâm râm tình .

Buồn chi! _ uống rượu một mình,

Sẵn tiền trong túi cho mình góp vui !.



lạiquảngnam dịch



2Chú, đừng quên rằng ông già Chương đã hơn 80 (thọ 85 tuổi tây), ông già trên thất thập cổ lai hi hơn một giáp. Với ai ông cũng có thể gọi bằng “chú”, từ rất thân mật, ”chú em“, mà chẳng sợ mích lòng. Đó cũng là cách tiếp cận thân mật với lớp trẻ của người xưa.



-o0o0-



Sự thật :



1. Hạ Tri Chương là người Quảng Đông là bạn vong niên với Lý Bạch.

Bài Hồi hương ngẫu thư kì I được đem vào dạy chương trình lớp 7 bậc PTCS hiện nay nhằm quảng bá dòng thơ cổ văn Trung Quốc. Lớp 7 bây giờ là lớp đệ lục ngày xưa của học sinh miền Nam. Đó là bài chính khóa cùng với bài Tĩnh dạ tư (靜夜思) của Lý Bạch. Chương trình phổ thông hiện nay có 15 bài thơ Đường tại hai cấp lớp 7 và 10, cho cả phần chính khóa và ngoại khóa. Việt Văn Độc Bản của hai cụ Đàm Quang Thiều và Trần trọng San viết cho lớp tú tài I (lớp 11 bây giờ ) của học sinh miền Nam trước 75 chỉ giới thiệu có mỗi một bài Hoàng hạc lâu của Thôi Hiệu, chỉ có dân tú tài ban C, dân văn chương nhà nòi mới được tiếp cận mà thôi, thế mới biết văn chương của lớp trẻ bây giờ được chuẩn bị “thâm lắm ”. Bản dịch Việt văn Hồi hương ngẫu thư kỳ I dành cho học sinh lớp 7 là bản dịch dưới đây do Phạm sĩ Vĩ dịch.



Bản dịch số 01

(bản dịch cho Học sinh lớp 7 phổ thông cơ sở học hiện nay là bản dịch này )



Ngẫu nhiên viết nhân lúc buổi về làng



Khi đi trẻ,lúc về già

Giọng quê vẫn thế tóc đà khác bao

Trẻ con nhìn lạ không chào,

Hỏi rằng : khách ở chỗ nào lại chơi.



Phạm sĩ Vĩ dịch



-o0o0-



Các bản dịch của các tác giả thời danh khác
Bản dịch số 02



Bài thơ khi về làng



Hồi hương, nhớ thuở trẻ ra đi

Tóc rụng nghe còn đúng tiếng quê

Gặp mặt trẻ con cười chẳng biết

Hỏi ta mới ở xứ nào về .



Bùi Khánh Đản dịch,



Bùi Khánh Đản là người dịch thơ Đường rất chuyên nghiệp và nổi tiếng ở miền Nam trước 75, trong khi cụ Trần Trọng San thì dịch nhằm phục vụ công tác dạy chữ Hán tại ĐHVK ,ĐHSP SG.



Bản dịch số 03



Về quê tự dưng viết kỳ 1

Bé đi, già mới về nhà,

Tiếng quê vẫn thế, tóc đà rụng thưa.

Trẻ con trông thấy hững hờ,

Cười ồ, hỏi khách lại từ phương nao.



Trần Trọng Kim dịch

Cụ Trần Trọng Kim, dịch thơ đường rất sớm, hầu như cụ dịch gần trọn vẹn bản "Đường thi tam bách thủ" vào năm 1941 khi cụ dưỡng bệnh tại Singapore.



Tiểu sử Hạ Tri Chương

Hạ Tri Chương 賀知章 (659-744), tự Quý Chân, người Quảng Đông, có sách lại chép ông người Chiết giang. Ông đỗ tiến sĩ năm 698. Kiến văn rất rộng, làm quan đến chức Thái Tử Tân Khách Bí Thư Giám. Khi từ quan về nhà, ông sống đời đạo sĩ, lấy tự hiệu là Tứ Sinh Cuồng Khách.

Ngoài tài thơ văn, tiểu thuyết, còn có tài viết chữ thảo, chữ lệ rất đẹp. Tính phóng khoáng, thích uống rượu. Ông là bạn vong niên với Lý Bạch, lớn hơn Lý Bạch 40 tuổi, Ông chết 86 tuổi. Nhóm thi ca của ông gồm bốn người, gọi là nhóm “Ngô Trung Tứ Sĩ“, gồm 1Hạ Tri Chương,Trương Húc,Trương nhược Hư, & Bao Dung. Trong nhóm ông có Trương nhược Hư với bài “Xuân giang hoa nguyệt dạ”, là một trong hai bài thơ Đường rất được người Nhật yêu thích, bài kia là bài Trường hận ca của Bạch Cư Dị.



Phần đọc thêm :



01. Bản tiếng Anh, laiquangnam sao lục dành cho thế hệ con, cháu 1,5 ( nóivà hiểu tiếng Anh giỏi hơn tiếng Việt ) của Việt Nam



Bản dịch sang Anh ngữ, của Witter Bynner được dùng tại vài đại học Hoa kỳ

1. I left home young.I return old;

2. Speaking as then, but with hair grown thin;

3. And my children, meeting me, do not know me.

4. They smile and say: "Stranger, where do you come from?"



02. Xem người Tàu bình thơ của tiền nhân họ từ nguyên tác

(trích từ nguồn http://honvietquochoc.com.vn )



Đường thi đại từ điển – Giang Tô Cổ tịch xuất bản xã, 1990, tr.712 mục Hồi hương ngẫu thư, viết: “Hai bài thơ này diệu ở chỗ văn chương khinh khoái, tả người xa quê lâu ngày về rất là chân thành, tha thiết, không cần vẽ vời, tình thú dào dạt. Nhân sự tiêu mòn, Kính hồ như cũ, cảm khái vô hạn, gởi cả vào thơ, tình sâu vị đượm, thực là tác phẩm thượng thừa trong thơ thất tuyệt đời Đường. Toàn bài 1 và 2 câu cuối bài 2 đều được xưa nay truyền tụng là “giai cú” [câu đẹp ].



Đường đại danh gia thi tuyển – Hải Nam xuất bản xã, 1994, tr.67, viết “lâu năm làm khách xa quê, cảm khái tuổi già về lại quê nhà, thấm thía cái bi hoan của nhân sinh, chân thành, tha thiết động lòng người”.



Tân dịch Đường thi tam bách thủ, Tam Dân thư điếm. Đài Bắc 2005, tr.468, viết: “Tùy hứng viết ra ý tứ thơ do việc tác giả xa quê lâu năm, già về quê, kẻ sinh sau không nhận ra mình, lại gọi mình là khách đến làng, cho nên trong thơ cảm khái tự thương tuổi già…, Chỗ hay của bài thơ là bình dị, sáng rõ, dễ cảm, trong lòng ẩn chứa nỗi đau, nghìn năm sau còn làm động lòng người”.



Trung Hoa thiên cổ danh thiên tân biên, Thượng Hải, Phúc Đán đại học xuất bản xã, 2000, tr.37, viết: “Bài thơ ngữ ngôn phác thực, tự thuật sinh động, phong phú ý vị nhân tình… Nói về kỷ xảo, tuy không luyện chữ khắc ý, cũng có sự sắp xếp: thiếu tiểu và lão đại, ly và hồi, hương âm không đổi và tóc mai đã rụng là 3 tổ hợp đối tỉ (…) khiến người ta có cái cảm sâu sắc về biển dâu (thương tang). Hai câu sau của bài lấy từ trong sinh hoạt, là một bức tranh tế vi, từ trong sự vật bình thường hóa thành tuyệt xướng”.



Cổ thi hải (tập thượng). Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã, 1992, tr. 467–468, viết: Bài thơ “thực bao hàm cả ngàn câu vạn lời về cái cảm xúc biển dâu… Trẻ con cười hỏi” đã làm dậy lên trong lòng nhà thơ bao nhiêu ý vị về quê…” Thủ pháp ngụ bi vu tiếu, ngụ thực vu hư (gửi cái bi trong cái cười, gửi cái thực trong cái hư) sức mạnh nghệ thuật thâm trầm, trăm ngàn năm nay không thời nào không làm độc giả động lòng. Hai bài này ý cảnh như đạm mà nồng”.



Đấy là mới để mắt lướt qua một vài tư liệu của Trung Hoa về bài thơ trên .



03. Lời cuối của người viết bài:

Khách thơ đọc tiếng Việt qua dòng lục bát có lẽ thấm hơn so với nguyên tác, liệu có quá chăng? Đọc lời bình của chính người Tàu, Khách thơ cảm nhận được những gì? Riêng laiquangnam chỉ mong cho đồng hương mình, nay đang là người Quảng Nam đóng vai ly khách đêm nay tại xứ người, tìm được chút hơi thở từ quê hương mang lại.

Rằng laiquangnam và bè bạn luôn thương yêu và nghĩ đến các bạn.

Ngàn dặm quê nhà.

Thân ái




-o0o0-



Ghi bên lề của người viết bài

Bài hồi hương ngẫu thư của Hạ Tri Chương là một bài xuất sắc trong dòng thơ tứ tuyệt của Đường thi, ngôn ngữ tưởng chừng như mộc mạc mà cay đắng.

Ta thử đọc lại hai câu :



Nhi đồng tương kiến, bất tương thức

Tiếu vấn :” khách tòng hà xứ lai”.



bất tương thức! chẳng hiểu gì nhau, ngậm ngùi! và Tiếu vấn, vừa hỏi vừa cười, phải nghĩ rằng các cháu nhi đồng đang vừa cười vừa hỏi, nên ta thấy lão ông không chấp nhất, lớp người cỡ thiếu niên trở lên “tiếu vấn” có mà ăn đòn. Hóm hỉnh!

Tuy nhiên, khi đọc lại nguyên tác, ta thử dùng các sách do người Việt mình dịch giới thiệu bài này ,ta gặp sự tam sao thất bổn tại câu hai

鄉音無 改 鬢毛 [?]

Hương âm vô cải mấn mao [?]



Chuyện gì vậy ?

鄉音無 改 鬢毛 [?]

Hương âm vô cải, mấn mao [?]



a) Trường hợp 1 : [?] là chữ tồi [ 摧 ] là bẻ gãy, dọn sạch.



01- Trong tập Thơ Đường I, Văn học, Hanoi, 1987, do Nam Trân chủ biên, và tập thể, thì ghi: Hương âm vô cải mấn mao [ tồi ] , nhưng rất tiếc là trong sách chỉ có bản phiên âm mà không có bản chữ Hán đi kèm. Các tư liệu sách giáo khoa của bậc THPT thì đều ghi là Hương âm vô cải mấn mao [ tồi ].



02- Tập Thơ Đường của cụ Trần Trọng Kim, NXB Tân Việt 1950 ghi là tồi [摧]. Tập này cụ TTK dịch trong những ngày lưu trú tại Singapore,1944.



03- Tập Đường thi trích tuyển của cụ Bùi Khánh Đản, được viết lại khá kỹ, NXB Văn học, 2006, có sự giúp đỡ của kiều bào hải ngoại, trong danh mục tham khảo tiếng Trung của cụ có 30 quyển, trong đó có 7 quyển thơ Đường, không biết cụ dùng bản Đường thi tam bách thủ nào ? Cụ cũng dùng chữ tồi [摧] (trang 435) như cụ Trần.



b) Trường hợp 2 : [ 催 ] là chữ thôi là thôi thúc



04- Giáo sư Đại học VKSG &ĐHSP SG, Cụ Trần Trọng San trong cả ba tập Thơ Đường, từ tập Thơ Đường (cuốn I) trong bản tái bản lần hai 1965, và cả đến lần tái bản thứ ba 1970, (thứ nhất 1957), do nhà XB Bắc Đẩu phát hành, kể cả tập Thơ Đường (biên dịch xuất xứ từ tập Poems of the T’ang Dynasty (Hoa Kỳ), do NXB Thanh hóa, 1997 (trang 44), nghĩa là 32 năm sau, Cụ vẫn viết

Hương âm vô cải mấn mao [thôi]



Thôi [催] có lẽ cụ San lấy từ sách Đường thi tam bách thủ của Sử Cúc Nhân, Hương Cảng, 1953.



c) Trường hợp 3 : [ 推 ] là chữ thôi là đẩy lên



05- Tập Đường thi tuyển dịch, nhà sách Trẻ, 1997, của Lê nguyễn Lưu, thì ghi [thôi] 推, trang 272. Lê nguyễn Lưu là nhà biên khảo cẩn thận, sách được nhà sách Trẻ của anh LNĐ, là một cử nhân VK SG, DHSPSG vốn rất kỹ tính. Họ cũng đáng được tin tưởng lắm.



d) Trường hợp 4 : [ 衰] là chữ suy



06- Bản Đường thi tam bách thủ của Hành Đường Thoái Sĩ là bản được xem như nghiêm túc nhất, bản này được các trường ĐH tại Hoa Kỳ hay tại ĐH Taiwan dùng trong việc giảng dạy thì viết [衰], đọc là suy. Suy [衰] “ngữ nghĩa như trong chữ suy vong, Suy [衰] trái với nghĩa chữ "thịnh" [盛].



Nguyên tác đúng là



回鄉偶書其一

少小離家老大迴,
鄉音無 改 鬢毛衰

兒童相見不相識,
笑問客從何處來。


Phiên âm



Hồi hương ngẫu thư kỳ 1

Thiếu tiểu ly gia, lão đại hồi

Hương âm vô cải, mấn mao suy

Nhi đồng tương kiến, bất tương thức

Tiếu vấn :” khách tòng hà xứ lai”.



07- Bạn thấy đấy, bản chữ thảo bên cạnh là bản viết tay của Cánh Sanh cư sĩ Khang hữu Vi [tức học giả Khang hữu Vi 康有为 (1858—1927) ] cũng viết là Suy (nguồn : wikipedia, sưu tập của Nantosoyo Collection, Japan).



Bản viết tay này khi ông xa quê một một thời gian dài, trốn chui trốn nhủi tại Nhật Bản để tìm đường cứu nước, ngày ông quay trở về nước là ngày cuộc cách mạng Tân Hợi 1911 do Tôn Dật Tiên lãnh đạo thành công. Lúc ngồi viết lại bài thơ này của Hạ Tri Chương hẳn lòng ông cũng như ông già trong bài.







Có mâu thuẩn không khi laiquangnam theo cụ Trần Trọng Kim ?



Lý do thứ nhất về lý ,đã có một tác giả (TTK) và hai tập thể biên tập (VVH ,bè bạn của BKĐ) như đã đề cập ở trường hợp a) đã dùng chữ [ tồi ], trong đó tập thể những người biên tập lại tập sách của cụ BKĐ tôi nghĩ là nghiêm túc nhất.

Lý do thứ hai về tình, do vì laiquangnam còn nhắm đến đối tượng đang là học sinh trung học tại Việt Nam, với họ là kỷ niệm thời đi học trong trường Trung học phổ thông còn rất mới có thể hiện nay là SV … , họ đã thuộc lòng bản phiên âm này, họ đã từng phải trả bài cho cô thầy khi còn trẻ, họ vẫn nhớ như in.



Cuối cùng nhắm đến các giáo viên hiện đang đứng lớp có thể xử dụng bài này như là tài liệu tham khảo cho giáo án của mình .



Thì ra với Tàu gốc mà Thơ Tàu cũng tam sao thất bổn lắm, tùy nguồn tham khảo mà tác giả Việt Nam phiên âm. Không phải lỗi ở các vị viết sách trên, vả lại chuyện đính chính không phải là chuyện của người Việt chúng mình.



-o0o0-



Tham khảo

Ngoài các sách nêu ở trên, laiquangnam còn xử dụng :



01-Thư quán bản thảo, số 35, NJ, USA.

02- Bùi Khánh Đản, Đường thi trích dịch, nhà xuất bản Văn Học, 2006

03-Laiquangnam, Đường thi nửa chặng, bản thảo, (do laiquangnam tuyển chọn cộng thêm các bài do Khách thơ giới thiệu với, có lẽ theo Laiquangnam nó gần như đủ những bài thơ Đường tạm nghĩ là hay nhất (?) .

05- Trong quá trình viết bài này, laiquangnam có xử dụng một số tư liệu khác trên mạng internet, và hai ba năm trước đây, nếu Khách thơ đã từng đôi lần đọc bản dịch của laiquangnam trên http://www.caliweekly.com với lòng bao dung thì laiquangnam cám ơn lắm. Ngày ấy mới tập làm quen với văn giới qua sự tử tế của bè bạn ở CA, Hoa Kỳ.



Saigon, cuối tháng bảy 2009.

laiquangnam









trang laiquangnam



www.art2all.net


***


phát biểu cãm nghĩ về bài thơ '' hồi hương ngẫu thư ( ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê )




Đến từ: viêt nam
Registration date: 20/10/2008

roleplay game
Thong báo Thong báo:
9/9999999999999999 (9/9999999999999999)


“Hồi hương ngẫu thư” là 1 trong 2 bài thơ viết về que hương nổi tiếng của Hạ Thi Chương. Sau hơn 50 năm làm quan ở kinh đô Trường An, ông muốn tìm nguồn an ủi nơi quê nhà. Và bao nhiêu cảm xúc dồn nén khi xa quê hương cũng như bột phát lúc trở về được ông bộc lộ trong bài thơ thất ngôn tứ tuyệt viết một cách ngẫu nhiên.
Thiếu tiểu li gia, lão đại hồi.
Hương âm vô cải, mấn mao tồi.
Nhi đồng tương kiến, bất tương thức,
Tiếu vấn: khách tòng hà xứ lai?
dịch thơ
Khi đi trẻ, lúc về già
Giọng quê không đổi, tóc đà khác bao
Trẻ con nhìn lạ không chào
Hỏi rằng: Khách ở chốn nào lại chơi?
(Phạm Sĩ Vĩ dịch)


Ai mà chẳng mang trong mình thứ tình quê thiêng liêng sâu nặng. Nhất là với những người xa quê, tình cảm ấy lại càng trở nên thiết tha, day dứt. Chính vì thế, mặc dù ko phải là đề tài mới lạ, tác giả lại là người Trung Quốc nhưng “Hồi hương ngẫu thư” vẫn nói hộ tâm tình của biết bao bạn đọc Việt. Tình yêu quê hương thường trực, bản thân nhà thơ có thể bộc lộ tình cảm ấy bất cứ lúc nào. Nhưng khi Hạ Tri Chương ko chủ định viết mà lời thơ và cảm hứng dạt dào thì cái duyên cớ đã xui khiến, đã đưa đẩy tác giả cho ra đời bài thơ quả là góp phần quan trọng. Nếu ví tình cảm với quê hương của thi nhân như sợi dây đàm đã căng hết mức thì “Hồi hương ngẫu thư” chính là tiếng ngân vang kéo dài đến hơn 1 nghìn năm bởi cú va đập của “duyên cớ”.


Xa quê từ khi còn trẻ, cuộc đờiHạ Tri Chương là bước đường thành công trong sự nghiệp. Ông đỗ tiến sĩ, sinh sống, học tập và làm quan trên 50 năm ở kinh đô Trường An, rất được vua Đường Huyền Tông vị nể. Lúc từ quan về quê làm đạo sĩ ông còn được vua tặng thơ, được thái tử và các quan đưa tiễn. Trường An chắc hẳn là quê hương thứ hai thân thiết. Nhưng, con người dù sao cũng ko thể chống lại quy luật tâm lí muôn đời:
“Hồ tử tất như khau
Quyện điểu quy cựu lâm”
(Cáo chết tất quay đầu về núi gò
Chim mỏi tất bay về rừng cũ)
(Khuất Nguyên)


Đó là dù đi những đâu ko j vui hơn được ở nhà mình, dù ở phương nào, ta vẫn hương về quê hương. Cả 1 đời làm quan, khi tuổi cao, khi muốn được nghỉ ngơi, Hạ Tri Chương trở về quê. Thời gian năm tháng, cuộc sông nơi đô thành làm cho tóc mai rung, cho vẻ ngoài đổi thay, làm cho chàng thanh niên thuở xưa thành ông già 86 tuổi. Duy có 1 điều ko thay đổi ấy là :giòng quê”(hương âm vô cải). Thi nhân trở về vẫn vẹn nguyên con nngười của quê hương mặc dòng đời đưa đẩy.


Lẽ thường, về thăm quê, trở lại nơi chôn rau cắt rốn, nhà thơ phải mừng vui sung sướng. Song, phải đọc tới hai câu thơ cuối, người đọc mới hiểu được cái duyên cớ xui khiến thi nhân làm thơ và khiên nhà thơ ngậm ngùi. Sự ngậm ngụi ấy xuất phat từ những đổi thay của quê hương. Bạn bè người quen chắc chẳngcòn ai, nếu có còn thì chắc cũng ai nhận ra tác giả. Đúng như vậy, đón nhà thơ là đàn em nhỏ vui vẻ cười noi và rất hiếu khách. Trớ trêu thay, không phải vẻ ngoài của tác giả làm các em không nhận ra mà làviệc trong mắt các em, tác giả trở nên hoàn toàn xa lạ. 1 vị khách ngay chính tại quê hương mình, sinh ra và lớn lên ở quê hương mà ko được coi là người con của quê hương quả là 1 tình huống bi hài, cười ra nươc mắt.

Giọng thơ trầm tĩnh nhưng chứa đựng tình cảm dạt dào, chan chứa với quê hương. Bài thơ lay động sự đồng cảm và thấu hiểu của người đọc bởi tình huống bất ngờ trớ trêu. Phải ở vào hoàn cảnh của tac giả, chúng ta mới cảm nhận hết được sức mạnh to lớn của thời gian và sự xa cách.

http://nhoc.forum-viet.net/forum-f10/topic-t31.htm

***
CẢM TƯỞNG V Ề BÀI THƠ CỦA HẠ TRI CHƯƠNG


Một ngày nào đó, quê hương chúng ta thực sự thanh bình tự do, khắp nơi trên thế giới sẽ rộn rã người kéo nhau về thăm nơi chôn nhau cắt rún, không biết bà con có còn nhìn ra nhau.

Mới đây vài tháng một mẩu tin được đăng trên New York Times kể chuyện một giáo sư người Nhật, dạy ở Harvard, về thăm gia đình nội ngoại nơi một ngôi làng nhỏ ngoại ô Sakata. Khi xuống xe buýt ở đầu thành phố, ông ta ngơ ngác không biết phải đi về hướng nào bèn hỏi bằng tiếng Anh với người khách qua đường. Nhưng mọi người đều thờ ơ bước đi. Ông buồn quá không biết xử trí ra sao thì may có người Nhật biết chút đỉnh tiếng Anh giúp ông:

- Thưa ông, ông người nước nào?
- Cám ơn, tôi là người Nhật.
- Sao ông không biết tiếng Nhật?
- Vì tôi sinh trưởng ở New York và đây là lần đầu tiên tôi về thăm quê nhà.
- Song thân ông còn nói được tiếng Nhật?
- Đúng như thế. Cha mẹ tôi nói tiếng Nhật với nhau ở nhà và nói tiếng Mỹ với chúng tôi.
- Tại sao vậy?
- Vì cha mẹ chúng tôi bận đi làm nên cả ngày chúng tôi ở trường chỉ học và nói tiếng Mỹ thôi.
- Hiện ông là công dân Mỹ chứ?
- Sinh ra, tôi là công dân Mỹ rồi. Nhưng tất cả người Mỹ vẫn xem tôi là người Nhật, vì màu da vàng, mũi tẹt. Thực sự tôi là người Nhật, mặc dù tôi không biết tiếng Nhật.
- Tội nghiệp cho sự cô đơn của ông quá. Có điều tôi nói thật với ông, khi nãy ông hỏi những người qua lại đều không muốn trả lời ông vì họ không muốn người Nhật sử dụng tiếng ngoại quốc để nói chuyện với nhau nên họ không trả lời, chứ những người ấy đều biết tiếng Anh cả đấy chứ. Và họ nghĩ tại sao ông không cảm thấy hổ thẹn vì sao ông không biết nói tiếng mẹ đẻ.
- Cảm giác đó chính tôi cũng vừa nhận thấy mới đây... nhưng tôi còn quá đủ thì giờ để học chữ và tiếng nói của người Nhật chúng ta trong thời gian sắp tới... tôi hy vọng sẽ đạt ý nguyện.
- Tại sao ông không nghĩ cách khác khỏi tốn thì giờ nhiều hơn là tự hậu có ai hỏi lý lịch, ông nên từ chối ông không phải là người Nhật là cách hay nhất...
- Cốt tủy máu huyết tôi là người Nhật. Chính tôi có muốn sinh ra ngoài đất nước thân yêu của mình đâu. Cả thế hệ chúng tôi đâu muốn như thế, lỗi đâu phải chúng tôi... Người Mỹ không nhận tôi là người cùng chủng tộc với họ, người Nhật hất hủi xem chúng tôi là người ngoại quốc... Tôi là ai bây giờ? Hay tôi đến từ một hành tinh khác chăng?

Vài năm sau, chúng ta hy vọng không còn nhìn thấy bóng dáng một Kiều Phong đứng trên đỉnh Nhạn môn quan mà than:
“Đất trời quá mênh mông mà ta không có một mảnh đất để dung thân” !!!


***

No comments: