Saturday, February 12, 2011

TRẦN BÌNH NAM * MUBARACK



Hosni Mubarak từ chức & Cái gân gà Ai Cập
Trần Bình Nam

Theo chân Tunisia, ngày 25/1/2010, dân Ai Cập xuống đưòng tại Cairo, đòi tổng thống Mubarak từ chức. Mục đích của những người đấu tranh dân chủ là tổ chức một cuộc biểu dương để phản đối cảnh sát mặc thường phục giả dân đánh chết ông Khaled Said, một người chủ trương tự do thông tin trên mạng internet trong tháng 6/2010 tại thành phố Alexandria.

Cuộc biểu dương được sự tán trợ của tiến sĩ Mohamed ElBaradei, nguyên Giám đốc Nguyên Tử Lực Cuộc Quốc tế của Liên hiệp quốc (International Atomic Energy Agency – IAEA) . Ông ElBaradei là một công dân Ai Cập có tinh thần độc lập, chủ trương dân chủ. Trong thời gian giữ chức vụ giám đốc Nguyên Tử Lực Cuộc Quốc tế ông không để cho các khối thế lực trên thế giới, nhất là Hoa Kỳ, ảnh hưởng đến các các quyết định của ông. Ông Hosni Mubarak nhậm chức tổng thống Ai Cập từ năm 1981 sau khi tổng thống Anwar Sadat bị ám sát vì ký Hiệp ước hòa bình với Do Thái.

Ông Mubarak áp dụng một chế độ nửa dân chủ, nửa độc tài, nhưng bản chất là độc tài, với luật “khẩn cấp” (emergency law) và một đội ngũ cảnh sát 150.000 người sẵn sàng mạnh tay với cá nhân và tổ chức chính trị nào công khai cạnh tranh quyền lực với ông. Ông đặt Brotherhood - một phong trào Hồi giáo đối lập với Mubarak và chống Hiệp ước Hòa bình với Do Thái - ra ngoài vòng pháp luật.

Ông Mubarak duy trì quyền lực với sự ủng hộ ngầm của Hoa Kỳ. Ông tiếp tục chính sách của người tiền nhiệm, tôn trọng Hiệp ước Hoà bình với Do Thái và làm trung gian hòa giải trong cuộc tranh chấp giữa Do Thái và Palestine, đồng thời giúp Hoa Kỳ trong các mối quan hệ thường căng thẳng giữa các nước Trung Đông với Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ rất cần Ai Cập và các nước A Rập tại Trung Đông cũng cần Ai Cập. Hằng năm Hoa Kỳ viện trợ kinh tế và quân sự cho Ai Cập 1.5 tỉ mỹ kim. Một tỉ số lớn tiền viện trợ được tổng thốngMubarak dùng để củng cố bộ máy đàn áp của ông. Năm nay 82 tuổi ông Mubarak biết tuổi trời không cho phép ông tiếp tục làm tổng thống Ai Cập. Nhưng tin tưởng vào thế đứng của ông trong cuộc tranh chấp giữa Hoa Kỳ và khối Hồi giáo ông đã chuẩn bị “truyền ngôi” cho con trai Gamal Mubarak qua một cuộc bầu cử gian lận khác dự trù vào tháng 9 năm nay. Phong trào tự phát đòi dân chủ tại Ai Cập làm cho Hoa Kỳ lúng túng, và các ước A Rập trong vùng cũng cảm thấy bất an. Các cuộc xuống đường đòi dân chủ đã diễn ra tại Yemen, Sudan.


Rục rịch tại Jordan, Algeria, Lybia và đang làm cho Morocco và Saudi Arabia, hai nước Hồi giáo ổn định nhất cảm thấy lo lắng. Hoa Kỳ lúng túng vì Hoa Kỳ vốn chủ trương quyền dân tộc tự quyết qua tiến trình dân chủ và bầu cử tự do, Hoa Kỳ không thể làm ngơ trước các cuộc biểu tình tự phát của nhân dân Ai Cập.

Nhưng do nhu cầu an ninh của mình (và Do Thái) Hoa Kỳ cũng không muốn các cuộc biểu tình thành công lật đổ chế độ Mubarak. Ai Cập chưa có truyền thống dân chủ, một sự thành công của họ tạo ra một khoảng trống chính trị có thể bị những thành phần Hồi giáo quá khích (thường có tổ chức hơn) lợi dụng để cướp chính quyền. Nhóm Brotherhood tại Ai Cập rất có khả năng làm việc này. Có dấu hiệu trong số người biểu tình tại công trường Tahrir có ít nhất 30% thuộc phong trào Brotherhood .


Trong bối cảnh đó Hoa Kỳ không muốn thấy Mubarak đột ngột ra đi. Hiểu thế của mình và nhu cầu của Hoa Kỳ tổng thống Mubarak đã áp dụng một phương pháp đàn áp thật tinh vi. Ngày đầu tiên dân Ai Cập xuống đường ông cho cảnh sát thẳng tay đàn áp. Như lửa đổ vào dầu, hàng chục ngàn dân Cairo đủ mọi thành phần xuống Công trường Giải Phóng (Tahrir Square) tại trung tâm thành phố bất chấp đàn áp.

Trước tình hình mới, ông Mubarak cắt internet và mọi phương tiện thông tin ra nước ngoài. Ông cắt cả hệ thống điện thoại cầm tay trong nước (cell phone) và ra lệnh cho cảnh sát rút khỏi đường phố, thả tù trong các nhà lao ra, cho một số cảnh sát mặc thường phục và du đảng (do cảnh sát tổ chức) tự xưng là phong trào nhân dân ủng hộ chính quyền dùng ngựa, lạc đà và vũ khi bén nhọn đánh nhau với người biểu tình và dùng vũ lực hành hung phóng viên các hãng làm tin quốc tế.

Số khác chia nhau đi cướp bóc tạo hỗn lọan, mục đích thuyết phục thành phần yên phận rằng các cuộc biểu tình chống tổng thốngMubarak là nguyên nhân của sự mất ổn định trong thành phố. Trong khi đó mật vụ của tổng thốngMubarak kín đáo lùng bắt các thành phần tổ chức biểu tình, đặc biệt là các thành viên của nhóm Brotherhood.

Và lấy cớ vãn hồi trật tự, ông huy động quân đội cùng các đơn vị xe tăng ra đường phố để uy hiếp dân biểu tình. Theo khuyến cáo của Hoa Kỳ ông Mubarak ra lệnh cho quân đội không được nổ súng. Và khi các cuộc biểu tình tăng cường độ với sự xuất hiện của tiến sĩ Mohamed ElBaradei và trên đường phố đã có đổ máu ông Mubarak ban hành những biện pháp có vẻ nhượng bộ. Ông bổ nhiệm tướng hồi hưu Omar Suleiman đương kim giám đốc tình báo làm phó tổng thống và giải tán nội các.


Tướng Không quân hồi hưu Ahmed Shafik được mời làm thủ tướng và thành lập tân nội các. Cả hai ông Suleiman và Sahalik đều là người thân tín của tổng thống Mubarak và có quan hệ tốt với giới quân nhân và tình báo Hoa Kỳ. Sau đó ông tuyên bố ông sẽ không ra ứng cử tổng thống khi mãn nhiệm kỳ vào tháng 9 năm nay.

Phía đối lập không tin những lời hứa cuội của ông Mubarak. Trước đây ông đã nhiều lần giả nhượng bộ trước áp lực để khi ghế lại vững ông thẳng tay đàn áp. Trước các cuộc biểu tình càng ngày càng đông đảo lan ra các thành phố lớn trong nước như Alexandria, Suez trên bờ đông bắc của bán đảo Sinai gần Gaza, thế giới Tây Phương nhất là Hoa Kỳ đổi thái độ, bắt đầu áp lực ông Mubarak nên dàn xếp tình hình trước khi quá muộn.

Hiểu ý, ông Mubarak tuyên bô sẵn sàng từ chức ngay bây giờ, nhưng – như nhắn với Hoa Kỳ – nếu vậy Ai Cập sẽ rơi vào hổn loạn. Có một chút sự thật trong lời tuyên bố này. Nếu vào thập niên 1970 và cuối thập niên 1980 Hoa Kỳ và thế giới phấn khởi trước sự sụp đổ dây chuyền của các chế độ độc tài Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hy Lạp tại nam Âu châu, một loạt sụp đổ khác của các chế độ quân phiệt ở Nam Mỹ và sau đó là sự sụp đổ của các nước Đông Âu. Thì trái lại lần này sự sụp đổ của Mubarak sẽ kéo theo sự sụp đổ tất nhiên của các nước A Rập, Hoa Kỳ và thế giới có thể đứng trước sự bùng dậy của khối Hồi giáo quá khích đe dọa an ninh của Hoa Kỳ và ổn định của thế giới. Tuy nhiên việc phải đến đã đến.

Sau 18 ngày lèo lái, chiều ngày Thứ Sáu 11/2/20100 ông Mubarak và gia đình chạy ra thành phố nghỉ mát Sharm el-Sheikh bên bờ Hồng Hải. Sau đó Phó tổng thống Omar Suleiman thông báo ông Mubarak rời chức vụ tổng thống giao quyền xử lý công việc quốc gia cho Hội Đồng Tối Cao Quân Lực (Supreme Council of the Armed Forces) Hoa Kỳ bỗng rơi vào một thế tiến thoái lưỡng nan, một bên là một phong trào dân chủ bộc phát từ quần chúng, một bên là sự ổn định của một nước đồng minh rất cần thiết cho an ninh của Hoa Kỳ.

Đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền là lý tưởng của Hoa Kỳ. Nhưng trong thực tế của thế giới có nhiều cuộc đấu tranh cho dân chủ chưa chắc phù hợp với quyền lợi của Hoa Kỳ. Sự lựa chọn thường nghiêng về quyền lợi và từng là nguyên nhân của lời nói và hành động bất nhất của Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ từng kêu gọi bầu cử tự do cho Palestine, nhưng khi nhóm Hamas thắng trong cuộc bầu cử quốc hội tháng 1 năm 2006 trong một cuộc bầu cử được các quan sát viên quốc tế cho là đứng đắn, Hoa Kỳ không công nhận nhóm Hamas đại diện cho nhân dân Palestine và cắt viện trợ, cho rằng nhóm Hamas là một nhóm khủng bố (vì không công nhận sự tồn tại của Do thái). Kết quả nhóm Hamas dùng vũ lực chiếm chính quyền trong giải đất Gaza. Động thái này đã làm mất uy tín của Hoa Kỳ tại Liên hiệp quốc.

Không ai muốn thấy Ai Cập rơi vào hỗn loạn tạo một khoảng trống cho các thành phần quá khích. Nhưng nếu quân đội sắp xếp được một tiến trình dân chủ, có luật chuyển tiếp, có bầu cử tự do trong ổn định, thì sự ổn định chỉ có thể có tại Ai Cập nếu Hoa Kỳ cam kết tôn trọng kết quả cuộc bầu cử dù thành phần nào đắc cử một cách xứng đáng. Các thành phần đối lập tại Ai Cập sẽ không phấn khởi tham gia tiến trình dân chủ qua bầu cử nếu trường hợp đắc cử mà không được Hoa Kỳ công nhận (như trường hợp Hamas) không được cộng đồng thế giới minh bạch điều chỉnh. Trong trường hợp đó khó tránh được một cuộc nội chiến .

Sau khi tổng thống Mubarak rời chức vụ, cuộc nổi dậy của nhân dân Ai Cập đã chuyển qua một giai đoạn mới. Nhưng sẽ kết thúc như thế nào? Nhận định của tiến sĩ Mohamed ElBaradei trong “Tuyên Ngôn Chuyển Đổi Tại Ai Cập” (Manifesto For Change in Egypt) của ông nhân danh khối đối lập với tổng thống Mubarak phổ biến ngày 29/1/2011 có thể trả lời câu hỏi. Ông viết: “Mỗi ngày trôi qua chúng ta càng thấy khó làm việc với chính quyền Mubarak.

Giải pháp dàn xếp với Mubarak để thành hình một tiến trình chuyển tiếp trong ổn định cũng không còn là một giải pháp nữa. Người dân Ai Cập nghĩ rằng ông Mubarak năm nay 82 tuổi, cầm quyền đã 30 năm là quá đủ. Hãy đi đi để cho nhân dân Ai Cập bắt đầu một cuộc hành trình mới. Tôi không biết tình hình dùng dằng này còn kéo dài bao lâu nữa. Tại Tunisia cũng như tại Ai Cập không phải chỉ có chính quyền và nhân dân. Còn có nhiều thế lực khác. Quân đội Ai Cập cho đến giờ này gìm súng giữ thái độ im lặng.

Tôi hy vọng quân đội sẽ giữ thái độ đó. Các sĩ quan và binh sĩ là một thành phần của nhân dân Ai Cập. Họ hiểu sự bực tức của nhân dân và họ chỉ muốn bảo vệ quốc gia . Lần này nhân dân Ai Cập đã hết sợ. Và khi họ hết sợ thì không có một sức mạnh nào chận được bước chân của họ.” (1) Điều cần thêm là dù quân đội Ai Cập xử lý công việc quốc gia như thế nào, khối các nước A Rập cũng sẽ trải qua một quá trình cách mạng làm thay đổi cục diện thế giới và buộc Hoa Kỳ phải điều chỉnh chính sách đối ngoại và đối nội để thích ứng . Việt Nam học được bài học gì trong cục diện mới này? Chính quyền cộng sản Việt Nam đang theo gương Trung quốc chận đứng mọi thông tin về cuộc nổi dậy tại Ai Cập.

Sau khi biến động Tunisia lan đến Yemen và Ai Cập, đảng cộng sản Việt Nam đã thay đổi hệ thống chỉ huy quân sự tại thành phố Sài gòn để đáp ứng với tình hình. Bộ chỉ huy quân sự Sài gòn được đổi thành Bộ tư lệnh thành phố (2). Trong buổi lễ đổi danh xưng ngày 28/1/2011 một giới chức quốc phòng Việt Nam phát biểu: Quyết định đổi tên lực lượng vũ trang này nhắm "tăng cường sức mạnh quốc phòng, làm thất bại âm mưu hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, góp phần giữ ổn định chính trị, xã hội trên địa bàn thành phố" (3). Và rất có thể đảng cộng sản Việt Nam sẽ học bài học của Mubarak biến công an thành du đảng cướp bóc đánh dân chúng gây hổn loạn trong trường hợp nhân dân Việt Nam hết sợ theo gương dân Ai Cập xuống đường đòi chấm dứt chế độ độc tài đảng trị.

Nhưng đảng cộng sản Việt Nam không nên học bài học của Đặng Tiểu Bình năm 1989 bắn giết thanh niên sinh viên tại quảng trường Thiên An Môn. Năm 2011 của thế kỷ 21 không còn là năm 1989 của thế kỷ 20. Nếu các tướng lãnh đảng cộng sản Việt Nam ra lệnh bắn giết dân thì họ sẽ không thoát khỏi tòa án của nhân dân.

Con đường tốt nhất của quân đội cộng sản là hãy xứng đáng với danh xưng “Quân đội Nhân Dân”. Quân đội nhân dân là quân đội đứng về phía nhân dân. Bất cứ đảng nào “đồng hóa” đảng mình với nhân dân để sai khiến quân đội đều là một sự mạo nhận đáng xấu hổ . Những người Việt Nam trong cũng như ngoài nước đấu tranh cho dân chủ học được bài học gì từ cuộc nổi dậy tại Ai Cập? Thời cơ tới nhưng nếu không có lãnh đạo không thể cướp thời cơ.

Trần Bình Nam Feb. 11, 2011 binhnam@sbcglobal.net www.tranbinhnam.com

(1) Nguyên Văn Anh Ngữ đoạn này của bản Tuyên ngôn: “Each day it gets harder to work with Mubarak’s government, even for a transition, and for many of the people you talk to in Egypt, that is no longer an option. They think he has been there 30 years, he is 82 years old, and it is time for a change. For them, the only option is a new beginning. How long this can go on, I don’t know. In Egypt, as in Tunisia, there are other forces than just the president and the people. The army has been quite neutral so far, and I would expect it to remain that way. The soldiers and officers are part of the Egyptian people. They know the frustrations. They want to protect the nation. But this week the Egyptian people broke the barrier of fear, and once that is broken, there is no stopping them.”
(2) (Bộ chỉ huy quân sự Sài Gòn đổi thành Bộ Tư Lệnh )
(3) BBC Việt ngữ 31/1/2011


No comments: