Năm nào cũng vậy, cứ mỗi khi chuẩn bị đón xuân, làng báo ở Việt Nam, từ nhật báo cũng như tuần báo đều cho ra một ấn phẩm đặc biệt, báo Tết, với số lượng bài vở, chủ đề đa dạng phong phú, hình thức trình bày sinh động đẹp mắt hơn ngày thường. Hôm nay là ngày cuối cùng trong năm Canh Dần, RFI xin mời thính giả cùng điểm lại những bài viết đáng chú ý của một số báo xuân tại Việt Nam.
Việt Nam đang ở trong thời kỳ phát triển sôi động, chủ đề được các báo quan tâm chú ý nhiều đó là kinh tế. Năm 2010 là một năm nhiều biến động trong kinh tế Việt Nam, với giấc mơ hóa rồng, hóa hổ châu Á vẫn còn xa vời. Tuy nhiên, đây lại là một năm được đánh giá là bản lề để hướng tới mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam trở một nước công nghiệp, theo mục tiêu mà đảng Cộng Sản Việt Nam đặt ra.
Khởi động lại « giấc mơ hóa rồng » !
Tờ Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần đưa lên trang đầu bài viết « Tản mạn hóa rồng » của tác giả Huỳnh Bửu Sơn, như để chiêm nghiệm lại chặng đường kinh tế của Việt Nam sau hai thập niên theo đuổi đường lối « Đổi mới », « Mở cửa ». Theo tác giả bài báo, ngay từ đầu thập niên 1990, chính các nhà nghiên cứu kinh tế Đại học Harvard Mỹ đã đặt tên cho con đường phát triển cho nền kinh tế Việt Nam là « Hướng rồng bay » và chỉ trong vòng 20 năm thôi Việt Nam sẽ được xếp trong hàng ngũ những nền kinh tế mới công nghiệp hóa. Trong 20 năm qua, có lúc không ít người ở Việt nam đã lạc quan nghĩ rằng giấc mơ hóa rồng của Việt Nam sắp trở thành hiện thực. Bởi cứ nhìn vào những tấm gương khác trong khu vực, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, hay Singapore, Hồng Kông và gần nữa là Trung Quốc, họ chỉ cần có hai thập niên là đủ cất cánh vươn lên tầm thế giới. Thế nhưng đối với Việt Nam thì sao ?
Tác giả nhận thấy « Sau hai mươi năm, đối với người dân Việt Nam mơ ước hóa rồng vẫn chỉ là niềm mơ ước ». Sau khi điểm qua những thành tựu đạt được tác khẳng định sau hơn hai mươi năm thực hiện chính sách Đổi mới và Mở cửa, kinh tế Việt Nam đã có bước tiến dài hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt từ 6% đến 7%, bình quân thu nhập đầu người tăng 5 lần từ 250 đô la năm 1990 lên đến 1200 năm 2010, rồi thu hút đầu tư nước ngoài mỗi năm lên đến con số hàng chục tỷ đô la. Liệu đó đã phải là điều kỳ diệu kinh tế chưa ?
Chỉ có thể nói, đó là thành tựu đáng mừng. Huỳnh Bảo Sơn không quá lạc quan mà nhìn thẳng vào sự thật bằng hình ảnh : « Sau 20 năm, con cá chép dù đã lớn lên nhiều với những vảy vàng óng ánh, nó vẫn chỉ là con cá đang còn bơi qua lại trong dưới dòng thác vũ môn và có dấu hiệu thấm mệt. Nhưng đáng lo hơn là dường như mơ ước thành rồng đã không còn cuồng nhiệt nữa…. cơ hội hóa rồng đang trở nên xa vời ». Tuy vậy, theo tác giả thì xa vời không hẳn là tuyệt vọng. Mọi thứ đều có thể bắt đầu lại từ đầu. Tản mạn qua việc phân tích những yếu tố cần cho giấc mơ hóa rồng của kinh tế Việt Nam được đẩy mạnh, tác giả nhận thấy, 2011 nên được chọn là năm khỏi động lại tiến trình hóa rồng.
Để kết luận tác giả Huỳnh Bửu Sơn viết : Vượt qua ngọn thác vũ môn là một nỗ lực đầy gian khổ thách thức, nhưng nếu thế hệ Việt Nam hôm nay có đủ ý chí và quyết tâm để làm điều đó, con cháu họ ngày mai mới có thể thực sự trở thành Rồng.
Tạo nền tảng cho tự do ngôn luận và tự do tư tưởng
Cũng về chiến lược phát triển, Sài Gòn Tiếp thị có bài viết đáng chú ý của ông Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. « Đổi mới tư duy hay là đổi mới cơ chế đổi mới tư duy ? », bài viết nằm tiếp sau bài phỏng vấn chủ tịch Nước. Bài viết của ông Nguyễn Đức Thành phê phán một quan niệm phổ biến tại Việt Nam : hy vọng những tư duy mới mang tính đột phá sẽ có thể đưa nền kinh tế bước sang một giai đoạn mới.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Thành chỉ thẳng, « lối tư duy mong đợi một ‘‘tư duy đổi mới’’, dù tư duy ấy có thể gồm một bộ ý tưởng được suy nghĩ, cân nhắc kỹ càng, có vẻ vẫn thuộc về lối tư duy cũ ». Theo tác giả, « thay vì theo giai đoạn, tri thức cần sản sinh liên tục và « thay vì tập trung, tri thức cần phân tán ». Cái mà xã hội Việt Nam cần hiện nay là « tạo lập được một cơ chế để trong đó các tư duy mới liên tục phát sinh, cạnh tranh với nhau và cùng phát triển ». Những thể chế và điều kiện cần thiết cho « quá trình phân hữu tri thức » (từ dùng của tác giả để chỉ tính đa dạng và tự do của việc sáng tạo tri thức) phải dần được tạo lập và bảo vệ. Tự do ngôn luận, tự do nghiên cứu, tự do phản biện, là những điều không tránh khỏi trong quá trình hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu và tiến trình văn minh chung của nhân loại.
Quốc hội chính là một trong các môi trường quan trọng nơi thực tập các năng lực tự do kể trên. Sài Gòn giải phóng, tờ báo chính thức của đảng CSVN thành phố Hồ Chí Minh, phỏng vấn ông Nguyễn Minh Thuyết, đại biểu Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng. Ông Nguyễn Minh Thuyết là một nhà hoạt động chính trị Việt Nam được công luận rất chú ý và dành nhiều thiện cảm, với các cuộc tranh luận và phản biện quyết liệt xung quanh nhiều vấn đề gai góc, như cuộc khủng hoảng của tập đoàn Vinashin và kiến nghị đề nghị thành lập Ủy ban điều tra khẩn cấp về trách nhiệm của thủ tướng. Mặc dù kiến nghị kể trên cũng như nhiều ý kiến khác của đại biểu Nguyễn Minh Thuyết không được chấp nhận tại Quốc hội, nhưng nghị sĩ rất được lòng công chúng này vẫn rất tin tưởng « Không bao giờ mình là thiểu số ! », như tựa đề của bài phỏng vấn.
Công luận năm 2011, với Làng Cười, ghi nhận « 15 câu nói gây ấn tượng nhất », mà phần lớn là phát ngôn của các nhà chức trách : từ câu nói được coi là « đáng nghi ngờ nhất » của đại biểu quốc hội Trần Tiến Cảnh (Hà Nam), ủng hộ dự án đường sắt cao tốc, khi cho rằng « các nước có chỉ số IQ cao đều xây đường cao tốc », nên Việt Nam cũng nên xây, cho đến câu nói được coi là « đồng cảm nhất » của phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng « Người dân có tới 4 đại diện : HĐND xã, HĐND huyện, HĐND tỉnh, và Quốc hội, « nhưng khi lâm sự thì không biết hỏi ông nào », cũng như lời phát biểu được coi là « vô trách nhiệm nhất » của các bên có liên quan, khi trả lời về hai vụ tai nạn thảm khốc « giữa đường sụp hố » tại Sài Gòn. Trào lộng cũng là một cách để báo chí thực hành năng lực tự do ngôn luận và tư tưởng.
Câu chuyện về những thế hệ lính Hoàng Sa
Nếu như 2010 là năm ở Việt Nam đã diễn ra sôi động các hoạt động đối ngoại, đánh dấu sự hội nhập sâu rộng vào đời sống quốc tế trên nhiều lĩnh vực thì cũng phải nhận thấy một điều là Việt Nam đang đứng trước một thử thách mới trong vấn đề bảo vệ chủ quyền trước những diễn biến phức tạp về an ninh trong khu vực. Đây là một chủ đề mà báo chí trong nước vẫn coi là « nhạy cảm » và ngại không muốn động đến. Tuy nhiên, vấn đề này đã thu hút sự quan tâm lo lắng của đông đảo dư luận với ý thức công dân mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Những tiếng nói của xã hội về vấn đề này thường không được xuất hiện trên các báo chính thống ở Việt Nam. Trong khi đó, vẫn luôn tiềm ẩn những mối đe dọa hàng ngày đối với chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam và cuộc sống của người dân trong các vùng biển tranh chấp. Năm nay một vài báo Xuân đưa các bài viết mang tính gợi nhắc về lãnh thổ của đất nước ở nơi Hoàng Sa.
« Câu chuyện 60 năm gác miếu thờ lính Hoàng Sa » trên Thanh Niên số Tết thuật lại sự tích ngôi miếu mang tên Âm linh tự trên đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), được ông Võ Hiển Đạt âm thầm bảo vệ từ hơn nửa thế kỷ qua, trước khi trao lại các linh vị cuối cùng cho ngôi đình vừa được phục dựng của xã. Âm linh tự, cũng như rất nhiều ngôi miếu khác tại các làng ven biển miền Trung Việt Nam, là nơi thờ các những người có công mở đầu cuộc khai phá đất đảo. Tuy nhiên, theo ông Võ Hiển Đạt, khác với tất cả những nghĩa tự khác, đây là nơi thờ hàng trăm linh vị các « binh phu » đã hy sinh tại quần đảo Hoàng Sa dưới triều Nguyễn. Điều đặc biệt là Âm linh tự còn lưu giữ nhiều tài liệu quý về lịch sử đảo Lý Sơn, nơi xuất phát các chuyến hải hành ra Hoàng Sa. Theo Thanh Niên, các tài liệu bằng chữ Hán được lưu giữ tại Âm linh tự (Lý Sơn), là các bằng chứng sống động nhất để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, trong đó có « tờ lệnh » điều binh phu ra Hoàng Sa, cách đây 175 năm, được làm ra dưới thời Minh Mạng.
Bài viết « Dòng họ hùng binh » trên Tuổi Trẻ cho biết thêm, ông Võ Hiển Đạt, người phụ trách Âm linh tự thuộc một dòng họ, đã âm thầm cống hiến nhiều thế hệ cho quần đảo Hoàng Sa. Căn cứ trên gia phả, người đầu tiên của dòng họ đã đặt chân lên đảo Lý Sơn cách đây ba thế kỷ. Trong chính sử của triều Nguyễn, cũng như tài liệu riêng của gia tộc, đều ghi nhớ 3 lần ra Hoàng Sa của ông Võ Văn Hùng, với tư cách hoa tiêu của các hải đội.
Ông Hùng là con của Hội nghĩa hầu Võ Văn Khiết, người giữ chức Cai đội Hoàng Sa, mà hiện ngôi mộ vẫn còn tại Lý Sơn. Theo lời kể của lão ngư Võ Văn Phước, 71 tuổi, hậu duệ thứ 16 của dòng họ Võ tại Lý Sơn, chỉ vừa mới chịu rời biển ít lâu, hàng năm cứ tháng 2 âm lịch, sau lễ khao lề thế lính cầu nguyện bình an và lập hình nhân thế mạng, hải đội Hoàng Sa lại thẳng tiến ra Biển Đông, trong một chuyến hải hành thường kéo dài nửa năm trời. Khoảng tháng 8, họ trở về đất liền mang theo những sản vật thu lượm được, bản đồ vẽ lại, để chuẩn bị cho các chuyến đi sau. Lớp hậu duệ họ Võ chưa thể thống kê được có bao nhiêu người ra đi không trở về, ông Võ Văn Phước bùi ngùi nhớ đến các thế hệ tổ tiên lính biển.
Nén hương xạ làng Cao
Tại Việt Nam, chuyện thắp hương trên bàn thờ tổ tiên hay những nơi chùa đền miếu mạo, được coi là một nét đẹp của văn hóa truyền thống không thể thiếu trong các dịp lễ Tết. Nén hương như thể một sợi dây nối liền con người với cõi tâm linh vô hình. Đi mua sắm các thứ chuẩn bị cho Tết, gần như không ai lại không mua vài nén hương về thắp. Hương nào mà chẳng thơm. Trên thị trường, hương đủ loại, người tiêu dùng tha hồ lựa chọn loại nào phù hợp với mình.
« Tuổi trẻ » số Tết giới thiệu với độc giả một loại hương đặc biệt, được làm từ bao đời nay, tại thôn Cao, xã Bảo Khê, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên, vùng đất được coi là chốn tổ của nghề làm hương tại Việt Nam. « Nén hương không đậu tàn », tên bài viết và cũng là cái tên mà tác giả đặt cho loài hương « ngược dòng » này. « Hương xạ », tên chính của hương được làm tại thôn Cao, khác hẳn với những loại hương đang được bán tràn ngập trên thị trường hiện nay. « Hương ngửi xa, hoa ngửi gần », khi một nén hương xạ được đốt lên, hương thơm dịu và ngọt tỏa ra đến tận đầu ngõ.
Nghề làm hương xạ vô cùng công phu. Tăm hương phải được ngâm vào nước vôi trong trong vòng một tháng, rồi được đưa ra phơi hai nắng sáng chiều. Làm như thế, hương cháy đều, róc hết. Bột hương gồm hơn chục loại thuốc đông y như xuyên quy, xuyên đại hoàng, trắc bách diệp, hoàng đàn, tùng bạch chỉ, đinh hương, mỏ quạ,… Một nén hương thắp trên ban thờ, tụng hết bài kinh nhìn lên là róc hết.
Loài hương quý của thôn Cao nay đã dần mai một, với một phong tục mới đang thắng thế từ nhiều năm nay, cùng với hương bạt ngàn từ bên kia biên giới tràn về, lấy hóa chất để tạo mùi, được bán với giá rẻ như cho. Giờ đây, hương được coi là thứ thiệt phải là loại hương có tàn đậu lại, cuốn lại hay dính lại. Tiêu chuẩn « hương đậu tàn » được ghi lên bao hương là điều kiện bắt buộc để khách hàng chấp nhận mua, bởi, theo một quan niệm mới được truyền tụng, tàn hương đậu lại sau khi nén hương cháy hết, thì người thắp mới « có lộc ».
Nghề làm hương xạ tại làng Cao mai một dần. Chính những nghệ nhân gắn bó bao đời với nghề hương xạ, nay buộc phải chuyển sang làm « hương đậu tàn ». Không ai còn ngâm tăm hương trong nước vôi trong cả tháng trời, giờ chỉ cần hòa một chút hóa chất vào nước, rồi nhúng tăm hương vào. Phơi tăm, xe hương rồi đốt thử, hương chưa đậu tàn thì nhúng lại vào hóa chất một lần nữa.
Rể Tây ăn Tết Việt
Bên cạnh chuyên mục « Tết Việt trong mắt bạn bè », Tuổi trẻ chú ý đến một cảm nhận rất khác về ngày Tết Việt Nam : « Tết của những chàng rể Việt ». Tuổi trẻ nhường lời cho một trong các chàng rể Việt, anh Erik Almkerk, chuyên gia tin học người Hà Lan, đã lập gia đình với một cô gái Hà Nội từ 10 năm nay. Erik Almkerk nói được tiếng Việt, yêu và hát được nhạc Trịnh Công Sơn. Ngày Tết Việt Nam là một dịp mà chàng trai Hà Lan vô cùng ưa thích, đặc biệt kể từ cái Tết thứ ba ở Việt Nam, cũng là cái Tết đầu tiên mà anh được đón cùng với gia đình vợ. Bên cạnh việc được ăn những chiếc nem, do chính mẹ vợ làm, được thực hiện nhiệm vụ lau sạch tất cả các cửa kính, Erik Almkerk có điều kiện tiếp xúc với tất cả họ hàng bên vợ ở quê.
Theo Erik Almkerk, ngày Tết ở Việt Nam tại gia đình vợ là « một kỳ nghỉ tuyệt vời, mà không một công ty du lịch nào trên thế giới có thể cung cấp được ». Để giải thích một cách vắn tắt sự hoan hỉ của mình cho bạn bè không có dịp mục kích, chàng trai Hà Lan ví : « nếu bạn cộng hết các ngày lễ của Hà Lan : ngày sinh của Nữ hoàng, ngày quốc khánh, ngày Lễ Phục sinh, ngày Noel và ngày lễ năm mới và nhân với 100, sẽ ra ngày tết của Việt Nam ». Không biết so sánh này đúng đến đâu, nhưng ít nhất, như anh mô tả, Erik Almkerk được giải thoát khỏi món khoai tây luộc, món ăn truyền thống Hà Lan mà anh cực kỳ ghét, thay vào đó, tại Việt Nam, anh được thưởng thức món khoai tây chiên tỏi do người em vợ thực hiện.
Tâm trạng « mất quê » và những hoài niệm
Nếu như chàng trai Hà Lan đã tìm thấy một chốn quê ở gia đình vợ tại Việt Nam, thì rất nhiều người tại Việt Nam đang phải chứng kiến cảnh mất quê. Dưới tựa đề « Mất quê », Sài Gòn Tiếp Thị mô tả tâm trạng của một người trong cuộc. Cách trung tâm Hà Nội chưa đầy 15 km, vốn là một vùng thuần nông, chỉ trong một chục năm trở lại, mỗi lần về quê, tác giả lại thấy những thay đổi chóng mặt. Tên cũ của làng, của xã không còn nữa, thay vào đó là tên phố, và hầu hết ngôi nhà đều được đánh số. Lối sống của người dân vùng quê cũng hoàn toàn đổi khác. Đồng ruộng không còn, đa phần dân quê đi làm cho các nhà máy, công ty. Điều kiện sống có chiều tốt lên, với đường sá, trường học, bệnh viện được cải thiện, thu nhập cũng cao hơn, nhưng sự gắn bó tình làng nghĩa xóm như xưa và những không gian vui chơi của tuổi thơ thì đã hoàn toàn mất hẳn.
Tác giả thốt lên một nỗi lo lắng sâu thẳm, một lúc nào đó « tôi sẽ là người mất quê », bởi những hình ảnh thân thuộc hoàn toàn biến mất, và sẽ chỉ còn lại trong trí nhớ.
« Mất quê » là một bài viết trong chuyên mục « Sống chậm » của Sài Gòn Tiếp Thị. Cũng trong mục "Sống chậm », có bài « Trong bóng ngôi nhà xưa » của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Phải chăng để cứu lại cái điều không thể cứu trong tâm sự mất quê, mà nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã trở lại với ngôi nhà xưa, nơi mẹ anh vừa qua đời, để khôi phục lại tất cả những gì có thể khôi phục được hầu làm sống lại những hồi ức?
Thiều bóc hết lớp gạch men Trung Quốc để thay vào đó là « gạch bát đỏ ». Hàng cột xi măng dọc hiên nhà được trả lại bằng những cái cột gỗ lõi mít. Chân kê cột là những phiến đá xanh được đục bằng tay, vốn bị vứt lăn lóc khắp các góc vườn. Tác giả mô tả lại cảm giác của ngôi nhà khi vừa được sửa xong :
« Tôi run lên vì vẻ giản dị và ấm áp của nó. Tôi đã ngồi trên hiên nhà suốt buổi chiều trong tĩnh lặng để cho ký ức và hình ảnh xưa của ngôi nhà trở về. Trong bóng ngôi nhà xưa trùm phủ, tôi như được trở về những năm tháng xưa mà tôi tưởng chẳng còn cơ hội nào để trở về nữa. Và ở nơi ký ức tôi trở về ấy, tôi gặp lại ông bà nội tôi, gặp lại bố mẹ tôi. »
« Bên ô cửa gỗ nhỏ mở ra vườn là bộ tràng kỷ cổ. Tôi trở về và thích ngồi vào đó. Ngôi nhà buổi chiều loang lổ bóng tối. Thứ ánh sáng như thế trong ngôi nhà thường gợi mở và đưa tôi trở về quá khứ. Một quá khứ của bà ngoại tôi ngồi nhai trầu và kể cho lũ cháu nghe những câu chuyện xa xưa. Một ký ức của đời sống thôn quê giản dị và thanh tao. Một ký ức của đời sống thanh bình và chầm chậm như sự mở cánh của những bông hoa nhài bên cạnh chiếc bể nước có mái vòm cổ kính mọc đầy rêu …. ».
« Sự phản bội với di sản » và cuộc trà đàm đi tìm các "thói quen văn hóa mới" cho đô thị
Cũng chính nhà văn Nguyễn Quang Thiều, trên Thời báo kinh tế Sài Gòn số Tết, có bài « Sự phản bội mơ hồ », để lên án một thái độ vô trách nhiệm đối với các di sản. Theo tác giả, thái độ vô trách nhiệm với các di sản văn hóa có thể mệnh danh là sự « phản bội ». Bởi, những di tích như Văn chỉ Vĩnh Xương (Nha Trang), cổng thành Tuyên thời Mạc, dinh Tống Thận (Long An), đền Và (Sơn Tây) không phải ai khác hơn là chính những người được giao trách nhiệm quản lý, bảo vệ và phục dựng đã phá hoại. Tại sao họ làm như vậy ? Theo tác giả, « câu trả lời chắc chắn đã có trong bạn đọc hiểu biết và có trách nhiệm với di sản văn hóa của dân tộc ».
Rộng hơn câu chuyện ngày Tết, rộng hơn sự mất mát hay tìm lại các ký ức tuổi thơ của từng cá nhân, cũng rộng hơn việc kháng cự lại nguy cơ phá hủy các di sản từ phía những người nắm quyền quản lý, tâm điểm của một cuộc « trà đàm cuối năm » do Sài Gòn Tiếp Thị năm nay là những thao thức về đô thị và thôn quê tại Việt Nam, đang trong quá trình chuyển biến dữ dội.
Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Quân, cuộc đô thị hóa mãnh liệt hiện nay đã và đang làm biến mất nền « văn hóa cổ điển » làng xã, là một nhân tố gây ra khủng hoảng văn hóa tại Việt Nam. Theo Sài Gòn Tiếp Thị, không thể đổ thừa tất cả những sai lầm của quá trình đô thị hóa cho « tính nhà quê », cùng với những người gốc nông thôn đem vào thành phố. Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu nhấn mạnh đến sự thiếu vắng một « chính quyền đô thị » đúng nghĩa đã cản trở cho việc tạo nên một nền văn minh đô thị, hay cái « gen văn hóa » đô thị, như từ ngữ của Sài Gòn Tiếp Thị.
Còn theo nhà triết học Bùi Văn Nam Sơn, trong tương lai, việc phần lớn cư dân sống tại đô thị là chuyện không thể tránh khỏi, chính vì vậy, Việt Nam phải làm sao để biết cách xây dựng được các « thói quen sống tốt » ngay tại đô thị (hay « các tập quán của trái tim » như người Mỹ thường nói), và hãy để cho mỗi thành phố và mỗi vùng nông thôn có những đặc điểm riêng, đừng liễu lĩnh tiếp tục các cuộc « đại nhảy vọt » để lãnh hậu quả, với những xung đột rất lớn giữa nông thôn và thành thị, như chúng ta đang thấy ngày hôm nay.
Mỗi làng một sản vật
Đúng là loài hương xạ, ngọt và dịu, của thôn Cao (thành phố Hưng Yên) đang dần dần mai một, nhưng không phải là không có nhiều nỗ lực tôn vinh và khôi phục lại các sản phẩm truyền thống, với những cách thức rất khác nhau.
Cũng trong Tuổi Trẻ số Tết, bài « Lộc của trời » kể lại câu chuyện về lão nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng cần mẫn đi săn hình một cụ bà bán cốm Làng Vòng. Năm ngoái, ông đã chớp được một nét hình ưng ý bà cụ cắp thúng cốm đi ngang qua chữ « Lộc » ở cửa đền Ngọc Sơn, « Lộc của Trời », tên của bức ảnh, như một bài thơ vinh danh sản phẩm truyền thống hiếm hoi còn sót lại trong dòng xoáy của « xã hội thị trường ». Còn năm nay, ông đi tìm mãi mà không thấy bà cụ bán cốm Vòng. Ai thấy cũng bảo, ông lão nhiếp ảnh mê bà lão bán cốm.
Tuổi trẻ kể tiếp một câu chuyện, mới đây trước Tết, một nhà toán học trẻ mang tặng tác giả bài báo những chiếc bánh chưng nhỏ xíu làm toàn bằng những thứ mà anh tự trồng, từ tấm lá chuối, cho đến hạt nếp De cổ truyền, miếng thịt và đậu xanh. Tất cả những thứ nhà toán học trẻ sử dụng để làm nên chiếc bánh chưng mang tặng đều là thực phẩm sạch như « ngày xưa ».
Theo Tuổi Trẻ, cuối năm 2010, tại Hà Nội, đã có một hội thảo « mỗi làng, một sản phẩm », do Hiệp hội Xúc tiến phát triển mỗi làng, một sản phẩm (Nhật Bản) tổ chức, để khuyến khích các sản vật truyền thống, chống lại sự tàn phá của quá trình nhất thể hóa, đồng phục hóa, coi lợi nhuận tối đa là ưu tiên hàng đầu, rất phổ biến trong trào lưu toàn cầu hóa hiện nay. Những hoài niệm về hạt cốm làng vòng bé tí xíu và giống lúa De cổ truyền có vẻ như là những xu hướng thiểu số đi ngược dòng thời đại. Thế nhưng, rất có thể chúng cũng lại là những điểm khởi đầu cho một con đường phát triển, đặt tiêu chí an toàn, chất lượng và bền vững lên hàng đầu.
« Phát triển », nhưng phải « bền vững », cũng là chủ đề chính của tạp chí Tia sáng số Tết, một trong các diễn đàn quan trọng của trí thức tại Việt Nam.
Cội nguồn trà Việt
Trở về với cội nguồn để tìm bản sắc của mình có nhiều cách khác nhau. Trên tạp chí Xưa & Nay của Hội Sử học Việt Nam, có bài viết đáng chú ý : « Ngày xuân tản mạn về cội nguồn trà Việt ».
Trà là một đồ uống truyền thống lâu đời, một bộ phận không thể tách rời trong Ẩm và Thực của người Việt. Không biết từ bao giờ, nước trà đã trở thành thứ đồ uống thường xuyên vừa bình dân, vừa tao nhã và cũng không biết từ bao giờ, cây trà có mặt ở Việt Nam. Với bài tản mạn về trà này, tác giả Hà Long đưa chúng ta ngược dòng thời gian về cội nguồn để tìm lại dấu ấn, bóng dáng của trà len lỏi, ẩn hiện trong suốt đời sống Việt. Từ truyền thuyết, huyền thoại đến những di chỉ khảo cổ học. Từ thư tịch, chứng cứ lịch sử đến tập tục dân gian. Qua bài viết chúng ta sẽ thấy Trà hiển hiện quanh ta và luôn đồng hành trong đời sống Việt.
Tác giả đã dẫn ra hàng loạt các thư tịch cổ như : « Giao Châu ký », « Ngô lục địa lý chí », « Nam phương thảo mộc trạng » của các danh sĩ xưa để khẳng định tục uống trà của người Việt cổ. Theo tác giả, sách « An Nam lược chí » của Lê Tắc (thế kỷ XIII) đã mô tả nghi thức cúng trà của người Việt, nghi thức đó đã trở thành tục lệ trong lễ hội ngay từ thế kỷ thứ 10. Ngoài ra, rất nhiều tác phẩm thi văn của các danh sĩ xưa như « Toàn Việt thi lục », « Vân đài loại ngữ », « Truyện Kiều »… cho thấy dấu tích văn hóa trà luôn gợi nguồn thi hứng bất tận cho các thi nhân Việt suốt 10 thế kỷ dưới các triều đại phong kiến Việt Nam.
Từ các thư tịch, tác giả đưa người đọc đến với cội nguồn của cây trà qua vùng trà cổ hoang dã.
Theo tác giả, từ xa xưa, cây chè cổ thụ đã bao phủ khắp lãnh thổ Văn lang, Âu Lạc, Đại Việt và cả vùng Tây bắc của Việt Nam ngày nay. Chứng tích hiển nhiên này, hẳn là một chứng cứ thuyết phục nhất xác định quê hương « cái nôi » phát tích của trà thế giới. Liệu khẳng định này có chủ quan thiếu căn cứ khoa học hay không ? Tác giả đã đưa ra dẫn chứng, trong những năm gần đây người ta đã phát hiện ở vùng Tây Bắc còn hàng triệu cây trà cổ hoang dã vẫn tồn tại đến ngày nay. Năm 1976, nhiều nhà khoa học qua nghiên cứu các cây trà cổ ở Việt nam còn đưa ra khẳng định nguồn gốc cây chè thế giới là từ Việt Nam.
Tác giả kết luận : Rừng trà cổ thụ len lỏi dọc các tỉnh Tây Bắc vẫn đang cho loại trà sạch đặc sản là một minh chứng sống cho thấy Việt Nam là quê hương của trà…
Là người Việt, nghe thì cảm thấy cũng tự hào đấy, nhưng sản phẩm trà và văn hóa trà của người Việt đến giờ vẫn chưa được biết nhiều đến trên thế giới.
Tết đang đến rất gần, chỉ còn ít giờ nữa thôi chúng ta sẽ bước sang năm mới Tân Mão. Năm nào thì cũng năm hết thì Tết lại đến thôi. Vậy cách đón Tết và cách nhìn nhận về Tết có thay đổi theo thời gian ?
Chiêm nghiệm về Tết
Vẫn trên tạp chí Xưa & Nay, tác giả Lý Tân Thới có bài viết "Nói chuyện về Tết". Tác giả nhận thấy Tết không chỉ thuộc về thời gian, không gian. Theo « quan niệm truyền thống, Tết là bắt đầu một năm mới, mọi sự việc đều đổi thay qua năm mới, mở ra vận hội mới, hy vọng cuộc sống thêm nhiều thuận lợi ».
Theo tác giả, Tết là tự nhiên, văn hóa Tết do người tạo ra, trải qua mấy ngàn năm ông cha ta đã nghĩ ra nhiều đặc ý sáng tạo và ước định thành tục, mà hình thành nên cái ý vị độc đáo của văn hóa Tết. … nó đã trở thành phong tục của một dân tộc, một văn hóa phi vật thể, « một dân tục đầy cảm tính ý nguyện tâm lý », được chuyển tải qua những phương thức sinh hoạt đặc biệt trong ngày lễ.
Tác giả nhận thấy : Ngày nay do phong hóa biến thiên, ý vị văn hóa Tết đã mất dần cảm xúc. Đó cũng là lẽ tất nhiên của xã hội trên đà phát triển, khi văn hóa phương Tây xâm nhập ồ ạt, quan niệm sống bị ít nhiều cải biến, hàm nghĩa truyền thống của văn hóa Tết đối với quan niệm về cuộc sống của con người hiện tại đã khác đi.
Nhận thấy nhiều tục lệ thói quen đẹp sẽ bị mất dần đi trong cái Tết của người Việt thời nay, tác giả không khỏi cảm thấy nuối tiếc. Nếu như ngày nay, chúng ta ăn Tết theo thời mà để mất đi ý vị, tình cảm của văn hóa Tết, ý Tết không còn, vị Tết không còn nữa, e rằng đó là mất mát, một tổn thất văn hóa rất lớn. … Đừng nên vì cho rằng xã hội công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thời gian thúc bách « bất cập », mà nên nhìn lại xem có phải chúng ta đang tranh thủ hưởng thụ những tiện nghi vật chất « thái quá », mà đánh mất đi những nét đẹp còn lại của văn hóa Tết.
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20110202-bao-xuan-tan-mao-viet-nam
Người dân các nước đón năm mới
2011-02-02
Việt Nam vừa bước vào năm mới, người Việt trên cả nước hay khắp năm châu, bốn bể đều đang nô nức chúc tụng và hân hoan đón chào một mùa xuân mới.
AFP photo
Pháo hoa ở Bắc Kinh đêm giao thừa tiễn năm cũ, đón năm mới 2011
Hòa cùng trong không khí nhộn nhịp của những ngày đầu năm mới này, Vũ Hoàng cùng với các người bạn nước ngoài tìm hiểu một chút về phong tục và cách thức đón chào năm mới của các nước này.
Các nơi đều đón năm mới ...
Cũng giống với Việt Nam, thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới của các bạn bè trên khắp thế giới cũng được đón chào một cách nồng nhiệt. Với mỗi một quốc gia, một nền văn hóa khác nhau, thì cách thức đón năm mới cũng có những khác biệt.
Ở phía bên kia địa cầu, đất nước Mexico tươi đẹp, thân thiện đón Tết như thế nào, mời các bạn cùng nghe lời tâm sự của bà Anna, người mặc dù đã sống gần 30 năm tại Hoa Kỳ, nhưng gần như năm nào cũng trở về nhà để đón năm mới cùng gia đình. Bà chia sẻ:
"Ở Mexico, chúng tôi bắt đầu đón mừng năm mới vào buổi tối cuối cùng của năm cũ, trước lúc giao thừa, thường thì chúng tôi đi đến nhà thờ để cám ơn Thượng đế đã cho chúng tôi một năm vừa qua an lành.
Cô Medeleine Rogues, Pháp
Món ăn truyền thống của chúng tôi gồm có bánh pancake (một loại bánh ăn sáng phổ biến của người Hoa Kỳ và người Mexico) ăn với mật mong, với thịt gà tây nướng. Chúng tôi cũng uống những nước ép trái cây, chẳng hạn như nước ép táo.
Có một nghi thức đặc biệt là mỗi người chúng tôi trong đêm giao thừa sẽ có 12 trái nho mang biểu tượng của may mắn cho năm tới. Và gần như là chúng tôi thức suốt đêm từ giao thừa cho đến 6-7 giờ sáng ngày mùng một, chúng tôi nhảy múa, ca hát đón mừng năm mới. Thường như vậy, thì sáng mùng một chúng tôi không đi đâu cả mà chỉ dành thời gian để ngủ thôi."
Bà nói với chúng tôi rằng, bà không nhớ rõ nguồn gốc của câu chuyện 12 trái nho, nhưng bà chỉ biết rằng những trái nho này là tượng trưng cho may mắn trong suốt 12 tháng tới của năm mới.
000_Par3687234-200.jpg
Đôi tình nhân hôn nhau ngay thời khắc giao thừa đón năm mới 2011 tại quảng trường Museumplein - Amsterdam. AFP photo
"Theo truyền thống người Bồ Đào Nha thì vào đêm giao thừa trẻ nhỏ sẽ viết những điều ước của chúng lên những mảnh giấy, đó là những điều mà bọn trẻ mong muốn năm mới chúng sẽ cố gắng thực hiện được.
Vào thời khắc giao thừa, thì gần như tất cả chúng tôi đổ ra đường nhảy múa, hát hò với bạn bè. Chúng tôi bấm còi xe hoặc mang các vật dụng gây tiếng ồn để gây huyên náo các con phố. Nhìn chung là chúng tôi rất thích hội hè và vui vẻ vào lúc giao thừa, chúng tôi cũng đốt pháo bông để chào mừng năm mới nữa
Điều đặc biệt là chúng tôi sẽ mặc quần áo mới và thường là các trang phục có màu đỏ để hi vọng mang lại nhiều điều may mắn cho năm mới. Nếu chẳng may trong gia đình có chén đĩa vỡ, thì chúng tôi sẽ vứt hết đi mà không giữ lại trước khi năm mới tới.
Về đồ ăn uống, thì cũng giống như nhiều nước khác, chúng tôi có pho mát, rượu vang đỏ, đỗ, bánh mỳ và khoai tây cho bữa ăn năm mới."
Thế còn phong tục đón năm mới của người Pháp có gì đặc biệt, một trong những người bạn đến từ kinh đô ánh sáng Paris, cô Medeleine Rogues cho chúng tôi biết:
"Tết Châu Á, đặc biệt là Tết Việt Nam hay Tết Trung Hoa rất truyền thống, trong khi đó, ngày đầu năm Châu Âu thì không mang đậm nét văn hoá truyền thống giống như Châu Á về mặt lễ nghi.
Người ta không tặng quà cho nhau trong dịp Tết Dương lịch, mà người ta tặng hoa, rồi khiêu vũ và ăn uống, nghĩa là vui chơi là chính. Tuy nhiên đến giao thừa, người ta ôm hôn và chúc tụng nhau và cũng thường nói “một năm mới an lành, muốn gì được nấy.”
Vào thời điểm linh thiêng đón năm mới, ai ai cũng muốn được quây quần đoàn tụ bên gia đình và bè bạn, và cũng muốn dành cho nhau những lời chúc tụng đẹp đẽ, cám ơn một năm cũ đã qua đi và mong chờ một năm mới với nhiều thành công và may mắn hơn sẽ tới.
Ở Tây Tạng, chúng tôi dựa theo sự kết hợp của tử vi tính theo mặt trăng và mặt trời, và lịch của chúng tôi dựa theo lịch vua.
Anh Karama Zurkhang, Tây Tạng
Và một người bạn Đức của chúng tôi, chị Helen Lamberty cũng chia sẻ những gì mà chị và gia đình làm trong những ngày đầu năm mới:
"Như tất cả các nước Châu Âu, chúng tôi ăn Tết với gia đình và bạn bè. Đêm giao thừa 31/12, chúng tôi đốt pháo bông, ăn uống thật là ngon, uống sâm panh nữa. Chúng tôi chúc tụng sang năm mới được may mắn, nhiều sức khoẻ và đạt được những gì chúng ta hằng mong đợi.
... theo phong tục truyền thống
Quay về với các nước bạn Châu Á, trước hết là anh Karama Zurkhang, người Tây Tạng, anh cho biết về tục lệ cũng như nguồn gốc ngày đầu năm mới ở đất nước mình như sau:
"Ở Tây Tạng, chúng tôi dựa theo sự kết hợp của tử vi tính theo mặt trăng và mặt trời, và lịch của chúng tôi dựa theo lịch vua. Nghĩa là năm mới sắp tới đây sẽ là ngày 1/3 và đó sẽ là năm vua 2138 chứ không phải 2011 và con vật tượng trưng sẽ là con thỏ.
000_Hkg3262557-250.jpg
Múa rồng đón Tết cổ truyền ở VN. AFP photo
Ở Tây Tạng nói chung, bây giờ chúng tôi ăn mừng năm mới 3 ngày. Ngày đầu tiên của năm mới, chúng tôi không ra khỏi nhà đi chúc tụng bạn bè hay họ hàng, chúng tôi cũng không tiếp khách mà chỉ dành cho gia đình mà thôi.
Đồ ăn đặc trưng của người Tây Tạng chúng tôi vào dịp năm mới là bánh tsampa, loại bánh này được làm từ lúa mì, ngoài ra chúng tôi cũng có thịt, những tảng thịt lớn được nướng lên rồi cắt thành từng lát và chúng tôi uống bia."
Giống đất nước Tây Tạng, nước bạn láng giềng Myanmar cũng tổ chức đón chào năm mới trong vòng 3 ngày. Vì là đất nước của Phật giáo nên những nghi lễ cũng có những nét đặc trưng. Chẳng hạn, thường thì vào dịp đầu năm mới, 3 ngày lễ đầu năm người ta gọi là thời điểm kết hôn, kết hôn ở đây không có nghĩa là kết hôn trai gái, mà đó là thời gian, người dân Myanmar cố gắng làm những việc có ích để mong muốn sẽ nhận được nhiều tốt lành trong suốt một năm mới.
Người bạn Myanmar cho chúng tôi biết:
"Cũng giống lễ hội năm mới ở Lào hay Campuchia, chúng tôi có lễ hội té nước đón mừng năm mới. Sau 3 ngày lễ hội té nước, chúng tôi sẽ đến chùa chiền, miếu mạo để cầu may.
Đầu năm mới, chúng tôi cũng nấu những món ăn tráng miệng ngọt và biếu tặng lẫn nhau. Những món ăn chủ yếu làm từ dừa, nước trái cây và gạo nếp. Điều đặc biệt là chúng tôi không ăn thịt.
Người bạn Myanmar
Thời gian đầu năm mới này, chúng tôi cũng nấu những món ăn tráng miệng ngọt và biếu tặng lẫn nhau. Những món ăn chủ yếu làm từ dừa, nước trái cây và gạo nếp. Điều đặc biệt là chúng tôi không ăn thịt."
Mỗi quốc gia đều có một phong tục, tập quán đón chào năm mới khác nhau, thể hiện sự đa dạng và đặc trưng văn hóa của mỗi dân tộc. Nhưng nhìn chung, bước sang năm mới ai cũng mong muốn có được may mắn, sức khoẻ và sự an lành.
Và xuân mới đang về trên đất Việt, nhà nhà đang tưng bừng đón Tết, không khí rộn ràng khắp nơi, Vũ Hoàng xin được gửi đến quý thính giả gần xa lời chúc tốt đẹp nhất cho một năm mới, tràn đầy hi vọng, sức khoẻ, may mắn và yên bình.
Theo dòng thời sự:
- Phong tục ngày Tết
- Người Việt đón Tết tại Campuchia
- Phụ nữ Việt khắp nơi cùng đón Tết
- Người Việt tại Houston sửa soạn đón Tết
- Nhớ tết
- Ăn Tết – tăng cân
- Chợ Hoa Tết
Quỳnh Như, phóng viên RFA
2011-02-02
Người Việt có rất nhiều phong tục trong ngày Tết. Theo dòng thời gian một số tục lệ đã bị quên lãng dần, bên cạnh những phong tục vẫn còn được lưu giữ đến ngày nay nhưng đôi khi cũng bị biến tướng ít nhiều.
Tết cổ truyền
Dân tộc ta có nhiều phong tục hay của ngày Tết cổ truyền, và dần dần một số phong tục đã trở thành như một thông lệ trong ngày Tết.
Bước vào nhà nào trong thời điểm cuối năm cũng có thể nhận thấy ngay không khí chuẩn bị Tết nhộn nhịp, từ việc mua sắm, đến việc trang trí nhà cửa, chuẩn bị các món ăn để đón tiếp người thân ở xa về. Đối với các gia đình lớn, họ hàng đông, có quan hệ xã hội rộng, đông con cháu, thì công việc chuẩn bị càng phức tạp hơn.
Ai nấy cũng đều dọn sạch sẽ nhà cửa, vứt bỏ những thứ rác rưởi, dọn dẹp trang trí bàn thờ, đánh bóng lư hương, chân nến, lau chùi bàn ghế và mọi thứ vật dụng trong nhà. Ấy là tục Tống Cựu Nghinh Tân, để đưa tiễn năm cũ qua đi và chuẩn bị đón năm mới nhiều hứa hẹn.
Ngoài ra, trong mấy ngày Tết, các gia đình có trẻ nhỏ thường nhắc nhở, dặn dò con cháu từ phút Giao thừa trở đi không được quấy khóc, không nghịch ngợm, cãi cọ nhau, không vứt rác bừa bãi. Cha mẹ, anh chị cũng không quở mắng, la phạt con em. Ra đường gặp nhau ai nấy cũng tay bắt mặt mừng, vui vẻ niềm nở dù lạ hay quen.
Trong mấy ngày Tết, ra đường gặp nhau ai nấy cũng tay bắt mặt mừng, vui vẻ niềm nở dù lạ hay quen.
Phong tục tập quán VN
Phong tục Tết
Ngày Tết dân tộc ta có nhiều phong tục hay đáng được lưu giữ như những thuần phong mỹ tục.
Điểm qua một số phong tục ngày Tết có tục dựng cây nêu. Người thành phố ít có điều kiện thấy cây nêu trong ngày Tết. Tục lệ này hiện nay vẫn còn lưu truyền ở một vài làng quê Việt Nam. Cụ Nguyễn Vinh Phúc mô tả về cây nêu như sau:
“Cây nêu ngày Tết là một cây tre được vót hết lá, chỉ giữ một số lá ở trên ngọn tre. Ở trên đó có treo một giải cờ vải, một cái khánh bằng đất nung, treo một con cá chép bằng giấy, treo một cái vành có buộc lá vào đó."
Nhà Hà Nội học này giải thích về ý nghiã của việc dựng cây nêu như sau:
“Theo tín ngưỡng dân gian thì bảo rằng đó là sự tích, ngày xưa quỷ làm hại người ở trần gian nhiều, nên người ta kêu cứu với Đức Phật. Phật mới bảo hãy trồng cây nêu lên và ra lệnh cho quỷ rằng hễ nơi nào có bóng cây nêu này là nơi đó là đất Phật, có Phật bảo vệ thì quỷ không được hại ai nữa, cho nên trồng cây nêu là để trừ quỷ."
Xung quanh tục dựng cây nêu cũng có nhiều giả thuyết khác nhau. Ông Phúc nói:
“Một thuyết khác thì giải thích rằng là cây nêu kiểu như một cây vũ trụ, tức là nó thông từ dưới đất lên trời, và các vật hữu hình có thể đi từ đất mà theo cây tre lên cõi vô hình.
Cũng có thuyết người ta gọi rằng đó là dự báo khí tượng, bởi vì trồng cây tre lên, trên treo những cái khánh, những cái vật mỏng như con cá bằng giấy để quan sát chiều gió thổi. Khi mà chuông khánh rung lên, những con chim con cá bằng giấy bay lên theo hướng nào thì gió thổi theo phương hướng đó.
Người ta mới dự đoán rằng là đầu năm mà gió như thế thì cả năm sẽ là gió tốt hay là gió xấu, cả năm sẽ mưa thuận gió hòa hay sẽ khô hạn hoặc lũ lụt. Thành ra cũng chỉ một cây nêu mà có 3 cách giải thích như vậy."
Tục dựng cây mía tím ở hai bên bàn thờ hiện nay ít phổ biến và cũng ít người biết đến. Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc giải thích về tục này như sau:
“Người ta gọi đó là cái thang vì cây miá có từng đốt, từng đốt chẳng khác nào các bực thang, và với cây mía đó thì các cụ từ dưới cõi âm đi về cõi trần gian này cùng với con cháu trong ba ngày Tết."
Đốt pháo, lì xì…
Một phong tục khác mà trước đây trẻ em rất thích chơi, là tục đốt pháo. Chuyên gia nghiên cứu lịch sử văn hoá Hà Nội cho biết ý nghiã của việc đốt pháo như sau:
“Tục đốt pháo cũng là để trừ quỷ thôi. Theo giải thích thì quỷ quấy rối dân gian nên người ta phải đốt pháo để xua đuổi nó đi. Từ cái chỗ xua đuổi quỷ đi thì nó biến thành ra một cái sự mừng vui, thế nên sau này người ta đốt pháo đôi khi không nghĩ tới chuyện trừ quỷ nữa, mà chỉ nghĩ tới chuyện nghe tiếng nổ thấy vui vẻ thôi."
Ngày nay ở Việt Nam phút Giao thừa thiếu hẳn tiếng pháo Tết mà thay vào đó là pháo hoa được bắn lên bầu trời đêm 30 Tết ở những thành phố hay đô thị lớn.
Ngày Tết ai cũng mừng tuổi và ai cũng được mừng tuổi, có đi có lại như vậy nó thể hiện cái tinh thần cộng đồng. Lì xì cũng chỉ ít ỏi thôi mà chủ yếu là sự vui vẻ.
Cụ Nguyễn Vĩnh Phúc
Một phong tục khác vẫn còn phổ biến hiện nay, là tục mừng tuổi hay còn gọi là lì-xì. Ngày Tết trẻ con chúc Tết người lớn để mong được nhận những phong bao lì-xì đỏ. Phong tục này cũng có ý nghiã riêng của nó. Cụ Nguyễn Vinh Phúc cho biết:
“Về tục mừng tuổi thì cho thấy rằng đó là một tinh thần cộng đồng, bởi vì ngày Tết thì người lớn mừng tuổi trẻ em đã đành, mà người lớn cũng mừng tuổi cho người lớn nữa, cho nên ngày Tết ai cũng mừng tuổi và ai cũng được mừng tuổi, có đi có lại như vậy nó thể hiện cái tinh thần cộng đồng. Lì xì cũng chỉ ít ỏi thôi mà chủ yếu là sự vui vẻ."
Sự tích dân gian
Bên cạnh các phong tục còn có những sự tích liên quan đến ngày Tết cổ truyền được truyền tụng trong dân gian với những biến tấu đôi khi hơi khác nhau. Ví dụ ngày Tết nhà nào cũng có bánh chưng, trong Nam thì có bánh tét, cũng được làm với các nguyên liệu và cách nấu giống như sau.
Nói đến sự tích bánh dầy, bánh chưng thì hẳn ai cũng còn nhớ câu chuyện của Lang Liêu, con trai vua Hùng Vương thứ Sáu. Người con trai út này lấy gạo nếp, thịt, đậu xanh gói bánh mang lên dâng cho vua cha trong ngày Tết, và giải thích như thế này:
vật, thế cho nên cái bánh chưng vừa đại diện cho thiên nhiên, đại diện cho động vật, đại diện cho thực vật sinh sống trên mặt đất, cho nên con làm cái bánh chưng này là con dâng lên Vua cha cả thiên nhiên, cả mặt đất, cả sinh vật, thực vật. Thì Vua cha rất là quý và sau đó truyền ngôi cho Lang Liêu."
“Thưa Vua cha đây là cả thiên nhiên cả vũ trụ đây, vì rằng hạt gạo - cái vỏ bánh là thực vật, đậu xanh cũng là thực vật, là cây cối, là rừng xanh, là đồng ruộng, và thịt là động vật, đại diện cho các độngChiếc bánh chưng mang ý nghiã: “Sự tích bánh dầy, bánh chưng nói lên sáng kiến của chàng Lang Liêu, nhưng đồng thời cũng là một triết lý của bình dân là thực ra cái quý nhất không phải là vàng bạc, ngọc ngà châu báu mà chính là cái nuôi sống con người: gạo nuôi sống con người, đậu nuôi sống con người, thịt nuôi sống con người. Cái gì nuôi sống con người thì cái đó là cái quý nhất."
Hàng năm cứ đến ngày 23 tháng Chạp Âm lịch, các bà nội trợ đều cúng ông Táo về Trời, và đêm 30 Tết vừa cúng Giao thừa, vừa cúng Táo Công đi chầu Trời trở về. Sự tích Táo quân là một câu chuyện cảm động về một bà hai ông được lưu truyền trong văn chương truyền khẩu. Nhưng cũng có một truyền thuyết khác về sự tích Táo quân như sau:
“Trong các thần thoại cổ thì nói rằng là các vị thần coi sóc dân gian thường trú ngụ ở nơi mà mọi người hay đến nhất, bởi ngày xưa nơi mà các gia đình hay tập trung nhất là cái bếp, và bây giờ ở các vùng đồng bào thiểu số cũng thế.
Bếp là nơi nấu nướng, nơi sum họp, nơi vui vầy, nơi uống rượu cần, nơi chuyện trò của mọi người vui vẻ với nhau, cho nên có vị thần trông coi nơi bếp núc đó.
Như vậy là có cả thảy 3 vị – hai ông một bà. Thế cho nên là cái ngày 23 tháng Chạp là ngày các ông bà táo lên trên Thiên Đình báo cáo về việc trần gian, nhất là về gia đình mà các ông bà Táo đó phụ trách. Cho nên mọi người lấy ngày 23 Tết làm ngày Tết ông Táo."
“Người ta không mua chim, người ta không mua cái gì khác mà người ta lại mua cá để cho ông Táo lên trời. Ấy chính vì con cá chép là cá hóa long mà người ta gọi là cá hóa rồng đấy. Hàng năm con cá đấy đến Long Môn, con nào mà nhảy được qua 3 cái thác nước thì tự khắc trở thành rồng. Thế cho nên ngày xưa ai mà thi đỗ thì cũng gọi là cá hóa rồng là như vậy.
Cho nên ở các nơi thờ tự như Văn Miếu thì đều đắp hình ảnh con cá vượt cửa Vũ Môn hay cửa Long Môn, thì tức là con cá chép coi như chuẩn bị thành rồng. Táo Quân là quan cho nên không thể cưỡi rồng được, chỉ có Vua mới cưỡi rồng cho nên chắc là người ta dùng hình ảnh cá chép để nói lên rằng cá chép là con vật thần thoại có thể bay lên trời được".
Chúc Tết
Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc cũng gởi đến quý thính giả của Đài lời chúc đầu năm :
xin chúc các vị nghe Đài một năm mới tốt đẹp, an khang, thịnh vượng, và đạt nhiều thành tựu trong cuộc sống.
Cụ Nguyễn Vĩnh Phúc“Tôi là người Hà Nội, được bạn Quỳnh Như thay mặt cho Đài phỏng vấn một số vấn đề về tục lệ cổ của người Việt chúng ta trong dịp Xuân Mới. Tôi rất lấy làm vui và hân hạnh được đem tiếng nói của mình gởi đến đồng bào xa xứ để gợi nhớ lại một số những kỷ niệm và ký ức mà quý vị còn lưu giữ trong tiềm thức.Tôi xin chúc các vị nghe Đài một năm mới tốt đẹp, an khang, thịnh vượng, và đạt nhiều thành tựu trong cuộc sống.”
Xin cảm ơn bác Phúc đã dành thời giờ quý báu cung cấp cho quý thính giả của Đài những thông tin vô cùng bổ ích và lý thú. Nhân dịp Xuân về Quỳnh Như xin thay mặt cho Ban Việt ngữ của Đài Á Châu Tự Do kính chúc bác và gia quyến được dồi dào sức khoẻ và hạnh phúc!
No comments:
Post a Comment