Tôi khổ lắm cô ạ
Phạm Diễm Hương
Từ ngày lấy ông ấy đến giờ, tôi cứ như làm mọi cho ông ấy, rồi đến ba thằng con, lớn tồng ngồng rồi, chẳng thằng nào chịu lấy vợ. Chúng báo hại tôi suốt ngày chợ búa, cơm nước hầu hạ. Cứ đến cuối tuần, bốn cha con lại nhậu nhẹt đến một hai giờ khuya, rồi thì là kéo nhau đi ngủ, thức ăn thức uống dư thừa, để bừa trên bàn. Sáng sớm tôi phải dọn dẹp chùi rửa, gớm ghiếc quá! Như sáng nay, tôi dậy, thấy đầy một bàn thức ăn, bát đĩa dơ bẩn!”
“Cũng tại chị đòi
trả hết nợ ở kiếp này, nên bốn oan gia xuất hiện cùng một lúc. Còn em thì lượng
sức mình, xin trả nợ từ từ. Một ông chồng oan gia đã đủ chết rồi chị
ơi!”
“Đấy, đâu dè oan gia
nó nặng thế. Cô biết rồi đấy, mỗi sáng tôi dậy lúc 5 giờ, đọc kinh Hoa Nghiêm
xong, tôi cầu siêu cho cửu huyền thất tổ, cả bà cụ của cô nữa, tôi nhớ rõ ngày
cụ mất là mồng 1 tháng Mười ta, năm Kỷ Sửu. Rồi tôi đọc kinh cầu an cho gia
đình, bạn bè. Tôi luôn luôn cầu cho cô được khoẻ mạnh, có việc làm chắc chắn,
khỏi phải cong lưng viết lách lăng nhăng, hao tổn sinh lực lắm cô ạ. Cái trò
viết lách không khác gì nghề giáo, cái nghề bán lá phổi mà ông cụ thân sinh ra
tôi vướng phải đấy!. Sau khi đọc kinh xong, tôi ra bếp nấu ấm nước pha café cho
ông ấy.
“Anh ấy ngủ trễ mà
cũng dậy sớm thế cơ à?”
“Thì cô biết rồi
đấy, lúc trước tôi còn ngủ chung phòng, nhưng ông ấy một giưòng, tôi một giường.
Sau cái đận ông ấy ồn ào ụt ịt với con mẹ Lan, tôi quyết định ngủ riêng một
phòng. Thế nhưng cơ khổ cô ạ, hơn 70 rồi, hễ cứ uống vào là y như rằng ông ấy đi
nhầm phòng. Có lần tôi đang ngủ, ông ấy vào phòng rồi đổ ập lên người tôi. Giời
ơi, tôi phải một phen sợ khiếp vía, tưởng bị cửa nó đè. Bây giờ mỗi lần đi ngủ,
tôi cứ phải khóa trái cửa lại.
“Em thắc mắc tại sao
anh ấy đi ngủ trễ mà dậy sớm vậy?”
“À, uống vào, thì
sục sạo, tôi khoá cửa, không vào được, thế là cứ cào cấu bên đấy chờ đến sáng.
Khi nghe tiếng mõ, biết là tôi dậy, thì ngồi chờ café!”
“Chị bảo anh ấy sục
sạo, cào cấu là thế nào?”
“Thì cái ngữ uống
vào rồi thì là cái chuyện ấy nó nổi lên, cần phải giải quyết! Cô không biết
à?”
“Chị cứ nói quá, anh
ấy đã qua cái tuổi thất thập cổ lai hy rồi!”
“Đấy, nói đến là tôi
lại nhớ và khổ cô ạ. Ngày xưa ông ấy thuộc hàng Tiên tửu, mỗi lần nhấp tí rượu,
thơ phú tuôn ra phì phì. Còn bây giờ thì đúng là Tục tửu. Cô tưởng cái tuổi thất
thập cổ lai hy là quy hàng à, giời ơi, cô ngây thơ quá đấy, cái tuổi này là cái
tuổi khủng khiếp nhất đấy. Ngày xưa ông cụ tôi bảo thời trai trẻ phải lo toan
nhiều việc, việc nhà việc xã, nên chuyện chung đụng vợ chồng nó đến và đi như
nhu cầu ăn uống, thoáng cái là xong. Thế nhưng khi về già, gác bỏ mọi việc, đầu
óc thư thả, thế là nó sinh ra cái chuyện hưởng thụ, thế là cần phải cưới vợ trẻ
hầu non, nhiều người có con thơ bằng tuổi cháu nội đấy. Hãi lắm cô
ạ!
“Em nghĩ chị giận
anh ấy thì nói phóng lên thế, chứ anh ấy ốm yếu, nói không ra hơi, làm gì có
chuyện…”
“Thế là cô chả biết
gì cả, tôi khổ vì cái bề ngoài ốm yếu của ông ấy đấy! Cô tính, đọc kinh xong,
tôi phải nấu ấm nước pha café cho ông ấy, đây là công việc tôi làm từ mấy chục
năm nay rồi. Pha xong ly café, tôi bưng vào phòng cho ông ấy, cô ạ, cứ phải đứng
chịu trận cả hơn tiếng đồng hồ rồi mới đi được!”
“Ơ, chị cứ để ly
café xuống bàn rồi đi ra, chị đứng lại làm gì? Anh ấy muốn bàn luận hay nói
gì?”
“Giời ạ, có nói được
gì, mặt đờ đẫn ra, rồi thì tay chân cứ cuống cả lên!”
“Chắc khi giã rượu
thì thèm café run cả tay chân lên chứ gì! Em đôi lúc cũng bị vậy, thèm café như
người nghiện thuốc!”
“Giời ạ, ông ấy sục
sạo! cô biết không? tôi khổ lắm! Già từng này tuổi rồi, nhưng vẫn không được
yên.
“À ra thế. Sao chị
không nói cho anh ấy biết? và từ chối?
“Tôi cũng định thế
cô ạ, nhưng rồi cũng chẳng nỡ!”
“Sao
vậy?”
“Thì cô bảo, vợ
chồng mấy chục năm. Với lại cái tấm thân tôi nó cũng khổ cô ạ. Mỗi lần ông ấy
đụng vào, là tôi lại quên hết”
“Thế là chị vẫn còn
yêu …chuyện ấy rồi. Thôi, đừng tránh né làm gì, vợ chồng mấy chục năm bây giờ về
già được như thế là hạnh phúc lắm rồi, thế mà chị cứ than khổ, em tưởng chuyện
gì khó xử!”
“Cô tính, ông ấy cứ
ngon ngọt bảo chiều anh tí, một lần này thôi. Tôi thì cứ cả tin, tưởng là một
lần, thế nhưng hầu như suốt cô ạ.”
“Nếu chị không muốn
thì đừng vào phòng anh ấy nữa, mời anh ấy ra phòng khách uống
café”
“Tôi quen rồi cô ạ,
pha café bưng vào phòng cho ông ấy, rồi thì là… tôi quen
rồi!”
“Thế thì chị cũng a
tòng với anh ấy để yêu đương gần gũi, còn than gì nữa”
“Nhưng cứ xong
chuyện, tôi mới thấy mình dại. Tôi khổ lắm cô ạ. Xong cái nạn ấy, tôi đi bộ một
tiếng, cho khuây khoả. Về đến nhà, thì lại phải pha café cho thằng
Henry?
“Trời, con chó Henry
cũng uống café?”
“Đấy, cái nhà này
không giống ai cô ạ, thằng Henry nó thấy tôi dậy sớm, là nó dậy theo. Tôi gõ mõ
tụng kinh đúng một tiếng, thì ở ngoài sân nó cũng quỳ đúng một tiếng. Nó ngoan
lắm cô ạ!”
“Sao chị
biết?”
“Thì thằng Huy nói,
Huy bảo: lúc mẹ đọc kinh, thằng Henry cũng để hai chân trước của nó trên ghế và
gục đầu xuống, bất động, như “thiền” vậy, con đi ra đi vào vuốt ve nó, nó cũng
không nhúc nhích.”
“Hay
nhỉ”
“Nó cũng ăn chay cô
ạ, cứ xôi với muối mè thì bao nhiêu cũng hết”.
“Chị có thử cho nó
ăn thịt không?
“Có, nhưng nó đẩy
ra!”
“Em chưa bao giờ
biết chuyện này.”
“Nhưng bây giờ nó
cũng hư rồi, không “thiền” nữa, nó thèm café như ông ấy, nó ăn mặn giống ông ấy,
lại còn ngấm nghé gái nữa. Mọi lần đi bộ buổi sáng, nó nghiêm trang đĩnh đạc bên
cạnh tôi, dạo này đi mà mắt thì liếc ngang liếc dọc. Hễ nghe tiếng lí nhí ấm ứ
đâu đó là nó quay phắt lại tìm. Có hôm con Amy của bà bên cạnh đứng vẩn vơ bên
hàng rào, nó sán ngay lại dấm da dấm dẳng gì đấy, làm con Amy chạy có cờ, từ đấy
con Amy không dám héo lánh ra vườn nữa. Đấy cô thấy không? tôi khổ lắm cô
ạ.”
“Làm sao chị biết nó
thèm café?”
“Thì ông ấy cho nó
uống phần café cặn, nó liếm sạch, còn thòm thèm lắm. Tôi pha cho một ly, mắt nó
sáng lên, café nóng thế mà thoắt cái đã liếm sạch”
“Thôi thì cũng chỉ
là việc nhà, chị muốn trả hết nghiệp để không trở lại cõi đời này, trả thế thì
cũng còn nhẹ, đừng than nữa.”
“Cô không biết chứ,
còn hai con chim nữa cô ạ, tôi cũng khổ vì chúng nó”
“Vậy ư, hai con chim
nào?”
“Cái chuồng chim gần
cây Táo Nhật đấy, có con chim lông Vàng suốt ngày rù rù lăng quăng như gà mắc đẻ
đấy!”
“À, em thấy nó dễ
thương lắm mà!”
“Giời ơi, cô không
biết đâu, cách đây 10 năm, tôi mua cả đôi, con mái màu Vàng có vòng nâu ở cổ như
đeo dây chuyền, con trống màu Vàng xanh. Nhưng con trống nó ăn hiếp con mái quá,
nó mổ con mái suốt ngày, thương con chim mái, chạy cứ rũ cả cánh xuống, tôi
tưởng tượng đến cái dạo còn trẻ, tôi trốn ông ấy đến xổ cả tóc
ra.
“Tại sao chị lại
trốn anh ấy?”
“ Ối giời ơi, cô
không biết đấy, ông ấy kinh lắm, nghĩa là bà cụ vừa ra coi hàng xén, là ông ấy
dồn tôi vào chân tường đè nghiến tôi ra”
“Thế là anh ấy yêu
chị lắm rồi”
‘Dào, yêu với đương
gì, cứ cái đấy suốt ngày chẳng làm được việc gì nữa cô ạ. Cô tính ngày ấy tôi
phải ra cửa hàng xén phụ với bà cụ, thế mà cụ ra từ sớm, đến trưa trặt vẫn không
thấy con dâu đâu, thì hỏi làm sao mà coi được. Có lần bà cụ đã bóng gió bảo: vợ
chồng, nhưng cũng đừng luông tuồng quá, tôi xấu hổ không biết chui vào đâu, thế
mà ông ấy cứ xem như không.”
“Em nghĩ, lấy nhau
lúc trẻ, việc yêu đương khắng khít là chuyện bình thường. Có như thế tình nghĩa
vợ chồng mới sâu đậm chứ chị!”
“Cô ơi, cô mơ mộng
quá, tình yêu muốn sâu đậm là vợ chồng phải tâm đầu ý hiệp, chứ không phải cứ
vin vào cái đấy. Nói thật với cô, cái lúc mới quen, tôi thấy ông ấy cũng được,
thế nhưng lấy vào rồi, thì mới biết, ông ấy chẳng hợp với tôi tí nào. Tôi nói
đằng Đông, ông ấy nói đằng Tây, tôi bảo có, ông ấy bảo không, tôi ở dưới thì ông
ấy trèo lên trên… nghĩa là chẳng hợp cô ạ. Ông ấy đi thì thôi, hễ về đến nhà là
cứ sán lại tôi, rồi thì là… đấy cứ thế, tôi khổ quá cô
ạ.”
“Nhưng anh chị cũng
vẫn sống với nhau và có ba cháu trai giỏi giang”
“Thì cô bảo cứ sán
lại như thế. Cô tính nhá, vừa cưới tháng Năm, đến tháng Mười tôi đã nôn oẹ, thế
là cấn thai thằng Huy. Thằng Huy vừa đầy năm, là đẻ thằng Thắng. Thằng Thắng vừa
biết hóng chuyện, tôi đã mang thai thằng Luận. Cô tính có kinh không? Cũng nhờ
giời, tôi được cái ăn khoẻ, lại vận động nhiều, nên sức khoẻ không suy sụp là
bao, chứ đàn bà bình thường mà phải chịu đựng chồng như tôi, rồi đẻ sồn sồn năm
một như vậy, thì không ai chịu nổi đâu”
“Đúng rồi, em thấy
chị hơn 70 rồi mà còn xuân sắc lắm, nhìn cứ như chưa đến 60. Mà này, tại sao chị
lại khổ vì hai con chim nữa?”
“À, như tôi kể lúc
nãy, cái con trống nó cứ sán lại con mái, tôi thương con mái quá, tôi mở cửa
chuồng định lùa cho con chim trống bay ra thôi, ai dè cả hai con bay ra cùng một
lúc. Tôi tiếc ngẩn tiếc ngơ. Nhưng nghĩ bụng chúng nó bay trong vòm trời cao
rộng, con trống không tìm được con mái nữa, thì con mái sẽ được giải thoát. Thế
mà cô ạ, vài ngày sau chúng nó lại bay về, đậu trên cây Táo, tự nhiên con chim
trống chui vào chuồng, thằng Huy thấy vậy, đóng sập cửa thế là con chim mái còn
ở ngoài sợ quá, bay lên đậu trên ngọn cây chanh, còn con chim trống thì lộn nhào
trong chuồng kêu gào rối rít cả lên.”
“Thế thì con chim
trống không ăn hiếp con mái nữa! ”
“Ối giời ơi, cô biết
không? con chim mái nó dại lắm cô ạ. Cứ quanh quẩn ngoài vườn, không chịu bay
đi, đến chiều tối tôi thấy nó đậu trên nóc chuồng, con chim trống sán lại, thế
là hai con lại rù rì. Tôi khổ lắm cô ạ!”
“Ơ, hai con chim nó
thương nhau, tại sao chị lại khổ?”
“Cô tính, loài vật
cũng như người, nhìn con chim mái cứ ngày ngày bay đi bay lại mớm mồi cho con
trống, rồi đến đêm phải đậu gần con trống, thì con trống mới nằm yên, hôm nào
con mái không về, là con trống bay liệng trong chuồng suốt đêm. Thằng Huy muốn
bắt con mái vào chuồng, nhưng tôi nhất định cản. Tôi muốn con mái được tự do,
tôi nghĩ đến tấm thân tôi, muốn thoát mà không thoát được! Tôi không muốn con
mái bị khổ như tôi!”
“Chị cứ nói thế, em
thấy anh quý chị lắm mà! Hôm sinh nhật chị, anh ấy làm thơ tặng chị, tình tứ như
thế, mà chị cứ muốn được giải thoát, khối kẻ thèm hoàn cảnh của chị
đấy”
“Cô ơi chẳng qua là
màu mè để dụ tôi thôi. Ông ấy tưởng tôi sẽ nhẹ dạ, nhưng tối hôm ấy tôi đóng cửa
chặt, ông ấy than van, năn nỉ, tôi cũng chẳng mở. Thế là ông ấy thức chờ đến
sáng khi tôi đem café vào. Tôi khổ lắm cô
ạ!”
(PDH 5/12)
(PDH 5/12)
No comments:
Post a Comment