Sainte Livrade : một khoảng trời cuối cùng của Việt Nam tại xứ Pháp
Đây là một trại Tỵ Nạn Người Việt sau cuộc chiến Đông dương. Năm 1954, nếu có những đoàn người từ miền Bắc Việt Nam lũ lượt theo tàu há mồm xuôi về miền Nam ấm cúng của quê hương, thì cũng có những gia đình Việt nam theo quân đội Viễn chinh Pháp trở về tỵ nạn tại Pháp. Họ là những gia đình binh sĩ của quân đội Pháp: gia đình, nhưng thường là goá phụ lính Lê dương (Légion étrangère) hay gia đình goá phụ các binh sĩ thuộc Lục quân Thuộc địa (Infanteries coloniales hay gia đình các binh sĩ các tiểu đoàn chư hầu (les bataillons supplétifs) .
Nhiều người tuy là dân sự nhưng cũng đã làm việc rất « gần » với quân đội hay hành chánh Pháp, như thông ngôn, hay nhơn viên ban điều tra, phản gián, phải rời Việt nam đi tỵ nạn vì an ninh cho gia đình, như thường là cấp nhỏ … Nói tóm lại họ là những thành phần phụ thuộc, bên lề của quân đội viễn chinh, thuộc địa, đã một thời vàng son nhưng nay mất tất cả các ánh hào quang trở về nước, với những trang sử đã lật qua và không còn một ai muốn nghĩ đến. Họ là những nhơn chứng của những gì chánh phủ Pháp ngày ấy muốn quên đi. Hội nghị Geneva hấp tấp vội vã, hy sanh, thí chốt nước Việt Nam Quốc gia, đã làm phương tiện giúp đở Pháp rút quân khỏi vũng lầy thuộc địa. Từ đấy Việt Nam, là chuyện (nhức đầu) của người Việt Nam và tiếp theo, của …. người Mỹ.
Pháp đang quên và muốn quên Đông Dương quá xa xôi và từ đấy chỉ đang lo lắng cho Algérie và các thuộc địa ở Phi Châu. Trong cơn sốt vừa đang xây dựng lại đất nước vừa ra khỏi cuộc Đại Chiến thứ 2 và trên đà xây dựng, vừa đang bị chiến tranh Đông Dương đã làm hao hụt tài nguyên rất nhiều, nay lại bắt đầu đâm đầu vào cuộc nội loạn ở Algérie, Lịch sử Pháp trong giai đoạn sau Đại chiến thứ hai là một chuổi dài quyết định vụng về.
Vì vậy phải dấu những người tỵ nạn Đông Dương, nhơn đạo cũng vừa phải thôi. Vã lại, cuối cùng, dù sao đi nữa cũng là một nhóm nhà quê ! ! ! Một nhóm lính thuộc địa. « Ce ne sont que des Nhaque de la soldatesque coloniale » ! [Sic]
Trại là một khu gia binh cũ, cất tạm thời, với những kiến trúc tạm thời kiểu trước thế chiến thứ 2. Trại thoạt tiên được cất cho gia đình các công nhơn di cư kinh tế Ý đến năm 1939 sẽ làm việc cho một kho thuốc súng ( poudrerie) nằm bên bờ sông Lot, một nhánh của sông Garonne, ở Sainte Livrade.
Thế chiến thứ 2 bùng nỗ, kho thuốc súng không thành hình, thợ Ý không việc làm hoặc ở lại di cư chiến tranh tại Pháp, hoặc trở về Ý nhập ngũ quân đội Phát Xít Ý đánh …. Pháp. Và trại bị bỏ không.
Năm 1956, trại được sửa sang lại để tiếp cư những người tỵ nạn Đông Dương Việt Miên Lèo (cùng có nhiều những trại khác, phần đông ở miền Nam nước Pháp, như ở Montmorillon gần Poitiers nơi làng người viết cũng có một trại, nhưng ở cạnh thành phố. Trại Sainte Livrade là nơi tụ tập đông đảo nhứt).
Những căn nhà sơ sài, tạm bợ , mái tôn xi-măng, vách bằng gạch ciment (blocks en parpaings de ciment), được cho phép cất thêm những nhà nhỏ bằng tôn để chứa củi, chứa dầu cho các lò sưởi mùa Đông, tuy là ở miền Nam xứ Pháp nhưng vẫn lạnh hơn ở Việt Nam.Nhờ ở miền Nam nước Pháp, họ có thể trồng được vài loại rau nhiệt đới… hành ngò, húng quế, rau thơm… , cây chuối (làm kiểng chứ không kịp có trái) và đặc biệt là rau muống để giử quốc hồn. Tất cả bà con di cư nầy là người miền Bắc Việt Nam, món ăn chủ yếu là rau muống.
Thời tuổi học sanh của người vìết, lạc lỏng giữa thành phố Toulouse, thường cùng bạn bè những ngày nghỉ cuối tuần đến Sainte Livrade để đi ăn và mua đem về trứng (hột) vịt lộn, lòng lợn (heo), cháo lòng lợn (heo), tiết canh lợn (heo) suốt năm ; ăn và mua rau muống – thường vào mùa hè – rau muống trồng gò, chứ không phải rau muống nước. Lúc ấy làm gì có mắm tôm, nên thường chấm với anchois ngâm muối xây nát với nước, hoặc chấm nước Viandox, hay Maggi thay nước mắm và nước tương – lúc ấy chưa có nước mắm.
Vào những năm 64/65 gì đó có một hảng nước mắm ở Sète, nằm bên bờ biển Địa Trung Hải. lấy tên là nước mắm Trung Hải, bán cũng chạy lắm tuy ăn không ngon. Về sau vì dân chúng láng giềng cạnh hảng nước mắm kêu trời vì không chịu nổi mùi hôi quá . Họ khiếu nại với Chánh quyền địa phương về vấn đề vệ sanh . Tây nói hôi vi thiếu vệ sanh , chớ đâu biết cái hôi, là bản chất của nước mắm, nên phải đóng cửa . Tuy thúi vẫn còn thua nhiều thứ phó-mác thứ ngon của De Gaullevà Chirac từng mê .
Hai gia đình mở hai quán tạp hóa Á đông. Nhưng gia đình Gontran mở cả tiệm ăn. Bán tạp hóa khô đủ cả. Tiệm ăn chỉ sơ sài bốn cái bàn trong nhà, một bàn to ở ngoài hiên. Vào bàn không cần quen biết, có chổ thì ngồi . Khách phần đông trước đây, lúc mới tới vào năm 1956, còn là trẻ con năm /sáu tuổi nay đã thành ông nội . Thường ngày, trưa vẫn ghé qua ăn một tô phở, một dỉa cơm, một chén tàu hủ nước đường . Người viết, lão Trần, chú Út, hôm nay, tuy lang bạt giang hồ, nhưng đã vào tuổi Cụ và để duỡng sức ngao du sơn thủy nên ăn chay. Nhà hàng do bà cụ nay ngoài 80 một tay điều khiển cùng cô con gái, chú rễ tây đứng bếp, cô dâu đầm trông cửa hàng, cô cháu nôi lai chạy bàn. .. mấy cô nhóc, cậu nhóc là cháu cố (chắc) cũng phụ một tay, bưng chè, bưng nước cho khách. Sơ sài, quần sọt, áo thun, một khăn bàn quấn bụng, nhưng sạch sẽ , vệ sanh niềm nở. Một tiếng Tonton ( Oncle - Uncle/ Chú -Cậu) hai tiếng Tonton.. Xưng cháu lễ phép đàng hoàng .
Bước vào cổng làng lơ ngơ dòm ngó, một xe đang chạy, ngừng lại, « quý vị tìm ai ? » bằng tiếng Pháp . Sau đó khi biết mình người Việt nói ngay, giọng Bắc trong sáng, ngon lành, không nói ngọng, không nói nhanh. Trên những khuôn mặt, mắt xanh, mủi cao, hay lọ nồi đen như Phi Châu, phát âm một giọng Bắc trong sáng. Trái lại hỏi đến ông nào thì lẫn lộn thằng, nó, cho ngôi thứ ba. Ôi tiếng Việt vừa khó vừa dễ thương. Chúng tôi ăn bánh cốm do gia đình làm, ăn tàu hủ nước đường cũng do gia đình làm . Đúng là thứ thiệt.
Gia đình ông cụ bà cụ Gontran có cả thảy 14 người con, 7 trai, 7 gái . Tất cả đều trưởng thành, nên vợ nên chồng cả (dâu rễ toàn người Pháp, dân bản xứ) . Từ những cái quán cóc bên trong trại, bún riêu, bánh cuốn, lòng lợn, tiết canh năm nào, nay gia đình đang khai thác một tiệm ăn to ngoài thành phố Villeneuve /Lot « Restaurant le Mandarin » và cái tiệm tạp hóa « Chez Gontran » quán ăn trong trại.
Trại tỵ nạn Sainte Livrade có tên gọi là CAFI (Centre d’Accueil des Français d’Indochine). Hiên nay, Thị xã và Toà Hành Chánh Vùng (Région) muốn thành lập một nơi để tưởng niệm. Cô Chủ nhiệm chương trình đang phỏng vấn và hỏi ý kiến những người Việt Nam ( cậu Marcel , người viết và lão Trần) xem phải làm cái gì để « khỏi quên ». Một Nhà tưởng niệm ? một bia đá ? một trang lịch sử đau khồ, gần 2000 người với 740 con trẻ rời miền Bắc vào Nam, xong một tháng tàu qua Marseille để đến Sainte Livrade trong cái giá lạnh của năm 1956. « 6 đứa con, người chồng bỏ tôi đi lấy vợ khác. Tôi bỏ lại căn nhà xin xắn ở Hà nội. Làm sao để sống đây ? Tối đêm đầu tiên, mẹ và sáu đứa con ôm nhau nằm trên ba chiếc sắt quân đội gom lại đề sưởi ấm nhau, và để bớt sợ », bà Joséphine Le Crenn, 97 tuổi người lớn tuổi nhứt của trại thuật lại . Ngày nay Joséphine Le Crenn đã quy y, và trách nhiệm cái Chùa của trại CAFI.
Chúng tôi ghé thăm Cụ Emile Lejeune, 89 tuổi . Với một giọng lai lai miền Trung, giọng Thanh Hóa. Mặc dù Emile tự giới thiệu mình là người Nghệ An. Con một vị thẩm phán người Pháp và một cô công chúa Nhà Nguyễn. Cụ Emile theo vai vế là ngang hàng với hàng Ưng, hàng chú của Bửu, hàng ông của Vĩnh. Như vậy là hàng ông của Đức Quốc trưởng Bảo Đại. Tuổi trẻ đẹp trai, đầu chải láng mướt, từng nỗi tiềng với biệt danh « Tino Rossi de Hanoi », Emile Lejeune vào quân đội Pháp năm 18 tuổi, bị tù và thoát nạn bị chém đầu ngày 9/03/45 khi Nhựt đảo chánh Pháp, nhờ vượt ngục. Bị tù 6 năm ở trại 113 của Việt Minh.
Trong những năm chiến tranh Đông dương cứ bốn tù binh bị Việt minh bắt chỉ có 1 người sống sót. Cụ Emile hiện sống cùng bà vợ thứ người Sadéc, cụ bà nhớ thời niên thiếu và nhờ cụ bà tôi biết rõ là tướng Chanson và Thủ hiến Thái lập Thành bị ám sát tại Sadéc chứ không phài tại Cai Lậy như tôi thường nhớ lầm. Nay xin đính chánh và mong bà con sửa dùm. Cụ Emile Lejeune hiện nay có thú tiêu khiển là nuôi mèo. Tất cả mèo ở trại CAFI đều được Cụ săn sóc, vì lúc xưa khi bị Nhựt bỏ tù nhờ một con mèo đã chỉ đường cho Cụ vượt ngục.
Một tấm bảng bằng đá kỷ niệm chiến tranh Đông Dương. Lễ Quốc Khánh 14 /07 vừa qua cũng có những bó bông, bình hoa tưởng niệm đem lại đặt quanh bia đá. Nhưng quá giận nhà nước, dân trại lột nhản « tam tài » đem để phía sau.
Một nhà thờ, một ngôi Chùa. Sanh hoạt tôn giáo vẫn được người Việt Nam lạc lỏng quê người theo gìn giử. Thuở xưa, những năm chúng tôi sanh viên vẫn đến Sainte Livrade thưởng thức không khí lên đồng rất Bắc, người viết đã biết không khí lên đồng như lên đồng kiểu Huế khác lắm !!!
À quên, thoạt đầu những nhà xí, cầu tiêu đề ở ngoài. Phải đi ra khỏi nhà mới đi vệ sanh được.
Đây là một cái nhin sơ sài để giới thiệu với các bạn đọc Việt Nam gốc tỵ nạn cộng sản những người tỵ nạn lớp đầu tiên trên đất Pháp. Lịch sử Việt Nam với những trang sử oai hùng, với những trang sử buồn tủi, chúng ta có bổn phận phải biết. Người Việt Nam, ngày nay qua bao thăng trầm bao tủi nhục có mặt đủ mọi nơi. Pháp nợ ta, Mỹ nợ ta… Họ đến quê hương ta, họ ra đi, họ gieo văn hóa, họ gieo tình yêu, họ gieo ơn oán… Những người con Việt Nam , những giọng nói Việt Nam còn đó. Chúng tôi nghe lại những giọng Bắc trong sáng, không một chút ngọng, lẫn lộn nờ lờ, hay nói nhanh như chim.. . Thế mới biết chúng ta bị mất mát nhiều với người Cộng sản. Vậy giọng Bắc ở Sainte Livrade đúng giọng Bắc, hay giọng Bắc của người HàLội ngày nay đúng ?
Chúc quý vị một ngày vui.
Phan Văn Song
Nguyễn Thanh Vân
Nguyễn văn Trần
No comments:
Post a Comment