Wednesday, November 11, 2009

VIỆT NAM * KHỐI NGỌC VĨ ĐẠI



**

VIÊN NGỌC NẶNG 35 TẤN VÀ 12 NGÀY ĐÊM MẤT NGỦ


Sau khi mua được khối ngọc, ông Cường đã thuê một chiếc xe siêu trường siêu trọng chở về Việt Nam qua cửa khẩu Lạng Sơn. Do khối ngọc bích quá nặng, nên 4 lần xe bị nổ lốp. Chiếc đại xa bò ì ạch suốt 12 ngày đêm
mới về đến Việt Nam.


Thất bại trong cuộc đấu giá khối ngọc khổng lồ ở Myanmar, nghệ nhân Đào Trọng Cường rất tiếc. Mới đây, khi tượng Phật Ngọc của một nghệ nhân Canada được cung nghinh sang Việt Nam, nỗi tiếc nuối không mua được khối ngọc trong ông lại trào dâng. Nếu như mua được khối ngọc đó, bức tượng Đức Phật Ngọc do ông chế tác sẽ lớn nhất thế giới, chứ không phải khối ngọc của một nghệ nhân người Canada.



Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cùng lãnh đạo tỉnh Hải Dương chụp ảnh kỷ niệm bên khối ngọc. “Thông thường, khi các đại gia mua ngọc về, lập tức ngọc sẽ bị xẻ để làm trang sức hoặc sản phẩm gì đó. Nhưng trời Phật run rủi thế nào mà tôi lại gặp được khối ngọc khổng lồ này, vẫn còn nguyên vẹn. Điều này thật lạ!” - Ông Cường cứ nhắc đi nhắc lại điều đó với suy nghĩ đậm chất tâm linh.
Theo lời ông Cường, một lần sang Trung Quốc sắm máy mài và cắt ngọc, ông đã đưa cho một người bạn, cũng là nghệ nhân chế tác ngọc xem tấm hình ông chụp khối ngọc khổng lồ ở Myanmar và bày tỏ sự tiếc nuối khi không mua được khối ngọc đó. Không ngờ, người bạn Trung Quốc kia bảo rằng, chính bạn của anh ta đã mua được khối ngọc khổng lồ đó ở hội chợ đấu giá đá quý ở Myanmar. Viên ngọc đó vẫn chưa bị anh ta xẻ ra. Nghe tin đó, tim ông Cường cứ đập thình thịch. Ông "đề nghị" người bạn lập tức chở đi xem khối ngọc bích cách nơi bạn ông Cường ở 200km. Tận mắt trông thấy khối ngọc vẫn nguyên vẹn hình hài như xưa, ông đã không nén được xúc động, hôn lấy hôn để lên khối ngọc.


Đại gia người Trung Quốc này đã mua khối ngọc với ý định bán kiếm lời, nhưng gặp đúng thời điểm kinh tế thế giới suy thoái, nên suốt 3 năm trời chưa bán được cho ai. Nếu xẻ khối ngọc trị giá gần 60 tỉ đồng này làm trang sức không những khó có lãi, mà có thể còn trắng tay.
"Khi tận mắt khối ngọc bích khổng lồ này, tôi chợt nảy ra ý nghĩ, ta nên làm một ngôi chùa bằng ngọc rồi đặt pho tượng Phật Ngọc vào đó. Tôi tin rằng, ngôi chùa và pho tượng ngọc sẽ không những quảng bá được nghề ngọc mà còn quảng bá được cả thương hiệu đất nước mình ra thế giới". - Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan.

Người sở hữu khối ngọc này đã không dám "đánh bạc", nên vẫn để khối ngọc nguyên vẹn như vậy. Mục đích sở hữu khối ngọc này của ông Cường không phải để làm trang sức, mà để tạc tượng, nên ông mới dám chi ra số tiền rất lớn để mua. Sau tổng cộng 16 lần đi về thương thuyết, trả giá, ông Cường đã mua được khối ngọc của đại gia người Trung Quốc. Số tiền ông Cường bỏ ra mua khối ngọc là bao nhiêu, thì chỉ có ông Cường và đại gia bán ngọc người Trung Quốc kia biết rõ. Chỉ biết rằng, để có đủ tiền mua khối ngọc bích khổng lồ này, ông Cường đã phải bán gấp một ngôi nhà lớn ở cạnh Hồ Tây, chấp nhận lỗ mất nửa triệu USD so với giá thực.

Vết mài làm phát lộ ánh ngọc bích.Sau khi mua được khối ngọc, ông Cường đã thuê một chiếc xe siêu trường siêu trọng chở về Việt Nam qua cửa khẩu Lạng Sơn. Do khối ngọc bích quá nặng, nên 4 lần xe bị nổ lốp. Chiếc đại xa bò ì ạch suốt 12 ngày đêm mới về đến Việt Nam. Lúc khối ngọc tiếp đất tại xưởng chế tác đá quý ở Hải Dương là 2h sáng ngày 10/10, đúng ngày kỷ niệm 999 năm Thăng Long - Hà Nội.

Bản thân khối ngọc này nặng 55 tấn, nhưng do không cẩu được nên đã bị cắt làm đôi. “12 ngày chờ đợi khối ngọc về Việt Nam là 12 ngày đêm tôi mất ăn mất ngủ. Đến bữa thì uống nước sâm, húp cháo loãng. Nhân viên y tế thường trực bên cạnh để đo huyết áp, vì huyết áp lúc nào cũng cao vọt. Khi nhận tin khối ngọc đã qua được cửa khẩu về Việt Nam, huyết áp tự dưng tụt đột ngột xuống còn 80. Đây quả là kỷ niệm khó quên đối với tôi. Sau này tôi tính sẽ viết một cuốn hồi ký và dựng một bộ phim về quá trình mua khối ngọc này” - Ông Cường tâm sự với mọi người trong buổi cắt niêm phong khối ngọc.

Tác phẩm Ba miền của nghệ nhân Đào Trọng Cường được bán với giá 1,830 tỉ đồng trong một cuộc đấu giá. Toàn bộ số tiền ủng hộ Quỹ Vì người nghèo.
Theo anh Nam, Bí thư thứ hai của Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar "Bản thân khối ngọc này nặng tới 55 tấn". Mấy chiếc máy cẩu được trưng dụng vào mỏ, song chiếc thì lật nhào, chiếc gẫy cần trục, nên chủ mỏ phải cắt khối ngọc này thành hai miếng, một miếng nặng 20 tấn và một miếng nặng 35 tấn. Để chở được khối ngọc này từ mỏ Monghsu về Rangoon, trên đoạn đường 850km, phải mất đúng 2 năm trời. Đường sá hiểm trở là một chuyện, nhưng do khối ngọc quá nặng, nên đã có mấy chiếc xe tải bị sập khung. Mỗi lần như thế, chủ mỏ lại mất mấy tháng trời để đưa xe cẩu vào nhấc khối đá khỏi giàn xe, rồi đưa xe đi thay khung mới.

Tác phẩm Tam đa làm từ ngọc Myanmar do nghệ nhân Đào Trọng Cường chạm khắc có giá 270.000USD.
Nghệ nhân Đào Trọng Cường cho biết, ông sẽ cưa đôi khối ngọc bích này thành hai miếng, một miếng nặng 20 tấn, một miếng nặng 15 tấn. Miếng 20 tấn sẽ tạc Đức Phật nặng chừng 15 tấn, miếng còn lại sẽ tạc Đức tổ Hùng Vương nặng 7-8 tấn. Tháng 12 năm nay, ông Cường sẽ mời một số nhà sử học, các nghệ nhân chế tác ngọc hàng đầu Việt Nam sang Nêpan và Ấn Độ để tham khảo tượng Đức Phật nguyên mẫu. Ông hy vọng sẽ tạc được tượng Đức Phật vừa đảm bảo giống nguyên mẫu, lại phù hợp với tín ngưỡng của người Việt.

Mẫu tượng Phật Ngọc do ông Cường phác thảo sơ lược.

Để hoàn thành pho tượng này, ông Cường sẽ phải chi phí cả triệu USD cho việc sắm máy chế tác ngọc và thuê 50 nghệ nhân chế tác ngọc hàng đầu trong và ngoài nước. Công việc tạc tượng Vua Hùng sẽ khó khăn hơn vì từ trước đến nay chưa hề có một nguyên mẫu nào cả. Nghệ nhân Đào Trọng Cường sẽ còn phải tham khảo nhiều mới dám tạc pho tượng này.
Tham vọng của nghệ nhân Đào Trọng Cường là trong 2-3 năm nữa, Việt Nam sẽ có một pho tượng Đức Phật Ngọc lớn nhất thế giới, được ghi tên vào sách Guinness. Pho tượng Phật Ngọc hiện được coi là kỷ lục thế giới chỉ nặng có 3,9 tấn, bằng ¼ pho tượng mà ông Cường sẽ tạc. Đấy là chưa kể chất liệu của khối ngọc này tốt hơn nhiều so với ngọc tạc tượng Đức Phật của nghệ nhân Canada. “Tôi muốn góp phần nhỏ công sức của mình để thế giới biết đến Việt Nam nhiều hơn nữa!” - Ông Cường chia sẻ.
Phạm Ngọc Dương
(vtc.vn)
HÀNH TRÌNH VỀ VIỆT NAM CỦA VIÊN NGỌC BÍCH LỚN NHẤT THẾ GIỚI

Viên ngọc bích (Jade) lớn nhất thế giới đã có mặt tại VN đúng ngày kỷ niệm Thăng Long - Hà Nội 999 năm và kỷ niệm 55 năm giải phóng Thủ đô (10/10). Để đưa được viên ngọc bích này về VN, chủ nhân của nó đã phải trải qua hành trình khó khăn, nguy hiểm.

Phiên đấu giá ở “vương quốc ngọc bích”

Như tin đã đưa, vào ngày 18/10, trước sự chứng kiến của hàng trăm người (trong đó có nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu), nghệ nhân Đào Trọng Cường - Chủ tịch HĐQT Cty đá quý nữ trang Thần Châu Ngọc Việt đã mở niêm phong viên ngọc bích lớn nhất thế giới với trọng lượng 35 tấn, cao 3 m, rộng 2,3m, dày 2,4m xuất xứ Myanmar - quốc gia được mệnh danh “vương quốc ngọc bích”.
Những ngày này, nghệ nhân Đào Trọng Cường rất bận bịu. Dáng người cao dỏng, tóc muối tiêu, tự tin, bản lĩnh, hơi ngông là những gì nhìn thấy được ở vị chủ nhân của viên đá quý. Ông không chỉ được biết đến là người Việt Nam đầu tiên đưa chất liệu đá quý vào hội họa mà còn là người “có số, có má” trong giới đá quý khu vực.


Biết tôi muốn tìm hiểu về viên ngọc bích lớn nhất thế giới, ông dè dặt, cẩn trọng trong từng lời nói. Ông cho biết, theo thông lệ hằng năm, Myanmar thường tổ chức hai cuộc đấu giá ngọc bích. Những cuộc đấu giá này thu hút hàng ngàn chuyên gia, giới doanh nhân kinh doanh trong lĩnh vực đá quý trên thế giới, vì ngọc bích Myanmar có số lượng nhiều và được nhiều người gọi là tốt nhất thế giới. Từ ngọc bích, các nghệ nhân có thể chế tác thành nhiều vật phẩm có giá trị, phục vụ nhu cầu cuộc sống người dân, nhất là trang sức cho phái đẹp.


Giữa năm 2006, trong một phiên đấu giá, ông Cường đã tiếp cận được với viên ngọc bích. Trong số 5.000 chuyên gia và doanh nhân tham dự phiên đấu giá, chỉ có hai người Việt Nam, trong đó có ông Cường. Trước lực lượng hùng hậu và áp đảo, viên đá quý đã thuộc về một thương gia Trung Quốc khi ra giá 1.500.000 USD.


Thất bại vì không mua được viên đá quý để về làm tượng như ý định nung nấu bao năm nay, ông Cường đứng tựa lưng vào viên ngọc, người bần thần như vừa mất đi thứ gì đó quý giá. Ông nghĩ, mình sẽ không bao giờ được gặp lại viên Jade đó nữa. Trở về Việt Nam, ông vẫn tiếc nuối. Cơ hội sở hữu đã thoát khỏi tầm tay?. Ông kiên trì tìm kiếm trên mạng và nhờ bạn bè trong giới đá quý truy lùng tung tích, nhưng thông tin về viên ngọc vẫn mù mịt. Theo ông, viên Jade này rất quý và đẹp, không có vết nứt nào. Hơn nữa, nó quý vì có độ cứng cao gần gấp đôi đá mabô và rubi. Nếu đá mabô và rubi cứng 3 - 4 độ thì viên ngọc bích có độ cứng 6 - 7 độ.

Bán nhà mua đá quý

“Vậy làm sao ông lại mua được viên ngọc bích?” - Tôi hỏi. Chủ nhân Thần Châu Ngọc Việt cho rằng đó là một điều kỳ diệu và có chút gì đó tâm linh. Đó là, trong một lần đi mua dụng cụ máy móc đưa về nước phục vụ việc chế tác ngọc bích, ông may mắn gặp một nghệ nhân chuyên làm tượng ở Bình Châu (Trung Quốc). Sau khi hỏi tung tích viên ngọc, nghệ nhân này cho biết bạn ông ta là người đang sở hữu viên Jade quý đó.


Sau khi biết thông tin về viên ngọc, ông Cường như bắt được vàng. Ông càng vui hơn, khi vị nghệ nhân còn tiết lộ rằng bạn ông ta đang muốn bán viên ngọc đó. Cảm giác về Việt Nam lần này khác với lần trước khi thất bại, vì không mua được viên ngọc ở Myanmar. Ông Cường liền xúc tiến việc “dồn” tiền để mua bằng được viên ngọc đưa về Việt Nam. Sau khi đặt vấn đề với các ngân hàng, ông còn bán cả ngôi biệt thự tại Hồ Tây để chuyển khoản qua Trung Quốc. Tưởng mọi chuyện đã xong, nhưng đến hạn vẫn chưa có ngân hàng nào cho vay. Khi ông đang đứng mân mê viên ngọc để tạm biệt lần hai thì đối tác cho biết họ đã nhận được tiền chuyển khoản. Ông mừng quýnh và kể từ đó chính thức trở thành chủ nhân viên ngọc bích lớn nhất thế giới.
Ông Cường cho biết, đã mua viên ngọc với giá 1.450.000 USD. “Vậy ông đã mua rẻ hơn khi viên Jade được mua tại phiên đấu giá ở Myanmar?”. Thấy tôi thắc mắc, ông giải thích: “Đó là rủi ro của người chơi ngọc bích. Có khi mua ngọc về chỉ để ngắm và mất hàng đống tiền vì nó không đạt mục đích ban đầu”. Ông cho biết thêm, nếu viên ngọc bích này khi bổ ra làm tượng, chỉ cần có một khối xanh thôi thì thiên đường sẽ mở ra với ông.

Tạc bức tượng Phật bằng ngọc bích lớn nhất thế giới


Sau khi mua thành công viên ngọc bích, một khó khăn nữa lại đến. Đó là việc vận chuyển về Việt Nam sao cho an toàn và hoàn tất thủ tục hải quan. Sau khi đóng thuế cho Nhà nước ba tỷ đồng, viên ngọc đã có mặt tại Việt Nam đúng ngày kỷ niệm Thăng Long - Hà Nội 999 năm và kỷ niệm 55 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10). “Đó là định mệnh” - ông Cường nói.
Rồi ông giải thích, trong năm vừa qua, Việt Nam đã nhận được bảy viên xá lỵ Phật ngọc trong tổng số 7.200 viên và được xếp vào danh sách là nước thứ tám có xá lỵ Phật ngọc.


Theo ông, ở đâu có xá lỵ Phật ngọc, ở đó khắc có sự hiện thân của Đức Phật và nơi đó mới có thể làm được tượng Phật bằng ngọc bích. Hơn nữa, cho đến nay, pho tượng Phật ngọc được ghi nhận lớn nhất thế giới và cũng từng được cung thỉnh sang Việt Nam (tháng 3/2009) có trọng lượng 3,9 tấn, cao 2,5m, được chế tác từ khối ngọc bích Nephrite nặng 18 tấn.
“Tôi đang nung nấu sẽ làm bức tượng Phật lớn nhất thế giới từ viên ngọc bích này. Sau khi làm xong, bức tượng sẽ nặng 15 tấn và đó sẽ là bức tượng Phật bằng ngọc bích lớn nhất thế giới” - ông quả quyết.


Chủ nhân viên ngọc cho biết thêm: "Cty Thần Châu Ngọc Việt sẽ cử chuyên gia tạc tượng bằng ngọc bích sang đất Phật Ấn Độ và Lumbini (Nepan) để tham khảo các pho tượng Phật - nơi được coi là nguyên mẫu của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, trước khi đưa ra phương án cuối cùng về hình thái pho tượng Phật sẽ được tạc từ viên ngọc này". Sau khi có nguyên mẫu, các nghệ nhân tạc tượng hàng đầu thế giới được thuê từ Trung Quốc sẽ làm việc trong 2 - 3 năm. Tổng kinh phí để hoàn thành bức tượng, theo ông Cường là khoảng 800 ngàn USD. Dự kiến, đầu năm 2010, Cty sẽ đưa ra kết luận cuối cùng về việc chọn bức ảnh nào để đúc tượng Phật.
Phong Cầm
(tienphong.vn)


CẨM THẠCH VÀ TÂM LINH

Trong thế giới đá quý, ngọc cẩm thạch (ngọc Jade) được xếp vào hàng cao cấp. Đặc biệt đối với người tiêu dùng Á đông, ngọc Jade được yêu thích không những là vật trang sức vì màu sắc, đẳng cấp, nghệ thuật và hướng về nhu cầu tâm linh của con người. Trong lịch sử các triều đại vua chúa hàng nghìn năm qua của nhiều nước hiện còn bảo tồn những di vật vô giá bằng ngọc Jade. Trong thế giới đương đại, các bà các cô từ hàng quý phái cho đến bình dân đều rất đam mê những chuỗi ngọc, vòng ngọc, nhẫn ngọc… nếu là ngọc màu xanh lý thì là tuyệt đỉnh.


Các nhà sưu tập rất tự hào về những bức phù điêu, những tượng phật, tượng các con vật độc đáo như rồng, cóc, kỳ, hươu v.v…; kích thước càng lớn càng quý, nhưng vẫn có màu xanh lý hấp dẫn và hiếm hoi. Người sành chơi việc lựa chọn vật phẩm không phải chỉ vì màu sắc mà còn vì đẳng cấp của ngọc Jade, đương nhiên màu sắc và độ trong vẫn là những tiêu chí ban đầu. Ngọc cẩm thạch còn có ý nghĩa trong sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật hướng về nhu cầu tâm linh của con người: tượng các vị thần linh, tượng phật, tượng các vị anh hùng dân tộc. Vậy ngọc Jade có những đẳng cấp nào được phân loại theo các tiêu chí khoa học và độ quý hiếm, màu sắc ở những cấp độ khác nhau theo cảm quan của người sành chơi.


Như vậy, bên cạnh các tiêu chí khoa học, quan trọng hơn vẫn là độ đam mê của giới thượng lưu đối với họ ngọc Jade cũng thuộc hàng quý tộc trong vương quốc đá quý mà thiên nhiên đã tạo dựng. Các cuộc đấu giá quốc tế của các hãng lừng danh như Christie, Sothby’s v.v… là nơi định hình các đẳng cấp ngọc Jade. Cũng cần nói thêm là đối với kim cương việc phân biệt đẳng cấp của chúng đơn giản hơn nhiều, ngày nay người ta còn có những thiết bị khoa học tinh vi và hiện đại góp phần phân cấp chính xác chất lượng kim cương. Nhưng đối với ngọc Jade thì cặp mắt của những nhà sưu tập sành chơi nhất lại là thiết bị tinh vi nhất!


Vậy khi nói một hàng trang sức bằng ngọc Jade thuộc đẳng cấp cao nhất thì diễn đạt bằng cách nào đây? Bằng trị giá đô la mà người ta đã thắng cuộc trong một trận đấu giá ư? Bằng tên chủ nhân của nó là một hoàng đế xứ Ba Tư hay một minh tinh màn bạc nổi tiếng? Thật không phải điều dễ dàng gì. Có lẽ không thể sa đà vào những lối đi không có đường thoát như vậy được.
Theo khoáng vật học, Ja-đê-it [ Na(Al,Fe3+)Si2O6 ] là thành phần chủ yếu của ngọc Jade Miến Điện. Ja-đê-it là khoáng vật có một lý lịch cực kỳ hiếm có. Thoạt đầu những dòng dung nham bazan tích đọng dưới đáy biển nằm cạnh một đường nứt lớn của Trái đất phân chia đại dương và lục địa.


Đáy đại dương bị hút chìm theo đường nứt đó đến độ sâu trên 60km, đương nhiên ở đó không còn nước biển nữa mà chỉ có những lớp bùn biển bị vùi lấp theo và cùng chịu áp lực rất cao của khối lục địa nằm trên nên hoàn toàn bị biến chất. Khối đá bazan biến thành ngọc màu xanh lý: ngọc Ja-đê-it. Về sau toàn bộ các lớp đá biến chất lại trồi lên theo vận động của Trái đất tạo nên dãy núi kéo dài. Ví dụ dãy núi kéo dài từ Myanma cho đến dãy núi Ural (Nga). Dọc theo dãy núi cổ có thể tìm thấy ngọc Ja-đê-it. Với lý lịch kỳ bí đó, ngọc Ja-đê-it rất khó tìm thấy, mà nếu tìm thấy thì cũng rất hiếm.


Myanma là một quốc gia được thiên nhiên ban phát những mỏ Ja-đê-it lớn nhất và đẹp nhất mà cho đến nay chưa có quốc gia nào khác có được. Tuy vậy Myanma lại không là chủ sở hữu của những tượng Phật ngọc lớn nhất thế giới. Hiện nay, một ngôi chùa ở thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) có hai tượng Phật bằng ngọc Ja-đê-it Miến Điện thuộc loại lớn nhất thế giới hiện nay. Trong đó tượng Phật ngồi cao 1,95m nặng 3 tấn. Tượng thứ hai là tượng Phật nằm. Trong lịch sử đấu giá của hãng Christie đã có những vòng đeo tay bằng ngọc Ja-đê-it Miến Điện, mỗi vòng giá bán được trên một triệu USD. Có lẽ những thông tin định lượng đó đủ nói lên đẳng cấp bậc nhất của ngọc Ja-đê-it Miến Điện. Thuộc đẳng cấp thứ hai là ngọc Nephrit [ Ca2(Mg,Fe2+)5[Si8O22](OH,F)2 không có lý lịch quá phức tạp như vậy nên dễ tìm thấy hơn và không quý bằng.


Tượng Phật nặng gần 4 tấn được trình bày tại ngôi chùa ở Bắc Ninh vào đầu năm vừa qua được tạc bằng nephrit có xuất xứ từ Canada. Chưa có vật trang sức nào bằng nephrit có thể đạt đến hàng triệu USD như ngọc Ja-đê-it Miến Điện. Năm 1982 tượng Phật nặng 260 tấn được lập kỷ lục Guiness thế giới tại thành phố An Sơn (tỉnh Liễu Ninh - Trung Quốc) thuộc ngọc Jade đẳng cấp thứ ba: ngọc secpentin. Ngọc secpentin có thể tìm thấy nhiều nơi ở Việt Nam ta: Ngọc Hồi (Kon Tum), Núi Nưa (Thanh Hoá), v.v… Chúng không thuộc loại quý hiếm.


Vào tháng 10 năm 2009, Công ty Thần Châu - Ngọc Việt của doanh nhân Đào Trọng Cường đã nhập khẩu từ Myanma một khối ngọc Ja-đê-it nặng trên 35 tấn để tạc tượng Phật. Hy vọng sau hai năm chế tác, ông Đào Trọng Cường sẽ là chủ nhân của một tượng Phật trên 10 tấn, có thể ghi tên vào Guiness thế giới: tượng tạc từ khối ngọc thuộc đẳng cấp cao nhất của dòng họ ngọc Jade.
Phan Trường Thị
(ViệtNam net)

***

No comments: