Tại Trung Quốc,
600 doanh nghiệp kêu gọi chính phủ giúp đỡ
Ngân hàng Trung ương giảm lãi suất, nhưng do các món nợ khó đòi, các ngân hàng Trung Quốc không muốn tiếp tục cho vay (REUTERS)
« Vụ này làm người ta nhớ lại cuộc khủng hoảng nợ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Ôn Châu, hồi mùa hè năm ngoái. Tuy nhiên, lần này, không chỉ có những doanh nghiệp vừa và nhỏ kêu cứu và đặc biệt là vụ việc lại xẩy ra bên bờ hồ Hàng Châu, thành phố của các triệu phú Trung Quốc, ở phía nam Thượng Hải.
600 doanh nghiệp đã đưa ra lời kêu gọi khẩn thiết đối với chính quyền tỉnh Chiết giang. Trong đó có một số cơ sở nằm trong số 500 doanh nghiệp lớn nhất Trung Quốc. Các doanh nghiệp không còn tiền để trả nợ, các ngân hàng cho vay hoảng sợ.
Ngày 14/06 vừa qua, cảnh sát Hàng Châu đã bắt giữ chủ tịch tập đoàn bất động sản Trung Giang. Doanh nghiệp này không còn đủ khả năng để trả các khoản nợ lên tới hàng trăm tỷ nhân dân tệ.
Công ty sản xuất dây điện Hổ Bài phải thanh toán 80 triệu nhân dân tệ (hơn 10 triệu euros) cho Ngân hàng Trung Quốc và Ngân hàng Hoa Hạ.
Thế rồi, đến lượt cơ sở đứng ra bảo lãnh cho doanh nghiệp bị bốn ngân hàng đòi thanh toán khoảng 100 tỷ nhân dân tệ. Do vậy, các doanh nghiệp liên quan đã đề nghị chính quyền cho phép tạm ngưng trả nợ và không giảm mức cung cấp tín dụng, trong vòng 3 năm.
Lời kêu gọi này cũng là dấu hiệu cho thấy việc giảm lãi suất mà Ngân hàng Trung ương Trung Quốc quyết định không đủ để thúc đẩy các ngân hàng tiếp tục cho vay. Giống như ở Ôn Châu năm ngoái, chính quyền trung ương có thể phải can thiệp để giúp cho các doanh nghiệp không bị phá sản ».
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120718-tai-trung-quoc-600-doanh-nghiep-keu-goi-chinh-phu-giup-do
Đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Trung Quốc giảm trong 6 tháng đầu năm nay
Đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Trung Quốc đã giảm 3% trong 6 tháng đầu năm nay, so với cùng thời kỳ này năm ngoái
REUTERS
Theo đại diện của bộ Thương mại Trung Quốc, tổng số vốn của
nước ngoài đầu tư trực tiếp trong sáu tháng đầu năm 2012 chỉ đạt mức
59,1 tỷ đô la. Trong sáu tháng đầu năm 2011, con số này lên tới 60,89 tỷ
đô la.
Bắc Kinh đưa ra một số nguyên nhân : « Nhịp độ phục hồi kinh tế thế
giới vẫn còn chậm và vẫn tồn tại nhiều bất trắc », đặc biệt là châu Âu
còn phải tiếp tục giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công.
Mặt khác, chi phí sản xuất tại Trung Quốc ngày càng cao và các biện
pháp chống đầu cơ trên thị trường bất động sản cũng góp phần làm giảm
khối lượng đầu tư trực tiếp vào Trung Quốc.
Chỉ tính riêng trong tháng Sáu, đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào
Trung Quốc đã giảm tới 6,9% tính theo tỷ lệ cả năm, cụ thể tổng đầu tư
trực tiếp của nước ngoài trong tháng này là 12 tỷ đô la.
Đầu tư của 10 quốc gia và lãnh thổ như Nhật Bản, Hồng Kông, Macao,
Đài Loan…) đã giảm 2,8% trong sáu tháng đầu năm 2012, so với cùng thời
kỳ này năm ngoái. Còn đầu tư trực tiếp của Hoa Kỳ vào Trung Quốc giảm
3,2%.
Vẫn liên quan đến kinh tế, cơ quan thẩm định tài chính quốc tế Fitch
duy trì dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay là 8%. Để đạt
được tỷ lệ này, Trung Quốc phải có mức tăng trưởng trong sáu tháng cuối
năm 2012 là 8,1%, tính theo tỷ lệ cả năm, bởi vì trong sáu tháng đầu năm
nay, tăng trưởng của Trung Quốc chỉ là 7,8%.
No comments:
Post a Comment