Tuesday, February 1, 2011

TIN QUỐC TẾ * TẾT TÂN MÃO HẢI NGOẠI



Chủ nhật 30 Tháng Giêng 2011
Người Việt ở Paris rộn ràng chuẩn bị đón Tết Tân Mão
Anh Vũ

Lại thêm một cái Tết cổ truyền nữa đến với cộng đồng người Việt trên đất Pháp, Tết Tân Mão. Không khí Tết chộn rộn đã bắt đầu lan tỏa trong những người Việt Nam sống xa quê hương. Bà con người Việt ở Paris cũng như ở nhiều địa phương khác ở Pháp đang hối hả tổ chức các hoạt động đón xuân Tân Mão.

Trên khu chợ châu Á ở quận 13 Paris lúc này, không khí mua sắm đón xuân cũng náo nhiệt tấp nập chẳng kém gì quê nhà. Hoa đào, hoa mai, cây quất, bánh chưng bánh tét, củ kiệu dưa hành, các loại mứt kẹo và món ăn truyền thống ngày Tết được bày bán khắp nơi trong các khu chợ châu Á. Trong lúc các bà các chị nội chợ đang đổ xô đi chợ tết chuẩn bị cho từng gia đình một cái Tết xum vầy ấm cúng thì rất nhiều các hội đoàn khác của người Việt cũng đang tất bật chuẩn bị các chương trình đón xuân cho cộng đồng.

Cũng giống như mọi năm, đốt pháo, múa lân, hội chợ đầu xuân và chương trình văn nghệ là những họat động không thể thiếu trong ngày lễ hội đón Tết của người Việt hải ngoại. Tại Paris và các vùng phụ cận, hàng chục chương trình đón Tết Tân Mão đang được nhiều hội đoàn, hay các nhóm cộng đồng của người Việt tích cực chuẩn bị trong không khí háo hức đón chờ ngày lễ hội truyền thống.

Những ngày cuối năm âm lịch này, nếu không khí Tết ở chợ châu Á náo nhiệt ồn ào náo nhiệt, kẻ mua người sắm, thì đến các ngôi chùa Việt tuy tĩnh lặng nhưng sự chuẩn bị đón xuân lại diễn ra thật ấm cúng và gần gũi với quê nhà hơn. Chúng tôi đã tìm đến « Thiền đường hơi thở nhẹ », một ngôi chùa nhỏ của người Việt ở Noisy

Le Grand, nằm ở ngọai ô phía tây nam thủ đô Paris. Tại đây những phật tử của Thiền đường đang tất bật chuẩn bị cho bà con người Việt sinh sống quanh vùng được đón một cái tết thật ý nghĩa. Bà Bảo Nguyện, một phật tử giới thiệu hội thi gói và nấu bánh chưng tại « Thiền đường hơi thở nhẹ » :


Bà Bảo Nguyện- Noisy le Grand
30/01/2011

Không chỉ có người Việt mà người dân Pháp trong địa phương cũng náo nức với cái Tết Việt Nam. Truyền thống Tết Việt Nam đã trở thành một nét văn hóa đẹp cuốn hút người dân bản xứ. Nhìn cảnh người Pháp vui xuân đón tết cùng người Việt hàng năm, bà Bảo Nguyện không khỏi cảm thấy rất vui và tự hào về một nét văn hóa Việt không những được duy trì mà còn chinh phục được người dân bản xứ :


Bà Bảo Nguyện
30/01/2011

Như mọi người đều biết, ở Paris có hàng trăm hội đoàn của người Việt. Mỗi năm cứ đến Tết, lại là dịp để các tổ chức cộng đồng này cùng nhau gặp gỡ giao lưu với nhau qua những họat động lễ hội. Một trong những hội đoàn tổ chức các họat động đón Têt Nguyên đán thường xuyên và khá đông đủ đó là Tổng hội sinh Viên Paris. Năm nay Tổng hội sinh viên Paris tổ chức hội tết muộn một tuần, đó là để dành những ngày đầu năm mới cho các gia đình. Tết Tổng Hội Sinh Viên Paris đã có truyền thống từ lâu nay nên Tết năm nào cũng rất đông và chương trình diễn ra rất phong phú.

Anh Đặng Quốc Nam, chủ tịch Tổng hội sinh viên Paris cho biết trong phần biểu diễn văn nghệ năm nay, các anh chị em trong Tổng hội sinh viên sẽ dàn dựng một màn nhạc kịch quy mô được thể hiện qua các loại hình nghệ thuật truyền thống như cải lương, hát bội múa dân gian nhằm nêu bật bản sắc văn hóa truyền thống của người Việt và sự hội nhập trong xã hội Pháp. Bên cạnh đó là các nội dung gợi lại lịch sử của dân tộc Việt Nam


Ô. Đặng Quốc Nam -Tổng hội sinh viên Paris
30/01/2011

qua các thời kỳ khác nhau. Một phần khác không thể thiếu được trong đêm hội đón xuân của Tổng hội sinh viên Paris đó là phần hội chợ với sự góp mặt giao lưu của rất nhiều nhân tài người gốc Việt trong nhiều lĩnh vực khác nhau ở Pháp. Bên cạnh đó là các gian trưng bày các sản phẩm thủ công truyền thống, hay giới thiệu các món ăn ngon của người Việt. Anh Đặng Quốc Nam cho biết :

Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc tới các sinh viên Việt Nam đang du học tại Pháp vào lúc này. Mỗi năm Tết về, có lẽ các sinh viên là những người mang tâm trạng nhớ quê nhà gia đình hơn cả. Ở Pháp sinh viên Việt Nam du học có một hội đoàn sinh họat riêng của mình là UEVF. Anh Võ Xuân Hoài, tổng thư ký của Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp :


Võ Xuân Hoài-Tổng thư ký UEVF
30/01/2011

Hơn 6 nghìn sinh viên Việt nam đang du học tại khắp các vùng ở Pháp cũng đang cố gắng tạo ra cho mình một cái tết vui tươi, đặc sắc và sinh viên. Có nơi các bạn tổ chức thi thố tài năng, trổ tài nấu nướng, hội diễn ca nhạc… Mỗi nơi một vẻ với sự sáng tạo khác nhau nhưng tựu trung đều muốn gặp gỡ cùng nhau để vơi đi nỗi nhớ quê nhà. Nhưng cũng có khi là một công đôi việc, giới thiệu cho bạn bè thới giới bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Đặc biệt, tại thủ đô Paris, chi hội sinh viên Việt Nam sẽ tổ chức cuộc thi hoa khôi sinh viên - “Miss Xuân 2011”. Đây là cơ hội để các bạn sinh viên Việt Nam giới thiệu nét đẹp duyên dáng của người con gái Việt Nam đến với bạn bè quốc tế và là một lời chào đầy ý nghĩa, của cộng đồng du học sinh Việt Nam tại Pháp. Anh Võ Xuân Hòai cho biết về các hoạt động của hội ở Paris:


Võ Xuân Hoài-UEVF
30/01/2011

Dù được tổ chức trước hay sau ngày đầu năm mới ít hôm, nhưng có lẽ cái ý nghĩa lớn nhất của việc tổ chức Tết truyền thống nhằm giúp bà con người Việt tại Pháp, nhất là những thế hệ thứ hai, thứ ba hiểu thêm về văn hoá quê hương, cội nguồn dân tộc. Tết Tân Mão đang đến rất gần, ở Paris cho dù lúc này đang là mùa đông, tiết trời vẫn còn rất lạnh nhưng không khí xuân ấm cúng và tươi mới đang vẫn đến với những người Việt Nam vì điều kiện khác nhau phải sống xa quê. Họ, những người Việt sống ở nơi phương xa, tết này sẽ lại có dịp gặp gỡ nhau đầu xuân, chúc nhau những lời tốt đẹp nhất đầu năm và nhất là để cùng nhau nhớ về truyền thống tốt đẹp cha ông.

http://www.viet.rfi.fr/cong-dong/20110130-nguoi-viet-o-paris-ron-rang-chuan-bi-don-tet-tan-mao





Người Việt tại Houston sửa soạn đón Tết
2011-01-29

Trong cái lạnh bất thường của mùa Đông nước Mỹ năm nay, Houston mưa nhiều hơn nắng.

Hình chụp từ youtube trên trang mạng Hào Khí Diên Hồng

Trung tâm Việt Mỹ tại Houston làm bánh chưng mừng năm mới Canh Dần 2010. (Hình có tính minh họa).

Thời tiết khác thường cộng thêm những mâu thuẫn đang xảy ra trong cộng đồng người Việt tha hương tại đây làm không khí Tết như có vị cay của mứt Gừng, có vị chua của mứt Quất. Dù vậy hầu như mọi người vẫn đang sửa soạn đón Xuân Tân Mão.

Gói bánh

Tại Trung Tâm Việt Mỹ vùng Tây Bắc Houston, trong khi một số vị cao niên đang tập dợt những bản nhạc Xuân thì các vị khác đang gói bánh chưng, bánh tét. Công việc gói bánh chưng tại đây chia ra từng khâu, như rửa và lau lá, gói bánh, rồi cột dây ... Chị Việt đang lau lá cho biết vì không biết gói bánh nên chị chỉ lo việc rửa và lau lá:

"Tôi lau lá làm bánh chưng, gói là do mấy bác bàn bên kia gói, người ta rành, người ta gói được còn tôi thì không rành nên không dám gói. Thời nhỏ tôi sống dưới quê thì ba mẹ tôi gần Tết thì gói bánh ít với bánh tét."

Mấy năm trước thì trung tâm còn tổ chức thi gói bánh chưng có thưởng cho các em nữa, nhưng năm nay mình gói bánh vào ngày thường nên các em bận đi học.

Ông Đỗ Vạn Thúy

Còn cô Ngọc thì chia sẻ là phụ giúp các bác lớn tuổi gói bánh chưng làm cô nhớ lại những ngày Tết ở quê nhà:

"Rất vui vì hương vị Tết trở lại với mình. Nhớ những kỷ niệm như cúng Giao Thừa, rồi ngày mùng một Tết, con cái mừng tuổi cha mẹ rồi được lì xì."

Bàn bên cạnh các bác lớn tuổi đang gói bánh giải thích cách gói:

"Tôi gói bánh chưng, một lớp gạo nếp, lớp đậu, rồi thịt, rồi đậu, rồi gạo nếp..."

Và khâu cuối của việc gói bánh là phần cột giây, bà Hương chia sẻ là bà đã làm việc này từ mấy năm nay tại trung tâm này:

"Tôi không biết gói nhưng mà chuyên môn cột bánh chưng. Người gói người cột thì mau."

Bà Ngọc Hương thì nói bánh Tét không có khuôn nên khó gói hơn bánh chưng và theo bà bánh ở đây rất ngon nhưng hơi tiếc là không có lá dong:

Bánh chưng của người Việt ở Mỹ. Photo courtesy ifood.tv
Bánh chưng của người Việt ở Mỹ. Photo courtesy ifood.tv

"Người miền Nam thì gói bánh tét nhiều hơn bánh chưng. Bánh tét hơi khó gói, bánh chưng thì có khuôn nhưng bánh tét thì phải người nào biết gói mới gói được. Bánh ở đây ngon hơn vì vật liệu đầy đủ hơn chỉ tiếc là không có lá dong, Cái cảnh ở đây rất là vui, có tính cách dân tộc, nghĩa là còn nhớ lại hình ảnh ngày xưa ở Việt Nam mình."

Giám đốc của trung tâm Việt Mỹ là ông Thúy, cho biết là những năm trước còn có cuộc thi gói bánh chưng cho giới trẻ, nhưng năm nay vì gói bánh vào ngày thường nên các em bận đi học, không tham gia được:

"Năm nào cũng phải làm vì đó là tập tục của mình. Lúc đầu chỉ có một, hai người biết gói thôi, sau đó thì họ chỉ cho nhau. Thấy cũng hay cũng vui. Mấy năm trước thì trung tâm còn tổ chức thi gói bánh chưng có thưởng cho các em nữa, nhưng năm nay mình gói bánh vào ngày thường nên các em bận đi học."

Dựng Nêu

Trong khi đó, ở phòng bên cạnh ông Phan Bang đang sửa soạn cây Nêu cho kịp ngày 23 tháng chạp để dựng lên:

"Cây nêu đầu tiên mình phải kiếm một cây tre thẳng cao chừng 20 mét. Mình chỉ chừa lá trên đọt thôi còn phần dưới thì phải lóc hết lá. Thời đại bây giờ tiến bộ hơn nên mình hơi chế biến một chút cho đẹp. Hồi xưa trên cây nêu người ta treo cái giỏ "mồm bò", trong đó họ để trầu cau đã têm rồi, một quả trứng luộc, một miếng thịt. Mục đích như là bữa tiệc để mời thần linh về chứng kiến. Ở đây mình dùng màu ngũ sắc cho đẹp, ngày xưa họ dùng chỉ ngũ sắc, nhưng chỉ thì nhỏ quá nên tôi phải dùng vải để thế ..."

Đi Hội Chợ Tết

tetcali1-250.jpg
Biểu diễn tại Hội chợ Xuân hàng năm tại Cali. Photo courtesy nuocviet.info.

Tại vùng Tây Nam Houston, nơi có rất đông người Việt cư ngụ không khí Tết cũng không kém phần nhộn nhịp. Nhiều nơi tổ chức Hội Chợ Tết để đồng hương đón Xuân với ca nhạc, múa lân, chợ Hoa, trò chơi ... Ông Vinh đang đưa gia đình đi Hội Chợ Tết do Tịnh xá Ngọc Nhẫn tổ chức cho biết lý do ông tham dự:

"Đem con cháu đi chợ Tết cho mấy đứa nhỏ biết không khí Tết của Việt Nam, chứ bên Mỹ này tụi nó không biết cái không khí đó thì cũng tội cho tụi nó. Văn hóa của mình thì mình phải giữ..."

Con gái của ông mới 6 tuổi cho biết là thích coi múa lân còn cháu của ông 8 tuổi thì thích chơi games.

Sửa soạn mâm cỗ

Trong khi đó tại Liễu Gia Trang, cũng trong vùng Tây Nam của thành phố, nơi bán thịt gia súc gia cầm theo sự chọn lựa của khách hàng, thì người ra vào tấp nập. Ông Thư, quản lý Liễu Gia Trang cho biết gà bán ở đây là "gà đi bộ":

"Gà đi bộ là gà nuôi thả dưới đất. Cũng nuôi trong những nhà lớn, nhưng không nuôi trong chuồng cao, tức là nó đi đi lại lại nhiều và cách nuôi là khoảng 5 tháng trời mới thành ra 1 con gà đi bộ nên thịt nó dai và ngọt."

Cuối năm đi chợ Mỹ thì không cảm nhận có không khí Tết. Tôi vẫn thích đến đây mua hơn. Mình đến đây thì mua được tất cả những gì mà mình muốn mua như hồi còn ở Việt Nam.

Ông Thu

Và thú vật bán tại đây được Sở Y Tế kiểm soát rất chặt chẽ:

"Mỗi con gà trước khi mang về đây đều được kiểm tra. Sở Y Tế đến kiểm soát rất gắt gao. Thú vật bán ở đây phải đúng theo tiêu chuẩn vệ sinh, không bệnh hoạn..."

Bác Nghi đang mua gà về ăn Tết, tâm sự là dù sống ở hải ngoại nhưng không thể quên tục lệ Tết của Việt Nam:

"Tôi mua con gà mái tơ và trứng, gà ở đây ngon hơn chợ vì họ mới làm. Ở đây có không khí Việt Nam, thì mỗi một năm truyền thống ăn Tết Việt Nam không có bỏ được, con cái về tập họp với cha mẹ, nói chuyện vui vẻ trong gia đình. Mỗi năm có một lần, mình không thể bỏ tục lệ Việt Nam được ..."

Còn ông Thu, đến từ Galveston thì nói mua gà ở Liễu Gia Trang để cúng Tết:

"Cuối năm đi chợ Mỹ thì không cảm nhận có không khí Tết. Tôi vẫn thích đến đây mua hơn. Mình đến đây thì mua được tất cả những gì mà mình muốn mua như hồi còn ở Việt Nam.

Thịt bán ở đây ngon hơn ngoài chợ, mình đem về ăn thì cảm thấy như đang ở Việt Nam. Nói chung thì Tết chỉ đặc biệt có gà vì còn nguyên đầu, mình luộc lên mình cúng được, còn ở chợ Mỹ thì không có."

mamcotet250.jpg
Mâm cỗ ngày Tết. Photo courtesy of hisa.vn.

Để nhớ lại không khí quê nhà ngày xưa, lúc mà trong làng xã chung nhau mua heo bò ăn Tết, thì theo ông Thư, một cặp gà đi bộ làm quà cho gia đình và bằng hữu có lẽ là món quà quí nhất trong dịp Tết Nguyên Đán tại Hoa Kỳ:

"Không có gì tốt hơn bằng một cặp gà, bây giờ quí mến nhau, tết nhau, biếu nhau một cặp gà thì theo ý tôi thích hơn, ngon hơn là mua những món quà mà không dùng được."

Hiền Vy, tường trình từ Houston.

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Vietnamese-in-houston-preparing-to-welcome-tet-the-lunar-new-year-hvy-01292011105344.html


Hội chợ Tết ở Nam Cali
2009-02-03

Tết là ngày lễ thiêng liêng nhất của người Việt Nam nhưng đối với người Việt hải ngoại không phải lúc nào cũng có hoàn cảnh thuận tiện để được ăn Tết vào đúng ngày 1 tháng 1 năm âm lịch.

Photo, Ha Giang RFA Những cô sinh viên với chiếc áo dài xưa


Đồng bào ở nhiều nơi đã phải tổ chức hội chợ Tết vào ngày nghỉ cuối tuần sau Tết. Hà Giang tham dự hội chợ Tết ở Nam California , được tổ chức vào hai ngày 31/1 và 1/2 /2009 vừa qua, và ghi nhận để chia xẻ với thính giả.

Những tà áo mầu sắc vui tươi làm ấm lòng người Việt xa xứ là những chiếc áo dài mầu xanh lam và khăn đống của các cụ ông đang trịnh trọng bước. Nhìn họ, người ta chỉ thấy những nét hân hoan, những nụ cười rộng mở

Tết Việt Nam luôn được bảo tồn
Đối với người Việt Nam ở nước ngoài, thì việc được ăn một cái Tết vào đúng ba ngày Tết là một điều rất hiếm hoi.

Nhưng dù phải đón Tết trong hoàn cảnh nào, thì mỗi khi Tết đến, những hoài niệm về quê hương đã thúc đẩy nhiều cộng đồng người Việt hải ngoại tổ chức những hội chợ Xuân không kém phần trịnh trọng và đầy những nét đặc thù dân tộc…
Cuối tuần qua tại Little Sài Gòn, hàng chục ngàn người háo hức chờ đợi giờ mở cửa của hội chợ Tết Kỷ Sửu do Tổng Hội Sinh Viên tổ chức.

Vài giờ trước khi khai mạc xe cộ đã từ khắp các vùng phụ cận đổ về đông nghẹt. Trên đường, người đi bộ nườm nượp, lũ lượt kéo nhau từ các khu gia cư xung quanh đó tiến về hướng cổng của khu hội chợ. Nhiều cụ già, thiếu nữ và trẻ em hãnh diện khoe những chiếc áo dài sặc sỡ đủ mầu.

Một cô bé khoảng 12 tuổi, mới qua Mỹ được gần 1 năm, xúng xính trong chiếc áo dài mầu hồng tươi cho biết:
Em nhớ Việt Nam, nhưng mà không ngờ ở đây Tết cũng giống như Việt Nam, hội chợ ở đây vui hơn hội chợ ở Việt Nam, rất là vui…”
Lác đác giữa những tà áo mầu sắc vui tươi làm ấm lòng người Việt xa xứ là những chiếc áo dài mầu xanh lam và khăn đống của các cụ ông đang trịnh trọng bước. Nhìn họ, người ta chỉ thấy những nét hân hoan, những nụ cười rộng mở, bao nhiêu lo lắng về một nền kinh tế đang suy thoái được tạm gác qua.
Một niềm hãnh diện cho phong tục tập quán
Một cụ ông diện bộ áo dài the đen mới toanh khoe rằng cụ đã may áo này để ăn Tết, “y như hồi còn ở quê nhà”, cụ bảo:

“Tôi hãnh diện với các cháu, tổ chức hội chợ Tết để duy trì văn hóa Việt Nam, thành ra lúc nào còn đi đi đứng được, dù chống gậy tôi cũng ráng ra với các cháu.”

“Tôi hãnh diện với các cháu, tổ chức hội chợ Tết để duy trì văn hóa Việt Nam, thành ra lúc nào còn đi đi đứng được, dù chống gậy tôi cũng ráng ra với các cháu.” Khung cảnh và không khí của một hội Tết dân gian đã được các sinh viên tái tạo thật sống động và tỉ mỉ.

Cổng vào chợ Tết Việt Nam
Cổng vào chợ Tết Việt Nam. Photo, Ha Giang RFA

Hai bên cổng “Làng Việt Nam” thật cao là hai hàng lính gác tay cầm mác, trong trang phục rập áo mão của lính gác ngày xưa.

Rải rác trong làng là những mái nhà tranh mộc mạc, những mảnh vườn với cây xoài, cây khế, những đàn gà, những gánh hàng rong với tiếng rao lảnh lót, có cả cảnh họp chợ trên sông với những chiếc ghe và những cô bán hàng mặc áo bà ba với dăm ba quả bầu quả bí, lọn cải, đọn khoai, và trái cây đủ loại.

Mọi người hân hoan dự Tết trong tiếng gọi nhau ơi ới, tiếng pháo nổ đì đùng và những cành mai, cành đào nở rộ khắp nơi.
Một số khách ngoại quốc đứng ngây người nhìn hoạt cảnh Đám Cưới làng quê của VN. Ông Hemish, một người Ấn Độ phát biểu:
“Tôi thấy được nếp sống gia đình và sức sống của cộng đồng cũng như ngưỡng mộ việc bảo tồn văn hóa của quý vị trong buổi hội chợ này. Tôi rất thích nhìn những y phục cổ truyền đặc sắc của phụ nữ Việt Nam, rất hiếm khi thấy được ở đây.”

Bên cạnh những làng quê mộc mạc là những địa danh nổi tiếng của quê nhà như Chùa Thiên Mụ, Quốc Tử Giám và Đền Hùng. Những hoạt cảnh quen thuộc như thi gói bánh tét, Vinh Quy Bái Tổ, và Đám Cưới Về Làng khiến những vị lớn tuổi xúc động, trong khi đó nhiều em trẻ theo dõi một cách thích thú và gật gù khi được người lớn đi bên cạnh giải thích.

Một cụ bà 72 tuổi ngồi xe lăn, được người con trai đưa đi du Xuân cho biết người con đã đưa cụ từ Pomona đến. Cụ bảo:
“Vui, có hội chợ là tôi đi, tổ chức trình độ cao lắm rồi, thấy ở quê nhà cũng vậy, chứ không có gì khác….”

“Tôi thấy được nếp sống gia đình và sức sống của cộng đồng cũng như ngưỡng mộ việc bảo tồn văn hóa của quý vị trong buổi hội chợ này. Tôi rất thích nhìn những y phục cổ truyền đặc sắc của phụ nữ Việt Nam, rất hiếm khi thấy được ở đây.”

Cạnh chùa Thiên Mụ, một cụ ông mặc áo the đen đang hướng dẫn cậu bé trai khoảng 15 tuổi cách xin xâm. Cậu thắp nhang, vụng về vái lạy, rồi loay hoay xóc mãi cũng rớt ra được một cây xâm.

Nhìn cậu thầy e dè hỏi “cháu có biết tiếng Việt không?”, cậu bé ngập ngừng thưa có, rồi lóng ngóng ngồi xuống nghe thầy đọc quẻ. Ồ, cậu gieo được một quẻ thật tốt! Thầy bảo “năm nay cháu học hành hiển đạt”, rồi chợt thấy mặt cậu ngơ ngác, thầy hỏi “thế cháu có hiểu hiển đạt là gì không?”.

Cậu bé lắc đầu. Thế là đến lượt thầy ngập ngừng. Bà mẹ cậu vội đỡ lời thầy, “À, thầy bảo năm nay con học giỏi sẽ được xếp hạng cao, con cảm ơn thầy đi”.
Thầy tâm sự:
“Tôi cố gắng giúp cho mấy em để mà cố gắng giữ những phong tục của Việt Nam mình, vào ngày Tết thì đi cầu nguyện xin xâm…”
Em Thiên Anh, học sinh của trường trung học Bolsa Grande, một trong số hơn 50 học sinh tình nguyện góp sức với ban tổ chức phát biểu:

“Con muốn góp một sức nào đó để quảng bá cái văn hóa Việt Nam mình đến mọi người và mang niềm vui Tết đến cho người ở hải ngoại.”
Một sinh viên dược khoa năm thứ nhất của trường đại học USC cho biết nhờ đi hội chợ Tết mà cô đang làm quen dần với món hột vịt lộn. Cô nói:
“Rất là vui, không khí rất là giống như ở Việt Nam, thì con biết thêm về lịch sử Việt Nam, vua chúa rồi có lính như thế nào…”
Cụ Đoàn Trúc Dư, 78 tuổi, quê ở Bình Định, đã ở Mỹ từ năm 75, hết lời khen ngợi tài tổ chức của giới trẻ trong Tổng Hội Sinh Viên:

Năm nay sinh viên tổ chức với cái tiêu đề là Hy Vọng, thì hy vọng Việt Nam mình sẽ có đa nguyên dân chủ

Thật là tuyệt vời, tôi bữa nay là trọn ngày đi dạo tất cả ở trong chợ, không sót chỗ nào hết. Cái làng Việt Nam này chung quanh là Việt Nam là tất cả đều giống y như ở Việt Nam mình vậy. Năm nay sinh viên tổ chức với cái tiêu đề là Hy Vọng, thì hy vọng Việt Nam mình sẽ có đa nguyên dân chủ”
Trong khi người Việt ở Nam California tưng bừng vui Xuân thì tại Việt Nam đã là mùng 7 Tết và mọi sinh hoạt đang trở lại bình thường. Nhiều người cho rằng thời khắc của ngày Xuân thực ra không quan trọng, điều quan trọng là, qua việc tổ chức và cử hành những nghi thức ngày lễ Tết thiêng liêng mỗi năm, các thế hệ của người Việt tha hương đã đến gần nhau hơn trong một tinh thần cộng đồng gắn bó.

Mỗi một dịp như vậy, giới trẻ được dịp tìm về nguồn cội và học hiểu thêm về bản sắc của mình, còn những cụ già ấm lòng với niềm tin là văn hóa Việt Nam sẽ được những thế hệ mai hậu không những bảo tồn, mà còn quảng bá rộng rãi đến cho người bản xứ.

No comments: