Saturday, July 14, 2012

BẰNG CẤP TẠI VIỆT NAM


 
 Bằng cấp tại Việt Nam 
ngày hôm nay


Tại Việt Nam ngày nay, phu quét đường, đào mả cũng phải là Tiến Sĩ, thậm chí ngư dân nuôi cá tra cũng có bằng Thạc Sĩ. Mời các bạn đọc bài viết dưới đây để lên tinh thần sau 1 ngày dài đầu tuần. Xin mời..
Nguyễn Huy Điền
              Tại tôi... không may

 
Ở Việt Nam người ta hay nói đến bằng A, bằng B, bằng C để định mức cho trình độ ngoại ngữ tiếng Anh được học ở các "Trung Tâm Đào Tạo" (TTĐT) ngắn hạn, hoặc bằng cử nhân Anh Văn cho bậc đại học chính quy dài hạn 4 năm.
Tiếng là bằng cấp hay đúng hơn là một loại chứng chỉ (certificate) của các TTĐT ngắn hạn (vocational centre) nhưng đừng xem thường nó à nha!.
Như đã kể ở bài trước, có một dạo tôi làm việc cho một công ty của Thụy Sĩ có chi nhánh ở Việt Nam . Quanh năm ngày tháng tôi hết ở Hà Nội rồi đến Sài Gòn, những lúc ở Sài Gòn, buổi tối tôi cũng thường hay la cà bụi đời nơi mấy cái quán bar ở Phạm Ngũ Lão (Sài Gòn) để nhìn "tây ba lô" cho đỡ nhớ xứ “xứ người”. Lúc đó, ngồi đía dóc với mấy người đẹp chân dài làm pha chế cho quán bar ở đây, tôi đã vài lần được các nàng cho biết các nàng cũng đang theo học bằng B, bằng C tiếng Anh ở các TTĐT trong phố. Để chứng minh, các nàng còn "khè" cho tôi coi một số bài tập của thầy cho đem về nhà làm. Nhìn các bài tập này tôi thấy nó khó dàn trời mây luôn đối với một thằng đã ở Úc trên 10 năm, và cũng có chút học hành lem nhem ở đây như tôi.
Tình thật mà nói nếu cho tôi làm một bài luận văn của học viên đang học tiếng Anh ở mức bằng C ở trong nước thì tôi... bí lù. Làm được chết liền! Vậy thì trình độ ngoại ngữ của dân mình ở trong nước phải giỏi lắm chứ. Bởi vì hầu như ai cũng có vài cái bằng cấp phải học bằng ngoại ngữ hết. Bằng B, hay bằng C là loại "lôm côm" nhất chứ người ta còn có đến bằng Thạc sĩ hay Tiến sĩ , Giáo sư đào từ các đại học ngoại nữa kìa...
Cho đến một hôm, công ty (nước ngoài) nơi tôi đang làm việc có nhu cầu tuyển thêm một số nhân viên địa phương mới. Thằng sếp thấy tôi là (gốc) Việt Nam , lại biết nói tiếng Việt "very well" (rất nhiều "vi kê" khác về nước làm không biết nói tiếng Việt đâu nha!) nên đẩy cho tôi ôm cái công việc mà tôi không khoái tý nào, đó là phỏng vấn các ứng đơn xin việc để tuyển người.
Phải công nhận là ở Việt Nam mình chuyện gì thì chậm chứ chuyện đăng báo tuyển người thì vô cùng hiệu quả, rất là nhanh. Mẩu quảng cáo đăng lên báo chỉ có 1 ngày thôi thì phòng nhân sự đã nhận được trên 40 hồ sơ xin việc. Công ty tôi chỉ tuyển có mấy người nên sếp giao cho tôi làm cái chuyện khó nuốt là chuyện sàn lọc để loại bớt.
Ngày phỏng vấn, tôi chỉ cho hẹn chục 12 người, chọn lựa những ai có đơn xin việc tương đối thích hợp nhất mà tôi đã tham khảo trước...
Thú thật là lần đầu tiên xem hồ sơ của các bạn trẻ trong nước tôi có chút ngạc nhiên là sự đồng bộ giống y khuôn nhau trong các hồ sơ xin việc. Người nào cũng có một cử nhân hay cao đẳng hệ chính quy nào đó, ai cũng có vài chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Anh bằng B hay C, và ai cũng có thêm vài bằng vi tính loại sử dụng thành thạo các thứ Office Word, Excel, Power Point, Asset v.v... Người này giống y chang người kia.
Đọc xong xấp hồ sơ của các ứng viên tôi mới thấy cái khó cho người chọn lựa. Ai cũng như ai thì biết chọn... ai đây? Vì vậy tôi đành phải xem qua mấy... tấm hình dán trong đơn xin việc để làm tiêu chí mà "sàn lọc" bớt số đơn thặng dư. Tôi xin thành thật mà nói là tôi biết rõ các công việc của công ty tôi đang muốn tuyển chẳng có liên quan gì đến chuyện hình ảnh xấu đẹp của ứng đơn hết, nhưng tôi đành phải "tội nghiệp " cho những ai đi xin việc ở trong nước (nhất là mấy cô) mà không có "ngoại hình" loại "điện nước đầy đủ" (dễ nhìn).
Đại học danh tiếng của quận Cam, University of California, Irvine nằm sát nách Little Sài-Gòn của Mít tị nạn. Theo Blogger Nguyễn Văn Tuấn, trường đại học Irvine bị cơ sở kinh doanh bằng cấp "dỏm", ăn cắp những chương trình, thời gian học, ban giảng huấn, phương cách giáo dục,... tạo ra chuyện Irvine University từng hợp tác với Đại học Quốc gia Hà- Nội, đào tạo thạc sĩ quản trị kinh doanh!(MBA). Các quan cứ thế lấy tiền của dân, ị lên đầu dân, mua bằng "dỏm" xài "búa xua".
Description: http://i415.photobucket.com/albums/pp239/nhacyeuem/Sep%202011/imageHeader_about.jpg

Đành rằng có rất nhiều công việc tuyển dụng chẳng có chút xíu liên quan gì đến ... điện nước của mấy nàng, nhưng như đã nói khi mà hai ứng đơn giống nhau y chang về văn bằng, về chứng chỉ chuyên môn thì người tuyển chọn chỉ còn biết "trông mặt mà bắt hình dong" thôi chứ làm cách nào khác giờ.
Cuối cùng tôi cũng chọn ra hơn chục bộ hồ sơ loại "ngon cơm" nhất, và nghĩ là buổi phỏng vấn chỉ cho có lệ, chỉ gặp để nhìn rõ "dung nhan" của nhau thôi chứ người nào trong nhóm xin việc này cũng có trình độ toàn hàng "chiến đấu" không hà. Nhất là cái khoản tiếng Anh và vi tính, nhìn cả đống bằng cấp và những chứng chỉ mà họ đính kèm thì tôi biết mấy thứ này họ giỏi hơn tôi là cái chắc rồi chứ còn phỏng vấn phỏng viếc làm gì nữa.
Ấy! Nghĩ vậy mà không phải vậy đâu bạn mình ơi! Tôi không biết khi đi xin việc ở nơi khác người ta phỏng vấn ra sao. Còn tôi thì như đã nói, tự biết "tài" của mình, nên tôi không dám ba xí ba tú hỏi lôi thôi sẽ dễ bị lộ tẩy mấy cái dốt của tôi trước mặt các ứng viên. Hơn nữa phần vi tính các công việc mà tôi đang tuyển không cần phải đòi hỏi trình độ cao siêu để biết cách đút "phần mềm" vào hay rút "phần cứng" ra (khi nó không còn... cứng nữa) khỏi ổ máy v.v... Tôi chỉ cần họ biết đánh văn bản trên computer thôi, vậy là đủ. Vì vậy tôi không dám múa rìu qua mắt thợ (ở Việt Nam rất nhiều bạn trẻ rất giỏi về computer), tôi chỉ đẩy cái laptop của tôi đang xài cho anh chị ứng viên đang phỏng vấn xin việc, và nhỏ nhẹ ... nhờ "em gõ dùm cho tôi chừng 10 câu, một bài ca, bài thơ hay bất cứ cái gì mà em thuộc".
Tôi tin rằng chỉ cần nhìn người nào dạo chừng 2 câu trên bàn phím thôi chứ đừng nói gì đến 10 câu là tôi có thể biết được khả năng đánh máy của họ như thế nào rồi chứ cần gì nhìn cái bằng cấp ghi là một phút mấy chữ.
Vậy mà các bạn có biết chuyện gì xảy ra không? Thiệt là không tưởng tượng được trong 12 người dự phỏng vấn với Word, Excel, Power Point thứ gì họ cũng có bằng cấp chứng chỉ, với chú thích đạt yêu cầu loại "khá", nhưng khi cần gõ máy thì họ nhìn cái bàn keyboard như nhìn cây "thiên ma cầm" trong phim chưởng vậy. Dấu chấm, dấu phẩy, xuống dòng v.v... Họ chăm chú tìm trên bàn phím như thầy pháp tìm bùa lỗ bang.
Đó là chưa kể trong buổi phỏng vấn này tôi đã khám phá thêm vài "bí kiếp" tuyển dụng chắc là khá "đại trà" ở trong nước. Nếu như các cô chân dài có lợi điểm dùng ngoại hình để đánh bại đối thủ khi đi xin việc thì phía các anh cũng biết tận dụng thủ tục "đầu tiên" (tiền đâu) để lót tay người phỏng vấn.
Hôm đó tôi thực hiện buổi phỏng vấn với riêng từng người, và trong phòng riêng khi chỉ có "sếp" và người xin việc thì đã có hai ứng viên nam, một mạnh dạn đẩy cái bao thơ (tiền) về phía tôi với câu chào mở đầu "Sếp cho em gửi các cháu ăn quà.." , còn anh thứ nhì đã quên luôn mục đích của anh đến gặp tôi là để phỏng vấn xin việc làm, anh thân thiện đến bất ngờ, cứ nằn nì rủ rê tôi (như rủ bạn anh vậy) chiều tan việc đi uống bia với anh. Anh giới thiệu là “có biết có cái quán mới mở ở Tân Định toàn "hàng" (nữ tiếp viên) chiến đấu không hà... sẵn sàng phục vụ từ A đến Z"
Còn phía "chân dài" các nàng cũng không lép vế, không phải ai cũng vậy nhưng một vài nàng đã biểu diễn vài "chiêu" thật ngoạn mục. Các nàng gọi "sếp" bằng anh xưng em ngọt như mía lùi. Đứng lên ngồi xuống luôn thể hiện kiểu cách y như đang đi thi hoa hậu. Có một nàng trong nhóm xin việc hôm đó, cứ chống tay lên cầm mà nhìn ông "sếp" đang phỏng vấn mình cười cười mỉm mỉm thiệt là đẹp mê hồn làm cho tim tôi nhảy muốn rớt ra ngoài luôn.
Còn chết người hơn nữa là cái cách của nàng này nhìn người đang phỏng vấn nàng, là tôi đây, y chang như trong tiểu thuyết ba xu của Mỹ gọi là nhìn kiểu "love at first sight", còn tiếng Việt mình các nhà văn trữ tình cũng diễn tả đó là "tiếng sét ái tình" hay "yêu ngay lần đầu" gì đó... Kể luôn cụ Nguyễn Du thi nhân đại tài của nhà mình năm xưa cũng đưa kiểu nhìn này vô tác phẩm Đoạn trường tân thanh của cụ. Đó là "Người đâu gặp gỡ làm chi, trăm năm biết có duyên gì hay không..."
Má ơi! Cũng may là "sếp" (dỏm) này chưa được công ty cho tiêu chuẩn tuyển thư ký riêng cho mình nên đành vừa tụng kinh vừa ngó lơ chỗ khác để tránh ánh mắt "ba đào dị nịch nhân" đắm đuối đến làm người ta chết chìm được của cô em chân dài đi xin việc hôm đó...
Kết quả có 8 ứng viên trong số 12 đơn có đủ các loại văn bằng chuyên môn về “phần cứng phần mềm” nhưng không gõ được vài dòng chữ cho liền lạc bằng keyboard...
Phần tiếng Anh cũng vậy, như đã nói, tôi vốn hơi "ớn ợn" với trình độ tiếng Anh của mấy trung tâm ngoại ngữ trong nước nên cũng chẳng dám hỏi han gì nhiều mà chỉ yêu cầu các ứng đơn "xin bạn kể cho tôi nghe bằng tiếng Anh, sáng giờ bạn làm gì. Thí dụ bạn thức dậy lúc mấy giờ, ăn sáng món gì, bạn đi bằng cách gì đến đây, bạn có thể chỉ đường cho tôi đi từ đây ra hồ... con rùa hay không””
Chỉ đơn giản vậy thôi. Tôi nghĩ rằng nếu anh chị nào đó có thể nói được cho tôi nghe chừng năm ba câu thôi thì tôi có thể nhắm mắt mà phê đại mấy chữ "đạt yêu cầu" vô phần tiếng Anh của họ cái cho rồi.
Nhưng tiếc thay! Cũng như phần vi tính, phần tiếng Anh cũng hầu như không ai thể hiện được điều gì như trình độ của các bằng cấp hay chứng chỉ mà họ có. Cuối cùng chỉ có 3 anh chị giọng nói tuy chưa được hay lắm, nhưng khả năng Anh ngữ của các anh chị này cho tôi tin là họ có học thật chứ không phải loại có bằng thật mà học dỏm.
Description: http://i415.photobucket.com/albums/pp239/nhacyeuem/Sep%202011/t673126.jpg
Description: http://i415.photobucket.com/albums/pp239/nhacyeuem/Sep%202011/222_4_thu-truong-y-te.jpg
Description: http://i415.photobucket.com/albums/pp239/nhacyeuem/Sep%202011/232_15-cao-minh-quangjpg.jpg

Ngài Thứ trưởng Y-tế nước CHXHCNVN bị uýnh tơi tả vì chức thiệt mà bằng giả, Blog Khai Trí đòi hỏi giùm cho hơn 80 triệu dân, vì sức khỏe và sinh mệnh của họ có thể bị ảnh hưởng bởi chất lượng “tri thức” của ông, rất cần ông trả lời trên báo chí.
Riêng Web Hà Tĩnh Mình Thương còn đưa ra danh sách các quan đỏ nào đang xài bằng gỉả. Ôi nhân tài như lá mùa thu ở nước ta! Mùa "Thương Khó" của các đại gia...
Thì ra, sau buổi phỏng vấn tôi mới hiểu tại sao các hồ sơ xin việc lại có nhiều sự đồng bộ như vậy. Rất nhiều các loại chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ vi tính được các trung tâm đào tạo "bán" cho người xin việc như người ta bán một cần thiết phải có trong đơn xin việc chứ không cần chất lượng của bằng cấp hay chứng chỉ đó. Rất nhiều TTĐT ở trong nước chỉ cần có học viên ghi danh, có đóng đủ học phí là có chứng chỉ, không nhất thiết là phải có học hay khảo sát (thi) đạt yêu cầu...
Điều này đã làm cho trình độ của các chủ nhân của bằng cấp chứng chỉ thành đồng bộ, và đã làm cho rất nhiều người tuyển chọn phải lấy những tiêu chí không liên quan đến chuyên môn để mà chọn lựa như "ngoại hình", "điện nước", “”bao thơ” v.v...Trong đó mém chút nữa là cũng có tôi luôn.
Hôm đó nếu không kịp nhớ lại tôi vừa tự mình ký bản án chung thân với một "tiger" biết nói tiếng người, bây giờ đang làm mẹ của 2 đứa con gái tôi, thì tôi đã tuyển cô nàng "love at first sight" kia vô công ty chỗ tôi đang làm rồi.
Thế thì, có lẽ các bạn đang thắc mắc là bộ mấy ông chủ tuyển dụng nhân sự hoặc các sếp phỏng vấn nào cũng nhận bao thơ hay "tiếng sét ái tình" (như tôi) và để cho mấy cái bằng dỏm "lướt" đi một cách dễ dàng vậy sao?
Không hẳn là vậy, nhưng sự thật thì cũng có rất nhiều sếp không có trình độ (vi tính hay tiếng Anh) như các loại bằng cấp chứng chỉ thể hiện, nên không có khả năng khảo sát chất lượng thật của người "đã học" các loại bằng cấp này là học thiệt hay học dỏm.
Chuyện này cho đến hôm nay vẫn còn khá phổ biến ở nước mình. Đó là những bằng dỏm và bằng giả, bằng cách nào đó, đã len lỏi vào lực lượng nhân sự của tất cả mọi vị trí trong đủ các loại ngành nghề ở phía chính quyền lẫn tư nhân, và được chấp nhận y như bằng... thiệt.
Xin mở ngoặc ở chỗ này để quý bạn đọc ở nước ngoài hiểu thêm, ở nước mình bây giờ người ta phân biệt hai chữ "bằng dỏm" và "bằng giả" là hai loại khác nhau. Việc này đã được một "cao nhân" sử dụng bằng dỏm (hay giả) tự định nghĩa một cách rõ ràng cách đây cũng khá lâu. Đó là vị Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên, một tỉnh nằm cạnh Nha Trang ở đâu đó ngoài miền Trung.
Nếu tôi nhớ không lầm là năm 98 hay 99 gì đó. Khi bị báo chí phanh phui là bằng cấp ông này đang sử dụng, là một cần thiết cho chức vụ Chủ tịch mà ông đang làm - hình như là bằng tốt nghiệp phổ thông lớp 12 thì phải - là bằng giả. Ông chủ tịch của mình đã "nổi dóa" đăng đàn mở họp báo lớn tiếng ong óng cãi lại là:
"Tôi công nhận tôi không có học mà có bằng là vi phạm, nhưng bằng này là bằng thật chứ không phải bằng giả. Con dấu thật, chữ ký thật do Giám đốc sở giáo dục tỉnh Đồng Nai cấp đàng hoàng (không tin hỏi ổng coi!) sao lại gọi là giả được".
Sự việc được "khui" thêm ra là 2 ông chức sắc ở tỉnh Phú Yên và tỉnh Đồng Nai đó đã áp dụng tính ưu việt của nền "kinh tế đối lưu" trong thời bao cấp trước đây. Lúc còn bao cấp người ta ít khi xài tiền, mà là dùng hàng hóa để trao đổi (như thời... đồ đá vậy). Ông Phú Yên có biển, có rừng nên cho ông Sở Giáo Dục Đồng Nai ít gỗ vụn để xây nhà, xây dư thì bán đi cho người ta làm củi chụm cũng được mà. Có... vài ngàn mét khối thôi chứ mấy.
Ngược lại ông Đồng Nai có cái Sở Giáo Dục hàng năm "búng" ra cả vài chục ngàn cái bằng trung học phổ thông thì tiếc gì không "búng" cho bạn mình một cái. Bằng thiệt, chữ ký thiệt đàng hoàng ai dám bảo là bằng... giả đâu.
Bó tay luôn phải không quý vị! Lúc đó báo chí trong nước đã bầu cho câu nói của ông Chủ tịch Phú Yên là "câu nói hay nhất trong năm" của quan chức nước mình. Và (có lẽ) từ đó chữ "bằng dỏm" được ra đời để chỉ loại bằng có con dấu thiệt, chữ ký thiệt, có lưu chiếu vào sổ bộ thiệt đàng hoàng, nhưng chủ nhân của nó không cần do học (thiệt) mà có. Và cũng từ đó trong lý lịch của một số quan chức trong phần trình độ văn hóa học vấn, nhiều vị khai tốt nghiệp cử nhân kinh tế, cử nhân luật v.v... Có vị cẩn thận hơn đã mở ngoặc đóng ngoặc mấy chữ (có học thiệt) để chú thích phân biệt với các loại bằng, cũng thiệt y như của họ, nhưng là học dỏm.
Còn loại bằng giả khác với bằng dỏm vừa kể là bằng giả không có con dấu thiệt, không có chữ ký thiệt, không có lưu chiếu. Người có được (bằng giả) là do in ấn nháy hiệu cho giống y thiệt, rồi lấy củ khoai tây tự khắc thành con dấu giả, nháy theo dấu thiệt, như đồng hồ nháy hiệu vậy, hoặc cạo sửa từ bằng thiệt của người khác rồi bỏ đại (mẹ) tên mình vô.
Như vậy thì người xài bằng giả và bằng dỏm về hình thức thì khác nhau, nhưng có một điểm giống nhau là cả hai không ai cần phải đi học (thiệt) để có bằng.
Ngày nay ở nước mình, sự kiện bằng dỏm & và bằng giả không chỉ ở những loại "lôm côm" như mấy cái chứng chỉ vi tính hay bằng B, bằng C của tiếng Anh để đi xin việc, hoặc bằng tốt nghiệp trung học phổ thông như ông chủ tịch Phú Yên năm xưa mà còn "leo cao" hơn đến các bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ, Giáo sư v.v... đã không còn là chuyện hiếm thấy...
Bằng dỏm và giả với học vị càng cao thì người sử dụng nó, thường là có chức quyền hay tiền, nên càng dễ đạt được yếu tố "tiêu cực" lúc dự tuyển bổ nhiệm vào các chức vụ cao (đa số là viên chức, công chức cấp cao của nhà nước), hoặc là vì bằng ở loại học vị cao nên nơi nhận (việc) cho các loại bằng cấp này, vì không có trình độ khảo sát nên đã dễ dàng để bằng dỏm hay giả biến thành bằng... thiệt.
Trong tháng (7-2010) vừa qua, chắc quý bạn đọc cũng đã biết rồi, báo chí trong nước lại lùm xùm lu xa bu thêm hai bằng Tiến sĩ "dỏm" do không học mà có, mà lại còn ác liệt hơn nữa, các bằng Tiến sĩ dỏm kỳ này ngoài chuyện có chữ ký thật, con dấu thật nhưng lại được mấy trường đại học "không có thật" (trường ma) cấp.
Không biết các chủ nhân của hai bằng Tiến sĩ này có mạnh miệng cãi là "bằng của tui là bằng thật có con dấu thật, chữ ký thật chỉ do trường... dỏm cấp mà thôi nên không thể gọi là bằng giả được..." như ông Phú Yên năm xưa hay không.
Hai bằng Tiến sĩ mà báo chí mới phanh phui kỳ này. Một là của ông Giám đốc Sở "Văn hóa & Du lịch” Phú Thọ, và bằng thứ hai là của ông Phó bí thư Tỉnh ủy tỉnh Yên Bái.
Theo báo chí trong nước thì ông "Sở văn hóa" Phú Thọ có bằng Tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài, nghĩa là phải học bằng tiếng Anh, mà khả năng tiếng Anh của ông thì lại "xem xem" với mấy anh xin việc mà tôi phỏng vấn lúc trước.
Nghĩa là ông không kể được bằng tiếng Anh hồi sáng này ông ăn sáng món gì, tối hôm qua ông đi bia ôm ở quán nào, có vụ... A đến Z với mấy cô tiếp viên ở đó không... chứ đừng nói gì đến việc ông làm luận án khoa học bằng tiếng Anh để được cấp bằng Tiến sĩ...
Và ông Phó Yên Bái thì còn "thần đồng" hơn nữa, từ lúc ông có quyết định lãnh tiền của nhà nước hỗ trợ cho ông đi học cho đến lúc ông "khè" cái bằng Tiến sĩ ra cho thiên hạ ớn chơi chỉ có... 6 tháng.
Chuyện mà báo chí trong nước thấy đáng nói là cả hai bằng Tiến sĩ này đều có giá "học phí" (dù chẳng cần đi học) là 17,000 đô Mỹ để có. Cả hai đều nằm trong tiêu chuẩn sử dụng tiền "quỹ hổ trợ" của nhà nước dành cho cán bộ hiếu học muốn nâng cao trình độ để lấy cái bằng này.
Chuyện của hai ông Tiến sĩ dỏm ở Phú Thọ và Yên Bái lấy tiền nhà nước, không đi học mà vẫn có bằng dường như đã làm ức lòng đến hai ông Tiến sĩ (thiệt) đang làm việc tại các đại học và viện nghiên cứu của Úc đó là Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn (Sydney) và Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc (Melbourne)
Giáo sư Tuấn qua bài viết "Thêm bằng chứng về bằng giả trường dỏm" cho rằng ông Phó bí thư Yên Bái bị (trường dỏm) lừa gạt, hay là ông sẵn sàng (để cho) bị lừa gạt khi tốn 17 ngàn để lấy cái bằng ở một trường đại học không có thật, và cái bằng đó chỉ là một tấm giấy lộn chứ không có giá trị gì hết.
Và ở một bài khác "Bằng tiến sĩ dỏm giá 17,000 đô - Hãi" Ông Tuấn cho biết lý do người sử dụng bằng dỏm (ở trong nước) không chỉ mục đích lòe thiên hạ cho oai mà còn là một nhu cầu cho chức quyền.
Đồng lúc đó Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc cũng viết 2 bài "Bằng giả và bằng dỏm" và "Tiến sĩ dỏm ở Việt Nam"
Ông Quốc cho là xài bằng giả để lòe thiên hạ cho sướng thì vấn đề chỉ là tâm lý và đạo đức chứ không liên quan đến pháp luật, chính quyền không can thiệp nhưng nếu sử dụng cái bằng dỏm hay giả ấy để mưu lợi thì lại khác. Ví dụ để xin dạy trong các trường học hoặc để thăng quan tiến chức như ông Phó bí thư Yên Bái thì: Nó trở thành một hành động lừa bịp...
Và cũng cùng lúc này tờ báo mạng TuanVietnam.net ở trong nước cũng có bài châm biếm sự giải trình của chính chủ nhân cái bằng Tiến sĩ dỏm không biết tiếng Anh là ông Giám đốc Sở văn hóa Phú Thọ.
Cũng như ông Chủ tịch Phú Yên năm xưa. Ông giám đốc Sở Phú Thọ này cũng đăng đàn họp báo, ông đến tận tòa soạn báo TuầnViệtNam.Net, nhờ tiếng nói của tờ báo này để giải trình qua hình thức phỏng vấn hỏi đáp về việc ông tốn 17,000 đô để "học" cái bằng Tiến sĩ ở nước ngoài mà không cần biết một chữ tiếng Anh
Trong bài hỏi đáp của TuầnViệtNam.net ông Giám Đốc Sở Phú Thọ này hé lộ me mé ra là còn đến... 10 quan chức khác cũng có bằng Tiến sĩ ở cùng trường "dởm" với ông. Mấy ông học bằng cách "online" (hàm thụ từ xa qua mạng) và nơi dạy không yêu cầu người học phải biết tiếng Anh. Ông khai những người khác (cũng là quan chức nhà nước ở Phú Thọ và Hà Nội) cũng học cùng "lò" nơi ông học, cũng được cấp bằng như ông, nhưng người ta không ai bị gì cả, còn ông chỉ là...
"Tại tôi không may thôi!"
Đúng là "pó toàn thân" luôn chứ không thèm "pó tay" nữa với chuyện "quê nhà xứ huyện" của nước mình phải không quý vị? Dùng tiền của nhà nước (là tiền của dân) "mua" một bằng cấp là một "tấm giấy lộn không giá trị gi hết" để "thăng quan tiến chức" và "mưu lợi" cho cá nhân mình. Khi bị đổ bể đối với mấy ông không là "một hành động lừa bịp" mà chỉ là "Tại tôi không may thôi!"
Không biết câu nói này có nên bầu là "câu nói hay nhất trong năm" của quan chức mình lần nữa không các pác nhẩy!
Phương "N"
-
Mua bằng giả ở Việt Nam dễ như 'mua rau'
Wednesday, March 14, 2012 7:14:59 PM

Bookmark and Share

HÀ NỘI (NV) -
Mua bằng giả đủ mọi loại, từ trung học tới đại học có thể ví dễ như mua rau ở chợ tại Việt Nam. Báo Thanh Niên ngày 13 tháng 3, 2012 đã phải kêu lên rằng nhiều nhóm, tổ chức hay cá nhân “công khai... làm bằng giả.”



Hoàng tại điểm hẹn với phóng viên (ảnh 1) và đưa ra một bằng giả giống y thật cho phóng viên xem (ảnh 2). (Hình: Thanh Niên)
Tờ báo Thanh Niên kể chuyện phóng viên của họ đi “thực tế” đã gặp người “đầu mối làm bằng giả” ở Hà Nội thì được hỏi ở “tỉnh nào để giới thiệu đồng nghiệp tiếp nhận đơn đặt hàng; không hạn chế số lượng và loại bằng cấp 'kể cả bằng của ngành công an.' Biết chúng tôi ở Sài Gòn, người này cho số điện thoại (016525935xx), nói của Nguyễn Minh Hoàng.”
Theo nguồn tin, tùy loại bằng và của trường nào cấp mà giá dịch vụ có thể từ 2.5 triệu đồng đến 10 triệu đồng một cái bằng giả.
Những lời “chào hàng” dịch vụ làm bằng giả tại Việt Nam có thể tìm thấy rất nhiều trên Internet. Gõ nhóm từ “bằng giả” có thể thấy hiện ra tới 35 triệu địa chỉ hay trang thông tin về bằng giả, trong đó không ít những “đầu mối” nhận cung cấp bằng giả đủ mọi loại với các số điện thoại liên lạc.
Bản tin ký sự của báo Thanh Niên thuật lại cuộc hẹn của phóng viên với một “đầu mối” của nhóm làm bằng giả có tên Nguyễn Minh Hoàng và được cho xem một số mẫu bằng giả “có đóng dấu tròn đỏ tươi, chữ ký của hiệu trưởng hẳn hoi” và còn được bảo đảm máy móc in ấn hiện đại và kẻ làm bằng giả đã “mua phôi, tem của Bộ Giáo Dục, làm giống như thật, không dễ gì phát hiện ra được!”
Mới ngày 11 tháng 2, 2012, báo Quảng Ninh loan tin Nguyễn Thị Hạ, 51 tuổi và Bùi Tiến Hùng, 71 tuổi, ở huyện Vân Ðồn đã bị kết án mỗi người một năm tù vì cung cấp bằng tốt nghiệp trung học “hệ bổ túc” cho một người cần bằng để đi học “thợ lò.”
Phần lớn các người có nhu cầu bằng cấp giả là đám quan chức đảng viên của đảng CSVN cần thăng quan tiến chức. Ðây là chuyện rất phổ biến tại Việt Nam trong nhiều năm qua.
“Hàng trăm bằng tốt nghiệp Trung Học Phổ Thông và giấy chứng nhận tốt nghiệp bổ túc ở Ðồng Bằng Sông Cửu Long vừa được Sở Giáo Dục-Ðào Tạo thành phố Cần Thơ xác định là giả. Rất nhiều chủ nhân của các bằng cấp giả này là cán bộ cơ sở.” báo Người Lao Ðộng ngày 22 tháng 8, 2010 đưa tin. Theo nguồn tin này, ít nhất là 10 quan chức thành phố Cần Thơ đã dùng bằng cấp giả để tiến thân, hầu hết không thấy nêu tên là những ai.
Ngày 3 tháng 7, 2011, báo điện tử VNExpress cho biết “hơn 40 cán bộ sử dụng bằng giả bị phát hiện ở các huyện An Phú và Thoại Sơn tỉnh An Giang.” Trước đó không lâu, cũng VNExpress ngày 8 tháng 4, 2011 nói rằng “280 cán bộ, giáo viên ở Sóc Trăng xài bằng giả.”

Bằng giả rao bán trên Internet. (Hình: Thanh Niên)
Cho tới nay, người ta chỉ thấy có một số ít những kẻ làm bằng cấp giả tại Việt Nam là bị bỏ tù. Ðám quan chức đảng viên xài bằng giả, bằng dỏm thì thường chỉ bị “cảnh cáo,” ít khi bị mất chức.
Vũ Viết Ngoạn được ông Thủ Tướng Nguyễn tấn Dũng cử làm “Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia” cấp bậc hàng bộ trưởng hồi tháng 7, 2011 đã xài bằng tiến sĩ dỏm mua của một xưởng in bằng dỏm ở tiểu bang Louisiana, Hoa Kỳ. Ðến nay, ông ta vẫn tại chức, không hề bị ai “khiến trách” hay bị mất chức.
Mới ngày Thứ Tư, 14 tháng 3, 2012, “Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương” đảng CSVN chỉ ra quyết định “cảnh cáo” đối với Thứ Trưởng Bộ Y Tế Cao Minh Quang dù ông này đã bị cáo buộc khai gian bằng tiến sĩ và “vi phạm tiêu chuẩn đảng viên và quy định về những điều đảng viên không được làm, gây ảnh hưởng đến đoàn kết nội bộ, làm cho uy tín của cá nhân giảm sút.” (TN)





Vụ làm hàng chục ngàn bằng giả tại Hà Nội: Bị cáo đầu vụ lãnh bốn năm tù

Pháp luật TPHCM - 26 tháng trước 43 lượt xem
Vu lam hang chuc ngan bang gia tai Ha Noi: Bi cao dau vu lanh bon nam tu
Đây là vụ án mà PV Pháp Luật TP.HCM đã điều tra, cung cấp thông tin để cơ quan chức năng vào cuộc.
Hôm qua, TAND TP Hà Nội đã xử sơ thẩm Nguyễn Hoài Nam cùng bảy đồng phạm về tội làm giả con dấu, tài liệu của các cơ quan, tổ chức. Tòa tuyên phạt Nam 48 tháng tù, Bùi Thanh Tuấn 36 tháng tù, Hồ Thị Xuân 30 tháng tù, Phạm Văn Hải 20 tháng tù, Vũ Văn Hải 12 tháng cải tạo không giam giữ. Ba bị cáo Phạm Anh Hưng, Trương Công Quế, Hoàng Đông Anh mỗi người lãnh 12 tháng tù treo.
Chứng chỉ tin học giá… 15.000 đồng
Theo hồ sơ, tháng 1-2009, Liên hiệp Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam quyết định thành lập Liên hiệp Phát triển nguồn nhân lực và quản trị doanh nghiệp (UHDEM), bổ nhiệm Nam làm giám đốc. Sau đó, Nam giao cho Tuấn làm phó giám đốc, Xuân làm kế toán.
Lợi dụng chức danh này, Nam đã nhờ Quế tìm người thiết kế mẫu các chứng chỉ; nhờ Hưng in 23.000 chứng chỉ các loại với số tiền in gần 42 triệu đồng. Thực hiện đơn hàng, Hưng dựa vào mẫu chứng chỉ do Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phát hành để chỉnh sửa thành ba mẫu chứng chỉ do UHDEM cấp. Hưng thuê Anh in số chứng chỉ trên với giá hơn 32 triệu đồng. Anh đã mang các mẫu phôi chứng chỉ đi thuê làm phim âm bản rồi mang đến xưởng của Phạm Văn Hải, Nguyễn Thái Bình in với giá gần 30 triệu đồng.
Có chứng chỉ giả trong tay, Nam, Tuấn, Xuân móc nối với Vũ Văn Hải để tiêu thụ. Đường dây này tìm khách bằng nhiều cách, thậm chí Nam còn đăng quảng cáo trên mạng, rao bán 15.000 đồng một chứng chỉ tin học, 40.000-50.000 đồng một chứng chỉ ngoại ngữ, 150.000 đồng một chứng chỉ sơ cấp nghề…
Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm.
Về phần Quế, dù không có giấy phép của Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hà Nội, dù biết Nam không có chức năng cấp chứng chỉ tin học, ngoại ngữ nhưng vẫn mở Trung tâm dạy tin học, ngoại ngữ Incomtech. Sau đó, Quế chuyển 50 hồ sơ của các học viên trung tâm mình cho Nam để cấp chứng chỉ giả.
Hám lợi nhỏ, gây hậu quả lớn
Tại phiên tòa, tất cả bị cáo đều nhận tội. Vũ Văn Hải khai nếu trót lọt Hải sẽ được hưởng chênh lệch 20.000-50.000 đồng một chứng chỉ. Còn Xuân khai ngoài việc đóng dấu chứng chỉ giả và thu tiền của khách, Xuân đã trực tiếp nhận bảy hồ sơ để làm chứng chỉ giả, thu lợi chỉ hơn 200.000 đồng.
Theo đại diện VKS, việc thành lập các trung tâm giáo dục, đào tạo phải có giấy phép của Sở, của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Mặt khác, việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học phải đảm bảo đúng chương trình, giáo trình cũng như đội ngũ giáo viên theo quy định của Bộ. Các học viên phải được học, kiểm tra, tham gia thi, có hội đồng sát hạch và đạt kết quả thì mới được cấp chứng chỉ.
Cạnh đó, văn bằng chứng chỉ cấp cho người tốt nghiệp cũng được quản lý thống nhất. Bộ Giáo dục và Đào tạo thống nhất quy định, quản lý mẫu, việc in, thủ tục cấp phát, thu hồi, hủy bỏ văn bằng, chứng chỉ. Mọi tổ chức và cá nhân không được tự ý in và cấp phát. Biết rõ điều đó nhưng vì hám lợi, các bị cáo vẫn tự ý lợi dụng tư cách pháp nhân của UHDEM để phạm tội.
Theo tòa, hành vi của các bị cáo là rất nguy hiểm, không những xâm phạm đến trật tự quản lý của các cơ quan, tổ chức mà còn gây hệ quả xấu cho xã hội. Theo cơ quan điều tra, đã có tới 799 người mua chứng chỉ giả của các bị cáo. Các bị cáo đa phần là trí thức, đã tốt nghiệp đại học nhưng chỉ vì hám lợi mà quên đi những hậu quả rất xấu mà bản thân các bị cáo cũng như xã hội phải gánh chịu.
Riêng đối với Nguyễn Thái Bình có hành vi in 3.000 chứng chỉ sơ cấp nghề nhưng xét mức độ phạm tội, cơ quan điều tra chỉ xử phạt hành chính. Đối với những người đã mua chứng chỉ giả của UHDEM, cơ quan điều tra đã quyết định tách ra để tiếp tục xác minh, xử lý sau.
Đầu tháng 2-2009, Pháp Luật TP.HCM đã tìm hiểu về tình trạng rao bán bằng cấp giả tràn lan trên mạng, qua đó phát hiện hai đường dây mua bán bằng cấp giả lớn tại TP.HCM và Hà Nội. Hai tổ phóng viên tại hai TP đã được thành lập để điều tra song song hai đường dây này.
Tại TP.HCM, cuối tháng 2-2009, báo đã liên hệ, cung cấp các chứng cứ cho Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM. Đơn vị này đã lập chuyên án bóc gỡ. Ngày 2-3, hàng loạt đối tượng đã tra tay vào còng khi đang giao bằng giả cho PV. Mở rộng điều tra, cơ quan công an đã bắt giữ nhiều đối tượng tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, thu hàng ngàn bằng giả các loại.
Tại Hà Nội, cùng thời điểm, văn phòng đại diện của báo cũng đã làm việc, cung cấp thông tin cho Cục An ninh tư tưởng văn hóa (A25 - Bộ Công an). Ngày 6-3-2009, Cục A25 đã chuyển những thông tin trên đến Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội. Ngày 2-4-2009, Phòng Cảnh sát hình sự đã báo cáo đề xuất, được Thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, phê duyệt lập chuyên án 455H để tổ chức đấu tranh, bóc gỡ đường dây này. Đến ngày 18-5-2009, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội đã bắt quả tang Hải đang đi tiêu thụ hai chứng chỉ tin học, ngoại ngữ do Tuấn ký và đóng dấu. Sau đó, lần lượt các đồng phạm của Hải, Tuấn đều bị bắt.
THANH LƯU

No comments: