Tra tấn tù nhân và an
ninh quốc gia
Trần Bình Nam
Đầu năm 2002 cơ quan
tình báo CIA của Hoa Kỳ, đứng trước nhu cầu khai thác thông tin từ tù nhân bắt
được tại Afghanistan để ngăn ngừa một cuộc tấn công khác của quân khủng bố Al
Qaeda trên đất Mỹ đã phối hợp với Bộ Tư Pháp và quân đội nghiên cứu những
phương pháp mới để khai thác tù nhân.
Chỉ thị của tòa Bạch
Cung lúc đó không xác định rõ các phương pháp khai thác phải ở trong giới hạn
nào nên các phương pháp được chấp thuận mang ra xử dụng đã vượt quá tiêu chuẩn
quốc tế về cách đối đãi với tù binh quy định bởi Quy ước Quốc tế Geneve về tù
binh (1).
Thí dụ CIA đã áp dụng
cách thức điều tra mới tại các nhà tù bí mật (của CIA) tại một số nước Đông Âu
như không cho tù nhân ngủ trong nhiều ngày, tát vào mặt, cởi truồng, bỏ đói
ngoại trừ nước uống, xô đẩy tù nhân vào tường, uy hiếp bằng chó, bằng ong, và
giả trấn nước (waterboarding – danh từ mới) buộc tù nhân nằm ngữa bịt kín mặt
bằng một miếng chất xốp rồi đổ nước vào để nước chảy vào phổi làm tù nhân ngộp
thở, một cảm giác không khác gì bị trấn nước. Tù nhân ngộp thở có thể bất tỉnh,
và nếu không hồi sinh sau khi được dựng đứng thẳng bác sĩ sẽ khai thông bằng
cách mổ cuống họng để mang không khí vào phổi (2).
Dư luận thế giới quan
tâm đến cung cách Hoa Kỳ đối đãi với tù nhân Al Qaeda sau khi các sự quá đáng
đối với tù nhân tại nhà tù Abu Ghraib do quân đội Hoa Kỳ phối hợp với CIA quản
lý được phanh phui vào đầu năm 2004.
Lập trường của chính
phủ Bush là cuộc chiến chống khủng bố al Qaeda là một cuộc chiến không quy ước
vì vậy Hoa Kỳ không bắt buộc phải theo Quy ước Geneva về tù binh. Mặt khác các
luật sư thuộc Bộ Tư Pháp tìm cách giải thích các phương pháp được áp dụng không
phải là tra tấn và không vượt quá những tiêu chuẩn quốc tế. Phó
tổng thống Cheney thì cho rằng cách thức điều tra nặng tay có kết quả và giúp
bảo đảm an ninh quốc gia (3).
Nhưng không ai đồng ý
với quan điểm của chính phủ Bush. Dư luận quốc tế trở nên ác cảm với Hoa Kỳ. Và
phương pháp cơ quan CIA dùng để khai thác tù nhân trở thành một vấn đề nóng tại
quốc hội Hoa Kỳ. Nó trở thành một trong những đề tài tranh cử tổng thống năm
2008. Hai ứng cử viên Barack Obama (Dân Chủ) và John McCain (Cộng Hòa) có một
lập trường chung không chấp nhận mọi hình thức tra tấn, với một khác biệt:
Thượng nghị sĩ McCain không nói các phương pháp CIA đang dùng có phải là tra
tấn không. Trong khi Thượng nghị sĩ Obama cho rằng các phương pháp đó là tra
tấn và cần chấm dứt ngay.
Ba ngày sau khi nhậm
chức tổng thống Obama ký văn kiện hành chánh ra lệnh đóng cửa các nhà tù bí mật
của CIA ở nước ngoài, chấm dứt các phương pháp điều tra “nặng tay” mới được xử
dụng.
Nhưng mãi cho đến ngày
16/4/2009 tổng thống Obama mới cho phép phổ biến tài liệu của Phòng
Cố vấn Luật pháp thuộc Bộ Tư pháp (Justice Department's Office of Legal Counsel)
do các ông Phụ tá Bộ trưởng Tư pháp Jay Bybee và người phụ tá John C. Yoo soạn thảo từ đầu năm
2002. Tài liệu này chính yếu bổ túc và hoàn chỉnh các đề nghị của cơ quan CIA,
và bảo vệ tính cách hợp luật của các phương pháp điều tra mới trong đó có phương
pháp hành xác như giả trấn nước (4).
Quyết định cho công
khai hóa tài liệu “điều tra” nội bộ của Bộ Tư Pháp là một quyết định khó khăn
của tổng thống Obama. Người ta lo rằng nội dung tài liệu sẽ không nâng uy tín
của Hoa Kỳ đối với thế giới, lo rằng tài liệu cung cấp cho Al Qaeda biết phương
pháp của CIA để chuẩn bị cho các tay khủng bố cách thức chịu đựng và chống lại
các cuộc điều tra. Nhân sự cấp cao từng phục vụ trong Bộ Tư pháp và nhân viên
CIA lo ngại sẽ bị truy tố về tội vi phạm pháp luật quốc gia và vi phạm nhân
quyền. Nói chung đặt vấn đề khai thác tù nhân dưới chính quyền Bush là hợp luật
hay không hợp luật sẽ đào sâu thêm cái hố đảng phái (Cộng Hòa chống Dân Chủ),
tạo chia rẽ trong đại khối quần chúng khi quốc dân đang cần đoàn kết để vượt qua
cuộc khủng hoảng kinh tế trước mắt.
Ý thức rõ vấn nạn này,
ngày 16/4/2009 khi công bố tài liệu về “phương pháp điều tra” tổng thống Obama
nói: “Lúc này là lúc để suy nghĩ lại những gì
chúng ta đã làm chứ không phải lúc ngồi kể tội lẫn nhau …”
(nguyên văn: This is a time for reflection, not retribution. . . . Nothing will
be gained by spending our time and energy laying blame for the past.)
Ngày
20/4 tổng thống Obama đến tổng hành dinh CIA ở Langley, Virginia để trấn an
nhân viên CIA. Ông nói Hoa Kỳ đang sống trong một không khí đầy đe dọa và nhân
dân Mỹ cần CIA hơn bao giờ hết, và rằng “Hoa Kỳ sẽ mạnh hơn và an ninh hơn
khi chúng ta triển khai sức mạnh vật chất và những giá trị tinh thần của chúng
ta – trong đó có tinh thần trọng pháp” (nguyên văn: I believe that our
nation is stronger and more secure when we deploy the full measure of both our
power and the power of our values -- including the rule of law.)
Những
gì tổng thống Obama làm chứng tỏ ông đã bị áp lực nặng nề để không thể trụ được
ý muốn nguyên thủy của ông là bỏ qua sự việc tế nhị này. Áp lực không những từ
dư luận quốc tế và các nhóm tranh đấu cho nhân quyền mà còn đến từ Quốc hội
cùng đảng với ông. Bà chủ tịch Hạ nghị viên Nancy Pelosi và bà Thượng nghị sĩ Diane
Feinstein, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng nghị viện đều có khuynh hướng “không
thể bỏ qua” và ông không có thẩm quyền và ảnh hưởng đủ đối với quốc hội để ngăn
cản.
Biết không thể bỏ qua,
nhưng tổng thống Obama cũng không thể để cho vụ việc này chiếm mất những ưu tiên
quốc gia khác. Tổng thống Obama khéo léo điều chỉnh lập trường. Hôm Thứ Ba 21/4
tổng thống tuyên bố ý định nếu cuộc điều tra là cần thiết thì ông muốn bổ nhiệm
một công tố viên đặc biệt với quyền hành rộng rãi để điều tra. Và ông xác định
nhân viên thừa hành sẽ không bị truy tố, nhưng những nhân viên cao cấp tại Bộ
Tư Pháp liên hệ đến vụ tra tấn này có thể bị truy tố.
Sáng kiến bổ nhiệm một
công tố viên đặc biệt thuộc thẩm quyền của Bộ Tư Pháp để điều tra nội vụ sẽ
giúp tránh được những cuộc điều trần liên miên đầy mầu sắc đảng phái trước Quốc
hội, tại đó “ông nói ông phải, vãi nói vãi hay” để không ai thấy được bản chất
của vụ việc quan trọng này.
Bản chất của vụ việc
là câu hỏi cốt lõi: làm sáng tỏ hay không làm sáng tỏ vụ “tra tấn” này có lợi
gì cho Hoa Kỳ và cho cộng đồng nhân loại?
Nếu vì sợ phiền toái
mà bỏ qua vụ việc này thì sự công nhận mặc nhiên của thế giới rằng Hoa Kỳ là
một quốc gia cầm đầu ngọn cờ dân chủ và nhân quyền trên thế giới sẽ mai một. Và
quan trọng hơn sẽ có một tiền lệ là người lãnh đạo một quốc gia mạnh có thể tùy
tiện xử dụng bạo lực hay vi phạm nhân quyền nếu việc đó phục vụ cho quyền lợi
của quốc gia mình. Thế giới sẽ không còn tiêu chuẩn luật pháp và luân lý, sẽ
trở nên hỗn loạn vì trả thù và chém giết nhau. Luật rừng xanh sẽ chiếm lĩnh thế
giới, và không có ai có thể có một đời sống yên ổn để hưởng hạnh phúc trong
tinh thần phục vụ người và phục vụ mình.
Trái lại, nếu vụ “tra
tấn” tại Hoa Kỳ được mang ra ánh sáng theo tiêu chuẩn của luật pháp hiện hành
của quốc gia và trong tinh thần của luật lệ quốc tế như tổng thống Obama đang
làm sẽ là một minh chứng rằng nước Mỹ vẫn cầm đầu ngọn cờ dân chủ, pháp trị,
nhân quyền và tuân thủ luật lệ quốc tế.
Cho đến giờ này Hoa Kỳ
đã chứng tỏ vẫn hành xử trong tinh thần trọng pháp và không có cá nhân nào ở
trên luật lệ quốc gia. Năm 1973 tổng thống Nixon từ chức trước viễn ảnh bị
truất phế vì bị tố cáo “lạm dụng quyền lực”. Năm 1999 Thượng nghị viện đem tổng
thống Clinton ra xét xử vì tội “ngăn cản sự thi hành luật pháp”. Vụ binh sĩ Mỹ
giết thường dân tại Mỹ Lai tháng 3 năm 1968 trong cuộc chiến Việt Nam đã được
mang ra ánh sáng, và các sĩ quan can dự đều bị truy tố trước tòa án quân sự. Vụ
vi phạm nhân quyền tù nhân Al Qaeda tại nhà tù Abu Ghraib ở Iraq tháng 5 năm
2004 cũng đã được điều tra và quân nhân các cấp vi phạm đều bị luật pháp chiếu
cố. Và lần này vụ sáng tạo các phương pháp khai thác tù nhân thiếu tính nhân
đạo của CIA cũng đang được chính quyền Obama xử lý.
Đó là mặt tôn trọng
công lý và đạo lý, và như lời tuyên bố của tổng thống Obama, sẽ làm cho Hoa Kỳ
mạnh hơn chứ không yếu đi.
Mặt thực tế là làm thế
nào duy trì công lý và đạo lý mà không làm mất sự đoàn kết quốc gia do tinh
thần đảng phái.
Một cuộc điều tra bởi
một công tố viên độc lập để truy tố những ai vượt quyền hạn quy định (dù dưới
danh nghĩa vì nhu cầu an ninh quốc gia) rồi sau đó giảm án, ân xá có thể là
phương cách tốt nhất để giải quyết nổi phiền lụy quốc gia này./.
Trần Bình Nam
binhnam@sbcglobal.net
No comments:
Post a Comment