Tìm được
con thất lạc sau 32 năm, nhờ xem TV
Ngọc Lan/Người Việt
GLENDALE, California (NV)
- Một ông Việt Nam
vừa tìm được đứa con trai sau 32 năm thất lạc trên đường vượt biển, nhờ
xem một chương trình truyền hình ở Việt Nam, trong một câu chuyện giống
như chỉ có trên màn ảnh.
Ông
Ngô Văn Việt (trái) và con trai Ngô Văn Ðảm (Buff) gặp lại tại Thái
Lan sau 32 năm thất lạc trên hành trình vượt biên. (Hình: Linda Ngô
cung cấp) |
“Sau khi lục soát từng người, họ bảo mình xuống trở lại tàu nhỏ trước,
còn lại sáu đứa bé họ sẽ ẵm trả lại sau. Nhưng họ chỉ trả lại có bốn đứa,
còn lại đứa con trai 3 tháng rưỡi tuổi và đứa con gái 11 tháng tuổi của
người em thì họ chặt dây tàu chạy mất.”
Ông Ngô Văn Việt, cư dân Glendale, kể lại giây phút đứa con trai trên
Ngô Văn Ðảm của ông bị người chủ tàu Thái Lan bắt đi vào một ngày của
Tháng Ba, 1981 trên đường vượt biên.
Sau hơn ba thập niên, khi mọi sự tìm kiếm đứa con tội nghiệp tưởng
chừng như vô vọng thì người cha đau khổ này lại gặp được người con trai
ngày nào trong một tình cờ đến kỳ lạ.
Kết quả thử DNA trùng khớp và sự hội ngộ của cả gia đình ông bà Ngô Văn
Ngô cùng Buff, tên hiện thời của cậu bé bị bắt năm xưa, vào ngày Thứ Năm,
19 Tháng Bảy, tới đây là câu chuyện cảm động cho những ai từng rơi vào
hoàn cảnh nghiệt ngã này, trên hành trình tìm kiếm tự do.
Mất con trên đường vượt biên
Lý do để ông Ngô Văn Việt có niềm tin rằng đứa con trai tên Ngô Văn Ðảm
của mình còn sống và muốn đi tìm lại nó từ bao nhiêu năm qua chính là vì
“người chủ tàu Thái Lan khi đó thấy nó dễ thương, muốn xin nó nhưng mình
không cho, nên họ bắt luôn.”
Theo lời kể của ông Việt, từ Phú Quốc, vợ chồng ông cùng bốn người con,
trong đó Ðảm là út, cùng với gia đình các anh em họ hàng xuống tàu đi vượt
biên năm 1981.
Khi ra đến Vịnh Thái Lan, tàu của ông được một tàu đánh cá Thái Lan
vớt.
Ông Việt nhớ lại, “Lúc đó, qua cách ra dấu thì mình hiểu là họ còn phải
đánh cá một ngày một đêm nữa mới vô bờ. Tuy nhiên, lúc nửa đêm, họ lập kế
dọn cơm ra trước mũi tàu, kêu tất cả mọi người ra đó ăn.”
“Ăn xong, họ không cho ai quay trở vào bên trong tàu nữa mà yêu cầu
phải tát nước chiếc tàu nhỏ của tụi tôi. Sau khi lục soát từng người, họ
bảo mình xuống trở lại tàu nhỏ trước, còn lại sáu đứa bé ở trong cabin thì
họ sẽ ẵm trả lại sau. Nhưng họ chỉ trả lại có bốn đứa, còn lại đứa con
trai tôi 3 tháng rưỡi tuổi và đứa con gái của người em, 11 tháng tuổi, thì
họ chặt dây tàu chạy mất. Nghĩa là họ cố tình bắt con và cháu tôi.” Ông
Việt tiếp tục kể.
Bất ngờ trước tình cảnh đó, người cha “chỉ còn biết khóc.” Trong khi
người mẹ “coi như chết đứng luôn rồi, hết biết mình mẩy gì hết.”
Bà Lê Kim Hoàng, (Kim Lê), vợ ông Việt, nhớ lại cảm xúc của mình vào
thời khắc ấy, “Con mình đang còn ẵm bồng cho bú mà tự dưng bị bắt mất đi
như vậy thì coi như hết biết gì rồi, không biết mình mấy tuổi luôn.”
“Suốt một thời gian, tôi ăn không được, ngủ không được, buồn khổ lắm vì
có cảnh nào bằng cảnh mất con đâu cô!” Bà Kim kể lại bằng giọng chân chất
của người Phú Quốc. “Phải chi nó đau yếu bệnh hoạn mất thì không nói gì,
đằng này nó đang còn sân sẩn mà bị bắt như vậy thì mình cũng muốn chết
theo nó được.”
Tuy nhiên, với những ai từng là thuyền nhân, có lẽ sẽ dễ dàng hiểu hơn
tâm trạng những ngày tiếp theo đó của ông bà Việt.
Ông tâm sự, “Ði chung với nhau mà con bị bắt như vậy thì làm sao mà
không đau buồn. Nhưng lúc nhìn tàu bị phá nước vào, thấy mình cận kề cái
chết thì lại nghĩ phải chi họ bắt hết những đứa bé vô tội kia thì biết đâu
tụi nó còn có cơ may sống sót. Cho nên thật sự khi đó tôi bị dằn vặt giữa
hai tâm trạng, lúc thì thương tiếc đau đớn, lúc lại cảm thấy đó là điều
may mắn. Khó nói lắm.”
Bà Kim cũng cùng suy nghĩ như chồng, “Lúc đến đảo cực khổ quá thì tôi
mới thấy nỗi buồn mất con mới nguôi ngoai, quên dần.”
Hành trình tìm con 20 năm trước
Dù cho có nguôi ngoai, quên dần, nhưng đứa con là núm ruột, là máu
thịt, thì làm sao hình ảnh đứa bé hơn 3 tháng tuổi phút chốc bị tước khỏi
vòng tay cha mẹ có thể vĩnh viễn biến mất khỏi tâm trí của đấng sinh
thành?
Hơn 10 năm đến Mỹ, khi cuộc sống bắt đầu ổn định, ông Việt bắt đầu hành
trình đi tìm lại đứa con tội nghiệp của mình, khi đó là năm 1993.
Ông nhớ lại, “Nói là đi tìm nhưng cũng có biết nơi đâu mà đi, vì họ bắt
mình là giữa biển. Thành ra tôi cứ qua Thái Lan rồi đưa tin lên báo, rồi
nhờ những người Thái biết tiếng Việt đi cùng. Tôi in những tờ rơi, đi đến
những bến cảng để đưa cho những người theo ghe đánh cá thử xem họ có biết
gì không. Mà khi đó thông tin rất là ngắn, thành thử cũng khó. Nhưng đi
thì cứ đi thôi.”
“Khi đó đi mình cũng không xác định được loại tàu mà họ cho mình leo
lên là tàu gì, ở đâu. Mình không hiểu dạng tàu lớn đánh từ đâu, nơi nào
thì có loại tàu đó. Thành ra những nơi mình tìm đến cũng không chính xác
lắm. Rồi đăng báo cũng rất là tốn tiền.” Người cha kể lại lần đầu tìm
con.
Ông
Ngô Văn Việt (trái) và con trai Ngô Văn Ðảm (Buff) lúc đi thử DNA
tại Songkhla, Thái Lan, ngày 18 Tháng Sáu. (Hình: Linda Ngô cung
cấp) |
Theo lời ông, “lúc đó cũng có nhiều người gọi đến, nhưng họ đều yêu cầu
đưa tiền trước thì họ mới cho biết tin tức. Tuy nhiên, những người bạn
Thái của tôi không đồng ý. Họ cho rằng cho hay trước để lấy tiền thì không
khi nào là tin chính xác nên họ không chịu nhận. Thế là đành trở về.”
Không tìm ra một dấu vết gì về đứa con, đứa cháu ở lần thứ nhất, khoảng
bốn năm sau, ông Việt lại cùng người em họ của mình đi tìm con một lần
nữa.
Kết quả vẫn là con số không.
“Tôi đi tìm và không muốn bỏ cuộc vì tôi nghĩ nó vẫn còn sống. Vì tôi
tin là họ bắt hai đứa bé này về để nuôi chứ không phải để sát hại nó, do
ngay từ đầu họ đã tỏ vẻ yêu thích nó rồi. Chỉ là vì mình không biết nó ở
đâu thôi, chưa biết cách nào mà tìm thôi.” Ông Việt chia sẻ niềm tin của
mình.
Hy vọng từ một bài viết trên nhật báo Người Việt
Sau hai lần tìm con vô vọng, ông Việt những tưởng mình phải chấp nhận
bỏ cuộc, vì ông thực sự không biết phải bắt đầu như thế nào.
Vậy mà gần 15 năm sau, một bài báo được đăng trên nhật báo Người Việt
nhân ngày lễ Thanksgiving 2011 mang tên “Vượt biên, bị cướp biển, thất
lạc: Cha và con đoàn tụ” đã làm bừng lên trong vợ chồng ông Việt niềm hy
vọng.
Sau khi đọc bài viết về hành trình ông Trương Văn Hào ở Rochester, New
York, đi tìm được người con trai tên Samart Khumkham (tức Trương Văn Khai)
tại một tỉnh xa xôi của Thái Lan sau 34 năm thất lạc, ông Việt liên lạc
với tác giả bài báo để xin số điện thoại của ông Hào.
Tháng Hai vừa qua, ông Hào, người đàn ông may mắn tìm được đứa con thất
lạc sau năm lần tìm kiếm, cùng ông Ngô trở lại Thái Lan, bắt đầu cuộc tìm
kiếm dấu tích Ngô Văn Ðảm trong 16 ngày.
Ông Việt kể, “Gặp anh Hào là một sự may mắn. Tất cả những gì anh Hào
trải qua, ảnh hướng dẫn lại. Qua đó gặp chính quyền Thái Lan, hội Social
Development đã giúp mình rất tích cực, họ bỏ công và của ra giúp mình.
Mình đi tới đâu họ cho xe chở mình đi tới đó, nhân viên họ cũng theo mình
đi. Tin tức đó lan truyền ra khắp nơi.”
Tuy nhiên, không có một phản hồi nào về những thông tin mà ông Việt và
ông Hào đưa ra.
Sau 16 ngày lặn lội ở Thái Lan, qua nhiều tỉnh, tìm kiếm nhiều làng,
ông Việt trở về Kiên Giang thăm người mẹ đang bệnh, trước khi quay trở về
Mỹ, không chút manh mối trong tay.
Cùng thời điểm đó, tại Việt Nam, một chương trình truyền hình có tên
“Như Chưa Hề Có Cuộc Chia Ly,” chiếu hình ảnh một phụ nữ người Mỹ gốc Việt
sinh sống tại California, cũng từ Mỹ trở về Thái Lan, tìm kiếm đứa con
trai bị thất lạc trên đường vượt biên lúc cậu bé 5 tuổi thông qua sự giúp
đỡ của đội tìm kiếm Sài Gòn Buổi Sớm.
Tuy nhiên, người thanh niên Thái gốc Việt tên Buff mà những người thực
hiện chương trình đó tìm ra lại không trùng khớp kết quả thử DNA với người
phụ nữ kia đang đi tìm.
Người mẹ tìm con thất vọng.
Ðứa con tìm kiếm cội nguồn thất vọng.
Và người cha tìm con ba lần càng thất vọng hơn.
Ðiều kỳ lạ ngẫu nhiên
Cuộc đời luôn có những điều kỳ lạ xảy ra một cách tình cờ, ngẫu
nhiên.
40 ngày sau khi từ Việt Nam trở về Mỹ thì ông Việt lại phải quay về
Việt Nam do mẹ ông bệnh nặng.
“Một tuần sau khi ở Việt Nam chăm sóc má tôi thì có đứa cháu cho tôi
biết có coi chương trình 'Như Chưa Hề Có Cuộc Chia Ly' và thấy có một
người thanh niên gốc Việt muốn đi tìm lại cha mẹ của mình, nhìn rất giống
tôi.” Ông Việt tiếp tục câu chuyện.
Gia đình ông bà Ngô Văn Việt và Kim Lê cùng các con dâu rể tại Glendale, California. (Hình: Linda Ngô cung cấp) |
Theo lời thuyết phục của người cháu, ông Việt liên lạc với đài truyền hình và kể lại câu chuyện của mình, cũng như tỏ ý muốn xem lại chương trình có hình ảnh người thanh niên giống ông.
Họ gửi cho ông đường link vào trang web coi lại chương trình có người
thanh niên Thái gốc Việt đó.
Ông Việt kể bằng sự xúc động lẫn vui mừng, “Khi tôi mở trang web đó ra,
vừa nhìn thấy hình ảnh người con trai tên Buff đó, tôi xác nhận ngay rằng
đó chính là con tôi. Vì gương mặt nó giống tôi dữ lắm. Tôi không thể tin
tưởng được là tại sao lại có người giống tôi một cách kỳ lạ như vậy. Nên
tôi cảm giác rằng nó là con mình liền. Tôi nhìn hình ảnh nó bước từ trong
ra và kêu lên trong đầu trời ơi sao anh chàng này giống tôi lạ kỳ.”
Không chỉ vậy, theo lời ông Việt, “cả làng ở đây đổ xô về coi thì ai
cũng xác nhận là 100% nó chứ không ai khác hơn.”
Tại California, bà Kim Lê cũng vào trang web đó để xem.
“Vừa mới nhìn thấy nó tôi nhận ra liền. Cảm thấy rợn người hết trơn,
nhận ra được liền vì nó giống ổng quá! Tôi mừng lắm. Coi như suốt ngày đó
không làm gì được hết, cứ mở tới mở lui. Mừng khóc luôn vì mình tìm con
lâu quá rồi mà.” Bà Kim nhớ lại giây phút nhìn thấy hình ảnh người con
trai sau 32 năm bặt tin.
Tại Việt Nam, sau khi tiên đoán đó là đứa con mình đang tìm kiếm, ông
Việt cùng những người thực hiện chương trình “Như Chưa Hề Có Cuộc Chia Ly”
và đội tìm kiếm Sài Gòn Buổi Sớm sang Thái Lan tìm lại người thanh niên
tên Buff.
Hội ngộ sau 32 năm
Ngày 17 Tháng Sáu, ông Việt cùng mọi người đến Thái Lan để thực hiện
việc thử DNA.
Nói về lần đầu tiên gặp gỡ người mà ông Việt cho là con trai mình tại
Songkhla, người cha này cho biết: “Hôm đầu gặp nhau do ngôn ngữ bất đồng
nên mình có sự cảm xúc, nhưng lời nói từ người này qua người kia thông
dịch nên nó không có tác động mạnh như mình nói trực tiếp với nhau. Sau
khi nó nhìn hình, rồi nhìn tôi, còn tôi sau khi tìm dấu vết trên mặt của
nó, thì tất cả dấu vết đều có hết, như dấu vành tai bị gãy của nó cũng như
anh em nó đều giống tôi hết. Tôi nhìn và biết nó là con mình. Nhưng để
chắc chắn thì vẫn phải thử DNA thôi.”
Sau khi lấy mẫu thử DNA, người thanh niên 32 tuổi, đang làm quản lý cho
một công ty thu mua hải sản, vẫn ở lại Songkhla, còn ông Việt phải quay
trở về Bangkok theo yêu cầu của chính quyền Thái Lan “vì sự an toàn cho
ông.”
Ngày 21 Tháng Sáu, có lẽ là ngày mà ông Việt Ngô cũng như những người
trong gia đình ông không bao giờ quên được khi bác sĩ của bệnh viện báo
cho ông Việt biết kết quả thử DNA của ông và Buff hoàn toàn khớp với
nhau.
“Lúc đó không chỉ tôi mà những ai có mặt tại đó đều nhảy lên muốn đụng
trần nhà luôn. Mừng quá mà!” Ông Việt cười sảng khoái.
Bà Kim Lê nói, “Hổm rày mừng nên ăn ngủ gì cũng không được hết. Trong
đầu tôi cứ mong riết đến ngày về bển gặp nó. Tối nằm cứ nghĩ hồi xưa nó
còn nhỏ, rồi lại hình dung bây giờ nó lớn mình gặp nó thì làm sao. Cứ vậy
mà suy nghĩ hoài.”
Không chỉ vậy, niềm vui của người mẹ này còn biểu lộ qua việc “đi làm
thôi, về nhà là cứ mở cái link có hình nó lên coi hoài. Cứ coi đến khúc có
hình nó thì bấm đứng một chỗ để nhìn luôn. Nhìn mặt nhìn mày nhìn mũi nhìn
mắt, nhìn đủ thứ hết.”
“Tôi vui lắm. Không ngờ sau mấy chục năm lại có niềm vui như thế này.
Khi làm việc thì thôi, lúc ngưng ngang lại nhớ nó. Tôi trông đến ngày gặp
lại con mình.” Người mẹ hạnh phúc chia sẻ.
Ngày 19 Tháng Bảy tới đây, Ngô Văn Ðảm, tức Buff, sẽ từ Thái Lan bay về
Việt Nam để gặp những người thân thiết của mình, cho thỏa ước mơ “đi tìm
cội nguồn” vì theo lời Ðảm nói với cha mình, “Trong làng ai cũng nói nó là
người Việt Nam, mà chính nó biết nó là người Việt Nam nhưng không nghĩ cha
nó là cha nuôi, mà chỉ nghĩ ba nó lấy một người Việt Nam và sanh ra nó có
gốc Việt Nam. Nó chỉ biết một điều nó là người gốc Việt và muốn đi tìm gốc
tích của mình.”
Chia sẻ câu chuyện này, ông Việt nói, “Tôi muốn kể lại câu chuyện này
để những người có hoàn cảnh tương tự như tôi có lòng tin để còn tiếp tục
tìm kiếm. Bởi vì tôi biết, sau lưng tôi còn nhiều người lắm.”
No comments:
Post a Comment