Friday, September 10, 2010

ĐỖ ANH THƠ * HOÀNG HỌA


Hồng Lượng Cát và sự bành trướng dân số của Trung Quốc
Đỗ Anh Thơ

Hơn một trăm năm trước, thế giới đã báo động về nạn “hoàng họa” tức là sự bành trướng dân số của Trung Quốc. Thật vậy, đầu đời Thanh, vào năm thứ 8 đời Thuận Trị (1651), theo sổ sách, Trung Quốc có hơn 10 triệu suất đinh. Như vậy, ước tính dân số suýt soát 60 triệu. Khoảng hơn 100 năm sau, vào năm Càn Long thứ 55 (1790), bất chấp dịch bệnh, chiến tranh, đói kém… dân số Trung Quốc vẫn lên tới 300 triệu người, tức là tăng gấp năm lần. Chính trong thời gian này ở Âu Châu, Manthus (1766- 1834 người Anh) đề ra thuyết nhân mãn.


Theo thuyết này, dân số tăng theo cấp số nhân, còn của cải vật chất thì tăng theo cấp số cộng. Ông đề nghị hạn chế sinh đẻ và chủ trương thông qua chiến tranh, lao động cực nhọc, dịch bệnh… để giải quyết nạn nhân mãn. Thuyết này rất phản động vì đã cổ vũ cho chiến tranh và không biết rằng chính nghèo đói, dân trí thấp là nguyên nhân chủ yếu làm cho người ta đẻ nhiều thêm. Cùng sống đồng thời với Manthus, ở Trung Quốc có Hồng Lượng Cát[1] cũng từng điều trần lên vua Gia Khánh (1799) về vấn đề giảm bớt dân số, gần như Malthus, nhưng đã bị bắt giam vào ngục.


Lúc này nhà Thanh vẫn chỉ chủ trương bành trướng dân số, lấn chiếm đất đai, “Hồ Quảng lấp Tứ Xuyên” (vùng Tứ xuyên, Hồ Bắc, Quý Châu) và “Hồ Quảng lấp Miêu Cương” (Vân Nam, Quý Châu, Tân Cương, Quảng Tây). Chủ trương này nhanh chóng trở thành sự bành trướng dân số, Hán hóa các bộ tộc ít người. Nó biến thành cái gậy, lưng ông đập lưng ông, đối với Mãn Thanh.

Đất đai của bộ tộc Mãn Châu (nơi phát tích Thanh triều) nhanh chóng bị con bạch tuộc Hán nuốt chửng, cùng với đất người Mông, Hồi, Tạng, Miêu… Con bạch tuộc hay con khủng long đó, cứ lớn dần với diện tích lên tới khoảng trên 9 triệu cây số vuông và dân số lên trên 400 triệu vào năm 1949, đầu chính quyền Mao Trạch Đông. Đến nay mới qua 60 năm, nó bùng nổ lên tới 1,3 tỷ. Mặc dù có chính sách nghiêm ngặt là mỗi người dân chỉ được đẻ một con, nhưng theo dự báo, ngưỡng dân số thay thế của Trung Quốc có thể tới 1,5- 1,8 tỷ vì 30 năm nữa Trung Quốc mới thoát nghèo, mà mỗi năm dân Trung Quốc tăng khoảng 6-8 triệu người. Hiện Trung Quốc đã có hàng trăm triệu người già và hàng chục triệu thanh niên không kiếm được vợ.


Tuy vậy, mộng bành trướng từ thời Tần Thủy Hoàng vẫn chưa chấm dứt. Họ vẫn ấm ức rằng với quy mô 9 triệu km2 đất liền mà Trung Quốc chỉ có hai biển nhỏ là Hoàng Hải và Đông Hải, chưa đầy 1,5 triệu km2, lại bị nhiều nước chắn trước mặt như Nhật bản, Hàn Quốc. Như vậy là không tương xứng.

Bởi vậy, con bạch tuộc Trung Quốc đang học theo thuyết Alfred Thayer Mahan (1840-1914 người Mỹ) về hải quyền và Douhet (1869-1930 người Italy) về không quyền của đầu thế kỷ 20, đang tung vòi xuống Biển Đông, hòng liếm hết thềm lục địa Việt Nam, Philippine, Malaysia…

Họ vẫn chưa thấy rằng sau chiến tranh lần thứ 2, quy luật phát triển của các nước đã thay đổi. Nhiều đế quốc thắng trận lẫn thua trận đều đã tỉnh mộng bành trướng, thế giới không còn như thời kỳ thực dân đế quốc nữa.


Những nước có quy mô dân số nhỏ và vừa phải (cỡ 50 đến 100 triệu dân) phát triển bền vững hơn các nước lớn có hàng tỷ dân (như Trung Quốc, Ấn Độ) rất nhiều. Nghĩa là quy luật to chưa phải là mạnh; càng to, môi trường càng bị tàn phá nhiều hơn. Ở các nước nhỏ và vừa đó đến nay, trừ châu Phi, họ đã đạt được quy mô dân số thay thế (tỷ lệ sinh 1,1 tỷ lệ chết 0,7) bằng cách đẻ 1-2 con, đẻ muộn (sau 35 tuổi đối với nam, 30 tuổi đối với nữ) và kéo dài tuổi thọ đồng thời duy trì được sức lao động mãi cho tới tuổi 70-75 nên vấn đề dân số già không ảnh hưởng lắm đến phát triển kinh tế. Hơn nữa, để giải quyết nạn thiếu lao động, họ chủ trương mở cửa dân nhập cư có điều kiện và đẩy mạnh việc sử dụng robot thay thế người.

Phân tích như vậy để thấy cái gót Achille của Trung Quốc là vấn đề dân số, khiến cho đất nước này không thể đi lên theo nền kinh tế trí thức, tốn ít lao động, nguyên liệu, năng lượng, ít chất thải, bảo vệ môi trường… mà cả thế giới văn minh đang hướng tới. Nói khác đi, mô hình kinh tế tự mình là trung tâm, với sức ỳ nặng 1,3 tỷ người (tương lai không xa sẽ lên trên 1,5 tỷ), với bao nhiêu dân tộc bị đồng hóa do bị chiếm đất… là một mô hình kinh tế mà các nước có lợi thế về dân số, đất đai… như Việt Nam[2] không thể noi theo, vì nó sẽ không bao giờ có thể cất cánh được, theo kịp xu hướng phát triển của thời đại: Thời đại ngoại ngữ hóa, tin học hóa, đại học hóa lao động, thời đại nông công nhân áo trắng, sử dụng computer, robot chứ không phải là búa liềm thô sơ.

Hình như ở Trung Quốc dang có rất nhiều cái đầu nóng, không thấy sự tuyệt chủng do to quá kích cỡ của khủng long, chưa thấy bài học thất bại của phát xít Đức – Ý – Nhật, Anh, Pháp, Liên Xô… vẫn không muốn xuống thang, vẫn tiếp tục âm mưu bành trướng quyết một trận thư hung với Mỹ nên tự nó có nguy cơ nổ bùng, biến thành lò lửa, chiến tranh như thuyết Malthus để tàn sát hàng chục hàng trăm triệu dân mình với các nước quanh vùng để đạt cả hai mục đích là giảm sức ép dân số và chia chác thêm đặc quyền kinh tế.

Sự thực là khi chưa có tiềm lực kinh tế và quân sự mạnh, Mao Trạch Đông đã từng có chủ trương làm bá chủ thế giới bằng bom nguyên tử cho dù phải hy sinh đi một nửa số dân.

Nhân loại đã thấy rõ cái kịch bản này. Nhưng khốn khổ thay cho những con cá khờ dại vẫn cứ lượn lờ quanh những cái vòi bạch tuộc độc, màu sắc rực rỡ, tưởng đó là bãi san hô vô hại.

Đỗ Anh Thơ

No comments: