Monday, February 28, 2011

TIN THẾ GIỚI



Mô hình « Đồng thuận Bắc Kinh » phá sản ? "Đồng thuận Bắc Kinh": chủ nghĩa tư bản và độc đảng, công an trị

Đức Tâm

Phải chăng cái gọi là mô hình « Đồng thuận Bắc Kinh » đã đến ngày tàn ? Đó là câu hỏi mà giới phân tích đặt ra, trước phong trào phản kháng trong thế giới Ả Rập hiện nay. Bên cạnh những bình luận, nhận định về nguyên nhân dẫn tới những cuộc nổi dậy tại Tunisia, Ai Cập, Libya, Yemen …thì còn có tranh luận về mô hình phát triển.

Từ nhiều năm nay, một số chuyên gia thường nói đến mô hình phát triển được gọi là « Đồng thuận Bắc Kinh ». Mô hình này chủ trương phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa và duy trì chế độ một đảng duy nhất lãnh đạo. Tại nhiều nước đang phát triển, mô hình này được thể hiện cụ thể như sau : chủ nghĩa tư bản đi kèm với sự hiện diện của cảnh sát, mật vụ khắp nơi, một chế độ công an trị.

Các thành công về kinh tế của Trung Quốc, nơi mà đảng cộng sản độc quyền lãnh đạo đất nước từ năm 1949 đến nay đã tạo thêm tính chính đáng cho mô hình này. Sau ba thập niên cải cách, phát triển, mở cửa kinh tế, Trung Quốc đã trở thành đối thủ đáng gờm của Hoa Kỳ về kinh tế và trong tương lai, cả về quân sự.

Đối với các chính thể chuyên quyền, độc đoán thì đây là giải pháp mầu nhiệm, phù hợp hơn là nền dân chủ « theo kiểu phương Tây » : Vừa phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập vào nền kinh toàn cầu, vừa duy trì được sự độc quyền lãnh đạo đất nước. Chính vì vậy, mô hình « Đồng thuận Bắc Kinh » đã được sao chép, áp dụng, tại nhiều quốc gia đang phát triển – hay còn gọi là các nền kinh tế phương Nam và kể cả Nga.

Thậm chí, một số chuyên gia Mỹ, châu Âu cũng tán dương, ca ngợi mô hình này. Năm ngoái, 2010, giáo sư Stefan Halper, thuộc đại học Cambridge – Anh Quốc – còn có một tiểu luận nhan đề « Đồng thuận Bắc Kinh hay mô hình chuyên quyền Trung Quốc sẽ ngự trị thế kỷ XXI ra sao. Theo vị giáo sư này, mô hình « Đồng thuận Bắc Kinh » là một gỉai pháp khả tín, thay thế cho mô hình « Đồng thuận Washington ». Trường hợp của Trung Quốc cho thấy là chỉ cần tự do kinh doanh đầu tư và độc đảng lãnh đạo, không cần phát triển các quyền tự do phổ cập khác của công dân.

Dường như thành ngữ « Đồng thuận Bắc Kinh » do nhà tư vấn người Mỹ Joshua Cooper Ramos nhào nặn ra vào năm 2004 để đối lập với cái gọi là « Đồng thuận Washington ».

Mô hình « Đồng thuận Washington » được nói đến nhiều vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước, đề cao phương thức lãnh đạo quản lý một cách dân chủ nhất, tự do kinh doanh đầu tư, tự do trao đổi thương mại quốc tế. Hoa Kỳ và đặc biệt là Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF, cổ vũ cho mô hình được coi là các bên cùng có lợi, phù hợp với nền kinh tế của các nước nghèo, đang phát triển, với nước Nga và các quốc gia Trung Đông Âu trong thời kỳ phi Sô viết hóa.

Theo phân tích của nhà báo Alain Franchon, trên báo Le Monde, thì tại Ai Cập, có lẽ chính quyền Mubarak cũng nghĩ như vậy. Thế nhưng, cuộc nổi dậy của giới trẻ Ai Cập tại quảng trường Tahrir – Giải phóng, ở thủ đô Cairo đưa ra một thông điệp rõ ràng : Mô hình « Đồng thuận Bắc Kinh » không phải là một giải pháp màu nhiệm, không bảo đảm ổn định chính trị trong tương lai, cho dù chế độ chuyên quyền có tạo thuận lợi phát triển kinh tế, nhưng không có gì chắc chắn là mô hình này mang lại hạnh phúc cho người dân. Nói tóm lại, những giá trị được quảng bá, tuyên truyền của mô hình « Đồng thuận Bắc Kinh », được thể hiện qua các chế độ bạo quyền của Ben Ali tại Tunisia, hay Mubarak tại Ai Cập, có những giới hạn của nó.

Báo Le Monde trích đăng xã luận của tờ Thời báo Matxcơva, « Bất kể những ồn ào mà các nhà phân tích chính trị đã gây ra vào năm ngoái liên quan đến việc mô hình dân chủ phương Tây bị mất ảnh hưởng và về sự vươn lên của mô hình chuyên quyền độc đoán (bao gồm Trung Quốc, Singapore, v.v.), lịch sử lại không đứng về phía chuyên quyền độc đoán, bởi vì theo định nghĩa, chuyên quyền độc đoán không có tính chính đáng và bản chất của nó là bất ổn định ».
tags: Châu Á - Phân tích - Phát triển - Quốc tế - Trung Quốc
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20110223-mo-hinh-%C2%AB-dong-thuan-bac-kinh-%C2%BB-pha-san


Bắc Triều Tiên : Cư dân nhiều nơi phải ăn cỏ dại vì đói

Hai cha con lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-il và Kim Jong-un
Hai cha con lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-il và Kim Jong-un
REUTERS
Mai Vân

Trong một bản thông cáo công bố ngày 23/02/2011, 5 tổ chức phi chính phủ Mỹ đã khẳng định Bắc Triều Tiên bị thiếu lương thực trầm trọng. Hậu quả là người dân ở một số nơi đã phải ăn cỏ để sống. Các tổ chức này kêu gọi cộng đồng quốc tế khẩn cấp giúp đỡ.

Theo các tổ chức phi chính phủ Christian Friends of Korea, Global Ressources, Mercy Corps, Samaritain's Purse và World Vision, nhóm chuyên gia của họ đã quan sát và ghi nhận những bằng chứng về tình trạng suy dinh dưỡng, thiếu lương thực và nhiều người đị lượm nhặt cỏ dại.

Những hiện tượng này đặc biệt phổ biến nơi những gia đình sống nhờ vào hệ thống tem phiếu, phân phát lương thực của Nhà nước. Chịu hậu quả nghiêm trọng nhất do tình trạng thiếu lương thực hiện nay là các người già, trẻ em, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ.

Các tổ chức nói trên đã gởi một ê kíp 7 chuyên gia đến Bắc Triều Tiên vào đầu tháng 02/2011. Trích dẫn số liệu của chính quyền Bình Nhưỡng, họ cho biết là từ 50 đến 80% lúa mì và mạch, dự trù thu hoạch vào mùa xuân tới đây, kể như đã bị mất trắng do thời tiết lạnh giá.

Bên cạnh đó, do giá lương thực trên thế giới tăng cao, việc nhập khẩu ngày càng khó khăn để đảm bảo an toàn lương thực tại Bắc Triều Tiên. Nước này trong năm qua đã bị cô lập thêm, sau khi bị cáo buộc đánh chìm chiến hạm Cheonan của Hàn Quốc, và hành động gây hấn pháo kích vào một hòn đảo ở phía Nam.
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20110224-bac-trieu-tien-cu-dan-nhieu-noi-phai-an-co-dai-vi-doi





Phong trào đối lập tiến về phía tây Libya, nổi dậy vẫn tiếp diễn

Lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo Libya Moammar Gadhafi tiếp tục tấn công những người biểu tình chống chính phủ. Tuy nhiên những tổ chức đối lập dường như đang đạt được thêm những bước tiến mặc dù bị đàn áp tàn bạo.

Một bác sĩ Libya chữa trị cho 1 người bị thương hồi tuần trước trong cuộc biểu tình chống lại lãnh đạo Libya Moammar Gadhafi tại Benghazi, Libya, 24/2/2011
Hình: AP

Một bác sĩ Libya chữa trị cho 1 người bị thương hồi tuần trước trong cuộc biểu tình chống lại lãnh đạo Libya Moammar Gadhafi tại Benghazi, Libya, 24/2/2011


Tin liên hệ

Ðường dẫn liên hệ

Những hình ảnh chính thức được đưa ra về Libya khác biệt rất nhiều so với những hình ảnh do những thường dân nước này ghi nhận được.

Con của nhà lãnh đạo Gadhafi, ông Saif al-Islam giảm nhẹ những tin tức về thiệt hại nhân mạng khi xuất hiện trên truyền hình nhà nước Libya hôm thứ Năm để thảo luận về những cuộc nổi dậy.

Ông nói chỉ có một số ít người thiệt mạng nhưng không đưa ra những con số. Và ông mời truyền thông nước ngoài đi thăm Libya một chuyến vào ngày thứ Sáu, thách thức họ tìm bằng chứng về những vụ ném bom hay hành động tàn bạo.

Tuy nhiên những nguồn tin từ các bệnh viện, từ những tổ chức nhân quyền và các nhân chứng đưa ra những câu chuyện đẫm máu hơn nhiều.

Bác sĩ Hisham Mustafa Abou Dabous làm việc tại một bệnh viện thuộc thành phố Benghazi, miền đông Libya, hiện do những người đối lập kiểm soát, và thành phố cũng là nơi phát khởi cuộc nổi dậy, cho biết:

“Tôi không thể nói chính xác có bao nhiêu người thiệt mạng, nhưng tại Benghazi có hơn 300 người chết và hơn 3000 người bị thương.”

Trong khi tin cho hay hầu hết những phần đất phía đông nằm dưới sự kiểm soát của đối lập, các cuộc nổi dậy chống lại ông Gadhafi đang lan rộng về phía đông, tiến về thủ đô Tripoli.

Các nhân chứng nói với truyền thông ngoại quốc là quân đội Libya tấn công những người biểu tình trong một đền thờ Hồi Giáo tại thành phố Zawiya hôm thứ Năm. Họ mô tả có tổn thất nặng về nhân mạng sau khi lực lượng an ninh sử dụng đến tên lửa phòng không và các loại vũ khí tự động.

Nhiều nhân chứng nói những người biểu tình đối lập đã đẩy lùi lực lượng an ninh ra khỏi thành phố biển Misrata, nhưng cũng có tin tức về những cuộc đụng độ đang diễn ra tại đây.

Tổng thống Moammar Gadhafi nói chuyện qua điện thoại với người dân trên đài truyền hình nhà nước Libya vào chiều thứ Năm. Ông nói những cuộc nổi dậy là do al-Qaida và cáo buộc những người biểu tình chống chính phủ đã xúi dục những thiếu niên và những người nghiện ma tuý.

Các giới chức cao cấp của chính phủ Libya nói họ xem những nhà báo vào nước này không có giấp phép như là những phần tử cộng tác với al-Qaida. Khó xác nhận một cách độc lập những tin tức được đưa ra khỏi vùng này.

Hiện ông Gadhafi đang mất dần thế lực trong cộng đồng quốc tế cũng như trong chính ngay vòng ảnh hưởng của ông. Một trong những phụ tá thân cận nhất của ông Gadhafi là ông Ahmed Gadhaf al-Dam đã đào thoát để phản đối việc đàn áp dã man những người biểu tình.

Chính phủ Hoa Kỳ đã lên án những hành vi bạo lực đang xảy ra. Những quốc gia trong Liên hiệp châu Âu đồng ý thảo luận về những chế tài có thể áp dụng đối với Libya. Bộ trưởng Ngoại giao Đức Guido Westerwelle nói nếu những cuộc đàn áp vẫn tiếp tục, các biện pháp chế tài đối với Libya không tránh khỏi.

Tuyên bố sau khi gặp người đứng đầu Liên đoàn Ả Rập Amr Moussa tại Cairo hôm thứ Năm, ông Westwewelle một lần nữa lên án vụ đàn áp bằng bạo lực nhắm vào người dân Libya.

Ông Westerwelle nói: “Chúng ta không thể chấp nhận việc một nhà độc tài tàn tệ trừng phạt dân chúng của mình, những người trẻ Libya, theo phương cách bạo động như thế. Đây là một cuộc chiến tranh của một nhà độc tài chống lại những người trẻ. Và đây là điều chúng ta tuyệt đối lên án bằng những lời lẽ rõ ràng.”

Bộ trưởng Nội vụ Ý Ernesto Roberto Maroni kêu gọi các quốc gia châu Âu giúp đỡ khẩn cấp để đối phó với điều ông gọi là “một cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng” đang hình thành tại Libya. Bộ trưởng Nội vụ các nước Địa Trung Hải đang thảo luận phương cách để đối phó với làn sóng người tị nạn.

Những người biểu tình chống chính phủ Libya kêu gọi những cuộc tập họp lớn biểu tình chống lại quyền cai trị của ông Gadhafi vào ngày thứ Sáu.

Tại các nơi khác trong khu vực này, những người biểu tình tiếp tục tập họp tại thủ đô Sana’a của Yemen vào hôm thứ Năm.

Họ chỉ trích chính phủ của Tổng thống Ali Abdullah Saleh và kêu gọi ông này từ chức.

Tổng thống Yemen đã ra lệnh lực lượng an ninh ngăn ngừa sự đối đầu trực tiếp giữa những người biểu tình thân và chống chính phủ sau khi những băng video cho thấy hình ảnh cảnh sát chỉ đứng nhìn trong lúc người biểu tình của đôi bên đụng độ với nhau. Hai người biểu tình chống chính phủ thiệt mạng tại Sana’a trong tuần này.

Trong khi đó Ai Cập đang ở trong tình trạng chuyển tiếp, gần hai tuần lễ sau khi một cuộc nổi dậy của quần chúng buộc Tổng thống Hosni Mubarak phải từ chức. Các giới chức an ninh hôm thứ Năm nói nhà cầm quyền Ai Cập đã bắt cựu Bộ trưởng Thông tin và người đứng đầu cơ quan phát thanh của nhà nước vì bị cáo buộc tham nhũng.

Xem những hình ảnh mới nhất ở Libya

No comments: