Monday, September 13, 2010

NGUYỄN THIÊN THỤ * TẾT TRUNG THU






I. MỤC ĐÍCH & Ý NGHĨA

Tết Trung Thu khác với các tết và lễ hội khác vì không có mục đích cúng tế mà chỉ có mục đích vui chơi.Trước hết, Tết trung thu là tết cho trẻ con để cho trẻ con vui chơi. Sau đó là dịp cho người lớn thưởng thức cái đẹp của trăng thu và quà bánh của các bậc nội trợ. Vì không có mục đích chính là cúng tế, nhưng là thuộc vào ngày răm cho nên có bánh trái , rươu trà thì người ta cũng thắp nén hương trên bàn thờ Phật và bàn thờ ông bà.

II.NGUỒN GỐC

Têt Trung thu là tết giữa mùa thu, là lễ chung cho nhiều nước ở Đông Á như Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bổn và Triều Tiên, và thời gian là lúc mùa thu trăng tròn, tức là ngày rằm tháng tám âm lịch. Nguồn gốc thì không rõ rệt và mâu thuẫn nhau. Sách thì nói thuộc đời Tam hoàng Ngũ đế, sách thì nói đời Chu bên Trung Quốc.Theo Lễ Ký, Tết Trung thu đã có cách đây ít nhất 2.000 năm. Từ thời cổ xưa, các vị vua chúa có tục lệ tế mặt trời vào mùa xuân, tế mặt trăng vào mùa thu.

Theo người Trung Quốc, tết Trung thu bắt nguồn từ thời Xuân Thu. Chuyện kể rằng một vị tướng tên là Lưu Tú ở đời nhà Tây Hán trong lúc quân tình khốn quẫn đã cầu Thượng Đế giúp cho quân lính có đồ ăn để chờ quân tiếp viện. Sau khi cầu Thượng Đế, quân lính tìm được khoai môn và bưởi để ăn. Sau này khi Lưu Tú lên làm vua (vua Quang Võ nhà Hậu Hán), để tạ ơn Thượng Đế đã giúp quan quân thoát nạn đã truyền lệnh cứ đến rằm tháng 8 là làm lễ tạ trời đất và thưởng trăng bằng khoai môn và bưởi.

Đường Thư Thái Tông ký có nói đến tết Trung Thu ngày rằm tháng tám âm lịch. Cũng có người cho rằng Trung Thu đến từ đời nhà Đường vào niên hiệu Khai nguyên nhà Đường (713-741), nhân một đêm Trung Thu, nhằm ngày rằm tháng tám vua Đường Minh Hoàng (hay Đường Huyền Tông Lý Long Cơ) thấy ánh trăng vằng vặc, gió mát hay hay, nhà vua dạo chơi, ngắm cảnh trong vườn ngự uyển cùng hoàng hậu là Dương Quý Phi uống rượu ngắm trăng, nhà vua mơ hồ thấy trong điện lưu ly bấy giờ sáng rực.

Những nàng tiên cực kỳ xinh đẹp đang uyển chuyển múa hát theo tiếng nhạc du dương làm mê hồn người. Đường Minh Hoàng càng nhìn càng ngây ngất, quên cả trời gần sáng đến nỗi La Công Viễn phải nhắc nhở nhiều lần nhà vua mới chịu rời gót.


Có một truyền thuyết khác về Tết Trung thu được lưu truyền ở Trung Quốc từ thế kỷ XIV.
Ngày ấy đất nước này đang bị quân Nguyên Mông chiếm đóng. Ngày rằm tháng 8, nhiều phụ nữ đã giấu mật thư trong những chiếc bánh để báo cho những người lính biết: dân sẽ treo những chiếc lồng đèn nhiều màu sắc trước nhà báo hiệu mọi người đã sẵn sàng tham gia khởi nghĩa. Từ đó, rằm tháng 8 hàng năm được coi là Tết Trung thu, vào dịp này người ta thường làm các loại bánh trái, lồng đèn đủ màu sắc để đón trăng.



Còn theo sách “Thái Bình hoàn vũ ký” thì: “Người Lạc Việt cứ mùa thu tháng 8 thì mở hội, trai gái giao duyên, ưng ý nhau thì lấy nhau”. Như vậy, mùa thu là mùa của thành hôn.

Ngày lễ này được gọi là tết Trung thu.Tết Trung thu ở một số quốc gia châu Á.

Theo các nhà khảo cổ học thì tết Trung thu ở Việt Nam đã được in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Còn theo văn bia chùa Đọi năm 1121 thì từ đời nhà Lý, tết Trung Thu đã được chính thức tổ chức ở kinh thành Thăng Long với các hội đua thuyền, múa rối nước và rước đèn. Đến đời Lê - Trịnh, tết Trung Thu đã được tổ chức cực kỳ xa hoa trong phủ Chúa.

III.TẾT NHI ĐỒNG


Tết Trung Thu có mục đích cho trẻ vui chơi, tỏ lòng thương yêu trẻ con. Trước đó, người ta tổ chức làm đồ chơi cho trẻ con. Hàng phố và tư gia chuẩn bị làm bánh trái và đồ chơi cho trẻ con.





Bình thường trẻ con đã có đồ chơi như các con giống (1), trống bỏi (2), kèn, . . . Đến Trung thu thì có tiến sĩ giấy, đèn lồng các thứ cho trẻ con xách đi chơi với nhau trong đêm trung thu. Đây là những đồ chơi truyền thống, mang tính đặc trưng mà người lớn nên tặng trẻ vào dịp trung thu.



Trống bỏi


Trong đó đèn ông sao là thứ đồ chơi phổ thông nhất trong lễ rước đèn Tết Trung Thu. Những đồ chơi này được bán rất nhiều tại các phố, đặc biệt là phố Hàng Mã, Lương Văn Can (Hà Nội) với đủ màu sắc, kiểu dáng.

Từ xưa đến nay, hai thành phố Hội An và Sài Gòn nổi tiếng khắp nước về thủ công nghệ làm lồng đèn trang trí và các loại đèn giấy dùng trong ngày tết Trung Thu. Ông tổ ngành làm đèn lồng ở đây tên gọi là Xã Đường. Đèn Hội An độc đáo ít nơi có, đèn lồng Hội An đẹp nhờ có đủ hình thù, kiểu dáng, to nhỏ. Vải bọc đèn thay giấy là loại lụa Hà Đông nổi tiếng, làm cho ánh sáng thêm huyền ảo lung linh.

Tại Sài Gòn, từ trước năm 1975 tới bây giờ, Phú Bình thuộc quận 11 Đô Thành, cũng vẫn là một trung tâm sản xuất lồng đèn trung thu lớn nhất miền nam VN, cung cấp cho cả vùng. Đây là một làng di cư năm 1954, nguyên gốc từ Làng Báo Đáp thuộc tỉnh Nam Định. Làng này ở Bắc Phần vốn nổi tiếng với nghề thợ nhuộm. Khi vào nam, dân chúng vẫn sống quây quần với nhau bằng nghề nhuộm, dệt vải và làm giầy dép.

Phú Bình sau năm 1975 nằm trên điạ bàn của Phường 19, quận Tân Bình và phường 5, quận 11, cách khu du lịch Đầm Sen chừng nửa cây số. Lúc đầu khi vào nam, Phú Bình chỉ chuyên sản xuất những loại đèn Trung Thu đơn giản như đèn ống sáo, con cá, ngôi sao... cố ý để cho học sinh vui chơi trong đêm lễ mà thôi.


Từ năm 1960-1975, Phú Bình mỗi năm sản xuất hơn nửa triệu đèn lồng trung thu, cung cấp khắp các tỉnh thành từ Bến Hải vào tới Cà Mau. Sau này dân chúng ở dây vẫn tiếp tục nghề cũ.




Năm 1994, lồng đèn Trung quốc ồ ạt xâm nhập thị trường Việt Nam khắp nước, chèn ép đèn Phú Bình, làm cho dân chúng ở đây lâm cảnh điêu đứng đói khổ, vì hàng bị ế ẩm do lồng đèn Trung quốc đẹp, kiểu cách mới lạ, lại rất tiện lợi khi ra gió không sợ cháy vì dùng pin, giá thành lại rẻ, nên ai cũng muốn mua.
Nay thì hàng Trung Quốc tràn ngập mà đa số là đèn xe tăng, bắn súng mang tính bạo lực làm mất ý nghĩa thanh bình và nên thơ của trung thu. Việc này chứng tỏ công cuộc xâm lăng của Trung Quốc nhằm xóa nền văn hóa cổ và đè bẹp kinh tế Việt Nam trong khi bọn lãnh đạo Việt Cộng cúi mặt làm thinh.

Trước kia, ít hàng hóa nên các gia đình thường tự làm lấy đồ chơi cho trẻ em trong gia đình. Các bậc cha mẹ cũng nên hướng dẫn con tự làm các đồ chơi đơn giản như đèn ông sao, tò hè nặn bằng bột, mặt nạ bằng bìa hoặc giấy bổi với các hình trẻ em yêu thích. Các loại mặt nạ thường được làm bằng bìa hoặc bằng giấy bồi, với các hình phổ biến về các nhân vật trẻ em yêu thích bấy giờ như : đầu sư tử, ông Địa, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Bạch Cốt Tinh...

Nay thì những đồ chơi cũ như con giống, tò he (3) đã không còn hiện diện nữa.Tuy nhiên một vài nơi đang cố gắng phục hồi.



con tò he

Ban đầu, tò he là sản phẩm làm bằng bột dùng để cúng lễ nên chúng thường có hình thù các con vật như gà,vịt, trâu, bò, lợn, cá... vì vậy, người ta gọi sản phầm này là "đồ chơi chim cò". Một số vùng tại miền Bắc, người ta còn gọi là "con bánh" vì bên cạnh hình thù các con vật, người ta còn nặn bột thành nải chuối, quả cau, chân giò, đĩa xôi... tạo thành mâm cỗ để đi chùa dâng cúng. Sản phẩm này có màu sắc tương đối giống đồ thực và có pha thêm chút đường nên có thể ăn được.

Về sau, sản phẩm được gắn vào một chiếc kèn ống, ở đầu kèn có quét chút mạch nha, khi thổi phát ra âm thanh "tò te" thế nên có lẽ người ta gọi là "tò te", sau này nói trại thành "tò he". Làng Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây chuyên nghề này. Họ dùng bột gạo có trộn ít nếp theo tỉ lệ 10 phần gạo, 1 phần nếp trộn đều, ngâm nước rồi đem xay nhuyễn, luộc chín và nhào nhanh tay. Sau đó, người ta nắm bột lại thành từng vắt và nhuộm màu riêng từng vắt. Bốn màu cơ bản là vàng, đỏ, đen, xanh, nguồn gốc từ thực vật và đun sôi với một ít bột: màu vàng làm từ hoa hòe hoặc củ nghệ, màu đỏ từ quả gấc hoặc dành dành, màu đen thì đốt rơm rạ hoặc dùng cây nhọ nồi, màu xanh lấy từ lá chàm hoặc lá riềng. Các màu sắc trung gian khác đều được tạo từ bốn màu này. Bây giờ, người ta chuyển sang sử dụng màu thực phẩm công nghiệp vì tiện ích của nó. Ngày nay, các nghệ nhân còn nặn nhiều hình thù phong phú khác: 12 con giáp, nhiều nhất là các nhân vật mà trẻ con yêu thích như Aladin, Đôrêmon, Pokémon, Tề Thiên, Trư Bát Giới, Na Tra… .
Tự làm đồ chơi sẽ giúp trẻ học hỏi được sự cẩn thận, khéo léo, sáng tạo và đặc biệt để lại cho bé một món quà tinh thần cho tuổi thơ của mình. Trẻ con thì tụ họp với nhau xách đèn đi dạo chơi trong xóm, trong phố phường. Người lớn cũng ra sức tổ chức cho bà con lớn bé có thể tham dự như múa lân, mùa sư tủ, phát quà bánh cho trẻ nghèo, các trường hay các đoàn văn nghệ tổ chức văn nghệ.




Múa lân

Tết Trung thu còn mang tính xã hội. Không những mọi nhà, mọi trẻ đều vui Trung thu mà còn tích cực tham dự với tinh thần tập thể. Người ta tổ chức thi nấu ăn, thi làm bánh đẹp, thi đèn lồng, thi múa lân. ..
Tết Trung Thu ở miền Bắc còn có tục hát trống quân. Đôi bên nam nữ vừa hát đối đáp với nhau, vừa đánh nhịp vào một sợi dây gai hoặc dây thép căng trên một chiếc thùng rỗng, bật ra những tiếng "thình thùng thình" làm nhịp cho câu hát. Những câu hát vận tức là hát theo vần, theo ý hoặc hát đố có khi có sẵn, có khi lúc hát mới ứng khẩu đặt ra.
Nếu nơi nào không tổ chức thành hội hè,. tụ các trẻ cũng tụ họp lại mà ca hát và rước đèn đi quanh trong xóm và trong phố phường.

Tại hải ngoại, hằng năm, các cộng đồng hội đoàn, chùa chiền thường tổ chức lễ trung thu và phát quà cho trẻ em nhưng tại đây người ta cấm ngặt lửa và ra sức đề phòng lửa cho nên chỉ thắp đèn lồng bằng điện hay pin, không đốt đèn cầy như ở quê nhà. Việc cấm lửa đã ảnh hưởng đến việc đốt vàng mã, thắp nhang trong phong tục Việt Nam.
Những gia đình khá giả thường tổ chức Trung thu tại nhà để người lớn xem trăng, uống rượu, ngâm thơ và thưởng thức quà bánh. Con trẻ con thì ca hát, ăn bánh kẹo. Các bà mẹ, chị trổ tài làm bánh trái. Mùa thu cũng là dịp để chúng ta thưởng thức hoa quả mùa thu như bưởi, chuối, hồng, thị, na được trang trí xung quanh thật đẹp mắt. Và đặc biệt không thể thiếu là món bánh nướng và bánh dẻo thơm, ngọt với nhiều hình thù ngộ nghĩnh mà các bé ưa thích như cá chép, đàn lợn con nằm trong rọ...


Tại vài nơi mâm cỗ được bày ra rất nghệ thuật. Thông thường có trọng tâm là con chóđược làm bằng tép bưởi, được gắn 2 hạt đậu đen làm mắt. Xung quanh có bày thêm hoa quả và những loại bánh nướng, bánh dẻo thập cẩm hoặc là loại bánh chay có hình lợn mẹ với đàn lợn con bép múp míp, hoặc hình cá chép là những hình phổ biến. Người Hoa và người Nam thích bánh nướng, còn dân Bắc làm ra loại bánh dẽo nhân đậu xanh là một loại bánh chay để cúng Phật và dành cho những người ăn chay. Tuy nhiên cũng có loại bánh dẽo nhân trứng.


Trước 1975, các nhà hàng Trung Quốc như Đồng Khánh, Soái Kình Lâm, tiệm Việt Nam như Thiên Hương, Rồng Vàng, Đông Hưng Viên nổi tiếng bánh Trung Thu ngon nhưng xét kỹ thì họ làm thiếu vệ sinh lắm.

Nếu kỳ công hơn, gia đình có thể chuẩn bị những xâu hạt bưởi phơi khô từ vài tuần trước để đốt sáng vào đêm rằm. Mâm cỗ sẽ được bày ở nơi mà mọi người có thể nhìn thấy mặt trăng, có thể là ngoài sân, trong vườn hoặc trên sân thượng…Đến khi trăng lên tới đỉnh đầu chính là giây phút cả gia đình cùng ngắm trăng, phá cỗ để thưởng thức hương vị của Tết Trung Thu. Trẻ em trong nhà cùng bạn bè được mời sẽ “biểu diễn” những bài hát, điệu múa sư tư hay đeo mặt nạ diễn hề mà các bé được khuyến khích tập luyện công phu cả tuần trước đó. Ông bà/ bố mẹ sẽ “đáp lại” bằng việc kế cho các bé nghe những chuyện kể về rằm Trung thu như Sự tích Chú Cuội trên cung trăng, sự tích Hằng Nga...


Phong tục thưởng trăng cũng liên quan đến sự tích Chú Cuội trên cung trăng. Tại miền Bắc trong chiến tranh, tết Trung Thu dường như èo uột Nhạc trẻ ca tụng lãnh tụ như "Ai yêu bác Hồ... "Đêm qua em mơ gặp bác HỒ" thì nhiều nhưng nhạc vui chơi nhất là nhạc Trung thu thì hiếm hoi. Mãi sau này, Phạm Tuyên mới có một bài cho Trung Thu. Tại miền Nam, tết Trung Thu có nét vui vẻ với các nhạc bản như Thằng Cuội, Rước đèn tháng tám. . .



Bánh nướng

bánh dẽo


Trẻ làm đèn ngôi sao


Ngày trước, Tết Trung THu cũng như Tết Nguyên đán là dịp người ta tặng quà bánh. Nay trong chế
độ CHXH thời mở cửa cũng là dịp để hội lộ. MÙa trung thu cũng là muà làm ăn của các hãng, xưởng làm bánh.
Tính trên tổng lượng bánh trung thu tiêu thụ năm 2006 (thống kê từ các nhà sản xuất) ước khoảng 6.500- 6.800 tấn, lấy mức giá bình quân của 1 hộp bánh loại 220 - 250gr khoảng 100.000 - 130.000đ, người tiêu dùng đã tiêu pha hết hơn 800 tỉ đồng cho khoảng 7 triệu hộp bánh. Và các hộp bánh đắt như vàng, người nghèo không sao mua nổi .

.





Bánh trung thu Đại Hàn

Bánh trung thu Nhật Bản


Xin nghe nhạc Trung Thu








____
Chú thích:
(1). Con giống: hình loài vật như chó, mèo, gà, lợn, làm bằng bột,sáp hoặc đất nung có vẽ màu sắc. thường là lớn khoảng ngón tay.
(2). Trống bỏi: Còn gọi là trống bàng. Có tay cầm, chang (trang) trống làm bằng tre, dày khoảng một hoặc hai cm, mặt trống dán giấy, bên chang trống có sợi dây và phần cuối có giấy tròn, lúc xoay thì cục giấy đánh vào mặt trống phát âm thanh" bành! bành".


No comments: