Monday, February 28, 2011

TS.MAI THANH TRUYẾT * MÔI TRƯỜNG


Phỏng Vấn TS. Mai Thanh Truyết Về Những Vấn Đề Môi Trường VN

Thanh Phong/Viễn Đông thực hiện


LITTLE SAIGON. Một trong những diễn gỉa của mục Vận Nước – Lòng Dân xuất hiện trên nhật báo Viễn Đông mỗi Thứ Bảy và Chủ Nhật bắt đầu từ ngày 29.1.2011 có TS. Mai Thanh Truyết, nguyên Giảng sư, Trưởng Ban Hóa Học, Đại Học Sư Phạm Sàigòn, Giám Đốc Học Vụ, Viện Đại Học Cao Đài, Tây Ninh Việt Nam; Nghiên cứu cho chương trình thuộc Viện Y Tế Quốc Gia của Đại Học Y Khoa Minnesota; Giảng dạy Hóa Học Đại Cương tại King College, Fresno, CA; Giám Đốc Phòng Thí Nghiệm và Giám Đốc Xử Lý Phế Thải, Chemical Waste Management, Kettleman City, CA.

Hiện tại ông đang giữ chức vụ Giám Đốc nhà máy xử lý nước thải (Leachate Treatment Plant) SCS/BKK, West Covina, CA – Giám Đốc Kỹ Thuật, Environment Conultant Services, LA. Ông cũng đồng thời là Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị Hội Khoa Học & Kỹ Thuật VN tại Hoa Kỳ (VAST) và Đệ Nhất Phó Chủ Tịch Đại Việt Quốc Dân Đảng.

Nhân dịp ông sắp ra mắt sách “Những Vấn Đề Môi Trường Việt Nam”, vào lúc 2 giờ chiều Thứ Bảy 19.2.2011 tại nhật báo Người Việt. TS. Mai Thanh Truyết đã dành cho Phóng viên Viễn Đông cuộc phỏng vấn vào chiều ngày 14.2.2011:

Viễn Đông: Qua nhiều năm giảng dạy cũng như nghiên cứu và hiện nay đang làm việc trong lãnh vực chuyên môn, xin Tiến sĩ Truyết cho biết vấn đề môi trường, đặc biệt những vấn đề môi trường Việt Nam quan trọng như thế nào?

TS. Mai Thanh Truyết: Ngày hôm nay đã đến lúc trái đất của chúng ta không còn tự điều tiết nữa để có thể ứng hợp với sự khai thác qúa độ của con người.Và hôm nay, con người càng đi gần đến chỗ bế tắc hơn nữa khi tìm cách giải quyết những vấn nạn môi sinh do chính con người tạo ra: Không khí bị ô nhiễm đến mức báo động, nguồn nước sinh hoạt bắt đầu cạn kiệt về lượng, cũng không còn trong lành về phẩm như trước kia nữa.

Con người bị bao vây từ trên vùng trời, dưới đất và ngay cả trong lòng đất, nguồn nước ngầm đã bị ô nhiễm cũng như mức độ ô nhiễm ở các đại dương tăng nhanh, làm nguồn lương thực như cá tôm bị nhiễm độc và số lượng sinh vật bị tiệt chủng tăng dần.

Riêng tại Việt Nam, sự ô nhiễm môi trường còn tệ hại hơn nhiều, ngoài những ô nhiễm như vừa kể, đồng bào trong nước đang phải sống với sự ô nhiễm arsenic, ô nhiễm vì rác, ô nhiễm vì nhập cảng phế thải độc hại vào Việt Nam, và nhiều thứ khác nữa khiến sức khỏe của người dân trong nước đang bị đe dọa trầm trọng, và đó là mối quan tâm của những ai còn có một chút lương tri với tương lai dân tộc của mình.


Viễn Đông: So với các thế kỷ trước, hiện nay rất nhiều chứng bệnh nan y như bệnh ung thư chẳng hạn xuất hiện gây tử vong cho nhân loại. Phải chăng một phần do ô nhiễm môi trường gây ra?

TS. Mai Thanh Truyết: Đúng vậy! Ngày xưa khi khoa học chưa phát triển nhiều và con người có một hiểu biết rất hạn chế, thiên nhiên vẫn ưu đãi và tạo dựng cho đời sống an lành; số mầm bệnh không nhiều so với hiện tại. Những mầm bệnh mới, nhất là ung thư mới chỉ xuất hiện trong vài chục năm trở lại đây.

Đó chính là sản phẩm của các hóa chất độc hại xâm nhập cơ thể con người, tao ra những biến đổi gen không kiểm soát được; trong khi Thiên nhiên đã vận hành tuần hoàn, có chu kỳ thời tiết nắùng mưa, bão lụt cho từngkhu vực, nhưng con người lai muốn chiến thắng thiên nhiên, làm đảo lộn các chu kỳ trên một cách không kiểm soát nổi để mong thỏa mãn lòng kiêu hãnh của mình.


Nhưng thực tế cho thấy, con người không thể thắng được Đấng Tạo Hóa.


Viễn Đông: Một trong những môi trường độc hại và nguy hiểm nhất là hóa chất. Tiến sĩ đã từng mang các loại nước từ nhiều vùng tại Việt Nam sang Hoa Kỳ thử nghiệm, ông thấy việc sử dụng hóa chất ở Việt Nam tai hại như thế nào?

TS. Truyết: Theo báo cáo của Viện Nghiên Cưú Chulabhorn (Thái Lan) và Sở Khoa Học Công Nghệ Môi Trường Hà Nội vào năm 2003 cho thấy, mỗi năm Việt Nam sử dụng đến 9 triệu tấn hóa chất thuộc 500 loại khác nhau.

Tuy nhiên, chỉ có 70-75% các loại hóa chất này được xác định với tên chính xác, còn lại là những hóa chất không rõ xuất xứ. Riêng về loại hóa chất bảo vệ thực vật có trên 200 loại dưới 700 nhãn hiệu khác nhau và có vô số hóa chất không tên, không nêu xuất xứ vẫn được lưu hành rộng rãi trên thị trường, và càng ngày Việt Nam càng sử dụng nhiều hóa chất hơn.

Khoa học đã chứng minh rất rõ ràng, các loai thuốc bảo vệ thực vật dù dưới dạng hữu cơ chứa chlor hay phosphate, đều là những hóa chất độc hại làm ô nhiễm môi trường.

Người Việt Nam dùng hóa chất bừa bãi, điển hình như các loại thuốc trừ sâu như Aldrin, Dieldrin, DDT (các loại này đã bị cấm sản xuất và sử dụng ơ các nước hậu kỹ nghệ) nhưng Việt Nam vẫn nhập cảng.

Ngoài ra Việt Nam còn bị ô nhiễm dầu, kim loại nặng như chì, thủy ngân, cadmium, chrome, mangan …

Việt Nam cũng dùng rất nhiều hóa chất trong các loại thực phẩm v.v..khiến nguồn nước bị ô nhiểm, thực phẩm ô nhiễm, không khí ô nhiễm.

Đó là nguyên nhân của rất nhiều “bệnh lạ” xảy ra trong nước như dị hình dị dạng, liệt cơ thể, hệ thần kinh hoạt động không bình thường, bào thai thiếu một bộ phận trong cơ thể, hệ thống nội tiết bị đảo lộn v.v..

Nếu chỉ số DO (chỉ dấu oxy hòa tan) giảm xuống dưới 3,5 cá, tôm không thể sống được.

Lượng E-coli, vi khuẩn gây bệnh đường ruột và có thể làm tử vong nếu không cưú cấp kịp thời.

Trong khi tiêu chuẩn cho nước sinh hoạt ở Hoa Kỳ là 23MPN/100ml thì tại Kinh Nhiêu Lộc ở Việt Nam, Lượng E-coli tăng trung bình từ 14.000 đến 480.000MPN/100ml.


Viễn Đông:Việt Nam hiện đang phải nhập cảng rất nhiều phế liệu từ nước ngoài để tái sử dụng, biến chế thành nguyên vật liệu.Tiến sĩ nghĩ sao về vấn đề này?

TS. Truyết: Việc nhập cảng các phế liệu để tái chế thành nguyên liệu là một kỹ nghệ không nhỏ ở Việt Nam, nhất là tại các thành phố lớn, những phế phẩm đó gồm giấy vụn, carton, nhựa dẻo, bao nylon, chai nhựa , đồ thủy tinh đã dùng qua và các thiết bị cũ như máy in, máy truyền hình, máy điện toán v.v..ngày càng được nhập vào Việt Nam và dĩ nhiên gây ô nhiễm môi trường vô cùng tai hại.


Viễn Đông: Gần đây bộ phim 2012 do Roland Emmerich đạo diễn và Công ty Columbia Film phát hành, được chiếu ở nhiều nơi trên thế giới.

Bộ phim này có thể coi là một lời cảnh báo về Đại họa, hay Tận Thế vào năm 2012.

Bộ phim cho thấy, vào ngày 21.12.2012 các thiên thể trong hệ mặt trời cùng tập hợp thành hàng ngang, tạo nên những tia bức xạ ngắn trong ánh nắng của mặt trời và khiến gây nên cảnh hỗn loạn trên trái đất, trong đó động đất, sóng thần kinh hoàng xẩy ra. Là một nhà nghiên cứu về môi sinh. Tiến sĩ Truyết nghĩ gì về lời cảnh báo này?

TS. Truyết: Không ai có thể biết trước ngày Tận thế, nhưng thực tế cho thấy, cuộc sống con người rất mong manh, chúng ta có thể chết bất cứ giờ phút nào, không nhất thiết phải đến ngày 21.12.2012 như cuốn phim mô tả.

Một khi mỗi người ý thức rõ sự vô thường của cuộc sống thì chúng ta sẽ biết qúy trọng từng phút, từng giây của sự sống, và làm mọi cách có thể làm được để môi trường sống của chúng ta lành mạnh.

Có lẽ đó cũng là mục đích người làm cuốn phim này muốn nhắn gửi nhân loại.

Viễn Đông: Cám ơn TS. Mai Thanh Truyết.

TS. Truyết: Chân thành cám ơn nhật báo Viễn Đông./

*********

TS Mai Thanh Truyết đặt vấn đề “tâm và đức” với hội VABA và doanh gia David Dương

°ĐOÀN TRỌNG

LTS: Tiến sĩ Mai Thanh Truyết thường xuyên có mặt tại các sinh hoạt quan trọng trong công đồng. Trước năm 1975, ông từng du học tại Pháp, ngành hóa học hữu cơ cơ cấu, và trở thành tiến sĩ về làm việc tại Việt Nam. Ông đến Hoa kỳ vào năm 1983, theo diện thuyền nhân. Hiện nay, ông đang đảm nhiệm chức vụ phó chủ tịch đảng chính trị Đại Việt Quốc Dân Đảng. Nhân dịp sắp ra mắt sách “Những Vấn Đề Môi Trường Việt Nam,” thứ Bảy, 19 tháng 2 năm 2011, ông đã dành cho Việt Weekly buổi tiếp xúc, nội dung được ghi lại dưới đây.

VW: Tiến sĩ Mai Thanh Truyết cho biết về môi trường Việt Nam hiện nay?

Tiến sĩ Mai Thanh Truyết (MTT): Vào ngày 19, tôi sẽ ra mắt cuốn sách viết về “Những Vấn Đề Môi Trường Việt Nam,” tập trung vào các khía cạnh môi trường tại Việt Nam sau năm 1986, đồng thời nêu ra những đề nghị về hướng giải quyết những trở ngại còn đang vướng mắc.

VW: Tiến sĩ cho biết về những kinh nghiệm đã có được về môi trường trong thời gian trước đây?

MTT: Đây cũng là một cơ duyên tôi có những kinh nghiệm thu được qua việc làm, nhất là về vấn đề rác trước năm 1975. Năm 1973, khi trở lại Việt Nam sau những tháng ngày dài du học tại Pháp, tôi cùng dân biểu Nhữ Văn Úy làm ra một dự án về xử lý bãi rác để biến thành rác compost tại Hóc Môn. Dự án chúng tôi đệ trình đã trở thành việc làm của công ty Đông Thạnh tại Saigon trong thời kỳ cộng sản chiếm đóng sau năm 1975.

VW: Như vậy tiến sĩ đã góp tay dọn dẹp rác làm sạch môi trường vào thời điểm trước năm 1975 tại Việt Nam?

MTT: Ngay trong thời giam bị cầm tù sau 75, cá nhân tôi cũng đã gợi ý về vấn đề môi trường chung về nước, đất và rác. Khi qua Mỹ, sau thời gian thực tập hậu tiến sĩ về hóa học và sinh vật học, tôi được làm việc trong công ty rác, có thể nói lớn nhất nước Mỹ đó là Waste Management, phụ trách phần xử lý các rác phần thể lỏng, rắn và trông coi phòng hóa chất công ty kể từ năm 1987. Đặc biệt, tôi đã phụ trách để công ty mở thêm công ty phụ trách phần xử lý rác và đã điều hành gần 20 năm qua tại West Covina.

VW: Ông làm việc và sống tại Mỹ, làm thế nào ông theo dõi cụ thể, thực tế những vấn đề rác, môi trường tại Việt Nam hiện nay?

MTT: Ngay từ những thời điểm đầu thập niên 1990, khi làm việc trong lãnh vực môi trường, tôi đã từng lục lọi, tìm hiểu những luật lệ về EPA (cơ quan bảo vệ môi trường). Môi trường là một trong những vấn đề cốt lõi cho việc phát triển Việt Nam, song song với giáo dục và y tế. Chính vì lý do đó, hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam dành mọi nỗ lực tập trung nghiên cứu vào ba lãnh vực trên. Nhờ vậy, tôi thâu nhập được những gì gọi là cải thiện môi trường tại Việt Nam hiện nay và đang tiến hành như thế nào. Từ đó, nhắm vào những gì có thể đóng góp được cho người dân Việt Nam trong những tháng ngày sắp đến.

VW: Tại Saigon, một công ty đang phụ trách phần xử lý và chế biến rác do một doanh nhân người Mỹ gốc Việt làm chủ, ông David Dương, còn đảm nhiệm chức chủ tịch Hiệp Hội Doanh Gia gốc Việt gọi tắt là VABA. Tiến sĩ có khi nào theo dõi công việc làm của công ty do ông David Dương phụ trách tại Việt Nam không?

MTT: Mới đây, do tình cờ có gặp ông David Dương, tại đài VHN trong chương trình “Meet Press,” do ông Trần Văn Chi phụ trách. Trong quá khứ, tôi đã đọc dự án của ông David Dương về rác tại Saigon vào năm 2005. Tôi cũng có nhiều bài viết về vấn đề này. Đặc biệt trong sách “Những Vấn Đề Môi Trường Việt Nam,” tôi đã cố dành nguyên một chương (Chương 11), để trình bày về công ty đa hợp Đa Phước do ông David Dương làm tổng công trình sư.

VW: Là người quan tâm đến môi trường xử lý rác tại Việt Nam, ông đã biết việc thành lập công ty Đa Phước từ năm 2005. Có khi nào ông liên lạc cùng công ty Đa Phước để cùng trao đổi hoặc xa hơn có thể làm việc với công ty này nhằm mục đích phát triển, bảo vệ môi trường cho người dân Việt, nhất là tại vùng Hóc Môn, Củ Chi quê hương của ông?

MTT: Cám ơn anh về câu hỏi này. Đó cũng là một vấn đề của chúng tôi. Trong giai đoạn này, rất nhiều chuyên viên khoa học kỹ thuật đặc biệt trong nghành rác như Tiến sĩ Lê Thị Lan, một trong tổng công trình sư bãi rác Đông Thạnh đã qua đây trao đổi cùng chúng tôi về một vài kỹ thuật và một vài khuyến cáo, đồng thời mời mọc chúng tôi góp ý. Chúng tôi đã trả lời rất thẳng thắn, vấn đề rác rến của Việt Nam đã xảy ra trên 20 năm nay, thực tế đã gây ảnh hưởng lớn đến vệ sinh an toàn cho người dân. Là người Việt chúng tôi rất quan tâm, tuy nhiên thiết nghĩ chỉ có thể đóng góp hoặc cố vấn một số kỹ thuật, với tư cách cá nhân. Vì trong điều kiện hiện nay chúng tôi nhận thấy sự kiện chính trị giữa Việt Nam và người Việt hải ngoại chưa thuận tiện để phối hợp và đóng góp.

VW: Vấn đề Việt Nam đã trải qua gần 36 năm. Lẽ dĩ nhiên phần lớn đều tôn trọng quan điểm chính trị của từng cá nhân, đảng phái, tổ chức. Nếu một mai kia có những thảm cảnh dịch xảy ra tại Việt Nam, do hậu quả không làm tròn việc xử lý rác gây ô nhiễm môi trường. Với trình độ giáo dục cao, ông có thấy trách nhiệm về sự thiếu sót khi làm ngơ trước sự việc đã xảy ra, gây những hậu quả nghiêm trọng cho người dân và những chỉ trích đến từ công luận quốc tế không?

MTT: Lẽ dĩ nhiên trách nhiệm tôi đã đặt ra trước đây, bằng cớ tôi đã tập trung vào những vấn đề môi trường tại Việt Nam trên 20 năm nay. Sỡ dĩ tôi chưa thấy hướng để tìm được sự hợp tác cụ thể cùng Việt Nam hiện nay. Thứ nhất Việt Nam, dù chưa đề cập đến cơ chế, não trạng, chỉ đơn thuần điều kiện làm việc chưa được trong suốt để thực hiện cuộc trao đổi về thuần túy kỹ thuật, nhằm mục đích đem lại phúc lợi cho người dân.

Chính vấn đề này đã làm ray rứt không ít trong tôi. Tuy nhiên, việc trọng tâm chuyển tải những tin tức qua báo chí, internet, paltalk nhằm hy vọng người dân và giới hữu trách tại Việt Nam nắm bắt rõ được vấn đề luôn đã xảy ra ngay cả những trao đổi trên tư cách cá nhân với những nhà khoa học tại Việt Nam, từ đó họ có thể chuyển đổi một số suy nghĩ của nhà cầm quyền cộng sản hiện tại.

VW: Đối với công ty Đa Phước do ông David Dương đang điều hành tại Việt Nam, ông có điều gì muốn nói không?

MTT: Khi tôi thấy được dự án do công ty liên hợp Đa Phước của ông David Dương đệ trình tại Việt Nam từ năm 2005, tức thời cá nhân tôi đã viết vài bài phân tích vấn đề đó. Việc công ty Đa Phước cho rằng đầu tư phối hợp với ủy ban nhân dân thành phố Saigon để thành lập công ty liên hợp, điều này cho thấy có nhiều nhà máy sẽ xây dựng.

Đầu tiên sẽ là nhà máy thu lượm rác gồm những rác thủy tinh, carton, túi nylon, rác hữu cơ rồi sau đó được tái chế qua các nhà máy, đặc biệt có cả nhà máy biến chế thành compost nhằm xuất cảng qua các nước Đông Nam Á, sau đó thiết lập một bãi rác theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ, có nghĩa là có tối thiểu 5 hoặc 7 những tầng lớp để ngăn chận nước rỉ nhập vào hệ thống nước ngầm, đồng thời xây dựng những giếng quan trắc để hút những nước rỉ đưa vào nhà máy chánh gọi là nhà máy xử lý nước thải, để biến nước thải dơ thành những nước sử dụng trong việc tưới tiêu. Ngoài ra, khí methane do các bãi rác đưa ra thành những nguồn năng lượng như điện cho nhà máy. Đó là những chu trình chính xử lý nước thải tại Hoa Kỳ.

VW: Theo ông, dân chúng Saigon hưởng được những gì tích cực hay gánh chịu những tiêu cực từ công ty Đa Phước?

MTT: Theo như dự án này, vào tháng 10 năm 2007, công ty Đa Phước phải hoàn toàn khánh thành những dự án này, dĩ nhiên trong suốt thời gian xây dựng công ty được trưng dụng đất đai, nhà đất bà con nông dân trong khu vực Bình Chánh. Diện tích này lên đến 20 mẫu đất, tương đương với 44 acres tại Mỹ. Ngay ngày khai trương, nếu chúng tôi nhớ không lầm xảy ra vào tháng 11 năm 2007, chủ tịch Lê Thanh Hải đã tuyên bố, từ đây thành phố chúng ta sẽ không còn giải quyết các vấn đề về rác nữa.

Nhưng sự thật lời nói này hoàn toàn láo khoét không phù hợp với thực tế. Chính năm 2009, một ủy ban thuộc sở nghiên cứu môi trường và ủy ban nhân dân thành phố đã đặt vấn đề cùng ông David Dương, trong đó nêu lên gần 20 các hạng mục các công trình ông David Dương không thực hiện. Các bãi rác trong khu liên hợp Đa Phước chỉ có một bãi rác duy nhất, có một lớp nylon HDPE được dùng để chứa rác, và bãi rác lộ thiên không có vấn đề xử lý nước rỉ nên nước đã rỉ ra đồng, do đó xảy ra sự kiện xe rác bị dân chúng chận nhiều lần khi làm việc. Các kênh rạch kề cận hoàn toàn bị hủy diệt. Chúng tôi có video dẫn chứng từ phòng họp thành phố Saigon do người bạn từ Saigon mang qua, sẽ phổ biến khi có dịp.

VW: Thời gian từ năm 2007 đến nay đã gần 4 năm, ông có ghi nhận những công trình hoạt động cải thiện những thiếu sót của công ty Đa Phước không?

MTT: Hoan toàn không, tính từ buổi họp năm 2009. Tin tức gần đây nhất, tôi viết vào tháng 6 năm 2010, tất cả những sự kiện vẫn là “vũ như cẩn” vẫn như cũ. Hiện tượng xe đổ rác chảy nước từ đầu đường vào khu trung tâm hơn 1 cây số. Sự kiện dân chúng chung quanh hứng chịu mùi hôi thúi vẫn kéo dài liên tục suốt 24 tiếng đồng hồ.

Hệ thống nước ngầm ở khu vực này bơm dành cho sinh hoạt người dân trong gia đình đã bị ô nhiễm. Mặc dầu, tôi không có điều kiện đo đạc mực độ ô nhiễm, tuy nhiên theo báo chí tại Saigon, mức ô nhiễm như manganese, sắt, một số có hóa chất bảo vệ thực vật nằm trong nước sinh hoạt đi vào gia đình. Điều này chứng tỏ chung quanh khu vực khu Gò Cát, khu vực Đa Phước, mạch nước ngầm được dân chúng sử dụng sinh hoạt đều bị nhiễm độc.

VW: Ông có ghi nhận những phản ứng tiêu cực của công ty Đa Phước từ phía dân chúng, báo chí, và giới chức cầm quyền không?

MTT: Rõ ràng qua buổi điều trần vào tháng 10 năm 2010 cho thấy, sở môi trường của thành phố Saigon đặt vấn đề rất rõ và những đại biểu của hội đồng nhân dân thành phố Saigon đều đặt vấn đề rất rõ với ông David Dương, nhưng ông Dương trước buổi điều trần chỉ đưa ra những lời hứa. Tuy nhiên, đằng sau những lời hứa đó công việc xảy ra như thế nào, chỉ là câu hỏi? Tuy nhiên, chỉ có công ty Đa Phước hàng ngày vẫn đi nhận trên 3,000 tấn rác, vẫn như thường lệ.

VW: Thái độ báo chí Saigon như thế nào?

MTT: Báo chí Saigon đặt vấn đề rất nhiều. Trong một video clip tôi có được, chính một đại diện báo chí nêu vấn đề, đồng thời đưa ra bằng chứng về hiện tượng ô nhiễm tại Đa Phước làm cây cỏ chung quanh, nước trong vùng và những đồ vật sử dụng trong nhà ngay cả các máy TV, radio đều bị hiện tượng rỉ sét và thời gian tồn tại chỉ có vài tháng mà thôi. Tôi coi đó là những phản ứng tích cực từ phía quần chúng, dù chính quyền đến hôm nay vẫn giữ thái độ im lặng. Có thể trong thời kỳ đại hội đảng họ chỉ tập trung vào việc củng cố vững chắc chiếc ghế họ đang nắm giữ.

VW: Nếu ảnh hưởng trực tiếp đến dân chúng trong vùng, ông có ghi nhận những phản ứng chống đối từ phía dân chúng tại khu vự Đa Phước không?

MTT: Thưa có. Rất nhiều lần dân bỏ ra đường những thùng phi làm chướng ngại cản trở những đợt xe tải rác của công ty Đa Phước khi di chuyển qua khu vực sinh sống của họ. Nhưng rất tiếc bộ phận công an và chính quyền tại địa phương đã tiếp tay giải tán, dẹp bỏ những chống đối từ phía người dân.

VW: Nếu có điều kiện ông sẽ làm gì?

MTT: Chuyện công ty Đa Phước chỉ là một trong những trường hợp điển hình. Nếu chúng ta thay đổi Đa Phước bằng những Cần Thơ, Nha Trang... sự kiện xảy ra các nơi đó cũng như tại Đa Phước chúng ta đang bàn đến. Tôi nghĩ rằng khi cuốn sách của tôi công khai phát hành, hy vọng những người tại Việt Nam có lưu tâm nhận được sự chuyển tải tư liệu này theo đường dây riêng, nắm bắt được vấn đề, thế nào cũng có những chuyển hướng tích cực, dù trong bước đầu có những khó khăn cho giới lãnh đạo phải lưu tâm đến đời sống an toàn vệ sinh cho người dân. Đây chính là điểm trọng yếu cho việc phát triển Việt Nam trong tương lai.

VW: Về hội VABA đã nói rằng luôn lắng nghe những đóng góp của người Việt hải ngọai, đặc biệt trong giới doanh thương. Là người nắm bắt nhiều về rác, ông muốn nói gì cùng ông David Dương?

MTT: Đối với ông David Dương cũng như các doanh thương của VABA, tôi cho rằng việc làm này là của cá nhân của ông ta. Tôi thiết nghĩ bất cứ làm công việc gì, vấn đề lợi nhuận kinh tế vẫn là chủ trương hàng đầu. Tuy nhiên, hy vọng tất cả đều chú trọng vào tâm, đức. Tâm lành làm việc tốt chứ không phải việc mượn đầu heo nấu cháo.

VW: Ông đưa ra những lời cụ thể hơn được không?

MTT: Chúng tôi nói thẳng, dự án có gần chục nhà máy. Công ty Đa Phước dự phần cho chi phí gần $200 triệu dollars. Việc công ty Đa Phước đã hoạt động thâu hồi rác từ năm 2007 đến bây giờ nhưng chưa thiết lập được một nhà máy xử lý tối thiểu nước rỉ, nếu không nước rỉ sẽ tràn vào sông rạch, thấm vào mạch nước ngầm. Điều này là việc làm vô ý thức dù hoàn toàn vô chính trị, tuy nhiên không bình ổn với một con người, dù là một thương gia. Tối thiểu cơ chế để xây dựng một bãi rác, việc đầu tiên phải là hệ thống thu hồi nước rỉ.

Vì bãi rác chỉ cần động lại trong vài ngày là sẽ có hàng trăm phản ứng trong rác xảy ra và sẽ tạo ra nước rỉ. Tránh việc tràn ra sông rạch và thâm nhập nước ngầm như hiện tượng đang xảy ra tại công ty Đa Phước. Đó là niềm thao thức của chúng tôi những người tạm gọi là trí thức hải ngoại. Quá khứ cho thấy, Việt Nam đã nhận nhiều viện trợ từ Thụy Điển, Đan Mạch dành cho việc xử lý nước rỉ từ rác. Như bãi rác Đông Thạnh nhận được đến $32 triệu Mỹ kim nhưng chỉ hoạt động trong vòng vài 3 tuần lễ vào năm 2002. Thử hỏi số tiền đó đi về đâu? Xử lý nước rỉ lộ thiên qua việc bốc hơi bằng ánh sáng mặt trời, thật là một điều khó có thể nghĩ đến trên bình diện khoa học.

VW: Ngoài việc giải quyết nước rỉ, ông còn quan tâm đến điều gì nữa không?

MTT: Ngoài xử lý nước rỉ, cần nghĩ đến vấn đề mùi hôi và khí metal bốc ra.

VW: Hai vấn đề này, công ty Đa Phước đã đạt tiêu chuẩn đề ra chưa?

MTT: Hoàn toàn không vì người dân chung quanh khu vực vẫn bị ngửi mùi ô uế bốc ra từ đây. Các bãi rác tại Mỹ, nếu có cơ hội anh thăm viếng, không một mùi ô uế nào bốc ra cả.

VW: Ông so sánh các bãi rác tại Mỹ và các bãi rác tại Việt Nam có công bằng không?

MTT: Dù Việt Nam hay Hoa Kỳ vấn đề xử lý rác chẳng có gì là khác biệt, việc này không đòi hỏi các kỹ thuật cao siêu như chúng ta nghĩ, việc này đã trở thành thông thường trên các quốc gia trên thế giới. Điểm chính là có quan tâm để bảo vệ an toàn vệ sinh cho người dân hay không mà thôi. Như tôi đã đích thân xây dựng nhà máy xử lý nước rỉ ngày nay tôi đang làm việc. Thời gian xây dựng chỉ 3 năm và tổn phí chỉ có $5 triệu Mỹ kim, vào thời điểm 1986. Hiện nay với số lượng nhân viên làm việc điều hành nhà máy chỉ lên đến 10 người mà thôi.

Với kiến thức của tôi, con số rò rỉ nước rỉ từ công ty Đa Phước hiện nay có thể lên đến triệu gallons mỗi ngày. Vấn đề rò rỉ này không đòi hỏi trình độ của một tiến sĩ để nắm bắt, ai cũng có khả năng làm được. Vấn đề chính vẫn là muốn làm hay không? Dĩ nhiên các sinh hoạt lớn bé đều cần đặt nặng vấn đề tài chánh. Theo tôi, việc xây dựng nhà máy xử lý nước rỉ của Đa Phước không ngoài khả năng tầm tay của họ.

VW: Ông muốn nói gì với nhà cầm quyền Việt Nam ngày nay?

MTT: Đã 20 năm nay, tôi đã đề cập dù gián tiếp, tương lai Việt Nam hoàn toàn không lệ thuộc vào các sân golf được mọc lên, hay các khách sạn xa hoa, không phải đo được do ngân sách quốc gia càng ngày càng tăng. Điều kiện sinh sống của 80 triệu người Việt Nam bao gồm các lãnh vực y tế công cộng, giáo dục, môi trường cần được ưu tiên giải quyết. Nếu những người cộng sản muốn có tầm nhìn xa họ phải nhận thức vấn đề này.

VW: Cám ơn tiến sĩ Mai Thanh Truyết về những trao đổi hôm nay.

--

No comments: