Saturday, November 7, 2009

THANH THANH * LÊ MỘNG BẢO


Tôi được hân hạnh biết, quen, rồi thân với nhạc sĩ Lê Mộng Bảo từ năm tôi 14 tuổi (năm 1944).

Thuở ấy, nhạc tiếng Việt mà bọn nhỏ chúng tôi thường nghe, và thường hát theo, hầu như chỉ có:

1/ Bản "Đăng Đàn Cung" của triều đình nhà Nguyễn, trỗi lên mỗi lần hoàng đế Bảo Đại đến chủ tọa lễ phát phần thưởng cho học sinh ưu tú cuối học kỳ (tại hội đường "Accueil"), hoặc các cuộc tranh tài thể thao cuối tuần (tại thể vận trường "Bảo Long"); đại khái:

"Kìa, núi vàng, bể bạc,

Có sách Trời, sách Trời định phần.

Một dòng ta, gầy non sông vững chặt,

Đã ba nghìn sáu trăm năm,

Bắc Nam gồm một Nhà:

Con Hồng, cháu Lạc,

Văn Minh đào tạo,

Màu gấm hoa càng đượm,

Rạng vẻ nòi giống Tiên Long", v.v...

2/ Bài "Dậy!" (?) (không phải "Dậy Mà Đi!") của thực dân Pháp, phổ biến rộng rãi trong các trường học cũng như tại các buổi họp đông người; đại khái:

"Dậy! Dậy! Dậy!

Mở mắt xem toàn Châu,

Đèn khai hóa rạng khắp hoàn cầu:

Ngọn đèn thông thương ngàn dặm,

Xe, tàu điện, tàu nước, tàu bay...", v.v...

3/ Bài "Đi Dạo Bờ Hồ" của thực dân Pháp, lưu hành trong giới "Khố Đỏ", "Khố Xanh", nhưng ở trong dân thỉnh thoảng cũng có người hát; đại khái:

"Mình ơi, có đi bờ hồ?

Cùng nhau anh em ta dạo!

- Xin mình là mình đừng đi!

- Cứ đi là đi mình nhé!", v.v...

Về nhạc tiếng Pháp, chúng tôi phải hát những bài ca tụng thống chế Pétain, quốc trưởng bù nhìn do Đức Quốc Xã dựng lên, như "Maréchal! Nous voilà!"; đại khái:

Maréchal! Nous voilà!

Devant toi, the sauveur de la France,

Nous jurons nos égards

D'obéir et de suivre tes pas!", v.v... hoặc "Debout, Belle Jeunesse!"; đại khái:

"Debout! belle jeunesse!

Voici l'heure d'agir!

Et voici la promesse

De toujours obéir!", v.v...

Để đối lại với thể loại văn hóa lạc hậu và nô lệ ấy, nhất là từ khi có phi cơ của Mỹ đến oanh tạc thường xuyên các căn cứ quân sự của Nhật, các nỗ lực đổi mới văn hóa (trong đó có âm nhạc) đã được gấp rút gia tăng. Một trong các nhóm văn nghệ sĩ tích cực hoạt động bấy giờ là "Đoàn Văn Nghệ Quê Hương" (sân khấu và tuần báo) ở Huế. Tôi nhờ đã có thơ văn đăng trên các tạp chí "Truyền Bá""Tiểu Thuyết Thứ Bảy" ở Hà Nội từ năm 1943, nên được thi sĩ Phan Khắc Khoan, trưởng Đoàn, nhận vào Đoàn. Tại đây, tôi gặp Lê Mộng Bảo, Hồ Mộng Thiệp, và Quốc Dân; riêng anh Bảo là người trước đó tôi thấy làm việc ở Sở Bưu Điện trung ương. Thì ra anh là một nhạc sĩ rường cột trong Đoàn, đang tiếp sức các nhạc sĩ tân nhạc tiền phong, cống hiến thính giả Việt Nam những điệu nhạc và lời ca hùng mạnh, trẻ trung.

Tuy nhiên, phải đợi đến tháng 8 năm 1945 mới có nhạc phẩm riêng đầu tiên của Lê Mộng Bảo được chính thức phổ biến và hoan nghênh từ Bắc chí Nam; đó là bản "Không Làm Nô Lệ", cảm hứng nhiệt tình từ cuộc "Cách Mạng Mùa Thu" của toàn dân Việt Nam.

*

Sau năm 1947, hồi cư về Huế, tôi gặp nhạc sĩ Lê Mộng Bảo thường xuyên. Họ Lê phụ trách "Nhà Xuất Bản Tân Hoa" (về sau đổi ra là "Tinh Hoa" rồi "Tinh Hoa Miền Nam"), thực hiện đặc san "Tin Nhạc", với nội dung không chỉ về nhạc mà còn về nhiều thể loại khác. Riêng về thơ, có những bài giá trị mà tác giả ký tên là Mộng Quỳnh. Về sau tôi mới khám phá ra: thi sĩ Mộng Quỳnh cũng chính là anh (về sau anh còn ký tên là Hoa Linh Bảo nữa).

*

Tháng Tư Đen đã phủ xuống cuộc đời của nhạc sĩ Lê Mộng Bảo một bức màn đen dày kín. Nhưng bức màn đen 1975 dày kín quá, họ Lê xé mãi không rách, lách mãi không ra.

Nói như thi sĩ Tản Đà, nếu mỗi đời người là một "giấc mộng lớn", thì trong mỗi "giấc mộng lớn" đều có khá nhiều "giấc mộng con". Thế mà, với anh:

Sở nguyện phụng dưỡng mẹ già đã không đạt thành như ước mơ!

Vốn liếng gửi gắm người thân, tưởng như thoát được số phận của mấy căn phố lầu giữa trung tâm đô thành, đã không cánh mà bay! Tủi biết ngần nào khi đón tiếp bạn bè mà không đãi nổi một ly cà phê!

Hương lửa mặn nồng ngày nào, giờ đây chỉ là tro tàn bếp lạnh đêm đông!

Còn lại một tấm thân gầy, nhạc sĩ Lê Mộng Bảo đi lang thang như người mất trí, một hôm bỗng bị một cái cưa từ trên lầu cao rơi xuống cưa trúng đầu mình! May nhờ thi sĩ Tô Như, bạn thân, nhà ở gần đó, chở kịp đến nhà thương, nếu không thì máu đã ra hết mà bỏ xác dọc đường rồi! Hậu quả của tai nạn ấy là đôi mắt, cửa sổ của tâm hồn, của nhạc sĩ họ Lê, ngày càng mờ đi!

Trong hoàn cảnh khốn khổ ấy, Tạo Hóa lại trớ trêu đưa đẩy đến cho anh một mỹ nhân tài sắc tuyệt vời. Nàng là tri âm tri kỷ của anh, là thế giới mới của anh. Hạnh phúc bỗng như hồng ân ban xuống từ trên Trời cao... Thế nhưng, lại là chữ "nhưng" quái ác, người đẹp vốn đã cởi bỏ áo dòng, nay lại xa lìa họ Lê, mang theo qua châu Âu một giọt máu của chàng.

Từ ngày tôi ra khỏi trại "cải tạo" vào năm 1987, tuần nào tôi cũng nhận được ít nhất là một bài thơ, khá dài, của Lê Mộng Bảo, chia sẻ với tôi những nỗi niềm bi phẫn tự đáy lòng anh. Nếu như trước kia, tôi còn giữ được những băng nhạc và ấn bản đặc biệt nhạc phẩm (in hai lớp giấy dày) của anh gửi tặng tôi với chữ ký và triện son, thì tôi đã có thể đem các băng nhạc ra nghe để nhớ thương và đồng cảm với anh, qua các bản nhạc của anh với tiếng hát của Duy Khánh, Thanh Vũ, Khánh Ly, Trúc Ly, Giao Linh, Giáng Thu, Phương Dung, Trang Mỹ Dung, Hà Thanh, v.v...

Mộng riêng của anh là được gần gũi để tâm sự với nàng, nhưng cuộc tình đã dang dở giữa chừng. Mộng chung của anh là được trở lại với Âm Nhạc, nhưng tình hình chính trị cộng với bệnh hoạn và nỗi buồn riêng tư đã đẩy anh vào cơn chán ngán triền miên, biến một tay hoạt động xã hội có tinh thần Hướng Đạo cao như anh thành một nạn nhân tuyệt vọng trong một cảnh đời éo le, nên anh không còn sáng tác được gì.

Do đó, thi sĩ Tô Như, bạn thân của chúng tôi, trước khi qua đời, đã đặt cho Lê Mộng Bảo cái tên "Lao Mộng Bể": lao vào mộng, mà mộng nào cũng bể (vỡ) tan!

*

Khi gặp lại nhau trên vùng đất Tự Do này, nghe đến cái tên nói-lái-đùa mà được xem như là điềm-ứng đó, tôi không tán đồng. Tôi quyết góp phần hồi phục Niềm Tin Yêu Đời cho người bạn thâm niên và vong niên của mình (anh lớn hơn tôi hơn nửa giáp). Tôi cùng vợ tôi đến thăm và tạo không khí thân mật hàn gắn phần nào sự bất hòa trong gia đình anh; chúng tôi đưa anh chị Bảo đi hội chợ Tết; chúng tôi đưa anh Bảo, cùng chị Agnès, quả phụ của cố thi sĩ Hồ Mộng Thiệp, đi dự các buổi sinh hoạt văn nghệ tại San Jose. Bạn bè gần xa đều niềm nở chào hỏi anh, và anh đã trở lại thường xuyên nở một nụ cười thật tươi trên khuôn mặt hiền lành. Tôi đặt lại tên cho anh, Lê Mộng Bảo, là "Lão Mộng Bê", nghĩa là tuy già lão rồi, nhưng hãy vẫn cứ bê (ôm) các giấc mộng của mình!

Và có hiệu quả thật.

Từ trong đáy hành trang, Lê Mộng Bảo đã đem ra lại những chứng tích mà anh may mắn còn giấu giữ được, những kỷ vật mà anh trân quý tự ngày xưa: một số ấn bản nhạc phẩm của anh, một số thủ bút của bạn bè, vô số hình ảnh của đa số các nam nữ nghệ sĩ tên tuổi của Việt Nam trước năm 1975 (trong đó có cả một tấm hình của tôi, Thanh-Thanh, chụp chung với Như Trị, Tô Kiều Ngân, hồi mới hai mươi!)

Nhờ đó mới có bản nhạc "Tìm Lại Quê Hương", mà anh đã phổ từ thơ của Hồ Mộng Thiệp, một người bạn thân của chúng tôi, để in trong thi tập "Ngàn Năm Gởi Mây Bay" mà chị Agnès, quả phụ của cố thi sĩ họ Hồ, đã xuất bản (di cảo của chồng) trong năm 1996.

*

Có một điều lạ là Lê Mộng Bảo đã sáng tác được cả một tập nhiều trăm trang thơ, trong đó có vài bài đã được diễn ngâm trên làn sóng phát thanh ở Thung Lũng Hoa Vàng này.

Anh cũng nghiên cứu, phát minh ra một cách làm thơ theo lối bói số: cứ chọn đại 4 con số, rồi tra bảng kê có sẵn, mỗi con số đưa đến 7 con số khác, rồi tra bảng kê "số đổi thành chữ", ta có ngay 4 câu thơ thất ngôn đúng niêm đúng luật đường hoàng!

*

Trở lại với âm nhạc, ở hải ngoại, dù sức khỏe quá yếu, anh cũng đã cố gắng sáng tác thêm được hai bản ("Đi Tìm Anh""Nghe Loài Chim Hát" trích từ tập nhạc chủ đề "Những Khúc Tình Ca Viết Trên Lưng Ngựa Hoang" của anh), đã được phổ biến trên "Chánh Đạo", "Việt Nam", "Mẹ Việt Nam", v.v...

Anh cũng soạn lại và cho in lại thiên biên khảo công phu "Thử Nhìn Lại Các Dòng Ca Khúc Việt Nam Trước Và Sau Năm 1945 Qua Các Giai Đoạn" để lưu lại một tài liệu quý báu cho nhạc sử nước nhà.

Liên lạc lại với các bạn cũ, ôn lại quãng đời xưa, Lê Mộng Bảo vui sướng đã dự được một phần đáng kể trong quá trình và công trình khai phá cũng như quảng bá nền Tân Nhạc Việt Nam từ thuở ban đầu. Thành tích ấy đã được tái xác nhận với các lớp hậu sinh, qua nhiều báo chí hải ngoại như: "Mẹ Việt Nam" của Như Hảo ở miền bắc Cali, ký giả Trần Quốc Bảo trên "Thế Giới Nghệ Sĩ" ở miền nam Cali, nữ sĩ Vi Khuê trên "Phụ Nữ Diễn Đàn" ở Virginia, nhạc sĩ Lê Dinh trên "Nghệ Thuật" ở Montréal (Canada); ký giả Trường Kỳ trong tuyển tập "Nghệ Sĩ'" (cũng ở Canada), nhà văn Nhật Thịnh và Khuê Dung đã viết trên "Mẹ Việt Nam" và gần đây trên "Tiếng Vang" của Trần Văn ở Sacramento, v.v... cũng như qua chương trình "Văn Học Nghệ Thuật" giới thiệu "Tác Giả và Tác Phẩm" của các phối hợp viên Trái Phạm, Sơn Tuyền và Hồ Văn Cao trên đài "Tiếng Nói Hoa Kỳ"...

Những "giấc mộng con" của anh lại được anh tiếp tục "bê", dù rất khó khăn. Chương trình ca nhạc đặc biệt ngày 6 tháng 8 năm 2000 tại sân khấu "Le Petit Trianon" ở San Jose, dành để vinh danh Lê Mộng Bảo, được các nghệ sĩ thân hữu tổ chức, và khán thỉnh giả đồng hương ủng hộ nồng nhiệt, cụ thể đối với anh quả là một giấc mộng đã thành.

*

Trong số các lời giới thiệu nhạc Lê Mộng Bảo, anh thích nhất đoạn viết sau đây của nhà nhạc học Thế Phong, mà tôi xin trích để kết thúc mẩu chuyện phiếm này:

"Không phải là không hữu lý, một khi thi triết gia Frederick Nietzche bàn về nhạc, mà cho rằng thảm kịch đã sinh ra thiên tài và nhạc tính... Nhạc Lê Mộng Bảo chịu ảnh hưởng của nhiều ca khúc Nietzche, từ Kinh Vê Đăng Ta (Vệ Đà) và Triết Phật, những khúc Krakiviak của Chopin, từ cuộc sống lưu đày tang thương của nhạc sĩ Adam Czartoryska... nên Tình Khúc của anh là những âm thanh kết tinh từ điêu linh của Dân Tộc Việt, hơn ba mươi năm không ngơi nghỉ chiến tranh, mà nhạc sĩ đã chịu đựng đến mức tột cùng..."

THANH-THANH

LÊ XUÂN NHUẬN

TÌNH BẠN GIỮA LÊ MỘNG BẢO

VÀ THANH-THANH

Anh Lê Mộng Bảo vô cùng thân+thương,

Đây là giờ phút cuối-cùng mà em cùng với mọi người đến đây để tiễn-đưa anh về cõi vĩnh-hằng.

Chính lúc này là lúc mà đầu-óc em tràn-ngập bao nhiêu kỷ-niệm vui/buồn đã có với anh.

Giữa chúng mình không những chỉ là tình bạn, mà còn là tình anh+em không khác chi ruột-thịt một nhà. Nhất là sau năm 1975, anh+chị Hồ Mộng Thiệp thì đã vượt biển qua Hoa-Kỳ, anh+chị Tô-Như thì bận vật lộn với sự sống hằng ngày, riêng anh thì sau khi thoát khỏi mạng lưới chính-trị lại vướng ngay vào mắc lưới ái-tình. Hoàn-cảnh của anh, anh đã trình-bày trong những bức thư và những bài thơ mà anh liên-tiếp gửi ra Nha-Trang cho em, tưởng như suốt ngày anh chỉ làm có một việc là giãi-bày tâm-sự với em. Tuy nhiên, anh còn dành nhiều thì-giờ để đi nhà thờ, tham-gia ca-đoàn, học Kinh Thánh, và... gặp người kia. Việc đó vừa là hậu-quả vừa là nguyên-nhân làm cho sự rạn nứt trở thành đổ vỡ trong gia-đình anh.

Cuối năm 1991 cho đến đầu năm 1992, vợ+chồng chúng em vào Sài-Gòn để làm thủ-tục xuất-ngoại, trực-tiếp gặp anh+chị nhiều lần, làm một nhịp cầu thông-cảm phần nào cho cả hai bên. Trong những bài thơ mà anh gửi em, đã có biết bao nhiêu lần anh viết "Nết em ơi! Nết em ơi!" Rõ thật: giận thì giận, mà thương thì thương! Cho nên chúng em rất mừng khi được anh+chị ngồi chung một bàn nâng ly chúc tiễn chúng em đi...

Sau này, anh+chị qua Mỹ, tình-hình hầu như càng căng thẳng thêm. Thế nhưng, mỗi lần vợ+chồng chúng em đến thăm vẫn được anh+chị ngồi chung tiếp chuyện chúng em, có lần đi chung cùng với chúng em, và mới đây nhất, khi nhà em qua đời, anh+chị cũng đã đi chung với nhau, cùng chị Hồ Mộng Thiệp, lên Alameda thắp nhang tiễn-biệt nhà em. Nếu giữa anh+chị và chúng em mà không có một tình thân sâu đậm thì thật khó mà có sự nhường-nhịn ấy. Em cám ơn anh+chị đã nể tình đôi bạn vong-niên, cũng như đã nể chị Hồ Mộng Thiệp, là người bảo-trợ, đón tiếp, và thu-xếp nơi ăn chốn ở lúc ban đầu khi anh+chị và cháu Tuyết mới qua đây.

Và em vẫn đều đều, mỗi lần về San Jose, chở anh, và chị Hồ Mộng Thiệp cùng với nhà em, đi dự các buổi sinh-hoạt văn nghệ. Anh kiếm để dành cho em hầu hết các loại báo-chí, có khi quá nhiều đến nỗi cả anh lẫn em cùng với cháu Tuyết phải ôm nhiều lần từ nhà ra xe; và khi có một tin-tức gì lạ thì anh gửi liền lên em, thật là chu-đáo và tận-tình.

Trong chỗ bạn-bè với nhau, đã có vài người vui miệng hỏi anh về chuyện gia-đình. Anh đã mộc-mạc trả lời: "Bảo rất muốn ăn cơm nhà, nhưng vì nhà không dọn cơm, nên Bảo phải đi ăn cơm bên ngoài!" Em lại thấy rõ lòng anh trong câu nói đó: giận thì giận, mà thương thì thương!

Nhưng có một kỷ-niệm mà em không thể không nhắc lên đây:

Về buổi ca-nhạc chủ-đề "50 Năm Âm-Nhạc Lê Mộng Bảo" được tổ-chức tại Le Petit Trianon, San Jose, vào chiều 6 tháng 8 năm 2000, em có một bài phát-biểu, theo lời yêu-cầu của anh. Khi nhắc đến chuyện "người đẹp vốn đã cởi bỏ áo dòng, nay lại xa lìa họ Lê, mang theo qua châu Âu một giọt máu của chàng" em có viết thêm một đoạn sau đây:

"Chưa hết! Trong lúc con người tài hoa ấy, tác giả của những bản tình ca đã một thời làm xao xuyến bao nhiêu con tim, xác ở nước Mỹ này mà hồn vọng hướng Paris, đọc lại những dòng thư cũ, "Mỗi lần nhớ đến Anh, Lòng em thấy ấm áp lạ lùng... Yêu thương con Bằng yêu thương Anh", để được an ủi và tự an ủi mình, thì bỗng vũ trụ của anh sụp đổ: Định Mệnh lại giáng xuống đời Lê Mộng Bảo một đòn oan nghiệt nữa: bên kia Đại Tây Dương, người-trong-mộng của anh đã vĩnh biệt cõi trần!"

Em viết như thế là vì đã thấy trong buồng ngủ riêng của anh, có một bàn thờ, với ảnh của nàng; hỏi anh thì anh bảo là "cô ấy" đã qua đời rồi. Tôn-trọng nỗi buồn riêng-tư của anh, em không dám hỏi gì thêm.

Thế nhưng trước khi em lên sân khấu, anh đã lấy bài của em, xóa bỏ đoạn ấy, và giải-thích rằng: cô ấy không chết, vì muốn cho "bả" yên tâm, Bảo đã loan tin như thế và làm như là sự thật, để cho yên cửa yên nhà!

Anh Bảo ơi! kỷ-niệm về anh thì còn rất nhiều, nhưng qua chuyện đó, em thấy rằng anh, trôi giữa đôi bờ, cũng đau lòng lắm; và em cũng dám tin thêm, nhất là trong giờ phút này, rằng chị cũng cùng tâm-trạng với anh: giận thì giận, mà thương thì thương!

Em thì không có chuyện gì, đúng ra là không có tư-cách gì, để giận anh, nhưng thương anh thì thương vô cùng, anh Bảo ơi!

LÊ XUÂN NHUẬN

KHÓC ANH LÊ MỘNG BẢO

Bảo ơi, đàn đã vỡ rồi!

Bao nhiêu mộng đẹp cuối đời đã tan!

Xuôi tay sạch nợ trần-gian,

Thiên-đuờng cũng được, niết-bàn cũng yên!

Nhớ xưa, từ trung (hay) cao-nguyên,

Hễ vào đô-thị (em) đến liền nhà anh.

Chị lo cơm nước ngon lành;

Các cháu sẵn dành chỗ ngủ ấm êm;

Anh lái (xe hơi) chở em đi xem

Vũ-trường, nhạc-hội, cảnh đêm Sài-thành...

Ở xa, em đã có anh

Lo giùm ấn-loát, phát-hành thơ văn;

Đại-Hội Văn-Hóa Miền Nam,

Có tay anh giúp em làm nên công.*

Thế rồi trời nổi tố giông,

Gia-tài sự-nghiệp bỗng không còn gì!

Anh dệt những vần sầu bi

Giãi cùng em, bạn cố-tri, nỗi-niềm...

Cho nên, trong cuộc lụy phiền,

Gặp nhau, tài sắc đắm thuyền, níu nhau:

Anh cần thuốc giảm cơn đau,

Giữa ngày xưa với ngày sau rối bời...

Vợ chồng em, nhỏ tuổi đời,

Nhưng chân-tình vẫn góp lời can khuyên.

Lòng buồn tạm gác qua bên,

Anh chị đồng tiễn chúng em lên đường.

Cảm-thông trong cảnh đoạn-trường,

Em dành chút ít thân thương gửi về.

Đến khi anh chị rời quê,

Tưởng như giai-đoạn não-nề đã qua;

Ai ngờ trời vẫn phong-ba!

Chúng em vẫn đứng giải hòa hai bên...

Và rồi, cố gắng lắng yên,

Anh chị lại đã đồng lên chia buồn:

Vợ em vui thỏa về nguồn,

Vẫn mong anh chị được luôn thuận hòa.

Bây giờ thì anh đi xa,

Có nói chi nữa cũng là... hư không!

Bảo ơi, thương nhớ vô cùng!

Khóc anh, nuốt lệ vô lòng, Bảo ơi!...

THANH-THANH

18-10-2007

*Thi-văn-đoàn "Xây-Dựng" của Thanh-Thanh được

Đại-Hội Văn-Hóa Toàn-Quốc cuối thập-niên 1950

công-nhận là một cành trong Cây Đa Văn-Hiến Việt Nam.

No comments: