Friday, November 20, 2009

VĂN HÓA XÔ VIẾT

**


Svetlana Boym – Toilet Sô-viết của Ilya Kabakov

21/11/2009 | 1:34 sáng |

Tác giả: Như Huy

Chuyên mục: Văn học - Nghệ thuật
Thẻ: > > >

Như Huy trích dịch

… Năm 1992, tại triển lãm Documenta ở Kassel, Đức, Ilya Kabakov đã cho dựng một phiên bản chính xác một toilet kiểu Sô-viết dùng ở nông thôn – kiểu toilet ở bến xe bus và tầu lửa. Tác phẩm sắp đặt này mang lại cho công chúng nhiều cảm xúc đồng thời, vừa trìu mến gần gũi, vừa ghê tởm, vừa có tính tự thú, vừa có tính khái niệm.


Sau khi kết thúc thời gian trưng bày tại Kassel, Kabakov đã quyết định để lại tác phẩm ở đó. Toilet này được dựng ngay phía sau tòa nhà triển lãm chính, Fridericianum, tức một địa điểm rất đắc địa cho một tác phẩm xuất sắc như vậy. Kabakov miêu tả tác phẩm sắp đặt này như thể các kết cấu u buồn với những bức tường vôi trắng nhơ bẩn và tồi tàn, trên đó đầy những hình vẽ và chữ viết mà nếu đọc và xem chúng, người ta không thể không cảm thấy tuyệt vọng và lộn mửa. Toilet chuẩn tại Sô-viết không có các cửa ngăn. Ai cũng có thể thấy người khác “đang đi theo tiếng gọi của thiên nhiên” ở nơi mà người Nga gọi là “tổ đại bàng” ngay phía trên “lỗ đen”. Toilet là nơi chốn công cộng, và là chỗ trú ngụ của dân cùng đinh.


Ở đó, thói thị dâm trở nên gần như lỗi mốt. Chả có ai dám nhìn ngó gì khi họ ngồi ngay trước mặt nhau. Mọi kẻ đi toilet đều buộc phải chấp nhận điều kiện của việc trần trụi ra trước mắt người khác như thế. Tuy nhiên, khi bước vào trong tác phẩm sắp đặt của Kabakov, nếu người xem có ý chờ đợi để mong thấy được một nơi chốn có tính chức năng phục vụ cho nhu cầu cơ thể, hay một triển lãm kiểu báng bổ đầy tính nghệ thuật, nơi ta có thể gặp gỡ những sự kiện bất ngờ, họ sẽ thực sự ngạc nhiên. Phía trong tác phẩm sắp đặt-toilet là một căn hộ hai phòng theo kiểu Sô-viết.

Toilet Sô-viết của I. Kabakov

Toilet Sô-viết của I. Kabakov

7829_149442482263_668022263_2420717_5689974_n7829_149443012263_668022263_2420719_6431495_n

“Ngay bên cạnh các lỗ đen đó”, đời sống thường nhật vẫn đều đều tiếp diễn. Một chiếc bàn nhỏ với khăn trải bàn, trên đó có một lọ thủy tinh, một giá sách, một ghế sofa với gối dựa, và thậm chí một phiên bản của một bức tranh Hà Lan, tiêu biểu cho dạng nghệ thuật phòng khách. Có một cảm thức về một hiện diện nào đó được nắm bắt lại, một khoảnh khắc bị cầm giữ; những chiếc đĩa ăn chưa được rửa sạch, chiếc áo khoác vắt hờ lên tay ghế. Đồ chơi của trẻ con để dựa ngay cạnh lỗ đen toilet, giờ đã không còn tỏa mùi nữa. Mọi thứ ở đây đều đúng đắn, và không tạo cảm giác tục tĩu. Các khách du lịch Nga và Đông Âu, từ thế kỷ Khai Minh cho tới nay, đã bình luận về sự thay đổi chất lượng vệ sinh cá nhân như thể một chứng nhận cho tiến trình văn minh. “Sự tới ngưỡng cửa của văn minh” luôn được định nghĩa nhờ vào chất lượng của toilet.

Thời Perestroika bắt đầu, nhìn một cách nào đó, trong chính sự cải tổ nơi toilet riêng tư và công cộng. Thậm chí Thái tử Charles còn sẳn sàng cung hiến một toilet công cộng cho Học viện Pushkin tại Petersburg. Trong các thành phố lớn, các toilet phải trả tiền được thiết kế bởi phong cách quảng cáo kiểu Mỹ và hình ảnh các mỹ nhân Trung Hoa đã thay thế cho các toilet công cộng theo kiểu toilet được Kabakov thiết kế lại, và những kẻ giầu có mới nổi tại Nga luôn tự hào về các căn hộ theo kiểu châu Âu của họ, bao gồm cả toilet lẫn bồn tắm.

Trong sự hình dung văn hóa, toilet nằm ở điểm giữa của công cộng và riêng tư, Nga và phương Tây, thiêng liêng và nhơ nhớp, văn hóa cao và văn hóa thấp. Kabakov đã đặt toilet của ông ngay nơi giao cắt của các diễn giải xung đột. Liệu tác phẩm sắp đặt này nên được đọc theo nghĩa đen, hay đó là một ẩn dụ về đời sống Sô-viết đã biến mất, hay đây có thể là một ẩn dụ tâm phân học về không gian của người mẹ [martenal space]? Kabakov có hai câu chuyện cho tác phẩm này, có can hệ tới tiểu sử tự thuật và lịch sử nghệ thuật.


Chuyện kể thứ nhất bao gồm rất nhiều câu chuyện của nghệ sĩ và mẹ ông về sự tha hương ngay trong liên bang Sô-viết, và sự mất mát cái nơi chốn mà ta gọi là ngôi nhà. Ông kể, “ký ức thơ ấu của tôi trở lại với thời gian khi tôi được gọi vào trường nghệ thuật tại Moscow và mẹ tôi đã quyết định bỏ việc [tại thành phố Dniepropetrovsk] để tới trông coi tôi. Bà trở thành người giặt là tại trường. Song bà không có được một căn hộ ở Moscow [bởi căn hộ chỉ được phân cho người có hộ khẩu] và do đó bà sống ngay tại phòng giặt là ở trường – và đó chính là một toilet cũ. Lẽ dĩ nhiên, đó không phải là một toilet bẩn thỉu, mà là một toilet đặc trưng trong các trường học nam sinh được chuyển chức năng thành phòng giặt ủi. Mẹ tôi đã bị bà hiệu trưởng gây khó dễ nhưng bà không có khả năng để thuê dù là một góc nhỏ trong thành phố. Bà từng phải ngủ bất hợp pháp một đêm tại ở toilet.

Sau này bà có một cái giường xếp và ở tại đó cho đến khi người lao công và thầy giáo báo cáo lên hiệu trưởng. Mẹ tôi cảm thấy mình như kẻ vô gia cư và trắng tay trước các nhà chức trách, song mặt khác bà ngăn nắp và kỹ lưỡng đến mức sự trung chính và cương quyết của bà đã cho phép bà sống sót tại một nơi chốn không thể tưởng tượng. Tâm lý tôi khi ấy bị ám ảnh buồn đau về việc cả tôi và mẹ chẳng có một xó nào để cư trú.”

Trái với ký ức bị tác động mạnh mẽ bởi tình trạng bị làm nhục trong quá khứ, câu chuyện về ý tưởng cho dự án lại là một câu chuyện kiểu cợt đùa về một nghệ sĩ khốn khổ người Nga được triệu đến thánh địa nghệ thuật phương Tây, triển lãm Documenta. “Tôi có ấn tượng rằng tôi đã được mời đến để gặp nữ vương, kẻ mang quyền trượng có thể quyết định số phận của nghệ thuật. Với các nghệ sĩ, Documenta như thể một cuộc thi Olympic…


Cái tâm hồn đáng thương của một gã bất lương người Nga dường như đang hấp hối trước các đại diện hợp pháp của nghệ thuật đương đại… cảm thấy mình đang rơi vào trạng thái kinh hãi, gần như đến mức tự tử, tôi bắt mình tránh nghĩ về những tay tổ ở Documenta đó và đến gần cửa sổ để tìm chút không khí trong lành… ‘Mẹ ơi, cứu con’, tôi tự thốt lên như thế. Lúc đó căng thẳng như thể ở trong chiến trận vậy… và cuối cùng dường như mẹ tôi đã nói với tôi từ thế giới bên kia và bắt tôi nhìn qua cửa số đến khu sân sau – chính ở đó, tôi đã thấy cái toilet. Ngay lập tức toàn bộ ý tưởng về dự án nẩy ra trong tôi, tôi đã được giải cứu.”


Tác phẩm Fountain của Duchamp

Tác phẩm Fountain của Duchamp

Một nguồn gốc khác cho tác phẩm sắp đặt toilet của Kabakov có lẽ cũng được tìm thấy trong truyền thống tiền phong phương Tây. Một sự “liên văn bản về toilet” rõ ràng đã xuất hiện giữa tác phẩm “Vòi nước” [Fountain] của Marcel Duchamp và tác phẩm của Kabakov. Duchamp đã mua một bổn tiểu sản xuất hàng loạt, đặt lên một bệ đỡ, ký vào đó cái tên giả Robert Mutt, và đề nghị được triển lãm nó tại Hiệp hội Nghệ sĩ Độc lập Mỹ.

Ban tuyển chọn đã từ chối tác phẩm này và đưa ra ý kiến rằng cái bồn tiểu là một đồ vật khả dụng, nó không cách nào là tác phẩm nghệ thuật được. Trong lịch sử nghệ thuật thế kỷ 20, sự từ chối này đã được coi như là ngày sinh của nghệ thuật khái niệm, diễn ra vào năm 1917, chỉ vài tháng trước cuộc Cách mạng Nga…

Nguồn: Svetlana Boym – “Ilya Kabakov: The Soviet Toilet and the Palace of Utopias”, Art and Culture Magazine 30/12/1999

Bản tiếng Việt ©Như Huy & talawas blog
*

No comments: