Mẹ nhà báo Tạ Phong Tần đã chết do tự thiêu
Thanh Trúc, phóng viên RFA
2012-07-30
Sáng sớm ngày 30 tháng 7, thân mẫu của nhà báo đang bị giam giữ Tạ Phong Tần, bà Đặng Thị Kim Liêng, tự thiêu trước trụ sở Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Bạc Liêu .Bà Đặng Thị kim Liêng đã qua đời trên xe từ Bạc Liêu về Sài Gòn. Hiện nay xe cứu thương chở bà đã quay trở về Bạc Liêu. Bà Đặng Thị Kim Liêng là mẹ ruột nhà báo Tạ Phong Tần, bị công an thành phố Hồ Chí Minh bắt đi từ nhà ở thành phố Hồ Chí Minh ngày 5 tháng Chín năm 2011. Sau đó gia đình ở Bạc Liêu được báo là cô Tạ Phong Tần bị giam giữ tại số 4 Phan Đăng Lưu .
Vào khi còn tám ngày nữa, tức đến ngày 7 tháng Tám tới, nhà báo Tạ Phong Tần sẽ ra trước phiên xử cùng ngày với blogger Điều Cày, thì sáng sớm hôm nay công an báo cho gia đình biết bà Đặng Thị Kim Liêng tự thiêu và bị phỏng rất nặng.
Đến 12giờ 30 phút trưa từ Bạc Liêu, nơi thân mẫu nhà báo Tạ Phong Tần cư ngụ, chị Tạ Minh Tú, con gái bà Đặng Thị Kim Liêng và là em ruột cô Tạ Phong Tần, báo cho biết:
"Đưa bà cụ đi thành phố, bệnh viện người ta kêu chuyển đi, phỏng nặng quá, vết thương nặng quá cho nên phải đi thành phố."
Vụ việc xảy ra từ lúc sáng sớm mà gia đình không hay biết, chị Tạ Minh Tú kể lại:
"Thì 5 giờ sáng tính cũng như mọi lần là tưởng ba cụ đi uống cà phê, một hồi mới hay bà cụ tự thiêu trước trung tâm ủy ban tỉnh. Thành phố Bạc Liêu. Cũng có người quen báo, rồi một hồi công an lại báo tin, nói là người nhà của em là bà lão Đặng Thị Kim Liêng bà cụ tự thiêu nằm ở trong bệnh viện người nhà có hay không, thì em mới biết.
Thì mới cho người anh vô thăm, điện thoại hỏi thì người anh nói là cháy toàn thân đen hết trơn, em cũng không dám vô luôn cũng sợ tâm thần mình không được ổn định. Giờ người anh công an người ta mời đặng người ta hỏi chuyện. Em thì không dám vô nhưng nghe công an Bạc Liêu, ông phó công an phường, cho biết là nặng, không biết có qua khỏi không."
Vẫn theo lời chị Tạ Minh Tú, hai nguyên nhân khiến bà cụ âm thầm quyết định đi tự thiêu trước trụ sở ủy ban nhân dân tỉnh sáng nay là vì:
"Thì tranh chấp đất đai nhà cửa với người hàng xóm, đi làm đơn thưa kiện mà nghe bà cụ nói là người ta không giải quyết thỏa đáng cho nên tức, bức xúc vì trên phường người ta giải quyết không thỏa đáng. Cái thứ hai nữa là vì chị thì bị mang tội như vậy thì bà cũng suy nghĩ là do ảnh hưởng cái vụ đó. Tại vì người ta cho người theo dõi hoài, em vừa đi Sài Gòn một cái là có người theo dõi liền, đi thăm nuôi là có người theo dõi liền".
Khi tìm cách liên lạc thì phó công an phường mà chị Tạ Minh Tú nhắc đến xác nhận :
Công an: Có mà đưa đi bệnh viện cấp cứu rồi.
Thanh Trúc: Thưa anh Nhuận, hiện giờ tình hình bà làm sao, có nguy kịch lắm không?
Công an: Cái đó bác sĩ biết chứ mình sao mà biết.
Thanh Trúc: Nhưng mà qua điều tra sơ khởi hay là qua con mắt nghiệp vụ đầu tiên của anh thì anh nghĩ làm sao bà cụ phải đi tự thiêu như vậy?
Công an: Cái đó chưa biết nguyên nhân, giờ muốn gì thì một giờ rưỡi chị lại gặp đi nghen, chút nữa chị điện nghen.
Nhưng vào lúc 1 giờ 30 trở đi, khi gọi lại cho phó công an phường là anh Nhuận thì không thể liên lạc được vì người được gọi không bắt máy nữa.
Một người tương đối thân cận nhất với nhà báo Tạ Phong Tần ở thành phố Hồ Chí Minh cũng như với gia đình cô ở Bạc Liêu là bà Dương Thị Tân, vợ blogger Điều Cày Nguyễn Văn Hải, cũng đang bị giam tù. Từng nhiều lần bị công an sách nhiễu gây khó khăn cho bản thân bà cũng như con cái bà kể từ khi blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải bị bắt vào tù, bà Dương Thị Tân nói rằng bà hiểu chính sự căng thẳng và lo sợ là nguyên nhân khiến mẹ cô Tạ Phong Tần tự thiêu:
"Theo tôi được biết nỗi bức xúc này của bà có từ lâu rồi. Bà cũng thường gọi điện thoại tâm sự với tôi, nói rằng người ta tức là công an luôn luôn đến nhà đe dọa, nói là sẽ bắt tù cả nhà. Người ta rất sợ những cái việc dọa nạt như thế, bị đi tù bị đuổi ra khỏi nhà , cướp nhà cướp đất. Luôn luôn bà có một tư tưởng là người ta sẽ làm việc đó vì người ta đã dọa rồi.
Khi căng thẳng quá, trầm uất quá, mà đến những cơ quan chịu trách nhiệm giải thích việc này việc kia thì người ta không tiếp, thậm chí người ta xua đuổi , thậm chí người ta giám định là bà thế này thế kia. Bà đã từng nói người ta giám định bà tâm thần, trong khi đó bà là một người, nếu xét về trình độ ở thôn quê, thì bà có học hành, bà là cô giáo.
Chính xác là cái sự đe dọa của người ta ghê gớm qua, căng thẳng quá. Cách đây độ khoảng một tuần bà có gọi cho tôi, nói người ta dọa người ta sẽ đưa ra đảo, cho cả nhà đi tù và người ta sẽ lấy nhà. Mà người dân quê cả đời lam lũ, chỉ có cái nhà nhỏ để ở, bây giờ người ta rất sợ cho nên bà bị căng thẳng".
Từ lúc 2 giờ trưa cùng ngày trở đi đường điện thoại viễn liên đã không thể nào kết nối được nữa với gia đình bà Đặng Thị Kim Liêng, mẹ ruột nhà báo Tạ Phong Tần.
Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và cập nhật tin tức đến quí thính giả.
Công an ngăn chận biểu tình
chống TQ ngày 29/7
Thanh Trúc, phóng viên RFA
2012-07-29
Tuy không có lời kêu gọi biểu tình chống Trung Quốc trên mạng cuối tuần này, thế nhưng từ thứ Sáu ngày 27 thì công an Hà Nội đã đến tận nơi ở của những người hay đi biểu tình để ngăn cản họ.Thanh Trúc hỏi chuyện một vài người bị công an đến nhà làm việc từ hôm thứ Sáu.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A là người thường tham gia biểu tình chống Trung Quốc và tuần trước ông cũng đã có mặt tại cuộc biểu tình với khoảng hai trăm người trước vườn hoa cạnh đại sứ quán Trung Quốc:
“Tuần này trên mạng không thấy nói gì có biểu tình cả. Thì ngày thứ Sáu người ta hai lần, một lần buổi chiều bốn người danh nghĩa là đến thăm ông bố vợ tôi nhưng lại muốn gặp tôi. Lúc đấy tôi đang ở bên ngoài.
Tôi bảo với họ rằng như vậy là xếp của các cậu không chịu khó tìm hiểu thông tin, hôm nay không ai đi biểu tình cả, như vậy làm gì phải khổ sở ngày Chủ Nhật mất công như thế này.Đến năm giờ chiều họ quay trở lại, lần này đến hơn một chục người, chủ tịch phường, Mặt Trận, dân phố, đủ loại người. Công việc của tôi xong thì tôi về đến nhà lúc ấy độ chín giờ tối rồi thì họ vẫn ở đấy. Tôi về thì họ nói rằng nhân ngày Thương Binh Liệt Sĩ thì họ muốn trao đổi với tôi.
TS Nguyễn Quang A
Tôi bảo tôi sẵn sàng trao đổi tất cả mọi thứ, nhưng có một điều như năm ngoái, cũng với một đoàn lớn như thế này thì nếu nói đến chuyện đi biểu tình thì đừng bao giờ đặt vấn đề đấy. Các bác không được quyền khuyên tôi hay là tuyên truyền về chuyện đó vì tôi đã trình bày với ông bí thư thành ủy Hà Nội, ông chủ tịch Hà Nội, ông công an trưởng của Hà Nội cách đây một năm rồi.
Rồi họ cứ nói chuyện chung chung thôi, nhưng lúc nào họ ám chỉ đến chuyện biểu tình thì tôi chặn lại. Về sau thì ông chủ tịch phường có mời tôi là đến hôm nay ra phường để trao đổi. Đấy là tối thứ Sáu, họ ngồi mãi đến 10 giờ thì họ cũng chán và họ đi về.”
Khi đó, tiến sĩ Nguyễn Quang A cho biết tiếp ông trả lời chủ tịch phường là ông không nhận lời mời đó, đồng thời ký vào giấy mời mà chủ tịch phường đưa là ông sẽ không ra. Đến sáng hôm nay, Chúa Nhật 29 tháng Bảy, công an kéo đến canh gác ngay đầu ngõ nhà tiến sĩ Nguyễn Quang A:
“Hôm nay mãi đến gần 9 giờ thì người nhà bảo có rất nhiều người đang canh ở ngoài kia. Tôi cũng đi ra xem thế nào và tôi cũng có nhắn trên mạng với anh em là có cái chuyện như thế.
Tôi ra đầu xóm khoảng một trăm mét thì đúng là có một chục người mặc thường phục mà thực sự tôi biết mặt vài cậu đã đến nhà tôi năm ngoái. Tôi quay trở lại thì họ cũng quay trở lại, sau họ lại gọi thêm cả bảo vệ, dân phố với những người khác ra nữa. Tôi bảo với họ rằng như vậy là xếp của các cậu không chịu khó tìm hiểu thông tin, hôm nay không ai đi biểu tình cả, như vậy làm gì phải khổ sở ngày Chủ Nhật mất công như thế này.”
Đó là trường hợp tiến sĩ Nguyễn Quang A là người có nơi cư trú cố định ở Hà Nội. Trường hợp nhà báo tự do Dương Thị Xuân thì khác. Chị báo cho biết:
“Họ cũng đi kiếm tôi đấy, nói chung họ tìm tôi rất nhiều. Đợt vừa rồi tôi tham gia biểu tình liên tục nhưng bởi vì do nhà ở của tôi bị chính quyền cản trở không cho dựng nhà nên tôi phải đi ở nhờ. Tôi cứ ở nhờ đến đâu thì an ninh họ đến họ gây khó dễ chủ nhà nên chủ nhà cũng không cho tôi ở. Nay tôi ở nhà này, vài hôm lại đi ở nhà khác.
Tôi cũng nghe nhiều người gọi điện, thí dụ chồng tôi, anh ấy ở một nơi khác, gọi điện cho tôi bảo an ninh hỏi tôi có đến đấy ở không, nếu đến phải ra trình báo cho họ. Nhưng mà vì tôi không có chỗ ở cố định nên họ không thể nào cản trở được tôi.”
Vẫn theo lời nhà báo tự do Dương Thị Xuân thì sáng nay Hà Nội mưa to gió lớn do ảnh hưởng của bão, hơn nữa từ tuần trước bà con đồng ý với nhau là cuối tuần này không biểu tình để bảo vệ sức khỏe cho mọi người tham dự.
Chủ nhà gọi điện cho tôi nói là không đi biểu tình nữa, công an có đến nói nhiều chuyện lắm.
Cựu chiến binh Tạ Trí Hải
Người thứ ba thường xuyên có mặt cùng đoàn biểu tình chống Trung Quốc, được gọi là nghệ sĩ đường phố, cựu chiến binh Tạ Trí Hải, hôm thứ Sáu cũng bị công an đến chỗ ông tạm trú, tạo áp lực với chủ nhà, bảo phải nói với ông không được đi biểu tình nữa:
“Chủ nhà gọi điện cho tôi nói là không đi biểu tình nữa, công an có đến nói nhiều chuyện lắm. Cái thứ hai nữa tức là sáng hôm nay công an họ đến kiểm tra hộ khẩu giấy tờ, bắt kê khai lý lịch đủ thứ đến mười giờ . Họ khuyên tôi là đủ rồi, đừng nên đi nữa, khuyên là bác đã đi biểu tình mấy lần rồi, thôi đi, tuổi già sức yếu rồi, đi làm gì nữa. Đại để thế. Tôi mới cười, tôi bảo bao giờ đòi lại Hoàng Sa Trường Sa thì thôi.”
Mãi đến hơn 10 giờ thì công an mới ra về, ông Tạ Trí Hải đã xách xe chạy ra đại sứ quán Trung Quốc và người dân ở đó cho biết hôm nay không có đoàn biểu tình chống Trung Quốc tập họp ở đó.
Thanh Trúc tường trình từ Thái Lan.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/police-no-anticn-rally-this-weekend-ttruc-07292012135437.html
Bao nhiêu người dân Việt còn tin Trung Quốc?
Thanh Quang, phóng viên RFA
2012-07-30
Một bài báo mới đây trên mạng “Trung Quốc Binh khí Đại đoàn” của xứ đàn anh “4 tốt”, “16 chữ vàng” và “môi hở răng lạnh”, kêu gọi “hãy giết chết bọn giặc Việt Nam để làm vật tế cờ cho trận chiến Nam Sa” – tức Trường Sa.Vừa ăn cướp vừa la làng
Qua bài mang tính chất “vừa ăn cướp vừa la làng” tựa đề “Trung Quốc Lâm Nguy”, bài báo lưu ý rằng “Chúng ta có đầy đủ lý do để tấn công VN, VN cũng có đầy đủ điều kiện để trở thành vật tế của trận chiến thu hồi Nam Sa”.Sau khi mô tả “ VN vốn xưa là phiên thuộc” của Trung Nam Hải, bài báo lớn tiếng rằng “VN…vong ơn bội nghĩa, đã ráo riết chiếm đóng quần đảo với số lượng nhiều nhất”, “Việt Nam là bọn tham lam, kiêu ngạo, vô lễ, tuyệt đối không thể thông qua đàm phán để chiếm lại quần đảo Nam Sa, không chiến đấu thì không thể thu hồi lại biên cương quốc thổ. Như vậy, cuộc chiến Nam Sa là không thể tránh khỏi, đánh muộn không bằng đánh sớm, bị động ứng phó không bằng chủ động tấn công”, và bài báo kết luận rằng “Hãy giết chết bọn giặc Việt Nam để làm vật tế cờ cho trận chiến Nam Sa”.
Theo blogger Huỳnh Ngọc Chênh thì Bắc Kinh ngày càng có hành động cụ thể xâm lấn chủ quyền biển đảo của VN, chẳng hạn như vừa thiết lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” bao gồm Hoàng Sa, Trường Sa của VN, thao dợt quân sự bằng đạn thật trên vùng Trường Sa, kết hợp với phương tiện truyền thông kêu gọi và thúc giục “giết chết và tiêu diệt” nhân dân VN.
Trong khi đó, theo nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh:
"Nhà cầm quyền Việt Nam, một mặt im thin thít nuốt nhục, một mặt thẳng tay trấn áp, gây khó dễ những người dân biểu tình hoặc biểu lộ thái độ chống lại quân xâm lược Trung Quốc. "
Qua bài “Quan hệ Việt-Trung ra khỏi vòng tranh tối tranh sáng”, blogger Trần Kinh Nghị kể lại kinh nghiệm qua các giai đoạn chiến tranh biên giới năm 1979 và Trường Sa năm 1988, thì Hoa Lục thường “vu oan giáng họa” trước khi muốn phát động chiến tranh. Bây giờ, sách lược đó đang tái diễn. Và phương cách ném đá giấu tay “miệng nói hòa bình tay vung binh hỏa” của TQ cũng nằm trong khuôn khổ ấy. Blogger Trần Kinh Nghị hỏi thẳng rằng Bắc Kinh muốn gì nếu không phải để gây sự và kiếm cớ phát động một đợt chiến tranh lấn chiếm biển đảo?
Và tác giả trích dẫn lời một GS Philippines lưu ý rằng “TQ chỉ chờ chúng ta bắn phát súng đầu tiên là hùng hổ trấn áp và tuyên bố chỉ tự vệ”. Blogger Trần Kinh Nghị báo động:
"Thế giới không thể lại mất cảnh giác trước những động thái quá lộ liễu của Bắc Kinh . Và hơn ai hết, người Việt Nam cần nhận rõ các thế lực hiếu chiến ở TQ đang đẩy trạng thái quan hệ Trung -Việt sang thời kỳ mấp mé bờ vực chiến tranh. Giờ đây hãy bớt suy nghĩ về TQ theo lô-gíc thông thường, mà hãy nghĩ đến thứ lo-gíc của chủ nghĩa bành trướng bá quyền Đại Hán; nó không đại diện cho nhân dân TQ mà chỉ đại diện cho bộ phận hiếu chiến của đất nước đông dân nhất thế giới này. Nó nhắc nhớ đến chủ nghĩa phát xít Hít le đã một thời gây bao tai họa cho nhân loại như thế nào. Qua cái cách mà Đặng Tiểu Bình đã "thiết kế" cuộc chiến tranh đẫm máu chống VN năm 1979, thì chiến tranh đối với TQ chỉ là một trò "diễn tập" của một đội quân đang ngứa ngáy chân tay và thừa súng đạn."
Dân tộc VN sẽ về đâu?
Trước cảnh “Tổ Quốc lâm nguy” như vậy, tác giả Nguyễn Văn Thiện nêu lên câu hỏi rằng “Ai còn tin TQ là bạn (thì) giơ tay lên?”. Tác giả nhắc lại theo dòng lịch sử với biết bao ‘biến cố thăng trầm, đánh nhau máu chảy thành sông, xác chất thành gò”, thì đến năm 1990, VN và TQ lại “làm lành với nhau” khi 2 nước tận dụng “nội công thâm hậu” của bộ máy tuyên truyền để “nhả ngọc phun châu” nào là bạn “16 chữ vàng”, “4 tốt”, nào là “môi hở răng lạnh”…nghe rất nhàm tai. Rồi tác giả giả sử rằng nếu bây giờ bất ngờ tập trung một nhóm người dân Việt không phân biệt thành phần, tuổi tác, nam nữ, và hỏi rằng “ai còn tin TQ là bạn thì giơ tay lên”, thì liệu có bao nhiêu người dân Việt giơ tay ? Tại sao như vậy. Tác giả giải thích:"Đơn giản, vì thằng trẻ con nó cũng thừa biết thế nào là Trung Quốc. Hàng giả từ đâu vào Việt Nam? Trung Quốc. Sữa, thực phẩm chứa chấn ung thư từ đâu tới? Từ Trung Quốc. Phụ nữ bị bắt cóc rồi thì bán đi đâu nhiều nhất? Sang Trung Quốc. Ai khai thác Bô xít ở Tây nguyên? Trung Quốc. Ai bắt bớ đánh đập ngư dân Việt Nam? Vẫn là Trung Quốc. Ai chiếm biển đảo của ta? Trung Quốc chứ ai nữa. Thế thì tại sao ta vẫn gọi Trung Quốc là bạn? Chịu, không biết, nghe nói thế thì biết thế, nhưng không bao giờ tin thế. Không bao giờ Trung Quốc là bạn của Việt Nam, đừng tiếp tục lừa dối nhau điều đó!"
Blogger Nguyễn Văn Thiện cũng không quên các quan lãnh đạo đảng và nhà nước của VN, để rồi hình dung một cuộc họp Bộ Chính trị, qua đó, ông hỏi “Ai còn tin TQ là bạn, giơ tay lên?”. Tác giả không rõ sẽ có bao nhiêu quan Việt giơ tay ? Và đó là những cánh tay của ai ?
Blogger Thái Hiền nhìn thấy dân tộc VN hiện đang đứng trước một “Bước rẽ định mệnh”, mà theo tác giả, thì “tất cả đều phụ thuộc vào quyết định lựa chọn của những người cầm cân nảy mực cho số phận của dân tộc”. Họ - những người “cầm cân nảy mực” – có thể là những “anh hùng dân tộc vĩ đại nhất” nếu “rẽ sang phải” trong “bước rẽ định mệnh” ấy, hoặc trở thành tội đồ dân tộc, tội đồ lịch sử của mọi thời nếu “rẽ sang trái”. Như vậy, rẽ sang phải và rẽ sang trái là như thế nào. Tác giả mô tả:
Trước tình hình căng thẳng trên biển Đông, các nhà lãnh đạo Việt Nam hình như muốn chứng minh cho cả thế giới thấy khả năng chịu nhục của mình đã đạt đến cấp độ cao."Rẽ sang Phải: Việt Nam sẽ là thành viên ưu tú của một thế giới văn minh, tiến bộ và phát triển bền vững. Người Việt Nam được ngẩng cao đầu với một vị thế xứng đáng trên trường quốc tế, được hưởng trọn vẹn quyền thiêng liêng của con người trong môi trường công bằng, dân chủ, tự do và bác ái.
Blogger Mẹ Nấm
Rẽ sang Trái: Việt Nam sẽ trở thành thành chư hầu vĩnh viễn của một Bành trướng Phuơng Bắc, cái quái thai của chế độ Phong kiến đang thời kỳ quá độ, một xã hội vẫn còn nguyên sự man di mọi rợ, nhưng đã manh nha ôm mộng trở thành trung tâm vũ trụ, nóc nhà thế giới. Có lẽ không cần phân tích thêm những chứng cứ về mối đe doạ hiện hữu mà chế độ Bành trướng Phương Bắc đang áp đặt cho chính dân nước họ, rồi tiếp đến là các nước trong khu vực và cuối cùng sẽ là cả thế giới.
Sẽ không có kịch bản thứ ba cho ý đồ rẽ sang cả hai bên hay đứng yên tại chỗ. Bởi bánh xe lịch sử nhân loại sẽ nghiền nát những gì là vật cản trên đường đi của nó."
Blogger Mẹ Nấm nhìn thấy thành phố gọi là “Tam, Sa” do “mẹ mìn TQ” nặn ra thể hiện mốc lịch sử quan trọng cho tiến trình từng bước xâm chiếm VN trong chiến lược bành trướng bá quyền phương Bắc. Mẹ Nấm lại báo động rằng “sự ‘bức sinh’ của Tam Sa là một hình thức ‘bức tử’ Hoàng Sa và Trường Sa một cách chính thức”, và nêu lên câu hỏi rằng “ người ta thấy gì về phản ứng ở tầm lãnh đạo quốc gia ? Và từ đó thấy gì ở bản chất qua những phản ứng này?” và “Đảng và Nhà nước VN đã ‘lo’ gì trước hành động xâm lược chính thức này” của phương Bắc ?
Chính phủ và dân không cùng tiếng nói
Qua bài “Thấy gì qua những phát ngôn”, blogger Mẹ Nấm khi nhắc lại việc giới cầm quyền quả quyết hãy để “đảng và nhà nước lo” khiến từ Ải Nam Quan, Thác Bản Giốc cho tới Hoàng Sa, Trường Sa của VN hiện giờ đều mang cái mộc “Made in China”, thì nay “đảng hoàn toàn im lặng mặc dù mọi hiệp ước ký kết giữa 2 nước đều do ông Tổng bí thư đảng đặt viết ký”, trong khi nhà nước thì không có động thái nào khác hơn là luôn để cho người phát ngôn Bộ Ngoại giao “phát đi phát lại đoạn băng rè được thâu sẵn từ năm 2007 cho đến nay” để phản đối suông Thiên Triều. Trong khi các ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng ở đâu trong lúc “Sơn Hà nguy biến” hiện giờ ? Họ “mắc nghẹn” cái gì mà không nói nên lời ? Blogger Mẹ Nấm nhận xét tiếp: "Trước tình hình căng thẳng trên biển Đông, cùng với câu “trấn an” lòng dân bất hủ “mọi việc đã có đảng và nhà nước lo”, các nhà lãnh đạo Việt Nam hình như muốn chứng minh cho cả thế giới thấy khả năng chịu nhục của mình đã đạt đến cấp độ cao."Vẫn theo blogger Mẹ Nấm thì trên thực tế, việc bỏ qua các hành động xâm chiếm ngày càng leo thang của phương Bắc trong bối cảnh đàn áp người dân biểu tình yêu nước, mà nổi bật là các phiên toà kín xét xử 3 bloggers Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Anh Ba Saigòn Phan Thanh Hải, Công lý và Sự thật Tạ Phong Tần - những người từng tham gia biểu tình chống TQ xâm lược và thường viết bài mạnh mẽ về chủ quyền biển đảo VN – là bằng chứng hùng hồn rằng “chỉ có người dân VN phản đối chính sách bành trướng bá quyền của TQ, còn chính phủ VN thì không”.
Sau khi nêu lên câu hỏi rằng những người lãnh đạo VN có đi chung một con tàu với dân tộc này trong việc bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ hay không, blogger Mẹ Nấm lưu ý:
"Ải Nam Quan, Thác Bản Giốc, Biên giới Việt Trung, Hoàng Sa, Trường Sa là câu trả lời.
Những bản án, những cú đạp, cái đấm vào mặt nhân dân, những hàng rào người quanh nhà lẫn những những hàng rào song sắt với áo xanh lá cây, áo vàng, lẫn áo xanh da trời ngăn chận người dân thể hiện lòng yêu nước, khẳng định chủ quyền và phản đối Trung Quốc xâm lược là câu trả lời.
Những Đại hội đại biểu toàn quốc hội hữu nghị VN-TQ, những cuộc thi Tiếng hát hữu nghị Việt-Trung là câu trả lời. Và sự im lặng của những người đang nắm quyền lãnh đạo cao nhất nước trước sự việc Tam Sa là câu trả lời."
Đừng lợi dụng nhân dân thêm nữa. Chính nhân dân là người làm nên chiến thắng trong các cuộc chiến tranh xưa nay. Và hãy nhớ quân thù đã ở ngoài biên ải, dày dặc trên Biển Đông.Blogger Thùy Linh cũng kêu gọi giới cầm quyền là “đừng lợi dụng nhân dân” thêm nữa cho “mục đích tồn tại của chế độ vốn đã bộc lộ quá nhiều sự xấu xa, tồi tệ, bất chấp nguy nan về chủ quyền đất nước”, đừng lợi dụng nhân dân để “bắt họ cam chịu vô tận những bất công”, đừng lợi dụng nhân dân theo kiểu “bầy cừu được dẫn dắt bởi cơ chế xin-cho”. Và nhà văn Thùy Linh nhấn mạnh rằng:
Nhà văn Thùy Linh
"Đừng lợi dụng nhân dân thêm nữa. Chính nhân dân là người làm nên chiến thắng trong các cuộc chiến tranh xưa nay. Và hãy nhớ quân thù đã ở ngoài biên ải, dày dặc trên Biển Đông. Khi Tổ quốc lâm nguy, liệu cách sử dụng, lợi dụng nhân dân như hiện nay có động viên được con em họ ra trận? Lời thần Kim Qui:“Giặc chính là người ngồi sau lưng ngươi đó”. Trảm giặc ngoài biên ải cũng quan trọng như phải trảm giặc đang hoành hành ngay trong lòng Tổ quốc này."
No comments:
Post a Comment