Wednesday, September 29, 2010

NGUYỄN VĂN SÂM * TRUYỆN NGẮN


Thanh Thản Về Quê
Nguyễn Văn Sâm

Chim vẫn là chim, hoa vẫn hoa,
Lại qua trước mắt chẳng bận lòng ta.

Hải Âu thiền sư

Lợi dụng lúc thằng Khoát khóa cửa xong còn dềnh dàng đốt thuốc hút, Già Tân đưa tay mơn mơn mấy bông hồng mịn màu đỏ thẳm bên hè nhà, rồi mới chịu quyến luyến nhẹ bước. Tới góc đường Già dừng lại, đưa tay lên trời, ưởn ngực ra, hít thở chút không khí trong lành buổi sáng, vừa chờ đợi người bạn hàng xóm vừa tránh được khói thuốc khó chịu của nó thả ra. ‘Cái thằng! Làm chuyện ruồi bu!’ Già Tân lẩm bẩm. Đã nói là đi cho thân thể khỏe mạnh chưa gì đã hít vô buồng phổi chất độc thán khí. Nhưng thôi, mỗi người có thói quen xấu tốt. Họ đã biết sẽ phải trả giá cho thói quen xấu mà vẫn làm, mình câm miệng là thượng sách. Rồi già lại cười, ‘Nhưng mà nó đương tạo thói quen tốt đây, sáng nào cũng chịu khó đi bộ với mình từ khi lờ mờ đất.




Phải khen nó chớ!’ Thằng Khoát đi mau tới, húng hắng ho, than như thấy mình có lỗi: ‘Cả tháng nay cứ xù xụ hoài, chán thấy ông bà ông vải!’ ‘Không sao, chịu khó đi bộ như kiểu nầy thì ho lao cũng chạy trốn có cờ, huống chi là ho gió, ho phong. Chuyện nhỏ!’ Già Tân khuyến khích bạn. Hai người đi một lát già Tân mới nói thêm: ‘Tao thấy tuần nầy mầy ít ho hơn trước, chắc là ít hút thuốc phải không? Càng ít hút thì càng ít ho đó cháu. Cứ tin bác đi!’ Thằng Khoát cười gượng gạo: ‘Chắc là vậy! Bớt chút nào hay chút nấy. Lúc trước theo phương sách dân chơi xả láng sáng về sớm: Buồn thì hút nhiều. Vui thì hút vừa vừa. Không vui không buồn thì hút lai rai. Bây giờ đi bộ với bác thì hút ít ít.’


Nói rồi như thấy câu nói của mình ý nhị, nó bật cười lớn khiến vài người dân địa phương đi bộ phía trước quay lại ngó. ‘Tao mà hút thuốc như mầy thì chết lâu rồi. Già tim phổi yếu chứ không như tụi bây phổi sắt tim đồng. … Ờ mà nói tới chuyện chết chóc tao mới nhớ là tụi nó từ chối bán bảo hiểm nhân thọ cho tao, lý do là tao đương cao máu lại thêm cholesterol quá mức giới hạn chút đỉnh, chúng nó sợ tao theo ông bà sớm, lỗ vốn. Tụi tư bản thiệt tình! Tính đủ mọi cách móc tiền thiên hạ. Cái nào chắc ăn lắm thì họ mới làm.’ Thằng Khoát mãi lo suy nghĩ gì đó không nghe hết ý của người đồng hành nên làm thinh. Buồn tình già Tân đổi đề tài: ‘Mầy thất nghiệp mà giữ căn apartment đó làm gì? Dọn qua đây ở chung phòng với tao cho đở tốn, tụi tao có mầy vô thì bớt được chút đỉnh tiền phòng.



Chia bốn đỡ hơn chia ba!’ Có tiếng cười khịt khịt nho nhỏ trong cổ họng như cố nín: ‘Tui vô nữa thì vui, nhưng mà con Huê đâu có chịu. Cùng trang lứa ở chung căn apartment nhỏ xí, đi ra đi vô gặp mặt hoài nó mắc cở. Chung đụng với người già như bác thì không sao. Chung đụng với tui nó sợ tôi quậy. Lửa gần rơm bác biết đó, lâu ngày cũng bén. Lúc đó khổ cho nó, mà cũng khổ cho tui…’ Già Tân không chịu cái lý luận đó: ‘Nói vậy thì tao với bà Tám chắc là lửa-rơm vì tụi tao cùng trang lứa?’ Thằng Khoát làm thinh. Nó không muốn làm vấn đề trầm trọng hơn, cãi lý qua lại không phải là điều thoải mái cho bắt đầu một ngày. Hai người tới bờ hồ của công viên.


Theo thói quen thường nhật họ men theo bờ hồ. Bầy ngỗng như lướt trên mặt nước, tíu tít với nhau. Một cặp ngỗng vươn cổ ra, hai cái mỏ luôn luôn xoắn xuýt. ‘Bác lúc còn trẻ chắc cũng có nhiều cô?’ ‘Nhóc!’ ‘Bây giờ, xin lỗi bác nha, tui hỏi thiệt là lòng bác có động khi đứng trước một dung nhan?’ ‘Mầy muốn nói con Huê? Trời sanh đàn bà là để thương yêu con cái không bờ bến. Trời tạo đàn ông là để chiêm ngưỡng dung nhan đàn bà. Nhưng phải phân biệt chiêm ngưỡng, thưởng ngoạn khác với sự chiếm hữu, thưởng thức. Bước qua lằn ranh phân biệt thì thành ra kẻ tội đồ. Tới tuổi nào đó thì rồi mầy sẽ thấy, người ta quí trọng con người của mình, không muốn làm tội đồ.’ ‘Vậy nếu không bị kết làm tội đồ, bác có thể bước qua giới hạn?’


‘Cái thằng hỏi đố hoài! Tao chưa bao giờ tự hỏi về chuyện đó. Tao cho rằng dung nhan, nói rõ hơn là thịt da, chỉ là cái áo đàn bà mặc cho bộ xương biết đi của họ. Họ điểm tô bộ áo để hấp dẫn người ta. Cứ nghĩ họ là bộ xương theo hình chụp bằng quang tuyến, với thế giới trong suốt đó tất cả dung nhan đều hiện thành hình ảnh chân thật. Và tất cả những dung nhan cổ kim, đông tây đều giống nhau, là những bộ xương không hơn không kém…’ Già Tân ngừng nói, ngó ngang qua người đối thoại. Một lúc hơi lâu già mới tiếp: ‘Nghĩ như vậy mình thiệt là dễ ứng xử. Gươm lạc giữa rừng hoa muôn màu, có nhiều cơ hội, lòng vẫn không động vì thấy rằng không có cái gọi là hoa.’ Thằng Khoát cúi xuống lượm một miếng đá mỏng, tạt thác lác trên mặt hồ. Miếng đá bay trên mặt nước, nhảy phóng ba lần, tạo những làn sóng hình tròn lớn dần ra, giao nhau, rồi tan biến. ‘Bác nói đúng. Dung nhan rồi sẽ như những vòng tròn sóng đó, hiện ra vài sát-na rồi mất đi.


Nếu nắm bắt được, cũng không bao lâu sẽ tan huyễn. Càng cố bắt những vòng sóng xa mình càng tự tạo những thất vọng vô lòng, không bao giờ được tĩnh lặng an nhiên.’ Già Tân bật cười khan: ‘Hai bác cháu mình trong túi vắng hoe mà mới sớm bửng đã triết lý ba xu.’ Thằng Khoát chưa chịu chấm dứt: ‘Mà bác già rồi, có sợ chết không vậy?’ Già Tân trầm ngâm: ‘Chết không đáng sợ vì chẳng ai có kinh nghiệm chết là gì cả để nói cho mình biết. Chính lòng sợ chết mới đáng sợ, nó làm cho người ta mất ăn mất ngủ vì ngại rằng rồi đây mình sẽ không có mặt. Già trẻ gì cái chết cũng có thể đến bất cứ lúc nào.

Điều khác biệt là người già chuẩn bị lòng và đón nhận cái chết như sự đương nhiên còn người trẻ thì không chuẩn bị, tới đâu tới, không đón nhận mà còn cho đó là một vận hành vô lý của tạo hoá. Phải coi muôn kiếp con người như những mắt xích. Chết là hoàn thành mắt xích nầy để tạo nên mắt xích khác, nối tiếp vô tận trong thời gian. Tao nói rồi chú mầy sẽ thấy!’


Thằng Khoát không hiểu lắm nên chỉ ậm ờ cho qua, mắt bâng qua ngó lên hàng cây xa xa phía bên kia bờ hồ có mấy con quạ đen đậu chơi vơi trên ngọn, ơ hờ nhìn cảnh đời. Nó kéo câu chuyện về thực tế: ‘Tui không sợ chết, tui chỉ sợ hết hạn lãnh tiền thất nghiệp mà vẫn chưa kiếm được việc thì mất công lắm lắm. Gia hạn sáu tháng rồi.’ ‘Tao cũng vậy, tao đâu sợ cái chết, chỉ sợ khi chết mà không có đồng bạc dính túi, làm nặng gánh cho xã hội, gây hệ lụy cho người chung quanh.’ *** Già Tân một sáng nọ không dậy nữa. Thấy hơi trưa bà Tám rụt rè gõ cửa ông bạn share phòng. Cửa chỉ được khép hờ, không có tiếng trả lời, đợi một lúc lâu, bà đẩy nhẹ vô, miệng kêu “Ông Tân, ông Tân bịnh hay sao mà không dậy. Trưa rồi!”. Già Tân chẳng ừ hử gì hết. Không khí trong phòng lành lạnh một cách kỳ cục.


Bà lấy hết can đảm đến gần. Người nằm đó không cử động, hơi băng giá như được tỏa ra. Bà Tám chạy ra khỏi phòng như bay, hớt hơ hớt hải gọi điện thoại cho Huê. Chừng một giờ đồng hồ sau ba người bạn thân nhứt của già Tân đã tề tựu trong phòng khách bàn nhau chuyện chôn cất già. Thằng Khoát đem ra cho mọi người đọc một bức thơ để trên bàn ngủ của già Tân, đề ngày đâu chừng mấy năm trước, trong đó có đoạn: ‘…Xin liên lạc với Quỹ Tương Tế ở đường Santa Clara để nhận lãnh số tiền của tôi mà lo chuyện chung sự. Cố đơn giản thiệt là đơn giản. Làm sao cho còn dư một vài ngàn đưa cho cha Xứ để giúp một hai gia đình neo đơn…Cũng xin nhớ tưới giùm mấy cụm hồng của tôi...


Ý nguyện tôi được như vậy sự về quê của tôi mới thanh thản.’ Hai người đàn bà không cật ruột với người chết bỗng sụt sùi ngang khiến thằng Khoát phải ngó đi chỗ khác, nói giọng cải lương: ‘Thôi xin đừng bi lụy, bác Tân ra đi như vậy là có phước lắm…. rồi.’ Nó kéo dài chữ lắm rồi xuống vọng cổ chữ rồi, nghe vừa buồn vừa tức cười. Hít một hơi dài nó tiếp: Hình hài bác nằm đây thanh thản, không đau đớn vật vã, không kéo dài làm khổ người thân…. Con cái biệt tăm nhưng bác đã có sự sắp xếp trước cho mình, dành dụm tiền tự lo chung sự lại còn dư chút đỉnh cho người nghèo.


Lòng bác thiệt bao la… Huê gạt nước mắt, đánh mạnh vô cánh tay của thằng Khoát: ‘Thôi đi ông quỷ chùa! Ông vô vọng cổ hoài lang thì mùi mẫn mà dòm ông mặt đen thùi tui oải quá. Lúc nào cũng bông lơn ba trợn. Người ta chết mà mình xuống vọng cổ cái nỗi gì.’ Thằng Khoát phủi phủi rồi vuốt vuốt chỗ tay bị đánh: ‘Tui diễn tả như vậy vì tui hiểu sự thanh thản ra đi của bác Tân. Kết thúc một mắt xích đời nầy để mở đầu cho một mắt xích đời kế tiếp mà không di lụy cho ai.’ Nó vừa nói vừa ngó cặp môi đỏ mơn mởn, đôi má trắng hồng mịn màng của Huê và nhớ tới câu nói của già Tân hồi nào….


Nó đứng dậy lục lọi tìm mấy cây nhang, tới trước xác già Tân đốt, vái: “Cám ơn bài học của bác, thiệt là ý nghĩa, nhưng tui chưa thể áp dụng được bác ơi. Chưa tới tuổi để ngộ ra cái triết lý của Bác, tui thấy nó bằng thịt bằng da chứ chưa thấy được bằng bộ xương X-quang biết đi như bác nói.’ Hai người đàn bà ngó thằng Khoát lạ lùng, không hiểu nó nói gì, nhưng chắc già Tân biết, gương mặt người chết bỗng như thanh thản toại nguyện, miệng hơi hé ra nụ cười an nhiên. Ngoài trước cửa, cụm hồng nhung già Tân từng chắt chiu, ngả nghiêng qua lại như đang luân vũ với gió sớm.

Nguyễn Văn Sâm (Victorville, CA Sept. 11, 2010)



No comments: