Wednesday, September 29, 2010

RFA * THĂNG LONG


Ngàn năm Thăng Long và những ý kiến phản biện
2010-09-27

Tiến sĩ Hà Sĩ Phu tiếp tục trình bày về những tiếng nói phản biện đối với những sai trái của chính quyền trong việc chuẩn bị và tổ chức đại lễ ‘Ngàn năm Thăng Long’, và những việc người dân nên làm trước những sai trái đó.

AFP PHOTO / HOANG DINH Nam

Công nhân lắp đèn trang trí chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long ở trung tâm Hà Nội vào ngày 22 tháng 9 năm 2010.


Chuẩn bị trong thời điểm nhạy cảm

Gia Minh: Xin mời Tiến sĩ Hà Sĩ Phu trình bày.

TS Hà Sĩ Phu: “Đợt 10 ngày này chỉ là cái kết thúc, còn suốt cả quá trình chuẩn bị thì dài hơn rồi, cũng đã chuẩn bị nhiều năm nay rồi, thế mà toàn bộ quá trình chuẩn bị đó nằm trong giai đoạn mà quan hệ Việt Nam - Trung Quốc có vấn đề.

Đã chuẩn bị nhiều năm nay rồi, thế mà toàn bộ quá trình chuẩn bị đó nằm trong giai đoạn mà quan hệ Việt Nam - Trung Quốc có vấn đề.

TS Hà Sĩ Phu

Từ lâu nhân dân đã cho rằng sự ứng xử của nhà cầm quyền Việt Nam là không đáp ứng đúng nhu cầu của nhân dân, nhân dân muốn phải mạnh mẽ hơn. Cùng là cái vụ tàu xô xát với nhau trên biển, cái mức người Trung Quốc mà bị bắt thì họ phản ứng vô cùng mạnh khi bị Nhật bắt, trong khi đó họ là người bắt còn người Việt Nam mình là người bị bắt thì phản ứng của mình lại quá mềm dẻo và yếu đuối. Đấy là hình ảnh có tính cách tượng trưng cho toàn bộ quá trình thôi. Tức là rõ ràng là mình quá yếu đuối vì rằng cả quá trình dài như thế cho nên đương nhiên cái kết thúc nó cũng phải phản ánh đúng cái tinh thần đó, là tinh thần quá mềm yếu trước cường quốc Phương Bắc.

Nhưng mà chúng tôi cũng hy vọng một chút, tức là đến giai đoạn mình gọi là cuối cùng này do sự o ép của Trung Quốc nó quá là thô bạo và làm cho Đảng Cộng Sản Việt Nam cũng mất mặt, phải nói như thế, thì cái quan hệ các vị muốn "hữu nghị" hay thậm chí lép vế đi nữa thì bên Trung Quốc nó cũng không để cho mình được cơm dẻo canh ngọt thì bên Trung Quốc nó cũng mất mặt chứ không sung sướng gì. Trong khi đó thì sức mạnh từ sự phẫn uất trong nhân dân là cũng rất nhiều, có cái áp lực từ trong dân chúng, cho nên tôi nghĩ rằng trong cái ngày cuối cùng này những người cầm quyền của nước Việt Nam cũng bắt đầu có những thay đổi và chúng tôi rất mừng là hỗ trợ cho sự thay đổi đó thì chính quyền Hoa Kỳ - chính quyền Obama và bà Ngoại Trưởng Hillary Clinton có những động tác dứt khoát can thiệp vào cái quan hệ quốc tế ở Biển Đông.

Thế thì do mấy lực đó, thứ nhất là cái lực quan hệ với Trung Quốc cũng không thể êm đẹp như cũ nữa, thứ hai là cái áp lực phản ứng từ trong quần chúng cùng với giới trí thức, và thứ ba là sự hỗ trợ rất có ý nghĩa của Hoa Kỳ đúng vào lúc này, cho nên tôi nghĩ rằng đến dịp Đại Lễ này thì tình hình không giống như cả giai đoạn dài trước, mà cũng đã ló ra tia hy vọng rằng sự quật khởi, sự tự cường của dân tộc Việt Nam là nó có biểu hiện, bắt đầu khởi sắc trở lại. Thế thì đấy cũng là một hy vọng của bất kỳ một người Việt Nam yêu nước nào.”

Gia Minh: Ông cũng vừa mới đề cập đến những tia hy vọng, những niềm lạc quan, nhưng ông thấy rằng mức độ lên tiếng của giới trí thức cũng như của người dân trong nước thì như thế nào, thưa ông? Cái mức độ đó được đến đâu?

TS Hà Sĩ Phu: “Chúng tôi nói một chút về cái tia hy vọng. Đối chiếu với cái đã qua thì bây giờ là hơn lên được rất nhiều. Số người dám nói và dám nói mạnh hơn trước, tức là cả về số lượng lẫn cả về chất lượng của phản ứng thì đã mạnh hơn trước rất nhiều. Đấy là so với quá khứ, chứ còn so với yêu cầu thì xin thưa với ông rằng vẫn còn yếu lắm, chưa ăn thua gì cả. Phải nói như thế!

Công nhân lắp đặt đèn gần Nhà hát lớn ở trung tâm Hà Nội để chuẩn bị cho Đại lễ 1.000 năm Thăng Long diễn ra từ ngày 1 đến ngày 10 tháng 10 năm 2010.  AFP PHOTO/ HOANG DINH Nam.
Công nhân lắp đặt đèn gần Nhà hát lớn ở trung tâm Hà Nội để chuẩn bị cho Đại lễ 1.000 năm Thăng Long diễn ra từ ngày 1 đến ngày 10 tháng 10 năm 2010. AFP PHOTO/ HOANG DINH Nam.

Đối với quần chúng số đông cũng như ngay cả đối với đảng viên số đông là người ta chả quan tâm gì đến chuyện còn nước hay mất nước; thậm chí rất nhiều người nói với tôi là "Thôi thì phụ thuộc Trung Quốc đi càng tốt đi chứ. Nước với non làm quái gì. Nước nào mà chả phải kiếm ăn." Tức là không có cái nhu cầu tinh thần, không có cả cái điều một người Việt Nam trước đây vẫn có tức là cái tinh thần yêu nước, cái niềm tự hào. Thế thì tại sao bây giờ nó lại mất đi, không còn gì cả? Tôi thực không hiểu tại sao?

Nhưng trên cả cái nền như thế mà đã có lần tôi đã coi như tuyệt vọng đấy ông ạ, thì bắt đầu khởi đậy được một vài tiếng nói mà là những tiếng nói rất đáng trân trọng thì đấy là cái mừng chứ! Đấy là cái mừng chứ! Tựu trung lại như tôi đã nói thì đây là cái tia sáng, tia hy vọng mới le lói thôi, bởi vì cũng chính trong một bài trước đây tôi có nói là cái bài thơ về chữ "tuyệt vọng" đấy, là chính sự tuyệt vọng ra sự cảnh báo là cái giới hạn mà nếu vượt qua cái giới hạn đó là mình tiêu vong, thì lúc ấy người ta bừng tỉnh.

Có một lần GS Huệ Chi cũng chia xẻ với tôi về cái sự buồn, về cái tình hình dân trí nó còn rất là thấp, cái sự tiến bộ nó chỉ có trong một số còn rất ít, thì GS Huệ Chi cũng có nói với tôi rằng "Nhưng mà tôi vẫn còn tin ở cái chỗ là dân tộc mình rất lạ, bình thường người ta không quan tâm gì đến công ích, bình thường người ta không quan tâm gì đến các huyện lớn của đất nước, thế nhưng mà khi đất nước bị dồn đến chân tường thì cái sức mạnh đó tự nhiên nó bật trở lại, nó như là một hồn thiêng sông núi tiềm ẩn trong tâm hồn con người Việt Nam." Thế thì tôi thấy rằng GS Huệ Chi có lý.

Tóm lại, có thể nói với ông rằng cái hy vọng này cũng chính là những tia sáng le lói lúc ban đầu thôi, chứ so với yêu cầu thì cũng còn xa lắm ạ.”

Tẩy chay là xây dựng

Gia Minh: Qua một cái dịp rất là hiếm hoi như thế này thì cần phải làm những việc gì để thổi bùng lên những tia hy vọng đó, thưa ông?

TS Hà Sĩ Phu: “Chúng tôi nghĩ rằng tất cả tất nhiên từ ở lòng con người, mà từ cái chữ gọi chung là "dân trí" đấy, trong dân trí thì có cả trí thức trí, có cả đảng trí... tất cả trong đó thì cái gốc vẫn là con người. Thế nhưng mà nó tiến triển thì nó phải có những nguyên cớ của lịch sử mà không ai có thể đoán trước được.

Tôi lấy thí dụ lúc đầu tiên mong muốn có một trang báo, mà ta gọi là "lề trái" đi, để dám nói những điều phản biện khác khi tham gia ý kiến với các chủ trương - chính sách của đảng và nhà nước, thì khó lắm, không ra được, ra thì bị chặt liền. Thế nhưng do chuyện các ông làm cái vụ khai thác bôxit Tây Nguyên nó tệ hại quá buộc chúng tôi phải bảo với nhau ký mấy cái kiến nghị đấy. Đầu tiên nó chỉ là kiến nghị cấm khai thác boxit thôi, thế nhưng do đó nó lại tạo điều kiện để ra một trang web phản biện là trang boxitvn bây giờ. Thế thì cái đó làm chúng tôi mừng quá, nhưng cũng không ai dám nghĩ tới nó từ đầu cả, mà tự nhiên tình hình làm nó nảy sinh, nhưng mà trong lòng mình vốn có một tiềm lực thế rồi nhân dịp đó chúng tôi có được một trang web, gọi là lề trái cũng được, gọi là trang web phản biện để xây dựng như bây giờ. Và chúng tôi quá mừng đi thôi!

Phải có tiếng nói gì đó tẩy chay, tức là chúng tôi coi việc tổ chức Đại Lễ 1.000 Năm Thăng Long là rất quan trọng, nhưng bây giờ các ông làm nhiều việc xúc phạm đến dân tộc thì chúng tôi phản ứng.

TS Hà Sĩ Phu

Bây giờ do cái vụ Nghìn Năm Thăng Long này thì do cái mâu thuẫn giữa cái thực tiễn không thể chấp nhận dược với cái tiềm lực mà mình đã có ở trong lòng là nó bật ra đợt phản ứng này. Thế thì tôi thấy rằng đấy là cái chủ quan mà khi nó gặp được cái cơ hội khách quan thì nó sinh ra cái mà không ai có thể biết trước được. Thế thì trong đợt này ta phải tận dụng điều kiện đó như thế nào? Tôi cho rằng bây giờ thì các anh em cũng đã lác đác lên tiếng phản ứng về cái tổ chức lễ hội rất nhiều rồi, bây giờ tôi đồng ý thôi chứ còn tôi không phải là người có trách nhiệm có thể đứng ra tổ chức để làm gì thì tôi không nói.

Nhưng mà tôi lấy thí dụ bây giờ phải có tiếng nói gì đó tẩy chay, tức là chúng tôi coi việc đó, việc tổ chức Đại Lễ 1.000 Năm Thăng Long là rất quan trọng, nhưng bây giờ các ông làm nhiều việc xúc phạm đến dân tộc thì chúng tôi phản ứng. Nếu mà các ông sửa thì chúng tôi rất là hưởng ứng, nhưng nếu không sửa thì tất cả chúng tôi tẩy chay. Sự tẩy chay đó là một sự xây dựng, như nhà báo Lê Phú Khải đã viết một bài thơ, đấy là một hình thức tẩy chay:

Lê Phú Khải
TRỜI NAM THƯƠNG NHỚ ĐẤT THĂNG LONG ANH KHÔNG VỀ ĐẠI LỄ


Anh không về đại lễ đâu em
Dù Hà Nội ngàn năm hay vạn năm cũng thế
Khi vua Lý lại mang mão áo vua Tần!
Khi trong phim Việt Nam chỉ thấy sắc màu Trung Quốc!

Thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc
Ông bà ta là thế!

Nên mới còn non nước Việt hôm nay

Hãy gửi cho anh một gói cốm màu xanh
Để anh nuốt vào lòng cả mùa thu Hà Nội
Gửi cho anh một cành liễu Hồ Tây
Để hồn anh mênh mang cùng sương khói . . .

Tưởng nhớ Người xưa đốt hương trầm là đủ
Hãy để những tỉ đô la xây bệnh viện, công viên
Để ngàn năm Thăng Long không thành ngàn mụn ghẻ
Để không còn những bộ phim
Ngộ độc cả ca dao, băng huyết cả tâm hồn./.


Đấy là hồn dân tộc của tôi. Chứ còn cái cung cách tổ chức như thế, chiếu phim như thế là không phản ánh đúng cái ngưỡng vọng của tôi đối với Đại Lễ, cho nên tôi không dự Đại Lễ.”

Gia Minh: Chân thành cảm ơn ông đã có những chia xẻ về tất cả những suy nghĩ, những trăn trở của ông trước một sự kiên rất lớn của dân tộc hiện nay.

Theo dòng thời sự:

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Well-known-dissident-ha-si-phu-voices-his-opinions-about-one-thousand-year-anniversary-of-thang-long-ha-noi-part-2-GMinh-09272010185014.htmlShow all

No comments: